Anh em nhà Karamazov quyển 1

Quyển 1: Câu chuyện một gia đình 

♥ Chương 1 : Fedor Pavlovich Karamazov

 Alecxei Fedorovich Karamazov là con thứ ba một địa chủ hạt chúng tôi tên là Fedor Pavlovich Karamazov, người đã có thời làm xôn xao dư luận (mà đến tận bây giờ cũng còn được nhắc đến ở vùng chúng tôi) do cái chết bi thảm và mờ ám của ông ta xảy ra đúng mười ba năm trước, rồi đến một lúc nào đó tôi sẽ kể chuyện này. Còn bây giờ, về ông "địa chủ" đó người ta gọi ông ta như vậy, tuy suốt đời ông ta hầu như không cư ngụ tại điền địa của mình, tôi chỉ nói rằng đấy là một kẻ thuộc loại người lạ lùng tuy là khá thường gặp, chính là loại người chẳng những đồi bại và trác táng mà còn vô lối biết lo liệu rất khôn khéo mọi việc lắt léo liên quan đến tài sản của mình. Chàng hạn Fedor Pavlovich bước vào đời gần như là tay trắng, vốn điền sản của ông ta rất nhỏ nhoi, ông ta chuyên đi chực bữa nhà người, khét tiếng là kẻ ăn boóng, vậy mà lúc chết ông ta còn có đến một trăm ngàn rúp tiền mặt. Tuy thế suốt đời òng ta cứ là kẻ ngông cuồng nhất trong hạt chúng tôi. Tôi xin nhắc lại lần nữa: đây không phải là ngu xuẩn; phần lớn những kẻ ngông cuồng ấy khá tinh khôn và ranh mãnh, mà đây là vô lối nhưng là cái vô lối khá đặc biệt, mang màu sắc dân tộc.

 Ông ta đã hai đời vợ và có ba con trai: con cả, Dmitri Fedorovich, là con người vợ thứ nhất, hai đứa còn lại Ivan và Alecxei, là con người vợ sau. Người vợ đầu của Fedor Pavlovich là con một gia đình khá giàu có và danh tiếng thuộc dòng họ quý tộc Miuxov, cũng là địa chủ vùng chúng tôi. Làm sao một cô gái có của hồi môn, lại xinh đẹp, thêm nữa lại thuộc loại thông minh lanh lợi, - loại thiếu nữ không lấy gì làm hiếm trong thế hệ hiện nay, nhưng thời trước cũng vẫn có, - mà chịu lấy một gã "còm nhom" (như mọi người hồi ấy vẫn gọi gã) và hèn mọn như thể, điều này tôi sẽ không giải thích rườm rà. Tôi biết một cô gái thuộc thế hệ "lãng mạn" thời trước, sau mấy năm đeo đuổi mối tình bí ẩn với một người danh giá mà cô ta bao giờ cũng có thể rất yên tâm về làm vợ ông ta, nhưng rốt cuộc cô ta lại tưởng tượng ra những trở ngại không thể vượt qua được và một đêm bão bùng, từ mé bờ cao giống như một ghềnh đá cheo leo, cô ta gieo mình xuống dòng sông khá sâu cháy xiết: cô ta chết do tính đồng bóng của chính mình, chỉ cốt để được giống như Ophelia của Shakespeare, thậm chí nếu như bờ đá cheo leo ấy, mà cô đã để ý và ưa thích từ làu, không được nên thơ như thể, nếu như hay vào đó chỉ là một bờ sông bằng phẳng tầm thường thì có lẽ không làm gì có chuyện tự vẫn. Đấy là việc có thực, và hẳn là trong đời sống Nga của chúng ta, hai hay ba thế hệ gần đây, những sự việc cùng loại đã xảy ra không ít. Cũng tương tự như vậy, hành động của Adelaida Ivanovna Miuxova chắc chắn là hồi âm của những luồng gió nước ngoài dội vào: đồng thời cũng là sự bực tức của tư tưởng bị cầm tù. Có lẽ nàng muốn biểu lộ ý chí độc lập của phụ nữ, đi ngược lại hoàn cảnh xã hội, chống lại sự chuyên chế của họ mạc và gia đình, và trí tưởng tượng hay chiều lòng người khiến nàng tin chắc, dù chỉ trong giây lát rằng Fedor Pavlovich tuy có tiếng là kẻ ăn chực, nhưng vẫn là một người can đảm nhất và tinh quái nhất trong cái thời đại đang chuyển mình theo chiều hướng tốt: nhưng thực ra gã chỉ là một thằng hề độc ác, không hơn không kém. Điều giật gân là sự việc xoay chuyển tới chỗ cô nàng bỏ nhà trốn theo gã và lấy thế làm khoái chí. Còn về phần Fedor Pavlovich thì thậm chí do địa vị xã hội của gã, gã hoàn toàn sẵn sàng thực hiện tất cả những trò vào loại đó, và gã háo hức muốn tiến thân bằng bất kỳ cách nào: chui luồn được vào một gia đình tử tế và kiếm được món hồi môn, là điều hết sức hấp dẫn. Còn về tình yêu đôi lứa thì hình như hoàn toàn không có, cả nàng cũng như chàng, mặc dù Adelaida Ivanovna rất xinh đẹp. Thành thử có lẽ đấy là trường hợp duy nhất thuộc loại này trong đời Fedor Pavlovich, một kẻ suốt đời háo sắc, sẵn sàng bám ngay lấy bất cứ cái váy nào vẫy gọi gã. Duy chỉ có người phụ nữ này không khơi gợi trong gã một hứng thú tình dục đặc biệt nào cả.

 Ngay sau khi bỏ nhà theo gã, Adelaida Ivanovna thấy ngay rằng nàng chỉ có thể khinh bỉ chồng, ngoài ra không còn gì khác. Như vậy, hậu quả của cuộc hôn nhân bộc lộ ra nhanh chóng lạ thường. Tuy sau đó khá nhanh, gia đình đành chấp nhận cuộc hôn nhân ấy và cho cô gái trốn nhà theo trai một món hồi môn, nhưng cuộc sống vợ chồng hết sức lục đục và chuyện cãi cọ xảy ra luôn. Nghe đâu cô vợ trẻ tỏ ra thanh tao và cao cả hơn Fedor Pavlovich nhiều, gã này, như về sau được biết, ngay hồi ấy đã nẫng luôn của nàng tất cả số vốn liếng hai mươi nhăm ngàn rúp khi nàng vừa mới nhận được, từ đó, mấy chục ngàn ấy mất tăm luôn. Còn một cái ấp nhỏ và một ngôi nhà khá đẹp ở thành phố cũng là một hồi môn của nàng, thì trong một thời gian dài gã dùng đủ mọi cách sang tên cho mình bằng thủ tục giấy tờ hợp lệ nào đó, và đã đạt được mục đích ấy hẳn là chỉ bằng một thủ đoạn duy nhất: thường xuyên nài ép và van vỉ một ách trơ trẽn khiến nàng khinh bỉ và ghê tởm gã, và chỉ vì mệt mỏi về tinh thần mà nàng đành ưng thuận, cốt sao khỏi bị gã làm rày. May sao gia đình Adelaida can thiệp và kìm tay kẻ chiếm đoạt. Ai nấy đều biết giữa hai vợ chồng thường xảy ra xô xát, nhưng theo lời đồn, người đánh đòn không phải là Fedor Pavlovich, mà là Adelaida Ivanovna, nàng là một phụ nữ nóng nảy, táo bạo, nước da bánh mật, thiếu kiên nhẫn, khỏe lạ thường. Rốt cuộc nàng bỏ chồng trốn đi với một anh chàng chúng sinh nghèo kiết xác, để lại cho Fedor Pavlovich thằng Mitia mới lên ba. Fedor Pavlovich tức khắc lập lên trong nhà cả một hậu cung và ăn chơi nhậu nhẹt bừa phứa. Những lúc tạm nghỉ, y đi lung tung gần khắp tỉnh và gặp ai cũng than vãn thảm thiết về cô ả Adelaida Ivanovna đã bỏ y, thêm nữa y còn kể lể những chi tiết hết sức đáng ngượng về sinh hoạt vợ chồng của y. Đáng kể nhất là y tuồng như thích thú, thậm chí khoái trá trình diễn trước thiên hạ vai trò anh chồng mọc sừng lố bịch của mình và còn tô đậm màu sắc những chi tiết về nỗi nhục của y. "Nom cứ như anh được thăng chức vậy. Fedor Pavlovich ạ. Anh có vẻ hể hả lắm bất chấp tất cả sự đau xót của anh", - những kẻ nhạo báng nói với y như vậy. Nhiều người còn nói thêm rằng có lẽ y lấy làm vui sướng trong bộ dạng mới của vai hề và để tăng thêm hiệu quả gây cười, y cố ý làm như không nhận thấy tình thế khôi hài của y. Nhưng ai biết được, có thể đấy là sự ngây thơ của y. Cuối cùng y đã tìm ra tung tích cô vợ theo trai. Cô nàng ở Peterburg: nàng đến đấy cùng với anh chàng chủng sinh và ở đó nàng dấn mình vào một cuộc sống hoàn toàn phóng túng. Fedor Pavlovich lập tức tất tưởi sửa soạn đi Peterburg, - để làm gì? - cố nhiên chính y cũng không biết. Của đáng tội, có lẽ y muốn đi thật đấy, nhưng một khi đã quyết như vậy, y cho rằng y có cái quyền đặc biệt lại lao đầu vào cuộc rượu tràn cung mây để thêm hăng hái trước khi lên đường.

 Nhưng đúng lúc ấy gia đình bên vợ nhận được tin con gái họ đã bạc mệnh ở Peterburg. Nàng chết bất thần trên một gác trang, người thì bảo là do bệnh thương hàn, người thì bảo là chết đói.

 Fedor Pavlovich biết tin vợ chết giữa lúc đang cơn say. Người ta kháo rằng y chạy ra phố và gào lên, vui sướng giơ hai tay lên trời: "Từ nay Chúa giải thoát cho con"; một số người khác lại nói rằng y khóc rưng rức như đứa trẻ, thậm chí nhìn y mà thương tâm, mặc dù người ta ghê tởm y. Rất có thể là cả hai bên đều đúng, nghĩa là y vừa vui sướng vì được giải phóng, vừa khóc người giải phóng cho mình. Nhiều khi người đời, dù là độc ác, cũng vẫn ngây thơ và chất phác hơn ta tưởng. Vả chăng, chính chúng ta cũng thế.

♥ Chương 2 : Tống khứ đứa con đầu lòng

Cố nhiên có thể hình dung được một người như thế có thể làm bố và dạy dỗ con như thế nào. Với người bố ấy, sự việc đã xảy ra đúng như nó phải xảy ra, nghĩa là y hoàn toàn bỏ rơi đứa con sinh ra với Adelaida Ivanovna, không phải vì y thù ghét gì đứa bé hay vì những tình cảm vợ chồng nào đó bị xúc phạm, mà chỉ giản đơn là y quên bẵng đứa con. Trong lúc y làm mọi người phát ớn lên vì cái trò khóc lóc than vãn của y, còn nhà y lại biến thành cái ổ truỵ lạc thì thằng bé Mitia lên ba được người đầy tớ trung thành trong nhà là Grigori trông nom săn sóc, nếu thằng bé không được lão chăm sóc thì có lẽ sẽ chẳng có ai thay cho nó lấy một chiếc sơ mi. Lại nữa, bên họ ngoại thời gian đầu dường như cũng quên hẳn nó. Ông ngoại nó, tức là chính ngài Miuxov thân sinh ra Adelaida Ivanovna, đã tạ thế, bà vợ goá của ông, bà ngoại của Mitia, đã về ở Moskva, và ốm yếu quá; các dì nó đã đi lấy chồng, thành thử gần một năm trời nó ở với Grigori trong túp nhà gia nhân của lão. Vả chăng, nếu ông bố có nhớ đến đứa con (thực ra y không thể không biết mình có đứa con) thì hẳn là chính y sẽ tống khứ nó sang túp nhà ấy, bởi vì đứa bé dù sao cũng làm y vướng víu trong cuộc tửu sắc cuồng loạn. Nhưng bất chợt người anh họ của Adelaida Ivanovna, ông Petr Alecxandrovich Miuxov từ Paris trở về, sau này ông lại ra đi sống nhiều năm ở nước ngoài, và suốt đời ông vẫn là người Âu hoá, còn về cuối đời ông là người theo chủ nghĩa tự do của những năm 40 - 50. Tiếp tục con đường sự nghiệp, ông giao thiệp với nhiều người theo chủ nghĩa tự do triệt để nhất của thời đại mình, cả ở Nga cũng như ở nước ngoài, ông quen biết riêng cả Prudon và Bakunin(1) và vào cuối thời kỳ bôn ba của mình, ông thích hồi tưởng lại và kể chuyện về ba ngày cách mạng tháng Hai năm bốn mươi tám ở Paris, cố ý cho người ta hiểu rằng suýt nữa thì ông tham gia vào công cuộc đó trên chiến luỹ. Đấy là một trong những kỷ niệm sung sướng nhất của ông thời trai trẻ. Ông có tài sản riêng, theo cách tính thời trước là ngót một nghìn khẩu. Cái ấp tuyệt vời của ông ở ngay cửa ngõ thị trấn chúng tôi và tiếp giáp với đất đai của tu viện nổi tiếng của chúng tôi. Ngay từ hồi còn rất trẻ, liền sau khi nhận quyền thừa kế, ông lập tức thưa kiện liên miên với tu viện về quyển đánh cả và đốn rừng gì đó, tôi không biết đích xác, nhưng ông cho rằng, kiện "bọn thầy tu" thậm chí là nghĩa vụ công dân và khai sáng của mình. Được nghe hết mọi chuyện về Adelaida Ivanovna mà dĩ nhiên là ông vẫn nhớ và hồi xưa thậm chí ông đã để ý đến, và được biết vẫn còn thằng bé Mitia bị bỏ mặc, ông liền can thiệp, mặc dù ông căm ghét và khinh miệt Fedor Pavlovich bằng tất cả tâm hồn trẻ trung của mình. Đây là lần đầu tiên ông làm quen với Fedor Pavlovich. Ông nói thẳng với y rằng ông muốn nhận lấy việc dạy dỗ đứa bé. Mãi sau này ông còn kể, coi đó là một nét đặc trưng rằng khi ông nói với Fedor Pavlovich về Mitia thì y ngớ ra một lúc, có vẻ như hoàn toàn không hiểu là nói về đứa trẻ nào, thậm chí dường như y ngạc nhiên rằng y có đứa con trai nhỏ tuổi ở đâu đó trong nhà. Câu chuyện của Petr Alecxandrovich có thể có phần quá đáng, nhưng hẳn là phải có một phần sự thật. Quả thật Fedor Pavlovich suốt đời thích làm điệu làm bộ. Đột nhiên sắm một vai bất ngờ nào đó, mà cái chính là đôi khi chẳng cần gì phải làm như vậy, thậm chỉ có khi còn trực tiếp có hại cho mình, như trường hợp này chẳng hạn.

 Tuy nhiên, rất nhiều người có đặc điểm ấy, mà là những người rất thông minh, kể chi đến Fedor Pavlovich. Petr Alecxandrovich sôi nổi lo liệu công việc và thậm chí được thừa nhận là người giám hộ đứa bé (cùng với Fedor Pavlovich). Vì người mẹ chết đi vẫn để lại tài sản: một ngôi nhà và trang ấp. Mitia đến ở với ông cậu họ ấy, nhưng ông ta không có gia đình riêng, và bởi vì sau khi thu xếp xong công việc, bảo đảm thu được tiền ở các trang ấp của mình, ông lại vội trở về Paris một thời gian dài, nên ông giao đứa bé cho một bà cô họ quý tộc ở Moskva. Khi đã sống quen ở Paris, ông quên hẳn đứa bé, đặc biệt khi xảy ra cuộc cách mạng tháng Hai(2) làm kinh dị trí tưởng tượng của ông, khiến ông suốt đời không quên được. Bà quý tộc ở Moskva qua đời, Mitia đến ở với một người con gái bà, người này đã lấy chồng.

 Hình như sau đó thằng bé còn đổi tổ lần thứ tư nữa. Về chuyện này bây giờ tôi sẽ không rườm lời, nhất là sẽ còn phải kể nhiều về đứa con đầu lòng này của Fedor Pavlovich, còn bây giờ tôi chỉ đưa ra những điều hết sức cần biết về anh ta, không có những cái đó thì tôi không thể bắt đầu bộ tiểu thuyết.

 Thứ nhất, anh chàng Dmitri Fedorovich này chỉ là một trong ba con trai của Fedor Pavlovich, anh ta lớn lên với niềm tin rằng dù sao mình vẫn có chút tài sản và đến tuổi thành niên(3) anh ta sẽ được tự lập. Thời niên thiếu và thanh niên của anh ta là một quãng đời lộn xộn: anh ta bỏ dở việc học ở trường trung học, sau đó vào một trường võ bị, rồi đến vùng Kavkaz, phục vụ trong quân ngũ, dính vào chuyện thách đấu và bị giáng chức, lại phục vụ trong quân ngũ, ăn chơi hoang toàng, phung phí khá nhiều tiền. Mãi đến tuổi thành niên, anh ta mới được bố gửi tiền cho, nhưng cho đến khi ấy anh ta đã nợ nần chồng chất. Anh ta biết mặt bố mình lần đầu tiên sau khi đến tuổi thanh niên, khi anh ta chủ tâm về nhà để nói chuyện với bố cho rạch ròi về tài sản của anh ta. Hình như ngay hồi ấy anh ta đã không ưa ông bố. Anh ta ở nhà một thời gian ngắn rồi lại vội ra đi, sau khi nhận được một sổ tiền và giao ước với bố về việc thu lợi tức của điền trang từ nay về sau, điều đáng chú ý là lần ấy anh ta vẫn không làm cách nào được bố cho biết về thu nhập cũng như giá trị tài sản. Ngay từ lần đầu ấy (điều này nên nhớ), Fedor Pavlovich rất hài lòng về việc làm đó, vì y có nhưng tính toán riêng. Y cho rằng gã trẻ người non dạ, bồng bột hăm hở, đam mê, thiếu kiên nhẫn, ham chơi bời, chỉ muốn làm sao chộp luôn được một cái gì là gã yên tâm ngay, tuy tất nhiên là chỉ một thời gian ngắn. Thế là Fedor Pavlovich bắt đầu khai thác tình trạng đó, nghĩa là thí cho gã từng khoản nhỏ, thỉnh thoảng gửi cho một món, và sự thể đã dẫn đến kết cục là bốn năm sau, Mitia mất kiên nhẫn, lại về thị trấn nhà lần nữa để thanh toán với bố cho xong hẳn, nhưng đột nhiên, gã hết sức ngạc nhiên được biết gã chẳng còn gì nữa, thậm chí khó mà tính toán được, gã đã ấy toàn bộ giá trị tài sản của mình bằng tiền mặt, do bố trao cho, có lẽ còn nợ lại bố đằng khác: căn cứ vào những giao kèo này nọ ký kết vào ngày này ngày nọ theo ý muốn của chính gã, gã không có quyền đòi hỏi gì nữa, vân vân và vân vân. Gã trai sửng sốt, nghi ngờ có sự gian dối nổi xung lên, gần như mất trí. Chính hoàn cảnh đó dẫn tới thảm hoạ, thiên tiểu thuyết đầu của tôi thuật lại chuyện ấy hay đúng hơn, câu chuyện ấy là cái khung bên ngoài của tác phẩm. Nhưng trước khi đi vào tiểu thuyết đó, còn phải nói về hai người con trai còn lại của Fedor Pavlovich, các em của Mitia, cho biết rõ gốc tích của họ.

Chú thích:

 (1) Prudon Pie Jozep (1809-1865) - Người Pháp, nhà xã hội học. kinh tế học, nhà xã hội không tưởng có khuynh hướng vô chính phủ.

Bakunin Mikhail Alecxandrovich (1814-1876), người Nga, nhà cách mạng dân tuý, nhà lý luận của chủ nghĩa vô chính phủ (N.D).

(2) Đây là nói về cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1848 ở Pháp, dẫn tới kết quả lật đổ nền quân chủ tháng bảy của nước này (N.D).

(3) Theo luật Nga thời ấy, tuổi thành niên là 21.

♥ Chương 3 : Cuộc hôn nhân thứ hai và các con thú

Tống khứ được thằng Mitia lên bốn đi rồi, chẳng bao lâu sau Fedor Pavlovich lại lấy vợ. Cuộc hôn nhân lần thứ hai này được tám năm. Người vợ thứ hai này cũng rất trẻ, tên là Xofia Ivanovna, người tỉnh khác, Fedor Pavlovich nhân có một việc kinh doanh nhỏ nhặt ghé qua đây cùng với một người Do Thái. Tuy rằng y chơi bời rượu chè, trác táng, nhưng luôn luôn chăm lo bỏ vốn kinh doanh và làm ăn bao giờ cũng có lời, tuy cố nhiên hầu như bao giờ cũng khá là xỏ lá. Xofia Ivanovna thuộc loại "con nhà mồ côi", tứ cố vô thân từ bé, nguyên là con gái một viên trợ tế ngu dốt, nàng lớn lên trong gia đình. giàu có của một bà quan quyền quý đã già, vợ goá của tướng Vorokhov, bà này là ân nhân của nàng, người nuôi dạy và hành hạ nàng. Tôi không rõ chi tiết, chỉ nghe nói cô con nuôi nhu mì, hiền lành và ngoan ngoãn này đã có lần tự vẫn bằng sợi dây treo vào cái đinh trong nhà kho: cô không sao chịu đựng nổi sự trái tính trái nết và nhưng lời mắng nhiếc không lúc nào ngớt của bà già có lẽ không phải là độc ác nhưng vì ăn không ngồi rồi nên đâm ra độc đoán quá quắt.

 Fedor Pavlovich cầu hôn, nhà gái dò biết về y và đuổi cổ y đi, thế là lại như cuộc hôn nhân trước, y rủ rê cô gái mồ côi trốn theo y. Rất có thể là nàng sẽ không đời nào theo y nếu như kịp thời biết rõ hơn chút nữa về y. Nhưng đây lại ở tỉnh khác; vả chăng cô gái mười sáu tuổi đầu có thể hiểu được gì, ngoài một điều là chẳng thà gieo mình xuống sông còn hơn ở với mẹ nuôi. Vì thế cô đánh đổi bà mẹ nuôi ân nhân lấy ông chồng ân nhân. Lần này Fedor Pavlovich không lấy được một đồng xu, vì bà tướng tức giận không cho gì cả, lại còn nguyền rủa cả hai.

 Nhưng lần này y cũng không tính chuyện bòn tiền, y chỉ mê sắc đẹp tuyệt trần của cô gái thơ ngây, nhất là vẻ ngây thơ của nàng đã khiến y sửng sốt, mà y là kẻ dâm dật xưa nay có thói chỉ ham thích cái đẹp thô lậu của đàn bà. "Cặp mắt thơ ngây ấy như lưỡi dao cạo cứa vào tâm hồn tôi" - sau này y thường nói như vậy, vừa nói vừa cười hi hí một cách khả ố. Thế nhưng, một kẻ dâm đãng thì chỉ có thể ham mê tình dục. Không lấy được tí của nả nào, Fedor Pavlovich không nể gì vợ cả, vin cớ nàng "có lỗi" với y (nếu có thể nói như vậy) và y gần như đã cứu nàng khỏi "sợi dây oan nghiệt", ngoài ra, lợi dụng tính nhẫn nhịn và hiền lành kỳ lạ của nàng, y chà đạp cả lên những điều thông thường phải giữ gìn trong quan hệ vợ chồng. Nhà y, bất chấp sự có mặt của vợ là cái ổ truy hoan cho các ả mèo mả gà đồng kéo đến, và chúng chơi bời thả cửa. Điều đặc biệt đáng lưu ý là gia nhân Grigori, một kẻ cau có, ngu ngốc, bướng binh, hay lý sự, rất ghét bà chủ trước là Adelaida Ivanovna, lần này lại bênh bà chủ mới, vì bênh bà mà dám cãi nhau với Fedor Pavlovich một cách láo xược không thể tha thứ được xét theo thân phận đầy tớ. Có lần y còn phá đám cuộc chơi và đuổi cổ tất cả lũ ************** điếm đã kéo đến.

 Về sau, người thiếu phụ khốn khố, từ bé đã bị đe nạt đến khiếp nhược, mắc một thứ bệnh thần kinh của phụ nữ, thường gặp ở các bà các cô con nhà thường dân nơi thôn ổ, gọi là bệnh "ngộ dại"(1). Người mắc bệnh đó thường lên cơn thần kinh khủng khiếp, đôi khi mất trí. Tuy thế, nàng đã sinh cho Fedor Pavlovich hai con trai là Ivan và Alecxei, đứa thứ nhất trong năm đầu chung sống, còn đứa thứ hai thì ba năm sau. Khi mẹ qua đời, Alecxei hơn ba tuổi, tuy điều này thật kỳ lạ nhưng tôi biết sau đó người con nhớ mãi mẹ suốt đời, tất nhiên là như qua giấc mơ. Sau khi mẹ mất, hai đứa con lâm vào cảnh ngộ gần y hệt như đứa con đầu là Mitia: ông bố quên hẳn con và bỏ mặc chúng, chúng lại vào tay Grigori và cũng về ở nhà ông ta. Bà lão độc đoán vợ viên tước vị ân nhân nuôi dạy mẹ chúng, đã tìm thấy chúng trong căn nhà ấy. Bà vẫn còn sống, và suốt tám năm qua, bà chưa lúc nào nguôi oán hận mẹ chúng. Suốt tám năm ròng, bà vẫn nắm được tin tức hết sức xác thực về đời sống "Xofia" của bà, nghe nói nàng mắc bệnh và phải sống giữa cảnh nhuốc nhơ như thế nào, hai ba lần bà tuyên bố với những kẻ ăn bám bà: "Đáng đời nó, đấy là trời trừng phạt kẻ vô ơn".

 Đúng ba tháng sau khi Xofia Ivanovna qua đời, bà quan đột nhiên đến thành phố chúng tôi và tới thẳng nhà Fedor Pavlovich, bà lưu lại trong thị trấn có nửa giờ, nhưng đã làm được nhiều việc.

 Lúc ấy là buổi tối. Fedor Pavlovich, mà đã tám năm bà không nhìn mặt, say khật khưỡng ra gặp bà. Người ta kể rằng ngay tức khắc, không đòi hỏi gì cả, vừa nhìn thấy y, bà liền giáng cho y hai cái tát nên thân như pháo nổ và túm tóc giúi đầu xuống ba lần, đoạn không nói thêm lời nào, bà đi thẳng xuống nhà tìm hai đứa trẻ. Thoạt nhìn thấy chúng không được tắm rửa và áo quần bẩn thỉu, bà lập tức ban cả cho Grigori một cái bạt tai và bảo cho biết bà sẽ đem cả hai đứa về ở với bà. Rồi cứ để chúng y nguyên như thế, bà đưa chúng đi, choàng cho chúng tấm mền, cho lên xe ngựa về thành phố của bà. Grigori nhận lãnh cái tát như một tên nô lệ trung thành, không một lời hỗn xược, và khi đưa bà lão ra xe, y rạp mình vái chào, kính cẩn thưa rằng: "Trời sẽ thưởng cho cụ đã thương đến trẻ mồ côi". "Dẫu sao mày vẫn là thằng ngu!" - bà quan quát vào mặt y lúc xe chuyển bánh. Khi đã hiểu rõ sự tình, Fedor Pavlovich thấy như thế là tốt và chính thức ưng thuận để bà cụ nuôi dạy hai trẻ không bác bỏ một điều khoản nào cả. Rồi y đi khắp thành phố kể lể về hai cái tát đã được nhận lãnh.

 Ít lâu sau bà cụ từ trần, nhưng bà di chúc để lại cho mỗi đứa trẻ một ngàn rúp "cho chúng ăn học, toàn bộ số tiền ấy nhất thiết chỉ chi cho chúng, nhưng sao cho đủ dùng đến tuổi thành niên, vì đối với những đứa trẻ như thế, khoản bố thí như thế cũng là quá hậu, còn ai hằng tâm cho thêm thì tuỳ ý", vân vân và vân vân. Tôi không chính mắt đọc chúc thư, nhưng nghe nói đúng là có một chỗ kỳ dị đại loại như thế và diễn đạt một cách quá ư độc đáo Được cái người thừa kế chủ chốt tài sản của bà lão là người chính trực, thủ lĩnh giới quý tộc tỉnh đó, ông Efim Petrovich Polenov. Sau khi trao đổi thư từ với Fedor Pavlovich và đoán ra ngay rằng không hòng gì y bỏ tiền ra cho việc giáo dục các con y (tuy y không bao giờ từ chối thẳng thừng, mà những lần như vậy y chỉ tìm cách dây dưa, thậm chí đôi khi còn bày tỏ lòng thương con), ông bèn đích thân chăm lo cho hai trẻ mồ côi, đặc biệt ông yêu đứa em, Alecxei, vì vậy một thời gian dài Alecxei sống trong gia đình ông. Tôi xin độc giả lưu ý điều này ngay từ đầu. Nếu có người nào mà hai chàng trẻ tuổi phải suốt đời ghi nhớ công ơn dưỡng dục và học hành thì đấy chính là Efim Petrovich, một trong những người cao quý và nhân đức nhất hiếm có thời nay. Ông giữ nguyên số tiền một nghìn rúp mỗi đứa mà bà lão để lại cho chúng không đụng gì đến, thành thử khi họ đến tuổi thành niên, số tiền đó tinh cả lãi, lên đến hai nghìn rúp mỗi phần, ông bó tiền riêng cho chúng ăn học, và dĩ nhiên phí tổn cho mỗi đứa hơn một nghìn rúp nhiều. Lúc này tôi chưa kế tỉ mỉ về thời niên thiếu và thời thanh niên của họ, chỉ nêu ra những cái chính mà thôi. Tuy nhiên về thằng anh, Ivan, tôi chỉ nói rằng lớn lên nó trở thành một thiếu niên cau có, kín đáo hoàn toàn không phải là nhút nhát, nhưng dường như ngay từ mười tuổi nó đã thấu hiểu rằng hai anh em dù sao vẫn sống nhờ nhà người, trông vào ân huệ của người ta, rằng bố của chúng là một kẻ mà chỉ nhắc đến cũng đáng xấu hổ, vân vân và vân vân. Từ rất sớm, hầu như từ thuở ấu thơ (ít ra người ta cũng đồn đại như thế ), thằng bé này đã tỏ ra có khả năng phi thường, xuất chúng trong học tập. Tôi không biết đích xác, nhưng khoảng năm mười ba tuổi, Ivan đã rời khỏi gia đình Efim Petrovich để vào học một trường trung học Moskva và trọ nơi một nhà sư phạm giàu kinh nghiệm, nổi tiếng thời ấy, bạn thời thơ ấu của Efim Petrovich. Sau này chính Ivan kể lại rằng mọi việc xảy ra có thể nói là do "lòng sốt sắng làm việc thiện" của Efim Petrovich, ông say mê với ý tưởng là một cậu bé có thiên tài phải được thụ huấn một nhà giáo dục thiên tài. Tuy nhiên cả Efim Petrovich và nhà giáo dục thiên tài đều không còn khi Ivan tốt nghiệp trung học và vào đại học. Bởi vì Efim Petrovich vụng thu xếp và việc nhận số tiền bà quan đã di chúc dành riêng cho bọn trẻ cứ kéo dài mãi do những thủ tục và sự dây dưa không tránh khỏi ở nước ta (số tiền ấy tính cả lãi đã lên đến hai nghìn mỗi phần), nên trong hai năm đầu ở đại học, chàng trẻ tuổi hết sức lao đao, vì vừa phải tự lo việc ăn ở vừa theo học. Nên chú ý rằng chàng thậm chí không muốn thứ viết thư cho bố, có lẽ vì hãnh diện, vì khinh miệt bố, mà cũng có lẽ sự suy đoán tỉnh táo lạnh lùng mách bảo chàng rằng đừng hòng bố sẽ dành cho một sự giúp đỡ nào ít nhiều đáng kể. Dù sao chàng không hề rối trí và đã tìm được việc làm, mới đầu là dạy học mỗi buổi hai mươi kopek, rồi chạy đến các toà soạn báo với những bài viết chừng mươi dòng về những chuyện xảy ra trên đường phố, ký tên "Người mục kích". Nghe nói những bài ấy bao giờ cũng rất thú vị và giật gân, thành thử chúng mau chóng được ưa chuộng, chỉ riêng việc đó chàng trẻ tuổi cũng đã tỏ ra hơn hắn về mặt thực tế cũng như trí tuệ so với vô vàn sinh viên nam nữ của chúng ta ở các thủ đô, những kẻ suốt đời túng thiếu và khốn khổ, thường vẫn sớm tối đến gõ cửa các toà báo và tạp chí, song chẳng nghĩ ra được cách gì hơn ngoài việc lặp đi lặp lại mãi vẫn một đề nghị xin được dịch từ tiếng Pháp hay chép lại bản thảo. Đã bắt mối được với các toà soạn, Ivan Fedorovich không lúc nào để mất quan hệ và trong những năm cuối cùng ở đại học, chàng bắt đầu ra mắt với những bài điểm sách có giá trị về những đề tài chuyên môn khác nhau vì vậy thậm chí trở nên nổi tiếng trong giới văn học. Tuy nhiên, mãi đến gần đây nhất, chàng mới tình cờ giành được sự chú ý đặc biệt của một số độc giả đông hơn nhiều, vì vậy hồi ấy lập tức chàng được nhiều người để ý và ghi nhớ. Đấy là một trường hợp khá lạ lùng. Ở đại học ra và sửa soạn ra nước ngoài với số vốn hai ngàn rúp, Ivan Fedorovich đột nhiên cho đăng trên tờ báo lớn một bài kỳ đã khiến cho cả những người không chuyên môn cũng phải chú ý, nhất là bài đó viết về một đề tài có lẽ là hoàn toàn xa lạ với tác giả, bởi vì Ivan tốt nghiệp bộ môn khoa học tự nhiên. Bài đó viết về một vấn đề đang được bàn luận ở khắp nơi: vấn đề toà án giáo hội. Sau khi phân tích những ý kiến đã có về vấn đề này, tác giả đưa ra quan điểm riêng của mình. Đáng kể nhất là giọng văn và kết luận hết sức bất ngờ.

 Thế nhưng nhiều giáo sĩ dứt khoát cho rằng tác giả đứng về phía họ. Đồng thời, không chỉ riêng những người thế tục, mà cả những người vô thần cũng hoan hô người viết. Cuối cùng một số người tinh ý cả quyết rằng tất cả bài báo chỉ là một trò đùa nhả và giễu cợt táo tợn. Tôi đặc biệt nhắc đến vụ này vì bài báo ấy đã lọt đến cả tu viện trứ danh của chúng tôi ở gần thành phố, đúng lúc ở đấy người ta đang quan tâm đến vấn đề toà án giáo hội vừa nảy sinh, và nó làm cho người ta hết sức băn khoăn. Được biết tên tác giả, người ta càng chú ý hơn vì anh ta là người thành phố này và là con của "chính Fedor Pavlovich ấy". Vừa hay đúng lúc ấy tác giả xuất hiện.

 Ivan Fedorovich về nhà làm gì, tôi còn nhớ, ngay hồi ấy tôi cũng đã tự hỏi với một cảm giác hầu như lo lắng. Chuyến viếng thăm tai hại ấy, bước khởi đầu của bao nhiêu hậu quả, đối với tôi cho đến mãi về sau, hầu như bao giờ cũng là điều khó hiểu. Nói chung cô điều lạ là một chàng trai thông thái như thế, dáng vẻ kiêu hãnh và thận trọng như thế bỗng dưng lại phơi mặt ra ở một nhà tai tiếng như thế để gặp một òng bố suốt đời không biết đến anh ta, không biết mặt và không hề nhớ đến anh ta và mặc dù chắc chắn là không đời nào chịu cho con tiền nếu như anh ta có hỏi xin đi nữa, nhưng suốt đời vẫn cứ sợ các con trai Ivan và Alecxei sẽ có lúc về đòi tiền. Áy vậy mà chàng trai về nhà ông bố như thế, một tháng rồi hai tháng, và hai bố con rất hoà thuận với nhau. Không phải chỉ riêng tôi mà nhiều người rất đỗi ngạc nhiên về chuyện đó. Petr Alecxandrovich Miuxov mà tôi đã nói đến ở trên, người họ hàng xa của Fedor Pavlovich về bên vợ trước, dịp ấy lại có mặt ở vùng chúng tôi, trong dinh cơ của mình ở ngoại ô (ông đã đến ở hẳn Paris, hạ cố về thăm quê hương). Tôi nhớ, chính ông ngạc nhiên hơn ai hết khi đã quen biết chàng trai mà òng rất thú và đôi khi không khỏi đau lòng, ông vẫn tranh tài biện bác với anh ta. "Hắn là đứa kiêu hãnh - ông nói với chúng tôi về chàng ta. - Bao giờ hắn cũng có cách kiếm ra tiền, ngay bây giờ hắn cũng có tiền để ra nước ngoài, thế thì hắn cần quái gì ở đây nhi? Ai nấy đều biết hắn về gặp bố không phải để xin tiền, vì dù thế nào thì bố hắn cũng không nhả ra. Rượu và gái hắn không thiết, vậy mà lão già không thể không cần đến hắn, hai bổ con ăn ý nhau lắm!". Đấy là sự thật. Chàng trai có ảnh hưởng trông thấy đối với ông già. Lão đôi khi dường như nghe lời con, tuy lão ngang chướng đến điều, thậm chí là hung hãn: vậy mà đôi khi láo bắt đầu tỏ ra lịch sự hơn…

 Sau này mới biết rằng Ivan Fedorovich về nhà phần nào là theo yêu cầu của anh mình là Dmitri Fedorovich và vì công việc của anh. Có thể nói chính nhân dịp này, chính trong lần về này mà Ivan biết mặt anh, nhưng trước khi rời Moskva về đây, chàng đã có trao đổi thư từ với Dmitri Fedorovich về một việc quan trọng liên can đến ông anh nhiều hơn. Đây là việc gì, lúc nào cần độc giả sẽ được biết đầy đủ và tỉ mỉ. Thế nhưng ngay cả khi tôi đã biết cái điều đặc biệt ấy, tôi vẫn cứ cảm thấy Ivan Fedorovich là người bí hiểm, còn việc chàng về đây vẫn cứ là điều không thể giải thích được.

 Xin thêm rằng Ivan có vẻ là người trung gian hoà giải giữa bố và anh, Dmitri Fedorovich đã xích mích lớn với bố và định đâm đơn kiện bố.

 Gia đình ấy, tôi nhắc lại, lần đầu tiên trong đời xum họp đầy đủ, và một số người trong gia đình lần đầu tiên thấy mặt nhau.

 Duy có người con út Alecxei Fedorovich, đã ở đây từ một năm trước, như vậy là đến đây trước các anh. Chính anh chàng Alecxei ấy là người mà tôi gặp khó khăn nhiều nhất khi nói đến anh ta trong câu chuyện mở đầu này trước khi đưa anh ta lên sân khấu trong bộ tiểu thuyết. Nhưng sẽ phải viết phần mào đầu về anh ta, ít ra là để sơ bộ làm sáng tỏ một điểm rất lạ, ấy là: tôi buộc phải giới thiệu nhân vật sắp tới của tôi với độc giả ngay từ cảnh đầu thiên tiểu thuyết của anh ta, trong bộ áo người tập tu. Đúng thế. anh ta đã sống ở tu viện vùng chúng tôi ngót một năm và hình như đang chuẩnh bị giam mình trong đó suốt đời.

 Chú thích:

 (1) Tiếng Nga là "klikusestvo", một thứ bệnh thần kinh hay có ở người phụ nữ, người bệnh lên cơn co giật, đồng thời gào rú lên (N.D)

♥ Chương 4 : Đứa con trai thứ ba: Aliosa(1)

Hồi ấy anh mới có hai mươi mốt (anh Ivan của anh ta hai mươi tư, anh cả Dmitri của họ hai mươi tám). Trước hết xin nói rằng chàng trai ấy, Aliosa, không phải là người cuồng tín, và theo ý tôi ít ra cũng không phải là người theo thuyết thần bí. Tôi xin nói trước ý kiến đầy đủ của tôi: anh chỉ là một người nhân ái vượt trước thời đại mình, và anh ham mê con đường tu hành là vì bây giờ duy có nó làm xáo động mạnh trí tưởng tượng của anh và anh hình dung đấy có thể nói là lý tưởng để thoát khỏi bóng tối của lòng hận thù đã bùng nổ trên trần gian mà vươn tới ánh sáng của tình yêu trong tâm hồn anh. Con đường đó lôi cuốn được anh chỉ là vì trên đường anh đã gặp một người mà anh cho là siêu phàm: trưởng lão(2) Zoxima trứ danh của tu viện chúng tôi, người mà anh quyến luyến với tất cả mối tình đầu nồng nhiệt của trái tim không hề biết thoả nguyện. Tuy nhiên, tôi không chối cãi rằng ngay hồi ấy anh đã rất kỳ dị, thậm chí kỳ dị từ trong nôi. Ờ mà ở trên tôi đã kể rằng anh mồ côi mẹ từ hồi mới lên ba. Sau này anh nhớ rõ hình ảnh mẹ suốt đời, khuôn mặt, những cứ clủ âu yếm, "hệt như mẹ vẫn sống, đang đứng trước mặt tôi". Những kỷ niệm như thế có thể khắc sâu vào tâm khảm (điều này ai cũng biết) từ thuở bé dại hơn, thậm chí từ năm lên hai, nhưng suốt đời chúng chỉ như những chấm sáng trong bóng tối, hay như một mảnh con bị dứt ra từ tấm tranh rất lớn đã lụi tàn và đã biến mất, chỉ còn để lại một mảnh nhỏ ấy thôi. Với Alecxei, sự thể đúng như vậy: anh nhớ như in một chiều hè êm ả, cửa sổ mở, ánh tà dương chênh chếch (nhưng tia sáng chênh chếch ăn sâu vào tâm trí hơn hết), trong góc phòng một bức ảnh thánh với cây đèn thờ thắp sáng ở phía trước và mẹ anh quỳ trước bức ảnh, khóc nức nở như lên cơn thần kinh, gào rú bồng anh trên tay, ôm ghì lấy anh làm anh đau cả người và cầu khấn Đức Mẹ đồng trinh ban ơn lành cho anh, hai tay nâng bổng anh lên gần bức ảnh như dâng anh cho Mẹ che chở…

 Bỗng nhiên người vú chạy vào và hoảng hốt giằng lấy anh. Một cảnh tượng phi thường! Giây lát ấy Aliosa ghi sâu vào ký ức gương mặt mẹ: anh nói rằng khuôn mặt ấy bị kích động cực độ, nhưng đẹp tuyệt vời theo chỗ anh nhớ được. Nhưng ít khi anh thố lộ với ai kỷ niệm ấy. Thời thơ ấu và thanh niên, anh ít thổ lộ tâm tình, thậm chí ít nói, nhưng không phải vì không tin người, không phải vì nhút nhát hay vì tính tình ủ dột ưa cô độc, hoàn toàn trái lại là đằng khác, đấy là vì một cái gì hoàn toàn khác, dường như vì một mối bận tâm sâu kín nào đó không liên can gì đến người khác, nhưng cực kỳ quan trọng đối với anh, khiến anh dường như quên cả mọi người. Nhưng anh yêu mến mọi người: dường như suốt đời anh hoàn toàn tin người mà chẳng bao giờ có ai coi anh là kẻ ngờ nghệch hay ngây thơ. Ở anh có cái gì lên tiếng nhắn nhủ (và sau này suốt cả đời cũng vẫn thế) rằng anh không muốn phán xét người khác, anh không muốn phán xử và không phán xử gì ai hết. Thậm chỉ có vẻ như anh dung thứ hết, tuyệt không chê trách gì cả, tuy thường thường anh rất đỗi buồn rầu đau xót. Hơn thể, về mặt này anh đã đạt tới mức không còn ai có thể làm anh ngạc nhiên hay sợ hãi, mà anh như thế ngay từ thời mới bước vào tuổi thanh xuân. Về nhà bố năm hai mươi tuổi, lọt đúng vào cái ổ truỵ lạc nhuốc nhơ, anh, một người trinh tuyền và trong trắng, chỉ lẳng lặng lánh đi khi thấy những cảnh không thể chịu nổi, nhưng không hề tỏ vẻ khinh bỉ hay chê trách một ai. Ông bố trước kia là kẻ ăn chực nên nhạy cảm và rất dễ chạnh lòng, mới đầu có thái độ nghi ngại và cau có với anh ("nó cứ lẳng lặng, nhưng suy xét nhiều"), tuy vậy chẳng bao lâu lão lại rất hay ôm hôn anh, chỉ khoảng sau hai tuần là cùng, thực ra nước mắt và sự xúc cảm của lão chỉ là tình cảm trong cơn say, nhưng rõ ràng là lão yêu con thành thật và sâu đậm, một kẻ như lão cố nhiên chưa từng yêu ai như vậy.

 Vả chăng tất cả mọi người đều yêu mến chàng trai ấy, bất kể anh có mặt ở đâu, kể từ thuở anh còn bé thơ. Hồi ở nhà vị ân nhân nuôi dạy mình, Efim Petrovich Polenov, anh đã được mọi người trong gia đình yêu mến đến mức họ hoàn toàn coi anh là người ruột thịt. Ấy là anh đến gia đình ấy từ lúc còn bé dại, ở cái tuổi mà đứa trẻ chưa thể có sự tính toán ranh mãnh, thói láu cá vặt, chưa biết cái nghệ thuật xu nịnh và lấy lòng khiến người ta phải yêu mình. Vậy là năng khiếu khiến người ta đặc biệt yêu mến mình nằm ngay trong bản thân anh, có thể nói nó ở ngay trong thiên tính của anh, hồn nhiên, không giả tạo. Anh ở trường cũng thế, vậy mà dường như anh thuộc loại trẻ thường, hay làm cho chúng bạn nglú ngại, đôi khi bị chúng chế giễu, có thể còn bị căm ghét. Chẳng hạn, anh thường tư lự và thích lánh riêng ra. Ngay từ tấm bé anh đã thích lánh riêng ở một chỗ để đọc sách, tuy thế chúng bạn yêu anh đến mức có thể nói dứt khoát là anh được toàn thể mọi người yêu mến suốt thời gian đi học. Anh ít khi nô nghịch, thậm chí ít khi vui vẻ, nhưng nhìn mọi người thấy ngay rằng đấy tuyệt nhiên không phải vì tính hay bực bội, trái lại anh là người ôn hoà và phân minh. Không bao giờ anh muốn tỏ ra trội hơn các bạn cùng lứa. Có lẽ chính vì thế chẳng bao giờ anh sợ ai, thế nhưng chúng bạn hiểu ngay rằng anh không kiêu hãnh về sự gan dạ của mình, mà coi bộ như anh không hiểu rằng anh can đảm và gan dạ. Anh không bao giờ để bụng thù oán. Có khi một giờ sau khi bị xúc phạm, anh đã trả lời kẻ xúc phạm mình hay chính anh nói chuyện trước với hắn, vẻ mặt tin cậy và tươi sáng như không có gì xảy ra. Mà không phải là anh làm ra vẻ vô tình quên đi hay cố ý tha thứ cho sự xúc phạm, chẳng qua anh không coi đó là sự xúc phạm, điều đó làm chúng bạn yêu quý và cảm phục anh. Anh chỉ có một đặc điểm khiến cho bọn trò ở tất cả các lớp, từ lớp thấp nhất đến lớp cao nhất, thường xuyên muốn trêu ghẹo anh. Đấy là cái tính cả thẹn và tinh khiết kỳ quái, quá đáng của anh. Anh không thể nghe nổi một số lời nhất định và một số cuộc bàn tán nhất định về phụ nữ. Những lời và những cuộc bàn tán "nhất định" ấy, rủi thay lại là không thể trừ bỏ được trong các trường học. Những gã thiếu niên tâm hồn và trái tim trong trắng, hầu như con nít, thường rất thích nói riêng với nhau trong lớp và thậm chí nói công nhiên về những việc, nhưng cảnh và hình ảnh mà ngay cả lính tráng không phải bao giờ cũng dám nói, hơn thế nữa nhiều điều lính tráng không biết và không hiểu, nhưng lại quen thuộc với bọn trẻ con rất non dại của xã hội tri thức thượng lưu chúng ta. Đây có lẽ chưa phải là sự đồi bại về đạo đức, cũng chưa phải là sự trâng tráo thực sự, dâm dật, tự bên trong, nhưng là sự trâng tráo bề ngoài, nó thường được chúng coi là cái gì tinh tế, ý vị hiên ngang và đáng bắt chước. Thấy "Aliosa Karamazov" vội dùng ngón tay nút hai tai lại khi nghe nói đến "cái ấy", đôi khi chúng cố ý xúm lại quanh anh, giằng tay anh khỏi tai, thét vào cả hai tai anh nhưng lời tục tĩu, còn anh vằng ra, thụp xuồng sàn, nằm xuống, bưng kín mặt, mà vẫn không nói với chúng một lời nào, không mắng lại, lẳng lặng chịu đựng. Rồi cuối cùng chúng để anh yên, không chế anh là "con nhái ranh" nữa, không những thế còn tỏ ra tiếc cho anh về khoản này. Nên nói thêm là trong lớp, anh bao giờ cũng thuộc loại trò giỏi, nhưng không bao giờ đứng nhất lớp.

 Khi Efim Petrovich qua đời, Aliosa còn học hai năm nữa, ở trường tỉnh. Bà vợ Efim Petrovich đau buồn khôn nguôi, hầu như ngay sau khi chồng mất liền đưa cả nhà toàn là phụ nữ sang Ý một thời gian dài, còn Aliosa đến ở với hai người đàn bà trước kia anh chưa từng gặp mặt, là những người họ xa của Efim Petrovich, nhưng anh ở đấy theo điều kiện thoả thuận như thế nào thì chính anh cũng không biết. Một đặc điểm tiêu biểu, thậm chí rất tiêu biểu của anh là không bao giờ bận tâm đến chuyện mình sống bằng tiền của ai. Về điểm này anh trái ngược hẳn với anh Ivan của mình, người đã qua cảnh nghèo khổ trong hai năm đầu ở đại học, phải tự làm nuôi thân, từ tấm bé đã cay đắng cảm thấy mình sống bằng miếng bánh ăn nhờ, miếng bánh của ân nhân. Nhưng hình như không thể phán xét quá nghiêm khắc điểm đó trong tính cách của Alecxei, bởi vì bất cứ ai dù chỉ hơi biết anh thì khi nảy ra câu hỏi về chuyện ấy, thảy đều tin chắc rằng anh thuộc loại dở điên dở dại dù có đột nhiên được hưởng cả một gia sản thì cũng dễ dàng hiến tặng luôn khi có lời cầu xin, hoặc hiến cho công việc từ thiện, hoặc thậm chỉ có khi cho một kẻ bịp bợm khôn khéo, nếu như hắn xin xỏ.

 Nói chung anh dường như hoàn toàn không biết giá trị đồng tiền, tất nhiên không phải là theo nghĩa đen. Khi được người ta cho tiền tiêu vặt (mà anh không bao giờ xin) thì hàng tuần liền anh không biết dùng tiền làm gì, hoặc không hề biết dè sẻn gì hết, tiêu phăng trong nháy mắt. Petr Alecxandrovich Miuxov, một người rất kỹ tính về mặt tiền nong và về sự chính trực tư sản, sau này, khi đã xem xét kỹ Alecxei, có lần đã thốt lên câu danh ngôn về anh như sau: "Đây có lẽ là người duy nhất trên thế gian mà nếu bỗng nhiên bị bỏ mặc một mình, không có chút tiền nong nào trong một thành phố lạ một triệu dân thì anh ta cũng không khốn đốn, không chết đói chết rét, bởi vì tức khắc sẽ có người cho ăn và thu xếp cho, mà nếu không ai thu xếp cho thì anh ta cũng sẽ tự thu xếp được ngay, chẳng phải gắng gỏi gì hết và cũng không một chút quỵ luỵ, còn người giúp anh ta không hề cảm thấy đó là gánh nặng, trái lại có lẽ còn coi đó là niềm thích thú".

 Anh không theo hết bậc trung học: còn một năm nữa hết cấp, anh bỗng nói với hai bà kia rằng anh về nhà bố có việc, một việc mà anh chợt nghĩ ra. Hai bà rất lưu luyến anh, không muốn để anh đi. Đi đường không tốn kém lắm, hai bà không cho anh cầm cố chiếc đồng hồ gia đình vị ân nhân tặng anh trước khi ra nước ngoài, họ chu cấp tiền nong hậu hĩ cho anh, còn tặng anh cả bộ áo ngoài và đồ lót. Nhưng anh trả lại cho họ nửa số tiền, bảo với họ rằng anh nhất quyết muốn đi toa hạng ba. Về đến thị trấn nhà, khi bố hỏi: "Sao chưa học xong đã bỏ về?", anh không trả lời gì hết, mà như người ta nói, anh trở nên tư lự khác thường.

 Chẳng bao lâu đã rõ ràng anh đi tìm mộ mẹ. Thậm chí về sau anh tự thú nhận rằng mình về chỉ vì việc ấy. Nhưng chưa chắc anh về chỉ vì lý do ấy. Nhiều phần chắc hơn cả là chính anh không biết và không thể nào giải thích được rằng trong tâm hồn anh bỗng nhiên dậy lên một điều gì không thể cưỡng lại nổi lôi cuốn anh đi lên con đường mới chưa hề biết, nhưng không sao tránh khỏi.

 Fedor Pavlovich không thể chỉ cho con ngôi mộ người vợ thứ hai của y, vì chưa bao giờ y đến thăm mộ vợ, kể từ khi hạ huyệt, và vì lâu năm rồi y quên bẵng mất nơi mai táng…

 Xin nói thêm về Fedor Pavlovich. Một thời gian dài trước đó y không ở thành phố chúng tôi. Ba bốn năm trước khi người vợ thứ hai qua đời, y đến miền nam nước Nga và cuối cùng dừng ở Odessa, sống tại đây mấy năm liền. Theo chính lời y, thoạt đầu y làm quen với "nhiều người Do Thái, cả đàn ông, đàn bà lẫn trẻ. con, gái trai đủ cả" và cuối cùng, chẳng những y được người Do Thái tiếp nhận "mà cả người Israel nữa"(3). Hẳn là trong quãng đời này của mình, y đã phát triển được tài nghệ đặc biệt ky cóp và bòn rút tiền. Y trở lại thị trấn chúng tôi chỉ mới ba năm trước khi Alecxei về. Những người quen trước kia thấy y già đi nhiều, tuy tuổi chưa lấy gì làm cao lắm. Y cư xử không cao nhã hơn, mà có phần trâng tráo hơn. Chẳng hạn anh hề trước kia bỗng có nhu cầu lão xược muốn biến người khác thành hề. Y thích chơi bời ************** điếm thậm chí còn bỉ ổi hơn trước. Chẳng bao lâu sau y trở thành người sáng lập ra nhiều quán rượu mới trong vùng.

 Người ta cho rằng có lẽ y có đến một trăm ngàn tiền vốn hay chỉ kém chút ít. Nhiều người trong thành phố và trong hạt vay nợ y, tất nhiên là phải có vật cầm cố hoàn toàn chắc chắn. Gần đây y có hơi phị ra, có phần mất ung dung, mất tự chú, thậm chí trở nên hơi xốc nổi, bắt tay vào việc này rồi lại xọ sang việc khác, đầu óc phân tán và ngày càng say sưa bét nhè, và nếu như không có Grigori, vẫn người gia nhân ấy bây giờ cũng đã già đi nhiều, trông nom y, đôi khi gần như một người hướng dẫn thì có lẽ Fedor Pavlovich sẽ không sống nổi nếu không có sự chăm sóc đặc biệt. Alecxei về nhà dường như có ảnh hưởng đến y về mặt đạo lý ở con người già trước tuổi này, có cái gì từ lâu đã lụi tắt trong tâm hồn dường như bỗng thức tỉnh: "Con có biết không - Y thường chăm chú nhìn Aliosa và nói - con giống bà ấy, cái bà ngộ dại ấy mà". Y gọi người vợ quá cố, mẹ Alecxei như vậy.

 Cuối cùng gia nhân Grigori chỉ cho Alecxei mộ "người ngộ dại". Lão đưa anh ra nghĩa trang thành phố, và ở một góc xa tít, lão chỉ cho anh tấm bia mộ bằng gang rẻ tiền, nhưng chỉnh chu, có ghi cả tên tuổi, tước hiệu, năm mất của người quá cố, bên dưới thậm chỉ có đề bài thơ bốn câu đại loại như thứ thơ cổ thường thấy lên mộ người trung lưu. Điều đáng ngạc nhiên là tấm bia này do Grigori đặt. Chính lão bỏ tiền ra dựng tấm bia trên mộ người đàn bà "ngộ dại" đáng thương, sau khi đã rầy rà chủ nhiều lần về nấm mộ ấy và cuối cùng Fedor Pavlovich bỏ đi Odessa, thây kệ chẳng những là mồ mả, mà thậm chí mọi kỷ niệm của mình.

 Đứng trước mộ mẹ, Alecxei không biểu lộ sự thương cảm đặc biệt nào cả; anh chỉ cúi đầu ủ rũ lắng nghe câu chuyện nghiêm trang và phải lẽ của Grigori về việc dựng bia mộ, rồi bỏ đi không thốt lên lời nào. Từ đó, có lẽ thậm chí suốt năm anh không đến nghĩa trang lần nào. Nhưng các việc nhỏ nhặt ấy cũng đã tác động đến Fedor Pavlovich và tác động khá độc đáo. Y bỗng đem một nghìn rúp cũng vào tu viện để cầu nguyện cho linh hồn vợ mình, không phải người vợ thứ hai, mẹ Alecxei, "người ngộ dại", mà là người vợ thứ nhất, Adelaida Ivanovna, người đã đánh đập y. Ngay chiều hôm ấy, y uống rượu say và thoá mạ các tu sĩ trước mặt Alecxei. Bản thân y không tin đạo chút nào, có lẽ cả đời y chưa từng thắp một cây nến trước tượng thánh. Những con người như thế đôi khi có những cơn bột phát kỳ lạ do những tình cảm bất ngờ và những ý nghĩ bất ngờ.

 Như tôi đã nói, y tự dưng phị hẳn ra. Mặt y hồi ấy trở thành một thứ bằng chứng lồ lộ về tính chất và thực chất cuộc đời đã qua của y. Ngoài những túi thịt chảy dài dưới cặp mắt nhỏ bé lúc nào cũng trâng tráo, nghi kỵ, giễu cợt cùng vô số nếp nhăn sâu hoắm trên khuôn mặt bé choắt nhưng béo múp, ẩn dưới cái cằm nhọn còn thây lẩy một cái hầu to tướng, nhung nhúc thịt và thuôn thuôn, như cái túi đựng tiền, khiến cho mặt y có vẻ dâm dật ghê tởm. Thêm vào đó còn có cái miệng rộng của loài thú ăn thịt với cặp môi mọng để lộ ra những mảnh nhỏ còn sót lại của hàm răng đen sì hầu như đã hư nát hết. Hễ bắt đầu nói là y phun nước bọt ra. Thế nhưng y thích pha trò về khuôn mặt của mình, mặc dù hình như y hài lòng về nó. Đặc biệt y thường trỏ cái mũi không to lắm, nhưng rất mảnh, sống gồ hẳn lên: "Cái mũi La Mã chính cống, - y nói - lại thêm cái yết hầu này thì mặt tôi đích thị là khuôn mặt của một nhà quý tộc La Mã thời suy tàn". Hình như y lấy thế làm hãnh diện.

 Chẳng bao lâu sau khi tìm được mộ mẹ, Alecxei bỗng nói với bố ông anh muốn vào tu viện, các thầy tu sẵn lòng nhận anh vào. Anh giải bày với bố rằng đây là nguyện vọng thiết tha nhất của anh và anh khẩn khoản xin bố trang trọng cho phép với tư cách là người sinh ra anh. Lão già biết rằng trưởng lão Zoxima lánh mình trong tu thất đã có ảnh hưởng đặc biệt đến "thằng bé hiền lành" của mình.

 - Vị trưởng lão đó cố nhiên là người ngay thẳng nhất trong các thầy tu ở đây. - Lão nói, sau khi đã yên lặng trầm ngâm nghe Aliosa, tuy nhiên lão hầu như không ngạc nhiên vẻ điều cầu xin của con. - Hừm, thì ra con muốn vào đấy, thằng bé hiển lành của ta! - Lão đã chếnh choáng hơi men và bỗng mỉm cười, nụ cười toét miệng, dở tỉnh dở say, nhưng không thiếu phần ranh mãnh và quỷ quyệt của con sâu rượu. - Hừm, thì ta cũng đã cảm thấy trước rằng cuối cùng rồi con sẽ đi đến cái nước ấy, con có thể tưởng tượng được không? Con đeo đuổi chí hướng ấy. Ừ thôi cũng được, con có hai ngàn rúp vốn riêng đây, còn ta không bao giờ bỏ rơi con, thiên thần của ta ạ, ngay bây giờ ta cũng sẽ góp cho con đủ sổ tiền cần thiết nếu người ta đòi hỏi. Nhưng nếu người ta không đòi hỏi thì tội gì, phải không? Con có tiêu gì nhiều, chẳng qua chỉ như con hoàng yến, mỗi tuần hai hạt là đủ! Hừm.… Con ạ, ở gần tu viện đó có một xóm mà cả bàn dân thiên hạ đều biết là ở đấy chỉ toàn "vợ thầy tu", người ta gọi họ như thế đấy, khoảng ba chục mống, ta ước chừng như thế… Ta đã đến đấy, kể cũng thú vị, tất nhiên là xét trong loại của nó, để đổi món cho đỡ ngán. Tệ cái là chỉ rặt của Nga, không có cô ả người Pháp nào, mà lẽ ra có thể có lắm chứ, bọn họ khối tiền. Đánh hơi thấy thì các ả ấy sẽ kéo đến. Còn ở đây thì không có gì, ở đây không có các vợ thầy tu, thầy tu có khoảng hai trăm. Tu hành chăm chỉ. Trai giới thực sự. Ta thừa nhận… Hừm.… Thế ra con muốn đi tu à? Thế thì ta tiếc cho con, Alecxei ạ, thực đấy, không biết con có tin không, ta yêu con… Tuy vậy đây cũng là dịp thuận lợi: con sẽ cầu nguyện cho chúng ta, nhưng kẻ tội lỗi, chúng ta ở đây phạm quá nhiều tội lỗi. Ta vẫn nghĩ: rồi đây ai sẽ cầu nguyện cho ta? Trên đời có người nào như thể không? Con yêu dấu của ta về khoản ấy ta đần kinh khủng, có lẽ con không tin chứ gì? Đần kinh khủng. Này con ạ, về mặt đó, thì ta rất đần, nhưng ta cứ nghĩ suốt nghĩ suốt, thỉnh thoảng thôi, tất nhiên, không phải là luôn luôn. Ta nghĩ: nhất định quỷ sẽ dùng móc lôi ta đi khi ta qua đời. Nhưng ta lại nghĩ: móc ư? Chúng lấy đâu ra thứ đó. Làm bằng gì? Sắt ư? Rèn ở đâu? Chúng có một xưởng làm móc chắc? Có lẽ các tu sĩ ở viện cho rằng địa ngục có trần. Ta sẵn lòng tin là có địa ngục, miễn là nó không có trần: như vậy xem ra thanh nhã hơn, có văn hoá hơn, nghĩa là theo tinh thần đạo Lute(4). Thực ra thì có trần hay không cũng thế thôi chứ gì? Nhưng điểu khỉ gió chính là ở chỗ đó! Này nhé, nếu như không có trần thì tức là cũng không có móc. Mà nếu không có móc thì tức là phèo hết, thế là lại không cách gì tưởng tượng nổi: ai sẽ lôi ta đi, bởi vì nếu ta không bị lôi đi thì còn quái gì lẽ phải trên đời này nữa chứ? Il faudrait les inventer(5), nhưng cái móc ấy, cốt để dùng cho ta, cho một mình ta thôi, bởi vì, Aliosa ạ, giá như con biết được ta là kẻ vô sỉ như thế nào…!

 - Vâng, ở đấy không có móc, - Aliosa chăm chú nhìn bố, khẽ nói một cách nghiêm trang.

 - Phải, phải, chỉ có bóng của những cái móc treo thôi. Ta biết, ta biết. Như một người Pháp đã miêu tả địa ngục: "Tôi đã thảy cái bóng của người đánh xe dùng cái bóng của chiếc bàn chải cọ cái bóng của cỗ xe". Con yêu dấu của ta, làm sao con biết là không có móc? Khi nào đến ở với các thầy tu thì con sẽ hát giọng khác thôi. Mà thôi, đi đi, hãy tìm cho ra sự thật rồi về kể cho ta nghe: dù có sang thế giới bên kia cũng nhẹ nhõm hơn nếu biết chắc ở đó có cái gì. Vả lại con ở với các thầy tu sẽ đứng đắn hơn ở với lão già say rượu và một lũ gái non… mặc dù sẽ không có gì đụng được đến con vì con là đấng thiên thần mà. Có lẽ ngay ở đấy cũng sẽ không có gì đụng được đến con, chính bởi vậy mà ta cho phép con đi, vì ta hy vọng như thế. Con là người biết xét suy. Con sẽ cháy lên một thời gian rồi sẽ tắt, sẽ khỏi bệnh và trở về nhà. Ta sẽ đợi con: vì ta cảm thấy con là người duy nhất trên đời không kết tội ta, con yêu dấu của ta, ta cảm thấy điều đó mà, ta không thể không cảm thấy điều đó!…

 Thậm chí lão khóc rưng rức. Lão là người đa cảm, lão độc ác và đa cảm.

 Chú thích:

 (1) Tên gọi thân mật Alecxei.

 (2) "Xtaresta" (tiếng Nga) dùng để chỉ nhà tu hành đã đạt đến trình độ khổ tu cao siêu, ở Nga chế độ trưởng lão xuất hiện vào khoáng thế kỷ 14. Ý nghĩa của từ này sẽ được tác giả giải thích kỹ sau này (mục 5.) (N.D).

 (3) Trong nguyên bản dùng hai từ "gid" và "evrei" đều là người Do Thái, nhưng tư "gid" mang sắc thái khinh miệt, tôi dịch là "người Do Thái", còn từ "evrei" dịch là "người Israel" (N.D).

 (4) Lute Martin (1483-1546), một lãnh tụ cải cách tôn giáo, sáng lập đạo Lute, đạo Lute là một trào lưu thanh giáo, đặc điểm của nó chỉ là thừa nhận Kinh Thánh bác bỏ truyện thánh (N.D)

 (5) Tiếng Pháp trong nguyên bản, nghĩa là "phải bịa ra chúng", đây là nhại câu nói nổi tiếng của Voltare: "Nếu không có Thượng đế thì phải bịa ra cho có".

♥ Chương 5 : Các trưởng lão

Có thể có độc giả tưởng rằng chàng trai của tôi là một bản chất bệnh tật, xuất thân kém phát triển, một anh chàng xanh xao mơ mộng, ốm o và gầy võ. Trái lại, Alecxei hồi ấy là một thanh niên mười chín tuổi dáng người cân đối, má hồng hào, dồi dào sức khỏe, có cái nhìn tươi sáng. Hồi ấy thậm chí anh rất đẹp trai, thon thả, tầm vóc vừa phải, tóc nâu sẫm, khuôn mặt hình trái xoan đều đặn tuy hơi dài, hai mắt màu xám sẫm cách nhau khá xa, long lanh, anh rất mực trầm tư và có lẽ là rất điềm tĩnh. Có lẽ người ta sẽ nói rằng hai má đỏ hồng không ngăn cản sự cuồng tín và đầu óc thần bí; nhưng tôi cho rằng Alecxei có óc thực tế hơn bất cứ ai khác. Ồ, cố nhiên sống ở tu viện anh hoàn toàn tin vào phép lạ, nhưng theo tôi phép lạ không bao giờ làm cho người có óc thực tế rối trí. Không phải phép lạ lái người có óc thực tế theo hướng tín ngưỡng. Một người đích thực là có óc thực tế nếu không tín ngưỡng, bao giờ cùng có đủ sức mạnh và khả năng không tin cả phép lạ, còn nếu phép lạ hiển hiện trước người đó như một sự kiện không thể chối cãi thì người đó sẽ nghi ngờ giác quan của mình hơn là chấp nhận sự kiện. Mà nếu có chấp nhận thì chỉ coi đó như một điều tự nhiên mà cho đến giờ mình chưa hề biết. Ở người có óc thực tế, tín ngưỡng không do phép lạ sinh ra, mà phép lạ do tín ngưỡng sinh ra. Nếu như người thực tế có tín ngưỡng thì do óc duy thực tế của y, nhất định y phải chấp nhận cả phép lạ. Sứ đồ Tom tuyên bố rằng ông không tin chừng nào ông chưa thấy, còn khi thấy rồi thì ông nói: "Lạy Chúa tôi và Chúa Trời của tôi!"(1) phép lạ đã khiến ông phải tin chăng? Nhiều phần chắc là không phải, ông tin chỉ vì ông muốn tin, có lẽ trong đáy lòng sáu kín ông đã tin hoàn toàn, ngay cả khi ông thốt lên: "Ta không tin chừng nào ta chưa thấy".

 Có lẽ người ta sẽ nói rằng Aliosa ngờ nghệch kém phát triển, học hành dở dang, vân vân. Bảo anh học hành dở dang thì đúng, nhưng bảo anh ngờ nghệch và ngu ngốc thì rất là bất công. Tôi sẽ chỉ nhắc lại điều tôi đã nói ở trên: anh bước lên con đường ấy chỉ vì hồi đó duy có nó làm xáo động tâm tư anh và anh hình dung nó là con đường lý tưởng để tâm hồn đầy khát khao của anh thoát khỏi bóng tối, vươn tới ánh sáng. Nên nói thêm rằng anh là một chàng trai phần nào thuộc thời kỳ gần đây nhất của chúng ta, tức là bản chất chính trực, đòi hỏi sự thật, đi tìm sự thật và tin vào sự thật, và khi đã tin thì cần lập tức tham gia vào đó bằng tất cả sức mạnh tâm hồn, cần mau mau lập kỳ tích, nhất quyết muốn hy sinh tất cả cho kỳ tích đó, kể cả tính mạng. Tuy rằng bất hạnh thay, các chàng tôi ấy không hiểu rằng hy sinh tính mạng có lẽ là loại hy sinh nhẹ nhàng nhất trong nhiều trường hợp loại này, chẳng hạn hy sinh năm, sáu năm trong quãng đời thanh niên sôi nổi của mình cho việc học tập gian khổ, cho việc nghiên cứu khoa học, dù là để tăng gấp mười sức lực của mình nhằm phụng sự vẫn cái sự thật ấy và kỳ tích ấy mà anh ta yêu mến và muốn thực hiện - sự hy sinh như thế, đối với nhiều người trong bọn họ, hầu như hoàn toàn không vừa sức.

 Aliosa chỉ chọn con đường trái ngược với mọi người, nhưng vẫn với lòng khao khát mau chóng lập kỳ tích như vậy. Một khi đã nghĩ chín và tin chắc rằng có linh hồn bất diệt và Thượng đế thì lẽ tự nhiên họ tự nhủ: "Ta muốn sống cho linh hồn bất diệt, ta không chấp nhận sự thoả hiệp nửa vời". Cũng hệt như vậy, nếu họ cả quyết rằng không có linh hồn bất diệt và Thượng đế thì lập tức họ sẽ trở thành người vô thần hay người xã hội chủ nghĩa (bởi vì chủ nghĩa xã hội không chỉ là vấn đề công nhận hay cái gọi là đẳng cấp thứ tư, nhưng chủ yếu là vấn đề vô thần, vấn đề biểu hiện thời nay của chủ nghĩa vô thần, vấn đề tháp Baben xây cất không có Thượng đế, không phải để từ dưới đất ngoi lên trời, mà để lôi trời xuống đất). Aliosa thậm chí cảm thấy rằng, cứ sống như trước thì thật kỳ lạ và không thể được. Đã có câu rằng: "Hãy đem cho hết mọi thứ và đi theo ta, nếu ngươi muốn được hoàn hảo"(2). Aliosa tự nhủ: "Ta không muốn chỉ cho hai rúp thay vì cho tất cả", ta không muốn chỉ đi lễ thay vì "đi theo ta".

 Trong số nhưng kỷ niệm tuổi thơ, có lẽ ký ức vẫn còn lưu lại điều gì về tu viện ngoại ô của chúng tôi, có thể là mẹ đã đưa anh đến xem lễ. Có thể đây là ảnh hưởng của những tia nắng tà dương chênh chếch trước bức ảnh thánh mà người mẹ "ngộ dại" đã bồng anh dâng lên trước Đức Mẹ. Dáng vẻ trầm tư, anh về địa phương chúng tôi có lẽ chỉ để xem ở đây người ta cho tất cả hay chỉ hai rúp, và ở tu viện anh ta gặp vị trưởng lão ấy…

 Vị trưởng lão ấy, như tôi đã nói rõ ở trên, là trưởng lão Zoxima, nhưng ở đây nên nói vài lời về việc nói chung thế nào là "trưởng lão" trong các tu viện của chúng ta, đáng tiếc rằng trong lĩnh vực này tôi không có đủ thẩm quyền và không nắm chắc lắm. Tuy nhiên, tôi sẽ thử trình bày sơ qua chút ít. Thứ nhất, những người chuyên môn có thẩm quyền khẳng định rằng các trưởng lão và chế độ trưởng lão xuất hiện trong các tu viện Nga của chúng ta mới gần đây thôi, thậm chí chưa đến một trăm năm, trong khi đó tại phương Đông theo đạo chính thống, đặc biệt ở Xinai và Atox, chế độ ấy tồn tại đã hơn một nghìn năm. Có người cho rằng chế độ trưởng lão đã có ở nước Nga từ cổ xưa hay nhất định phải có, nhưng do nhưng tai biến của người Nga, hoạ Tarta, những cuộc biến loạn, việc đoạn tuyệt quan hệ trước kia với phương Đông sau khi Conxtantinopol bị chinh phục(3) thể chế ấy mai một ở nước ta và do đó không còn các trưởng lão nữa. Nó được khôi phục lại ở nước ta từ cuối thế ký trước nhờ nhà khổ tu vĩ đại (người ta gọi ông như vậy) Paixi Velitskovsky và các môn đệ của ông, nhưng cho đến hiện nay, sau ngót một trăm năm, vẫn chỉ một số ít tu viện có trưởng lão, thậm chí đôi khi việc lập trưởng lão gần như bị đàn áp vì đó là sự đồi mới chưa từng có ở Nga. Đặc biệt thể chế ấy ở nước Nga chúng ta rất thịnh đạt tại một hoang mạc trứ danh, Kozenskaia Optinnaia(4).

 Nó được du nhập vào tu viện chúng tôi từ bao giờ và ai lập nên thì tôi không thể nói được, nhưng đã có ba trưởng lão kế chân nhau và trưởng lão Zoxima là người sau cùng, nhưng Cha đã gần kề miệng huyệt do yếu sức và ốm đau và người ta không biết sẽ tôn ai lên kế chân Cha. Đây là vấn đề quan trọng đối với tu viện chúng tôi, bởi vì cho đến lúc ấy tu viện chúng tôi chưa có gì đặc biệt nổi tiếng: ở đó không có các thánh cốt, cũng không có các tượng thánh mới phát hiện, cũng không có nhưng kỳ tích lịch sử và công đức đối với tổ quốc. Tu viện thịnh đạt và nổi tiếng khắp nước Nga chính là nhờ các trưởng lão, chính là để được nhìn thấy và nghe các trưởng lão mà người hành hương từ khắp nước Nga vượt hàng ngàn dặm đường để về cùng chúng tôi. Vậy thế nào là trưởng lão? Trưởng lão là người thâu tóm tâm hồn và ý chí của người ta vào tâm hồn và ý chí của mình. Khi đã chọn trưởng lão là ta từ bỏ ý chí của mình và dâng nó cho đấng ấy để hoàn toàn chối bỏ bản thân. Kẻ chọn con đường này tình nguyện nhận cuộc thử thách ấy cái trường đời ấy với hy vọng rằng sau cuộc thử thách lâu dài sẽ vượt thắng được bản thân, làm chủ được bản thân đến mức rốt cuộc, nhờ sự vâng lời suốt đời, sẽ đạt được tự do hoàn toàn, nghĩa là tự do đối với chính mình, tránh được số phận của những kẻ cả đời không tìm được chính bản thân mình. Phát kiến đó, tức là thể chế trưởng lão, không phải chỉ trên lý thuyết, mà ở phương Đông nó nảy sinh từ kinh nghiệm thực tế đã có từ ngàn năm nay, bổn phận đối với trưởng lão không phải là "sự vâng lời" bình thường xưa nay vẫn có trong các tu viện Nga của chúng ta. Ở đây tất cả các tín đồ phải vĩnh viễn xưng tội với trưởng lão và mối liên hệ giữa người ràng buộc và người bị ràng buộc là không gì phá bỏ được. Chẳng hạn, người ta kể rằng có lần vào thời cổ xưa của Kito giáo, một người tập tu không vâng lời trưởng lão về một việc gì đó, ông ta bỏ tu viện ra đi, đến một nước khác, từ Syri sang Ai Cập. Ở đấy, sau những công tích lâu dài và vĩ đại, cuối cùng ông ta đã xứng dáng chịu sự hành hạ và nhận cái chết tuẫn đạo. Khi nhà thờ mai táng ông ta, bấy giờ đã được tôn sùng như một vị thánh, thì đúng lúc viên trợ tế hô lên: "Những người sắp nhập đạo hãy ra ngoài!", cỗ quan tài mang thi hài người quẫn đạo bỗng rơi khỏi chỗ và bật ra khỏi nhà thờ, như thế ba lần. Cuối cùng người ta mới biết rằng vị thánh tuẫn đạo này đã phạm tội không vâng lời và lìa bỏ trưởng lão của mình trốn đi, vì vậy nếu không được trưởng lão giải tội thì không thể được tha thứ, dù đã có công tích khổ luyện cao cả. Chỉ khi vị trưởng lão được mời đến đã giải bỏ cho ông ta lời thề vâng lời thì mới chôn cất được. Cố nhiên đấy chỉ là truyền thuyết đời xưa, nhưng đây là chuyện thật mới xảy ra chưa lâu: một tu sĩ thời nay ẩn mình trong núi Aton, bỗng nhiên vị trưởng lão phán truyền cho ông ta rời khỏi nơi mà ông ta hết lòng yêu quý và coi là thánh địa, là nơi ẩn dật thanh vãng, để trước hết sang Jeruzalem chiêm bái các thánh địa, rồi trở về Nga, lên miền Bắc, vùng Sibir: "Chỗ của con là ở đấy chứ không phải ở đây". Sửng sốt và đau buồn, thầy tu đến Conxtantinopol yết kiến Đại Giáo trưởng cầu xin Ngài giải bỏ cho lời thề vâng lời, nhưng vị chúa lể của thế gian trả lời rằng chẳng những Ngài, Đại Giáo trưởng không thể giải được lời thề ấy, mà trên thế gian này không có uy quyền nào làm được việc đó, ngoài chính vị trưởng lão đã nhận cho ông ta nguyện thề. Như vậy chẳng những trường hợp nhất định, thể chế ấy đem lại cho trưởng lão một quyền lực vô hạn và khó hiểu. Đấy là lý do vì sao trong nhiều tu viện định chế trưởng lão thoạt đầu gần như bị trấn áp. Thế nhưng các trưởng lão lập tức được dân gian hết sức tôn sùng. Chẳng hạn, người ta đổ đến tu viện chúng tôi, cả dân đen, và người quyền quý để sụp mình trước các trưởng lão, thổ lộ với họ những nghi ngờ, lội lỗi, đau khổ của mình và xin một lời khuyên hay lời răn bảo. Thấy thế, những kẻ chống đối các trưởng lão la lối lên - ngoài những lời buộc tội khác, - rằng ở đây bí tích xưng tội bị hạ thấp một cách tuỳ tiện và nông nổi, tuy rằng việc người tập tu hay người thường không ngớt thổ lộ nỗi lòng với trưởng lão hoàn toàn không diễn ra như một bí tích. Tuy nhiên, cuối cùng định chế trưởng lão đã đứng vững và dần dần nhập vào các tu viện Nga. Kể ra các phương tiện cải hoá tinh thần đã có tự ngàn xưa và đã được thử thách đó nhằm giúp con người thoát khỏi sự nô lệ vươn tới tự do, tới sự hoàn diện đạo đức cũng vẫn có thể là con dao hai lưỡi, vì thế đôi khi đáng lẽ đem lại sự khuất phục và tự chủ hoàn toàn, nó lại đẩy người ta tới sự kiêu ngạo quái quỷ, nghĩa là tới xiềng xích chứ không phải tới tự do.

 Trưởng lão Zoxima khoảng sáu mươi nhăm tuổi, xuất thân từ tầng lớp địa chủ, hồi mới bước vào tuổi thanh niên đã đừng là quân nhân, là sĩ quan ở Kavkaz. Hẳn là Cha đã làm cho Aliosa cảm phục về một thiên khiếu đặc biệt nào đó của tâm hồn, Aliosa ở ngay trong trai phòng của trưởng lão. Cha yếu mến anh và cho anh ở với mình. Cần lưu ý ráng Aliosa hồi đó sống trong tu viện nhưng chưa hề bị ràng buộc gì, anh có thể đi đâu tuỳ ý nhiều ngày ròng, còn anh mặc áo thầy tu là do tự nguyện, để khỏi khác biệt với mọi người trong tu viện. Tuy cố nhiên chính anh cùng thích như thế. Có lẽ trí tưởng tượng non trẻ của Aliosa bị kích động mạnh bởi cái quyền lực và quang vinh không ngừng bao quanh vị trưởng lão của anh. Về trưởng lão Zoxima, nhiều người nói rằng sau bao nhiêu năm tiếp tất cả những ai đến thổ lộ nôi niềm với Cha, khao khát chờ mong Cha ban cho một lời khuyên hay một lời chữa lành bệnh, Cha đã tiếp nhận vào tâm linh mình vô vàn điều giãi bày kín đáo, những nỗi đau buồn, nhưng lời thú nhận, đến độ rốt cuộc Cha đã có được cái nhìn thấu suốt tinh tế khiến Cha thoạt trông mặt một người lạ đến gặp mình đã đoán ngay được người đó đến để làm gì, người ấy cần cái gì, thậm chí nỗi đau khổ nào đang giày vò lương tâm người đó, và Cha khiến cho người đến gặp mình phải ngạc nhiên, bối rối đôi khi gần như hoảng sợ vì Cha biết điều bí mật của họ trước khi họ thốt lên lời. Thế nhưng Aliosa nhận thấy rằng nhiều người, hầu như tất cả khi đầu tiên vào gặp riêng trưởng lão thì sợ hãi và lo lẳng, mà khi ra khỏi đó thì hầu như bao giờ cùng hớn hở vui sướng, khuôn mặt rầu rĩ nhất cũng ngời lên vẻ hạnh phúc.

 Còn một điều nữa khiến Aliosa ngạc nhiên lạ thường: trưởng lão hoàn toàn không nghiêm khắc, trái lại hầu như bao giờ cũng vui vẻ trong lúc giao tiếp. Các tu sĩ nói rằng Cha có lòng quyến luyến những người phạm tội nặng hơn, và người phạm tội nặng nhất là người Cha yêu mến nhất. Thậm chí đến tận cuối đời trưởng lão, vẫn còn nhưng tu sĩ thù ghét hay ghen tỵ với Cha, nhưng sổ người đó ít đi, và họ im hơi lặng tiếng, tuy rằng trong số họ có mấy nhân vật rất nổi tiếng và quan trọng trong tu viện, chẳng hạn một trong nhưng thầy tu già lão nhất, một người kiêng nói(5) vĩ đại, một người ăn kham phi thường. Nhưng dẫu sao thì tuyệt đại đa số hiển nhiên vẫn đứng về phía Cha Zoxima, trong đó rất nhiều người thậm chí còn yêu mến Cha nồng nhiệt và chân thành; một số người gắn bó với Cha gần như cuồng tín.

 Những người như thế nói thẳng, tuy không công khai lắm, rằng Cha là vị thánh, điều đó không còn nghĩ ngợi gì nữa, và thấy trước Cha sắp từ trần nay mai, họ chờ đợi những phép lạ diễn ra tức khắc và vinh quang lẫy lừng mà người quá cố để lại cho tu viện trong thời gian sắp tới. Cả Aliosa cũng một lòng tin vào pháp lực kỳ diệu của trưởng lão, cũng như anh một lòng tin câu chuyện về cỗ quan tài bay ra khỏi nhà thờ. Anh đã thấy nhiều người mang theo trẻ con hay người thân thích đau ốm đến cầu xin trưởng lão đặt tay lên họ và cầu nguyện cho họ, ít lâu sau họ trở lại có người trở lại ngay hôm sau, nước mắt chan hoà quỳ sụp trước trưởng lão tạ ơn Cha đã chữa lành người bệnh của mình. Có khỏi bệnh thật không hay chỉ là bệnh tự nhiên đỡ hơn, Aliosa không hề đặt câu hỏi ấy vì anh đã hoàn toàn tin vào sức mạnh tinh thần của thầy mình và quang vinh của thầy dường như là thắng lợi của anh. Trái tim anh rộn rực hẳn lên và cả gương mặt anh rạng rỡ khi trưởng lão ra gặp đám dân đen hành hương đông đảo đang chờ đợi Cha ở cổng tu viện, họ từ khắp nơi trong nước Nga đổ đến chỉ cốt để nhìn thấy trong lão và được Cha ban phước. Họ sụp xuống trước mặt Cha, khóc lóc, hôn chân Cha, hôn mảnh đất Cha đứng, kêu gào, phụ nữ giơ con lên trước mặt Cha, đưa những người bị bệnh "ngộ dại" đến.

 Trưởng lão nói với họ, đem những đoạn kinh ngắn cầu khẩn cho họ, ban phước rồi để họ về. Thời gian gần đây Cha cứ ốm luôn đến nôi có khi không đủ sức ra khỏi phòng, và những người hành hương đôi khi phải chờ đợi đến mấy ngày ở tu viện. Aliosa không hề tự hỏi vì sao Cha được yêu mến như vậy, vì sao chỉ cần nhìn thấy mặt Cha là người ta sụp xuống và khóc vì cảm động.

 Ôi anh hiểu rất rõ rằng tâm hồn nhẫn nhịn của người bình dân Nga rã rời vì đời cần lao vất vả đầy rẫy đau thương, nhất là vì sự bất công và tội lỗi thường xuyên diễn ra cả trong nước cũng như khắp cõi thế gian, đối với tâm hồn ấy không có nhu cầu và sự an ủi nào mạnh hơn nhu cầu có được một chốn thiêng liêng hay một vị thánh để quỳ sụp xuống mà tôn sùng: "Nếu phần dành cho chúng ta là tội lỗi, dối trá và cám dỗ thì dẫu sao ở đâu đó trên trái đất này vẫn có một vị thánh, một đấng tối cao: đấng ấy nắm trong tay sự thật, đấng ấy biết sự thật, vậy là sự thật không tiêu vong trên trái đất này và rồi một ngày kia nó sẽ đến với chúng ta và ngự trị trên toàn cõi thế gian này, như Ngài đã hứa".

 Aliosa biết rằng dân chúng cảm thấy chính như thế, thậm chí suy xét như thế, anh hiểu điều đó, còn về việc trưởng lão chính là vị thánh ấy, đấng gìn giữ sự thật của Thượng đế trong con mắt dân chúng thì anh không mảy may hồ nghi, anh cùng một lòng một dạ với những người dân quê khóc lóc kia, với những người vợ ốm của họ đang đưa con ra trình trưởng lão. Trong thâm tâm anh tin tưởng - có lẽ còn mãnh liệt hơn bất cứ ai khác trong tu viện - rằng trưởng lão sau khi tạ thế sẽ đem lại vinh quang phi thường cho tu viện. Nói chung thời gian gần đây, một niềm hân hoan nội tâm nồng nhiệt sâu sắc nào đó ngày càng rực cháy trong tìm anh. Anh không hề bối rối rằng vị trưởng lão này vẫn chỉ là một cá nhân lẻ loi. "Dù sao Cha là vị thánh, trái tim Cha có bí quyết đổi mới cho mọi người, có cái pháp lực cuối cùng sẽ thiết lập sự thật trên cõi thế gian, và mọi người sẽ đều thánh thiện, sẽ yêu mến nhau, sẽ không còn kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, tất cả sẽ đều là con của Thượng đế và nước Chúa Kito thực sự sẽ đến". Aliosa mơ ước trong lòng như vậy.

 Hình như việc cả hai anh đều về nhà đã gây ấn tượng hết sức mạnh đến Aliosa, từ trước đến nay anh chưa hề biết mặt họ. Anh bắt quan hệ với Dmitri Fedorovich nhanh hơn và thân hơn, tuy Dmitri về nhà sau người anh cùng mẹ với anh: Ivan Fedorovich.

 Aliosa rất muốn biết rõ Ivan, nhưng mặc dù Ivan ở nhà đã hai tháng và hai anh em gặp nhau khá thường xuyên, họ vẫn không sao thân nhau được: Aliosa thì trầm lặng, dường như chờ đợi cái gì, dường như ngượng ngùng cái gì không rõ, còn ông anh Ivan thì lúc đầu Aliosa nhận thấy hay nhìn mình hồi lâu bằng con mắt tò mò, nhưng chẳng bao lâu hình như Ivan cũng chẳng bận tâm gì đến em nữa. Nhận thấy điều đó, Aliosa hơi bối rối. Anh cho rằng Ivan thờ ơ là vì hai người chênh lệch về tuổi, đặc biệt về học vấn. Nhưng Aliosa cũng còn một ý nghĩ khác nữa: Ivan ít chú ý và ít thiện cảm với anh, như thế có lẽ còn do một điều gì mà anh hoàn toàn không biết. Không hiểu sao anh vẫn có cảm giác rằng Ivan mải lo một chuyện gì thuộc thế giới nội tâm và quan trọng, anh ấy đang nhắm một mục đích nào đó có lẽ rất khó khăn, thành thử chẳng bụng dạ đâu mà nghĩ đến em, và đây là nguyên nhân duy nhất khiến anh nhìn Aliosa một cách lơ đãng. Aliosa còn nghĩ: phải chăng đây là thái độ khinh miệt của một người vô thần thông thái đối với một gã tập tu ngờ nghệch.

 Aliosa biết mười mươi rằng anh mình là người vô thần. Sự khinh miệt ấy nếu có, cũng không thế khiến Aliosa oán hận được, nhưng có một cảm giác bối rối lo lắng mà chính anh cũng không hiểu nổi. Aliosa vẫn chờ đợi lúc Ivan muốn lại gần anh hơn nữa.

 Anh Dmitri Fedorovich tỏ ra hết sức kính trọng anh Ivan, nói về Ivan với giọng đặc biệt thiết tha. Qua Dmitri, Aliosa biết mọi chi tiết của các việc quan trọng kia trong thời gian gần đây đã làm cho hai anh gắn bó mật thiết với nhau. Sự thán phục của Dmitri đối với Ivan càng có ý nghĩa đặc biếc trong con mắt Aliosa vì so với Ivan thì Dmitri gần như vô học, và hai người ấy đặt cạnh nhau dường như tạo thành một sự đối lập nổi bật, cả về cá tính cũng như tính cách, đến nỗi có lẽ không thể tưởng tượng ra được hai con người khác nhau hơn thế.

 ***

 Chính trong thời gian ấy đã diễn ra cuộc hội kiến, hay nói cho đúng hơn là cuộc họp mặt tất cả các thành viên của cái gia đình hỗn độn ấy trong trai phòng của vị trưởng lão đã có ảnh hưởng kỳ lạ đối với Aliosa. Cái cớ cho cuộc họp mặt ấy thực ra chỉ là bịa đặt. Chính lúc bấy giờ sự bất đồng giữa Dmitri Fedorovich và bố chàng, Fedor Pavlovich, về quyền thừa kế và sự định giá tài sản có lẽ đã đến cực điểm. Quan hệ căng thẳng tới mức không thể chịu đựng nổi nữa. Hình như Fedor Pavlovich là người đầu tiên làm như bông đùa đưa ra ý kiến cả nhà họp mặt trong phòng của trưởng lão Zoxima, để tuy không nhờ đến sự hoà giải trực tiếp của Cha, mà vẫn có thể thoả thuận với nhau một cách tử tế hơn, vì chức sắc và nhân cách của trưởng lão có thể khiến mọi người vị nể nên dễ dàn hoà hơn. Dmitri Fedorovich chưa bao giờ đến chỗ trưởng lão, thậm chí chưa từng thấy mặt Cha, nên cố nhiên chàng nghĩ rằng người ta muốn dùng trưởng lão để đe mình; nhưng bởi vì trong thâm tâm, chàng cũng tự trách mình thời gian gần đây đã nói nhiều điều quá quắt trong lúc cãi cọ với bố, nên chàng chấp nhận sự thách thức. Nhân tiện xin lưu ý rằng chàng không ở nhà bố như Ivan Fedorovich mà ở nơi khác tại đầu thành phố. Tình cờ Petr Alecxandrovich Miuxov thời gian này đang ở vùng chúng tôi cũng sốt sắng vồ lấy ý kiến ấy. Là một người theo chủ nghĩa tự do những năm bốn mươi và năm mươi, là người có đầu óc tự do và vô thần, có lẽ vì buồn tình, cũng có thể vì muốn tiêu khiển bông lông, ông dự phần đặc biệt trong việc này. Đột nhiên ông muốn xem tu viện và "vị thánh".

 Bởi vì cuộc tranh chấp lâu năm của ông với tu viện vẫn tiếp tục và vụ kiện vẫn còn kéo dài - đấy là về chuyện phân chia địa giới đôi bên, về quyền đốn gỗ trong rừng và đánh cá trên sông gì gì đó - ông vội lợi dụng cơ hội này, lấy cớ rằng chính ông muốn dàn xếp với Cha viện trưởng: liệu có cách nào chấm dứt êm thấm cuộc tranh chấp giữa hai bên không? Vị khách có thiện ý, như vậy cố nhiên có thể được chú ý và được đến đón ân cần hơn một người đến thăm chỉ vì hiếu kỳ. Vì tất cả những lý do kể trên, trong tu viện người ta có thể nài xin trưởng lão tiếp họ: thời gian gần đây vị trưởng lão ốm đau gần như không rời khỏi phòng, và bởi vậy không tiếp ngay cả những khách thăm thường lệ. Cuối cùng trưởng lão chấp thuận và người ta đã định ngày.

 "Ai đã đặt ta vào địa vị phân xử cho họ?" - Cha chỉ mỉm cười nói với Alecxei.

 Được biết về cuộc gặp mặt đó, Aliosa rất bối rối. Trong số những người kiện cáo và tranh chấp nhau ấy, nếu có người nào có thể coi trọng cuộc hội họp này thì hiền nhiên chỉ có anh Dmitri. Còn hết thảy những người khác đến chỉ với ý định bông lông và có lẽ là xúc phạm đến trưởng lão. Aliosa hiểu như vậy.

 Ivan và Miuxov đến vì một sự hiếu kỳ. Có thể là hết sức thô thiển, còn ông bố đến có lẽ để làm trò hề và dựng nên một cảnh sân khấu gì đó. Ôi, Aliosa tuy không nói ra nhưng biết rõ bố mình lắm. Tôi xin nhắc lại, anh chàng hoàn toàn không chất phác như người ta tưởng. Anh chờ đến ngày đã định mà lòng nặng trĩu.

 Chắc chắn là trong thâm tâm anh thầm mong có cách nào chấm dứt tất cả những bất hoà ấy trong gia đình. Tuy nhiên anh lo nhất về trưởng lão; anh run sợ cho thầy, cho danh úếng của thầy, sợ những điều xúc phạm đến thầy, nhất là những lời giễu cợt đặc biệt tinh tế, lễ độ của Miuxov, những câu lấp lửng cao ngạo của anh Ivan thông thái. Aliosa hình dung cất cả sự việc ấy như thế.

 Thậm chí anh muốn đánh liều báo trước cho trưởng lão, nói với thầy điều gì về những người có thể đến dự cuộc gặp gỡ này, nhưng anh nghĩ thế rồi lại thôi. Có điều, trước ngày đã định một hôm, anh nhờ một người quen của Dmitri nói hộ với anh mình rằng anh yêu anh mình lắm và mong anh làm đúng như đã hứa…

 Dmitri đâm ra nghĩ ngợi, bởi vì chàng chẳng làm sao nhớ được mình đã hứa gì với em, chàng chỉ viết thư trả lời rằng chàng sẽ gắng hết sức để đừng "đi đến chỗ đê mạt", và tuy chàng kính trọng sâu sắc trưởng lão và anh Ivan, nhưng chàng tin chắc rằng người ta đặt cho chàng một cái bẫy hay một hài kịch nhơ nhuốc.

 "Tuy vậy, thà anh nuốt lưỡi anh đi còn hơn là nói điều gì thiếu tôn kính với bậc thánh nhân mà anh sùng mộ" - Dmitri kết thúc lá thư của mình như vậy. Bức thư không làm cho Aliosa phấn chấn lắm.

 Chú thích:

 (1) Gioan, XX Z8 (N.D)

 (2) Mathieu, XIX, 12 (N.D)

 (3) Conxtantinopol (nay là Istanlbul) bị Suntan Thổ Nhi Kỳ Mahomet ri chiếm năm 14S3 (N.D).

 (4) Một tu viện rất nổi tiếng, gần Kaluga (N.D).

 (5) Tiếng Nga trong nguyện bán "motsalnik" nghĩa đen là "người im lặng" - người tu hành đã khấn nguyện suốt đời không nói năng gì vì lý do tôn giáo. Đây là một giáo phải cực kỳ cuồng tín trong đạo Chính giáo, giáo phải này xuất hiện ở tỉnh Tambov, chủ trương hoàn toàn cắt đứt sự giao tiếp với mọi người xung quanh để tìm sự "cứu rỗi" (N.D).

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip