#6 |Quân| Huyết Nhân Ngải

Truyện: Huyết Nhân Ngải

Người review: Q.

Thể loại: Văn đồng tính, huyền sử, hài hước, trinh thám.

Chào bạn, mình là Q. mình ở đây để trả đơn cho bạn Khaanh412911  . Bởi vì bạn yêu cầu viết dài nên mình xin mạng phép chia bài review của bạn ra từng điểm nhỏ cho dễ theo dõi.

Huyết Nhân Ngải về tổng quan là một câu chuyện mang yếu tố liên kết cả triều đấu và giang hồ thông qua một cầu nối là ngải thuật, từ đây mang lại tiếng cười thêm cả cuộc tình của hai cậu trai. Truyện là thanh thủy văn nên các bạn muốn tránh thịt đều có thể nhảy hố nhé.

Về nội dung:

Vì hiện tại truyện chỉ mới có 22 chương, nội dung truyện chưa chạy được nhiêu cả nên về phần logic liên quan đến đấu đá hay trinh thám, mình thật sự chưa thể nói thêm được nhiều. Các manh mối trong truyện vẫn được bạn rải tương đối lẻ tẻ, không có một điểm cố định để tổng hợp lại, cũng như thể loại trinh thám cũng không được bạn thể hiện rõ. Nói như thế này, khi viết truyện bạn phải chú ý đến thể loại chính (genre) và thể loại phụ (sub genre), mình thấy rất nhiều người viết hay mắc lỗi đặt genre và sub genre xong khi viết vai trò của hai cái này lại bị đảo lại. Về phần này, bạn cần làm rõ bạn muốn nhấn mạnh ở điểm nào. Cá nhân mình cho rằng truyện đã có trinh thám thì trinh thám không nên để làm sub genre vì trinh thám theo mình là thể loại có tính thúc đẩy tình tiết mạnh.

Nhân vật:

Nhân vật chính đầu tiên là Vũ Điệp hay còn gọi là Nguyễn Quỳnh Nghi, bạn thiết kế nhân vật này là loại người cà chớn cực kì, khuôn mặt 100 biểu cảm thì hết 90 biểu cảm chắc chắn là những sắc thái khác nhau của sự gợi đòn. Thật ra, thiết kế nhân vật như này hơi nguy hiểm. Bạn có thể thấy, loại nhân vật lúc nào cũng tỏa nắng dù quá khứ không tốt tí nào xuất hiện kha khá trong các thể loại truyện, như vậy bạn phải có gì đó khác đi để làm Vũ Điệp nổi bật lên. Thì ở mảng này, bạn đã làm tốt. Cho dù nhân vật này được rất nhiều người dùng đi dùng lại đúng một motif, nhưng cái gì sẽ làm những nhân vật ấy khác nhau? Nó là cái góc khuất của mỗi nhân vật. Góc khuất của Vũ Điệp được bạn xây dựng ổn, bạn cho thấy cách quá khứ để loại ảnh hưởng nhất định đến con người của nhân vật bây giờ. Bạn có sự lý giải hợp lí cho cách mà Vũ Điệp là Vũ Điệp của hiện tại. Một Vũ Điệp luôn tươi cười nhưng không coi mạng mình ra gì, một Vũ Điệp đùa dai nhưng lại ám ảnh việc bản thân bị bỏ rơi, những nỗi đau mang tính hợp lí như thế là cái đem nhân vật sống dậy khỏi trang sách chứ không phải là những nỗi đau gán kép vô duyên vào để lấy sự thương cảm.

Nhưng có lẽ bạn đã dành quá nhiều thời gian chú trọng phát triển Vũ Điệp mà quên đi Hiếu Ngọc, nhân vật Hiếu Ngọc trong mắt mình là một nhân vật có tính khai thác cao, thậm chí trong nhiều trường hợp Hiếu Ngọc có thể trở thành một nhân vật ám ảnh người đọc sau khi câu chuyện được gấp lại, nhưng bạn viết Hiếu Ngọc tương đối... phẳng. Phẳng ở đây tức là chỉ có một sắc thái, thiếu tính đa chiều trong nhân vật. Trong truyện, Hiếu Ngọc sống như sống trong tù, thậm chí có rất nhiều kiến thức cơ bản mà cậu chàng không biết. Hiếu Ngọc luôn nghi ngờ, khó mở lòng và lãnh đạm, bạn có một quá khứ tốt cho nhân vật, một điểm đặt chân mới để tạo nên một nhân vật mang tính thú vị cao nhưng bạn lại bó nhân vật lại trong cái cũi chật hẹp. Cái nỗi đau của quá khứ bị giam lỏng là một cái khủng khiếp cực kì. Nếu xem xét kĩ lại, bạn sẽ thấy được bao nhiêu đấy năm chỉ ở một chỗ, không được đi đâu, không được nhìn ai, thứ Hiếu Ngọc cồn cào nhất là gì? Nó sẽ là tự do, là sắc trời, là hương đất, là những cái cậu không có được khi thừ người giữa bốn bức tường. Mà những thứ ấy nhỏ nho lắm, tự do là một cái gì đó ai cũng có quyền được có, nhưng Hiếu Ngọc lại không có, chỉ cần cậu nhận thức được sự khác biệt cơ bản này, cậu sẽ "đói khát" tự do. Và việc cho nhân vật thật sự có những cái ám ảnh như này sẽ làm câu chuyện bạn thú vị hơn việc để Hiếu Ngọc là một vương gia lãnh đạm bình thường.

Tương tác giữa hai nhân vật

Q mạnh khoảng độ lắng giữa cách nhân vật giao tiếp với nhau, từ đó tạo ra xúc tác tình cảm, nên về mặt tình cảm, Q xin được nhận xét theo cách ấy. Tuyến tình cảm trong truyện của bạn hẳn là loại slow burn, nhưng dù là slow burn vẫn yêu cầu một số xúc tác "hóa học" nhất định và trong truyện của bạn, cho dù thời gian giao tiếp của hai nhân vật nhiều nhưng mình không thật sự thấy được bất cứ tiềm năng yêu đương nào giữa hai nhân vật, các cuộc đối thoại được bạn thiết kế tương đối nhàm và nhiều lúc nó không đi đến đâu cả, không thể hiện được một phần nào của nhân vật cả. Đối thoại cũng như tình tiết là những bước đi bạn phải tính trước, nó phải truyền tải được một cái gì đó.

Mà mình nghĩ thật ra cái tương tác này cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi nhân vật là người như thế nào. Chỉ cần bạn có thể khiến nhân vật có hồn hơn, từ đó để nhân vật khống chế tình tiết, thì các cuộc đối thoại và tương tác giữa hai nhân vật của bạn sẽ ổn hơn rất nhiều.

Hành văn

Ở trong mục này mình sẽ nói sơ qua về chất riêng trong văn rồi đến những điểm thiếu sót trong lối viết bạn nhé.

Chủ đề bạn chọn để viết cũng như bối cảnh rất tốt, song cũng phải nói đến việc để bộc lộ được rõ cả chủ đề lẫn bối cảnh, giọng văn của bạn có lẽ phải mang cá tính mạnh hơn một tí. Bạn vẫn bị mắc vào một lỗi lớn là bạn chưa thật sự có màu sắc riêng trong văn chương của mình, mà cái này cũng không phải cái một cây bút có thể tìm ngày một ngày hai mà ra được nên đừng lo lắng quá nhé. Thêm cả vì là thời xưa, nên bạn hạn chế dùng từ hiện đại nhé, dùng nhiều từ địa phương trong lối nói càng tốt.

Mình có thói quen đọc đi đọc lại truyện mình nhận đơn vài lần trước khi viết review và ở lần đầu mình chỉ đọc lấy cái nhìn tổng quan nhất về vấn đề thôi. Nhưng đối với truyện của bạn, mạch đọc của mình bị chững lại ở những chương đầu, lúc này mình tưởng mình vào writer block hay gì đó nên mình đã nhờ người quen đọc thử và bọn mình cùng rút ra một kết luận chung về vấn đề của bạn là bạn gặp vấn đề với cách viết những chương đầu.

Chương đầu, hay thậm chí là dòng đầu là một phần rất quan trọng của một cuốn sách vì nó là nhân tố quyết định người đọc sẽ đọc tiếp hay không. Và chương đầu của bạn bị hai lỗi lớn như sau: quá nhiều thông tin trong một chương và không gợi được câu hỏi lớn trong lòng độc giả.

Trước hết, khi nói về việc chèn quá nhiều thông tin vào một chương, ở đây ta có thể kể đến sự giới thiệu về tuyến nhân vật hay số lượng tình tiết. Lỗi của cậu chính là ở giới thiệu nhân vật, cậu có quá nhiều nhân vật trong một chương. Nên nhớ, chương đầu là chương gợi hứng, không có cái gì rõ ràng ở chương này cả nên ta mới gọi nó là chương gợi, nó là mạch dẫn, nó quyết định nhịp truyện các chương sau. Tức là ở đây cậu chỉ nên viết về những cái người ta có thể tò mò, như nói về Ngải, độ trầm trọng của nó hay đặc tính. Nó có thể là một cái gì đó không quá liên quan đến tuyến nhân vật nhưng đi xuyên suốt cốt truyện, nói chung là một cái gì đó lấp lửng, đủ để người ta hiểu được nội dung chính câu chuyện cũng như để không gian cho người đọc suy ngẫm và tò mò.

Từ đây chúng ta có thể tiến đến lỗi thứ hai, gợi hứng liên quan mật thiết đến câu hỏi lớn mà mình nói. Câu hỏi lớn là gì? Câu hỏi lớn trong định nghĩa của mình là câu hỏi đi suốt cả câu chuyện, bạn phải cho người ta cái gì đó đủ lớn để người ta phải chững lại. Ở những chương đầu, bạn nói về ngải nhưng là ngải của người có pháp lực thấp, các nhân vật quá bàng quan với nó nên nó tạo ra một cảm giác thiếu quan trọng. Ngải là nhân tố không thể thiếu, cũng là thành phần thú vị để khai thác. Hãy để người đọc phải trăn trở: Người ta dùng ngải làm gì? Ngải được hình thành từ đâu? Nó có thể tàn nhẫn đến mức nào? Từ đó mới dẫn đến những ân oán tình thù sâu này.

Nhân tiện nói đến chương, mình cũng sẽ nói luôn về cách kết thúc chương của bạn. Thật ra rất hiếm cây bút viết và để ý đầu đuôi, họ thường bị dính chưởng ở đoạn kết thúc. Rất hiếm người có thể viết được một cái kết có thể dẫn hứng. Nếu bạn đọc nhiều sách, bạn sẽ phát hiện ra có rất nhiều cuốn khi đã đọc là bạn không thể dừng được, lúc nào cũng phải tự bảo mình là một chương nữa thôi một chương nữa thôi nhưng mà khi bạn ngưng được thì nó hết luôn cả quyển sách rồi. Những tác giả như thế giỏi nhất là dẫn dắt cảm hứng, họ kết thúc một chương, kết thúc một vấn đề nhưng lại gợi ra một vấn đề to hơn để cần được giải đáp, cái này mà đi chung với câu hỏi lớn mà mình nói lúc trước thì hết xảy luôn. Bảo đảm mấy truyện có được cách viết này thì bạn khó mà dừng đọc được và mình nghĩ cái này cũng là một cái bạn có thể hướng tới.

Nhưng đây là mục tiêu xa thôi, vì khống chế lối hành văn được đến mức này cũng phải cần thời gian mà, một điểm bạn có thể thay đổi ngay lập tức trong cách hành văn của bạn là bạn nên tả thay vì kể. Mình gặp vấn đề trong việc đọc truyện của bạn, không phải vì bạn không đủ trau chuốt hay không có một cái cốt ra ngô ra khoai, vấn đề bạn thuộc nhiều ở lối viết. Bạn kể nhiều hơn tả, và cái lối này gây nhàm. Để cho bạn dễ hình dung thế nào là kể và thế nào là tả, mình sẽ đưa ra một ví dụ nhé.

Khi bảo một người lo lắng, thì nói thẳng người đó lo lắng là kể, dùng những từ lo lắng hay bức bối hay nhộn nhạo đều là kể. Còn tả là bạn kể về ngôn ngữ hình thể của người đó thay vì nói thẳng ra luôn, giống như này: Hắn đi qua đi lại cả nửa tiếng đồng hồ rồi, người hắn ướt đẫm mồ hôi và những suy nghĩ không sao nằm yên được. Dùng tả thay vì kể sẽ giúp chuyện bạn trở nên chân thật hơn, mà chân thật sẽ bớt nhàm.

À nhắc đến gây nhàm, truyện của bạn còn kha khá các tình tiết thừa, nên là bạn cảm thấy cắt được cái nào thì cắt nhé.

Tổng chốt lại, theo mình nhận thấy, bạn có tuyến nhân vật, có cốt truyện ổn để phát triển, bạn có gốc rẽ trước rồi, việc còn lại là tỉa sao cho nó tốt nhất có thể thôi. Mình cũng thấy bạn có sự tiến bộ nhất định ở năm chương cuối. Nếu những chương đầu bạn viết nhân vật và tình tiết vẫn còn nông thì những chương gần cuối bạn đã cho mình thấy những điểm sáng. Mình thích cách bạn để quan niệm vào lối sống của các nhân vật. Mình siêu đồng ý với quan niệm mà mình hay nói nôm na là "Sống đi rồi tính tiếp" của nhân vật Duy Thương, cái này là cái tạo độ lắng và tính nhân văn cho một câu chuyện nè.

Thêm một cái nữa mình sẽ nói như một lời khuyên thôi, bởi vì bối cảnh của bạn là Đại Việt, theo mình biết thời đại bạn chọn để viết sau sự du nhập của Tống Nho mà sự du nhập của Tống Nho làm con người ta nông cạn đi ở rất nhiều điểm, trong đó có tính nam tính nữ và các lễ nghi. Mình biết là yếu tố lịch sử ở đây không được đặt nặng lắm nhưng mình nhận thấy đặt trong hoàn cảnh những nhân vật khác bị bó buộc bởi định kiến, các nhân vật chính vượt lên định kiến và có một hệ thống tư tượng ít bị ảnh hưởng bởi giáo lý thời đại đó thì tuyệt vời làm sao. Nó thể hiện sự tương phản rõ ràng như thế không làm mất mỹ cảm (bạn vẫn có điểm cộng cho tính thực tế của lịch sử) nhưng bạn vẫn có một dàn nhân vật để lại ấn tượng trong lòng độc giả thì chẳng phải là một hòn đá trúng hai con chim à?

Lời cuối, mình ủng hộ bạn gia tăng độ lắng của nhân vật thay vì gia tăng tình tiết, hãy để nhân vật có chỗ thở, có chỗ để phát triển và tự tìm hiểu bản thân. Với cả đừng nản lòng nhé, đoạn đường phía trước còn dài, và sẽ còn tươi đẹp hơn nhiều.

Mong bạn hài lòng với lần trả đơn này và đừng quên follow bọn mình nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip