Chương 10. Ngôi Nhà Trống

Một ngày sau lễ hội.

Rượu đã bay hơi, chỉ còn lại dư vị của những ánh mắt.

Élise tỉnh dậy với một nỗi bất an dai dẳng, như tiếng máy ảnh kẹt khung hình giữa chừng.

Tối qua, trong khi Henri đang cúi đầu bên quầy rượu, một người lạ đã nhét vào túi áo khoác của cô một mảnh giấy nhỏ, giấy in ảnh, khổ vuông.

Không lời nhắn.
Chỉ là một bức ảnh tưởng như vô nghĩa.
Nhưng ánh sáng trong ảnh lại không nói dối.

Nó được chụp từ máy của cô.

Và trong khoảnh khắc ấy, ở nền bức tường đá xám xịt phía sau khu hội trường, một bóng người lẩn khuất.

Râu quai nón, dáng thấp, tay cầm bật lửa. Không ai chụp bức ảnh này, trừ khi...

Cô rùng mình.

Nếu là máy của cô thì ai đã lấy nó? Khi nào? Và tại sao gửi lại cho cô?
Có thứ gì đang được cảnh báo?

Dưới ánh đèn đỏ trong phòng tráng ảnh, Élise phóng lớn từng chi tiết.

Góc tường.

Cột đá.

Cây phong khô héo nghiêng về phía sau.

Tất cả dường như quen thuộc.

Cô so sánh.

Từng khối đá, từng khe hở.

Một bức tường cũ sát biên giới, gần nơi đoàn tàu hàng từng đỗ lại. Phía sau đó nếu cô nhớ không lầm là ngôi nhà đá bị bỏ hoang từ thời chiến. Từng được dùng làm kho chứa lương thực.

Hoặc... thứ gì khác.

Henri đã từng nói nơi đó bị cấm.
Không lý do nào.
Không biển cảnh báo.
Chỉ là không được đến gần.

Cô mặc áo khoác dày, rời quán trọ trước khi mặt trời lên hẳn. Henri không có mặt ở chốt gác sáng nay hoặc cố tình tránh mặt.

Cô không thể đợi.

Élise mang theo máy ảnh, pin dự phòng, một con dao nhỏ, và chiếc bật lửa khắc tên người em trai.

Bóng cô hòa vào sương chiều, chân bước trên cỏ ướt, mỗi bước đi như đạp lên những tiếng thì thầm trong trí nhớ.

Ngôi nhà đá trơ trọi như một nắm đấm cũ kỹ giữa rừng phong.

Cửa sổ vỡ.
Gạch loang máu thời gian.
Cô dùng dao cạy cửa.
Lách người vào.

Bên trong không phải là một ngôi nhà.
Mà là một vết thương còn mở miệng.

Giấy tờ rách vụn.
Băng y tế đã cũ.
Một tấm ảnh bán thân lẫn trong bụi: ba người lính Đức và một người Pháp trẻ đang bị trói ngược tay.

Máu cô lạnh đi.

Cô chụp.
Tay run, nhưng mắt không chớp.
Căn phòng nhỏ kế bên có một hòm gỗ chưa khóa. Bên trong là một quyển sổ được bọc vải dầu cũ, có dấu của lực lượng Wehrmacht.

Cô mở ra.

Dòng chữ Đức, xen kẽ Pháp, chằng chịt bằng bút chì:

“12/3, trại số 4 đã đầy.
Chuyển tù sang khu tạm G.
Valette phản đối, bị phạt.

"14/3, hai tù nhân chết do lạnh.
Không báo.”

“19/3, một thiếu niên Pháp, bị bắt khi băng rừng.
Nói tên là Lucien.
Cố gửi thư nhưng thư bị thu giữ.
Đã báo lên sĩ quan.”

- “Sĩ quan trưởng cho phép xử lý không cần ghi chép.”

- “...Valette không ký xác nhận.”

Henri.
Lucien.

Cô bật ngửa, cả căn phòng xoay tròn. Không khí đặc lại như vôi vữa mục.

Henri từng ở đây.

Anh đã biết.
Và anh... không ký xác nhận.

Tiếng động.

Một nhánh cây gãy.

Élise tắt máy ảnh, giấu sổ tay vào áo, vội vã thoát ra cửa sau.
Nhưng phía trước, trong làn sương xám, ba bóng người xuất hiện, áo khoác dài, không phù hiệu.

Một người gằn giọng:

- “Quay lại, đưa máy ảnh.”

Élise lùi bước.

Chân cô vấp vào rễ cây.

Ngã.

Và ngay khi bàn tay sắp siết lấy cô, một tiếng súng vang lên từ phía rừng.

Henri.

Thở dốc.

Mắt hoảng loạn.

Súng chĩa thẳng về phía những bóng đen.

Một trong bọn chúng bỏ chạy. Hai kẻ còn lại rút lui sau vài phát cảnh cáo.

Henri chạy đến, nhưng cô vẫn nằm đó, trái tim đập trong lồng ngực anh như thể là của chính mình.

- “Anh theo dõi tôi à?” Cô thì thào.

- “Tôi không còn theo dõi cô nữa,” Anh khẽ nói, “tôi bảo vệ cô.”

Henri ôm lấy cô, không vì bổn phận, mà vì chính anh đã ở lại nơi này quá lâu, và giờ, chỉ cô mới có thể mở cửa ra khỏi vết thương ấy.

Cô thở, gần như bật khóc:

- "Anh biết gì mà không nói với tôi?"

Giọng anh thấp:

- "Tôi từng nghĩ, bảo vệ sự im lặng là cách duy nhất để giữ gìn an ninh. Nhưng… nếu cái giá là sự thật bị vùi lấp, thì tôi đã canh giữ một nấm mồ, chứ không phải biên giới."

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip