Chương 1
Tháng Ba ở Đông Thạnh.
Trời vừa đổi mùa, cái lạnh của tháng Giêng chưa đi hẳn, nhưng cái nắng của tháng Ba đã kịp về, mềm và non như tơ mới se. Khắp làng Đông Thạnh, ánh sáng lặng lẽ phủ xuống đồng ruộng, lên những bờ rào tre khô, mái rạ xám xịt, giếng làng rêu xanh.
Trên sân nhà ông Hội đồng Bạch, nơi từ đời nào đã được lát bằng gạch đỏ – thứ gạch nung già, dày và nặng, có in dấu thời gian trên từng mặt – nắng rơi xuống, tạo thành những vệt sáng mỏng manh như lòng trắng trứng tráng chưa ráo.
Nắng không hẳn là sáng, nó là một dạng thinh lặng có màu, như ánh mắt ai đó lướt qua mà không gọi tên. Và giữa khoảng sân ấy, mọi vật đều đứng yên, cái bình vôi nơi bậc thềm, chậu cảnh trước hiên, cả chiếc lu nước có lá sen non đang trồi lên mặt như để nghe ngóng điều sắp xảy ra.
Sáng đó, nó – Nguyễn Hữu Sơn – dậy sớm hơn mọi ngày. Không phải vì chuông, không phải vì ai gọi, mà tự nhiên tỉnh giấc. Trời chưa sáng hẳn, gian bếp còn mù mịt hơi khói và mùi tro ẩm. Nó nhón chân đi, sợ động cửa gỗ kêu, sợ làm thức giấc những người đang nằm trong buồng trong, ngoài hè.
Hữu Sơn lớn cũng không lớn mà nhỏ cũng không nhỏ.
Nguyễn Hữu Sơn là một thằng ở đợ, mười tám tuổi trong nhà ông Hội đồng, cái bóng lặng lẽ lướt qua gian bếp, sân sau, giếng nước. Nhưng sáng nay, trong lòng nó lạ lắm. Có cái gì như hạt tiêu rơi vào lòng làm lòng nó dâng lên một nỗi cay cay, âm ấm, không phải lo sợ, không hẳn háo hức, mà là thứ cảm giác của một người sắp gặp điều mà mình đã nhiều lần nghe kể nhưng chưa từng thấy.
Người ta nói sáng nay, Cậu Ba về.
Hai chữ ấy, trong nhà, không ai gọi lớn, nhưng khi nhắc tới, ai cũng dừng tay. Tự nhiên nét mặt ai đó nghiêm lại, giống như khi nói tới một người vừa là trong nhà, vừa như ở đâu đó rất xa.
Cậu Ba là người con trai thứ ba của ông Hội đồng đã rời làng từ ngày nó chỉ mới vào làm được một năm hơn. Người ta bảo đi học trên tỉnh. Nghe bảo cậu học giỏi, chữ đẹp, hay được lên báo, có người kể cậu không phải kiểu con trai nhà giàu ồn ào, không rượu chè, không gái gú, không bài bạc, chỉ đọc sách, chơi đàn, đi bộ.
Nghe như chuyện tiểu thuyết, nhưng người lớn trong nhà thì không bao giờ bàn tán. Họ nhắc tới với vẻ kiệm lời, nửa kính nể, nửa xa cách như thể có những người trong nhà cũng không thuộc về nhà nữa.
-•-
Tầm gần chín giờ sáng.
Âm thanh đầu tiên không phải là tiếng xe.
Là tiếng con mèo trên mái ngói trở mình, nó nằm đó từ sớm, phơi nắng, lim dim ngủ. Giờ thì bỗng nhỏm dậy, tai vểnh lên, mắt nhìn về phía cổng rồi đến tiếng sỏi chuyển động, nhẹ nhưng rõ, như có ai đó đang cào vào bụng đất.
Chiếc xe hơi màu đen từ từ chạy vào cổng nhà ông Hội đồng. Một chiếc xe dài, sơn bóng, thân vững, động cơ chạy chậm như nhịp người trưởng thành thở trong buổi sáng yên ắng. Không còi, không giật ga, chỉ bánh xe nghiến lên mặt sỏi, từng vòng từng vòng, chậm rãi như một nghi lễ.
Cả cái sân như nghẹt thở.
Con chó già dưới nhà dưới nãy giờ nằm im, bỗng sủa ba tiếng, rồi cúi đầu xuống như biết mình đã già quá để sủa thêm. Người làm trong nhà không ai bảo ai, tự khép mình nép ra sau cánh cửa, chỉ mình tôi đứng ở sân sau, nhìn qua khe cửa nhà ngang.
Cửa xe mở.
Trước tiên là đôi giày đen – thứ giày bóng đến độ có thể soi mặt trời. Rồi ống quần tây màu xám, thẳng thớm, mép gấu vừa chạm cổ giày. Cổ tay áo sơ mi trắng được xắn gọn gàng, không cẩu thả, cũng không kiểu cách. Một bàn tay thon, da sáng, cầm chiếc vali da nâu, bóng như lớp vỏ gỗ đánh vec-ni. Mái tóc đen được vuốt ngược ra sau, để lộ vầng trán cao và sống mũi thẳng.
Và rồi, gương mặt ấy hiện ra.
Không đẹp theo kiểu trai làng, cũng không quá lạ như người tỉnh. Mà là một vẻ gì đó rất lặng như mặt nước giếng trong, nhìn vào thấy sáng, nhưng không biết rõ dưới đáy là gì. Cái dáng ấy, cách đứng ấy, khiến cho khoảng sân vốn rộng bỗng hẹp lại như thể không gian phải nhường chỗ cho người ấy hiện ra trọn vẹn.
Cậu Ba Bạch Hồng Cường.
Cậu đứng lặng trước cổng nhà.
Dáng cao, vai thẳng, áo sơ mi trắng vẫn còn vương bụi đường, nhưng không lấm bẩn. Cặp mắt nhìn quanh, không vội, như người vừa rời khỏi một giấc mơ cũ, trở về nơi từng gắn bó mà cũng từng xa cách đến cùng cực.
Cậu nhìn mái ngói cong, ánh mắt dừng một lát nơi những viên gạch rêu lốm đốm, rồi ngước lên giàn hoa giấy đã vươn ra khỏi bờ tường, bung những chùm đỏ chói như vừa nở ra để chào đón chính người đó.
"Cổng nhà mình vẫn chưa thay à?"
Giọng nói không lớn, cũng chẳng có vẻ trách cứ, nhưng nó rơi vào sân gạch như giọt nước rơi vào mặt hồ im, chạm một cái, lan mãi. Một giọng nhẹ như tơ, mà bên dưới là thứ âm sắc lành lạnh, mỏng như lưỡi lam cạo khẽ vào da – không đau, nhưng làm tim khẽ thắt lại.
Không ai trả lời.
Nhưng tự nhiên trong nắng có gì đó khẽ lay, gió ngưng thổi, như người khách cũ vừa bước vào nơi ký ức chưa khép. Nó đứng nép phía sau bờ hiên, tay còn dính nước rửa chén, mà tim như vừa rơi khỏi ngực, trượt một nhịp không ai hay.
Anh Khang đứng phía sau, không nói, chỉ huých nhẹ vai nó một cái. Hữu Sơn hiểu. Nhưng vẫn đứng lặng một giây. Không hiểu sao nó thấy sợ. Không hẳn sợ Cậu, mà sợ cái cảm giác đang lớn dần trong mình, thứ cảm giác mềm như cỏ non mà bén như đầu cọ lửa – cái cảm giác chưa kịp gọi tên đã khiến lòng xôn xao.
"Dạ con chào Cậu Ba..."
Nghe rõ tiếng mình, nhỏ đến mức tưởng như gió thổi cũng mất, nhưng Cậu đã quay lại. Ánh mắt ấy – trong, và sáng – rọi qua nó như một vệt nắng lọt qua kẽ mái rạ, chiếu đúng lên ngực áo, để lại vết nóng không nhìn thấy.
"Ừ, còn nhớ mặt"
Nó không biết cậu còn nhớ thật, hay chỉ nói vậy cho phải phép. Nhưng cái cách cậu nói, cái cách ánh mắt ấy dừng lại nơi Hữu Sơn, không quá lâu, không quá nhanh, đủ khiến nó thấy cả người như bị cuốn vào một lớp gì đó rất mỏng, rất mềm, rất thật.
Cậu quay đi sau đó, bước chân không vội. Bóng áo trắng lướt qua sân, để lại một đường sáng nhỏ, như sợi chỉ buộc từ mắt nó mà đi theo mãi.
Nó đứng lại, tay vẫn còn ướt, nhưng lòng thì như vừa chạm phải một điều gì lớn hơn cả một buổi sáng tháng Ba.
-•-
Mọi chuyện sau đó diễn ra lặng lẽ, nhưng không hề tầm thường. Như một buổi lễ không có chiêng trống, không có sắp hàng, nhưng ai nấy đều biết phải đứng ở đâu, làm gì, và nói với nhau bằng ánh mắt.
Trong nhà, người làm rối rít như kiến động ổ. Người thì chùi lại cái bậu cửa vốn đã sạch, người thì quét sân đã quét từ sáng. Tiếng dép lẹp xẹp, tiếng thì thầm dội vào tường gạch, nghe râm ran như ong vỡ tổ.
Ai cũng muốn tỏ ra bận rộn, như thể sự bận rộn ấy là một cách để không phải đối diện trực tiếp với sự trở về của Cậu Ba – người mà trong suốt mấy năm qua chỉ tồn tại trong những câu chuyện kể vào buổi chiều hoặc trong mấy bức thư mực xanh gửi về rồi cất kỹ trong ngăn kéo.
Trên gác, mợ Hai đứng dựa lan can, nửa người chìm trong bóng, ánh mắt nhìn xuống sân nhưng không rõ đang nhìn ai. Môi mím chặt như sắp bật ra một điều gì đó, nhưng rồi lại thôi. Người ta bảo mợ Hai là người khó đoán. Từ ngày Cậu Ba lên tỉnh học, mợ thay Cậu quán xuyến chuyện nhà, nhưng khi nghe tin Cậu về, nét mặt mợ thoáng có gì như bị rút ra khỏi khuôn, lạnh hơn mà cũng mềm hơn.
Dưới sân, ông Hội đồng đã ra, tay chống gậy lim xù, từng bước nện xuống sân nghe chắc nịch, nhưng ánh mắt ông thì sáng rực. Ông đi thẳng đến chỗ Cậu Ba, không gọi tên, không vồn vã, chỉ vỗ vai con trai ba cái, cười lớn như thể mọi thứ ông giữ trong lòng lâu nay, giờ mới được dịp bật ra:
"Cậu Ba về rồi là tốt, con giỏi lắm. Phải về thì mới ra người được"
Giọng ông vang khắp sân, làm cả bầy chim sẻ đang rỉa cám trên mái rui phải bay vụt lên. Nhưng Cậu Ba chỉ gật đầu nhẹ, nụ cười không trọn, nhưng ánh mắt đủ sâu để ai đứng gần cũng thấy lòng mình se lại.
Cậu không vội vã, cũng chẳng thong thả. Đi đứng như có nhịp riêng – một thứ nhịp không nhanh, không chậm, nhưng chắc chắn, như gió đầu mùa không mùi, không hình, nhưng ai thấy qua rồi thì không thể nào quên.
Không phải vì dáng dấp, mà vì khí chất. Cái khí ấy không lấn lướt, nhưng thấm. Nhẹ, nhưng dai. Lặng, nhưng khó dứt.
-•-
Nó được sai lên dọn phòng cho Cậu.
Phòng trên gác, có cửa sổ mở ra vườn cau, căn phòng để trống đã lâu, nhưng không lạnh lẽo. Trong cái vắng vẻ ấy, có gì như một hơi thở bị giữ lại đầy thầm kín, ấm nóng và dai dẳng, căn phòng phủ một lớp bụi mịn như phấn, không bẩn mà như sương.
Nó mở cửa, để nắng tràn vào, ánh sáng rọi nghiêng, đổ xuống sàn gỗ đã ngả màu, vẽ thành những vệt dài lặng lẽ như dải khăn lụa. Hữu Sơn lau bàn, xếp lại gối, trải ga trắng tinh mới thay, rồi dừng lại trước giá sách. Giá sách ấy có ai lau từ sáng, nhưng nó vẫn quỳ xuống lau lại lần nữa – không phải vì bụi, mà vì tay nó không yên.
Một quyển sách bìa nâu sờn gáy khiến mắt nó dừng lại. Hữu Sơn không dám chạm, chỉ nhìn, và đứng ngẩn ra, không hiểu sao.
Trong lòng có gì đó như mạch nước mới chảy, chưa thành dòng, nhưng đã ướt đáy. Cảm giác ấy giống như khi trời sắp mưa mà chưa mưa, không khí đổi màu, gió đổi hướng, và trong người tự nhiên thấy nhẹ đi mà không rõ lý do.
-•-
Cậu Ba không làm gì đặc biệt khi mới về.
Ăn chén cháo trắng, uống trà Thái, đọc báo, lâu lâu ra sân ngồi dưới gốc mận. Cái “ngồi” của Cậu cũng khác người. Không phải để nghỉ, cũng chẳng phải để đợi, mà như để ở đó như một cây đã cắm rễ, một cái bóng quen thuộc vừa trở lại đúng chỗ nó từng đứng.
Có lúc, nó bưng trà ra, Cậu không nhìn, không nói, nhưng cái im lặng ấy lại có sức hút lạ lùng, nó không khiến người ta sợ, nhưng khiến người ta muốn đứng gần thêm một chút.
Chiều hôm đó, nó bưng trà ra hiên.
Nắng đã nghiêng, gió đùa nhẹ trên những tàu lá cau. Cậu đang đứng dưới gốc mận, một tay đút túi, một tay cầm trái mận non còn xanh ngắt. Dáng người gầy mà không yếu, im lặng mà không xa. Hữu Sơn bước đến gần, chưa kịp gọi thì Cậu cất tiếng:
"Sơn"
Chỉ một tiếng, nhẹ, nhưng nó như đá rơi vào nước.
Nó giật mình, ngẩng lên:
"Dạ cậu gọi con?"
"Em còn nhớ mận chua quê mình không?"
"Dạ nhớ..."
Cậu xoay người lại, nhìn nó, ánh mắt như phủ lớp nắng cuối ngày:
"Trên phố không có mận như vậy. Mà người ta cũng không biết cách ăn mận cóc với muối ớt, họ ăn bằng mắt không ăn bằng miệng"
Hữu Sơn đứng cạnh Hồng Cường, tay còn ôm khay trà, một làn gió nhẹ lướt qua cổ áo. Trái mận chua, muối ớt cay, mà không ai ăn, chỉ có ánh nắng vẫn còn trên tóc Cậu Ba, và tim nó thì đang rối lên vì một điều gì chưa kịp nghĩ đã thành thật.
Hữu Sơn không hiểu rõ cậu nói gì, nhưng tôi nghe trong lời cậu có một tiếng thở dài nặng nề trút lên bầu không khí. Cậu cười, rồi đưa cho nó một trái mận:
"Cầm đi, mận này để dành ăn khuya"
-•-
Tối đến, trời đổ mưa.
Không phải mưa lớn, cũng chẳng phải mưa gió, chỉ là cơn mưa đầu mùa, thứ mưa rả rích như bản đàn bị lỡ nhịp, chơi dở dang, không biết nên dừng hay nên tiếp. Mưa rơi lên mái ngói nghe đều đều, tiếng lộp độp mỏng như tiếng người gõ cửa giấc mơ, vừa đủ đánh thức, vừa không rõ ai đang gõ.
Nó nằm trong kho lúa, nơi thường ngày vẫn xếp mấy bao lúa giống, gối đầu lên cánh tay, mắt mở thao láo nhìn lên xà nhà. Gió lùa qua khe vách, mang theo mùi đất ẩm, mùi khói bếp nhà bên. Mưa làm mọi thứ như mềm đi – cả mái lá, cả lòng người.
Hữu Sơn chẳng hiểu sao, nhưng suốt đêm đó, nó cứ nhớ giọng Cậu. Nhớ cái cách Cậu gọi “Sơn” không nhanh, không chậm, như người gẩy một nốt trầm giữa bản hòa âm mùa hạ.
Nó không hiểu vì sao mình nhớ, mà càng không hiểu vì sao mình muốn nhớ nữa.
Chỉ biết khi nhắm mắt lại, mọi thứ hiện ra trong đầu không phải là sân nhà, không phải là mớ việc ngày mai, mà là bóng lưng Cậu dưới gốc mận, áo trắng, tay cầm trái mận xanh.
Sáng hôm sau, trời quang như tờ giấy chưa viết. Mưa đêm đã trôi đi, để lại mặt đất ướt loang, như da người còn vương giấc ngủ, mây bạc loang ra tận cuối trời, nắng đầu ngày chưa rõ, nhưng đủ làm giàn hoa giấy đỏ rực hơn mọi hôm.
Nó lại dậy sớm quét sân.
Tay vung chổi, nhịp đều, tiếng sàn sạt cọ vào gạch tàu nghe như đang quét cả buổi đêm còn sót lại. Mấy con sẻ đậu lên hàng rào, ríu rít gọi nhau như bầy trẻ nhỏ được thả ra sau cơn mưa. Nó khẽ huýt sáo theo nhịp, lòng nhẹ hơn mọi khi.
Bất chợt, có tiếng chân người đằng sau.
Nó quay lại, và suýt buông rơi cây chổi.
Cậu Ba đang đứng đó, ánh mắt dừng trên tôi, khuôn mặt yên lặng, tóc vẫn còn hơi rối, như chưa kịp vuốt. Cậu mặc áo sơ mi trắng, quần sẫm, chân đi đôi dép lê có quai nhỏ. Không son phấn gì, chỉ là một người đứng đó mà khiến tim nó đập nhanh thêm mấy nhịp không rõ lý do.
"Khéo thế"
Hữu Sơn lúng túng, tay giữ chặt cán chổi, miệng líu ríu:
"Dạ cậu Ba dậy sớm thế ạ?"
"Không ngủ được"
"Dạ..."
Nó không biết nói gì thêm, chỉ cúi đầu như thể có gì vừa rơi khỏi cổ áo. Cậu nhìn quanh sân một thoáng, rồi bất ngờ chỉ tay ra hàng cau phía sau nhà:
"Cây cau kia hồi tôi còn nhỏ, tôi trồng, lúc đó nó chỉ tới thắt lưng, giờ đã cao tới mái rồi"
Nó nhìn theo tay Cậu.
Hàng cau đứng im lặng, lá khẽ đung đưa trong gió sớm, trên thân cau có vết khắc mờ – ai đó từng khắc tên, rồi để thời gian làm mờ nét. Cây cao thẳng, gọn gàng, vươn lên trời như người biết mình cần phải lớn.
Một lời nhắc về một thời cũ đến độ cây cau còn bé, nhưng giọng nói thì vẫn nhẹ như hôm qua.
-•-
Từ bữa cậu Ba trở về, ngôi nhà như có ai lặng lẽ thay áo mới. Không phải sắc sơn hay gạch ngói đổi thay, mà chính cái không khí – thứ vô hình mà lại rõ ràng hơn hết thảy – đã chuyển mình.
Người trong nhà đi lại khẽ khàng hơn, tiếng cười cũng vừa miệng, không lan quá ngưỡng hiên. Mợ Hai bỗng nghiêm cẩn lạ. Mỗi sáng, mợ bảo tôi: “Nước trà phải đổ sớm, khăn lau phải thơm, dép cậu để đúng hướng, cửa sổ cấm bụi”.
Những điều đó, nghe tưởng nhỏ nhặt, mà thành mệnh lệnh không lời, như thể đón một vị khách quý, hoặc một điều gì rất thiêng liêng. Ấy vậy mà mợ vẫn hay nửa đùa nửa thật, giọng như rắc muối vào nước trong:
"Cậu Ba ở tỉnh chắc nhiều đào lắm ha? Mấy cô gái phố bây giờ ăn nói bạo, mặc cũng bạo, cậu giữ mình cho kỹ"
Cậu chỉ mỉm cười, nụ cười như nửa vẽ, nửa xoá. Có hôm, mợ đẩy thêm một câu tưởng như vô tâm:
"Cậu Ba mà chưa có người trong mộng là lạ lắm à nghen!"
Cậu vẫn cười, nhưng cái cười ấy không hề chạm tới khóe mắt. Nó như một cánh cửa sơn then, mở ra là đóng lại liền. Hữu Sơn có cảm giác: trong lòng cậu là một căn buồng có nhiều lớp then cài, mỗi cánh cửa giam giữ một điều gì đó mà không ai được bén mảng.
Còn Hữu Sơn – thằng ở nhỏ trong nhà – thì đứng giữa cái sân xưa ấy như kẻ vô hình trong một vở tuồng đã tập kỹ. Nó không chỉ nhìn, nó sống trong cái vòm yên tĩnh mà cậu mang về, nó chạm tay vào vách tường cậu từng tựa, đặt tay lau chiếc bàn nơi cậu ngồi đọc sách.
Hữu Sơn nghe tiếng bước chân quen dần trên hiên gạch mỗi tối, và trong một khoảnh khắc nào đó, tôi thấy tim mình như có ai chạm khẽ.
Nó không gọi được tên điều ấy, chỉ biết từ dạo cậu về, giấc ngủ nó ngắn dần, những cơn mơ cũng đổi màu. Nó không còn sợ ma như hồi nhỏ nữa, vì giữa đêm tối, nó không thấy bóng ma nào, chỉ thấy ánh mắt ai đó vụt qua như một cơn gió.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip