Âm hôn
Cả huyện sau sự kiện kỳ lạ trong đám tang nhà họ Huỳnh và câu chuyện thầy cúng cũng không giúp được, ai ai cũng bàn tán xôn xao. Mọi lời đồn đều xoay quanh một điều: cô Út Huỳnh Thảo Nguyên – người con gái xấu số – không siêu thoát được, và muốn tìm người kết âm hôn để giải oan.
Tin đồn lan nhanh như lửa gặp gió, từ chợ huyện, đồng ruộng, quán trà cho đến tận những mái nhà tranh nơi tận cùng xóm. Người ta rỉ tai nhau:
— "Tao nghe nói, ban đêm mà đi ngang nhà ông quan lớn, sẽ nghe tiếng con gái khóc hu hu đó mày."
— "Nghe đâu con nhỏ chết oan, bắt người ta làm chồng... nam nữ gì cũng được. Miễn là cưới cho cổ hổng phá!"
— "Có người còn thấy cổ ngồi giữa đường, tóc tai xõa dài, mà khi tới gần thì biến mất tiêu..."
Chưa đầy một tuần, chuyện "tuyển người kết âm hôn" lan khắp mấy huyện lân cận. Dù nhà họ Huỳnh không công khai nói ra, nhưng ai cũng hiểu họ đã bắt đầu tìm người. Dân làng thì nghe tới "âm hôn" là xanh mặt, chạy còn không kịp, ai dám dấn thân vô cái chuyện rợn người đó chứ.
---------------------------------------
Trời vào đầu thu, nắng như lửa, đồng khô cỏ cháy, nước dưới ao cạn đến tận đáy. Ruộng nhà ông bà Trương chỉ còn trơ rạ, mảnh đất nứt nẻ như miệng con rắn độc đang há ngoác, đợi nuốt chửng lấy từng hạt gạo còn sót lại trong nhà.
Từ mấy đời, nhà họ Trương làm tá điền cho quan lớn Huỳnh – cha ruột cô Út Nguyên. Mỗi mùa lúa, trừ đủ loại phí, nhà chỉ còn chừng ba bốn giạ để ăn. Năm nay, hạn dài, lúa chết đứng ngoài đồng, người nhà đói vàng mắt, mà thuế vẫn tới kỳ. Ông Trương bán hết gà, heo, còn vét đến mấy món hồi môn của vợ ngày xưa, mà vẫn thiếu gần nửa bạc.
Tên lính thu thuế đứng ngay giữa nhà, gõ thanh gỗ trên tay nghe rắn rỏi như gõ lên quan tài:
— "Không đủ bạc, thì nộp người!"
Vợ ông khóc ngất. Ông Trương chỉ biết ngồi thở, mắt đục ngầu. Con gái duy nhất của họ – Ân – đang ngồi trong bếp, loay hoay nhóm lửa. Lửa chưa bén đã bị khói hun đến rơm rớm nước mắt, nhưng cô vẫn cười, miệng khe khẽ hát vu vơ bài ca nào đó chẳng ai hiểu được.
Ân là vậy. Lớn lên chậm hơn người ta, hiểu chuyện cũng muộn màng. Người ta dạy một, cô học ba lần mới nhớ. Nhưng cô ngoan. Biết giúp mẹ nhổ cỏ, đuổi gà, biết bưng cơm mời ba khi ông mệt. Trong làng, ai thấy cô cũng thương – thương vì cô hiền, mà cũng thương vì cô... khờ.
Ông Trương nhìn đứa con gái duy nhất, rồi cúi đầu, giọng như rơi từng giọt máu:
— "Nếu... nếu nhà quan đồng ý nhận nó... thì xin cứ thế mà lấy đi."
Tin nhà họ Trương "gả con" cho nhà quan lớn Huỳnh lan nhanh, nhưng không ai dám nói thẳng. Ai cũng biết cái gọi là "gả con" này là cái gì.
Người ta kể nhỏ to:
— "Nghe đâu, cô út nhà quan về báo mộng, đòi cưới vợ để được siêu thoát..."
— "Mà kỳ lạ là chịu nam hay nữ đều được... hồn ma sao lại chọn người, trời ơi..."
Buổi chiều hôm ấy, Ân được mẹ mặc cho bộ áo đẹp nhất – là bộ bà từng may để dành cho ngày cưới cô. Vải hơi cũ, lưng đã bạc màu nắng, nhưng vẫn sạch sẽ, thơm mùi lá bưởi phơi khô. Ân ngồi trước gương tre, cười tủm tỉm khi mẹ cài trâm lên tóc:
— "Má, con cưới chồng thiệt hả má?"
— "Phải rồi con. Chồng con... ở xa lắm..."
Nụ cười Ân trong veo, không chút hoài nghi. Cô không biết rằng mình không được đưa lên kiệu cưới, không có pháo hồng hay trống nhạc rộn rã. Chỉ có một cỗ xe đen, lọng đỏ ảm đạm, đưa cô vào phủ quan lớn – nơi đã treo đèn trắng suốt cả tuần.
Đêm đó, ông bà Trương trằn trọc mãi không ngủ. Bà Trương nằm nghiêng, ôm bụng khóc nấc như thể bị xé ruột. Ông Trương hút hết hai điếu thuốc, mặt như tro tàn.
Ngoài kia, trăng non treo lửng lơ, le lói soi lên tấm bảng trước phủ nhà quan lớn Huỳnh.
Nơi ấy, đèn trắng vẫn chưa tắt...
Và đêm đó, cô dâu sống đã bước vào ngôi nhà có người chết.
Âm dương bắt đầu giao nhau... từ một lời hứa không ai dám nói ra thành lời
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip