chương 3

Buổi trưa miền quê thường không có khái niệm "bận".

Trời nắng rát, gió lặng gió, và thời gian như được ướp vào một miếng bánh đúc nguội, mềm nhão, trôi chậm trong họng. Ngay cả tiếng chim cũng biết lười, chúng bay vòng vòng, gọi nhau khe khẽ, như thể chẳng muốn làm động gì đến cái sự yên ắng vốn dĩ đã bủa quanh từ khi mặt trời lên khỏi hàng cau.

Trong cái yên ấy, chỉ còn tiếng võng cọt kẹt từ nhà trên là đung đưa đều đặn. Võng ai mà đu cho lắm thế, nếu không phải là cậu Ba Cường - tay con thứ ba của ông Hội đồng Bạch, vừa học trên tỉnh về, được giao việc trông coi giấy tờ sổ sách điền địa thay cha. Cậu Ba hay ra vẻ bận rộn, nhưng kỳ thực, người nhà biết hết, cậu nằm nhiều hơn ngồi, đọc nhiều hơn viết, và hỏi nhiều hơn làm.

Cái võng đặt chéo giữa gian nhà trên, nằm ngay dưới cửa sổ mở. Ánh nắng lọt vào theo từng khe gỗ, gió thổi nhẹ, chạm vào vạt áo ngủ trắng tinh, làm cậu Ba trông như tượng sứ đặt giữa đền.

Một bên tay cậu vắt lên trán, một bên vắt hờ cuốn sổ da, mắt lim dim nhưng lỗ tai không bỏ sót một tiếng động nào dưới bếp. Tiếng dao bằm, tiếng vú Bảy rầy thằng bếp, tiếng lạch cạch xoong nồi. Rồi, tiếng quen thuộc, nhỏ xíu, cẩn thận như người bước vào chùa:

"Thưa cậu, con để nước rửa mặt ngoài hiên"

Không cần nhìn, cậu Ba biết là thằng Sơn.

Nguyễn Hữu Sơn là đứa hầu trai của nhà họ Bạch. Nó không to xác như mấy đứa làm ruộng, cũng không láu cá như lũ bếp dưới. Người nhỏ, dáng mảnh, đứng đâu cũng như muốn thụt vô bóng râm. Nó có nụ cười xinh và chỉ ai hỏi mới đáp. Nhưng cái cách nó làm việc - gọn, nhanh, im tiếng, khiến ông Hội đồng còn phải khen "được việc".

Cậu Ba không nói gì, chỉ khẽ hất cằm ra phía hiên - cái hất đầu rất nhẹ, không cần lời, nhưng đủ khiến Hữu Sơn hiểu. Từ ngày theo hầu, nó đã quen thứ ngôn ngữ không thành tiếng ấy: một cái nhíu mày, một cái liếc mắt, hay một động tác chậm rãi như thể cậu chỉ ra lệnh bằng không khí.

Nó rón rén mở cửa, tay bưng chậu nước tráng gương, khăn lụa vắt ngay ngắn trên thành. Nước pha vừa độ - không nguội, không quá nóng - có lẽ nhờ bao nhiêu năm nó quen đo nhiệt bằng cổ tay.

Nó không dám nhìn thẳng, chỉ cúi đầu, đặt chậu xuống sát mép hiên, rồi lui một bước, hai bước thì y như cách lùi của người đánh cờ, vừa tránh thế, vừa giữ khoảng.

Cậu Ba Cường lúc đó đang ngồi tựa đầu vào tay vịn ghế mây, tóc xõa nhẹ vướng vào trán. Nghe tiếng bước chân lui, cậu vén tóc, ngồi dậy, rồi bước ra hiên.

Cậu cúi xuống, vốc một vốc nước, dội lên mặt. Hơi nước ấm bốc lên, lan quanh mũi, cậu nhắm mắt lại, để hơi nóng xông qua khóe mắt, lên trán, rồi khe khẽ thở ra, như người vừa giật mình thức khỏi một giấc mộng dài nào đó không có đoạn kết.

"Mày pha nước giỏi thật đấy" - Cậu nói bâng quơ, như thể đang trò chuyện với ánh nắng đang nghiêng sau hàng cau.

"Dạ... con quen tay rồi ạ" - Hữu Sơn đáp, mắt vẫn cụp, bàn tay siết chặt vào nhau trong tay áo.

"Quen tay hầu hạ tao à?"

Cậu nghiêng đầu, mắt liếc nhẹ về phía nó.

"Dạ..."

Giọng nó nhỏ thêm chút nữa, như viên sỏi rơi vào nước, chỉ kịp tạo một vòng sóng rồi lặn mất.

Cậu Ba bật cười. Tiếng cười không dài, không to, nhưng vang lên giữa buổi sáng yên như mặt hồ, khiến Hữu Sơn bối rối. Đó là tiếng cười giống như hạt mưa đầu mùa, rớt xuống một cái, làm ai cũng tưởng như vừa có gì thay đổi.

"Được rồi, lấy cho tao khăn lau đi"

Hữu Sơn luống cuống, tay đưa chiếc khăn lụa lại gần. Tay hai người chạm nhau - một cái chạm nhẹ như ai vô tình đá mũi giày vào một chiếc lá khô, không âm thanh, không rung động, nhưng cũng đủ khiến tim nó nhói một chút, cái nhói không rõ vì đau, vì sợ, hay vì cái gì sâu hơn mà nó chưa dám gọi tên.

Cậu lau mặt, xong quàng khăn lên vai, thong thả quay vào nhà, nhưng không về giường. Cậu ngồi xuống chiếc ghế mây dưới hiên, nhón một miếng trầu nhỏ bỏ vào miệng, rồi ngửa đầu, mắt ngước lên mái nhà.

Lá cau trên cao rung nhẹ, gió sớm lùa qua, trời chưa kịp nắng hẳn. Cậu không nói gì thêm, còn Hữu Sơn thì đứng một bên, tay vẫn giữ tư thế đưa khăn khi nãy như thể cả người nó bị đóng khung trong khoảnh khắc cái tay chạm tay kia, không biết phải làm gì tiếp theo.

Mà có khi, nó cũng chẳng muốn làm gì nữa.

"Sơn"

Tiếng gọi nhẹ như sương sớm, nhưng đủ khiến Hữu Sơn giật thót. Nó ngẩng đầu, giọng đáp khẽ, như sợ làm gãy mất khoảnh khắc đang diễn ra:

"Dạ?"

Cậu Ba vẫn không quay sang, mắt cậu dõi lên mái ngói rêu xanh, nơi một con chim sẻ đang mổ vào vết gãy cũ. Giọng cậu trầm, như vừa nhớ ra điều gì đó đã cũ lắm rồi:

" mày làm từ bao giờ?"

"Dạ... từ năm mười ba"

"Mười tám rồi chứ?"

"Dạ"

Cậu gật đầu nhẹ, như tự đếm một quãng đời người khác trong lòng mình. Rồi im lặng một chút, cậu hỏi:

"Nhớ gì về cha mẹ không?"

Không gian như khựng lại, Hữu Sơn cúi đầu. Gió từ ngoài sân lùa vào làm vạt áo nó khẽ lay, một lát sau, nó đáp:

"...Không ạ"

Chữ "không" nhẹ như một chiếc lá mục rơi xuống sân gạch ướt, không tiếng, không vang, nhưng nghe như có ai đó vừa dọn sạch hết ký ức trong lòng bàn tay.

Cậu Ba quay sang nhìn nó. Nhìn rất lâu, nhưng không hỏi nữa. Cái dáng đứng của nó - thụt vào góc khung cửa, mắt nhìn xuống đất, miệng cắn khẽ mép môi dưới như một lời từ chối dịu dàng với tất cả những câu hỏi sâu hơn. Có lẽ, người không nhớ, đôi khi lại mệt mỏi hơn người nhớ nhiều.

Thay vì tiếp tục, cậu đổi sang giọng khác, nhẹ như không muốn làm tổn thương lớp yên lặng đang phủ lên hai người:

"Mày biết đọc chữ không?"

Hữu Sơn ngẩng lên, mắt mở to hơn thường ngày:

"Dạ biết chút ít, con đọc được chữ Nôm"

"Chữ Tây?'

"Dạ... chưa"

Cậu gật đầu, rồi thong thả nói, như đã nghĩ sẵn từ trước:

"Thế mai đi với tao lên phố huyện. Tao mua giấy, bút mực, sẵn chỉ mày mấy chữ"

Hữu Sơn tròn mắt, lúng túng hỏi lại như để chắc rằng mình không nghe lầm:

"Dạ... cậu cho phép là con đi?"

"Ừ"

Cậu đáp, rồi quay mặt ra sân, khẽ mỉm cười - một nụ cười hiếm có, pha chút gì vừa thảnh thơi, vừa bất cần.

"Mày đi cùng, tao mới dễ thở"

Rồi cậu ngả lưng vào ghế mây, hai tay đan vào nhau đặt sau gáy, mắt lim dim, để ánh nắng nhợt cuối buổi lách qua mái hiên chiếu nghiêng trên khuôn mặt đã rũ hết vẻ lạnh lùng.

Còn Hữu Sơn thì vẫn đứng yên, một tay bám nhẹ vào khung cửa gỗ, tay kia nắm lấy vạt áo. Trong ngực nó, tim đang đập một nhịp lạ lùng, không mạnh, không nhanh, chỉ lặng lẽ nhưng khác thường, như một cơn gió đi lạc vào căn phòng tưởng đã quen mùi cũ.

Nó không rõ ngày mai sẽ ra sao, chỉ biết rằng, có một lời hứa vừa buộc vào buổi chiều này, bằng một sợi dây mỏng đến mức không ai thấy. Nhưng nó thì cảm được, rõ ràng như thấy trăng non khi trời còn sáng.

-•-

Chiều xuống chậm như người già chống gậy ra sân đình. Trên mái ngói, vài con chim sẻ nhảy lóc cóc, gọi nhau bằng tiếng lách chách mệt mỏi, gió thoảng mùi rơm mới, trộn mùi đất ẩm sau trận mưa tối qua còn đọng lại đâu đó dưới mấy gốc bưởi cuối vườn.

Cậu Ba ngồi đọc sổ cái một lát thì mỏi, bèn chống tay lững thững bước ra sân sau. Trời đang nắng chang chang, vậy mà dưới tán cây cam, đất vẫn còn thấm nước - mát lịm, dẻo như bún. Mấy con kiến vàng bò từng hàng, tránh từng dấu chân giày da của cậu, mà cũng không tránh nổi cú trượt ngang tai họa ngay sau đó.

"Ối mẹ ơi...!"

Tiếng kêu không lớn, nhưng vang vừa đủ giữa sân nhà ông Hội đồng khiến lũ gà đang mổ thóc hoảng hốt nhảy tán loạn, bụi bưởi sau vườn rung nhẹ, con chim chào mào đang ríu rít vù cánh bay mất.

Dưới mương- nơi rặng cỏ um tùm che nửa mép bờ, cậu Ba Cường đang ngồi, mặt nhăn, một chân duỗi thẳng, một chân gập gối, áo sơ mi trắng loang lổ bùn, giày Tây dính xộc đất, gấu quần thì ướt nhẹp, trán in một vệt đất dài như ai vừa vẽ lên bằng ngón tay lấm mực.

Không ai hay biết.

Ngoài một người, người vẫn luôn dõi theo cậu như cái bóng thầm lặng: Hữu Sơn.

Từ xa, nghe tiếng động không đúng nhịp đất vườn, Hữu Sơn lập tức buông cái thúng cỏ đang cắt cho bò, chạy ào tới. Không hô hoán, không cười ồ, chỉ là chạy, bằng cả hai chân, bằng cả nhịp tim đang rối loạn trong lồng ngực. Nó không nói gì, chỉ cúi xuống đỡ lấy cánh tay cậu Ba. Bàn tay còn lại nhẹ nhàng quệt vệt bùn trên trán cậu - vệt bùn giống như dấu ấn kỳ quặc của buổi chiều hôm đó, giữa nắng, giữa gió và một chút bất cẩn.

"Cậu có đau ở đâu không ạ?"

Giọng nó nhỏ nhưng lo thật. Mắt thì không nhìn thẳng - như sợ, nếu nhìn kỹ quá, sẽ thấy trong mắt mình có điều gì đó không được phép để lộ. Cậu Ba nhăn mặt, ngồi dậy, tay phủi bùn nhưng mặt thì méo xệch.

"Chân tao không sao, giày mới thì... toi rồi"

"Để con mang vô rửa, con quen rửa mấy cái bẩn rồi"

Cậu nhìn nó.

Lâu.

Ánh mắt cậu không còn cái nghịch ngợm thường ngày, mà như đang dò hỏi gì đó sâu hơn cả chuyện trượt chân. Rồi đột nhiên cậu buột miệng:

"Mày không cười à?"

"Dạ... không"

"Bộ mày không thấy tao ngã mắc cười lắm sao?"

Nó cắn nhẹ môi dưới, rồi lắc đầu, giọng nhỏ như gió lùa qua vạt áo phơi cuối sân:

"Dạ... con chỉ thấy tội cậu thôi"

Câu đó - tưởng nhẹ tênh như một lời an ủi, nhưng lại rơi đúng lúc lòng người vừa rạn, như một nắm đất mềm rơi ngay vào chỗ cái mầm non đang nhú khỏi vết nứt.

Cậu Ba không nói gì nữa.

Chỉ để yên.

Ngồi tựa người vào bờ đất, tay chống sau lưng, đầu hơi ngửa ra, mắt nhìn trời xanh như chưa từng có ai chứng kiến cú ngã của mình.

Còn Hữu Sơn thì cúi xuống, từ tốn tháo từng nút giày, rồi khum tay hứng lấy từng vết bùn dính nơi cổ chân cậu. Ngón tay nó thon, động tác vừa vững vừa khẽ - như người lau đồ sành sứ, biết chạm đến đâu là vừa đủ để sạch, vừa đủ để không sứt mẻ.

Lúc ấy, Cậu Ba vốn hay đùa, hay nói móc, hay trêu cho người khác đỏ mặt - lại im. Im đến mức Hữu Sơn có thể nghe được tiếng thở của cậu, nhè nhẹ, gần như một lời cảm ơn chưa kịp thành hình.

Có lẽ, lần đầu tiên trong đời, cậu thấy cú ngã ấy không vô ích.

-•-

Tối đến, cơm được dọn sớm, không khí trong nhà chừng như cũng trôi chậm hơn thường ngày.

Ông Hội đồng vẫn chưa về từ dinh huyện. Bà Hội đồng ăn được vài miếng thì than mệt, kêu vú Bảy xoa dầu, rồi nằm lặng trên ghế trường kỷ trong buồng trong, không nói gì nữa. Mợ Hai thì thỉnh thoảng lại nhìn ra sân, ngó mấy cái đèn dầu chập chờn trong gió, như thể có điều gì trong lòng không yên nhưng chẳng tiện thổ lộ.

Chỉ có cậu Ba là không nói một lời, lững thững lên phòng, đóng cửa khép hờ, tiếng bước chân trầm đều trên nền gạch như người đang suy nghĩ điều gì rất lâu.

Hữu Sơn chờ cơm nước xong, xuống bếp nấu lại ấm trà mới. Trà búp Thái, nước nấu bằng lu hứng sương ban sáng, ấm đất nung ủ trong chạn tre ba lớp. Nó không biết mình đang làm gì nữa - chỉ biết là phải nấu, phải làm cho đúng, phải đổ đầy ly nhưng đừng để trào.

Nó bưng ly trà lên, hai tay nâng khay đi qua hành lang lát gạch tàu, bước chậm rãi đến trước phòng cậu. Đèn bên trong hắt ra khe cửa một vệt vàng ấm, yên ắng như một bức tranh chưa vẽ xong.

Nó gõ khẽ, cánh cửa tự mở theo gió.

Cậu Ba đang ngồi dựa lưng vào chiếc ghế có tay vịn, tay cầm quyển sách dày, đầu hơi nghiêng, dáng vẻ thong thả như người vừa bước ra khỏi một cơn suy tưởng. Nghe tiếng khay, cậu không ngẩng lên, chỉ gật nhẹ đầu như đã quen.

Hữu Sơn đặt ly trà lên bàn, cẩn thận canh cho chiếc quai quay về phía cậu. Rồi lùi lại, toan lui ra như mọi khi.

"Sơn"

"Dạ?"

"Ngồi xuống đây"

Hữu Sơn hơi giật mình, nó lưỡng lự trong chốc lát, rồi kéo cái ghế con ở sát vách, ngồi xuống chếch về bên dưới, cách cậu một khoảng vừa đủ lễ phép. Tay đặt ngay ngắn trên đùi, lưng thẳng, mắt nhìn xuống đất như thể chỉ ngồi mượn tạm chứ không thuộc về căn phòng này.

Một lúc sau, cậu Ba mới cất lời, giọng cậu không còn cái trêu ghẹo thường ngày, cũng không còn vẻ hững hờ của một người đọc sách cho có:

"Nếu mai lên huyện, tao mua cho mày một cái áo, mày chịu mặc không?"

Hữu Sơn ngẩng đầu, tròn mắt.

"Dạ... sao cậu lại mua cho con?"

"Thì... "- Cậu gập quyển sách lại, đặt lên đùi - "Tao thấy cái áo mày sờn hết vai rồi. Mặc vậy đi ngoài phố, người ta lại tưởng tao bắt cóc con nhà người ta đem theo"

Cậu nói thế, tưởng đùa, nhưng Hữu Sơn không cười. Nó cúi đầu xuống thêm chút nữa, môi mím lại. Rồi bỗng dưng hỏi lại, giọng run nhè nhẹ:

"...Cậu cho là con xấu hổ vì không có áo đẹp?"

"Không" - Cậu Ba ngắt lời ngay, không do dự- "Tao cho là mày xứng đáng có cái áo lành"

Phòng im đi một lúc, ngay cả con ve ngoài vườn cũng bỗng ngừng rỉ rả. Câu nói đó, tuy không bóng bẩy, không tình tứ, nhưng rơi vào tai người như một chiếc lá vàng rơi đúng lúc, rơi đúng lòng.

Hữu Sơn ngồi lặng, mặt cúi mà tai đỏ lên, tay hơi siết vào nhau trong lòng. Một lát sau, nó nói. Nhỏ đến mức như nói cho chính mình:

"Cậu thương con vậy... mai mốt con có làm gì sai, xin cậu đừng buồn"

Câu nói đó, tưởng hiền lành, mà cậu Ba nghe như có ai dùng dây mỏng buộc một nút vào tim mình. Cậu không đáp ngay, chỉ nhìn ly trà đã ngừng bốc khói rồi với tay lấy lại quyển sách, mở ra chừng như định đọc tiếp. Nhưng ngón tay không lật thêm trang nào, mắt cũng không còn đọc nữa.

Trong lòng cậu, có một cơn gió lạnh và lạ vừa thổi ngang. Không hẳn buốt. Không hẳn ấm. Nhưng đủ để cậu biết: từ đây về sau, giữa cậu và thằng hầu con kia, sẽ không còn gì như cũ.

Và điều ấy, không biết là đáng mừng hay đáng sợ.

-•-

Sáng hôm sau, trời vừa tang tảng sáng đã nghe tiếng xe ngựa lọc cọc trước cổng. Cậu Ba dậy sớm hơn thường lệ, rửa mặt, chải tóc, chọn áo sơ-mi trắng tinh, cổ tay gài khuy bạc, giày đánh bóng, chỉnh tề như sắp đi họp ở tỉnh.

Hữu Sơn cũng thức từ sớm, nó lau qua bàn của cậu, gấp sẵn khăn tay, chuẩn bị chai nước thơm nhỏ cậu hay đem theo. Nhưng trong bụng thì cứ ngập ngập một cảm giác gì đó rất lạ - Hồi hộp, nôn nao, chẳng khác gì lần đầu nó được lên chợ huyện theo bà Bảy.

Xe lăn bánh rời cổng lớn, bánh nghiến lên con đường đất đỏ gồ ghề. Trời tháng Sáu cao trong vắt, mây vắt ngang như tấm khăn mỏng ai phơi trên giàn bầu. Hai bên là ruộng lúa đang trổ đòng, mùi lúa non mơn mởn quện trong gió, phả vào mặt như mùi da trẻ con sau khi tắm nước lá.

Hữu Sơn ngồi bên cạnh, tay nắm góc ghế, dáng gò lại như sợ ai nhìn. Áo nâu cũ đã được giặt sạch từ chiều qua, là kỹ đến mức không còn một nếp nhăn. Tóc chải lệch, vành tai ửng hồng như lỡ bắt gặp ánh mắt người ta quá lâu.

Cậu Ba ngồi bắt chéo chân, một tay chống cằm, mắt nhìn ra đồng nhưng lâu lâu lại liếc sang bên cạnh. Mỗi lần gió thổi, thấy vạt áo nâu của thằng nhỏ khẽ lay, cậu lại nheo mắt cười thầm.

"Sơn"

"Dạ?"

"Mày chưa từng đi phố huyện với ai à?"

"Dạ chưa, con chỉ đi đưa gạo cho vú Năm ngoài dinh huyện, giao xong thì về liền ạ"

"Ừ, bữa nay đi với tao là đi chơi, không phải đi làm"

Nghe cậu nói thế, nó vẫn không dám cười, nhưng ánh mắt sáng lên như có đèn đốt trong lòng. Cậu Ba ngó sang, thấy cái cách nó mím môi mà mắt long lanh, cậu bỗng muốn nói gì nữa, nhưng lại thôi, chỉ đan hai tay lên đầu gối, thở dài một tiếng nhẹ như khói.

Chợ huyện hôm đó đông nghẹt người. Mùi mắm phơi, mùi khô cá lóc, mùi khói than từ quầy bánh nướng, cả mùi đường thắng kẹo kéo trộn vào nhau khiến người quen phố như cậu Ba phải chau mày.

Cậu đưa tay quạt nhè nhẹ trước mặt, nhưng không than, mỗi lần nghiêng đầu thấy ánh mắt Hữu Sơn nhìn ngó khắp nơi - từ mớ xoài xanh tới mấy cái xe quay tơ.

"Muốn ăn gì không?"

"Dạ... không cần đâu ạ"

"Thích gì, cứ nói, tao không phải ông Hội đồng đâu mà tính từng xu"

Nó ngại, cái ngại của người chưa từng đi chơi cùng ai, chưa từng có ai hỏi xem mình thích ăn gì. Nó lúng túng, mắt nhìn xuống đất, rồi lí nhí:

"Dạ...cậu cho con đi phía sau được không? Con ngại đi cạnh cậu"

"Ngại gì?"

Nó im, một lát sau mới nhỏ giọng:

"...Người ta nhìn"

Cậu Ba ngẩng đầu, thấy mấy bà bán cá đang liếc xéo, miệng chép chép như nhai tin tức. Cũng phải thôi, trai trắng, áo sơ mi phẳng như mặt gương, đi cạnh một đứa con trai áo nâu, chân đất, dáng quê mùa, mặt xinh nhưng cũng không thể kéo lại mấy điều kia.

đúng là chẳng ăn nhập gì.

Nhưng cậu không bận tâm, cậu vẫy tay gọi:

"Lại đây"

Nó lưỡng lự, chân dậm dậm tại chỗ.

"Tao nói lại đây"

Giọng cậu gắt hơn một chút, nhưng ánh mắt không hề giận. Khi nó chầm chậm bước tới, cậu nhếch môi:

"Mày mà bước sau một bước nữa là tao kêu bỏ về đấy"

Hữu Sơn giật mình, vội sánh bước, đi bên cạnh cậu, mặt đỏ như trái mận chín bị nắng hun. Cậu Ba Cường liếc sang, thấy cái tai nó đỏ tới tận cổ. Cậu cười mím môi, không rõ vì hả hê, hay thấy thương quá đỗi.

Qua khỏi dãy hàng rong, cậu Ba ghé tiệm vải. Tiệm này vốn chỉ tiếp khách quen - những người có tiền, biết chọn, và không mặc cả. Ông chủ tiệm vải thấy cậu Ba bước vào thì nở nụ cười tới tận mang tai:

"Ủa, cậu Ba nay ghé tiệm tôi là quý lắm rồi! Cần mua gì ạ?"

Cậu không đáp ngay, chỉ kéo nhẹ Hữu Sơn vào trong, rồi nói:

"Một khúc vải cotton đen than, may áo tay dài, cho thằng này"

Ông chủ tiệm thoáng khựng lại. Đôi mắt già nua nhìn từ đầu xuống chân Hữu Sơn, như cân đo một điều gì đó. Nhưng ông không hỏi thêm, chỉ lẳng lặng gật đầu, quay vào trong lựa vải. Trong lúc tiếng kéo lách cách trên mặt bàn vang lên đều đều, Hữu Sơn quay sang cậu, giọng nhỏ như sợ làm động đến một sợi tơ trong không khí:

"Cậu... mua áo cho con... Nhưng mai về, mợ Hai mà thấy... hỏi, con biết trả lời làm sao?"

"Thì nói là tao mua"

"Nhưng..."

"Nhưng sao?" - Giọng cậu Ba đanh hơn, mắt nhìn xoáy -"Hay mày sợ mợ Hai hơn tao?"

Hữu Sơn đỏ mặt, cúi gằm. Ngón tay cứ mân mê tà áo cũ của mình, giọng khẽ đến mức gần như không thành lời:

"Dạ không phải... Chỉ là... con không muốn người ta hiểu lầm cậu"

Câu nói nhẹ như gió thoảng, nhưng lại khiến cậu Ba khựng người. Một cảm giác âm ấm dâng lên trong lồng ngực, lặng lẽ như ngọn lửa nhỏ cháy giữa đêm đông. Một thằng nhỏ không máu mủ, không ràng buộc, mà biết lo cho tiếng tăm của mình còn hơn sợ bị ghen ghét. Cậu không nói thêm, chỉ thở ra một hơi thật khẽ, dài, như buông xuống một ý nghĩ chưa kịp thành lời.

-•-

Đêm có trăng thượng tuần.

Ánh sáng mỏng như sương, đổ lên mái ngói một lớp bạc lặng thinh. Trong nhà chỉ còn leo lét ngọn đèn dầu, ánh lửa nghiêng nghiêng như lòng người chưa yên. Ngoài đồng, gió thổi về se se lạnh, mang theo hương cỏ mới cắt, ngai ngái mà thanh mát. Căn nhà im ắng, chỉ còn tiếng dế gáy râm ran dưới hiên, như từ một cõi khác vọng về.

Cậu Ba nằm nghiêng trên giường gỗ, một tay kê đầu, mắt nhìn vạt màn mỏng đang đung đưa. Trong lòng cậu, cũng có một điều gì đó lắc lư theo nhịp gió, không tên, nhưng nặng. Như tiếng dế trong bụng - gáy hoài không nghỉ.

"Sơn"

Tiếng gọi khẽ, mà rõ. Từ ngoài cửa, có tiếng đáp:

"Dạ?"

"Vô đây"

Hữu Sơn bước vào, bước chân nhẹ như không dẫm lên đất, áo nâu ban ngày đã thay bằng một cái áo trắng cũ, sạch sẽ, cổ áo gài kín. Nó đứng ở bậu cửa, hai tay vòng trước bụng, mắt không dám ngước lên.

"Lại gần đây"

Nó bước tới. Khi chỉ còn cách giường một khoảng tay, nó đứng lại, cậu Ba nhìn nó, thật lâu, như đang chờ một điều gì trong ánh mắt kia.

"Mày có mệt không?"

"Dạ không"

"Đi cả ngày, còn bảo không mệt?"

"Dạ... con vui"

"Vui gì?"

"Vui... được đi theo cậu"

Một câu nói tưởng như đơn sơ, nhưng gió qua song cửa cuốn đi mất, chỉ để lại trong lòng cậu Ba một cái thắt lại âm thầm như một tấm khăn vừa vắt xong, lại có người đem xoắn thêm một lần nữa.

Không đau, nhưng nhức.

"Sơn này..."

"Dạ?"

"Mày hiền lắm"

"Dạ không... cậu là chủ mà ạ"

"Tao nói mày hiền là vì tao thấy mày hay nhịn. Tao cáu, mày lặng im. Tao gắt, mày cúi đầu. Một phần đúng vì tao là chủ, một phần là vì mày người tử tế"

Hữu Sơn ngẩng đầu lên, ánh mắt mở to, không phải kiểu to tròn vì sửng sốt hay choáng váng, mà là cái mở to của người đang gắng nhìn cho rõ một điều gì đó quá mới mẻ, quá lạ lẫm để lòng kịp hiểu như việc trước mặt nó là ai đó vừa đặt xuống một món quà không bọc giấy, không ruy băng, chỉ đơn giản là một món quà tặng.

Không phải vì thương hại.

Điều ấy rõ đến mức đau lòng.

Trong giọng nói kia không có lấy một mảy may gượng gạo, cũng chẳng có nửa phần áy náy của những kẻ thương xót kẻ khác vì thấy mình dư dả hơn. Mà là một sự công nhận đầy thẳng thắn, dịu dàng, và chạm tới đâu thì chỗ đó trên người Hữu Sơn như muốn tan chảy ra đến đấy. Lần đầu tiên có người nói với nó như vậy, mà nói ra như thể chuyện ấy là điều hiển nhiên như từ đầu đến cuối, người kia đã nhìn thấy nó một cách trọn vẹn nhất.

Cậu Ba hơi cúi mặt, giọng chùng xuống:

"Mai tao dạy mày đọc chữ Tây"

"Dạ?"

"Mỗi tối, mày vô đây, tao dạy. Ghế kia, ngồi đó, nhớ ngồi đúng"

"Dạ..."

"Ngồi sai, tao đuổi"

"Dạ..."

Một nụ cười thoáng qua môi cậu Ba. Rất nhẹ, như một vệt nắng lặng lẽ cuối chiều.

"Về ngủ đi"

Hữu Sơn không nhúc nhích ngay, nó đứng thêm một chút, mắt ngó tấm lưng quay lại của cậu Ba, rồi nói khẽ, như sợ làm động đêm:

"Cậu Ba..."

"Gì?"

"Con không biết... có học được không, nhưng... cậu dạy, em sẽ ráng"

Một câu nói nhẹ như hơi thở, nhưng làm cậu Ba phải nhắm mắt lại. Môi mím chặt, như đang nuốt xuống một cái gì nghẹn nơi cổ.

"Ừ, ráng đi'

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip