18.Những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng HCM

Để xây dựng một nền dạo đức mới, Hồ Chí Minh đã nêu ra các nguyên tắc cơ bản để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng và cho việc rèn luyện đạo đức của mỗi người.
    a. Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức
    Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho bản thân và có tác dụng đối với người khác. Vấn đề này được Hồ Chí Minh nói ngay từ trong tác phẩm Đường kách mệnh. Trong suốt cuộc đời, Người đã coi trọng giáo dục cho mọi người quan điểm này và bản thân Người luôn gương mẫu thực hiện.
Nếu nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng, làm một nẻo thì chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng. Đó là thói đạo đức giả, đặc trưng đạo đức của các giai cấp bóc lột. Nó hoàn toàn xa lạ với đạo đức cách mạng, với nền đạo đức mới.
Vấn đề nêu gương trong lĩnh vực đạo đức có vai trò rất quan trọng trong hình thành đạo đức xã hội. Nêu gương phải được quán triệt trong mọi lĩnh vực Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, nhà trường, gia đình, xã hội bởi vì “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
 Trong gia đình đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em. Trong nhà trường thì đó là tấm gương của thầy cô giáo đối với học sinh. Trong tổ chức, tập thể, Đảng, Nhà nước là tấm gương của những người lãnh đạo, cấp trên đối với cấp dưới. Trong xã hội thì đó là những tấm gương người tốt việc tốt để mọi người noi theo; là tấm gương của các thế hệ trước đối với các thế hệ sau. 
 Đối với cán bộ đảng viên, Người chỉ rõ: trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Những tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tấm gương “người tốt việc tốt” rất gần gũi trong đời thường, có ở mọi nơi, mọi lúc cần phải được coi trọng: từng giọt nước nhỏ thêm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc. Người tốt, việc tốt nhiều lắm, có ở mọi nơi, ở ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có.
    b. Xây đi đôi với chống, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi
    Trong cuộc sống hằng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, thật - giả, thiện - ác, cái đạo đức và cái vô đạo đức… thường đan xen, đối chọi với nhau thông qua các hành vi của những con người khác nhau trong xã hội. Sự đan xen, đối chọi ấy còn diễn ra ngay trong bản thân của mỗi người. Vì thế, cùng với việc xây dựng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp  nhất định phải chống lại những biểu hiện sai trái, xấu xa…(thường gọi là tệ nạn, tiêu cực, thoái hoá, biến chất) trái với yêu cầu đạo đức mới. Xây phải luôn đi đôi với chống, muốn xây phải chống, chống là nhằm mục đích xây.  
    Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục, bằng hoạt động thực tiễn, phải cụ thể hoá những phẩm chất đạo đức chung cho phù hợp với từng lớp đối tượng khác nhau, phải khơi dậy sự tự ý thức của mỗi người. 
Việc chống lại cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức được tiến hành bằng tự phê bình và phê bình, bằng giáo dục, thuyết phục, kỷ luật và pháp luật.
    Để xây và chống có kết quả, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Trong đó có những phong trào, có những cuộc vận động chung cho toàn Đảng, toàn dân, có những phong trào, có những cuộc vận động riêng cho từng ngành, từng giới. Các phong trào đã có tác dụng lôi cuốn mọi người tham gia, thôi thúc mọi người phấn đấu tự bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất đạo đức của mình.
    c. Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
    Mỗi người phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày. Công việc đó phải làm kiên trì, bền bỉ, suốt đời và không thể chủ quan, tự mãn.
 Người đưa ra lời khuyên cho chúng ta: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.” ( Tập 9, trang 293)
Do không chú ý điều đó, nên có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song, đến khi có ít quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác mà biến thành người có tội với cách mạng.
 Người đưa ra kết luận: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi ngưòi yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mĩ, cứu nước làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người.”
( Tập 12, trang 557 – 558 )    
    Người nêu rõ: Đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, chỗ thiện, chỗ ác trong bản thân mình. Do đó phải dám nhìn thẳng vào bản thân để thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện cần phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác cần khắc phục.
    Việc tu dưỡng đạo đức của mỗi người phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn: sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu; trong mọi mối quan hệ: gia đình, nhà trường, xã hội, bạn bè, đồng chí, anh em, cấp trên với cấp dưới… Việc điều chỉnh hành vi và phẩm chất đạo đức của mỗi người được thể hiện rất cụ thể, phong phú, đa dạng do mỗi người có cương vị, vai trò khác nhau trong xã hội

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: