Pháp Cú 410: Truyện nghi oan Ngài Xá Lợi Phất

"Người không có mong cầu

Ở đời này đời sau

Tâm an lành giải thoát

Ta gọi Bà-la-môn."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 410)

Tích Pháp Cú: Lần đó Ngài Xá Lợi Phất trông coi 500 Tỳ kheo an cư kiết hạ ở Tinh xá khác. Chuẩn bị đến ngày Tụ Tứ mãn hạ và ngài chuẩn bị về Kỳ Viên gặp Phật. Rồi có thí chủ rất vui khi thấy Chư tăng tinh tấn tu hành. Nên họ hứa đến ngày Tụ Tứ sẽ cúng cho quý thầy nhiều đồ dùng vật dụng: Vải vóc, tọa cụ và các đồ dùng thiết yếu khác.

Đến ngày đó mà họ vẫn chưa mang tới. Ngài thì bắt buộc phải về Kỳ Viên. Thế là Ngài Xá Lợi Phất dặn dò chia đồ đó ra thế nào, phần nào cho ai, cho ai chi tiết cặn kẽ. Rồi Ngài đi về Kỳ Viên.

Rồi có mấy vị Tỳ kheo chưa chứng mới đàm tiếu:

"Ngài Xá Lợi Phất coi trọng vật chất quá. Ngài quá chi tiết cẩn thận chia đồ đó thế nào, cho ai cho ai... Ngài quá trọng vật chất. Đáng lẽ A-la-hán phải coi vật chất như mây bay gió thoảng mới đúng".

Các bạn nghe thấy có thuyết phục không?

Thế rồi chuyện đàm tiếu đó đến tai Phật. Phật kêu các vị đó lên và Phật la rầy:

- Này Tỳ kheo, con ta (Phật gọi Ngài Xá Lợi Phất là con) không thể có vật chất nào dính vào tâm được.

"Người không có mong cầu

Ở đời này đời sau

Tâm an lành giải thoát

Ta gọi Bà-la-môn."

(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 410)

Bài học kinh nghiệm

Bài học 1: Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử

Bụng tiểu nhân thì chứa đầy tham, sân, si. Rồi họ nghĩ ai ai cũng tham, sân, si giống vậy. Thế là họ đàm tiếu nói xấu Ngài Xá Lợi Phất.

Thật ra, trách nhiệm của Ngài Xá Lợi Phất được Phật giao là phải quản lý chu đáo cẩn thận hội chúng. Vật chất đó thì Ngài không tham cho mình. Nhưng vật chất đó cũng là tiền mồ hôi nước mắt của gia chủ cúng dường. Ngài phải biết trân trọng, sử dụng nó có lợi ích thì gia chủ mới có phúc. Đây gia chủ cúng dường vật chất cho Ngài thì Ngài vứt đi rồi bảo "Tự tại với vật chất, không cần vật chất" là phụ lòng gia chủ và phá hủy công đức của gia chủ.

Ngoài ra, vật chất nếu thái quá, quá cao sang, quá VIP, quá xa xỉ thì mới có tội. Còn vật chất là những đồ thiết thực cần cho cuộc sống mà ta dùng cẩn thận thì sẽ có ích, giúp cuộc sống thuận tiện.

Ví dụ cái áo: Nếu nó là cái áo hàng hiệu, được gắn kim cương, thêu chỉ vàng, giá tiền tỷ thì lãng phí. Nhưng cái áo bình thường, sạch sẽ, mới đẹp ta mặc vào để tôn nghiêm. Thì sử dụng vật chất đó là có lợi ích. Nay ta bảo ta không cần vật chất thì ta không mặc quần áo lại thành phái tu Lõa Thể à?.

Hay ví dụ cái bát: Nếu cái bát đó bằng vàng, bằng ngọc, giá tiền tỷ thì là lãng phí. Còn cái bát sạch sẽ, đẹp đẽ, lành nặn đựng thức ăn cho ta thì có lợi ích. Nay ta bảo không cần vật chất thì đựng thức ăn bằng gì? Hay vứt đồ ăn đó xuống đất rồi bốc ăn?

Do vậy, vật chất thì không xấu. Cái xấu là kẻ quá tham thật nhiều vật chất. Hoặc tham vật chất đó phải sang, xịn, mịn, đỉnh của top... mới là xấu.

Bài học 2: Tốt xấu khó phân biệt

Tỳ kheo đó đại diện cho chính chúng ta. Ta không có trí tuệ để biết rõ đúng sai nên ta hay nghĩ sai.

Tốt thì ta thấy là xấu. Xấu thì ta nghĩ là tốt. Khi trí tuệ ta cao hơn thì tốt, xấu ta phân biệt rõ ràng chính xác hơn. Còn thấy đến tận cùng của Chân lý, tốt xấu, thiện ác, chánh tà, tội phúc thì chỉ có A-la-hán.

Bởi chúng sinh trong luân hồi là Vô Minh. Vô Minh giống như đêm tối không chút ánh sáng mà ta vẫn phải đi. Vì không thể phân biệt rõ tốt xấu, đúng sai nên ta vô tình làm sai tạo tội. Vậy nên một vị thánh tâm rất đạo đức, từ bi, thương người nhưng chưa diệt Vô minh thì vẫn vô tình làm sai tạo Ác nghiệp.

Chỉ khi một vị thánh diệt Vô Minh thấy mọi sự vật hiện tượng đúng sai, tốt xấu, chánh tà... rõ như thấy đồ vật trong ánh sáng ban ngày. Thì khi đó vị đó mới không làm sai tạo Ác nghiệp. Vì không còn Ác nghiệp nên không còn quả báo khổ. Mà bản chất Luân hồi là đau khổ bởi có sinh tử. Thế nên vị đó sẽ vào một cõi không đau khổ, không sinh tử, nằm ngoài Luân hồi.

Đó chính là Niết Bàn "đoạn tận diệt khổ".

Bài học 3: Không mong cầu đời này và đời sau

Ta chú ý: Ta làm thiện tích phúc mong có phúc lành để hưởng là sai. Có kẻ biết Nhân Quả chủ yếu đến ở đời sau và làm phúc mong đời sau sướng cũng sai. Đó là tham lam. Vậy nên ta làm thiện tích phúc chỉ mong mang hạnh phúc đến cho đời chứ đừng mong phúc lành đến với ta đời này hay đời sau.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #lvt