Phụ chú

Bách Chiến ngũ soái: Là tên gọi để chỉ năm vị tướng quân đứng đầu và trực tiếp chỉ huy Bách Chiến doanh.

Tứ Đại môn phái: Là tên gọi để chỉ bốn môn phái lớn, cũng là bốn môn phái quyền lực và có sức ảnh hưởng nhất trong võ lâm. Lịch sử hình thành được truyền lại như sau:

Hai trăm năm về trước, Hoàng Đạo chỉ là vùng đất vô chủ nằm ở phía bờ hữu ngạn dòng sông Ngân Hà, cứ dăm bữa nửa tháng lại trở thành chiến trường của các thế lực lân cận nhằm tranh đoạt vùng đất rộng lớn phong thủy hữu tình tài nguyên dồi dào này. Những người sinh sống tại Hoàng Đạo khi ấy phải chịu cảnh lầm than do những trận đánh gây ra, khổ không kể siết.

Đúng lúc đó, có năm vị lãng khách giang hồ trên đường ngao du phiêu bạt tình cờ đi ngang qua đây, thấy chuyện bất bình nên đã ra tay hành hiệp trượng nghĩa. Năm người không chỉ giúp nhân dân Hoàng Đạo đánh đuổi quân xâm lược mà còn cùng họ khôi phục lại sự phồn thịnh vốn có của mảnh đất từ đống tro tàn.

Trong năm vị huynh đệ thì Nguyên Thổ Phục là người biết nhìn xa trông rộng, cũng là người có tham vọng nhất. Y cho rằng, chỉ có xây dựng một đất nước hùng mạnh cường thịnh mới là biện pháp tối ưu để bảo hộ muôn đời cho người dân Hoàng Đạo. Và muốn trở nên hùng mạnh cường thịnh thì phải chiến tranh để mở rộng bờ cõi, đó là điều mà y tin tưởng.

Trong khi Thượng Hỏa Lang và người dân Hoàng Đạo đều nhất trí với ý kiến của y, thì Quân Mộc Hàn, Noãn Kim Khanh và Liêu Thuỷ Trạch, những người đã quen với cuộc sống phóng khoáng tự do tự tại, an nhàn vô lo vô nghĩ của một lãng khách giang hồ, đều không đồng thuận và từ chối tham gia.

Vậy là Nguyên Thổ Phục, Thượng Hỏa Lang và một người họ Khương nữa cùng nhau chinh phạt các nước lân cận thành chư hầu của Hoàng Đạo. Cứ như vậy, Hoàng Đạo dần lớn mạnh trở thành Hoàng Đạo Quốc. Nguyên Thổ Phục xưng đế, lấy hiệu là Thiên Long Thái Tổ, trở thành hoàng đế đầu tiên của Hoàng Đạo Quốc.

Còn về phần ba người Quân Mộc Hàn, Noãn Kim Khanh và Liêu Thủy Trạch, họ thành lập ra những môn phái võ lâm cho riêng mình. Thế cục võ lâm và triều đình tồn tại song song ở Hoàng Đạo Quốc cũng bắt đầu từ đó.

Thiên Long Thái Tổ dĩ nhiên không thích cục diện này, y cho rằng một núi không thể có hai hổ, liền tìm mọi cách chèn ép thế lực giang hồ của ba vị huynh đệ kết nghĩa đã từng thân thiết. Thượng Hỏa Lang vốn là người trọng tình nghĩa, khi trước nhất trí với Nguyên Thổ Phục cũng chỉ thuần túy là vì muốn bảo hộ cho người dân Hoàng Đạo. Nay thấy Thiên Long Thái Tổ không chỉ gây khó dễ mà thậm chí còn có ý định đuổi cùng giết tận, huynh đệ tương tàn với ba người kia thì vô cùng thất vọng, dứt khoát thoát ly khỏi triều đình.

Mãi về sau, khi Thiên Long Thái Tổ đã thấm thía đến tận cùng sự cô độc hiu quạnh, y mới cảm thấy hối hận vì đã phụ bạc các vị huynh đệ chí cốt. Nhưng gánh đứt giữa đường rồi không thể nối lại được nữa. Triều đình lúc ấy hoàn toàn có đủ khả năng quét sạch võ lâm, tuy nhiên Thiên Long Thái Tổ lại quyết định duy trì cục diện tồn tại song hành, như là sự chuộc lỗi muộn màng cho những sai lầm của y.

Võ lâm khởi điểm với bốn môn phái, trải qua hàng trăm năm phát triển thành Tứ Đại môn phái. Tuy tới nay có rất nhiều môn phái mới với quy mô không nhỏ xuất hiện, nhưng suy cho cùng, đây vẫn là bốn môn phái lâu đời, trường tồn và phát triển nhất mà võ lâm ai nấy cũng đều kính nể kiêng dè, bao gồm:

Hòa Diệp cốc: Người sáng lập là Quân Mộc Hàn, nổi tiếng y thuật cao siêu. Số lượng đệ tử của Hòa Diệp cốc rất ít nhưng bù lại chất lượng tuyệt đỉnh, ai cũng là kỳ tài y học Hoa Đà tái thế. Võ công của môn phái này cũng chủ yếu dựa trên nền tảng y học nên mỗi đòn đều là đòn chí mạng. Nhiều ngự y hoàng cung đã từng bái sư học nghệ ở đây nhưng chẳng được bao lâu thì đều giơ tay xin hàng, cúi đầu cáo lui vì không lĩnh hội được tri thức y học được giảng dạy. Hòa Diệp cốc thường liên kết với Xích Lĩnh phủ với vai trò như quân y của phủ, và sau này là cả với Bách Chiến doanh. Người xuất thân từ cốc này đều rất được người đời trọng vọng, bởi đây là môn phái để gia nhập được đã khó, để thành tài ra đời còn khó hơn.

Bình Thứ các: Người sáng lập là Liêu Thủy Trạch, nổi tiếng khinh công điệu luyện. Hai mươi lăm năm trước vào thời chiến loạn, Bình Thứ các thường được thuê làm các nhiệm vụ như truyền thư, nghe ngóng thông tin, tình báo, khảo sát địa hình, xác định phương hướng tiếng vó ngựa,...bởi môn đồ ở đây đều luyện loại khinh công xuất quỷ nhập thần cùng đôi tai nhạy thính hơn rất nhiều so với người bình thường. Khi thời thế tạm bình ổn, do không có đất dụng võ nên các này trở thành nơi buôn bán tin tức uy tín bậc nhất Hoàng Đạo Quốc, có qua lại với cả hoàng tộc. Ngoài ra, với phong cách hành động nhanh gọn cùng thủ pháp tàn độc, Bình Thứ các cũng nhận các nhiệm vụ ám sát, thế nhưng giá thành quá cao nên hiện tại vẫn chưa có ai thuê.

Tú Cát sơn trang: Người sáng lập là Noãn Kim Khanh, nổi tiếng kiếm pháp phi phàm. Đây là một môn phái võ lâm chuẩn chỉnh không trọng lợi nhuận, cũng không khó để nhập môn, cái môn phái hướng tới là tinh thần võ học chân chính. Kiếm pháp của Tú Cát sơn trang nức danh thiên hạ, cũng là nơi đúc kiếm tốt nhất Hoàng Đạo Quốc, những thanh kiếm được đúc ra ở đây là độc nhất vô nhị. Tuy nhiên thì kiếm do Tú Cát sơn trang đúc ra chỉ tặng cho người xứng đáng chứ không bán, vì vậy muốn cầm trên tay kiếm của Tú Cát sơn trang không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài ra thì môn đồ ở đây cũng được rèn luyện rất nghiêm khắc về thể lực, thế nên đệ tử chủ yếu là nam, lực sát thương lúc có kiếm và không kiếm đều rất kinh người.

Xích Lĩnh phủ: Người sáng lập là Thượng Hỏa Lang, nổi tiếng thao lược kì tài. Trong Tứ Đại môn phái thì đây là môn phái thành lập muộn hơn, cũng là môn phái phức tạp nhất. Thượng Hỏa Lang xuất thân từ gia đình danh gia võ tướng, nhưng không rõ lí do vì sao y lại trở thành lãng khách giang hồ. Năm xưa theo cùng y thoát ly khỏi triều đình thành lập ra Xích Lĩnh phủ còn có một bộ phận tướng sĩ nữa, sống kỷ cương kỷ luật đã quen, thành ra Xích Lĩnh phủ vẫn giữ nguyên cung cách tác phong của quân đội. Môn đồ của Xích Lĩnh phủ chủ yếu luyện thương pháp, chiến thuật tập thể của Xích Lĩnh phủ là thiên hạ vô địch. Không chỉ có công lập quốc mà binh pháp Khương gia cũng là do Thượng Hỏa Lang chỉ dạy, thế nên dù là đối với triều đình hay võ lâm thì địa vị của Xích Lĩnh phủ cũng đều rất đáng nể.

Khương gia: Tổ truyền là công thần lập quốc, nhiều đời làm quan võ rất được trọng dụng. Tuy nhiên không rõ vì nguyên do gì mà càng về sau số người nhà họ Khương ra làm quan càng ít đi, thay vào đó Khương gia dấn thân vào giới võ lâm giang hồ và giao thương buôn bán nhiều hơn, binh pháp gia truyền của Khương gia cũng vì thế mà dần bị thất truyền. Khương Thái úy không có con trai, liền bất chấp giữ điệt tử của mình lại không cho theo phụ mẫu đi buôn bán xa nhà để truyền lại binh pháp Khương gia. Kết quả là sau đó, đứa điệt tử quý hóa này của ngài lại trở thành một lãng khách giang hồ.

Đường gia: Từng là gia tộc chế tạo và buôn bán vũ khí nức tiếng Hoàng Đạo Quốc, từ thời Thiên Long Thái Tổ đã có Đường gia, trước đây thường hay cung cấp vũ khí cho quân đội triều đình. Vũ khí do Đường gia chế tạo độc đáo, mới mẻ lại có sức công phá lớn, thế nhưng đi kèm với đó là giá thành vô cùng đắt đỏ, mà ngân khố quốc gia thì lại có hạn. Cuối cùng ở Hoàng Đạo Quốc chẳng còn mấy ai mua nổi vũ khí của Đường gia, buộc họ phải đi đó đây buôn bán, cả một gia tộc lẫy lừng cứ thế biệt tích, thẳng cho đến khi truyền nhân thứ 18 quay trở lại Hoàng Đạo Quốc dần chấn hưng lại Đường gia.

Kinh Cực Chân Nhân: Cao thủ võ lâm, chỉ thu nhận bốn đồ đệ lần lượt đặt là phong - hoa - tuyết - nguyệt, sau khi truyền thụ lại toàn bộ bí kíp võ công của mình liền mai danh ẩn tích cùng với đạo lữ tri kỷ.

Giải thích thuật ngữ:
Ngoại tôn: Cháu ngoại.
Điệt tử: Cháu trai (con của anh hoặc em trai ruột).
Biểu ca/biểu đệ: Anh em họ (con cô, con cậu, con dì).
Đích thứ tử: Con trai thứ do Chính thất (vợ cả) sinh ra, phân biệt với Thứ tử là con do Thiếp thất (vợ lẽ) sinh ra.
Niên khánh xuất chúng: 'Niên khánh' là trẻ tuổi, 'xuất chúng' là vượt trội hơn hẳn người khác về tài năng và trí tuệ. Hiểu nôm na câu này nghĩa là 'Tuổi trẻ tài cao'.
Kinh tài hào kiệt: 'Kinh tài' là tài giỏi đến mức khiến người khác kinh ngạc, 'hào kiệt' là người có tài năng và chí khí hơn hẳn người bình thường.
Hỏa diễm: 'Hỏa' là lửa, 'diễm' là đẹp lộng lẫy, 'hỏa diễm' nghĩa là ngọn lửa lộng lẫy.
Hải diêm: 'Hải' là biển, 'diêm' là muối, 'hải diêm' nghĩa là muối biển.
Đặc phong: Sắc phong đặc biệt.
Khách khanh: Khách quý được mời (thường là Hoàng đế hoặc người có chức to quyền lớn mời) đến để làm công tác tham mưu hoặc trợ giúp những việc quan trọng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip