ĐỌC XONG SẼ THẤY RẤT DZỄ SỢ11/12

*****

45) Xưa có kẻ sĩ kia lúc trẻ cũng từng thi đậu khoa bảng rồi ra làm quan trong triều, sau thì cũng thăng quan tiến chức, một đường công danh rộng mở.

Rồi khi chân tóc đã điểm bạc thì đáy lòng cũng lạnh, chí hướng cũng phai dần, do tự cảm thấy bản thân không còn hợp với mấy chuyện đấu đá tranh tối tranh sáng chốn quan trường nên mới quyết định cáo lão hồi hương, lui về làm một sĩ phu áo vải, ngày ngày đi thăm thú đó đây gặp gỡ bạn bè, có hứng thì làm thơ, có cảm thì vẽ tranh, còn không thì quanh quẩn chút chuyện ao cá ruộng vườn tằm dâu châu bể.

Làm người mà một khi đã tự mình bước đi được rồi thì tự khắc sẽ có cảm ngộ, tâm cảnh sẽ thanh cao, lòng dạ tự biết cân đo để không đem theo mình nhiều vướng bận. Vậy nên dù làm quan đã lâu nhưng lúc về vườn thì trong nhà trọng bảo cũng chỉ có bút nghiên giấy mực cùng mấy bức họa đồ làm điểm nhấn, việc công chỉ can chứ không dự, còn việc riêng thì từ lâu đã thu xếp đâu vào đó.

Đến một ngày vị đó thuận đường nên ghé thăm bạn cũ rồi cũng tùy nghi mà tặng bạn bức tranh sơn thủy do tự tay mình vẽ, lạ ở chỗ là tranh này lúc xuống bút thì chỉ vẽ cảnh rồi cuộn lại nhưng nay khi mở ra thì trong cảnh lại có người, là hình bóng một nữ nhân áo đỏ thấp thoáng nơi chân núi đang dần dần tiến tới, mỗi lúc nhìn thì lại càng thấy gần hơn, trong cảnh cũ không đổi mà dần thấy hiện rõ mặt người.

Thân làm bạn bè thì trước là để phân ưu, sau tâm sự rồi cuối cùng thì mới nghĩ tới chuyện chung vui, vậy nên người bạn kia khi thấy có chuyện lạ thì mới lo lắng giúp tâm giao, quyết định bỏ buổi tiệc tẩy trần để đưa bạn cùng bức tranh tới gặp một ông thầy cao tay ấn nổi danh ở xứ này.

Ông thầy vừa nhìn bức tranh thì đã phán: "Tranh này chỉ dùng mực thường giấy tạm mà lại họa nên mối nhân duyên, bất thường là ở chỗ đầu dây trong tranh thì sợi đỏ chỉ hồng nhưng đầu ở nơi xa xăm thì chìm dần trong bóng tối chớp tắt. Vậy nên muốn giải được họa này thì đầu tiên mong tiên sinh nói thật, đó là dạo gần đây tiên sinh có quấy quả chuyện gì hay có gặp phải duyên lạ gì với ai đó ở cõi âm hay không?"

Thế là sĩ phu đó mới suy nghĩ một hồi rồi vỗ trán mà giật mình nhớ ra, vừa nhớ thì đã thở dài rồi ưu tư tâm động.

Đó là cách đây mấy tuần trăng ông ta có đi ngang qua một trang viên rồi nghe thấy tiếng khóc lóc thê lương của người bên trong. Hỏi thăm thì mới biết rằng trong trang viên có cô tiểu thư tuổi vừa tròn thì bỗng nhiên đột tử ngay trước ngày xuất giá, nhìn áo hoa đã mặc, phấn đã điểm, trâm kia đã cài nhưng xác nữ nhi lại lạnh nên thân nhân phu phụ mới không kìm được thương tâm mà khóc to đến như thế.

Rồi chính kẻ làm khách như ông ta cũng thấy thương cảm, thế nên khi đã rời khỏi thì sĩ phu mới quay đầu nhìn lại rồi bộc phát xúc động mà lấy đó làm nền tâm tư để họa ra bức tranh sơn thủy này. Ai ngờ đâu trong vô ý mà lại có tình, còn trong thiên khung này thì đâu có ai đủ cao thâm để đoán hết được cách mà chữ tình kia nó ly loạn.

Như người xưa hay nói trong thơ có ý trong cảnh có tình, trong non xanh có chân tình nghi ngút, đến sỏi đá vô tri cũng biết sầu bi ly hận, huống hồ gì đây là một tiểu mỹ nhân thân còn giấu trong rèm châu khuê các chưa một lần xuất giá nên đôi.

Trách sao được, không sao trách được...

Ông thầy tâm linh kia nghe xong đầu đuôi cơ sự thì mới bấm quẻ rồi giải rằng: "Nhân sinh tất phải có tình trường, đây là quẻ tơ đoạn, người còn tình còn, người mất tình mất, bàn xa thì là hợp duyên để nối tiếp giống dòng còn bàn gần thì cứ gọi tạm là nhân sinh thường tình, là chuyện của người sống với người sống. Nhưng nếu hồn nơi cõi âm mà vẫn còn cố kết duyên với người nơi trần tục thì chính là trái đạo, người không hiểu thì gọi đó là nghiệt duyên còn người đã thấu rồi thì tất phải xếp nó vào hàng vô pháp, bất hợp lẽ thường, tức chỉ có trừng hoặc trị chứ không được dung tha.

Như thân ta là kẻ hành đạo, cũng coi như là người hiểu, nhưng nói gì thì nói bản thân người trong cuộc thì vẫn luôn hơn kẻ ở ngoài. Vậy nên ta sẽ nói cho tiên sinh hai cách để tiên sinh tự chọn, rồi dù tiên sinh có chọn như thế nào thì ta cũng sẽ tận lực giúp đỡ cho tiên sinh.

Một là tiên sinh tự đưa thân mình ra gánh chịu, nhân tự mình gây ra thì cũng tự mình lãnh quả hoặc dung họa. Cách thức là tiên sinh hãy hợp hôn với nữ hồn kia, bản thân ta sẽ là người chứng lễ cho cùng lúc hai cõi âm dương, để lễ xong rồi thì hoặc tiên sinh theo hồn nữ đó về âm giới hoặc cả hai sống cùng nhau trên dương trần với phí tổn chính là dương thọ của tiên sinh, cứ tính một ngày phu thê bằng trăm ngày thọ mạng, càng lúc càng yếu dần cho tới chết.

Và cách thứ hai thì chính là trừng trị, để ta ra tay dụng thuật mà đánh cho tan tác cái nữ hồn kia. Cái khác thì ta không dám chứ riêng cái chuyện diệt hồn mà đặc biệt là thứ hồn không danh không phận chưa qua tu luyện bài bản ngày nào như tiểu nữ cô hồn này thì ta cam đoan sẽ không di họa gì cho tiên sinh, khi xong việc thì coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra cả.

Vậy mong tiên sinh hãy nói cho ta biết là nên làm như thế nào?"

Kẻ sĩ kia nghe xong thì mới nhìn vào bức tranh rồi tự nhìn lại mình, cuối cùng thì mới dứt khoát chắp tay cúi đầu với ông thầy kia mà nói rằng:

- Thân làm người có học, nếu khí lực không đủ để làm người quân tử thì cũng quyết không đê hèn mà làm kẻ tiểu nhân. Xin hãy làm theo cách thứ nhất, để ta được tự đem thân này ra mà làm vơi bớt chút bi ai của nữ hồn kia. Đời này ta sống coi như đã đủ, nếu được bỏ đi chút đoạn thừa cuối cùng mà đổi được chút chân tâm mắt lệ của nữ nhi khổ nạn thì không gì thỏa hơn được nữa.

Sau đó thì ông ta nhìn qua bạn của mình, chắn ngang tay mà nói tiếp rằng: "Lòng này ta đã quyết. Nếu thật là tâm giao thì hãy hiểu rồi uống chung với ta chén rượu mừng mà cũng là rượu cay đưa tiễn, xin đừng nói tiếng nề hà, ngăn cản."

Cả ba người đều là bậc trượng phu, nói một lời là một lời, vậy nên kế tiếp thì cứ y vậy mà làm theo.

Rồi đúng nửa đêm không trăng không sao, mây đen phủ mịt đến tận chân trời, trong căn phòng với ba đầu lửa mờ mờ đến từ ba bấc đèn cháy tạm, một trong tay ông thầy đang đóng vai chủ lễ, một trong tay người bạn với vai trò chứng hôn, cuối cùng là trong tay kẻ sĩ đang mang màu áo lễ.

Chú rể, song thân, khách mời đều đã có đủ, vậy nên đến lượt hồn cô dâu xuất hiện.

Giờ linh đã tới, canh khuya ba khắc gió thổi tắt ngọn đèn, khi lần nữa thắp lên thì cũng là lúc từ trong bức tranh nữ hồn kia hiện ra rõ rệt, bước như bay mà nhập phòng hôn lễ.

Hơi lạnh tỏa khắp phòng, đầu làng cuối xóm gà chó như đang bị ai bóp cổ mà không vang ra được một tiếng nào, khi nữ hồn đó từng chút từng chút lướt tới gần chú rể thì gió đứng yên khiến ngọn lửa đứng nghiêm, sáng tỏ rõ ràng chứ không chút nào le lói chập chờn.

Âm trần cách biệt, lòng không sợ thì lưng gáy cũng nhợn, lúc này dù đã được báo rồi được chuẩn bị trước thì cũng khó trách nếu như trên gương mặt của ba nam nhân kia thấp thoáng nửa nghiêm trọng nửa đề phòng, khiến dù tiết trời đang khô lạnh nhưng mồ hôi vẫn cứ chảy ròng ròng sau lưng áo.

Tiếp theo khi ông thầy chưa kịp lập trận trấn linh thì nữ hồn kia đã lướt nhanh tới ngay sát mặt chú rể, một tay tự vén khăn một tay vẫy cho ngọn lửa bừng cao lên để nhìn, vừa nhìn thì đã xì ra một tiếng bực mình: "Ô, già thế rồi kia à?"

Kế tiếp thì hồn nữ liền bĩu môi mà quay lại cảnh trong tranh, khúc cuối trước khi nhập vào thì vẫn không quên quẫy mông xì thêm một tiếng chê bai đầy bực bội rồi mới chịu ra đi.

Đi là đi luôn, không còn một chút luyến lưu gì với trần gian này nữa, đặc biệt là với mấy ông già.

*

46) Ngoài cổng làng có hai cái miếu nằm cạnh nhau, một cái miếu thần hoàng với một cái miếu thổ địa.

Vấn đề là với miếu thổ địa thì ngày nào các bà các mợ đi chợ ngang qua cũng đều ghé vô để đặt cái bánh cái trái rồi thắp hương cúng bái này nọ, còn miếu thần hoàng thì phải năm thì mười họa mới có người ghé vô, mà cũng chỉ là ghé để vái một cái cho phải phép rồi đi chứ chẳng ai lễ lộc gì. Bởi vậy thần hoàng tủi thân lắm, lúc nào cũng ngồi cả ngày để nhìn thổ địa với ánh mắt vừa hờn vừa tủi vừa ghen tỵ.

Thế là đến một ngày thần hoàng mới quyết định mặt dày mà đem chuyện trong lòng ra để tâm sự kể khổ với thổ địa, cơ bản là đói lắm, khổ lắm, tủi lắm.

Thổ địa nghe xong thì mới phe phẩy cái quạt mà nói móc lại thần hoàng:

- Ô hay, ông nói thế là thế nào, luật Trời đã định ra là ông ăn miếng lớn còn tôi thì ăn miếng nhỏ, rồi phép nước lệ làng cũng đã làm y như thế, chẳng phải mỗi năm người ta đều cúng lớn cho ông hai lần vào độ giáp hạt với khai xuân rồi còn gì. Vậy ông còn muốn thế nào nữa?

"Thì biết thế, nhưng mà vẫn đói lắm, tủi lắm, thương tâm lắm. Đây, ông cứ nhìn tôi là biết, mỗi năm được cho ăn có hai bữa nên nó tong teo hết cả rồi đây này. Ông xem có cách nào giúp tôi hay không?"

Thổ địa tốt bụng nên cũng tốt tính, bị thần hoàng mè nheo suốt mấy ngày thì cuối cùng thổ địa cũng quyết định chia lộc cho thần hoàng. Cách thức là miếu giữ nguyên nhưng tượng thì đổi chỗ, hai bên chuyển nhà để thần hoàng sang đây rồi thay thổ địa hưởng chút hương hỏa của nhân gian.

Thần hoàng kỹ tính, trước khi bắt đầu thì cũng có hỏi thăm thổ địa về kinh nghiệm chiếu cố cho chúng sanh. Thổ địa thật tình có sao nói vậy, cũng đơn giản thôi, chỉ cần mỗi lần các mợ tới cúng với thắp hương xong rồi vuốt bụng của thần để lấy may, thì mình chỉ cần cười lên mấy tiếng để ban phúc cho họ là được.

Chiếu là đặt tay lên trán để giúp tâm họ an, cố là tặng cái nhìn cho người thêm vững bước, còn ban thì cứ lấy tiếng cười để bổ sung thêm vận khí phúc phần cho họ là được rồi. Chợ ngắn nhưng mỗi ngày, còn đời dài thì lại chỉ có một, chuyện buôn bán được mất thế nào thì cứ để tự nhân gian suy tính còn mình thì chỉ cần giúp họ chân cứng đá mềm đi đến nơi về đến chốn là được rồi.

Chuyện tâm linh nó chỉ giản đơn như thế, sinh lão bệnh tử không cần can thiệp, bởi chính cái chuyện tất thảy đều trong tư mệnh mà lại cùng chung trải qua hết từng đó thì bản thân nó đã là pháp tắc của tâm linh.

Thần hoàng về chuyện tu luyện lâu năm có thể không bằng thổ địa nhưng mà về chuyện chữ nghĩa hạnh đạo thì chắc chắn phải hơn, bởi hồi giờ người ta chỉ thỉnh chữ của thần hoàng chứ có ai thỉnh nét nào của thổ địa bao giờ đâu. Vậy nên vừa nghe thổ địa bày vẽ thì thần hoàng hiểu ngay, hiểu xong thì nhếch mép vểnh râu cười:

"Thế thôi à, dễ đến thế lận kia à? Nói chung là cứ ngồi ưỡn bụng ăn rồi cười thôi chứ gì? Gì chứ cái này thì tớ nhắm mắt cũng làm được. Né ra, để tớ ngồi."

Thổ địa gật đầu rồi chuyển chỗ, coi như nhịn ăn để giảm cân một ngày. Cứ vậy mà qua hết một mặt trời rồi khi canh sương điểm mõ thì thổ địa mới vác bụng đi sang để xem thử ngày hôm nay thần hoàng kia đã làm ăn như thế nào, có tăng thêm được lạng nạc nào hay không?

Khi qua đến nơi thì thổ địa mới hết hồn khi thấy thần hoàng đang nằm ngã ngửa ra, tay chân cóng hết lại, mắt trợn ngược còn râu tóc thì bù xù như rễ tre, quần áo rách nát không còn chỗ nào nguyên lành, nhìn thảm thương không sao kể xiết.

Thổ địa thấy vậy thì mới truyền cho chút pháp lực rồi cố lay cho thần hoàng tỉnh lại, vừa lay vừa liên hồi: "Sao thế? Sao thế? Là thứ yêu ma quỷ quái nào đã làm ông ra nông nỗi này? Nói để tôi biết mà còn thượng đình để kiện giúp cho ông."

Được một hồi thì thần hoàng mới có lại chút hơi, sau đó thì thều thào giống như đang hấp hối:

- Mấy bả vuốt...mà tôi không có bụng...nên mấy bả vuốt trượt xuống dưới...rồi mấy bả chụp...rồi mấy bả giật...giật...giật...cứ nghiến răng nghiến lợi mà giật...hu hu hu...ông xem giúp tôi xem...là nó còn hay đã đứt...

*
Trương Lang Vương

*"*"*

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #list#truyen