augusty- thuy qian li 2 phe phan hpt
IV. Một số suy nghĩ về học thuyết của Hàn Phi:
- Tư tưởng của Hàn Phi về con người, từ bản chất vị kỷ tư lợi cho đến hiệu quả của uy thế đối với con người, thật giống tư tưởng của Machiavel. Phải chăng, con người từ đông sang tây đúng như hai ông mô tả, từ cổ đại đến cận đại, đúng như hai ông mô tả?
“Một vị Vương hầu để dân yêu và một vị để dân sợ, đằng nào có lợi hơn. Tôi trả lời ngay là cần cả hai thứ. Nhưng dung hợp cả hai thứ đó thật khó khăn vô cùng. Nếu chỉ được có một thứ, chắc chắn hơn hết là làm cho dân sợ mình còn hơn để cho dân yêu. Thường tình con người bội bạc và gian trá, tính tình thay đổi luôn, thấy nguy cơ thì sợ, thấy lợi thì ham. Khi còn thi ân được cho họ, họ hoàn toàn thuộc về ta, tỏ vẻ sẵn lòng cống hiến xương máu, tài sản, tính mệnh, con cái của họ cho ta. Nhưng chỉ được vậy khi họ thấy còn lâu ta mới cần dùng đến những thứ ấy. Khi trông thấy ta sắp cần tới họ, tức thì họ lẩn tránh ngay. Vị Chúa nào chỉ tin vào lời đường mật của họ mà không chuẩn bị đề phòng, rồi ra cũng sẽ đi đến bại vong. Những tình nghĩa gây nên do lợi lộc, tiền bạc không do lòng chân thành cao quý vô tư, thường chưa được thử thách trong lúc nguy nan bao giờ, nên khi ta cần tới, nó sẽ tiêu tan ngay. Con người lúc nào cũng sẵn sàng làm hại kẻ hiền lành khả ái hơn là kẻ có uy quyền ai ai cũng phải khiếp sợ. Tình nghĩa chỉ tồn tại do dây chuyền của ân huệ liên tiếp. Bản tính con người độc ác đến nỗi khi thấy trước mắt một tư lợi nào lớn hơn, tức thì sợi dây chuyền đó sẽ bị cắt luôn. Nhưng khi trí óc bị ám ảnh về những trừng phạt nghiêm khắc thì con người lại sợ hãi không dám hành động cẩu thả như vậy. Dù sao vị Chúa cũng phải biết cách làm oai cho dân sợ ở mức độ không phải cần dân yêu mến, nhưng phải tránh đừng để cho dân ghét. Chúa vẫn rất có thể có cả hai điểm: dân sợ uy quyền đồng thời không oán ghét mình. Muốn được như vậy cần phải tuyệt đối không cướp tiền, chiếm vợ của thần dân. Khi cần cũng nên chém giết một vài kẻ xấu, nhưng phải có lý do chứng cớ minh bạch. Trường hợp nào cũng vậy, tài sản của dân chúng phải được tôn trọng triệt để, vì con người có thể quên cái chết của cha đẻ nhưng không bao giờ quên sự mất mát tài sản của họ. (…) Tôi kết luận người dân khi yêu là do ý thích thất thường của họ, khi sợ vì uy quyền của Chúa. Vị Chúa khôn ngoan cẩn trọng phải căn cứ vào mình, chứ đừng trông mong vào người khác. Một điều cần tâm niệm luôn là phải xử sự cho dân đừng oán ghét mình.” (Quân Vương, chương 17 Độc ác để dân sợ hay độ lượng để dân yêu).
Giọng điệu hai người giống nhau như vậy mà lý tưởng của hai người cũng khá giống nhau. Cả hai đều có lòng yêu nước và muốn cho nước mình mau giàu mạnh để chống lại bọn lang sói lân bang. Tuy quan điểm về con người hai ông giống nhau như vậy nhưng chính sách hai ông xây dựng từ đó lại có điểm khác biệt. Machiavel cũng trọng thế của bản thân nhưng lại nhấn mạnh nhiều vào thuật mà không nhắc gì đến pháp luật. Thuật của Machiavel là thuật hữu vi, gian trá để phù hợp với lòng người gian trá, chỉ có kẻ gian hùng lão luyện mới thực hiện được. Hàn Phi chú trọng cả Pháp và Thuật. Mà Thuật tuy biến hóa nhưng vẫn phải phù hợp với Pháp và hướng về Pháp, một ý chí chung. Nhưng ý chí chung của Hàn Phi mang tính giai cấp quá nặng nề, hoàn toàn là sự áp đặt ý chí của kẻ thống trị lên toàn xã hội. Đành rằng trong hoàn cảnh Trung Hoa bấy giờ, rất khó cho một cá nhân đi trước thời đại đề xướng một hệ thống pháp luật xây dựng bởi một cơ quan dân cử, đại diện của toàn dân. Nhưng học thuyết của Hàn Phi với nhãn quan của một đại quý tộc, đã thể hiện một sự coi thường sâu sắc trí tuệ cũng như sức mạnh của nhân dân. Dân không phải ngu xuẩn không biết lợi ích lâu dài mà không chịu ra sức làm công trình công cộng, chỉ vì kẻ cầm quyền thường lấy việc công để làm lợi riêng. Học thuyết của Hàn Phi xem ai cũng vì mình để khuyên vua không nên tin người mà chỉ nên tin vào chính mình, tin vào quyền thế bản thân. Nhưng ở khía cạnh khác, học thuyết của Hàn Phi dựa nhiều vào niềm tin, cụ thể là niềm tin của dân vào tính công minh của pháp luật: theo phép công nhất định được thưởng, trái pháp luật sẽ bị phạt. Học hỏi Thương Ưởng, Lý Thôi, Hàn Phi trình bày nhiều cách giúp người cầm quyền lấy lòng tin của dân chúng. Cá nhân Hàn Phi có lẽ cũng đã quá tin vào những người cầm quyền. Thừa biết lợi ích chung khác với lợi ích riêng, Hàn Phi chỉ đề ra biện pháp uốn nắn tư lợi của người dưới, không đưa ra cách đề phòng trường hợp kẻ làm vua dùng quyền thế phục vụ lợi ích riêng. Hàn Phi có lẽ tin rằng, kẻ làm vua có trí tuệ nên ý thức được lợi ích lớn nhất của mình là đất nước được giàu mạnh, không để dục vọng nhất thời làm hỏng lợi ích vĩnh viễn. Rốt cục, học vấn của Hàn Phi chỉ được Doanh Chính thưởng thức, nhưng ông này lại lấy quyền thế bắt dân dựng cung A Phòng, xây cho mình lăng Ly Sơn.
- Sự thất bại của đế chế nhà Tần cũng chỉ ra một hạn chế khác của Hàn Phi: quá thiên về hình pháp hà khắc. Thất bại đó có thể dùng chính quan điểm của Hàn Phi để lý giải: hình phạt quá nặng làm dân vì tư lợi mà oán kẻ cầm quyền, càng dùng hình phạt nặng thì kẻ dưới oán người trên càng nhiều, đến khi hình phạt làm người ta không thể sinh tồn nổi thì dân phải vùng lên để tìm đường sống. Giống như lời Lão Tử: “dân xem rẻ sự sống chết, vì quá ham sống nên xem rẻ sự chết”. Đế quốc Tần kết thúc do phong trào của Trần Thắng, Ngô Quảng. Nước Tần kết thúc do phong trào của Lưu Bang. Cả ba người này đều do dẫn phu đi lao dịch không đến đúng hạn, sợ bị quan quân nhà Tần trừng trị mà nổi dậy chống lại bạo Tần.
- Chính sách pháp trị của Hàn Phi còn có nhược điểm là vẫn chưa xét đầy đủ nhu cầu của con người. Hàn Phi xem động cơ hành động của con người chỉ bao gồm lòng hiếu lợi và thói hiếu danh. Thực tế động lực của chúng ta còn bao gồm nhiều thứ khác. Nếu trong xã hội tồn tại những tên bệnh hoạn giết người hàng loạt mà không có động cơ, vui sướng trên sự đau đớn của đồng loại thì ngược lại, xã hội cũng tồn tại những kẻ vô cùng vị tha, nhiệt tình giúp người không đòi hỏi sự đền đáp. Cảm giác vui sướng khi giúp được người là một cảm giác thông thường mà người bình thường ai cũng có. Nó xuất phát từ tình thương yêu đồng loại, từ ý muốn kết thân với đồng loại, lưu tâm đến đồng loại, nghĩ đến họ cũng như đang tự nghĩ đến mình. Lòng nhân là một tình cảm tự nhiên có ảnh hưởng đến hành động của chúng ta. Cảm giác vui sướng còn có thể tự nhiên có được từ chính bản thân chúng ta nếu có được một cơ thể khỏe mạnh. Vì ai cũng có “toàn thân cảm giác”, là tất cả những cảm giác bên trong con người do trạng thái thần kinh chúng ta gây ra. Khi bộ thần kinh chuyển vận điều hòa, toàn thân cảm giác chúng ta tốt, chúng ta cảm thấy một sự khoan khoái toàn thể khó tả, một cảm giác khoan khoái hơn cả khi ta thỏa mãn được những ham muốn thông thường. Thể dục thể thao là loại hình giải trí lành mạnh nhất thậm chí là hình thức giải trí duy nhất của một số người. Với một số người khác, tham gia môn thể thao nguy hiểm mới làm họ thấy hạnh phúc. Tính hiếu động và lòng ưa mạo hiểm, thích cảm giác lạ cũng là những động lực tự nhiên của chúng ta. Trong năm động lực tự nhiên đó, tùy theo bẩm sinh mà có cái nổi lên thành động lực quyết định, những động lực khác chỉ đóng vai trò phụ trợ điều chỉnh hành vi. Hàn Phi đã nhận ra lòng ham muốn và thích hư danh thường quyết định nhưng ông hoàn toàn bỏ qua ảnh hưởng của những yếu tố còn lại. Hậu quả là đối với Hàn Phi, dân trong đời thịnh trị chỉ cần được ăn, được sống yên ổn là đã đủ, người có học phải ra làm quan mới có ích. Vì thế Hàn Phi, về sản xuất chỉ xem trọng việc binh, nông, coi thường công thương. Dân hữu dụng của Hàn Phi chỉ có nông gia, chiến sĩ. Công nhân “sửa lại những đồ xấu xí bóc lột cái lợi của nông phu” đã là một trong năm loại mọt mà kẻ sĩ có học nhưng không ra làm quan cũng là sâu mọt nốt. Số lượng người có học vì thế chỉ cần đủ để làm quan, dân hiếu học là điềm mất nước. Chủ nghĩa thực dụng hẹp hòi đó vì vậy không những không thể phát triển toàn diện con người mà còn kiềm hãm khoa học phát triển. Vì tuy học vấn phải được đưa ra ứng dụng nhưng học giả cần phải vươn lên khỏi cái ích lợi tầm thường trước mắt mới có thể đặt cho mình một căn bản học vấn sâu rộng, từ đó mới mang đến cho nhân loại một sự ứng dụng lớn lao hơn. việc thủ tiêu, không chấp nhận mọi tư tưởng khác biệt đã là phản động so với đương thời. Tình trạng một tư tưởng chủ đạo và tinh thần thực dụng hẹp hòi những nguyên nhân chính làm cho thời thanh xuân của triết học Trung Hoa sau khi đột ngột chấm dứt không bao giờ trở lại nữa.
- Quá chú trọng đến hình phạt, học thuyết của Hàn Phi được Tư Mã Thiên nhận xét “khắc bạc, ít ân đức”. Với ảnh hưởng của nó đến quá trình hình thành chính sách cai trị của Tần Thủy Hoàng, Hàn Phi cũng phải chịu một phần trách nhiệm đối với sự bạo tàn cũng như sự sụp đổ của đế quốc Tần. Riêng với Nho Gia, những bài xích của Hàn Phi nói riêng và chủ trương ngu dân nói chung được bạn cũ Lý Tư sử dụng, dẫn đến sự kiện đốt sách chôn nho nổi tiếng. Vì thế, các nhà pháp trị Tiên Tần nói chung và Hàn Phi nói riêng không được những nhà nho đời sau tôn trọng. Hàn Tử của người Trung Hoa là Hàn Dũ sinh sau Hàn Phi cả ngàn năm. Theo phép chính danh, Hàn Phi chỉ đáng được gọi là Hàn Phi Tử. Nhưng Hàn Phi không phải kẻ vô cảm mà là một người nồng nàn yêu nước. Từ góc độ đó của Hàn Phi người ta mới có thể hiểu và thông cảm cho ông. Học thuyết của ông như phương thuốc mà ông chỉ dành riêng cho quê hương ông, một con bệnh đã quá nặng mà bọn lang sói lại còn gào thét ngoài cửa. Phương thuốc đó phi thường bởi vì phải áp dụng cho một ca bệnh phi thường. Nhưng tinh thần pháp trị của Hàn Phi nói riêng và pháp gia nói chung đến nay đã chứng minh được giá trị, chế độ quản lý đất nước dựa trên pháp luật được thiết lập trên toàn thế giới và ở đâu cũng vậy, pháp luật được bảo vệ chủ yếu bằng hình pháp. Loại bỏ được tính hà khắc, để dân có thể giám sát được kẻ cầm quyền, bài thuốc pháp trị thích hợp với tất cả quốc gia. Vì thế Hàn Phi đã có lý khi đem chính sách Pháp Trị ví với ngọc bích Biện Hòa; còn mình giống như Biện Hòa, dù bị chặt hết hai chân vẫn cố dâng ngọc cho tổ quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip