Chương mười một: Nếu biết đời này bạc như vôi
"Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục
Thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục, là vinh.
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa, là tình ai ơi..."
o0o
Chiều xuống, ngày tưởng chừng như dài đằng đẵng đến vô cùng, nhưng ngày vẫn qua, tựa như bao thời khắc trời nhuộm một màu đỏ rực. Sông Hương nước trôi lập lờ, sắc hồng hoà với ánh vàng rải xuống, lấp lánh từng đợt sóng nước trôi theo tiếng chèo của từng nhịp thuyền bè qua lại. Huế mang trong mình một vẻ trầm lắng như thường tình vẫn thế, cảm tưởng như không gian xung quanh chẳng vướng bận điều gì. Chỉ có bóng cây chìm nổi từng vệt trên mặt nước phía xa xa, xe cộ qua lại thưa dần theo màu trời đang tắt nắng. Mấy gánh hàng rong trở về, bóng đổ dài trên từng mảnh tường hoài cũ kỹ. Một dáng vẻ lầm lũi, có lẽ hôm nay, có quảy hàng đi bán cũng chẳng được là bao.
Hôm nay vẫn vậy, chị vẫn ngồi đó, nơi bậc hè cao, sau lưng chị là gian phòng tối tăm bé nhỏ. Chị tựa cửa, tóc dài rơi trên vai, chị cũng chẳng buồn búi lại, chị cứ như vậy ngồi mà trông ra phố vắng, chị chẳng biết mình đang trông đợi điều gì, hi vọng điều chi xa xôi nữa. Chỉ biết chiều nào chị cũng ở đó, để nỗi buồn dâng lên ngập lòng chị và ánh chiều vụt tắt trong đôi mắt trong ngần. Chị muốn thương cho thân mình, đôi khi chị muốn khóc và kêu than cho số đời bạc bẽo, nhưng chị không dám kể chuyện đời với ai. Và, chị đợi trăng lên, như đợi ánh sáng mơ hồ trong vắt, để ánh trăng hiền hoà rọi xuống mặt sông lấp loáng, một màu bạc như chỉ thêu trên cái đen kịt của nước hững hờ.
Nay, chồng chị lại không về. Chị đón con về từ trường mầm non gần đó, dù mấy chân ở trong nhà vẫn khuyên là chuyện đó vốn là cái nghĩa vụ riêng cho những kẻ làm con ở. Nhưng chị không nghĩ thế, cái Thủy là con chị, và bây giờ là niềm hi vọng mong manh, là ngọn lửa cuối cùng trong trái tim chị. Chị thương con, nên chị muốn mình bên con nhiều nhất có thể, cho đến cái giây phút mà bản thân chị chẳng thể gắng gượng được nữa. Chị nghĩ, và cũng chẳng biết chị còn gắng được đến bao giờ. Chị cho con ăn xong xuôi bữa chiều, rồi nhờ o Cúc chơi và dỗ dành cho con ngủ. Chị lại ngồi đó trông trăng, trông nền trời, trông về cái vô định đớn đau của cuộc đời chị. Để rồi đêm xuống, chẳng còn một thanh âm nào khác len lỏi vào thế gian, ngoài tiếng sụt sùi nhỏ nhẹ của chị trên chiếc áo vải mỏng manh. Chị thương con, thương mình, rồi lại oán đời, oán chồng, oán cái hèn của chị. Nhưng rồi chị chẳng biết làm sao để thoát khỏi xiềng xích nhà chồng, bởi lẽ nếu không cậy vào nhà chồng, chị chẳng còn cách nào để chạy chữa cho người mạ nuôi của chị đang nguy nan. Mà nếu rời nhà chồng, thì chị cũng chẳng biết đi đâu. Chị nhận vàng, nhận bạc nhà người ta để chữa chạy cho mạ, chấp nhận cột chỉ đỏ vào tay mình, để rồi chị nhận ra bản thân chỉ là cái công cụ nuôi con, là cái máy sinh con trai cho nhà họ. Chị khát khao tự do, nhưng điều này giờ như xa xỉ, chị biết làm sao giờ.
Chị nhớ đến cái ngày chị gật đầu nhận lời cưới anh. Năm ấy, chị mới tròn hai mươi. Thuở ấy, khi anh trao cho chị một số tiền để giúp đỡ chị và cứu lấy giá đình chị khỏi cơn túng quẫn, khốn khổ bần cùng, khi anh trao cho chị niềm hi vọng để cứu lấy chị khỏi niềm vô vọng, khi anh nắm lấy bàn tay chị để cứu lấy chị ra khỏi đêm đen, chị đã mong gì, chờ gì, đã mơ những gì xa xôi lắm. Một cái chạm tay thôi, một đôi mắt dịu dàng và từng lời anh nói như đỡ lấy tâm can chị thôi mà làm chị cảm thấy biết ơn anh và thương anh vô ngần. Chị ngây thơ lắm, thuở ấy có biết gì hay chăng nữa. Chị cứ ngỡ đó là tình yêu, chị tưởng rằng có yêu chị thì anh mới dành những điều tốt đẹp nhất, mới cho chị một số tiền lớn để chữa chạy cho mạ bịnh mà không yêu cầu chị phải trả lại anh gì hơn. Chị nghĩ đó là yêu, nên chị mới nhận lời lấy anh ở cái độ tuổi mà cả hai còn quá trẻ. Chị gạt bỏ giấc mơ và mộng tưởng của mình để về ôm trọn phận dâu con. Ai ngờ chữ phận bẽ bàng, chị nghĩ là yêu, nhưng đời không nghĩ thế. Đời cho chị biết cái hiện thực phũ phàng, giày vò tuổi xuân chị trong những tháng ngày u tối và uất hận, đời cho chị biết rằng chị đã quá dại ngu khi nhầm tưởng chữ yêu. Không, chẳng có một tình yêu nào cả, chỉ có nợ, có phận mà thôi. Bản thân chị cuối cùng cũng chỉ là món hàng cho người đời, chỉ là cái thân xác cho người ta giày vò, chỉ là một kiếp tơ tằm lủi thủi. Có khóc, thì khóc ai được, có than, thì biết than ai? Nước mắt chảy xuôi, nhưng đời ngang trái, có trải qua rồi mới biết đớn đau, thấu phận bây giờ cũng chỉ là muộn màng.
Chị hướng mắt vào trong, trông bóng con nằm ngủ, tiếng thở đều đều phả vào cái lặng của không gian nghe rõ từng tiếng một. Hăm hai tuổi, chị sinh bé Thủy, đứa con duy nhất của chị cho đến tận bây giờ. Nếu chị còn là trinh nữ, nếu chị hay kiếp mình khi vẫn còn xuân thì con gái, chị sẽ dứt áo mà ra đi, rời khỏi nhà chồng, về nhà chăm mạ nuôi và buôn gánh bán bưng trả hết nợ ân tình xưa cũ. Nhưng người ta cướp đi cái xuân thì, bé Thủy là con của chị và anh, chị biết sao đây, nào có người mẹ nào nỡ lòng bỏ con mà đi mất? Nào có đứa con nào muốn nhìn thấy cha mẹ mình tan vỡ, nhìn thấy tiếng khóc của mẹ và những vết thương trên vai mẹ sau từng cơn say của người cha. Nào ai muốn, nào ai muốn đâu?
Song Ngư đưa tay về phía ánh trăng, hai cánh tay gầy, đôi bàn tay xây xước nhiều phần mà chị cố giấu con sau chiếc áo vải. Chị không thể từ chồng, chị yếu đuối, còn mấy sức mà vùng lên chống trả. Mà lại, bé Thủy sẽ sống sao nếu thiếu một người cha? Thủy là sợi dây gắn chặt hai người, gắn chặt duyên nợ chẳng ai mong muốn. Chỉ tội thân con bé là con gái, nên mệ nội không thương, mệ bảo con gái là giống vịt trời, dầu sao có lớn cũng bỏ nghĩa sinh thành mà đi. Mệ không thương nó, mệ cũng chẳng thương mạ Ngư của nó. Nên tội, nó sợ mệ, sợ ba, chỉ quanh quẩn với mạ trong căn phòng bé nhỏ hướng ra sông Hương, hay đôi khi, nó ngồi thu lu trên chiếc ghế gỗ con nơi nền đất bụi, trong căn bếp đầy mùi thức ăn lộn xộn, chỉ vì ngoài mạ nó, nó chẳng biết chuyện trò với ai ngoài mụ Hồng, o Cúc, cậu Lam, rốt cuộc cũng chỉ là chân ở đợ trong nhà. Mang danh đứa trẻ sinh ra trong gia đình danh giá, mà số phận con bé cũng chẳng sung sướng là bao. Chị Ngư thương con lắm, nhưng chị chẳng biết thế nào để cứu rỗi đời mình và cứu cả đời con, chị đưa tay gạt vội nước mắt lưng tròng, đêm khuya mình chị còn thao thức. Chị đợi chờ chồng, dù biết khi anh về cũng chỉ ngập trong men rượu, nhưng chị quen rồi, quen niềm an phận. Chị đành làm tròn trách nhiệm của người vợ, dù sao trên danh nghĩa, anh và chị vẫn gắn chặt với nhau.
Chị từng mơ, mơ nhiều lắm, chị đã từng tin rằng mai đây cuộc đời sẽ yêu thương chị nhiều hơn phần nào. Chị sinh ra đã chẳng hay cha mẹ mình là ai, chị sống lủi thủi trong cô nhi viện cùng với một đám trẻ con khác, quanh quẩn trong một khu đất chật hẹp, có hay gì tương lai. Chị có một cô em gái nữa, chị thương nó vô ngần, bởi lẽ cha mẹ chẳng còn, hạnh phúc của chị còn trông đợi vô ai. Thế rồi buồn thay, người ta lại nhận nuôi con bé, người ta mang nó đi mất, đứa em gái nhỏ của chị, giờ chẳng biết ở phương trời nào nữa. Chỉ biết là lúc nó rời đi, chị chỉ kịp đưa cho nó một cái kẹp con bướm nho nhỏ, cái kẹp mà chị thích nhất, nhưng chị ngậm ngùi trao lại cho em, coi như có cái để nhớ về mình. Rồi đời chị vẫn thế, vẫn hững hờ trôi, chị vẫn chờ, vẫn đợi tình thương từ ai đó sẽ cứu rỗi số phận cô độc của mình. Cho đến cái lúc tưởng chừng như vô vọng, chị gặp mạ nuôi của chị bây giờ, một người phụ nữ trẻ, với cái dáng hao gầy và hay đội sụp một cái nón lá rách trên đầu. Mạ nuôi không có con, chồng mạ đi lính rồi biệt tăm biệt tích, mạ từ lâu đã chẳng còn hi vọng người thương sẽ trở về. Có lẽ mạ đã sống cô độc nhiều năm, cho đến khi mạ quyết định tìm một đứa trẻ ở cô nhi viện gần nhà để có bầu có bạn, có niềm an ủi đôi phần cho đời chua xót. Vậy ra mạ nhìn trúng Song Ngư, và chị cứ thế rời khỏi cô nhi viện, dù trong lòng vẫn còn canh cánh tìm được em.
Song Ngư tự hỏi, từ độ về ở với mạ, liệu đã bao tháng ngày qua? Bao mùa nước sông lên xuống dập dềnh, bao mùa mưa bay gió lạnh, bao mùa hoa nở đỏ rực cả một vòm trời trước hiên nhà chị? Chị chẳng biết nữa, chỉ biết là chị đã lớn lên, đã rời xa chốn cũ từ lâu lắm rồi. Còn đâu một thời thiếu nữ tóc mai xanh, chị nghĩ, rồi lại đưa tay đan vào mái tóc của mình, tuổi ấy mộng mơ thế, còn tuổi bây giờ sao mà lắm âu sầu, cũng hăm bảy rồi chứ còn trẻ trung gì. Thuở ấy, chị yêu hoa lắm, cho đến bây giờ vẫn yêu. Chị từng mong sau này kinh tế ổn định phần nào sẽ mở một tiệm hoa mang tên chị, chẳng cần to lớn gì, một tiệm hoa hướng ra phố ra phường, nơi lắm người lại qua. Chị không chỉ được gắn với những cánh hoa mỏng manh như lụa mà chị yêu thích, chị không chỉ được giúp cho đời khi mang những sắc màu của tự nhiên đến cho lòng người. Trên hết, chị từng mong khi lớn lên, tiền bán hoa sẽ dành cả cho mạ, người đã vất vả bên chị cả một đời. Chị sẽ dành tiền nuôi mạ, để chữa được bịnh phổi cho bà, để bà không cần phải chật vật với những tiếng thở ngắt quãng và từng tiếng ho. Chị không cần tiền cho bản thân mình, chị lấy chữ hiếu làm đầu, đời này nào ai cần gì hơn thế. "Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con", chị có nghèo, nhưng chị quyết không để mạ khổ.
Thế mà đời chẳng thương cho phận người, mạ bịnh, tiền thuốc tiền thang chị chạy chữa bảo năm cũng chẳng đủ. Năm đó chị mười tám, vừa mới học xong, người gầy xộp và bé nhỏ ngược xuôi kiếm việc làm để đỡ đần cho mạ. Mà kể cũng tội chị lắm thay, huống sao chị còn quá trẻ, đã vậy lại còn là phận đàn bà con gái, chân yếu tay mềm, vậy ra có được mấy việc gì đâu? Chị quả quyết với người ta, chị thề thốt rằng việc gì đàn ông người ta làm được, thì chị chạy chữa dầu có chậm chạm cũng xong, ấy thế mà người ta vẫn đuổi chị đi, chẳng ai dám nhận một người con gái nhỏ bé cò hương vào làm cả. Chị đã khóc ròng và van nài suốt từ ngày này qua tháng nọ, chị lang thang trên các con phố nhỏ dọc sông Hương kiếm việc làm nuôi mạ. Chị càng không có việc, thì tâm chị lại càng thêm lo, bịnh của mạ ngày càng nặng dần, biết làm sao được. Và rồi cuối cùng, chị vui sướng biết bao khi được nhận vào một xưởng dệt, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là chân cắt vải với dọn dẹp vải vụn, tay chị vẫn chưa được động đến cái máy may. Chỉ đến khi cơ duyên cho chị gặp chồng chị sau này, trong một chuyến anh ghé xưởng may kiểm hàng thay mạ.
o0o
Chị ngỡ tưởng thuở ấy đẹp như mơ, chị không ngờ một người phụ nữ làm chân phụ trong tiệm vải, ngày ngày chẳng được động đến máy may, quanh quẩn với những tấm vải vụn, lại được để ý đến như vậy. Nhờ ai mà đời chị thay đổi thật nhiều, nhờ ai mà đời chị nở hoa? Hôm ấy, nắng trên cành sáng trong, chim về xôn xao trên cành lá, tựa như tiếng mấy chị mấy em trong xưởng dệt xôn xao nói cười. Chị chẳng biết làm sao mà mấy chị em trong xưởng bỗng nay vắn tóc gọn gàng, áo lụa áo là nhìn khác quá. Chị vừa cúi đầu nhặt mấy tấm vải vụn, lấy chổi quét qua cho sạch sẽ. Chị nhìn chung quanh, người người nơi xưởng dệt, nay ai cũng xinh quá. Chị lại nhìn mình, nhìn mái tóc sợi ngắn sợi dài vắn lên chẳng gọn, rồi lại nhìn nếp áo sờn, lại gượng cười. À, chị rõ phần nào rồi, mấy chị mấy em kêu nhau nay có con trai bà chủ về giám sát, nghe nói mặt mày sáng sủa lắm thay, vậy ra ai cũng muốn gọn gàng.
Trông ra lại có mình chị quần áo lộn xộn, chẳng ra đâu vào đâu cả. Chị cũng tủi thân, lòng xao động, nhưng rồi lại nghĩ, thôi, thân phụ trợ, chạy việc chút phần chứ đâu có làm gì cao siêu hơn thế. Vào xưởng mấy tháng rồi nào có bắt chuyện cất lời được với ai đâu, còn chẳng mong lên được chức vụ gì mà chạm vào cái máy may. Mơ cao sao được, có khi có cái làm đỡ đần cho mạ là tốt lắm rồi. Đời chị chỉ vậy thôi, mong quá rồi lại vỡ mộng đâm buồn. Còn sức lao động là còn mấy mắn. Song Ngư nghĩ vậy, chị cầm lấy cây chổi, lại cúi đầu lúi húi dọn dẹp trước sau, chị thoảng thấy mùi sợi vải, sợi bông, mùi áo dệt từ các máy. Rồi chị ngân nga một bài hát không đâu, chị vừa lúi húi vừa cất giọng khe khẽ, sợ người ta nghe thấy lại ngại ngùng.
Chị vừa hát vừa mang mấy túi vải vụn thừa ra ngoài, mình chị nhỏ con mà khoẻ lắm, chị xếp từng túi thành một chồng cao, buộc thật gọn, miệng vẫn không ngừng ngân nga. Song Ngư là vậy, cứ hát là chẳng biết chung quanh có sự gì, tiếng ca như để gỡ rối trong lòng giúp chị quên đi thực tại sống trong nghèo khổ, tiếng ca mang đến niềm lạc quan, khiến tâm chị như nhẹ nhàng đến lạ. Với một cô gái chưa độ đôi mươi, vừa học hết cấp phổ thông đã phải xin chân chạy việc nuôi mạ ốm, đời đã đủ đau lắm rồi. Bởi thế, tiếng hát với chị thuở ấy tựa như phép màu, dù chẳng xí xóa nỗi khổ tâm trong chị được là bao nhiêu. Và tiếng hát ấy cũng kéo theo điều duyên nợ, bởi lẽ, khi Song Ngư đặt túi vải xuống, phủi phủi tay lên vạt áo và ngẩn ngơ quay về xưởng, chị đã giật mình đánh thót khi thấy sau lưng chị, một người đàn ông trẻ tuổi đứng tròn mắt nhìn trông chị. Anh cười, khiến chị càng xấu hổ và hoảng loạn. Chị cúi đầu chạy biến, mà chẳng hay rằng người ấy lại là con trai chủ xưởng dệt mà chị em kêu nhau từ độ sáng, cũng là người để lại mối nợ cho chị sau này.
Cái dáng của chị trông vậy thôi mà thuở ấy đáng yêu lắm, bởi lẽ vậy khi chị sợ hãi chạy vào và lướt qua anh, anh mới thôi cười mà giật mình ngơ ngẩn. Chuyện là lần đầu tiên anh bắt gặp một người con gái trẻ như thế, rụt rè như thế và...xinh xắn đến thế. Bao lần ghé qua xưởng may của mẹ, anh đâu thấy ai như chị bao giờ, toàn mấy cô lớn, chị nào hơn anh bao tuổi, đâm chán lắm rồi. Nói ra, anh biết chị là người mới, người mới trong xưởng, và người mới này khiến anh chợt thấy tò mò về chị biết bao, một cô gái trẻ thế thôi mà khỏe quá nhỉ, nâng mấy bao vải to đùng, to gấp mấy lần cái dáng gầy gò của chị, nâng lên hạ xuống cứ phăm phăm như chẳng có chuyện gì. Dẫu cho mặt chưa rõ làm sao, nhưng cái cách chị nghêu ngao hát mà chẳng biết chuyện sau trước đất trời, khiến anh thấy ngồ ngộ. Cái ngồ ngộ dần chuyển qua cái thinh thích, thích cái dáng đáng yêu đó quá cơ. Hôm ấy, trong phân xưởng, anh làm thì có làm, nhưng tâm anh cứ lồng bồng bay bổng đi đâu, nó bay đến người con gái nơi góc xưởng bụi bặm, đang lúi húi gom nhặt, quét dọn gọn gàng. Mấy sợi tóc rơi trên vai chị lơ thơ bay, bất giác anh thấy mình cười, cười vô tư đến lạ.
Anh ấn tượng với chị từ đó đấy, vì chị từ đó chính anh lui tới công xưởng nhiều hơn, chỉ để thấy chị ghé, và chính anh cũng cất công hỏi người này kẻ nọ cho rõ ràng tên tuổi, gia cảnh nhà chị. Ấy mà rồi cũng bắt chuyện, anh thuở ấy dịu lắm, giúp chị thật nhiều, ăn nói có duyên nên sau hai năm, chị gật đầu ưng thuận lấy anh. Cuộc sống sau cưới xin, chị ngỡ như mơ lắm mà, có đâu ngờ anh đổi thay, có đâu ngờ chỉ vì chuyện nối dõi đè nặng lên anh, và chuyện công xưởng phá sản sau khi chị mới sinh con gái đầu lòng, đã biến người chị từng thương thành một người nào xa lạ đến thế. Người chị thương năm xưa đã trút giận lên chị, đã đầu độc tâm hồn chị, khiến chị ngỡ ngàng và đau đớn tột cùng.
o0o
Hồi mới lấy nhau, hạnh phúc là thật, niềm vui là thật, chị đâu biết gì hơn thế nữa. Biết là làm dâu, ngày chị qua nhà chồng, chị nhớ như in bao lời dặn dò của mạ, mạ dặn chị đủ điều, đi đứng làm sao, cơm nước chăm lo thế nào, làm gì khi mạ chồng ốm đau. Từng lời ấy, chị nhớ làm lòng. Lấy được người thương, chị coi như diễm phúc, nên dù ước mơ về tiệm hoa hướng ra phía bờ sông rợp nắng cuối cùng đành gấp gọn, chị cũng cam lòng. Chị ngỡ tưởng lấy chồng sớm rồi sống an phận đến suốt quãng đời còn lại, những năm tháng vô lo, làm trọn đạo dâu, làm vợ hiền, chị mong thay đổi được chút nào phận lầm than khắc khổ của mình. Những tháng đầu, mạ chồng thương chị lắm thay, mạ chăm sóc, hỏi han chị, khiến chị cũng khuây khỏa đôi phần nỗi buồn xa xứ, xa mạ. Hai mạ con hay ngồi lâu nói chuyện với nhau, mạ còn hay bảo chị đừng ngại nhận tiền mạ chồng cho về lo bệnh cho mạ bịnh ở nhà. Chị cảm kích lắm, chị cũng thương mạ nhiều. Quãng thời gian đầu ấy thế lại là quãng thời gian êm đềm và nhẹ nhàng nhất trong cái mệnh làm dâu của chị. Chị vẫn nhớ hoài những buổi chiều được mạ chồng đưa đi dạo qua chợ, thuở nào dưới ánh trăng sáng chiếu xuống thềm như rải bạc, người chồng chị hằng yêu thương cầm lấy tay chị thủ thỉ bao điều. Rồi chị nhớ lại lời chồng thuở ấy mà nước mắt chực ứa ra, hoá ra mục đích cưới chị về là vậy, sao chị vẫn hoài ngây thơ:
- Em chỉ cần cho mạ một đứa cháu trai nối dõi, mạ sẽ càng trọng em hơn nhiều. Anh là trưởng nam, em là dâu cả, mạ hi vọng vào đôi mình lắm đó!
Phải chăng những điều mà mẹ đã nói chỉ là những mộng tưởng mà chị thầm tưởng tượng ra, một mộng tưởng mơ hồ giản dị về mái nhà ấm êm, về một gia đình hạnh phúc mà chị chưa bao giờ có được. Để rồi trong sự tủi hổ oán đời, chị tự hỏi những lời mạ nói thời xưa liệu là thật lòng dành cho chị, hay chỉ là lời mật ngọt dỗ dành để chị yên lòng, chí ít vẫn là cho cái mục đích chính là có được đứa cháu trai nối dõi cơ đồ gia truyền bảo năm mà mạ hằng mong muốn. Bản thân chị, lúc nhận ra thì mọi sự đã rồi, chị đâu thể cứu lại số mệnh của mình được nữa đâu.
Ngày nghe tin chị có mang, mạ chồng mừng ghê lắm, suốt độ ấy mạ chăm sóc cho chị từng li từng tí, rau cơm cá thịt đủ đầy, mạ dặn chị phải đảm bảo sao cho mạ con đều khoẻ. Chị lại hằng tưởng mạ chồng quan tâm mình, quan tâm cháu. Chị vui mừng khi được mạ quan tâm? Độ ấy, ngày nào chị cũng thấy mạ thành tâm vái lạy trước bàn thờ gia tiên, hướng ánh mắt lên bàn thờ phủ trong làn hương nhang, khói vật vờ thoang thoảng, để cầu cho chuyện sinh nở của chị được an toàn. Chị nhớ những ngày ốm nghén, cả chồng và mạ chồng đều ở bên, chị tưởng chừng đó là diễm phúc dành cho chị, một người phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ.
Chị còn nhớ dịp đầu xuân năm nọ, mạ cùng chị lên chiếc xích lô kia để tới ngôi chùa mà theo mạ nói là thiêng nhất xứ này, cầu gì được nấy. Chị đã nhắm mắt thành tâm cùng mẹ cầu nguyện, chờ mong niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, một sinh linh bé bỏng đang lớn dần trong niềm hân hoan chờ đón của chị. Lúc ấy, chị có hướng ánh mắt trông sang mạ, thấy mạ khấn vái bao lần, chị đã thầm biết ơn người mệ sau này của con chị, sau này gia đình có thêm thành viên mới, chắc mạ chồng chị sẽ mừng lắm, mạ sẽ cưng cháu vô cùng. Chị hướng ánh mắt ra những chùm hoa trắng nở nơi sân chùa, trong một sớm đầu xuân nắng dịu, chị như thấy vọng trong tim mình tiếng chuông chùa rọi, từng tiếng chuông vang xa như điểm từng tiếng lành sẽ đến với cuộc đời chị. Chị nhìn xuống bụng mình, đưa tay ôm ấp người con đầu lòng bé nhỏ, chị thấy mơ hồ hiện ra hình ảnh một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc đủ đầy. Sẽ là con trai, hay con gái nhỉ? Chị băn khoăn, chồng chị chắc muốn có một cậu con trai, còn đối với chị, con nào rồi cũng là con, chị sẽ thương nó đến tận xương tủy, người mẹ này sẽ hết lòng vì con thơ. Song Ngư đã thầm nói nhỏ với con, hãy mau lớn thật nhanh, để đến với thế giới ngoài kia đó, để tận mắt trông thấy những thanh sắc trong trẻo nhất của cuộc đời. Có lẽ, gia đình này sẽ yêu thương con nhiều lắm, con ơi...
o0o
Trên đời, có mấy ai tin vào phép màu không? Phép màu, nghe như một điều chị đến từ trong ảo mộng, là những điều tuyệt diệu nhất của thế gian, điều mà mỗi con người ta đều trông chờ có được. Nhưng phép màu cũng thật hiếm thấy, và cái cách con người ta định nghĩa phép màu ở mỗi thời khắc của cuộc đời lại thật khác nhau. Có người coi phép màu là những vật chất xa xỉ, là bỗng dưng nhận được lợi lộc xưa nay chưa thấy bao giờ, có tiền, có chức quyền cao trọng khác hẳn với địa vị thấp hèn năm xưa. Phép màu đó được coi như một quân bài số mệnh, thay đổi cả cuộc đời của một con người. Có người coi phép màu là khi bất ngờ gặp lại người thương kẻ cũ, đôi khi chỉ là thoáng qua, nhưng sung sướng bao điều. Phép màu, với đứa trẻ, có khi lại chỉ là nhận được một miếng kẹo bột con con từ cha mẹ, là được nằm nghe tiếng rì rào của gió đông tràn qua khe cửa, là nghe tiếng mẹ hát ngân nga ru hời, là được vùi mình trong làn hơi ấm. Phép màu với đứa trẻ là một sớm mai mở mắt được chạy lăng xăng trong nhà, để hòa mình vào cuộc sống gia đình giản dị, trông bóng dáng từng người chúng thương yêu, được vỗ về và khen ngợi. Nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng nhận được những điều mà chúng hằng ước ao, được vui sướng cất tiếng chào người thương yêu hay ôm thật chặt bất cứ ai trong vòng tay bé nhỏ. Có những đứa trẻ sinh ra lại bị coi là phận bé nhỏ vô tri, chẳng ai đếm xỉa, chẳng ai màng tới, chẳng đáng để yêu thương. Có lí gì cho điều đó hay chăng, đứa trẻ ngây thơ nào có làm gì nên tội nên mình mà phải nhận biết bao sầu tủi. Chỉ vì một lí do thôi, mà thuở ấy bao người không muốn thương lấy một đứa trẻ thơ, một mầm non đang sống. Chỉ vì em là con gái, một em bé gái không thể nào mang trọng trách nối dõi tông đường:
- Mệ ơi, mệ ơi, con xin lỗi mệ, mệ ơi...
Tội cho Thủy, tội cho một đứa trẻ ngây ngô chưa thấu hết sự tình, đôi mắt trong veo ấy còn chưa nhìn thấu hết tận thế gian, mà nay đã chịu phận bị người nhà ghẻ lạnh, xa lánh. Một đứa trẻ tuy là con gái của một người buôn lụa là vải vóc, sống trong căn nhà lầu hướng thẳng ra phía bờ sông, ngôi nhà đẹp nhất nhì cố đô. Nhưng đứa trẻ ấy, lại chẳng được trọn vẹn một tuổi thơ đúng nghĩa, một tuổi thơ đáng lẽ ra em nên có được, êm ấm chẳng vướng bận lo âu, không một giọt nước mắt rơi hoài hay ôm lấy mạ để khóc vùi ướt cả vạt áo trong cơn sợ hãi. Thủy là một bé gái xinh xắn, nhưng chính người thân máu mủ ruột rà lại chẳng thương, chỉ vì em là con gái, một cô bé gái sau này lớn lên, trách sao cũng chẳng được phận gì mà tựa như cánh chim trời, rời tổ mà bay mãi. Một đứa con gái bé bỏng, chân yếu tay mềm, nào đâu có đủ trí lực để gánh vác những điều xa xôi hơn thế, nữa là quản lý cơ đồ bao năm. Thủy là một đứa bé hiểu chuyện, nó thấm nhuần nỗi đau của sự ghẻ lạnh từ khi còn là một đứa bé thơ, từ độ lọt lòng khi mệ nội trông thấy nó một cách đầy thất vọng. Một đưa trẻ năm tuổi biết thật nhiều, nhiều hơn cả những đứa trẻ cùng trang lứa, bởi lẽ đau đớn thay, nếu tuổi thơ của một đứa trẻ thực sự là một tờ giấy trắng thì tốt biết bao nhiêu, ấy vậy mà bé Thủy lại phải chứng kiến những điều mà em không nên chứng kiến, phải thấy cảnh mạ khóc sau khi bị cha đánh đập sau một trận men say. Thậm chí chính em, cũng chẳng thoát khỏi đòn roi, thứ ám ảnh em suốt những tháng năm dài, và những lời chì chiết đầy cay nghiệt từ mệ nội. Không thể nối dõi tông đường, cũng là một cái tội hay sao?
- Tao đã biểu mi răng? Tao đã biểu mi không được lần mò nghịch ngợm, răng mi không nghe?
Lủi thủi cả ngày trong xó bếp, vấy bẩn mặt mày bằng muội than phủ đầy lên cổ áo, lấm tấm lên trên đầu và lấm lem nơi đôi bàn tay bé nhỏ, liệu có mấy ai tin đó là một cô bé sống trong gia đình giàu có nhất nhì xứ Huế thuở ấy. Người đời ngưỡng mộ, trẻ em có mấy ai được sinh ra đã ngậm thìa vàng, nhưng mấy ai hay chuyện người nhà không thương mà quay lưng hắt hủi em. Há chăng chỉ có mấy người làm thuê làm mướn trong nhà, những người phải chứng kiến đứa trẻ đó lớn lên từng ngày trong roi vọi, không được ôm ấp trong vòng tay của người thân trong nhà, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong phòng ngủ của mạ và căn bếp bẩn bụi. Con gái thì làm được chi, mệ nội bảo vậy, nên mệ không lòng nào chấp nhận được chuyện trưởng nam không có đến một người con trai. Mệ trông Thủy như trông lòng ê nhục, mệ khó chịu từ những chuyện nhỏ nhất, mà trẻ con mà, đôi khi sơ sẩy nào ai biết chừng.
Hôm nấy thôi, loanh quanh trong bếp một hồi thì bé Thủy đâm ra khát nước, nên con bé loay hoay chạy lên nhà trên lấy nước cho mình, bụi than theo đó mà phủ đầy ra sàn đất, khiến cho o Cúc vội vàng trong hoảng hốt mà phủi qua. Nhưng chưa kịp định thần chuyện gì, o đã tái xanh mặt khi nghe thấy tiếng con bé khóc nức nở và từng tiếng đập vào người con bé đến chan chát, đau đến xé lòng. Hoạ chăng con bé lỡ tay làm vỡ cái ly thủy tinh, nước văng ra và đọng lại thành vũng trên sàn, và càng khổ làm sao khi mệ nội đang ở đó, con bé ngây ngô lại chịu một trận đòn. Mệ cứ thét vào mặt con bé, mắng chửi em là thứ nít ranh hậu đậu, là loại con gái có chuyện nhỏ mà làm chẳng xong. Mỗi tiếng vang lên, bàn tay ấy lại đánh vào người con bé mới chỉ tròn năm tuổi. Nước mắt chảy dài trên má và làm khô lại hai bên tóc mai, đôi mắt đỏ ửng và ầng ậc nước, miệng không thể thốt ra được dù chỉ một lời, hay có cố cũng chẳng làm gì được, con bé đứng im chịu từng đòn đau đớn của mệ, trong khi bàn chân nhỏ vừa bị mảnh ly vỡ làm cho rớm máu. Con bé khóc không thành tiếng, nó đau, nó sợ, nó hoảng loạn mà chẳng biết kêu ai, chuyện bé xé ra to, con bé ôm lấy hai vai kêu từng tiếng gọi mạ nó, người đi chợ xa chẳng hay chuyện ở nhà đau xót:
- Mạ, mạ ơi... Mạ ơi...
Tiếng kêu yếu ớt, xé lòng, như tràn vào khoảng không một sự sợ hãi bao trùm. Con bé càng khóc, mệ nội càng đánh, tiếng thét của mệ lại càng vang. Dưới sàn, mệ đâu có thấy máu đang thấm vào từng ô gạch, loang vào vũng nước tràn. Đau lắm, sợ lắm, cái thân thể bé nhỏ lấm lem cứ bị mệ lôi lại rồi đánh, mỗi lúc một mạnh thêm. Con ở sau nhà vốn chẳng có quyền can dựng, nhưng lòng mụ Hồng như thắt lại từng cơn, quặn lại mỗi lúc một nhói hơn, mụ nghe tiếng khóc gào mà như thấy lòng mình vỡ vụn. Để rồi không chịu được nữa, mụ lớn tiếng kêu cậu Lam, người cũng chực muốn nhảy bổ vào nãy giờ:
- Lam, mi đi ra nớ ngay, bây giừ o Ngư về, trông con đau con khổ, o lại ngất ra...
Hôm ấy, không chỉ bé Thủy mà cả cậu Lam cũng chịu đòn thay, nhưng vốn là phận con ở, gia nô quen mùi roi vọt, mệ có đánh, với cậu cũng chẳng hề chẳng hấn gì. Chỉ thương bé Thủy hôm ấy, khi cậu vội vàng bế em lên, dường như đã đau đớn muốn lịm đi, chân con bé xây xước và máu chảy thành vệt dài. Cậu không nhớ, và cũng chẳng muốn nhớ điều gì đã xảy ra hôm đó, chỉ tồn tại mơ hồ trong cậu hôm đó bóng dáng cô Ngư ngồi ôm đứa con ngủ vùi trong lòng, giọt sầu rơi thấm đẫm đôi gò má, và nơi bàn chân trái của bé Thủy, từ bao giờ đã quấn chặn một lớp băng dày. Cậu thương con bé, cũng như o Cúc hay mệ Hồng thương em. Cậu bị đòn từ khi dọn về làm con ở độ mười lăm, nhưng bé Thủy bị đòn còn sớm hơn thế, đau đớn phải hơn gấp trăm gấp vạn lần. Không biết bao nhiêu trận vùi trong nước mắt và ám ảnh, cậu và o Cúc nhìn nhau rồi lặng lẽ thở dài. Đời người, sao mà bạc đến thế, đến bao giờ đứa trẻ mới được sống trong một tình yêu thương chân thành?
o0o
Nếu cuộc đời này cho một lần được trở lại, nếu như thời gian không phải là một dòng thác chảy trôi vội vàng, để rồi những giọt nước trong cơn chảy tràn đó vương lên cuộc đời ta như một niềm ám ảnh. Nếu như tuổi trẻ đời ta dài hơn, để ta đủ thời gian nghiền ngẫm cuộc đời, để không phải đớn đau dại dột cho hiện tại. Nếu đứng trước chính bạn năm xưa, một thuở ngây thơ mơ hồ như thế, có lẽ chính ta sẽ tự khuyên ta, tự cảnh báo ta khỏi những chuyện sai lầm. Song Ngư nhận ra những sai lầm của bản thân khi đã quá muộn màng, chị tự hỏi nếu được gặp người con gái bé nhỏ ấy ở tuổi đôi mươi, liệu chị có thể nói sớm hơn về những điều sắp tới. Đò đã sang sông, nước chảy xuôi dòng, ngày chị bước lên xe hoa bao người mừng rỡ, mấy ai được lấy chồng giàu đâu, huống chi chị còn là thân con gái nghèo. Ấy vậy mà bây giờ, thế gian trước mắt chị chỉ là một không gian ngột ngạt, là những đêm tối chờ chồng, là tiếng khóc mà chị cố nín lại trong lòng mà gượng cười với con. Tuổi xuân thắm rồi cũng như hoa đã tàn, hối tiếc muộn màng, làm chi được nữa.
Đời đã rẽ sang ngang mất rồi...
Cưới chị về được mấy năm, thì chồng chị sa vào cờ bạc. Cái thứ đỏ đen như hút ánh vào một vòng xoáy bất tận, có vào mà chẳng có ra. Chị, với tư cách là một người vợ, đã bao lần khuyên ngăn là thế, năn nỉ là thế. Chị nói với anh đủ điều, nhưng anh nào có nghe chị, mọi sự anh để ngoài tai. Trước mắt anh chỉ là thứ tiền tài háo danh trước mắt, bởi nếu thắng thì tiền về như nước sông. Nhưng anh nào có thắng được mánh khóe của người ta đâu, bao lần đi anh thua bằng ngần ấy, anh thua, nhưng anh vẫn ham, mờ mắt vì tiền. Để rồi khi Thủy lớn lên, cũng là lúc chị đón một tin sốc mà bản thân chị chẳng thể nào tin nổi...
Chồng chị phá sản, xưởng may năm xưa rồi cũng bán lại cho nhà người ta để lấy tiền trả nợ. Ấy vậy mà còn thiếu một phần, anh nhờ mạ chồng trả nốt phần còn lại. Dù sao cũng may mắn là mạ còn giữ được một tiệm vải nhỏ, gia đình chị chưa đi tới nước đường cùng.
Chị không hiểu vì sao sau bao chuyện khổ đau là thế, mạ chồng vẫn dung dưỡng cho chồng chị, cho những việc làm sai trái của anh. Cờ bạc, rượu chè đã quá đủ, nay anh còn sa vào cả mấy ả đàn bà nào đó mà chị chẳng hay. Chồng, và cả mạ chồng chị, giấu chị chuyện anh có cặp kè với ai bên ngoài đó. Nhưng chị biết, biết hết chứ, chị đâu phải dạng ngây ngốc gì đâu, sao chị lại không thể nhìn thấy chiếc khăn mùi xoa nữ anh giấu sau vạt áo, hay thứ mùi hương kỳ lạ phảng phất trên áo quần. Chị muốn khóc, muốn giữ chồng, muốn mọi sự quay về như năm xưa, nhưng anh coi chị như cái gai trong mắt, ngay cả đứa con thơ anh cũng chẳng đoái hoài. Phải chăng mạ chồng thà để anh ra ngoài cặp kè gái gú rồi đưa về cho mạ một đứa cháu trai, còn hơn là để chị tiếp tục ở lại trong nhà, một người phụ nữ quê mùa không sinh được con gái. Chị vẫn khóc hoài không thôi, trăng đã tàn, phố mịt mờ, đèn như chợt tắt, thế gian như ảo ảnh hay giọt sầu rơi khiến mắt chị mờ đi.
- Mả cha mi, mả cha con đàn bà khốn nạn, mả cha con ả bám dính lấy nhà tao!
Chồng chị về rồi, như mọi lần. Anh vẫn say, vẫn loạng choạng, vẫn trông thấy chị là chửi đổng cả lên, vẫn thù hằn chị như thế. Chị nhìn chồng, rồi lặng lẽ đứng lên, chị vẫn làm dâu nhà này, chăm chồng vẫn là bổn phận, chị chẳng thể làm gì khác được. Anh bước lên nhà, mắt đỏ ngầu và đục lại, áo quần xộc xệch và bám từng lớp lấm lem, có lẽ trong cơn say anh đã vấp ngã mấy lần. Nhưng anh không muốn nhìn thấy chị, càng không muốn gặp chị, gặp con. Cơn nóng giận và cái chỉ trỏ của người ngoài, rằng con trai trưởng cuối cùng chỉ có con gái mà thôi, khiến anh đâm ra thù chị ghê gớm. Thế là anh cứ mượn rượu, mượn cờ bạc, mượn gái bên ngoài. Anh ghê tởm chị, anh sợ hãi mỗi khi chị chạm vào, dù khi ấy chính chị đâu có làm gì sai, chị chỉ muốn đưa anh vào nhà khi trời tối muộn.
- Cút, cút ngay cho tao! Cút đi!
Anh phũ phàng hất chị ra, cú hất mạnh như một lời ruồng bỏ, chị ngã xuống, những vết đau hôm qua vẫn chưa lành giờ lại càng thêm đau nhói. Chồng chị lại đánh chị mất rồi, anh kéo chị lên, và rồi trước mắt anh đâu còn con gái trong trắng năm xưa, trước mắt anh bây giờ, chị chỉ là một kẻ ăn nhờ ở đậu, một ả đàn bà bòn rút lấy gia đình anh. Anh giữ lấy chị, rồi tát chị một cái thật mạnh, thật kêu, cái tát như khiến chị nhận ra hiện thực ngang trái của bản thân mình. Nước mắt chị rơi, đưa mắt nhìn chồng mà lòng đau nhói, Song Ngư đớn đau, trước mắt chị bây giờ là ai, có phải người thương chị không hay là một con quỷ đội lốt người.
Không, không, chị đã chấp nhận quá đủ rồi, đời chị bây giờ nào khác chăng địa ngục, nỗi đau, nỗi nhục vây quanh như một bầy quỷ dữ, ám lấy và xé rách tâm hồn chị. Không, không, không thể để cho bản thân mình chịu đau chịu nhục được mãi, phải sống chứ, phải sống vì bé Thủy, phải cứu lấy con bé khỏi cái địa ngục cuộc đời. Chị không thể nhịn, càng không thể để bản thân mình bị coi như cỏ rác. Anh càng đánh, chị lại càng tỉnh ra, chị không phải là quân khốn nạn, chính những kẻ đưa chị tới đây và dìm chết tuổi xuân của chị vào vũng bùn lầy, chính chúng mới là quân khốn nạn! Nhịn, nhịn đến bao giờ nữa, nhịn rồi có sống được không! Chị hướng ánh mắt về người chồng trước mặt, hay chính chị đang hướng ánh mắt về phía kẻ thù, một ánh mắt kiên định, một ánh mắt sắc như dao, một ánh mắt của niềm hi vọng cứu lấy con và cứu lấy phận mình. Song Ngư vốn là người đàn bà yếu đuối, như người ta từng nói vậy, nhưng nếu một ngày người đàn bà ấy quyết vùng lên chống trả, mọi sự, sẽ khác hoàn toàn.
- Chính mi mới khốn nạn, mi nỏ có được đụng vô mạ con tao!!!
Chị hét lên, tiếng hét như trút lấy tất cả những đau đớt tột cùng, tiếng thét xé lòng mà đầy cay đắng, ai ngờ đâu sau chừng ấy năm, sau bao nhiêu mộng tưởng mơ hồ về một gia đình hạnh phúc, chị nhận ra bến đỗ cuộc đời mình giờ chỉ như một lời dối trá qua loa, tiếng thương năm xưa như mật ngọt chết ruồi. Dại, quá dại rồi, người hại thân chị, thì chị thề xin trả đủ, thân chị sinh ra thì phải được sống, chữ sống khác với chữ tồn tại, chị không thể chỉ tồn tại được thêm một giây một phút nào nữa. Mạ chồng, hay chồng chị, giờ chị chẳng còn sợ họ, chẳng còn coi họ như người thân thích của mình. Chẳng ai sẽ đối xử với nhau như thế cả, chị là con người chứ đâu phải cái máy sinh con trai, đâu phải thân dê thân chó, đâu thể mặc sức để nhà chồng chà đạp. Biết là đánh chồng là sai, nhưng chị không chịu được nữa, sau tất cả, anh đã hủy hoại đời chị. Tên đó còn chẳng xứng để chị kêu bằng chồng, bằng anh, phải kêu bằng hắn, bằng mi, bằng thằng! Chị đẩy hắn ra, lần đầu chị thấy mình không còn yếu đuối, chị lao vào túm chặt lấy kẻ đã biến cuộc đời chị thành vực thẳm như hiện tại, chị không ngại mà đánh thẳng vào hắn, đánh hắn bằng cách hắn đã đánh chị những tháng năm ác mộng vừa qua.
- Thủy cần một người cha, nhưng nỏ phải mi, mi nỏ có tư cách làm cha của Thủy!
Chị không biết mình đã nghĩ gì sau tất cả, khi bóng chồng chị gục xuống trong cái không gian tối mịt mờ, lòng chị vừa tái tê, vừa nhẹ bẫng. Nửa cõi lòng, chị tái tê cho tội lỗi của mình, nào có người phụ nữ nào, nào có người vợ nào dám đánh lại chồng mình, dám chửi chồng to tiếng, dám làm đau người đầu ấp tay gối với mình hay chăng? Nhưng nửa cõi lòng còn lại, chị thấy hồn mình thanh thản, nhẹ bẫng, chị như trút lấy tất cả những tủi hờn còn vương vãi trong trái tim chị, dù cho khi chị bắt buộc phải chống trả lại người chồng của mình, chị đã vừa đánh vừa khóc, khóc chồng và cũng như khóc phận bản thân. Ai trong đời biết được chữ ngờ, chữ giá như lại càng không thể. Giá như năm đó chị không nhận lời lấy hắn ta, giá như chị không đau khổ chịu phận chịu nhục đến tận bây giờ, giá như chị không vì chữa bệnh phổi cho mạ nuôi mà trót trao thân gửi phận. Thì đã, thì đã khác rồi. Chị lại nghĩ đến con, con bé sẽ ra sao nếu biết rằng mẹ nó từ nay đã quyết dứt mối tình với cha nó đây. Li dị, giờ là điều cuối cùng chị có thể làm, chị không thiết nghĩ đến chuyện níu chồng làm chi nữa.
- Mả cha mi, mi là đồ con tinh! Răng mi đánh con tao, răng mi đánh con tao!!!
Tiếng mạ chồng như đưa chị về thực tại, người đàn bà ấy chưa bao giờ coi chị là con dâu, chị chỉ là loài con ở bần cùng, một nỗi nhục của bà. Bà đã giày vò chị bao nhiêu năm, chị đã cúi đầu trước bà bao nhiêu lần, vì phận dâu con mà đành theo vậy. Nhưng bà thật quá lắm rồi, thân phận phụ nữ với nhau, nhưng cái tư tưởng của bà áp đặt lên chị có khác nào chà đạp cuộc đời chị không? Cay nghiệt bao đời, chị vẫn chưa thể thoát khỏi sự thay đổi của bà khi biết chị sinh ra bé Thủy, người không thể nối dõi cái gia tộc kiểu mẫu bao đời của bà. Bà ta, mạ chồng chị, chỉ biết nghĩ cho bà thôi, bà nào hay phận chị thế nào, bà còn chẳng coi bé Thủy như đứa cháu nhỏ cùng chung máu mủ. Bà đứng đó, rít lên từng hồi, bà thét, bà chửi, mà tuôn ra những lời cay độc nhất vào chị. Nhưng chị giờ chẳng còn biết sợ, chẳng còn biết nhục, chẳng còn biết đau, mạ chồng với chị giờ cũng không còn là người thân như trước nữa. Sau lưng bà, mụ Hồng, o Cúc, cậu Lam đã sớm ở đó, mụ Hồng còn đang cố níu mạ chồng chị lại, để tránh cho bà nhảy thẳng vào cào xé chị thêm nữa. Song Ngư dường như muốn khóc, hóa ra lời ngọt năm xưa của mạ chồng chỉ là dối trá, vậy sao chị lại trót dại tin người. Đứng trước bà ta mà lòng chị trống rỗng, tiếng chửi vang ra, theo nước sông trào mà lan đi khắp xứ, cả chốn này đều hay chị là loài dâu con tệ bạc mất rồi. Bé Thủy giật mình tỉnh giấc từ lâu, nó lao từ trong phòng ngủ ra ôm chầm lấy mẹ, con bé lại nấc lên, nức nở từng hồi. Chị giờ không thiết nghĩ xem người đời nói lời vào ra nữa, chị chỉ có đứa con duy nhất, và chính chị phải cứu con ra khỏi ngôi nhà này.
- Mạ nỏ phải nói to như rứa, mạ lo cho con mạ đi. Con biết mạ muốn con và con mạ li dị, răng con nỏ biết mạ muốn tìm con dâu khác? Ý mạ như nớ, con xin chiều theo ý mạ!
- Mi...mi...
- Tiền con vay mạ để trả cho mạ con, con sẽ đưa về cho mạ đủ. Con có làm răng mạ cũng nỏ chịu, vầy mạ đi ra ngoài nớ mà tìm con dâu khác cho thỏa lòng! Mạ con con đi cho mạ vui.
Mạ chồng nhìn chị, bà ta như muốn chửi chị thêm cho chị biết đường mà nhục nhã, nhưng trước lời nói của chị, bao lời lẽ như khô hết lại, chẳng thôi nổi câu gì. Người con dâu mà bà vẫn thầm coi thường ấy, người bước vào với tư cách vợ của trưởng nam mà chẳng sinh nổi một người con trai, người làm cho bà phải cúi mặt mỗi dịp gặp gỡ với cái gia tộc cao quý nhà bà. Giờ đây, giờ đây sao lại khác, không còn van xin, không còn khóc, không còn ánh mắt kia nhìn xuống nền đất một cách vội vàng, không còn một chút gì níu giữ mảnh tình con còn sót lại. Ả ta nói gì kia, bà bần thần hoảng hốt, cái tiếng xin li dị mà bà mong đợi đã lâu, bà đã mong chờ ngày rước con dâu mới về, người sẽ sinh cho bà người con trai nối dõi. Và còn gì hơn thế nữa, cô con dâu quê mùa bẩn thỉu ấy còn quyết trả lại cho bà số tiền vay mượn chạy bệnh cho mạ, còn khăng khăng chẳng sót lấy một đồng. Vậy ra trước khi mạ con ả ra đi, ả vẫn còn chút tự trọng mà trả lại. Với bà, thế là quá đủ rồi, còn mong gì nữa, tiếng nói của con ả đúng là khiến cho bà một phen chết đứng, nhưng mục đích của bà giờ đã được thực hiện rồi. Hai mạ con nó đi nhanh cho khuất mắt, thứ đó rồi sẽ chẳng còn dính líu đến cuộc đời bà. Một ý nghĩ lan thầm trong dạ, bà sẽ vớt vát lại cái danh vọng của bà và của cả người chồng quá cố, bà lặng lẽ quay lưng, đi về phía căn phòng trong góc tối.
- Ngày mai, đừng để tao nhìn thấy mi. Một tháng rồi tao sẽ qua đưa đơn li dị theo ý mi. Tiền thì tao không thiết lấy từ mạ con mi, nhưng nếu mi rời khỏi ni, mi nỏ được mang cái chi đi cùng mi!
o0o
Thủy đương ngủ, không gian lại yên ắng, vắng lặng như không, màu trời đen vẫn trùm lên thế gian, bóng đêm chảy tràn qua từng ngõ nhỏ. Đèn dầu lập lờ vẫn còn đó, chồng chị, cậu Lam đã đưa lên lầu từ lâu. Chị bần thần ngồi canh con ngủ, một giây một phút chị không nỡ xa con. Mảnh tình kia rồi cũng đứt, chị rồi sẽ được tự do, nhưng lòng chị vẫn không nguôi nỗi lo cho một phần đời vô định sắp tới. Hăm bảy tuổi rồi, giờ rời đi mà không mang lấy trong thân một đồng, thì chị biết làm sao, sống sao, nuôi con sao nổi. Thủy sắp vào lớp một, chị lại bị đuổi khỏi nhà chồng, không việc làm, không địa vị. Rồi ai nhận một người phụ nữ đã sắp độ ba mươi không, chị bây giờ làm sao tranh được với người trẻ, lâu rồi không làm lụng, thân chị cũng đương yếu lắm rồi. Nhưng vì Thủy, dù cho có phải rời đi, dù cho có làm cái nghề nào thấp hèn nhất, chị cũng phải cố mà nuôi lấy con. Và cả mạ chồng nữa, mạ đâu biết chị nơi đây sống thế nào, chị giấu mà chuyện chồng con, luôn gượng cười mỗi lần về thăm, thưa mạ rằng gia đình vẫn hoài êm ấm. Mai đây chị về lại nhà mạ nuôi, mạ sẽ ra sao khi biết chị sống như địa ngục, mạ sẽ ra sao khi biết chị sắp li dị chồng. Mạ rồi có còn thương chị nữa không?
- O Ngư, răng o chưa ngủ? O ngủ đi, có em, anh Lam và mệ Hồng ở đây rồi...
- Cúc với Lam ngủ đi. Tôi trông Thủy.
Cúc lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh, đưa mắt nhìn Song Ngư, rồi nó lại cúi đầu, thở dài một tiếng. Làm con ở bao năm, Cúc tới nhà này khi còn bé lắm, khi mới mười một tuổi, thậm chí còn bé hơn cả cậu Lam. Đời Cúc cũng khổ, nó chỉ học đến hết lớp bốn, nó chỉ biết đọc, biết viết sơ sài, nó chẳng có đến một đồng để học cao hơn. Cậu Lam cũng như nó thôi, cậu học đến lớp bốn là cùng, rồi cũng chẳng có diễm phúc được theo con chữ, dù cho độ ngây ngô, cậu mong thành thầy giáo. Số đời là thế, đưa đẩy thật nhiều, làm gia nô, họ chứng kiến bao chuyện, vui buồn đủ cả. Tưởng chừng như đời họ khổ đến vậy là cùng, nhưng đời o Ngư cũng chẳng có gì hơn thế. O còn gầy, còn nhỏ, còn xanh xao hơn, o bị đánh, bị rủa sả, có khác chăng gì họ nữa. Cúc rưng rưng, nó thương o Ngư quá, nó không biết bao nhiêu lần len lén đi lấy thuốc về cho o, nó không đếm nổi những ngày nó vội vã chạy đi kêu cậu Lam cứu lấy o Ngư khỏi người chồng tệ bạc đang chìm trong men rượu. Cúc nắm chặt lấy tay o Ngư, nước mắt nó rơi xuống, nhỏ long tong, rồi bất giác không kìm được nữa, nó khóc òa lên nức nở:
- O, răng o khổ ri nì trời! Em khổ như rứa, răng o còn khổ hơn em...
Song Ngư cười. Đã bao lần chị mơ, nếu tuổi trẻ có trở về, chị sẽ có một tình yêu đẹp như tình yêu của cậu Lam và o Cúc. Chị biết dôi trẻ này thầm thương nhau, cái thương chẳng dính đến chữ giàu sang, thương là thương thật, thương vì thấm lòng. Ước sao chị có một tình yêu nhẹ nhàng mà chân thật như thế, ước sau chị có một ai đó cạnh bên mà trân trọng mình. Cúc và Lam có khổ, nhưng tình yêu với họ như ánh sáng giữa đời, họ dựa vào nhau mà sống, lấy hình bóng nhau làm niềm vui, dù cho công việc của họ chẳng dễ dàng gì. bao lần cậu Lam chịu đòn khi cố bảo vệ chị và bé Thủy khỏi những trận đánh đập, những cơn giận của mạ chồng và chồng chị, để rồi chị thấy o Cúc, giữa đêm khuya muộn màng, vừa khóc vừa chữa chạy cho cậu, khi người cậu đã dày đặc những vết tím bầm và xây xước đến rớm máu. Rồi có những lần cậu Lam đưa mạ chồng chị đi chợ, để rồi khi chị ngó ra ngoài cửa sổ thấy cậu về, mang cho Cúc một chiếc bánh con con, bé bằng nắm tay mà cậu mua được ở chợ. Một chiếc bánh chẳng đáng giá mấy đồng, nhưng Cúc trân trọng và vui dữ lắm, trong ánh mắt nó ngập tràn hạnh phúc và rồi nó ôm chầm lấy cậu Lam. Chị trông thấy, vừa thích thú cho đôi trẻ, nhưng lòng cũng buồn lại đôi phần. Nếu chị không dại dột, liệu bây giờ chị đã có được hạnh phúc như thế không? Sống trong giàu có nhưng nào có tình yêu, thà rằng chị mang phận bần hàn như năm mười tám, nhưng còn được trọn chữ tình. Chị nhỏ nhẹ nói với o Cúc, o vẫn hoài sụt sịt, cạnh bên cậu Lam đang lặng nhìn hai người:
- Cúc đừng khóc, o có khổ cái chi mô. Mai o về với mạ, Cúc với Lam nỏ phải lo cho o. O ở mô thì o Cúc, cậu Lam vẫn nhớ o. Hai em thương nhau như rứa, cưới thì nhớ mời o hỉ?
- O... Răng o biết chuyện em?
Cúc ngại ngùng nhìn qua cậu Lam, thấy màu đỏ đang lan từ má cậu rồi chạy đến tận mang tai. Tưởng chẳng ai hay, ai ngờ đến o Ngư cũng biết. Song Ngư nhìn đôi trẻ, rồi lại nhìn Cúc, trong chị như thấy cả tuổi xuân mộng mơ ấy tràn về, gần mười năm trôi qua, chưa bao giờ chị nhớ nhung từng năm từng tháng như bây giờ:
- O trông o hay như rứa, o còn mơ mình được như em.
- Răng o lại mơ được như em?
- O mơ có người thương mình như cậu Lam thương em đó. O nỏ cần giàu sang, o chỉ cần hạnh phúc, có người thương o thật lòng, là o vui lắm rồi. O trót dại, giờ mong hạnh phúc có được nữa mô...
Song Ngư thở dài, bên cạnh, Cúc và Lam lại lặng lẽ nhìn nhau. Bóng cây trước sân đổ xuống thềm nhà, tiếng nước vẫn trôi, lập lờ như thế. Chị như thấy đời mình như con nước ngoài kia, rồi sẽ về đâu được nữa. Bến bờ nào ngoài kia, mặt trời kia có đợi, hay rồi nước lại đưa chị đến một kiếp lênh đênh. Ngày mai đi rồi, còn mạ, còn con, chị vẫn còn cố gắng. Gắng vì tương lai, gắng vì bản thân mình, gắng để sửa lại những dại khờ, ngây thơ đã qua trong quá khứ. Chuyện tình của chị tựa như một nỗi sầu giăng mắc cõi lòng, chị giờ đã đưa tay gạt hết, chẳng còn vướng bận điều gì. Ước vọng của chị theo mây theo gió, bay cao tận tầng không, in sâu trong đáy mắt chị không còn sợ hãi, không còn đớn đau. Người ta không thương, vậy thì chẳng cần luyến lưu gì nữa. Chị đưa tay gạt nước mắt, rồi lặng lẽ đứng lên. Phải mạnh mẽ lên thôi, vì con, vì mạ, vì chính mình:
- O sẽ sống vì bé Thủy, vì o. Ngày mai khi đưa o đi, Cúc và Lam nỏ được khóc hỉ...
Không ai trong cuộc đời này sinh ra chỉ để tồn tại, càng không có ai sinh ra trong kiếp này để chịu cảnh bần hàn đớn đau. Con người ta sinh ra để sống, dù đời có khiến cho ta bao lần sầu khổ, thì ta vẫn có thể tin rằng nơi xa xôi kia, ở một chân trời nào ta hoài mong ngóng, ánh sáng của niềm hạnh phúc đang đón chờ.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip