54-65,MB cai cach rd va 5 nam lan 1

Miền Bắc hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất

(1954 - 1960)

Thực trạng kinh tế - xã hội miền Bắc sau năm 1954

- Sau ngày hoàn toàn giải phóng, miền Bắc có thêm những điều kiện chính trị - xã hội thuận lợi, nhưng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và chế độ thực dân phong kiến. Nền kinh tế miền Bắc vốn đã lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá càng trở nên tiêu điều:

+ Trong các vùng nông thôn mới được giải phóng hàng vạn hétta ruộng đất bỏ hoang, đê đập bị phá hoại, trâu bò bị giết hại. Nhân công, nông cụ và sức kéo thiếu nghiêm trọng.

+ Các thành phố, thị xã, mang nặng tính chất tiêu thụ, sự phồn vinh chỉ là giả tạo. Nhiều nhà máy, xí nghiệp như mỏ than Hòn Gai, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy dệt Nam định, nhà máy điện Hà Nội ... bị địch tháo gỡ thiết bị, hoặc phá hoại trước khi rút đi nên không hoạt động được, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Vì thế hàng ngàn công nhân thất nghiệp.

+ Chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ vẫn còn phổ biến ở nông thôn. Giai cấp nông dân tuy đã được giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc, nhưng vẫn còn bị giai cấp địa chủ áp bức, bóc lột, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sản xuất.

Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế (1954-1957)

- Công cuộc cải cách ruộng đất (1954-1957)

+ Cải cách ruộng đất được tiến hành qua 5 đợt, trong thời gian hơn 2 năm từ 1954 đến 1956. Cải cách ruộng đất được thực hiện ở 3.653 xã, tới tháng 7-1956 đã cơ bản hoàn thành ở 22 tỉnh với 2,4 triệu gia đình. Trong cải cách ruộng đất, ta đã tịch thu, trưng thu và thu mua 81 vạn ha ruộng đất, 10 vạn trâu bò, 1,8 triệu nông cụ chia cho trên 2 triệu hộ nông dân.

+ Cải cách ruộng đất đã đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện “người cày có ruộng”. Tuy nhiên trong quá trình giảm tô và cải cách ruộng đất, ta đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Những sai lầm này đã gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản và tình cảm, gây căng thẳng ở nông thôn, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết, phấn khởi và lòng tin của nhân dân. Những sai lầm của cải cách ruộng đất được Đảng, Chính phủ phát hiện kịp thời và có chủ trương, biện pháp khắc phục.

- Công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1954-1957)

Ngay sau khi tiếng súng chống thực dân Pháp vừa ngừng nổ, công cuộc khôi phục kinh tế đã được đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng và triển khai trên tất cả các ngành

+ Về nông nghiệp: đến cuối năm 1957, sản lượng lương thực đã vượt xa mức trước chiến tranh, (năm 1939 chỉ đạt 2.407.000 tấn, đến 1957 sản lượng lương thực là khoảng 4.000.000 tấn), sản lượng hoa màu gấp 3 lần năm 1939. Nạn đói ở miền Bắc bước đầu được giải quyết.

+ Về công nghiệp: Giai cấp công nhân miền Bắc đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp sử dụng có hiệu quả viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, nên đã khôi phục và mở rộng 25 cơ sở công nghiệp, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp quan trọng như mỏ than Hòn Gai, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy điện Hà Nội, xây dựng thêm được 55 nhà máy trong đó có một số nhà máy quan trọng như nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy diêm Thống nhất, nhà máy gỗ Cầu Đuống, nhà máy thuốc là Thăng Long, nhà máy cá hộp Hải Phòng, nhà máy chè Phú Thọ... trong đó việc xây dựng nhà máy cơ khí Hà Nội là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển công nghiệp Việt Nam. Đến cuối năm 1957, miền Bắc có 97 nhà máy, xí nghiệp tương đối lớn do Nhà nước quản lý được khôi phục, xây dựng mới và đưa vào sử dụng.

+ Cùng với việc khôi phục công nghiệp, các ngành thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng được khôi phục nhanh chóng.

+ Giao thông vận tải: đến cuối năm 1957 đã khôi phục gần 700 km đường sắt, trong đó quan trọng nhất là tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, sửa chữa hàng ngàn km đường ô tô. Mở rộng một số cảng như Hải Phòng, Bến Thủy, Hòn Gai.. Đường hàng không dân dụng quốc tế được khai thông.

- Cải tạo quan hệ sản xuất theo hướng xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa (1958-1960)

+ Tháng 12-1958, Quốc hội đã họp kỳ họp thứ 9 và thông qua chủ trương cải tạo nông nghiệp, công nghiệp tư bản tư doanh, thủ công nghiệp theo hướng xã hội chủ nghĩa, khâu chính là hợp tác hóa nông nghiệp. Đi đôi với cải tạo phải phát triển và củng cố thành phần kinh tế quốc doanh.

+ Sau 3 năm vận động, đến năm 1960, 85% nông hộ, 68% ruộng đất đã vào hợp tác xã. Riêng ở miền núi, Đảng và Nhà nước đã kết hợp vận động vào hợp tác xã với phát triển sản xuất và hoàn thành cải cách dân chủ. Đến tháng 6-1961 có 75% nông dân vào hợp tác xã.

+ Đối với thủ công nghiệp, thương nghiệp: Đến năm 1960 có 87% số hộ thủ công tham gia hình thức cải tạo, tự nguyện vào hình thức sản xuất tập thể. 45% số hộ buôn bán vào hợp tác xã. 50.000 hộ đã chuyển sang hình thức sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp.

+ Đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh

Đảng, Nhà nước chủ trương cải tạo bằng phương pháp hòa bình, đến cuối năm 1960 97% số hộ tư sản đã tham gia cải tạo, hàng vạn công nhân đã được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột.

Thắng lợi của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế đã đưa đến những biến đổi sâu sắc trong xã hội miền Bắc. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập, chế độ người bóc lột người bị xóa bỏ, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên trong quá trình cải tạo cũng phạm một số sai lầm.

- Nhân dân miền Bắc còn đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế- xã hội, mà trọng tâm là phát triển thành phần kinh tế quốc doanh. Tính đến năm 1960, miền Bắc có 56 nông trường quốc doanh, 172 xí nghiệp do Trung ương quản lý và trên 500 cơ sở do địa phương quản lý. Một hệ thống các nhà máy, xí nghiệp như phân bón, gang thép, điện lực, khai khoáng, luyện kim, chế tạo nông cụ, chế tạo cơ khí, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng... được hình thành. Khu gang thép Thái Nguyên - cơ sở luyện kim đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trong thời kỳ này.

+ Công nghiệp hàng tiêu dùng đảm bảo cung cấp được 90% hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống của nhân dân.

+ Đến năm 1960, căn bản xóa xong mù chữ ở miền xuôi cho những người dưới 50 tuổi. Công tác bổ túc văn hóa cũng phát triển. Hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng hoàn chỉnh và mở rộng, miền Bắc có 9 trường đại học với 11.077 sinh viên, công tác y tế có nhiều tiến bộ.

- Sau năm 1954, miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, chính quyền dân chủ nhân dân và các tổ chức chính trị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được củng cố. Cuối năm 1957, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp được tiến hành, ngày 1-1-1960, Chủ tịch nước công bố bản Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Các hoạt động ngoại giao cũng được tiến hành tích cực.

2.1.4. Miền Bắc bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội (1961-1965)

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960)

- Đại hội được họp từ ngày 5 đến 12-9-1960 tại thủ đô Hà Nội, Đại hội đã nghe Diễn văn khai mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thảo luận Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương, nghe và thảo luận Báo cáo về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

- Từ đặc điểm đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương nêu rõ nhiệm vụ chung của cách mạng nước ta là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.

+ Đại hội chỉ rõ cả nước thực hiện hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Phân tích mối quan hệ, vị trí của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

+ Đại hội cũng đề ra đường lối chung của cả thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đề ra mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất: “Thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa với các thành phần kinh tế”.

+ Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương khóa III, Hồ Chủ Tịch được bầu lại làm Chủ tịch Đảng, Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương.

Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965)

- Mục tiêu phấn đấu: xây dựng bước đầu cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Sau 4 năm 1 tháng miền Bắc đạt được những thành tựu cơ bản sau đây:

+ Nông nghiệp: nông dân tăng cường cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý hợp tác xã, xây dựng các công trình thủy lợi, trạm bơm, hồ chứa nước. Các nông trường, lâm trường quốc doanh, các trại nghiên cứu cây trồng và vật nuôi được đầu tư xây dựng và phát triển. Những biện pháp trên đã làm tăng năng suất lúa, nhiều hợp tác xã đạt 5 tấn thóc/ha, 90% nông dân vào HTX (trong đó có 60% là HTX bậc cao). Cuối năm 1964, sản lượng lương thực của miền Bắc đạt 6 triệu tấn.

+ Công nghiệp: đã xây dựng được nhiều cơ sở công nghiệp, nhiều ngành công nghiệp, nhiều khu công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp nặng). Đến năm 1965, có 205 xí nghiệp trung ương, 927 xí nghiệp địa phương, tỷ trọng công nghiệp quốc doanh chiếm 93,1% trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp toàn miền Bắc. Nhiều khu công nghiệp mới được hình thành như gang thép Thái Nguyên, nhà máy điện Uông Bí, thủy điện Thác Bà, supe phốt phát Lâm Thao Công nghiệp nhẹ cónhà máy đường Vạn Điểm, sứHải Dương, dệt 8-3...

+ Công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp phát triển rất mạnh mẽ với 2.600 hợp tác xã đã giải quyết được 80% hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân và bộ đội, ta có một số mặt hàng thủ công Mĩ nghệ có giá trị xuất khẩu lớn.

+ Thương nghiệp quốc doanh được Nhà nước ưu tiên phát triển nên đã chiếm lĩnh được thị trường, góp phần phát triển kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đến năm 1965, 35 nước đã đặt quan hệ mua bán với nước ta.

+ Giao thông vận tải phát triển cả đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không, kết hợp phát triển giao thông với cải tiến đồng ruộng, đẩy mạnh xây dựng các đường giao thông chiến lược nối các tỉnh miền xuôi và miền ngược phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và củng cố quốc phòng.

- Văn hóa - giáo dục, y tế cũng thu được những thành tựu quan trọng: nền giáo dục quốc dân có bước phát triển nhanh chóng và toàn diện cả về ngành học và số lượng học sinh, cả về xây dựng đội ngũ giáo viên cũng như xóa mù chữ, nâng cao trình độ học vấn cho nhân dân. Giáo dục phổ thông phát triển mạnh mẽ, giáo dục trung học chuyên nghiệp cũng được mở rộng

+ 70% số huyện có bệnh viện, 90% số xã đồng bằng có trạm xá xã hoặc trạm hộ sinh. Sự phát triển nhanh của ngành y tế đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, cũng như phục vụ chiến trường miền Nam.

- Việc xây dựng con người mới, nền văn hóa mới được đặc biệt coi trọng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và chiến đấu.

- Từ năm 1961 đến 1965, miền Bắc còn làm nghĩa vụ hậu phương, một khối lượng lớn hàng hóa, vật chất, các đơn vị vũ trang, nhiều cán bộ quân sự... đã được huấn luyện rồi đưa vào miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

- Trong việc đề ra và thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất cũng đã phạm một số sai lầm khuyết điểm do tư tưởng chủ quan, nóng vội, giáo điều gây ra.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: