Chương 49. Cận kề

Người ta vẫn thường ví von "thời gian trôi như chó chạy ngoài đồng". Nhưng xem chừng phép so sánh này không đúng lắm với đám học sinh cuối cấp nọ. Những ngày này đối với chúng hệt như những tia nắng chiều, không gấp gáp, không thúc giục, không lao qua vun vút, nhẹ nhàng đấy, lặng lẽ đấy, ẩn mình và có vẻ dịu êm đấy, nhưng thoắt cái đã nhấp nháy trên ngọn cây, trải xuống gốc bàng rồi lại đột ngột núp mình sau tầng mây cuộn sóng, hay tan biến trong cái sâu thẳm của đêm đen.

Đến lúc bọn học trò nhận ra sự chậm rãi và yên ả nối nhau chẳng qua chỉ là một cái bẫy thì đã quá muộn. Kỳ thi đến ngày một gần.

Mặc kệ những mệt mỏi và áp lực của tụi nó, những kì thi thử, kì khảo sát vẫn đến dồn dập. Điểm thi thử tất nhiên là điểm thật, với mục đích giúp học sinh chọn được ngôi trường phù hợp. Những môn học không thi cấp 3 nhường lại bục giảng cho ba môn Toán Văn Anh. Thế nhưng chúng nó vẫn buộc phải thi học kì tất cả các môn để lên lớp.

Không chỉ đám học sinh, các thầy cô cũng bắt đầu sốt ruột. Mỗi người bày tỏ sự quan tâm một cách khác nhau. Người tăng cường dạy thêm giờ, giao nhiều bài tập và chỉnh đốn lũ học trò gắt gao hơn, người thì nhẹ nhàng khuyên bảo, lo lắng hỏi thăm từng bữa ăn giấc ngủ.

Trong giờ thi môn Địa lý, cô Vy lén lút nhắc bài cho Yến - trông con bé như thể đang cần gấp một chai nước biển. Giờ thi Giáo dục công dân, cô Nga tuyên bố rằng mình tạm thời mù và điếc nên chúng nó có thể mặc sức làm gì thì làm, miễn là không ồn ào quá mức. Bách Khoa dám thề rằng mình đã trông thấy thầy Quang liếc qua tờ phao Sinh nó giấu dưới ngăn bàn nhưng thầy chỉ khẽ hắng giọng rồi đi về phía bàn giáo viên.

Lần đầu tiên trong cuộc đời Thanh Giang phải quay sang chép bài Bách Khoa trong giờ thi Địa. Bài thi Lý của Lam Khôi được lén chụp dưới ngăn bàn rồi tuồn đi khắp lớp. Nhỏ Thư chìa bài của mình ra cho bắt cứ ai trong tầm với. Duy Long dùng khẩu hình miệng để nhắc bài cho thằng Tiến dãy bên. Hầu hết tất cả chúng nó đều đang dốc hết sức cho kỳ thi lớn phía trước nên chẳng ngại ngần mà giúp đỡ nhau.

Những tiết học bắt đầu từ 5 giờ sáng, tự nguyện và hoàn toàn miễn phí. Cuối mỗi tiết học, thầy Quang còn phát tiền ăn sáng cho chúng nó. Vật chất quyết định ý thức, chưa gì đã thấy bọn thằng Phúc, thằng Tiến, thằng Khoa chụm đầu bàn bạc:

"Mỗi buổi thầy cho mình hai chục. Còn khoảng nửa tháng nữa là thi cấp ba... Vậy thì bét nhất anh em mình mỗi thằng cũng phải thu được hai trăm..."

Xui cho chúng nó là những toan tính "xã hội đen" đó đã bị thầy Quang nghe thấy. Thầy hắng giọng:

"Mấy cậu cứ thi đỗ đi rồi hai mươi triệu tôi cũng đưa!"

Những ngày này dù thầy Quang vẫn nghiêm khắc và khắt khe nhưng chúng nó chẳng đứa nào thấy sợ. Những gần gũi và gắn kết bộc lộ cận kề thời khắc chia xa.

Phúc nhe răng cười hì hì:

"Tất nhiên là phải đỗ rồi thầy!"

Tiến hùng hồn tuyên bố:

"Trang nam nhi nói được làm được! Nhưng bọn em không lấy tiền của thầy đâu, hai mươi triệu thì quá đáng quá..."

"Mười triệu là được rồi ạ!" Bách Khoa nhanh nhảu vọt miệng.

Trong tràng cười của đám bạn, thầy Quang gõ đầu mỗi thằng một cái rồi quay lại với bài giảng.
Chính những khoảnh khắc như thế đã trở thành chỗ dựa tinh thần sau những giờ vùi đầu vào đèn sách.

Đám học sinh ùa hết ra hành lang. Những thùng đựng mì trộn, hamburger, trà sữa chất đầy trước cửa lớp. Chúng nó hào hứng như thể chuẩn bị mở tiệc. Người duy nhất không có vẻ vui vẻ là thằng Phúc, nó vừa nhìn quanh vừa làu bàu:

"Y như cái trại tị nạn!"

"Tị nạn kệ bọn tao! Có cái hốc là được rồi!" Tiến vừa nhai vừa nói.

Long bật cười. Mẹ thằng Phúc bán hàng trong chợ, ngay gầu gánh hàng của bà lang nên nó chẳng lạ gì gia cảnh thằng này. Gia đình có của ăn của để, vài miếng đất ở ngoại ô và cấn nhà
trong thành phố. Vốn thích cuộc sống yên bình và ham tám chuyện, mẹ Phúc vẫn duy trì quán đồ ăn vặt cả chục năm nay, thân thiết với biết bao bà con thị trấn. Tính tình xới lới, hào phóng, đặc biệt là bán hàng vì đam mê, mẹ nó sẵn sàng chu cấp đồ ăn miễn phí cho đám nhỏ.

"Bà mẹ hào phóng bao nhiêu thì thằng con keo. kiệt bấy nhiêu." Đó là lời nhận xét của Bách khoa. Biết là không nên nghĩ xấu bạn bè nhưng Long cũng thấy điều đó đúng. Bằng chứng là Phúc đang cầm máy tính âm thầm tính toán tổn thất để sau nay "đòi nợ".

Hoài Xuân len qua đây bạn tới bên thùng nước. Đám nhóc nháo nhác xô đẩy nhau. Cả góc hành lang rận ràng tiếng nói cười.

Ngồi giữa lưng chừng cầu thang, Bách Khoa nhin Thanh Giang tựa lưng vào tương, hộp mì còn một nửa đặt bên cạnh. Nắng chênh chếch rọi xiên qua tán cây. Hai đứa ngồi bên nhau, lặng im. Cái lặng im lạ lùng từ lâu đã không còn chen giữa chúng nó, đẩy chúng nó xa nhau.

"Giang nè." Bách khoa ngập ngừng.

Nhỏ khẽ ngẩng đầu lên, đôi mắt mở to nhìn cậu bạn

"Sắp... sắp tới ngày điều nguyện vọng rồi..."

"Tao sẽ vào chung trường với mày." Thanh Giang đáp ngay lập tức, hân hoan và vững chắc.

Đến lượt đôi mắt Bách Khoa mở to hết cỡ, không giấu được vui mừng, suýt nữa nó đã ôm chầm lấy nhỏ.

Nhưng tiếng nhỏ Thư, thằng Long chẳng biết từ đâu lại đột ngột vang lên. Đám bạn nó reo ầm.

"Chuyến này giang thủ khoa chắc luôn!"

"Vừa thủ khoa vừa làm vợ Khoa!"

"Bao giờ đám cưới thế?"

Những lời trêu ghẹo của đám bạn khiến thẳng khoa liến láu mọi bữa lúng búng như bị nhét giẻ vào mồm. Nghĩ đến ý định bộp chộp hồi nãy, nó vừa nhẹ nhõm lại vừa xấu hổ tận. Mặt đỏ bừng, nó len lén liếc nhìn Giang, trông nhỏ cũng chẳng khá hơn nó chút vào. Nhưng hình như, khóe môi nhỏ đã thoáng qua một nụ cười. Khoa chợt thấy lòng mình bâng khuâng quá đỗi...

.

.

.

Lam Khôi đã chuyển hẳn về nhà mẹ để tập trung ôn thi. Không ai lên tiếng đả động đến chủ đề này nhưng gần như chiều nào cũng có đứa ghé qua thăm hỏi, lần nào Long cũng phải mua thêm món gì đó cầm theo, Bách Khoa cực hợp cạ với thằng nhóc Lam Trường, đám con gái giúp dọn dẹp, đôi lúc cũng chạy ra phụ mẹ thằng Khôi bán hàng. Lam Khôi vẫn từ chối tiếp chuyện nhưng ít ra nó không đứng dậy đuổi cả đám về như mấy ngày đầu.

Thi thoảng chúng nó rủ nhau ra quán cà phê đầu ngõ học bài. Nói vậy thôi chứ có mỗi mình thằng Khoa học. Khung cảnh quái đản đó khiến ai đi qua cũng phải ngoái lại nhìn.

Ly và Thư vướng lịch học thêm, Lam Khôi không thêm đọc tin nhắn nên chỉ còn bốn đứa Khoa, Giang, Long, Xuân ngồi với nhau. Giang tựa người ra phía sau, khẽ ngân nga theo tiếng nhạc, thi thoảng trả lời những câu hỏi của Bách Khoa. Duy Long nhìn quyển vở trắng trơn của Hoài Xuân, chép miệng:

"Người từng thách tôi lên top 10 để tôi chịu học, bây giờ lại không thèm học chữ nào!"

"Mày thích đá đếu không thằng kia?" Hoài Xuân hắng giọng.

"Dạ, không dám." Duy Long vừa cười, vừa đưa tay xoa đầu nhỏ bạn, ngôi sao nhỏ trên chiếc vòng đôi ánh lên màu nắng.

"Ê!" Thanh Giang đứng bật dậy. "Tao còn ở đây nhé!"

Bách Khoa thở dài:

"Study date, tôi study, bạn date."

Phía sau quầy, tiếng ông anh chủ quán vang lên:

"Tao mách bà mày nghe Long."

.

.

.

Thời gian lại thấm thoát trôi qua. Những buổi cà phê, những chuyến đi dạo, những ngày cùng nhau bên chiếc đần, những lời ca đan xen trong nắng, trong những cơn mưa bụi bất chợt, vang vọng trong phòng học quen thuộc và xôn xao một góc trong tim. Những khoảnh khắc chỉ có hai đứa với nhau, Hoài Xuân đã cho phép bản thân nhắm mắt lại.

Đã lâu rồi nó không còn tới bệnh viện, và cũng lâu rồi nó không nhắc nhở bản thân về cái tương lai mà mình sẽ bỏ lỡ.

Cứ mỗi khi đến hè, Duy Long lại cảm thấy sợ, sợ cái thứ gọi là thời gian. Nhưng lúc này đây, thời gian như một cuốn phim ngưng đọng, vừa tua lại kỉ niệm nhưng cũng vừa tiếp tục chảy trôi, nó chợt nhớ tới một ký ức xưa cũ, hoặc có lẽ là mới đây thôi nhưng những lo toan và cảm xúc chớm nở của tuổi mới lớn đã khiến long xếp nó vào một góc tối phủ đầy bụi.

Đêm hè oi ả năm ấy...

"Ơ, muộn rồi bà còn đi đâu thế?"

"Bà ra đầu ngõ mua ít đồ ấy mà."

Long đứng bật dậy:

"Để cháu đi mua cho!"

"Lo ở nhà ôn bài đi, bà tự đi được."

"Không được! Để cháu đi với bà!"

Bà cưới xoà, chịu thua:

"Được rồi! Lắm sự quá cơ!"

Không biết từ bao giờ, Long đã cao vọt lên, và bà bỗng hóa nhỏ bé. Hai bà cháu đi bên nhau, vẫn như ngày nào, nhưng nó cảm giác thời gian của bà đang dần chảy qua nó, kéo dài những tháng năm của nó, còn cuộc đời bà cứ ngày một ngắn lại.

"Bà ơi." Nó cất tiếng gọi, như một thói quen.

"Sao vậy Long?"

"Cháu nắm tay bà được không?" Nó tinh nghịch nói thêm. "Cho khỏi lạc ấy!"

"Cha bố ông! Nay mắc cái chứng gì vậy ?

"Tự dưng cháu nhớ ngày xưa quá bà ạ!"

Bàn tay bà hằn những vết chai, nhưng mềm mại và nhỏ nhắn, nằm gọn trong lòng bàn tay nó. Nó bất chợt nhớ đến một câu văn của Ocean Vuong:

"Tay mình không cầm gì ngoài tay nhau."

.

.

.

"Long ơi!" Tiếng gọi của Bách Khoa kéo nó về thực tại.

Vừa chạy theo thằng bạn, nó vừa bâng quơ nghĩ: Hình như hôm nay là buổi học của cùng.

Long thầm nghĩ, không biết có phải ngày cuối nào cũng giống nhau không, vì chỉ vài ngày trước thôi là ngày cuối nó gặp bà.

Lặng lẽ giấu vật nhỏ đeo trên cổ vào trong áo, thuỷ tinh cọ vào lồng ngực nó lạnh toát, Long gọi với theo Bách Khoa:

"Từ từ thôi! làm gì như ăn cướp vậy mày ?"

9A4 hân nay cũng chẳng khác gì ngày, thậm chí còn có phần rộn ràng hơn.

"Mang sang bên này đi!"

"Ê, tao nữa!"

" Bút đâu hết với ?"

"Èo, chữ mày xấu thế?"

Cô Nga gõ thước xuống bàn, mắng:

"Gì mà như cái chợ thế này? Về chỗ coi, học hành láo nháo thì đỗ kiểu gì?"

Phúc trề môi.

"Cũng biết lo cơ đấy! Sao có bảo không thèm quan tâm bạn em cơ mà?"

"Ai quan tâm đâu. Tôi chỉ sợ sự anh chị trượt, thể là năm sau lại phải gặp nhau tiếp!"

Đúng lúc đó thằng Tiến chạy hồng hộc vào lớp, không để ý cô Nga đang ngồi trên bàn, nó thoải mái văng tục:

"Tổ sư! Đứa nào đồn ngày cuối sẽ tự động đến lớp sớm vậy? Tao ngủ quên suýt bị bảo vệ đuổi về đây này!"

Chúng nó phá lên cười nhưng vì câu nói của thằng tiến, vài đứa cũng ngớ người nhìn nhau. Chúng nó đã quên mất thời gian là gì. Việc một ngày nào đó sẽ không còn gặp nhau nữa không có đứa nào là chưa từng nghĩ đến, thậm chí điều đó dần trở thành chủ đề thường trực trong các cuộc nói chuyện của đám học sinh cuối cấp.

Nhưng hệt như đứa bé ngồi dưới khoảng sân nhỏ và ngóc cổ lên nhìn mấy, thấy là lạ, hay hay, ngồ ngộ nhưng chưa từng hình dung một ngày mình sẽ chạm tới.

Nhưng một ngày, mây sẽ hóa thành mưa. Những ngưng đọng của thinh không vây kín từng xáo động trong lòng người.

Trước mắt chúng nó, nào là bút bi, bút màu, lưu bút, sổ tay và màu áo đồng phục trắng tinh.

Cô Nga đành đầu hàng, để mặc bọn trẻ bâu lấy mình, ký tên hết lần này đến lần khác như buổi fan meeting.

Đám học sinh nhốn nháo và ồn ào hẳn lên. Chẳng đứa nào còn quan tâm đến trật tự lớp học, à mà bình thường chúng nó cũng có quan tâm đâu. Nhỏ Thư lăng xăng chạy khắp nơi với chiếc áo trắng và cây bút lông dầu.

Trong cơn hỗn loạn đó, Duy Long âm thầm ngồi xuống bên cạnh Hoài Xuân. Nhỏ đang mải nói chuyện với nhỏ Duyên dãy bên. Long đoán là nhỏ sẽ giật mình khi nhìn thấy nó. Nhưng không, tất cả phản ứng của nhỏ chỉ là khẽ nghiêng đầu rồi nhoẻn miệng cười, đôi mắt cong cong như lười liềm nhỏ. Rốt cuộc người tròn mắt ngẩn ngơ lại là nó.

"Ngay từ lúc mày vừa đến tao đã biết rồi. Mày không giỏi làm điệp viên đến thế đâu!"

"Chứ không phải do Hoài Xuân là đối tượng khó do thám à?"

"Nói gì vậy?" Nhỏ cong môi.

Khó do thám cái con khỉ! Lúc nào thằng nhóc này cũng như đi guốc trong bụng nó. Một mùi hương thân thuộc quanh quẩn nơi cánh mũi, một bóng hình quen thuộc lưu lại nơi đáy mắt, một giọng nói quen thuộc ngân hoài bên tai. Nó sẽ luôn nhận ra cậu, dù không có cậu kề bên.

Áo của Thanh Giang và Bách Khoa tình cờ được truyền đến bàn hai đứa nó cùng lúc. Hoài Xuân bật cười khúc khích khi nhìn những câu từ "chan chứa tình cảm" trên áo của Bách Khoa. Từ những lời chúc đầy chân thành như  "chúc bạn sớm được ăn cơm nhà nước", "chúc bạn sống sót sau kì thi", "mong mày sớm thành tướng cướp về chia tài sản cho anh em", đến mấy câu hăm dọa đòi nợ rồi viết nhăng viết cuội lời nhạc chế. Trong lúc Hoài Xuân tò mò đọc những lời chúc "đằm thắm" hơn trên áo Giang thì Duy Long nheo mắt lật hết mặt trước rồi mặt sau, lâu la đến mức chính chủ còn sốt ruột.

"Long ơi là Long! Áo tao đã được đưa vào viện bảo tàng đâu mà mày xét kĩ thế!" Khoa lắc đầu nhìn thằng bạn.

"Mấy con người này có lẹ lên không hả?" Thanh Gianh cũng bước tới giục.

Duy Long tròn mắt hết nhìn đứa này lại ngó sang đứa kia:

"Hai đứa mày chưa kí áo nhau à?"

Bách Khoa chợt khựng lại còn Thanh Giang đột nhiên đỏ bừng mặt. Hoài Xuân reo lên đắc thắng:

"Sợ bọn tao đọc được nên không dám viết à?" Hèn đến thế là cùng!"

Duy Long nháy mắt, bá cổ thằng bạn:

"Định gửi gắm tâm sự gì đây?"

"Bỏ bố mày ra!" Bách Khoa giật lại chiếc áo rồi hằm hằm bỏ đi.

Thanh Giang cũng vội lẩn tuốt phía cuối lớp.

"Hai cái đứa này!" Long chậc lưỡi. "Ai cũng biết cả rồi mà còn ngại!"

Hoài Xuân không đáp, nó đang mải mân mê chiếc áo đồng phục đã ngả màu của cậu. Ở mặt trước, góc trên, bên trái là chữ ký của nó, của Lý An Hoài Xuân. Ngay khi nó vừa đến lớp, cậu đã ngay lập tức chạy về phía nó, để nó đặt những nét bút đầu tiên trên miền trắng loang màu ký ức ấy.

Chiếc áo của nó gấp gọn dưới ngăn bàn, chỉ có duy nhất chữ ký của Phan Duy Long. Những người bạn còn lại, nó để mọi người kí vào quyển lưu bút. Quyển sổ nhỏ chuyền hết từ tay người này đến tay người kia, lưu lại những hoài vọng và hồi ức. Một cuốn hộ chiếu trong chuyến đi không khứ hồi.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip