1/1
1.
Thằng Tiến đứng dòm trước cửa phòng, chờ cho ông nó say giấc với vài ba tiếng ngáy như bò rống rồi mới dám mở cửa chạy tót ra ngoài. Mười hai giờ trưa là giờ lộng hành của đám giặc con trong xóm, thằng Tiến thuộc hàng em út phải canh khi không ai để ý nó mới dám chạy đi chơi. Vừa rón rén mở cổng nhà đã thấy bộ ba Quốc- Vinh- Duệ đội nón chờ sẵn. Anh Lan với thân hình bé tẹo được tôn lên làm đại ca đang gồng mình đấu võ mồm với thằng Vinh khi thằng đó bảo chiếc quần đỏ của anh là xấu ngoắc.
Thế là thằng Tiến ra nhập vào hội nhóm phá làng phá xóm do anh Lan tiên phong, thằng Vinh nay trộm được cái que dài ngoằng mà bố nó gác ở sau vườn nên xung phong đi đầu, ngông nghênh dẫn cả bọn đi trộm xoài nhà ông Hùng.
Nhà ông Hùng chỉ cách nhà thằng Tiến vài ba bước chân, là anh em chí cốt của ông nó nên hễ nó kéo anh em đến phá vườn là ông chạy sang mách ngay.
" Bây giờ tao giao nhiệm vụ cho từng đứa, đứa nào không làm thì nhịn, không phải nói nhiều." Anh Lan dõng dạc nói, đầu đội nón lá mới lấy danh đại ca mà cướp của thằng Duệ nên kiêu lắm.
" Lần này để em đứng canh, anh Lan với thằng Vinh lên trèo đi."
Thằng Quốc ngày trước là đứa nhanh nhảu leo lên cây, nhưng một lần chẳng may trượt chân làm cả cành cây sai trĩu quả của ông Hùng bị gãy, thế là ông Hùng từ trong nhà chạy ra, vác theo cây chổi dài ba thước, đến vườn thì chỉ thấy mình thằng Quốc mặt đen nhẻm do phơi nắng đứng tồng ngồng rối rít xin lỗi, còn hội anh em của nó đã chạy mất dép từ đời nào. Sau vụ đấy thằng Quốc đâm ra giận, nó bo xì hội anh Lan mà đi chơi đồ hàng với đám con gái xóm kế bên, mãi đến khi thằng Duệ- con chủ tịch xã bỏ tiền túi khao nó một chầu kem thì thằng Quốc mới rạng rỡ đi làm hòa với anh em.
Trở về với việc chính là hái trộm xoài, anh Lan vừa nghe thằng Quốc ý kiến ý cò liền vỗ bem bép vào mông nó, anh Lan cậy mình lớn nhất nên hay ra oai với đám chúng nó, chứ nói về khoản đánh đấm anh chưa chắc đã vật được thằng Hiền cháu ông Hùng, thằng đó nhìn nhỏ con vậy thôi chứ nó mà gào lên là anh với đám quỷ này cũng phải co giò bỏ chạy.
Lan bắt đầu ra vẻ anh lớn, vỗ vai thằng Tiến vẫn đang nhăn mặt vì trời nắng cười tươi roi rói:" Thằng Tiến bữa nay anh cho mày leo lên cây, còn thằng Duệ và thằng Quốc đứng hai bên bờ rào canh ông Hùng, thằng Vinh đứng dưới đợi thằng Tiến ném quả xuống thì lụm, mày mà để quả nào tuột khỏi tay là tao đánh bờm đầu."
Thằng Duệ đang không vui vì bị cướp mất nón nhưng khi nghe được giao việc nhẹ liền hí hửng chọn ngay bờ rào râm mát mà đứng canh, chừa cho thằng Quốc chỗ nắng cháy da không có một bóng cây.
Việc đâu cả vào đấy, thằng Tiến bắt đầu trèo lên cây, tướng nó nhỏ và gầy nên chẳng mấy chốc đã thoăn thoắt đến gần chùm xoài chín vàng ươm, thằng Vinh bên dưới gọi với lại đưa cho nó cái que dài để dễ hành động, rồi lại về vị trí ví nó như con khỉ khô mà luôn mồm chọc ghẹo.
" Ô tụi em ai cũng có việc, thế anh làm gì hả anh Lan?"
Nghe thằng Vinh hỏi, anh Lan đang ngồi phè phỡn trong bóng râm cũng không buồn quay lại nhìn, chỉ buột miệng nói một câu:" Chúng mày bầu tao làm đại ca mà, mà đại ca thì không cần phải làm gì hết."
Thằng Vinh vẫn còn nhiều điều muốn nói nhưng nó liền gạt qua khi ' con khỉ khô' bên trên cây đã bắt đầu chọc cho từng chùm xoài rơi xuống, hương xoài ngọt thanh làm bụng nó nhộn nhạo, năm nay nhà ông Hùng được mùa lớn, nó lại càng phải chăm chỉ cày cuốc hơn.
Xoài đã đầy cả một nón mà thằng Tiến vẫn lưu luyến chưa chịu trèo xuống, nó thích thú muốn trèo lên cao nữa mà thằng Quốc không cho, mồ hôi nhễ nhại vương đầy trên trán thằng Quốc đang không ngừng khều thằng Tiến xuống, nắng cháy đến cả chân tóc làm mắt thằng Quốc không thể mở nổi, nom đến là đáng thương.
" Ô anh Lan ơi đằng kia có tổ chim."
" Mày rống lên như thế làm gì? Mau leo xuống đi."
Thằng Tiến cố nài:" Em qua ngó tổ chim xíu rồi xuống liền, các anh cứ ăn trước đi."
" Mày dở hơi à em, tổ chim thì có gì mà xem, cứ như lần đầu nhìn thấy ấy." Đấy là thằng Quốc đang lên giọng khinh bỉ đứa em út trong nhóm.
Thằng Tiến bỏ ngoài tai lời mấy lời kêu gào của các anh lớn mà leo hẳn sang cây nhãn bên cạnh, năm nay nhãn nhà ông Hùng chán quá, quả thì bé tí mà thịt thì cũng chẳng được bao nhiêu, tụi nó ngày trước hái trộm mà chê mạnh, không đứa nào thèm đụng đến.
Một nón đầy xoài được đẩy hết cho anh Lan ôm, thằng Vinh mắt nhắm mắt mở dõi theo thằng Tiến đang ở độ tuổi nghịch ngợm, Vinh định nói gì đó nhưng rồi lại thôi, đứng im chờ người nhỏ hơn leo xuống.
Trưa hè nóng nực, mặt trời trên cao như quăng ám khí xuống trần gian, không khí oi ả nhưng rộn ràng đến lạ.
Chợt ở bên kia tường rào, nơi thằng Duệ đứng canh trông thấy tình hình không ổn vội la lên:" Có người đếnnn, thằng kia leo xuống mau."
Thằng Tiến còn đang tí tởn ở trên cây, vì tiếng hét của người anh lớn mà vội vã tuột xuống, nó bám vào vai thằng Quốc thằng Vinh mà đáp đất. Anh Lan ngó nghiêng một hồi thấy từ trong nhà bước ra, một dáng người be bé tỏa đầy sát khí đang cầm chiếc chổi chít hùng hổ lao ra, khóe miệng giật giật chuẩn bị cho một màn toàn lời hay ý đẹp.
" Mả cha mấy thằng ranh con kiaaaa, ai cho chúng mày hái xoài nhà tao."
Là thằng Hiền, cháu đích tôn của ông Hùng, thằng này hung dữ lắm, có khi đám thằng Vinh còn rén nó hơn cả ông Hùng.
" Trả lại xoài mau lên. Không tao đánh từng đứa chúng mày."
" Đéo cơ lêu lêu."
Cả đám co giò bỏ chạy, ôm theo chiến tích vừa lấy được mà cười đến rôm rả.
" Thằng Lan! Tao nhìn thấy mày rồi, chiều nay tao qua mách mẹ mày."
" Mách được thì cứ mách, tao thách cả lò nhà mày đấy."
Anh Lan hét lên rồi chuồn mất, để lại mình thằng Hiền nghe mà tức đỏ mặt, hậm hực quăng chổi vào góc rồi đi thẳng vào nhà, đám thằng Lan đã xách giò chạy biến dạng sau rặng tre, nó cau mày tức tối, nay chân nó bị đau nên chẳng có sức đuổi theo đám giặc dời ấy. Thằng Hiền vốn chẳng ưa gì thằng Lan, bằng tuổi nó mà toàn cầm đầu đi dạy hư đám con nít trong xóm, chỉ có thằng nhóc Tiến hàng xóm là nó không nỡ ghét, chứ mấy thằng to đầu còn lại, suốt ngày trực chờ mà hái quả nhà nó, nó ghét hết.
2.
Sau phi vụ trộm xoài đại thành công, cả đám phá làng phá xóm không hẹn mà cùng chạy đến một gác xép nhỏ bị bỏ hoang, nơi mà tụi nó ngang nhiên gọi là địa bàn của riêng tụi nó. Vừa đến nơi, anh Lan đã cầm cái nón đựng đầy xoài của thằng Vinh ra dáng đại ca bắt đầu chia phần cho đàn em thơ.
" Giờ tao chia xoài, đứa nào cũng có phần nên tụi mày không phải tranh nhau." Thằng Quốc thằng Duệ là hai đứa đầu tiên đứng lên đòi phần liền được anh Lan hào phóng chia cho một quả to quả nhỏ, tổng là hai quả, ba quả nhỏ hơn anh giành cho thằng Tiến, còn thằng Vinh nhanh tay nhót được ba quả mà anh Lan không nhìn thấy nên tạm bỏ qua, nửa nón xoài còn lại đại ca Lan đem giấu trong áo, trốn vào góc một mình xử hết.
Anh Lan lấy một quả lau vào vạt áo đã ố màu rồi đưa lên miệng cắn một miếng thật lớn:" Quá đã! Mùa hè mà có xoài ăn thì còn gì bằng."
Tuy có hơi chua và chát vì thằng Quốc quên đem theo súp hảo hảo nhưng vào miệng mấy đứa tụi nó đều trở thành mĩ vị trần gian không gì sánh bằng.
Thằng Tiến vừa ăn vừa nghe thằng Duệ kể chuyện dạo trước được ông bô chở lên thành phố chơi, nào là đướng xá tấp nập xe cộ, nào là mùi chả xiên tràn ngập trong từng ngóc ngách, nghe mà phát thèm. Thằng Vinh ngồi kế đã ăn đến quả thứ hai, nó còn một quả nhỏ bằng ba đầu ngón tay mà chín vàng ươm mới nhót được từ anh Lan, cầm lên lau vào lớp vải quần mà mẹ mới mua cho nó hồi sáng, đến khi thấy sáng bóng sạch sẽ mới lẳng lặng đặt lên đùi thằng Tiến. Một màn nho nhỏ này thôi bị thằng Quốc nhìn thấy mà la ó cả lên, báo hại anh Lan phải đưa cho nó thêm một quả mới chịu giữ yên lặng, thằng Duệ cũng nhân cơ hội mà xin thêm vài quả.
Cuộc sống làng quê của thằng Tiến là vậy đấy, nó thấy hạnh phúc với những gì nó đang có, một mái ấm nhỏ và những người anh em làng xóm dễ mến luôn kề vai sát cánh bên nhau, dù cho phố xá phồn thịnh qua lời kể của thằng Duệ nghe hấp dẫn thật đấy nhưng nó vẫn đem lòng yêu vùng quê này hơn.
3.
Quá trưa, màu vàng chói chang trên nền trời dần dịu lại, phủ một tầng gió hè phảng phất nơi góc xóm, hàng cây bên gác xép xào xạc như đang kéo một bản tình ca ngày hè. Thằng Tiến ngó trời mà nuối tiếc để các anh em ở lại, nó phải về trước vì ông nó còn đang ở nhà, nếu ông dậy mà không thấy nó chắc sẽ nổi giận cho coi. Chưa kể cháu ông Hùng còn đang ghim thù nó chuyện hồi trưa nay, giờ mà chạy sang mách lẻo chắc nó sẽ ăn no đòn mất thôi.
Bởi trong cái xóm nhỏ này, không ai là không biết đến ông nó, ngày trước ông ở trong quân đội là lính đặc chủng chuyên về bắn tỉa, người ta ví ông như một cỗ máy chiến đấu trên chiến trường không tim không phổi. Cả quá khứ lừng lẫy một thời của ông ai ai cũng từng nghe qua, giờ ông đã giải ngũ lui về ở ẩn, nhưng cái tính nghiêm túc và lối sống nguyên tắc ấy chưa một lần thuyên giảm, ông sẽ phạt thật nặng nếu biết nó đi theo hội anh Lan phá làng phá xóm cho coi. Bởi ngày trước anh Lan từng qua nhà nó chơi một lần, anh mở nhạc hát hò ầm ĩ làm ông lẫn hàng xóm xung quanh đều không ngủ được, từ lần đó tới giờ không còn thấy anh Lan qua nhà nó chơi nữa.
Nay nó đi đường thẳng về nhà, không đi con đường tắt mọi ngày hay đi nữa, bởi hôm nọ có người trông thấy nó đi qua rồi về mách với ông nội, làm nó bị ông giáo huấn cho một trận vì tội dám bỏ nhà đi chơi. Con đường này nó ít đi qua nhưng thuộc địa phận xóm nó nên nó cũng rành rỏi lắm. Trước mặt là phường, đi thêm một đoạn nữa là đến nhà nó. Thời gian về đến nhà chắc khoảng bốn đến năm phút nữa, thằng Tiến thử xoè bàn tay ra đếm, lúc nó ngẩng đầu lên thì thấy ở phía xa xa, bóng dáng ông Hùng nhà bên đang đứng ở đó. Chết cha, sao nó lại quên mất một chuyện quan trọng khác cơ chứ? Ông Hùng là cảnh sát trưởng đã về hưu, thi thoảng không có việc gì làm là lại thấy ông lui đến đồn giao lưu với mấy đồng nghiệp cũ, giờ mà nó đi qua kiểu gì cũng bị ông kéo lại hỏi chuyện.
Nó tính đợi lúc ông Hùng không để ý mà chạy vọt qua, nhưng khổ cái là ông Hùng khi nói chuyện thường có thói quen để ý vạn vật xung quanh, tỉ như đường xá hay mây trời, ông vừa chống nạnh tám chuyện vừa nhìn ra con đường làng, thằng Tiến trông thấy cảnh tượng đấy chỉ biết khóc thầm trong lòng. Nhưng giờ nó đang gấp, chẳng thể chờ thêm một giây nào nữa, nó đánh liều đi qua ông Hùng, nhỡ đâu kì tích sẽ xảy ra với nó? Ông Hùng mải nói chuyện mà không để ý đến nó thì sao?
" Xin hỏi ông anh đây có biết ai ở xóm này tên là Hạo không?"
" Hạo? Chỗ này nhiều người tên Hạo lắm, ông em đây là muốn hỏi Hạo nào?"
" Chương Hạo."
" Là Chương Hạo ngày trước từng làm lính đặc chủng, không biết anh có biết người đó không?"
Bước chân thằng Tiến đột nhiên dừng lại, cách nơi phát ra tiếng chuyện trò của ông Hùng và một người đàn ông trung niên lạ mặt cỡ vài mét. Chương Hạo? Không phải đó là tên ông nó sao, người này tìm ông nó là có chuyện gì?
" À thì ra là Chương Hạo, tôi biết người đó, lão đó ở ngay gần nhà tôi." Ông Hùng mỉm cười, đôi lông mày dần dãn ra.
" Ôi thế thì may quá, anh có thể đưa tôi đến gặp người đó được không?"
Ông Hùng nhìn tia mong chờ trong mắt của người đối diện mà không biết nên mở lời thế nào, chắc hẳn người trước mặt đây là người quen cũ của ông bạn hàng xóm, nhưng ông còn đang dở ván cờ với mấy thằng nhóc bên trong kia, tụi nó khinh ông già không đủ sức địch lại người trẻ tuổi nên hay trêu ông, ông Hùng nghe mà tức ở trong lồng ngực, lên ngay kèo tới bến với chúng nó, ai ngờ lại bị hội đồng dồn vào thế bí, chạy ra ngoài tính nước thì bắt gặp người đàn ông này. Nhìn ông ta hiền lành chất phác, trên trán còn đổ cả một tầng mồ hôi, xem chừng như đã tìm người rất lâu, ông Hùng thấy tội nên cũng chẳng nỡ từ chối yêu cầu nhỏ nhoi ấy. Có lẽ ông nên bỏ lại ván cờ rồi hẹn đám nít tranh trong kia dịp khác, đang gật gù với suy nghĩ của chính mình thì ông phất hiện ở cách đó không xa, một gương mặt non choẹt trông rất quen mắt, là thằng cháu yêu quý của ông Hạo đây mà, thật là trùng hợp quá.
" Cu Tiến phải không? Mau lại đây ông bảo."
Thằng Tiến giật nảy mình định quay đầu bỏ chạy mà không kịp nữa rồi, nó dè dặt bước lại chỗ ông Hùng, một gương mặt lạ lẫm làm nó chú ý tới, nhưng nó có cảm giác thật quen mắt như đã từng thấy ở đâu đó rồi.
Ông Hùng cười giả lả xoa đầu nó:" Ông này là bạn cũ của ông Hạo từ nơi khác tới, Tiến dẫn ông này về nhà gặp ông nội nhé."
Nó ngước lên bắt gặp ánh mắt của ông cũng đang dừng lại trên người nó, mới đầu là vẻ mặt bất ngờ rồi dần dần chuyển sang buồn man mác.
" Anh ấy vậy mà đã cưới vợ sinh con, còn có một đứa cháu đáng yêu như này nữa."
Giọng ông run run, dường như cả thế giới đang dần suy tàn trước ánh nhìn u buồn hơn cả lòng đại dương. Thằng Tiến không hiểu sao bỗng thấy có gì đó hơi nhói ở trong tim, nó trầm ngâm một lát, rất nhanh liền bắt lấy trọng tâm trong lời nói, nó cười cười nhanh nhảu đáp:
" Ông ơi, ông nội con không cưới vợ đâu ông. Bố con là do ông nội nhận nuôi, ông con vẫn đang lẻ bóng một mình."
Ông Hùng nhún vai đầy bất lực rồi trở vào đồn khi cảm thấy bản thân đang bị cho ra rìa. Thằng Tiến vẫn luôn để ý đến biểu cảm trên khuôn mặt của người đàn ông nọ, ông ta mới đầu có hơi ngơ ngác rồi dần dần vui vẻ trở lại, khóe miệng ông còn không tự chủ bày ra một nụ cười sáng ngời, thằng Tiến nhìn mà ngơ ngẩn, nó thấy trong lòng như có cơn nắng nhẹ vụt qua.
Thằng Tiến từ bé đã bị ông nó nhồi nhét cho sự thật đắng lòng là bố con nó không phải là máu mủ ruột thịt của ông, mới đầu nó còn tủi thân vì không cùng chung một dòng máu với ông, nhưng càng về sau này, nó thấy những tiểu tiết ấy không còn quá quan trọng nữa, bởi ông vẫn luôn yêu thương và chăm sóc nó vô điều kiện, thằng Tiến thấy như vậy là đủ rồi. Nhưng nó vẫn còn một thắc mắc mà không ai có thể giải đáp, nó thử hỏi ông một lần mà ông chỉ lắc đầu rồi hướng ánh nhìn về vườn anh đào xa xăm, tại sao ông lại có thể nói ra những điều ấy mà không một chút do dự? Điều ấy làm nó cứ mãi canh cánh trong lòng. Có lẽ phải ở một khoảng thời gian khá xa, khi thằng Tiến thực sự trưởng thành nó mới có thể giải đáp được.
4.
" Ông ơi ông là bạn của ông con ạ?"
Thằng Tiến ngây ngô lân la gợi chuyện khi ngôi nhà thân yêu của nó dần hiện ra trước mắt.
" Cũng không hẳn là bạn, mà là tri kỷ... tri kỷ của nhau."
' Tri kỷ', hai chữ thốt lên nghe thật xa xỉ mà ngày còn bé bố nó thường giành một thời gian kha khá để giải thích cho nó nghe, nhưng lúc đấy nó bé quá nên chẳng thể hiểu và giờ cũng chẳng nhớ rõ. Nhưng trong trí nhớ của nó vẫn còn đọng lại một chút kí ức:
" Không phải ai trên đời cũng kiếm được cho mình một tri kỷ để bầu bạn, có những người dành cả đời cũng chẳng kiếm được một bóng hình khi về già, bố tin rằng, khi gặp được người đó con sẽ hiểu."
" Người đó là ai hở bố? Có phải anh Vinh, anh Lan, anh Quốc hay anh Duệ không bố?"
Bố nó cười mà cốc lên mái đầu ngây thơ của nó:" Có thể lắm đấy, nhưng Tiến phải giữ họ lại nhé, đừng để tuột mấy rồi mới thấy nuối tiếc."
" Xì, mấy anh đó thích Tiến lắm, toàn bám Tiến miết thôi. Bữa anh Vinh còn nói sẽ ám Tiến tới già luôn cơ."
Bố Tiến:"..."
Cổng nhà để toang hoang, nó nhớ lúc trưa trốn đi chơi rõ ràng đã cẩn thận đóng lại rồi, chắc hẳn ông nó đã tỉnh dậy và đã phát hiện nó không ở nhà.
Thằng Tiến vội chạy sồng sộc vào nhà, tìm tới tìm lui cũng chẳng thấy bóng dáng ông đâu cả, gọi đến khàn cổ cũng chẳng nghe tiếng ông đáp lại, nó nghĩ thầm trong bụng chắc ông nó đang đi tìm đâu đó ở quanh xóm, nó quay ra sân nói sơ qua với người đàn ông, chưa kịp để người ta tiêu hoá đã chạy cái vèo đi tìm ông nội.
Khi tiếng bước chân của thằng Tiến nhỏ dần ở phía xa, bóng lưng trung niên nọ đã chẳng thể chống đỡ nổi mà run lên, đôi mắt vương đầy dấu chân chim nhuốm màu xưa cũ phảng phất chút bồi hồi nán lại nơi đáy mắt, ông đặt tầm nhìn vào vườn cây um tùm trong sân nhà, làn gió hè lướt qua, hương anh đào thuần khiết vẫn còn vương vấn về một hồi ức từ thuở xa xưa.
" Sau khi giải ngũ, anh muốn dành phần đời còn lại để ở bên em. Ta sẽ sống trong một ngôi nhà nhỏ, trồng một ít cây để lấy bóng mát. Cứ sống yên bình như vậy đến hết đời người."
" Trồng cây á? Anh biết em ghét nhất việc đó mà."
" Anh đâu có nói là bắt em trồng. Một mình anh trồng là đủ rồi, em chỉ việc tận hưởng thôi.
" Còn nếu mai này đôi ta xa nhau... anh sẽ trồng một vườn cây anh đào, để khi nhìn nó anh sẽ nhớ về em."
" Người con trai anh thương."
Hàng cây anh đào đung đưa theo chiều gió, thân cây mảnh mai được săn sóc tỉ mỉ đã bắt đầu nhú lên vài nụ hồng, ông Hân đứng từ xa trông mà trên môi ánh lên một đường cong thật mỏng, đó là một nụ cười nhẹ thoáng qua, chẳng đọng lại một tia vui vẻ. Màu hồng xinh đẹp trên cánh hoa làm lòng ông nhộn nhạo mà nhớ về mối tình đầu ngây ngô của mình, đoạn duyên thuở đôi mươi khi mường tượng lại cảm giác mãnh liệt ấy vẫn còn rộn ràng như thuở ban đầu, nhưng rồi cơn gió hiện thực tạt qua, sự thật tàn khốc khiến ông bàng hoàng nhận ra, thời gian vậy mà đã chạy qua lâu như vậy rồi. Ngót nghét hơn ba mươi năm, ông đã đi tìm một cái kết đẹp cho đoạn tình còn đang dang dở.
" Xin hỏi ông đây là-?!!"
Ông Hân nghe tiếng dép lào lẹt xẹt hai bên màng nhĩ mà lòng nóng như lửa đốt, vội vã quay người lại, ông bỗng thấy nơi lồng ngực trở nên nóng ran, buồng phổi vì hồi hộp mà gần như nín thở. Gương mặt thân quen phai mờ theo năm tháng ấy, cuối cùng cũng có thể gặp lại nhau rồi.
Tròng mắt ông Hạo mở to, mấy sợi tơ máu đỏ quạch cũng hiện rõ mồn một, toàn thân cứng đờ nhìn dáng dấp vừa lạ lẫm vừa quen thuộc đang đứng trong sân nhà, ông dường như đã cảm nhận được sự thân thuộc khi người ấy quay cả cơ thể về phía ông, một cỗ cảm xúc không tên trào dâng khi ông nhìn lên khuôn mặt già dặn vương vài nếp nhăn. Hương hoa anh đào bao quanh đầu mũi, sau ba mươi năm ròng rã chờ đợi, ông cuối cùng cũng đợi được người ấy.
" Anh Hạo mới đó mà đã quên mất em rồi à? Là em Hân đây, em Hân của anh đây, em đã về với anh rồi đây."
Lời vừa dứt, hai thân ảnh vương đầy sương gió trần gian đã tìm về với nhau, cơn nắng oi ả ngoài kia cũng chẳng còn nghiệt ngã mà chia rẽ tình duyên của họ, hàng anh đào tung bay trong gió, hai thiếu niên non nớt năm nào thề hẹn dưới gốc cây anh đào giờ đã bạc trắng cả mảng đầu, nhưng sợi chỉ đỏ buộc trên ngón tay chưa một lần phai mờ.
" Anh làm sao mà quên mất em Hân được chứ, những năm qua anh vẫn luôn không ngừng tìm kiếm em, anh chưa một lần từ bỏ niềm tin rằng một ngày nào đó... hai ta sẽ lại gặp nhau."
" Thật may... Khi ngày đó đã đến."
" Anh đã chờ em được rồi này."
5.
Thằng Tiến sau một hồi chạy ngược chạy xuôi cũng đành ôm một bụng chán nản trở về, nó đã lật đật chạy ngược lên nhà thằng Duệ để hỏi thăm tung tích của ông nó mà kết quả thì chả ra làm sao, nó vẫn không tìm được ông nội. Ấy mà chưa kịp lựa lời để nói với vị khách nọ, thằng Tiến đã thấy ông nội nó về từ khi nào, còn đang cùng vị khách đó ôm ấp anh anh em em tình thâm trước cổng nhà. Thằng Tiến chỉ biết chống nạnh thở dài nhìn hai người nọ, điệu bộ nom rất bật lực.
Phải đến khi bố mẹ nó đi làm về, thằng Tiến mới dám lẽo đẽo theo vào nhà, mẹ nó mới đậu xe chưa kịp thay quần áo ngành đã vội chạy đi pha trà mời khách.
Bàn uống nước sau một hồi đã chật kín người, bố mẹ và thằng Tiến đều hướng ánh nhìn hiếu kì về người đàn ông trung niên lạ mặt. Sợ khiến người nọ khó xử, ông Hạo bèn nhắc khéo con cháu trong nhà, xong xuôi rồi ông mới nhấp một ngụm trà, giọng ông ồm ồm bắt đầu giới thiệu về vị khách không mời mà đến, đôi mắt ông khi nhắc đến người nọ cũng dịu dàng hơn mười phần, khác hẳn những lần cầm roi đuổi đánh thằng cháu.
" Đây là ông Hân, năm xưa là đồng đội cùng chiến khu với ông... và cũng là mối tình đầu của ông."
Gió hè len lỏi vào khoảng sân nhà, bụi cây anh đào được ông Hạo ngày ngày cần mẫn chăm sóc giờ đã cao lớn phổng phao hơn cả ông, nhớ hồi nào nó còn non nớt chỉ cao ngang thắt lưng, ông ngồi ông ngắm mà ông bồi hồi nhớ về người xưa, ông chỉ mong khi nó lớn lên, có thể gặp được người đã đưa nó đến với ông, một người cách xa muôn trùng mà ông vẫn hoài nhung nhớ.
Lại nhắc về cây anh đào, đó như là nơi ông gửi gắm những kỉ niệm xa xưa mà ông chưa một lần lãng quên. Ông nhớ về lần đầu tiên ông gặp mối tình đầu, hai người xảy ra chút mâu thuẫn nên vừa gặp đã lao vào trao đổi chiêu thức. Ông xuất thân là lính đặc chủng có kinh nghiệm dày dặn trên mọi chiến trường nên rất nhanh đã hạ đo ván đối phương, mà nửa kia của ông lúc đấy mới chân ướt chân ráo vào nghề không giấu nổi sự vụng về trong mỗi đòn đánh, thành ra bị ông đánh đến thảm thương. Mãi sau này ông mới biết ngày đó ông ra tay mạnh quá nên con đường theo đuổi tình yêu mới lắm chông gai.
Ông Hạo là tiểu đội trưởng của tiểu đội hai- tiểu đội hùng mạnh nhất ngày đó, ai trong quân doanh nghe danh cũng phải kiêng nể vì tính cách có phần trung trực và tài thiện xạ đỉnh cao của ông. Tính ông rất thẳng nên gặp cái gì không vừa ý là ông nói ngay, bất kể người đó có là cấp trên ông cũng không ngại mà thẳng thắn đưa ra quan điểm, tính ông là vậy nên lắm lúc cũng khiến người đối diện vì kiêng dè mà không dám thở mạnh.
Ấy vậy mà từ ngày quân doanh kết nạp thêm nhiều người mới, tiểu đội trưởng nghiêm túc chính trực của tiểu đội hai đột nhiên có tin đồn là ' ma cũ bắt nạt ma mới'. Đám lính dưới trướng nghe vậy mà mặt mày sưng xỉa cả lên, quyết tâm đi làm sáng tỏ sự thật, rằng tiểu đội trưởng của bọn họ chỉ bắt nạt bọn họ chứ không bắt nạt những người khác.
Dò la nửa ngày trời mới biết tiểu đội trưởng của bọn họ trốn tập luyện đi huấn luyện vài đường cơ bản cho người mới, mà dạy thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy tiểu đội trưởng chăm chăm bắt bẻ con trai nhà người ta. Lính mới đó sai có một động tác mà tiểu đội trưởng phạt chạy vòng vòng quanh sân, không chịu nổi thì cho chống đẩy, quá ác, những lính mới khác đã rén.
Như tưởng bản thân chưa đủ ác, tiểu đội trưởng còn cho một mình lính mới ấy trong thời gian giải lao đi gánh nước tưới rau, ý rõ là không vừa mắt và đã ghim cậu ta. Tụi anh em hóng hớt đi xem náo nhiệt mà cũng thấy thương cảm cho số phận đen đùi của chàng lính.
Mãi đến khi buổi huấn luyện sắp kết thúc, chàng lính mới không chịu được luyện tập với cường độ cao mà bật khóc thì tiểu đội trưởng ác ma mới chịu dừng trò đùa lại. Nghe đồn tiểu đội trưởng hoảng loạn dỗ mãi người ta không chịu nín, dọa chặn họng bằng miệng chàng ta mới mếu máo ngừng khóc.
Anh em trong tiểu đội hai kéo nhau đi thăm dò hỏi han mãi mới biết đồng chí kia có anh em thân thích bên tiểu đội một, xin ứng vào vị trí gỡ bom, cả hội nghe xong liền à một tiếng, thì ra là lính đặc chủng chuyên về tháo dỡ bom, thảo nào dỡ luôn tâm trí tiểu đội trưởng của bọn họ.
" Sao tiểu đội trưởng cứ bắt nạt em hoài thế? Chuyện xưa em đã xin lỗi rồi mà, tiểu đội trưởng cứ định ghim thù em mãi à?"
Dưới gốc anh đào lồng lộng gió trời, Hân đánh liều kéo tay tiểu đội trưởng ra hỏi chuyện, phải biết em đã lấy hết dũng khí mới dám nói năng như vậy với đối phương.
" Em đang hỏi tiểu đội trưởng đấy, s-sao tiểu đội trưởng... cứ nhìn em mãi thế?"
Hân bắt đầu trở nên lắp bắp dưới ánh nhìn mãnh liệt đầy âu yếm của người lớn hơn, tiểu đội trưởng chẳng nói năng gì cứ mải mê nhìn em, mà ánh nhìn ấy làm em thấy ngột ngạt tưởng như bản thân là mục tiêu đứng trước nòng súng lạnh lẽo của người nọ, nhưng có một điều mà em không để ý, đó là chẳng ai lại nhìn mục tiêu của mình bằng ánh mắt say mê đó cả.
" Em Hân này, tôi đã bảo em bao nhiêu lần rồi? Lúc chỉ có hai ta, em phải gọi tôi là anh Hạo, em có nhớ không?"
" V-vâng... anh Hạo."
" Ngoan."
Đấy, tiểu đội trưởng lại ức hiếp người quá đáng, bao nhiêu người ngoài kia thì không chịu, cứ thích nhắm vào một mình em Hân. Mà em Hân thì ngơ lắm, không phải kiểu nai tơ ngơ ngác mà là ai bảo gì thì em đều nghe đó, còn tin thật là đằng khác, hiền lành tốt bụng ai ai cũng yêu mến. Vậy mà ngày đầu lơ ngơ lại đụng trúng ác ma của quân doanh, nên giờ người ta cứ đè chuyện đó mà bắt nạt em hoài. Em Hân không phải người yếu đuối, em còn vượt qua nghìn người đậu được vào trong này cơ mà, chỉ tại kẻ địch quá mạnh, đến cấp trên cũng phải dè chừng anh ta bảy đến tám phần. Nói chi là người chỉ biết ' một điều nhịn, chín điều lành' như em Hân, em không dám bật lại, chỉ giấu những uất ức trong lòng cho đến tận hôm nay mới bùng phát ra thôi.
" A-anh Hạo có chỗ nào không vừa ý em thì anh cứ nói, em sẽ cố để sửa,... chứ anh đừng đè đầu bắt nạt em nữa, để anh em trong đội nhìn, tội em lắm."
Em Hân không dám nhìn thẳng vào mắt anh Hạo, em cứ mãi lí nhí ở trong cổ họng, tại lá gan em nhỏ, những ngày đi tháo dỡ bom thì em hùng hổ lắm, mà giờ đứng trước người đàn ông uy nghiêm này, em gồng không có nổi.
" Anh bắt nạt em Hân bao giờ?" Anh thương Hân còn không hết.
Thấy người nhỏ bắt đầu bĩu môi tỏ vẻ hờn dỗi, trái tim tiểu đội trưởng cũng nhũn cả ra, thật là, con trai ai lại bày ra bộ mặt đáng yêu như thế này chứ.
Thế là bao lời anh Hạo soạn ra để trêu em đều bị gió đánh bay đi mất, anh chần chừ trong giây lát rồi rón rén nắm lấy bàn tay em, tay em chẳng mềm mại như những cô chiến sĩ tình nguyện mà anh từng gặp trước đây, tay em chai sạn sần sùi còn có mấy vết sẹo nhỏ đang dần tróc vẩy, đầu ngón tay còn bị xước xác trong mấy tiết học gỡ bom mìn. Anh Hạo nhìn mà lông mày nhíu cả lại, là anh đang đau, đang xót, lồng ngực phập phồng như đang cố ép cho hơi thở lưu thông trở lại, dạ dày trong người cứ cuộn trào cả lên, anh nghĩ anh nên hành động ngay thôi.
Em Hân còn chưa hết bàng hoàng khi bị anh nắm tay, mặt mày em đã đỏ hết cả lên mà anh còn buông những câu tán tỉnh nữa, sao trước giờ em chưa từng nhìn thấy bộ mặt này của tiểu đội trưởng nhỉ? Tim em đập thình thịch, đến em còn phát hoảng vì sợ người đối diện sẽ nghe thấy.
" Em Hân này, tay em chai sạn cả rồi, sau này chẳng thể vào bếp được nữa đâu, rát lắm đấy. Anh đây tuy nấu ăn chẳng giỏi bằng ai nhưng nguyện vì em Hân mà nấu ngày ba bữa. Không biết em Hân có bằng lòng duyệt không?"
Ơ tiểu đội trưởng cao lãnh đang nói gì thế? Là đang chê tay em xấu không thể nấu ăn à? Em Hân rất không bằng lòng nhé.
Vì em Hân còn giận tiểu đội trưởng nhiều thứ lắm nên khi người ta ngỏ lời em mới giả khờ làm ngơ. Phải rất lâu sau đó em mới thẹn thùng gật đầu đồng ý. Ngày hôm đó tiểu đội trưởng của tiểu đội hai rạng rỡ hẳn lên, dường như đêm đen chẳng đến mà nụ cười trên môi tiểu đội trưởng cũng chẳng tắt. Chẳng ai hay biết gì về sự tích của nụ cười đó, chỉ có hai bàn tay lặng lẽ đan vào nhau nơi góc nhỏ đã thay thế cho câu trả lời.
Anh Hạo và em Hân vẫn hành xử như những ngày bình thường, vẫn anh một nơi em một nơi mà chăm chỉ tập luyện, vẫn đi ăn trưa cùng anh em trong đội hay chọc ngoáy nhau đôi ba câu, anh em trong đội nhìn mà thì thầm bảo nhau:
" Hai người đó hình như không còn chí choé với nhau nữa."
" Đâu có, tại chú mày không để ý đấy thôi, thằng Hân vừa trộm mất miếng thịt của tiểu đội trưởng."
Anh và em đều không công khai, người ngoài nhìn vào cứ ngỡ chỉ là tình đồng chí thân thiết, nhưng khi đến nơi vắng bóng người, họ lại lao vào nhau cho thỏa nỗi nhớ, trời biết, đất biết, anh biết, em biết vậy là đủ rồi.
Cứ tưởng sẽ mãi đắm chìm trong biển ngọt của tình ái, cùng nhau kề vai trên chiến trường bão bom mưa đạn, giữa dòng đời nghiệt ngã hai bàn tay vẫn đan chặt vào nhau không thể tách rời, vì tiếng gọi từ tổ quốc thiêng liêng, anh và em bắt buộc phải chia xa.
Trước ngày xa nhau, anh và em đều biết lần này đi có lẽ là lành ít dữ nhiều, cũng chẳng biết đến bao giờ mới có thể hội ngộ, em nắm lấy tay anh mà dặn:
" Anh nhớ giữ gìn sức khoẻ, đừng vì em mà xao nhãng việc nước, nghe anh." Em nào dám đòi hỏi anh phải giữ thân thủ tiết, em nào dám đòi hỏi anh phải mau chóng về với em, em muốn nói với anh nhiều lắm mà lời vừa thốt ra đã nghẹn đắng cả bờ môi.
Dường như anh cũng biết em Hân của anh định nói gì mà tiến tới kéo em vào lòng, chậm rãi đặt lên môi em một nụ hôn phớt, chỉ có sự dịu dàng và thương nhớ được anh gửi gắm trên cánh môi nhỏ, thế giới nhỏ của anh, xin em hãy bảo vệ.
Một lần xa là cả ngàn lần nhung nhớ, đứng trước mui xe tăng, anh thề đời này sẽ không cưới ai ngoài em, trên có trời dưới có đất chứng giám, nếu làm trái lời thề anh xin chịu bảy kiếp thiên lôi, đời đời kiếp kiếp không thể siêu sinh. Em nghe mà hoảng phải lấy tay che miệng anh lại, tuổi trẻ là tuổi bồng bột, anh trót hứa dại, nửa đời sau ai mà biết được.
Chiếc xe chở người thương lăn bánh rời đi, khi xa là một mái đầu xanh khi gặp là cả đầu bạc trắng. Cứ ngỡ chỉ mới ngày đầu gặp gỡ, mà khi nhìn lại ngỡ ngàng mới biết hoá ra đã qua gần nửa đời người. Nhớ ngày nào tiểu đội trưởng còn nghiêm mặt xử phạt những anh em trong đội vì trễ nải tập luyện, nay đã trở thành ông lão ngày ngày trông đợi một bóng hình suốt ngần ấy năm chưa từng thay lòng. Và giờ ông đã đợi được tình đầu cũng là tình cuối trở về, em Hân ngày trước một tiếng ' anh Hạo' mười tiếng cũng ' anh Hạo' thật sự đã trở về bên ông.
Thằng Tiến nghe ông kể mà khóc ướt cả vạt áo, nó sụt sịt lén nhìn khoé mắt ông cay cay dõi theo khoảng sân vườn, hàng cây anh đào ngày trước ông trồng đã được gặp người chủ nhân thứ hai của nó. Thằng Tiến nghĩ đến mà vừa vui vừa buồn, tim nó quặn thắt lại, trẻ con ấy mà, khó che giấu được cảm xúc như người lớn lắm, nên nó nghĩ gì là làm đấy, chẳng hạn như leo tuốt khỏi ghế mà bổ nhào vào lòng hai người đàn ông trung niên trước mặt. Thấy nó khóc, người lớn trong nhà cũng chẳng nhịn được mà đỏ mắt.
6.
Từ ngày nhà thằng Tiến có thêm một thành viên, căn nhà nhỏ bé trở nên rôm rả hơn hẳn. Bố nó bảo người già thì thường hay cô đơn nên bố đón cả ông Hân ở lại bầu bạn với ông nội nó. Ngoài mặt thằng Tiến gật gù cho có lệ vậy thôi, chứ nó thừa biết là hai ông đã chẳng thể tách rời nữa rồi.
Thằng Tiến ngày trước chạy phòng đọc sách của ông tìm đồ, nó thấy trên bàn đặt một khung ảnh mà mấy chục năm chưa từng thay đổi. Lại gần nhìn kĩ vào bức ảnh, thằng Tiến giờ mới ngờ ngợ ra một chuyện quan trọng, ngày đầu nó gặp ông Hân thấy ông quen quen là vì ông trông giống người trong bức ảnh mà ngày nào ông nó cũng lôi ra hết ngẩn ngơ rồi lại lau chùi, mà nào phải giống không đâu, bức hình ấy được chụp khi hai ông còn trong quân đội, khuôn mặt toát lên vẻ ngây ngô và hừng hực khí thế tuổi trẻ, khoảnh khắc quý giá ấy được ông nội nó trân quý mà lồng kính gìn giữ cho đến tận bây giờ.
Thằng Tiến giờ đã có hai ông rồi, ông lớn và ông nhỏ, ai cũng có đôi có cặp, chỉ lẻ ra mình nó nên thằng Tiến đâm ra hờn. Nhưng sau tất cả, nó thấy vui nhiều hơn, vì ông của nó giờ đã không còn thói quen đứng ngắm anh đào nở mà lẩm bẩm một mình nữa rồi.
Ông Hạo giờ đã có cho mình niềm vui mới mà chẳng còn quản thằng cháu chặt như xưa nữa, nên cứ quá trưa là thấy thằng Tiến chạy tót ra ngoài đi chơi, lắm hôm còn mải chơi đến tận giờ cơm tối mới chịu về. Nó chẳng còn sợ đòn roi của ông Hạo nữa, bởi mỗi lần ông Hạo vung roi là ông Hân lại ra can, vừa mắng(yêu) ông Hạo một trận rồi dúi cho thằng Tiến ít tiền để đi mua kem ăn. Thế là không chỉ có mỗi thằng Tiến, mà thằng Quốc, thằng Vinh, thằng Duệ và cả anh Lan đều yêu thích ông Hân, thằng Hiền cháu ông Hùng giờ cũng đã gia nhập vào nhóm phá làng phá xóm là nhờ ông Hân cả đấy.
7.
Thấm thoát trôi qua hơn hai mươi năm, thằng Tiến giờ đã khôn lớn trong tình yêu thương và lời dạy bảo của những người lớn trong nhà, nó đã không còn là đứa nhóc chạy theo các anh lớn trong xóm đi nghịch dại nữa rồi. Nó lên thành phố học và làm việc cũng gần chục năm nay, tính tình cũng trưởng thành hơn hẳn, ít khi thấy nó gọi về hỏi thăm nhà cửa hay sức khỏe các thành viên trong gia đình. Bởi nó còn nhiều gánh nặng trên vai, hơn hết nó là con trai nên không thể hiện tình cảm ra ngoài nhiều, bố mẹ nó biết cũng không nỡ trách. Nhưng khi nó nhận được cuộc điện thoại của mẹ cách đây vài ngày trước, nó mới nhận ra, nó đã vô tâm với gia đình đến mức nào, bởi nó không hề biết ông Hân của nó đã đổ bệnh một thời gian dài.
Nó sắp xếp quần áo đặt xe về ngay trong đêm, mong có thể gặp ông lần cuối. Rồi khi nó đặt chân đến làng, tiếng kèn trống đau xót lòng người đã vang lên từ thuở nào, một màu đen đầy tang thương giăng kín ngôi nhà nhỏ, hương nhan luẩn quẩn bên đầu mũi còn chưa phai, ấy là thằng Tiến biết, nó về trễ rồi.
Ba ngày để tang ông, thằng Tiến sụt cân đi hẳn, nó mang khuôn mặt phờ phạc mà quỳ gối trước di ảnh của ông Hân, ngày nào vừa mở mắt ra đã hít đầy một bụng khói hương. Mẹ nó nhìn mà thấy xót con, nạt mãi nó mới chịu nạp chút năng lượng vào người, nhưng thằng Tiến nó lì, mấy lần suýt ngất phải đưa đi truyền nước vẫn cứng đầu cứng cổ quyết dập đầu với ông cả ba ngày. Ông Hân tuy chẳng phải ruột thịt gì với nó, cũng chẳng phải người đã nuôi nó lớn lên, nhưng những gì ông dành cho nó lại chẳng kém cạnh gì bố mẹ. Ông chẳng có con cháu mà chỉ có nó với ông Hạo, thằng Tiến biết nên càng thêm yêu thương ông nhiều hơn.
Nhưng khi nó trưởng thành, những thú vui nơi thành thị xa hoa đã khiến nó bỏ quên xóm nhỏ chứa đựng bao kia ức tươi đẹp của tuổi thơ, những lời dạy bảo của hai ông và cha mẹ đã vô tình bị nó cất ở nơi quên lãng. Giờ thằng Tiến mới ngộ ra, nó hận bản thân ngu ngốc không nhìn ra những thứ nó thật sự cần chỉ ở ngay trong tầm với mà mải miết chạy theo danh vọng và tiền tài. Nó bây giờ chỉ biết ao ước có thể trở lại những năm tháng vô tư hồn nhiên, nơi sạch sẽ không vương một chút bụi bặm của xã hội, trở lại với những thứ bị bỏ lại ở phía sau, nhưng làm sao mà được hỡi em ơi? Bởi khi mất đi rồi con người ta mới thấy nuối tiếc, nhưng mà đã quá trễ để lấy lại rồi, cuộc đời là nghiệt ngã vậy đó.
Ông Hân đi là vào những ngày mưa đầu hạ, gió lớn thổi từ sườn đông mạnh mẽ quật lên bóng hình cô độc tiễn ông đi. Mấy ngày đó trời mưa không ngớt, ông Hạo của nó cũng vì sợ ông Hân lạnh mà ngày ngày túc trực trò chuyện bên linh cữu, hai vai ông vốn gầy nay lại vì gánh thêm chuyện này mà nặng thêm nhiều phần.
Nhà có hai ông cháu thì cả hai đều cứng đầu như nhau, thay phiên ủ ấm nơi thắp nhang đầy giá lạnh. Ông Hạo không khóc, không suy sụp như nó, nhưng sâu trong thâm tâm, dường như có gì đó đang vỡ thành từng mảnh, thêm một chút nữa sợ là sẽ tan thành mây khói, bởi ông biết ngày đó sớm muộn gì cũng sẽ đến, ông sẽ phải tự tay thắp cho em nén hương thay vì những cành hoa dại. Tháng ngày em Hân của ông đổ bệnh, ông thức nguyên đêm chăm em mà sốt hết cả ruột, lắm lúc ông chỉ cầu bão bệnh cứ nhắm thẳng vào ông mà đổ xuống, chứ đừng nhắm vào người thương của ông. Sức khỏe em từ trong quân doanh ông đã biết dễ đổ bệnh, sau giải ngũ còn yếu hơn, mà giờ cơn bão rơi vào người em, sao mà em chống đỡ được. Ông ngày ngày lo cho em từng li từng tí, cuối cùng lại vì lơ là một giây mà để em tinh nghịch chạy đi mất, ông buồn lắm.
Có bao đêm nán lại, thằng Tiến trong cơn mơ màng đều nghe rõ giọng nói ồm ồm mà đầy bi ai văng vẳng bên tai
" Em ơi, em bỏ anh đi sớm quá."
" Ngày trước em từng nói, có đi thì phải là để anh đi trước, bởi anh vụng, có em ở lại thì em sẽ là người lo hậu sự cho anh, mà giờ em lại một mình đi trước, chuyện sau này em định để lại cho thằng Tiến à? Tội nó lắm em ơi."
" Năm nay thời tiết thuận lợi, vườn anh đào cũng sắp nở, ắt hẳn sẽ đẹp hơn mọi năm... nhưng em đi mất rồi, anh sợ chúng nó buồn mà chẳng thèm ra hoa."
"..."
" Anh nhớ em..."
Ông nói rất lâu và nhiều, cổ họng ông đã nghẹn ứ lại, còn rất nhiều trăng trở mà ông muốn bộc bạch nhưng vì nơi ngực trái quặn thắt lại mà nửa lời cũng chẳng thể thốt ra. Thằng Tiến nằm đó nghe rõ mồn một mà đầu óc mụ mị, mắt nó đỏ hoe, hai hàng nước mắt cứ trực trào bên khoé mi, nó phải cắn chặt răng để không bật ra những tiếng nức nở vụn vỡ nơi đáy lòng.
8.
Sau tang lễ của ông Hân một tháng, thằng Tiến mới chịu gói gém đồ đạc lên lại thành phố. Nhưng vừa mới trở lại làm việc không lâu thì lại hay tin ở nơi quê nhà, ông Hạo của nó đã đổ bệnh, mẹ nó nghĩ chắc ông muốn đi theo ông Hân nên bảo nó về khuyên ông một tiếng, thằng Tiến nghe vậy lại nộp đơn xin nghỉ dài hạn, không thèm để ý đến sắc mặt cau có của cấp trên mà xách vali về quê chăm ông.
Ông Hạo thấy nó về trong lòng có chút hỗn loạn, ông vui vì ông có thể ở bên đứa cháu ngốc mà ông yêu quý, ông buồn vì ông lại trở thành hòn đá ngáng chân nó. Tính ông cũng như ông Hân những ngày đổ bệnh, nạt bố mẹ nó không cho báo tin lên thành phố. Lần trước ông Hân nói dữ quá thì mẹ nó nghe nhưng lần này thì mẹ mạn phép làm trái lời, bởi mẹ nó hiểu tính nó, thằng Tiến mà biết được sẽ ân hận cả đời mẹ nó cũng chẳng muốn nó trải qua cảm giác ấy thêm một lần nào nữa nên đành nghe theo lí trí mà gọi nó về.
Thằng Tiến không giỏi khoản chăm sóc người khác, đây lại còn là ông già trái gió trở trời đang ốm nặng như ông nó, nhưng từ khi có nó ở bên sắc mặt ông hồng hào hơn hẳn, bác sĩ nói cứ tiếp tục như vậy ông nó sẽ rất nhanh khỏi bệnh, thấy vậy nó càng tự trách bản thân mình nhiều hơn, phải chi khi đó nó về sớm hơn một tí, ông Hân của nó có khi lại sống thêm được dăm ba năm nữa.
Mấy ngày ở nhà chăm ông, thấy ông mãi ôm trong lòng tâm bệnh, thằng Tiến mới đánh liều nói với ông rằng:" Giờ con chỉ còn mỗi ông thôi, con muốn vào ngày quan trọng nhất của cuộc đời có thể nhìn thấy ông và bố mẹ ở hai bên lễ đường, đều khỏe mạnh chúc phúc cho con."
Thằng Tiến chỉ buột miệng nói vậy thôi, ai mà ngờ khi nó vừa lập gia đình tròn một năm rưỡi, cũng vừa tròn ba năm ông Hân mất, ông nó liền đi tìm ông Hân.
Tại ngày tiễn đưa ông, nó phờ phạc đi theo sau quan tài, đôi mắt sưng húp vì khóc nhiều mà chẳng thể cử động linh hoạt. Nhưng khác với lần trước trong nó chỉ toàn là sự hối hận chồng chất, lần này nó thấy nhẹ hơn hẳn, bởi nó đã có thể ở bên ông tới những ngày cuối cùng của cuộc đời, nó khóc là bởi nó thương, nó nhớ những kỉ niệm ngày bé được ông nuôi dưỡng, từ những bước chân chập chững mới vào đời hay những đòn roi da khi nó mắc sai lầm, đoạn kỉ niệm đẹp đẽ ấy nó vẫn đang gói gọn và cất vào trong tâm trí.
Lễ tàn, bố nó tìm thấy nó đang ngồi ngẩn ngơ dưới gốc cây anh đào, vẫn là chiếc áo đen nhàu nhĩ ấy, cánh hoa màu hồng nhạt nằm trong lòng bàn tay bị vân vê đến nhàu nát. Đã bao lâu rồi bố và nó mới ngồi tâm sự như thế này, hình như lần gần nhất cách đây cũng phải mấy năm, là trước khi nó lên thành phố. Thằng Tiến nhớ lại thấy sống mũi cay cay, ánh mắt bố nó cũng không có tiêu cự mà đặt ở nơi phía xa xa.
Bố kể nó nghe cơ duyên bố và ông nó gặp nhau. Hồi ấy ông Hạo đã qua ba mươi, vì lời thề hẹn với người thương mà nhất quyết không thành gia lập thất, cuối cùng lại vì sự hối thúc của gia đình mà đi nhận con nuôi. Ông chọn bố nó giữa hàng trăm đứa trẻ không phải vì lòng thương cảm trỗi dậy mà là vì bố nó có đôi mắt tựa như ánh sao trời, đôi mắt non dại gợi nhớ về tình đầu của ông.
Bố nói ông nó là kẻ si tình nhất thế gian, điều ấy bố đã nhận ra từ những ngày là một cậu nhóc.
" Bố Hạo ơi bố Hạo, sao ngày nào bố cũng ra chăm vườn anh đào thế? Cô Sáu xóm bên bảo là đất ở chỗ mình không thích hợp để trồng, mà trồng rồi thì người ta hỏi mua bố cũng chẳng bán, là sao hở bố?"
" Bố sẽ không bán vườn anh đào đâu, có trả giá cao hơn cũng vậy cả thôi, con cứ bảo với người ta như thế."
" Tại sao vậy bố? Chú Hùng nói bán vườn cho chú thì chú ấy cho bố cả mảnh đất ở cuối xóm, ngày trước bố chẳng nói thích mảnh đấy mà."
" Đất thì bố có thể dành dụm tiền mà mua, nhưng có những thứ dù bao nhiêu tiền cũng chẳng thể mua được"
Là sao nhỉ? Chỉ là một khu vườn anh đào khó chăm, nở rộ đúng một lần trong năm mà sao ai ai cũng thích nhỉ? Bố Hạo dường như còn dành cả tâm huyết đời người vào từng nụ hoa ấy nữa. Đôi mắt buồn man mác khi đứng từ xa nhìn vào vườn anh đào, một đứa nhóc bé xíu nhìn mà cũng cảm thấy xót xa.
" Có lẽ bây giờ con sẽ thấy khó hiểu, nhưng ở một nơi không xa con chắc chắn sẽ hiểu."
Rồi đến khi bố Tiến gặp ông Hân, bố mới sững người nhận ra, thì ra tình yêu còn có thể kì diệu đến như thế.
" Ông con ngày trước rất cô độc, đến khi có Tiến ông mới rạng rỡ hơn đôi chút, nhưng đôi mắt ông vẫn rất buồn. Bố cứ nghĩ trời sinh đôi mắt ông con đã như thế, nhưng từ khi ông Hân trở về, bố mới nhận ra, hóa ra đôi mắt ấy còn có thể vì người mà sáng"
" Mà người ấy chính là chấp niệm cả đời của ông con."
Rồi cứ vậy, những thước phim bị chôn vùi từ thuở nào lại quay về một cách thật chẫm rãi và rõ nét, hai bố con ngồi dưới bóng cây, đôi đồng tử sáng như ánh sao hè lại vương chút giá lạnh của ngày đông. Bố nó đã đứng dậy rời đi từ lâu, còn mình bóng lưng mảnh khảnh của thằng Tiến ở lại, nó vẫn đang chìm vào mộng tưởng của chính mình, một nơi xa vời mà nó vẫn luôn không ngừng tìm kiếm.
<>
Trời hửng sáng, ánh nắng hè tràn vào mọi ngóc ngách trong sân nhà, phủ lên cơ thể đang trơ trọi dưới ánh mặt trời. Thằng Tiến đứng trong sân, khóe mắt hơi đỏ vì những kỉ niệm đã qua như cát trên sa mạc tràn vào buồng phổi, cát trên sa mạc thì nhiều thật đấy nhưng chẳng có hạt nào có thể trở về đúng vị trí ban đầu, bởi cơn gió sẽ đưa chúng đi thật xa, rời khỏi điểm bắt đầu mà dung thân ở một nơi xa lạ khác. Thằng Tiến cũng như những hạt cát nhỏ bé ấy, sắp sửa bay đi và lặng lẽ tan vào không gian. Nhưng khi nó vừa bay đi, thật may đã có một cánh tay giữ lấy nó, nửa kia của nó đã xuất hiện và ở đây vào thời khắc nó yếu đuối nhất. Anh vẫn luôn dõi theo mỗi bước chân của nó, và một khi nó quay lại, người đầu tiên nó nhìn thấy sẽ là anh, kí ức xa xưa phút chốc ùa về. Anh chạy đến nắm lấy tay nó, nụ cười anh như ánh nắng chói chang mùa hè năm đó, ko ngừng làm nó rung động.
" Hè đến rồi, chúng ta cùng đi hái xoài nhé, lần này hãy để anh trèo lên cây và nhường Tiến những quả chín mọng nước nhất."
Bước chân vội vã ngày hè, tiếng ve ngân vang trên những chùm xoài xanh mơn mởn, trái đất vẫn theo quỹ đạo mà xoay quanh mặt trời.
Có em, một đời viên mãn.
_The End_
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip