Pháp Cú 421: Truyện không còn nắm giữ sở hữu gì
"Ai chẳng còn nắm giữ
Bất cứ sở hữu gì
Cả quá hiện vị lai
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 421)
Tích Pháp Cú: Có một ông tên là Vi-sa-ca sống ở thành Vương Xá. Ông đến nghe Phật thuyết pháp xong thì chứng Nhị quả Nhất Lai.
Ta biết Sơ quả Dự Lưu thì diệt: (1) Thân kiến là tham lam, ích kỷ. (2) Giới cấm thủ là cố chấp. (3) Nghi là tuyệt đối tin vào Chánh pháp. Nhị quả Nhất Lai thì diệt: (4) Sân hận là thù hận, ghét bỏ. (5) Tham ái là chấm dứt ái dục. (6) Trạo hối là tâm bất động và không còn hối hận.
Khi ông chứng Nhị quả rồi về nhà nói với vợ rằng:
- Này bà, nay toàn bộ tài sản là của bà. Từ nay chúng ta sống như bạn nhé.
Bởi ông đã diệt Tham ái chấm dứt ái dục, không còn tình dục. Vì diệt Ái nên cũng diệt Thủ, diệt Hữu. Tâm ông không còn nắm giữ hay sở hữu cái gì. Thế nên ông nhìn tài sản gia tài của mình thì không thấy là của mình, không chấp giữ, không sở hữu.
Nhưng bà vợ thấy ông vứt hết tài sản cho bà, rồi coi bà là bạn. Bà nghĩ: "Thế có khác gì ông ấy bỏ mình". Thế là bà bảo:
- Vậy tôi sẽ đi tu.
Ông Vi-sa-ca đồng ý. Bà vợ tu ở Trúc Lâm Tinh xá ni. Nhưng bà thấy ở gần nhà không tiện nên bà xin về vùng quê tu cùng một số Tỳ kheo ni. Bà tu chứng A-la-hán ở đó. Sau đó bà về Trúc Lâm thì ông đến ông thăm bà. Ông đến và quỳ lạy bà theo đúng phép tắc cư sỹ đối với người xuất gia.
Rồi hai người nói chuyện đạo. Ông bắt đầu hỏi bà các đạo lý căn bản thì bà trả lời rất vững. Ông hỏi sâu thêm sâu thêm về đạo lý thì bà trả lời toàn bộ chính xác đúng những gì ông chứng.
Rồi bắt đầu ông hỏi sâu về các cảnh giới tu chứng thì bà diễn tả chi tiết điều không có kinh Phật nào diễn tả. Ông thấy toàn bộ cảnh giới ông chứng thì bà đều diễn tả đúng chính xác.
Rồi ông mới nói với bà: "Xin Tôn giả hãy nói cho tôi về cảnh giới A-la-hán". Đến đây thì bà không nói. Bà bảo ông đi gặp Đức Phật. Ông mới đến gặp Phật và trình bày với Phật về vợ ông đi xuất gia. Nay gặp lại thì ông đã hỏi về các cảnh giới chứng thánh quả. Nhưng hỏi đến Quả vị A-la-hán thì vị Trưởng lão đó bảo đến gặp Đức Thế Tôn. Đức Phật nghe xong thì nói rằng bà đã chứng A-la-hán. Sau đó Phật đọc bài kệ để ca ngợi ông đã không nắm giữ sở hữu tài sản:
"Ai chẳng còn nắm giữ
Bất cứ sở hữu gì
Cả quá hiện vị lai
Ta gọi Bà-la-môn."
(XXVI-Phẩm Bà-la-môn, Pháp Cú 421)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: Cư sỹ chứng cao nhất là Nhị quả
"Tích Pháp Cú 35: Người đọc được tâm" có Mẹ của hào trưởng Ma-ti-ca xây 1 tinh xá nhỏ cho 60 vị Tỳ kheo tu hành. Rồi bà cúng dường đầy đủ cho 60 vị đó. Rồi bà hỏi các vị tu thế nào? Các vị đó nói với bà tu thiền quán thân. Bà tu thì chứng Nhị quả Nhất Lai có thần thông đọc được tâm. Rồi bà đọc tâm 60 vị thấy chẳng vị nào chứng cái gì. Rồi bà tìm xem nguyên nhân vì sao không chứng? Hóa ra là vì ăn uống thiếu dinh dưỡng. Thế là bà bổ sung dinh dưỡng rồi 60 vị đó đều chứng A-la-hán.
Đó là một ví dụ về Cư sỹ tu chứng Nhị quả Nhất Lai có thần thông. Còn nếu chứng A-la-hán thì hoặc vị đó phải là Tỳ kheo. Hoặc nếu vị đó hốt nhiên đốn ngộ A-la-hán như hoàng hậu Khê Ma thì phải xuất gia. Chứ A-la-hán không sống được ở thế tục. Vậy cảnh giới mà Cư sỹ chứng cao nhất là Nhị quả Nhất Lai có thần thông và chẳng thấy gì là của ta.
Bạn chú ý: Trong Nikaya không có Tam quả Bất Lai. Bởi Nhị quả Nhất Lai sẽ quay lại Luân hồi 1 kiếp ở cõi Bồ Tát hay Phạm Thiên rồi sẽ nhập Niết Bàn. Đó là quả vị cao nhất chỉ sau A-la-hán. Còn dẫn chứng cụ thể Kinh nào nói thì mời bạn đọc "Lá Trong Lòng Bàn Tay - tập 3" tôi có dẫn chứng 2 bản Kinh Nikaya mà Phật nói về chứng thánh quả.
Còn về sau Kinh Đại Thừa nói rằng: Sơ quả Dự Lưu là Thất Lai tức 7 lần sinh lại cõi người rồi sinh về cõi trời. Nhị quả Nhất Lai là sinh lại cõi người 1 lần rồi sinh về cõi trời. Tam quả Bất Lai là sinh về cõi trời mà không sinh về cõi người nữa.
Còn Kinh Nikaya thì: Sơ quả Dự Lưu là không đọa ác đạo tương lai chắc chắc chứng A-la-hán. Nhị quả Nhất Lai là quay lại Luân hồi 1 kiếp rồi chứng A-la-hán. Quả A-la-hán giải thoát Nikaya hay Đại Thừa giống nhau. Ta thấy rõ mục tiêu tu hành của Đại Thừa là chứng cõi trời. Chẳng nói gì về Niết Bàn. Và đó chính là sự khác biệt giữa Nikaya và Đại Thừa.
Bài học 2: Vợ chồng phúc duyên viên mãn
"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Làm vợ chồng chung sống với nhau thì quan trọng nhất là phúc tương đồng và tâm tương đồng. Nếu phúc không tương đồng, ví như: Người nhiều phúc được sống trong lâu đài, biệt phủ, xe hơi, có người hầu hạ. Người ít phúc sống trong nhà rách, xe đạp cọc cạch. 2 người đó không thể sống chung. Còn tâm không tương đồng thì cãi nhau suốt ngày cũng chẳng thể sống chung.
Ở đây chồng nghe pháp chứng Nhị quả. Vợ thấy chồng bỏ hết tài sản cho mình rồi bảo làm bạn có khác gì ly dị. Thế là bà đi tu chứng A-la-hán. Đúng thật là "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã".
Bài học 3: Yêu thích, Nắm giữ và Sở hữu
"Ai chẳng còn nắm giữ
Bất cứ sở hữu gì
Cả quá hiện vị lai
Ta gọi Bà-la-môn."
Phật khen ông đã chứng Nhị quả Nhất Lai thì diệt Tham Ái, Thủ, Hữu. Bởi theo đạo lý Duyên Khởi thì "Ái sinh Thủ, Thủ sinh Hữu". Nay Tham ái diệt thì Thủ và Hữu diệt. Ông không còn nắm giữ, không còn sở hữu gì trong quá khứ, hiện tại, tương lai.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip