Chiều tối - Hồ Chí Minh.
Chủ tịch HCM là người thầy vĩ đại của cách mạng việt nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và cả dân tộc vn, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Trong thế giới tình cảm người dành cho nhân dân, cho các cháu nhỏ, hẳn còn một chỗ dành cho tình cảm gia đình. Bài thơ Chiều tối có lẽ là một lối nhỏ cho ta thấy được một thoáng ước mơ về một mái nhà ấm, một chỗ dừng chân trên con đường dài muôn dặm.
Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập "Nhật kí trong tù", ghi lại cảm xúc của nhà thơ trên đường chuyển lao từ tĩnh tây đến thiên bảo. Bài thơ được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật.
Ở hai câu thơ mở đầu bài thơ, người thi nhân đã cho độc giả thấy được một bức tranh thiên nhiên miền sơn cước với hai hình ảnh tiêu biểu cánh chim mệt mỏi và đám mây cô độc.
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Dịch:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Không gian rộng lớn được thể hiện trong hai câu thơ trên như càng làm nổi bật sự lẻ loi, cô đơn của cảnh vật hay chính con người Bác. Vào buổi chiều tối thời khắc cuối cùng của một ngày, cũng là lúc con người và vạn vật đều cảm thấy mỏi mệt, muốn tìm chốn nghỉ ngơi. Chim mỏi sau một ngày kiếm ăn cũng đã "quy lâm", trở về rừng tìm chốn ngủ. Cánh chim từ lâu đã không còn là đề tài xa lạ trong thơ cổ, thế nhưng cánh chim của Bác lại rất đặc biệt. Nếu như cánh chim của Lý Bạch là cánh chim "điểu cao phi tận" bay vút vào không gian ngút ngàn thì cánh chim của nhà thơ chiến sĩ HCM lại mang hồn sống, là cánh chim chao liệng không gian, làm chủ không gian và vạn vật.
Trên bầu trời rộng lớn cũng chỉ còn một áng mây cô độc lặng lẽ trôi. Bầu trời như được đẩy lên cao hơn xa hơn, nỗi lòng con người vì thế cũng như trải dài ra ngút ngàn. Đứng trước thời khắc cuối ngày, lòng người bỗng thấy cô đơn, trống trải, thấy mỏi mệt, bâng khuâng. Ở đây vừa có sự đối lập vừa có nét tương đồng. Nếu như chòm mây ấy giống như Bác, cô độc và lặng lẽ di chuyển giữa thiên nhiên hùng vĩ, thì cánh chim lại đối lập khi nó có thể tự do trở về rừng tìm chốn ngủ, còn Bác lại phải chịu cảnh tù tội, kìm kẹp và giam cầm.
Tuy nhiên ở phần dịch thơ, người dịch đã lược bỏ mất chữ "cô" nên đã làm giảm bớt sự cô đơn và không truyền tải được hết nghĩa của từ láy "mạn mạn", khiến cho phần dịch thơ không thể hiện được hết nỗi lòng và tâm trạng của nhà thơ HCM.
Chỉ với hai câu thơ bảy chữ, tác giả đã cho người đọc thấy được cảnh chiều muộn nơi rừng núi âm u, mênh mông cô quạnh. Đồng thời cũng nói lên được niềm mong ước quay trở về với quê hương, ước mong được tự do như đám mây kia. Bằng bút pháp chấm phá, hình ảnh ước lệ tượng trưng, tả cảnh ngụ tình. Bức tranh thiên nhiên buổi chiều tối hiện lên thật đẹp và thoáng đãng.
Trong khung cảnh mênh mông, đượm nét buồn lúc chiều muộn nơi rừng núi, hình ảnh con người bỗng hiện lên trong thơ bác. Một thiếu nữ đang lao động giữa chốn sơn thôn tựa như một điểm sáng làm cho bức tranh đời sống trở nên có hồn có thần sắc vui tươi hơn.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
Dịch:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.
Cô thiếu nữ sơn thôn đang miệt mài xay ngô bên lò than rực hồng để chuẩn bị bữa tối là một nét hiện đại, mới mẻ trong thơ HCM. Hình ảnh người thiếu nữ hăng say, uyển chuyển với công việc thường nhật đã toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, trẻ trung và tràn đầy sức sống. Và chính vẻ đẹp ấy đã khiến cho người thiếu nữ miền sơn cước giữa núi rừng mênh mông không những chẳng bị lu mờ, mà còn trở nên nổi bật, chói lòa trong không gian rộng lớn. Bản dịch thơ của "Mộ" đến đây vẫn chưa lột tả được hết chất tình, chất thép trong từng con chữ của thi nhân. Ở hai câu thơ cuối, Bác đã sử dụng phép điệp vòng "bao túc", tựa như những vòng xay ngô nối tiếp nhau của cô gái, như sự tuần hoàn của thời gian, trời đã tối, tối dần..
Bức tranh chiều tối được nhìn từ xa đến gần, từ không gian rừng núi rộng lớn tĩnh mịch đến không gian làng bản nhỏ bé nhưng ấm áp tình người. Cũng chính hơi ấm nơi cuộc sống bình dị ấy đã thắp lên trong tim người thi sĩ tình yêu cuộc sống, niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Từ "hồng" trong câu thơ cuối được coi là nhãn tự của bài thơ, không chỉ thắp sáng cả bài thơ mà còn thể hiện được tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng vào tương lai của đất nước.
Bức tranh vừa ấm áp bởi cảnh tượng lao động khỏe khoắn của thôn nữ lao động, vừa bởi cái ánh hồng của bếp lò. Đó chính là thứ hạnh phúc bình dị, cũng chính là chất thép trong thơ của HCM. Hoàn cảnh khắc nghiệt khi Bác bị đày từ nhà tù này đến nhà tù khác, chân bị gông cùm, tay xiềng xích, thân thế mệt mỏi rã rời, gầy guộc. Vậy mà trong lúc hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng thế này, Bác vẫn có thể cảm nhận sự chuyển mình của thiên nhiên, vẫn có thể gửi gắm tâm tư mình vào thơ ca cho thấy một tinh thần thép, kiên cường, mạnh mẽ mà không phải người bình thường nào trong hoàn cảnh ấy cũng làm được.
Chỉ với bốn câu thơ, tác giả đã khắc họa một cách sinh động hình ảnh thiên nhiên qua cánh chim và chòm mây cùng với hoạt động của con người miền sơn cước khi màn đêm đang dần buông xuống. "Chiều Tối" vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét đẹp hiện đại; là sự kết hợp khéo léo giữa chất thép và chất tình, giữa ý chí của người chiến sĩ và tinh thần của người thi nhân.
"Chiều tối" cho ta thấy vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách người nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống. Luôn kiên cường, ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip