Peter hắc ám
Peter hắc ám (The Adventure of Black Peter)
Chưa khi nào tôi thấy bạn tôi vui vẻ phấn khởi tràn đầy sinh lực như buổi sáng hôm nay, một buổi sáng của năm 1895. Tên tuổi của anh ngày càng nổi tiếng, công việc làm ăn ngày càng bận bịu. Từ sự tôn trọng đối với những bí mật của người khác, tôi không cho phép mình rẻ rúng những cái tên của những con người mà lúc gặp khó khăn đã tới gõ cửa ngôi nhà tồi tàn của chúng tôi ở phố Baker.
Cần nói thêm Holmes như một nhà họa sỹ lỗi lạc, đã làm việc thì lao vào chỉ vì lòng say mê nghệ thuật không hề biết mệt mỏi. Tôi chưa hề nghe (trừ trường hợp duy nhất đối với ngài công tước xứ Holdernesse) anh yêu cầu món tiền thưởng cho công lao của mình. Anh là một người vô tư đến nỗi, không ít trường hợp anh đã từ chối giúp đỡ những kẻ quyền quý khi không thấy trong việc điều tra bí mật của họ có một cái gì hấp dẫn. Trong khi đó anh dành thời gian hàng tuần lễ để nghiên cứu công việc cho những người nghèo khổ chỉ cần việc ấy trông chừng hóc búa và gay cấn, làm cho anh phải đem hết khả năng nghề nghiệp của mình ra sử dụng.
Trong năm 1895 đáng ghi nhớ ấy, Holmes đã giải quyết một loạt những vụ việc quan trọng muôn hình muôn vẻ khác nhau. Từ việc điều tra cái chết đột ngột của Giáo chủ Tosca (theo đề nghị chính thức của tòa thánh Vatican) đến việc bắt giữ Wilson, người nuôi dạy chim hoàng yến nổi tiếng. Tạm đóng lại hai vụ việc trên để đến với vụ việc đau lòng xảy ra ở Woodman's Lee: Thuyền trưởng Peter Carey bị giết trong một cảnh tượng khủng khiếp và bí hiểm nhất. Tập ghi chép của tôi về hoạt động của Sherlock Holmes sẽ là hụt hẫng lớn nếu trong đó thiếu câu chuyện rùng rợn quá sức tưởng tượng này.
Suốt trong tuần đầu của tháng 7, bạn tôi hay ra khỏi nhà và đi rất lâu làm tôi hiểu là anh đang bận một chuyện gì đó. Trong những ngày này, vài người trông dáng cau có thô thiển đã ba bốn bận tới lui, họ nói là muốn gặp thuyền trưởng Basil, điều đó làm cho tôi hiểu ra là Holmes đang đóng giả một cái tên để tiến hành một vụ điều tra mới. Ở London này, anh có ít ra là năm chỗ ở bí mật nơi mà anh có thể thay hình đổi dạng không ai có thể phát hiện ra. Holmes không hề thổ lộ cho tôi những công chuyện mới mẻ kia; còn tôi thì không bao giờ có chuyện thọc mạch đi hỏi những điều thầm kín nơi anh. Lần đầu tiên không theo lệ thường Holmes đã báo cho tôi biết hiện giờ anh đang tiến hành công việc theo hướng nào.
Trước bữa ăn sáng anh ra khỏi nhà; nhưng khi tôi vừa mới ngồi vào bàn đã thấy anh chạy xộc vào phòng không kịp bỏ mũ xuống, ở nách anh cặp một đồ dùng để xiên cá trông giống như chiếc dù khá lớn.
- Trời ơi, Holmes! – Tôi thốt lên, – Không lẽ anh định dạo chơi London với thứ này sao?
- Không, tôi vừa ghé chỗ người bán thịt.
- Từ chỗ người bán thịt về?
- Không những thế mà còn về nhà với tâm trạng sảng khoái nữa chứ. Anh biết không, trước bữa ăn nên tập thể dục một chút có lợi cho sức khỏe lắm. Anh thử đoán xem bài thể dục buổi sáng của tôi vừa rồi là gì?
- Tôi làm sao mà đoán được chuyện nhảm nhí ấy của anh.
Holmes bỗng phá lên cười và rót cà phê ra tách.
- Anh có nhìn thấy căn phòng phía sau của tiệm Allardyce? Ở trên trần có treo một con lợn thịt vừa mới mổ xong còn nguyên vẹn, và một gã đàn ông cởi trần trùng trục đang toát mồ hôi cầm cái xiên này chọc tấm thịt kia. Gã đàn ông ấy chính là tôi. Nhưng than ôi, mình tôi với cú đâm không thể nào chọc thủng nổi tấm thịt ấy được. Anh có muốn thử sức một chút không?
- Chẳng có tích sự gì cả, anh làm thế để làm gì?
- Tôi nghĩ rằng chuyện này có dính líu tới việc bí hiểm đã xảy ra ở Woodman's Lee... A, chào ngài Hopkins. Tối hôm qua tôi có nhận được bức điện của ngài và đang đợi ngài đây. Mời ngài vào và xin mời ngài dùng bữa sáng với chúng tôi một thể.
Một người đàn ông gầy gò nhanh nhẹn trạc ba mươi tuổi bước vào phòng. Anh ta mặc trên người một chiếc áo len giản dị, nhưng trông điệu bộ của anh ta dễ thấy rằng anh ta có thói quen mặc quân phục. Tôi nhận ra ngay anh chàng Stanley Hopkins, viên thanh tra trẻ tuổi của Sở cảnh sát mà theo lời nhận xét của Holmes là một người có năng lực hơn cả. Ngược lại, Hopkins tự cho mình là học trò của Holmes, người thám tử lão luyện dày dạn kinh nghiệm, và luôn luôn thán phục những phương pháp đầy tính khoa học của anh.
Bộ mặt của Hopkins trông có vẻ quàu quạu, anh ta ngồi phịch xuống ghế bành dáng điệu rầu rĩ thảm hại.
- Mời cứ tự nhiên, cảm ơn ngài. Tôi cũng vừa ăn sáng xong. Tôi đã ngủ lại thành phố vì phải đến đây để trình bày một số vấn đề với ngài.
- Ngài sẽ trình bày những vấn đề gì?
- Về chuyện thất bại của tôi.
- Việc của ngài không tiến triển thêm chút nào sao?
- Thưa, không.
- Không lẽ lại như thế? Vậy tôi buộc lòng phải nhúng tay vào thôi.
- Vì Chúa, tôi mong ngài giúp đỡ! Lần đầu tiên người ta giao cho tôi công việc khá quan trọng, tôi không đủ sức đảm đương. Xin ngài cố gắng giúp cho!
- Thôi được, tôi cũng đã nắm trong tay một số dữ kiện của cuộc điều tra. Ngài có suy nghĩ gì về túi đựng thuốc lá tìm thấy nơi xảy ra vụ án? Trong đó liệu có tìm ra chìa khóa để mở và giải đáp những điều bí ẩn hay không?
Hopkins dường như ngạc nhiên:
- Thưa ngài, túi đựng thuốc lá là của người bị giết. Bên trong túi có ghi mấy chữ cái viết tắt và nó được làm bằng da hải cẩu. Người bị giết trước đây nhiều năm đã làm nghề săn bắn hải cẩu.
- Nhưng trong người ông ta không tìm thấy một chiếc tẩu thuốc nào hết!
- Đúng vậy, thưa ngài, chúng tôi không tìm thấy chiếc tẩu thuốc ở đâu cả. – Rõ ràng là ông ta hút rất ít. Cũng có thể ông ta giữ thuốc để mời bạn bè.
- Không thể chối cãi điều đó. Tôi muốn đề cập tới vấn đề này cũng chỉ vì nếu tôi là người thân chinh điều tra vụ án, tôi sẽ lấy cái túi đựng thuốc lá làm xuất phát điểm cho việc điều tra thăm dò tiếp theo. Tuy vậy bạn tôi, bác sỹ Watson đây chưa được nghe kể về chuyện này, và tôi thì cũng không từ chối được nghe lại lần nữa. Ngài hãy kể tóm tắt cho chúng tôi nghe những gì thật quan trọng.
Hopkins lôi từ trong túi ra một tờ giấy nhỏ.
- Tôi có nắm được đôi điều về cuộc đời của thuyền trưởng Peter Carey đã chết. Ông ta sinh năm 1845, nghĩa là đã 50 tuổi. Ông ta được đánh giá là một trong những tay săn hải cẩu cá voi can đảm nhất và thành đạt nhất. Năm 1883 ông ta đã chỉ huy một chiếc thuyền săn chạy bằng buồm mang tên "Sea Unicorn" ra đi từ Dundee, cũng trong năm ấy ông ta thực hiện một loạt chuyến đi thành công.
Năm sau ông ta xin từ chức. Sau đó đi chu du khắp nơi trong vòng vài ba năm. Cuối cùng mua một biệt thự nhỏ "Woodman's Lee" bên cạnh Forest Row, Sussex. Ông ta đã sống 6 năm ở đây. Và chết cách đây đúng một tuần.
Ông ta là một người khác thường. Trong cuộc sống thường lặng lẽ rầu rĩ hay cau có và khó tính vô cùng.
Gia đình của ông gồm có vợ và cô con gái 20 tuổi. Công việc trong nhà do hai cô hầu gái trông nom lo liệu. Những người hầu gái kia được thay đổi thường xuyên; có lẽ họ sống trong đó không được dễ chịu cho lắm, họ không thể nào chịu được trong thời gian dài.
Carey rất hay uống rượu, mỗi khi cơn nghiện nổi lên, ông ta trở thành một con quỷ dữ tợn. Đã có lần giữa đêm khuya ông ta đuổi vợ con ra khỏi nhà, và đưa nắm đấm ra dọa họ, rượt họ chạy khắp cả vùng. Và họ la hét ầm ĩ đến nỗi làm cho những người ở làng bên phải thức giấc. Có lần ông ta bị gọi ra tòa vì tội đã đánh trọng thương một cha cố già, khi ông này định giáo huấn tu tỉnh, hối cải cho lão ta.
Tóm lại, thưa ngài Holmes, khó tìm thấy một người nào nguy hiểm hơn lão Peter Carey. Tôi được nghe người ta nói, trong lúc còn chỉ huy con tàu, tính tình của lão ta cũng như vậy. Ở giới thủy thủ gọi lão ta là Peter "hắc ám", không phải chỉ do bộ mặt của lão đen đủi và bộ râu rậm đen, mà còn là do tính cộc cằn, hung dữ, điên rồ của lão; cái tính ấy đã làm cho mọi người phát sợ. Không có gì là khó hiểu khi mọi người căm ghét và tránh xa lão ta, và tôi không hề nghe một lời xót thương cho cái chết của lão.
Thưa ngài Holmes, có lẽ ngài đã được đọc bản điều tra ghi trong biên bản nói về ngôi nhà của lão ta, nhưng chắc bạn ngài chưa nghe nói về nó. Cách ngôi nhà chính không xa, tay thuyền trưởng đã dựng cho mình một căn nhà phụ bằng gỗ mà ông ta luôn mồm gọi là "cabin"; cứ đêm đến, ông ta lại ra đấy ngủ. Đó là một chiếc lều một phòng nhỏ nhắn, chiều dài 16 chiều rộng 10 feet; ông ta luôn giữ chìa khóa trong người không muốn cho bất cứ một ai lọt vào đó. Ông tự mình dọn dẹp, tự mình trải khăn trải giường. Trên hai bức tường của ngôi nhà có đục hai cửa sổ nhỏ. Cả hai cửa sổ bao giờ cũng đóng kín mít. Có một cửa sổ trông ra con đường làng. Có lần trong căn nhà này đèn thắp suốt đêm, những người qua đường ngạc nhiên tự hỏi: tay Peter đang làm cái gì trong đó? Chính cửa sổ ấy đã giúp chúng tôi xác định một vài chi tiết đáng lưu ý trong quá trình điều tra.
Hẳn ngài còn nhớ, người thợ đập đá tên là Slater đã đi qua Forest Row vào khoảng một giờ đêm, trước khi xảy ra vụ giết người 2 hôm. Anh ta đã dừng lại trước cơ ngơi của lão Carey, nhìn theo vệt sáng xuyên qua những đám cây. Anh ta thề là đã trông thấy bóng dáng người đàn ông hiện lên rất rõ trên nền chiếc rèm che cửa sổ. Nhưng đó không phải là bóng của Peter Carey vì anh chàng Slater biết khá rõ lão Carey này. Người đàn ông kia cũng để râu nhưng râu người này ngắn hơn, thả xuống chứ không như râu lão Carey. Người thợ đập đá khẳng định như vậy. Cần nói thêm là, trước đó anh ta đã ngồi trong quán rượu suốt 2 giờ đồng hồ, và khoảng cách từ đường cái tới cửa sổ cũng khá xa. Những điều anh ta nói là vào ngày thứ hai, còn vụ giết người lại xảy ra vào ngày thứ tư.
Thứ ba Peter Carey ở trong tình trạng sợ hãi nhất, lão ta hoàn toàn say mềm, không còn biết gì nữa, lão như một con thú dữ bị thương, thật dữ dằn và nguy hiểm vô cùng. Lão ta đi lang thang quanh nhà; đám đàn bà con gái hễ nghe thấy tiếng của lão là chạy vào nhà đóng nhặt cửa lại. Cho đến tối mịt lão ta mới trở về "cabin" của mình.
Cô con gái ngủ trong buồng bao giờ cũng mở cửa sổ. Gần hai giờ sáng, từ phía "cabin" bỗng vang lên một tiếng kêu khủng khiếp, cô con gái không lấy đó làm vấn đề quan trọng vì cho rằng lão Carey trong lúc say rượu vẫn thường la hét chửi rủa om sòm. Bảy giờ sáng, sau khi thức dậy, người đầy tớ phát hiện ra cánh cửa của ngôi nhà lão Carey bị mở toang ra nhưng vì vốn sợ lão cho nên mãi tới trưa vẫn không ai dám bén mảng tới gần. Khi nhìn vào cánh cửa bị mở toang, họ trông thấy một cảnh tượng rùng rợn và hoảng sợ đến run người. Họ ba chân bốn cẳng chạy vào làng. Một tiếng đồng hồ sau, tôi có mặt tại hiện trường và bắt tay vào điều tra.
Ngài biết đấy, thần kinh của tôi rất vững, nhưng thú thật tôi cũng thấy choáng váng khi nhìn vào căn nhà bé nhỏ đó. Toàn bộ người lão ta bị một đàn ruồi bu đen kịt; nền nhà, mấy bức tường trông như một lò sát sinh.
Tay thuyền trưởng đã gọi căn nhà này là "cabin" cũng không ngoa. Khi bước vào đó, ngài có cảm tưởng như đang ở trên con tàu, cuối phòng kê một chiếc giường gỗ bé nhỏ, bên cạnh là cái rương, trên mấy bức tường treo đầy những tấm bản đồ đường biển, bức ảnh chụp con tàu "Sea Unicorn", một chồng họa báo, ảnh về ngành đóng tàu chất đầy trên giá sách. Tất cả những thứ ấy giống y như buồng chỉ huy của một thuyền trưởng.
Trong mớ hỗn độn đó, người thuyền trưởng khuôn mặt méo xệch trông như bộ mặt của một tên tội phạm đang bị hành hạ dưới địa ngục, bộ râu rậm, đen láy dựng đứng lên trong cơn vật lộn giãy chết. Bộ ngực nở nang bị chiếc lao bằng thép đâm thủng. Ngọn lao xiên cá đâm suốt cả người và găm sâu vào tường bằng gỗ. Lão Carey bị dính chặt vào bức tường, trông như một con bọ hung bị người ta dùng kim băng găm vào bìa carton. Tất nhiên lão ta bị chết đúng vào giây phút phát ra tiếng gào thét ghê rợn.
Tôi đã làm quen với phương pháp điều tra của ngài, ngay lập tức tôi đem ra ứng dụng. Sau khi ra lệnh cho mọi người giữ nguyên hiện trường, tôi chăm chú xem xét kỹ lưỡng mảnh đất từ bên ngoài cửa và tấm sàn ở trong phòng. Nhưng không phát hiện được dấu vết gì cả.
- Ngài định nói là ngài không trông thấy dấu vết nào?
- Tôi có thể thề với ngài là ở đấy không hề có một dấu vết nào hết.
- Anh bạn Hopkins thân mến, tôi đã từng khám phá nhiều vụ án nhưng chưa bao giờ gặp phải tên tội phạm nào có cánh cả. Một khi kẻ tội phạm đi bằng chân, thì hắn ta nhất thiết phải để lại ít nhất một dấu vết nào đó. Và người nắm vững các phương pháp điều tra một cách khoa học nhất định sẽ phát hiện ra sự thay đổi không đáng lưu ý nhất trong sự sắp xếp đồ dùng xung quanh. Tôi không thể nào tin vào chuyện trong căn phòng đầy đồ đạc kia lại không để lại dấu vết có thể giúp chúng ta truy lùng ra chân dung tên tội phạm. Cũng cần nói thêm, từ biên bản điều tra tôi đã thấy vài chỗ thậm chí ngài không chịu chú ý tới.
Tay thanh tra non trẻ cau mặt lại. Lời nhận xét khá sắc bén của Sherlock Holmes đã làm cho anh ta sáng mắt lên.
- Tôi đã làm một chuyện ngu ngốc thưa ngài Holmes, là đã không mời ngài tham gia ngay từ đầu vụ án. – Anh ta thú nhận. – Thế nhưng, đến bây giờ vẫn còn khả năng cứu vãn được tình thế. Vâng, trong phòng còn một vài vật đáng chú ý. Bắt đầu có lẽ từ ngọn lao xiên cá được dùng để giết tên thuyền trưởng. Có người nào đó đã lấy ngọn lao xuống khỏi bức tường. Hai ngọn lao treo trên hai cái móc, còn móc sắt thứ ba bỏ không. Trên cán ngọn lao cá có khắc dòng chữ "SS. Sea Unicorn, Dundee.". Điều đó chứng tỏ, vụ án mạng đã xẩy ra trong một cơn tức giận và kẻ giết người đã vơ lấy thứ vũ khí đầu tiên mà hắn với được.
Còn về việc lão Carey ăn mặc nghiêm chỉnh, đàng hoàng khi mà vụ giết người được thực hiện vào lúc hai giờ sáng, thì chứng tỏ lão Carey đã hẹn gặp gỡ với tên sát nhân. Một chai rượu Rum và hai chiếc ly bẩn còn nằm trên bàn đã chứng minh cho điều đó.
- Đúng. – Holmes đáp, – Hai nhận xét trên của ngài có thể chấp nhận đuợc. Thế ở trong phòng ngoài rượu Rum ra còn loại rượu nào khác không?
- Vâng, có. Trên rương có một chiếc khay, trên đó có hai chai ruợu brandy và whisky. Những thứ ấy không có ý nghĩa gì. Cả hai chai còn đầy rượu. Nghĩa là họ chưa đụng đến.
- Dẫu sao, sự có mặt của hai thứ rượu kia cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó. - Holmes phản bác lại. - Theo ý ngài, còn vật nào ngài thấy có dính líu đến vụ án này?
- Trên bàn còn một túi đựng thuốc lá.
- Chính xác, nằm ở đâu?
- Ở ngay chính giữa bàn. Nó được làm bằng loại da hải cẩu thô và cứng. Bên trong có đề hai chữ cái "P.C". Trong túi còn độ một nửa ounce[1] thuốc lá loại nặng mà các thủy thủ thường dùng.
- Rất tuyệt. Còn gì nữa không?
Stanley Hopkins lôi trong túi ra một quyển sổ ghi chép bìa vàng xám. Tấm bìa đã bị rách nham nhở, còn những trang giấy ghi chép bên trong đã bị vàng ố và bạc màu. Ngay trên trang đầu đề có mấy chữ viết tắt "J. H. N." và năm "1883″.
Holmes đặt quyển sổ xuống bàn và bắt đầu quan sát tỉ mỉ. Trong lúc đó tôi và Hopkins nhìn qua vai anh. Trên trang thứ hai chúng tôi trông thấy mấy chữ cái "C. P. R.,"; tiếp theo trang 2, ba trang sau toàn là những con số chằng chịt. Ở những trang khác ghi mấy chữ "Argentine,", "Costa Rica,", "Sau Paulo" và tiếp theo là những cột chữ số và những dấu hiệu nào đó.
- Ngài có suy nghĩ gì về những dòng ghi chép này? - Holmes hỏi.
- Dường như đó là ghi chép của công ty giao dịch. Tôi cho chữ "J.H.N" là chữ viết tắt của người giao dịch viên, còn "C.P.R" có lẽ là tên của người bạn hàng anh ta.
- Hoặc chữ "C.P.R" có nghĩa thế này "Canadian Pacific Railway," – Holmes có ý kiến khác.
Stanley Hopkins lẩm bẩm và tự vỗ vào trán mình.
- Tôi mới ngốc nghếch làm sao! – Anh ta thốt lên. – Tất nhiên ngài nói đúng. Bây giờ chúng ta chỉ còn nhiệm vụ giải mã mấy chữ "J.H.N". Tôi đã xem xét tất cả những giấy tờ lưu trữ của công ty trong năm 1883. Tôi không tìm thấy một người giao dịch nào có tên với những chữ cái như thế kia. Dẫu sao tôi cũng đã chọn đúng hướng. Thật ra thưa ngài, hoàn toàn có khả năng đó là chữ viết tắt của người đã đến thăm lão Carey trong đêm khuya hôm ấy. Nói cách khác, đó là tên của kẻ giết người chăng? Còn quyển sổ tay này, trong đó liệt kê nhiều giấy tờ giá trị như vậy có thể giúp chúng ta tìm ra những nguyên nhân, động cơ dẫn tới vụ án mạng.
Dựa theo nét mặt của Sherlock, tôi thấy rõ một điều là anh hoàn toàn bị bất ngờ với sự phát hiện mới mẻ này.
- Tôi sẵn sàng thừa nhận những nhận xét của ngài có giá trị, – Anh nói. – Cuốn sổ ghi chép này trong biên bản điều tra không thấy nói đến, nên phần nào đã làm thay đổi nhận định ban đầu của tôi. Trong giả thuyết về vụ án của tôi không có chỗ cho nó. Còn ngài định đi tìm kiếm những chủ nhân của mấy tờ giấy giá trị này phải không?
Holmes tiếp tục xem xét tấm bìa của cuốn sổ dưới chiếc kính lúp phóng đại.
- Ở đây có một vết bẩn, – Anh lên tiếng.
- Vâng, thưa ngài đó là vết máu. Tôi đã nói với ngài là cuốn sổ được nhặt từ dưới sàn nhà.
- Vết máu dính ở mặt trên hay mặt dưới?
- Ở mặt dưới nằm dí dưới sàn nhà.
- Nghĩa là, quyển sổ này rơi xuống nền nhà sau khi xảy ra vụ giết người.
- Đúng vậy, thưa ngài Holmes. Tôi nghĩ kẻ giết người trong lúc vội vàng đã đánh rơi nó. Cuốn sổ nằm ngay chỗ cửa ra vào.
- Có khả năng. Ngài có tìm thấy một tờ nào trong số những giấy tờ giá trị kia, trong đống tài sản của kẻ bị chết hay không?
- Không thấy, thưa ngài.
- Ngài có đủ cơ sở để nghi rằng đây là một vụ cướp bóc hay không?
- Thưa ngài không, dường như không có vật gì bị cướp đi.
- Có trời mới biết được. Trường hợp này thú vị đây. Ở đấy có con dao hả?
- Con dao còn nằm trong vỏ, người ta không kịp rút nó ra. Nó nằm ngay dưới chân kẻ bị giết. Bà vợ người quá cố nói rằng con dao này là của chồng bà.
Holmes trầm ngâm suy nghĩ:
- Thôi được, – Anh đáp, – Tôi nghĩ có lẽ tôi phải đi đến đó và xem xét tại chỗ.
Stanley Hopkins vui sướng thốt lên:
- Cám ơn ngài! Điều đó sẽ gỡ bớt được gánh nặng trên người tôi.
Holmes dí ngón tay dọa dọa viên thanh tra:
- Mọi việc sẽ đến giản hơn rất nhiều, nếu như được giải quyết cách đây một tuần. – Anh nói. – Nhưng cho đến bây giờ cuộc thăm viếng của tôi vẫn có thể mang lại một ích lợi nào đó cho vụ án. Watson, nếu anh không bận việc gì, thì tôi thật sung sướng được đi với anh. Hopkins, ngài đi gọi ngay xe ngựa, chúng ta sẽ cùng đi đến Forest Row trong nửa giờ nữa.
Sau khi xuống một trạm xe nhỏ bé, chúng tôi còn phải đi tiếp vài ba dặm nữa trên một con đường xuyên qua cánh rừng rậm rạp. Khu vực khỉ ho cò gáy này, trong một thời gian dài 60 năm là những pháo đài của Anh Quốc. Những khu rừng bát ngát đã bị đốn trụi, bởi ở đây đã mọc lên những nhà máy luyện gang thép đầu tiên trong nước; để nấu quặng thì cần gì tới rừng. Ngày nay, nền công nghiệp đã chuyển về những vùng giàu có của miền Bắc, chỉ có cánh rừng là đã bị thưa đi, và những rãnh luống đồ sộ còn in dấu nằm lại trên mặt đất như nhắc nhở chúng ta nhớ về một thời sôi động đã qua. Trong một khoảng trống trên triền dốc xanh rì của ngọn đồi là một dãy nhà dài, xây bằng những tảng đá không được gọt giũa, có một con đường quanh co uốn khúc dẫn tới ngôi nhà. Con đường này hắt lên lấp lánh giữa những cánh đồng. Gần con đường, từ ba phía bị những bụi cây sum suê bao kín, một chiếc lều bé nhỏ trơ trọi ở đó quay cửa sổ và cửa ra vào ra như tò mò ngắm nhìn những kẻ qua đường. Chính ở đây đã xảy ra vụ giết người.
Stanley Hopkins dẫn chúng tôi vào nhà giới thiệu với một người đàn bà tóc bạc trắng đang cau có – bà vợ góa của kẻ quá cố. Một khuôn mặt phờ phạc, những nếp nhăn sâu hoắm và cái nhìn đầy kinh hãi của cặp mắt sưng húp cùng với hàng mi mọng đỏ chứng tỏ bà ta đã phải trải qua những năm tháng đầy tủi nhục và đắng cay uất hận. Cô con gái, một cô gái tóc vàng vóc dáng xanh xao hừng hực cặp mắt lấp lánh tuyên bố cô ta rất sung sướng vì cái chết của người cha; và rất đội ơn đôi bàn tay của ai đó đã đem đến cái chết cho ông ấy. Peter Carey đã gây nên một không khí ngột ngạt, sợ hãi trong gia đình. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu khi đi dưới bầu trời tự do trên con đường mòn dẫn ngang qua cánh đồng do thuyền trưởng quá cố đã tạo nên. Ngôi nhà được xây dựng quá sơ sài, vật liệu toàn bằng gỗ với hai mái nhẹ và hai cửa sổ, một cửa sổ nằm ngay bên cạnh cửa chính, còn cửa sổ kia nằm đối diện. Stanley Hopkins lấy ra chiếc chìa khóa và tra vào ổ khóa. Bỗng nhiên anh ta dừng lại, trên nét mặt lộ rõ sự ngạc nhiên sửng sốt và chăm chú, căng thẳng.
- Có ai đó muốn nạy ổ khóa này. – Anh ta nói. – Điều này không còn nghi ngờ gì nữa.
Cánh cửa bị cào xước, những vết xước trắng hiện lên khá rõ trên lớp sơn, dường như có một người nào đó vừa mới cào vào.
Holmes nhìn vào cửa sổ:
- Cánh cửa sổ cũng bị ai đó cố tình mở, nhưng rõ ràng là không mở được. Điều này chứng tỏ kẻ cạy cửa không phải là một tay thuộc loại chuyên nghiệp.
- Chuyện này thật kỳ cục. – Viên thanh tra nói. – Tôi có thể khẳng định với ngài, tối hôm kia những vết này chưa hề có.
- Hay là một kẻ ngốc nào đó trong làng ra đây vì tò mò cũng nên – Tôi thử đề xuất ý kiến.
- Không thể như thế đâu. Trong trường hợp vừa xảy ra vụ chết chóc, hiếm có người dám lảng vảng ghé đến sân ngôi nhà, chứ chưa nói chuyện cả gan dám cạy khóa căn phòng "cabin". Những kẻ gan dạ như vậy khó tìm lắm. Còn ngài, ngài nghi gì về sự việc này thưa ngài Holmes?
- Tôi cho là chúng ta đã gặp may.
- Ngài cho rằng người ấy sẽ quay lại đây lần nữa hay sao?
- Rất có khả năng. Hắn ta đã dùng con dao nhíp nhỏ để cạy cửa, cái đó không giúp gì cho hắn, hắn ta sẽ làm gì bây giờ?
- Tối hôm sau sẽ trở lại với một dụng cụ thích hợp hơn.
- Ngài nói đúng. Thật là ngốc nếu chúng ta không ngồi chờ hắn ở đây. Bây giờ ngài cho phép tôi được ngắm nhìn "ca bin" bên trong.
Những vết tích của chuyện tang thương đã được dọn dẹp, nhưng giường, bàn ghế kê trong phòng vẫn để y nguyên chỗ cũ; như đêm xảy ra vụ giết người. Trong vòng 2 giờ, Holmes đã xem xét tỉ mỉ từng vật một, nhưng dựa theo nét mặt của anh có thể đoán công cuộc tìm kiếm này không mang lại kết quả gì. Chỉ một lần anh dừng công việc điều tra tỉ mỉ của mình lại.
- Hopkins, ngài có lấy một vật gì để trên giá sách hay không?
- Không, tôi không hề đụng tới một vật gì hết.
- Nếu vậy, ở đây có cái gì đã bị lấy đi, trong góc giá sách ở chỗ kia bụi bám hơi ít hơn một chút. Có lẽ có một quyển sách hay một cái hộp nào đó đã nằm ở đấy... Thôi tạm đủ rồi. Chúng ta hãy đi dạo trong khu rừng tuyệt diệu này để cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên. Hopkins, chúng ta sẽ gặp lại ở đây, không hiểu tối nay chúng ta có được hân hạnh làm quen với anh chàng nạy khóa kia hay không?
Đúng 12 giờ khuya, chúng tôi tổ chức một cuộc phục kích. Hopkins thì muốn để trống cửa không có khóa, nhưng Holmes lại lo ngại chuyện đó sẽ làm cho kẻ kia đề phòng, bởi ổ khóa không phức tạp cho lắm, chỉ cần một con dao chắc chắn một chút là có thể cạy được. Holmes cũng đề nghị chúng tôi không nên ngồi trong nhà phục kích, mà ngồi bên ngoài, dưới những lùm cây mọc cạnh cánh cửa sổ thứ hai. Bằng cách đó chúng tôi có thể theo dõi truy kích kẻ kia. Nếu như hắn thắp đèn lên thì chúng tôi dễ dàng biết được mục đích nào dẫn hắn tới đây. Cuộc chờ đợi quả là căng thẳng và kéo dài đã hành hạ chúng tôi. Thần kinh run lên bần bật như một người thợ săn run rẩy khi ngồi rình con mãnh thú đang bị cái khát dày vò tìm đến con suối để uống nước. Con mãnh thú nào sẽ xuất hiện ở đây? Một con hổ dữ với những chiếc răng bén ngọt, hay là một con chó núi nhút nhát, chỉ dám tấn công những con vật yếu đuối và không có khả năng tự vệ?
Chúng tôi ngồi núp trong bụi cây, hoàn toàn im lặng. Lúc đầu tiếng bước chân của những người đi dạo muộn vọng đến chỗ chúng tôi ngồi, nhưng rồi những âm thanh ấy cũng im bặt. Cuối cùng cả không gian im ắng đến ghê sợ bao trùm lên chúng tôi. Chỉ còn tiếng gõ của chiếc đồng hồ nhà thờ như nhắc nhở chúng tôi thời gian đang trôi qua. Cơn mưa nhỏ đang nhỏ giọt xuống những cành lá làm mái che cho chúng tôi.
Tiếng chuông báo hiệu 2 giờ 30 sáng điểm gióng giả. Cái giờ tối tăm mịt mùng lạnh lùng nhất của buổi bình minh sắp bắt đầu. Bất ngờ chúng tôi giật thót người, toàn thân bỗng lạnh toát khi nghe thấy tiếng kêu răng rắc tuy khẽ nhưng khá rõ từ cánh cổng bằng gỗ. Có một người nào đó đang đi theo con đường mòn. Sự im lặng kéo dài lại bao phủ. Tôi nghi đó là dấu hiệu giả. Thình lình từ sau ngôi nhà vang lên tiếng những bước chân rón rén thận trọng, lát sau tiếng kêu leng keng của kim khí vang lên. Người này định cạy cửa! Lần này anh ta hành động có vẻ khéo léo hơn, cũng có thể dụng cụ trong tay anh ta tốt hơn. Sau đó vang lên tiếng động và hình như cái khoeo của ổ khóa bị bật ra. Người này bật diêm lên, ánh lửa của ngọn nến chiếu sáng khắp căn phòng. Qua lớp rèm mỏng manh, chúng tôi trông thấy tất cả những gì xảy ra bên trong.
Người khách ban đêm là một gã đàn ông trẻ tuổi trông gầy gò ốm yếu. Bộ ria mép đen nhánh làm nổi bật bộ mặt nhợt nhạt chết chóc của anh ta. Anh ta trên dưới 20 tuổi. Tôi chưa thấy người nào rơi vào tình trạng thảm thương như thế bao giờ. Anh ta há hốc mồm giơ cả hàm răng ra có lẽ vì quá lo sợ, toàn thân anh ta run lên bần bật. Anh ta ăn bận rất lịch sự đứng đắn, một chiếc áo bludông túi chéo may bằng loại dạ tốt; chiếc quần thể thao ngắn cũn cỡn, đầu đội một chiếc mũ nỉ. Chúng tôi thấy anh ta ngơ ngác lo lắng nhìn xung quanh sau đó đặt cây nến xuống bàn khuất một góc. Từ góc đó, anh ta cầm lên một cuốn sách – đó là tập họa báo đóng tầu. Cúi người xuống sát bàn, anh ta lật nhanh từng tờ cho đến khi nhìn thấy dòng chữ mà anh ta cần tìm. Đến lúc đó anh ta tức giận đấm xuống cuốn tạp chí, rồi đặt nó và chỗ cũ và tắt nến.
Anh ta chưa kịp xoay người chạy ra khỏi cổng thì đã bị Hopkins chộp lấy áo. Tôi nghe thấy tiếng kêu dữ dội đầy sợ hãi tuyệt vọng. Kẻ bẻ khóa hiểu rằng: anh ta đã bị bắt. Chúng tôi thắp đèn lên. Anh ta run rẩy, quằn quại trong gọng kìm của người thám tử.
- Anh bạn yêu quý, – Hopkins lên tiếng, – Anh là ai và đến đây làm gì?
Chàng thanh niên cố gắng trấn tĩnh lại.
- Các ngài có phải là những thám tử? – Anh ta hỏi lại. – Các ngài nghi rằng tôi có dính líu tới cái chết của thuyền trưởng Peter Carey? Xin thề với các ngài chuyện này tôi không hề dính líu tới.
- Điều đó sẽ được xác minh sau, – Hopkins đáp. – Trước hết xin anh cho biết quý danh?
- John Hopley Neligan.
Tôi nhận thấy Holmes và Hopkins đưa mắt nhìn nhau.
- Anh cần gì ở đây?
- Tôi có thể tin rằng các ngài sẽ không tiết lộ điều bí mật của tôi?
- Nhất định sẽ phải tiết lộ.
- Vậy lý lẽ nào buộc tôi phải nói?
- Nếu anh không nói, anh sẽ gặp khó khăn ở tòa.
Chàng thanh niên giật bắn người.
- Vậy thì tôi sẽ nói, – Anh chàng nhượng bộ. – Tại sao phải giấu giếm nhỉ? Nhưng tôi thấy kinh tởm với ý nghĩ là câu chuyện ô danh ngày xưa bị đưa ra cho thiên hạ chê cười. Có bao giờ các ngài nghe thấy ai nói về Dawson và Neligan chưa?
Dựa trên nét mặt của Hopkins, tôi hiểu là anh ta không hay biết gì về chuyện ấy; còn Holmes sôi nổi hẳn lên và đáp:
- Anh định ám chỉ những ông chủ của nhà băng miền tây phải không? Họ đã bị phá sản hàng triệu bạc; làm khánh kiệt hết nửa bang Cornwall và ngài Neligan đã biệt tích.
- Đúng như vậy. Neligan đó là cha tôi. Cuộc vỡ nợ thực tế chỉ liên quan tới một mình cha tôi. Ông Dawson đã từ bỏ công việc khá lâu. Lúc bấy giờ tôi mới 10 tuổi nhưng tôi cũng đủ lớn để cảm thấy nỗi tủi nhục và nỗi sợ hãi do cơ sự đã xảy ra. Mọi người đều cho rằng cha tôi đã vơ vét tất cả giấy tờ quý giá rồi bỏ chạy. Điều đó không đúng sự thật. Cha tôi tin chắc một điều nếu người ta gia hạn cho ông một khoản thời gian để kịp đổi chứng khoán lấy tiền thì mọi việc dứt khoát sẽ trôi chảy và ông sẽ thanh toán đầy đủ cho những người gửi tiền.
Cha tôi đã ra đi trên một chiếc thuyền nhỏ để đến Na Uy trước khi lệnh bắt ông được ban bố. Tôi vẫn còn nhớ cái đêm cuối cùng khi cha tôi chia tay mẹ tôi, ông có để lại cho chúng tôi một bản thống kê những giấy tờ chứng khoán mà ông đã mang theo. Ông thề rằng nhất định sẽ khôi phục danh dự lại cho mình và sẽ không để cho một ai trong số những người tín nhiệm mình phải chịu cảnh đau khổ thiệt thòi.
Từ đó đến nay chúng tôi không hề được tin tức gì về người cha xấu số nữa. Cả chiếc thuyền và cha tôi đều mất tích một cách bí ẩn. Tôi và mẹ tôi đều tin chắc rằng, cha tôi đã an nghỉ vĩnh viễn dưới đáy đại dương. Chúng tôi có một người bạn rất trung thành, một người đã có mối liên hệ công việc trước kia với cha tôi.
Cách đây không lâu, ông ta đã cho tôi hay, một số giấy tờ chứng khoán do cha tôi giữ ngày trước đã xuất hiện trên thị trường London. Các ngài có thể tưởng tượng nỗi sửng sốt của chúng tôi như thế nào không? Tôi đã mất mấy tháng trời ròng rã để lần theo các dấu vết tờ chứng khoán và cũng đã nếm nhiều mùi thất bại gặp không ít nỗi gian truân vất vả.
Cuối cùng tôi đã xác định được những tờ chứng khoán là do thuyền trưởng Peter Carey chủ nhân của ngôi nhà nhỏ này bán ra.
Tất nhiên, tôi đã tiến hành tìm hiểu về ông ta. Tôi được biết ông ta đã chỉ huy chiếc tàu săn cá voi trên đường quay về, đúng vào lúc cha tôi trên đường đi Na Uy. Mùa thu năm ấy thời tiết khá xấu, trên biển hay xuất hiện những cơn bão bất ngờ. Có lẽ chiếc thuyền của cha tôi đã bị trôi dạt về phương bắc, ở đó con tàu của thuyền trưởng Peter Carey đã bắt gặp nó. Nếu đúng như vậy, thì cha tôi đã biến mất đi đâu? Nếu ông Peter Carey có thể làm sáng tỏ cho tôi tại sao những tờ chứng khoán kia lại xuất hiện trên thị trường, thì tôi sẽ có đầy đủ khả năng để chứng minh là cha tôi đã không hề đem bán những tờ chứng khoán đó, ông đã mang theo nó không nhằm một mục đích tư lợi nào hết.
Tôi đã đi đến Sussex với hy vọng gặp được người thuyền trưởng, nhưng vào đúng thời điểm ấy ông ta đã gặp một cái chết thật khủng khiếp. Trong biên bản điều tra, tôi đã đọc được đoạn mô tả căn phòng "ca bin" của ông ta, ở đấy có nói tới những tờ tạp chí, ảnh cũ về ngành hàng hải. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, nếu tôi may mắn đọc được những tờ tạp chí kia thì có thể sẽ biết được điều gì đã xảy ra trên chiếc tàu "Sea Unicorn" của tháng 8 năm 1883; qua đó tôi sẽ biết được số phận bí hiểm của cha tôi. Đêm hôm qua, tôi đã định vào nhà để xem những tờ tạp chí, nhưng không tài nào mở nổi cánh cửa. Hôm nay việc làm của tôi đạt kết quả hơn nhưng tôi đã phát hiện ra là những trang giấy có liên quan đến tháng 8 ấy đã bị xé mất. Sau đó thì các ngài đã tóm gáy tôi.
- Chỉ có thế thôi ư? – Hopkins hỏi.
- Vâng, mọi việc chỉ có thế. – Cặp mắt của chàng thanh niên lướt nhanh lên nhìn chúng tôi, sau khi trả lời xong câu hỏi.
- Anh còn gì để nói nữa không?
Chàng thanh niên lưỡng lự.
- Xin hết ạ.
- Trước đêm hôm qua anh đã đến đây lần nào chưa?
- Chưa.
- Thế anh định giải thích việc này ra sao? – Hopkins quát lên và chìa ra cho chàng thanh niên cuốn sổ tay với những chữ viết tắt tên họ của người thanh niên, và có vết máu dính ở bìa quyển sổ.
Cậu ta hoảng hốt và lấy tay che kín mặt lại.
- Ngài nhặt được cuốn sổ này ở đâu? – Anh ta rên rỉ. – Thế mà tôi không hay biết. Tôi cứ nghĩ là đánh mất ở khách sạn.
- Đủ rồi! – Hopkins lạnh lùng đáp. – Nếu anh còn muốn nói điều gì, thì để ra tòa hẵng nói tiếp. Còn bây giờ hãy cùng tôi đến sở cảnh sát! Ngài Holmes, tôi vô cùng đội ơn ngài và bạn của ngài đã quá bước đến đây để giúp đỡ tôi. Có lẽ sẽ không cần sự có mặt của ngài ở tòa án làm gì. Tôi sẽ tự giải quyết công việc cho đến cuối, không cần đến ngài nữa. Những dẫu sao tôi cũng đội ơn ngài rất nhiều. Ở Khách sạn Brambletye người ta đã dành cho hai ngài hai phòng, vậy chúng ta có thể cùng nhau đến đó nghỉ đêm nay.
- Watson, anh nghĩ như thế nào về tất cả chuyện này? – Holmes hỏi, khi chúng tôi trên đường quay về vào sáng hôm sau.
- Tôi trông anh có vẻ không được hài lòng lắm?
- Ồ. Không đâu, Watson thân mến. Tôi hoàn toàn hài lòng, nhưng tôi không thể khen anh chàng Stanley Hopkins được. Cách thức của anh ta không thể chấp nhận được, tôi lấy làm buồn lòng cho anh ta. Tôi mong đợi ở anh ta nhiều hơn thế kia. Thông thường bao giờ cũng có khả năng thứ hai, và cần phải tìm cho ra cái đáp số ấy. Đó là nguyên tắc đầu tiên của công tác điều tra hình sự.
- Khả năng thứ hai là như thế nào?
- Điều này đang nằm trong nguyên lý phá án của chính bản thân tôi. Có thể nó không mang lại kết quả gì. Tôi không thể nói cho anh một điều gì được nhưng tôi sẽ tiến hành theo con đường của tôi đến cuối cùng.
Tại phố Baker có vài lá thư đang đợi Holmes. Anh chộp lấy một lá, bóc ra và hoan hỉ. Anh cười lớn tiếng:
- Watson, thật tuyệt! Phương án hai đã sẵn sàng. Chúng ta còn mẫu in sẵn để đánh điện hay không? Anh hãy ghi cho tôi bức điện với nội dung sau đây: "Gửi ngài Sumner, đại lý hàng hải, đại lộ Ratcliff. Gửi cho tôi ba người, có mặt vào mười giờ sáng ngày mai - Basil". Basil là tên của tôi ở ba vùng - Holmes giải thích - Bức điện thứ hai: "Thanh tra Stanley Hopkins, 46 phố Lord, Brixton. Hãy đến vào ngày mai, 10 giờ 30, dùng bữa cơm sáng. Quan trọng. Nếu không đến được hãy đánh điện báo ngay. - Sherlock Holmes. ".
Watson, chuyện quỷ quái này theo đuổi tôi suốt 10 ngày ròng rã, bây giờ tôi muốn bứt ra khỏi vòng tay siết chặt của nó. Ngài mai, tôi hy vọng chúng ta sẽ kết thúc chuyện này – Vĩnh viễn kết thúc.
Đúng giờ hẹn, tay thanh tra Hopkins xuất hiện và cả ba chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn thịnh soạn do bà Hudson dọn lên. Viên thanh tra trẻ hoan hỉ trước thắng lợi ban đầu của mình.
- Ngài hoàn toàn tin tưởng vào lời lý giải của mình là đúng phải không? – Holmes nói.
- Còn sao nữa! Trường hợp này rõ như ban ngày.
- Theo tôi, vụ này chưa phải là kết thúc.
- Ngài làm cho tôi ngạc nhiên đấy, thưa ngài Holmes! Ngài còn định đòi hỏi những gì ở tôi nữa?
- Không lẽ lời lý giải của ngài đã bao hàm tất cả các mặt của vấn đề?
- Không nghi ngờ gì nữa. Tôi được biết là anh bạn trẻ Neligan đã đi đến khách sạn Brambletye đúng vào ngày đã xảy ra vụ án. Anh ta đi đến đó giả vờ như là người đi choi golf. Phòng của anh ta nằm ở gác một và anh ta có thể bỏ đi, một khi anh ta muốn. Trong đêm hôm ấy anh ta đã đi đến Woodman's Lee, và đã gặp lão Peter Carey, sau đó hục hặc với lão, rồi dùng ngọn lao để giết chết lão ta. Vì kinh sợ bàn tay nhuốm máu của mình, anh ta bỏ chạy và đã đánh rơi quyển sổ tay. Anh ta mang cuốn sổ theo vì muốn đối chiếu những giấy tờ chứng khoán ở trong tay Peter Carey. Ngài có lẽ đã phát hiện một số dòng ghi trong cuốn sổ được đánh chữ thập? Đó là những chứng khoán đã bị bán ra trên thị trường London. Nhưng phần lớn số ấy còn nằm trong tay Carey. Anh chàng Neligan, theo như anh ta thú nhận, đã mơ tưởng muốn chiếm lại những thứ ấy hy vọng sẽ thanh toán nợ nần cho người cha. Sau khi bỏ chạy một thời gian anh ta không đủ can đảm để quay lại, nhưng cuối cùng đã quyết định nắm thêm một số tin tức cần thiết nên đã quay lại. Đơn giản và dễ hiểu, có đúng như vậy không?
Holmes cười và lắc đầu.
- Tôi thấy trong giả thiết của ngài có một điều thiếu sót: giả thiết ấy hoàn toàn không khả thi. Có bao giờ ngài thử dùng ngọn lao để xiên qua một xác người chưa? Chưa hả? Ngài nên chú ý đến chi tiết quan trọng này. Anh bạn Watson của tôi có thể kể cho ngài biết việc tôi mỗi buổi sáng đã luyện tập công việc ấy như thế nào. Đây không phải là một việc nhẹ nhàng, mà cần phải có một cánh tay khỏe mạnh lực lưỡng và rèn luyện qua nhiều thử thách. Tay thuyền trưởng đã bị giáng một đòn khá mạnh đến nỗi ngọn lao cắm sâu vào tường sau khi đã xuyên thủng cả thân hình Carey. Chẳng lẽ ngài cho rằng anh chàng ốm yếu kia có đủ sức gây nên một đòn kinh khủng như thế? Kẻ trong đêm khuya thanh vắng đã cùng với lão Peter Carey uống rượu rum là ai? Hình bóng của người nào đã in trên bức rèm trước đó hai ngày? Hopkins, chúng ta nên tìm kẻ nào đó còn đang ẩn náu và nguy hiểm hơn anh chàng John Hopley Neligan.
Trong lúc Holmes nói, khuôn mặt của tay thám tử ngày càng giãn ra. Tất cả những tính toán và niềm hy vọng của anh ta đã bị sụp đổ. Nhưng anh ta không dễ gì chịu đầu hàng.
- Ngài không thể bác bỏ được, thưa ngài Holmes. Việc anh chàng Neligan có mặt trong đêm hôm ấy được chứng minh hùng hồn bởi việc cuốn sổ tay bị đánh rơi. Theo tôi nghĩ, đối với tòa, bấy nhiêu thôi cũng đủ lắm rồi; mặc dù trong giả thiết có đôi chỗ chưa được chắc chắn theo như ý kiến của ngài. Cái chính là tên tội phạm của tôi đã bị tóm, còn kẻ "tội phạm nguy hiểm" của ngài tôi không trông thấy ở đâu cả.
- Tôi nghĩ rằng, tên giết người bây giờ đang bước lên cầu thang nhà tôi – Holmes bình tĩnh đáp – Watson, tôi cảm thấy là anh nên chuẩn bị sẵn khẩu súng lục – Holmes đứng lên và đặt tờ giấy xuống bàn – Mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, chúng ta sẵn sàng hành động.
Những giọng nói sỗ sàng, thô tục vang lên sau cánh cửa. Bà Hudson mở cửa ra và nói với Holmes có ba người đàn ông muốn gặp thuyền trưởng Basil.
- Hãy cho từng người một lên gặp tôi, – Anh trả lời.
Người đầu tiên bước vào là một người thấp bé tròn lẳn, cặp má ửng hồng, bộ râu quai nón rậm rì đã bạc. Holmes lấy ra một bức thư.
- Ngài cho biết quý danh? – Anh hỏi.
- James Lancaster.
- Tôi lấy làm tiếc thưa ngài Lancaster, nhưng chỗ này đã có người nhận làm rồi. Gởi ngài ít tiền vì đã làm phiền đến ngài. Ngài hãy ghé qua ngồi đợi ở phòng bên cạnh một lát.
Người thứ hai trông cao lớn như cây sào, bộ tóc láng mượt, mặt trông rất ốm yếu. Ông ta tên là Hugh Pattins. Ông ta cũng chỉ nhận được một lời chối từ và ít tiền cùng với lời khuyên chờ đợi.
Người thứ ba có ngoại hình hoàn hảo. Bộ tóc rễ chổi và bộ râu cứng bao trùm lấy khuôn mặt dữ tợn trông như mặt của con chó bull. Cặp mắt nâu can đảm lấp lánh dưới đôi lông mày cứng rậm. Hắn ta chào xong và đứng đó trong tư thế của người đi biển, chiếc mũ bị vò nát trong tay.
- Tên anh là gì? – Holmes hỏi.
- Patrick Cairns.
- Thợ xiên cá phải không?
- Vâng, 26 năm kinh nghiệm
- Ở Dundee à ?
- Vâng, thưa ông.
- Ngài có đồng ý phục vụ trên tàu thám hiểm không?
- Vâng, thưa ngài. Lương hưởng thế nào?
- Tám bảng trong một tháng. Ngay bây giờ có thể xuất hành được hay không?
- Nếu nhận xong những trang bị đồ nghề là tôi đi ngay.
- Giấy tờ có mang theo người không?
- Vâng, có đây.
Hắn ta lấy ra mớ giấy má đã nhàu nát, Holmes xem xong trả lại cho hắn.
- Tôi cần con người như thế này. – Anh nói. - Bản giao kèo nằm trên bàn kia. Hãy ký vào đây.
Tay thủy thủ khệnh khạng bước ngang qua căn phòng và cầm lấy bút.
- Ký vào đây phải không? – Hắn ta hỏi và cúi xuống sát bàn.
Holmes ghé sát vào vai hắn và đưa tay ra kéo cổ hắn lên.
- Bây giờ mọi việc đều ổn thỏa – Anh nói.
Tôi nghe thấy tiếng "keng" của kim khí, và tiếng gào thét của con bò mộng giãy giụa. Trong lúc ấy cả Holmes và tên thủy thủ không buông nhau ra, lộn nhào mấy vòng trên nền nhà. Tay thủy thủ quả có một sức lực phi thường. Thậm chí đã bị Holmes còng khóa số tám, hắn ta vẫn đủ sức để quật lại Holmes. Nhưng tôi và Hopkins đã chạy lại giúp sức, chỉ đến khi nòng súng lạnh toát của tôi kề vào thái dương hắn mới chịu hiểu ra là chống cự cũng vô ích. Chúng tôi dùng dây trói chân hắn, rồi đứng lên thở hổn hển vì cuộc vật lộn.
- Tôi phải xin lỗi ngài Hopkins – Holmes lên tiếng – Món trứng lacoste tôi e rằng đã nguội mất. Nhưng tôi nghĩ rằng kết quả mỹ mãn của vụ án sẽ làm cho ngài cảm thấy ngon miệng?
Stanley Hopkins bỗng ngây người bàng hoàng sửng sốt và đầy bất ngờ.
- Ngài nói chuyện ấy làm gì! - Anh ta lúng búng trong miệng và cảm thấy xấu hổ đỏ cả mặt. – Tôi là một kẻ ngu dốt bất tài. Không bao giờ tôi quên rằng mình chỉ là một học trò của ngài còn ngài là một người thầy vĩ đại của tôi. Thậm chí cho đến bây giờ, khi được chứng kiến kết quả của ngài, tôi vẫn không thể hiểu nổi ngài đã tiến hành như thế nào và ý nghĩa của những hành động đó?
- Thôi được – Holmes độ lượng đáp. – Chúng ta sẽ cùng nhau rút kinh nghiệm trong mỗi sai lầm của mình. Giờ đây ngài nên ghi lòng rằng không bao giờ được coi thường phương án hai. Ngài đã bị anh chàng Neligan làm cho choáng ngợp nên không còn nhìn thấy tên Patrick Cairns nữa. Ngài thỏa mãn khá sớm nên quên mất kẻ giết chết lão Peter Carey.
Giọng khàn khàn của tay thủy thủ ngắt lời Holmes:
- Ngài hãy nghe đây! Tôi không hề thương xót và trách cứ về việc các ngài đã đối xử thô bạo với tôi, nhưng dẫu sao cũng nên gọi những sự kiện theo đúng tên của nó. Ngài nói "kẻ giết chết Peter Carey", tôi xin đính chính lại tôi giết lão ta chỉ vì tự vệ. Điều này khác nhau khá xa đấy. Có thể các ngài không tin tôi? Có thể các ngài cho là tôi đơm đặt bịa chuyện?
- Không hề – Holmes đáp – Chúng tôi sẵn sàng nghe tất cả những gì mà ông định nói.
- Tôi sẽ kể ngắn gọn. Có trời làm chứng, những điều tôi nói ra đều là sự thực. Tôi biết Peter Carey. Khi hắn ta cầm lấy con dao, tôi chộp ngay lấy ngọn lao, bởi tôi hiểu một trong hai chúng tôi phải có kẻ chết. Vậy là hắn đã chết, như vậy có thể gọi tôi là kẻ sát nhân? Đối với tôi cái chết không có nghĩa lý gì hết. Nhưng tôi thích được lên thiên đàng bằng sợi dây treo cổ hơn bằng con dao do chính tay tên Peter hắc ám đâm vào tim.
- Làm thế nào mà ông lọt được vào nhà ông ta? – Holmes hỏi.
- Tôi sẽ kể tất cả theo thứ tự. Cho tôi được ngồi xuống, như vậy nói sẽ dễ hơn. Chuyện xảy ra vào tháng 8 năm 1883. Hồi đó Peter Carey là ông chủ của con tàu "Sea Unicorn" còn tôi chỉ là tay lao dự phòng của lão. Chúng tôi đã vượt qua những đám băng dày đặc và trên đường quay về, một cơn gió ngược đã vỗ mạnh vào tàu chúng tôi; cơn bão kéo dài suốt một tuần không ngớt.
Bất ngờ chúng tôi chạm phải một chiếc thuyền con: Chiếc thuyền bị trôi dạt về phương bắc. Trên thuyền chỉ vẻn vẹn có một người: người đó không phải là một thủy thủ. Những người còn lại có lẽ đã cho rằng chiếc thuyền sẽ bị chìm nên đã xuống hết xuồng cấp cứu, hy vọng ghé vào bờ biển Na Uy. Chắc rằng họ đã chết hết. Chúng tôi đã kéo người kia lên tàu của mình. Bọn thủy thủ bàn tán xôn xao trong ca bin của thuyền trưởng khá lâu. Toàn bộ hành lý của người kia được vớt lên tàu chỉ vẻn vẹn có một hộp sắt tây. Theo tôi biết thì tên của người đó chúng tôi không ai rõ. Đến đêm hôm sau, người đó bỗng mất tích giống như là anh ta chưa hề có mặt ở đây. Mọi người bàn tán, có lẽ anh ta bị rơi xuống biển hoặc tự anh ta nhảy xuống. Vì trong đêm tối hôm ấy có một cơn bão lớn nổi lên. Chỉ có một người biết được điều gì đã xảy ra với kẻ xấu số kia – người đó là tôi. Trong đêm tối đen như mực 2 ngày trước khi chúng tôi nhìn thấy ngọn hải đăng Shetland, chính mắt tôi đã trông thấy lão thuyền trưởng Peter tóm lấy chân anh chàng kia ném xuống biển.
Tôi không hé cho ai một lời nào về chuyến đó. Tôi nghĩ cứ để xem sao. Tàu chúng tôi tới Scotland, không một ai nhắc tới câu chuyện người lạ mặt cả và cũng không có ai để ý tới số mạng của anh ta. Con người này tình cờ bị chết. Không ai lấy đó làm thích thú. Sau đó Peter Carey xin nghỉ hưu. Nhiều năm trôi qua, tôi mới biết được hắn ta đang trú ngụ ở đâu. Tôi nghĩ hắn ta gây ra tội ác tày trời cũng chỉ vì chiếc hộp sắt tây kia. Bây giờ thì chắc chắn hắn ta phải trả tiền cho tôi, để tôi lờ tịt đi câu chuyện tội ác.
Qua một người thủy thủ, người này đã gặp lão Peter ở London, tôi được biết hắn đang sống ở đây. Tôi liền đi đến đó với hy vọng sẽ kiếm chác được món gì đấy. Trong đêm đầu tiên hắn hứa sẽ cho tôi một món tiền lớn đủ cho tôi sống hết cuộc đời không phải vất vả với nghề thủy thủ nữa. Cuộc ngã giá cuối cùng chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau sau hai đêm nữa. Tôi lại đến và thấy hắn đang say rượu. Tâm địa thật xấu xa bỉ ổi, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau ôn lại quãng đời xa xưa. Hắn ta càng uống nhiều chừng nào thì bộ mặt của hắn càng làm cho tôi căm ghét chừng ấy. Tôi trông thấy ngọn lao gác trên tường, và nghĩ dại có khi cần đến cho mình. Hắn cũng không chịu được nữa. Hắn chộp lấy con dao lớn và xông vào tôi, phun nước bọt vào người tôi, văng những lời thô tục xúc phạm đến tôi. Tôi thấy hắn chuẩn bị một hành động giết người. Nhưng hắn chưa kịp rút con dao ra, tôi đã nhanh tay hơn lấy ngọn lao đóng chặt hắn vào tường. Hắn gào thét thật thảm thiết. Bộ mặt của hắn cho đến tận bây giờ tôi không thể nào quên được và vẫn ám ảnh tôi, không sao tôi chợp mắt được. Máu chảy ra như suối, còn tôi thì cứ ngây ra như ngỗng đực. Xung quanh im lặng như tờ, tôi cảm thấy yên tâm. Nhìn quanh, tôi thấy hộp sắt tây để trên giá sách. Tôi cũng có quyền như lão Peter? Tôi cầm lấy hộp sắt tây vội vã bước ra khỏi nhà. Do bộp chộp, tôi đã để quên gói thuốc của mình ở trên bàn.
Còn bây giờ tôi sẽ kể cho các ngài nghe phần lạ lùng nhất của câu chuyện này. Vừa bước ra khỏi nhà, tôi nghe thấy tiếng bước chân của ai đó. Tôi trốn vào một lùm cây. Tôi thấy có một người đi đến căn phòng của lão Peter. Khi bước vào nhà, anh ta bỗng hét lên như người bị hớp hồn và bỏ chạy thục mạng. Còn tôi thì đánh lừa tất cả mọi người, cuốc một mạch hơn mười dặm đến Tunbridge Wells và leo lên tàu hỏa đi London.
Khi tôi mở chiếc hộp ra, trong đó không còn một cái gì hết, ngoài mớ giấy tờ, mà tôi chần chừ chưa chịu đem đi bán. Tôi không còn quyền lực gì đối với tên Peter hắc ám kia, tôi lang thang thơ thẩn quanh London không một xu dính túi. Tôi còn nghề thủy thủ trong tay. Tôi đã trông thấy dòng thông báo tìm người xiên cá với số lương khá hậu hĩnh. Tôi lập tức đến gặp sở giao dịch và người ta đã chỉ tôi đến đây. Đấy là tất cả những gì tôi được biết. Mặc dù tôi có tội giết người, nhưng đáng lẽ công lý phải biết ơn tôi, tôi đã tiết kiệm cho nhà nước khoản chi phí để mua một giây thòng lọng.
- Lời khai khá chặt chẽ – Holmes nói và đứng dậy. – Hopkins, tôi nghĩ ngài hãy mau chóng thả chàng trai bị bắt ra ngay. Và căn phòng này không hợp với ông Patrick Cairns một chút nào.
- Tôi không có cách nào để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với ngài thưa ngài Holmes, – Hopkins đáp. - Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa thể hiểu, bằng cách nào ngài đã đạt được những kết quả như vậy.
- Đơn giản thôi. Ngay từ đầu tôi đã đi đúng hướng, trước đó tôi không được biết về cuốn sổ tay, chính nó đã đánh lạc hướng cả ngài lẫn tôi. Nhưng dẫu sao, khi nghe chuyện này tôi đã đi theo một khả năng được chọn. Một người lực lưỡng khỏe mạnh biết sử dụng ngọn lao, uống rượu rum và bao đựng thuốc lá làm bằng da hải cẩu, với một loại thuốc lá khá nặng. Tất cả những sự vật đó làm cho tôi nghĩ ngay tới những người đi biển. Tôi khẳng định hai chữ viết tắt "P.C" chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bao đựng thuốc không phải là của Peter Carey, bởi ông ta rất ít hút thuốc. Trong "cabin" của ông ta lại không hề tìm thấy tẩu thuốc. Ngài hẳn còn nhớ khi tôi hỏi trong phòng còn rượu nào khác hay không? Ngài nói có brandy và whisky nhưng chưa uống tới. Vậy ai là người uống rượu rum, một khi trong tay có sẵn brandy và whisky? Có phải chỉ những người dân đi biển không nào? Tôi tin chắc rằng, ngoài dân đi biển ra không có ai vào đây.
- Làm cách nào ngài tìm ra được ông ta?
- Ôi! Cái đó thật đơn giản. Tay thủy thủ kia chỉ có thể từ trong số những người cùng đi biển với lão Peter Carey trên con tàu "Sea Unicorn". Theo chỗ tôi được biết, Peter Carey không đi trên một con tàu nào khác nữa. Tôi mất ba ngày để đánh điện đi Dundee nhằm mục đích xác định lại danh sách những người đã đi trên tàu "Sea Unicorn" trong năm 1883. Và tôi được biết trong số những người thợ xiên cá có một người tên là Patrick Cairns trùng với các chữ cái trên bao đựng thuốc lá. Hướng điều tra của tôi coi như đã hoàn thành. Tôi nghĩ rằng, người này nhất định đang ở London và tìm cách chạy trốn khỏi nước Anh. Vì thế tôi bỏ mấy ngày ở East End bịa ra chuyện thám hiểm Nam Cực, đặt một số điều kiện béo bở đối với những người thợ săn cá và họ sẽ làm việc dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Basil. Kết quả thì... Như ngài thấy đấy.
- Thật kỳ diệu biết bao. – Hopkins thán phục.
- Ngài phải thả ngay anh chàng Neligan. – Holmes nói. – Tôi cho rằng ngài nên có lời xin lỗi vì hành động của mình đối với anh ta. Cần phải trả lại cho anh ta chiếc hộp sắt tây ấy. Tất nhiên những chứng khoán đã bị Peter Carey bán, coi như không còn nữa... Xe đã đến. Hopkins, ngài có thể đem ông ta đi. Nếu cần sự có mặt của tôi ở tòa, ngài hãy điện sang Na Uy cho tôi biết, địa chỉ chính xác của tôi sẽ báo cho ngài sau.
[HẾT]
Chú thích cuối trang
[1] Khoảng 14 gram
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip