3. Lửa nhóm trong tro


Lần đầu Lâm Anh đến ngôi nhà này, trời cũng mưa.

Mưa đầu mùa, nặng như đè xuống vai, gió thốc qua bờ sông Bến Lẻ, táp nước ràn rạt lên mặt đất nứt nẻ. Một lão chài chèo thuyền vào bờ sớm để tránh giông thì thấy bên chân cột đá có một cô gái nằm nép dưới gốc gạo già, người ướt sũng, tóc rối bết, tay ôm vạt áo rách, run lên từng cơn.

Tưởng là người say, ông lay thử nhưng người nọ không phản ứng, mắt cô gái vẫn mở, mở to, tỉnh, mà lặng ngắt. Như thể đã nhìn thấy quá nhiều và giờ không muốn thấy gì nữa.
Ông gọi người làng. Người đến xem, bàn tán ồn ào, rồi quyết định đưa cô gái về đình. Mấy bà già bảo

"Không giống gái nhà chắp vá, chân tay trắng thấy ghê, nhìn là biết không quen làm nặng. Có khi điên đó mà cũng không chừng mới đào thoát từ đâu."

Không ai dám giữ lâu nên đành đem đến báo quan. Nhưng quan tri phủ lúc ấy là Trần Thâm sợ phiền, vào thời loạn hắn chỉ muốn xử lí những việc liên quan đến thuế má nên đùn đẩy.

"Nếu không phải xác chết, thì giao về cho Trịnh Văn Kỳ mà xét. Vùng ấy xưa nay vốn do ông ấy trông giữ bình an, có gì thì tự ông ấy xử lý."

Thế là Lâm Anh được chở bằng xe thồ về Trịnh gia. Mưa vẫn chưa tạnh, người đẩy xe là một thầy đồ già trong làng, vừa xốc áo vừa dặn

"Đừng nhìn thẳng vào mắt người ta, đừng làm gì kỳ quặc. Ở đó yên thì được sống."

Lâm Anh ngồi im, không đáp. Mắt vẫn mở to, nhìn mưa rơi đều đều lên mái rơm, từng hạt một.

Đến nơi, Trịnh gia không tiếp đón nhưng cũng không xua đuổi.

Trịnh Gia Trang dưới mắt em, không lớn nhưng vững. Tường xây gạch thô, mái ngói cong đã rêu, nền gạch đỏ cũ, mòn ở những chỗ người thường bước nhiều nhất. Cổng gỗ nặng, không sơn, mỗi lần đóng mở đều phát tiếng cọt kẹt như để nhắc mọi kẻ ra vào phải biết giữ gìn.

Không có lính canh, không có long trướng, không có nghi trượng nào treo trước cửa nhưng lại có một trật tự thầm lặng. Người nào việc nấy, tiếng guốc, tiếng chổi, tiếng gọi nhau đều nhỏ nhẹ và đúng lúc. Chẳng ai vội, cũng chẳng ai dám lười.

Lâm Anh nhìn qua, không thấy quyền lực nhưng thấy rõ nề nếp. Có những nếp nhà được xây bằng gạch đá còn nơi này được dựng bằng sự kiên nhẫn và uốn nắn. Là kiểu nhà có thể chịu đựng bão lớn, chịu đựng cả thịnh suy của thời cuộc, vì chủ nó biết mình là ai và không mơ gì quá sức.

Một đời em sống trong cung. Một nơi không thiếu vàng bạc, nhưng thiếu người chân thật. Trịnh Gia thì ngược lại, không có vàng nhưng có cái thật, từ lời người làm, từ ánh mắt cô tiểu thư mỗi khi gật đầu chào người dưới, từ cách ông phú ông răn dạy gia nhân bằng sách Nho thay hiếm khi đụng đến roi vọt.

Dưới mắt Lâm Anh, Trịnh gia không có vẻ gì đáng gờm. Nhưng lại khiến người như em cảnh giác sâu hơn cả quyền lực. Bởi nơi đây có đạo lý, đạo lý này có thể giết chết một kẻ ẩn thân như em bằng một lời phán vô hình "Người không rõ gốc tích, không nên giữ lại trong nhà."

Cho nên em phải sống rất nhỏ, không cười, không nói, không phản ứng, xem bản thân như một cái bóng biết đi.

Trại Đông, làng nhỏ quanh trang trại, cũng vậy. Không náo nhiệt nhưng kín đáo; không phồn hoa nhưng có quy củ. Cái nghèo ở đây không bẩn thỉu, mà là một thứ nghèo có lòng tự trọng, có giới hạn rõ ràng giữa cái được làm và cái không nên làm.

Lâm Anh từng nghĩ "Nếu phụ hoàng ta còn trụ được, có ngày khôi phục được cơ nghiệp, có lẽ nên giữ lại những nơi như Trại Đông."

Ngày đầu đến Trịnh Gia Trang, người quản sự là Trịnh Thiểu ra đón. Ông được thầy đồ già thuật lại đầu đuôi rồi cho người an bài gọi thầy lang đến khám cho em.

Lâm Anh vẫn im lặng, mắt mở vô hồn, Trịnh Thiểu không hỏi gì chỉ nhìn em từ đầu đến chân rồi đưa cho bộ áo nâu, giọng nhát gừng

"Thay ra đi, khỏi bệnh. Ở đây không rảnh nuôi người dưng, làm được thì ở, không thì đi." Trịnh Thiểu vừa dứt lời, Lâm Anh đã gục xuống, ngất lịm vì kiệt sức.

Lần nữa mở mắt, em thấy mình nằm trong một gian phòng nhỏ, ánh sáng hắt vào qua tấm phên tre. Chung quanh có vài người đứng nhìn, ánh mắt nửa hiếu kỳ nửa dè chừng. Cổ họng em khô rát, toàn thân như vừa trải qua một cơn sốt mê dài. Lâm Anh biết rõ mình đang ở đâu, và vì sao lại ở đây. Càng hiểu rõ, em càng phải cẩn trọng.

Một người cúi xuống định hỏi han, em chỉ kịp khẽ động môi, thều thào một tiếng "Lâm." Không họ, không danh xưng, chỉ một chữ ngắn. Đó là cái tên em chọn vừa thật, vừa đủ mơ hồ. Một cái tên bình thường như hàng ngàn cái tên khác ở Trại Đông.

Em không muốn nói gì thêm, càng ít lời, càng ít sơ hở. Trong lúc chưa biết lòng người ra sao, thì im lặng là cách tự bảo vệ mình tốt nhất. Lâm Anh khép mắt lại, nhủ thầm "Từ giờ, mình là Lâm. Chỉ là Lâm thôi."

Từ hôm ấy, em là Lâm, người ở mới, quê Trại Đông, côi cút, ít nói, không rõ thân thế. Không ai hỏi thêm mà nếu có, em cũng chỉ cúi đầu, mắt nhìn lưng bàn tay, giả vờ điếc hoặc vờ ngây.

Ban đầu là để sống. Sau đó là để ẩn. Rồi lâu dần, cái dáng vẻ em lặng lẽ, dửng dưng, không nói một lời dư thừa nào và bắt đầu sống với lớp da thứ hai.

Em học cách không đáp lại ánh mắt ai lâu hơn một giây, không thở dài, không ngước nhìn bầu trời quá ba lần trong ngày, không để ánh nắng in rõ đôi đồng tử, vì trong đó còn quá nhiều thứ chưa quên. Em làm việc như mọi người, băm rau, quét sân, gánh nước, giặt áo. Không xuất sắc hơn ai, cũng chẳng lười biếng hơn ai. Cứ thế, như cái bóng biết đi.

Cho đến một ngày, khi đang nhặt rau ngoài hiên, em nghe thấy một giọng đọc.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện..."

Giọng trong mà cứng, không quá cao, không mềm nhũn như giọng các tiểu thư trong những nhà lớn mà em từng biết, mà đều đều, thong thả, như sóng vỗ gốc tre. Từng chữ rõ, từng nhịp vừa phải, là một giọng đọc có căn bản, có người dạy, có người uốn nắn.

Nhưng điều khiến em phải ngẩng lên không phải vì âm sắc. Mà là vì người đọc đang nhìn em. Không phải ánh nhìn ra lệnh cũng không phải cái nhìn soi mói. Mà là một ánh mắt như thể cần một ai đó để làm chứng cho việc mình đang tồn tại.

Lâm Anh, trong khoảnh khắc ấy, đột nhiên nhớ mình từng là công chúa. Từng được bao kẻ nhìn lên, nhưng chưa từng được ai nhìn thấy thật sự như thế.

Từ hôm đó, cứ mỗi buổi chiều, Lâm Anh lại đến gần cái hiên nhỏ ấy. Lúc đầu, chỉ là ngồi rửa rau, nước múc từ giếng, lạnh, trong, tràn lên những nhành rau muống còn dính đất. Em cắm cúi rửa, không ngẩng mặt, nhưng tai thì không rời giọng đọc đều đặn kia, giọng đọc của tiểu thư Cẩm Yến.

Sau đó, là phơi lá thuốc, một bà lão trong nhà sai em đem lá ngải ra hong nắng, em chọn đúng chỗ dưới hiên. Cũng không cố ý, mà chân tự bước về phía ấy, tay xếp lá, mắt nhìn gió. Nhưng lòng thì để cả nơi tiếng đọc thánh thót vọng ra từ gian nhà bên.

Rồi thì, không việc gì cũng ra. Khi không được sai đi đâu, em sẽ tìm thứ gì đó để làm gần đó, hong quần áo, gỡ cuống đậu, đập dập gừng, cột lại rổ rá, lặt lá héo, chẳng ai để ý. Ở Trịnh gia, miễn tay không ngơi là được, không ai sai, nhưng cũng chẳng ai cản. Miễn là yên lặng, miễn là đúng mực, miễn là em vẫn là một cái bóng ngoan ngoãn, không chen vào, không vượt ra.

Lâm Anh không biết nên sợ hay mừng. Bởi mỗi lần nghe Cẩm Yến đọc sách, em thấy trong lòng mình có gì đó mềm lại. Như thể cả tháng dài sống giữa tro than, rồi một chiều nào đó, có người nhóm lại lửa bếp, nhỏ thôi, le lói, nhưng đủ để ấm đầu ngón tay.

Giọng Yến đọc không cầu kỳ, nhưng rõ ràng, thong thả.

"Nhân chi sơ, tính bản thiện..."

"Quân tử hòa nhi bất đồng..."

"Ký chi vi nhân, dục bất khả bất tiết dã..."

Mỗi một câu đọc, như thể nhấn nhẹ lên một mạch kín trong lòng em, nhẹ nhưng đều. Có hôm Yến ngừng đọc, quay sang nhìn em hỏi "Em hiểu không?"

Lúc đầu, Lâm Anh không trả lời, không dám, không phải vì không hiểu. Em đã học chữ từ rất sớm. Lúc chưa biết ngự thiện là gì, đã từng nghe phụ hoàng giảng sách Thượng Thư. Lúc chưa biết cài trâm thế nào, đã ngồi hầu thái hậu đọc Kinh Thi trong nội điện.

Em hiểu. Nhưng em sợ, nếu trả lời, sẽ nói quá nhiều, sẽ không kìm được ánh mắt, không kìm được trí nhớ, không kìm được chính mình. Một kẻ đang giả vờ câm không nên để lộ một câu nói quá tròn. Một người đang cố quên mình là ai, không nên để giọng nói của Cẩm Yến làm xao động.

Em cúi đầu không đáp. Nhưng rồi, một hôm, em gật, chỉ một cái gật nhẹ, như tiếng thở trong lòng. Yến mỉm cười, không nói gì thêm.
Lần sau, Yến lại hỏi, em lại gật. Lần nữa. Rồi nữa.

Và sau mỗi cái gật, lòng em lại chùng xuống. Không rõ là vì được ai đó quan tâm, điều mà từ lâu em không còn dám mong. Hay là vì cảm giác tội lỗi khi để một người như Cẩm Yến bước chân vào vùng nước sâu đang che giấu.

Một phần trong em muốn chạy trốn, một phần khác lại mong giọng đọc ấy đừng dừng. Vì trong từng tiếng, có thứ gì đó rất... người, không phải của bậc quân vương, không của bá quan văn võ, không của những kẻ tranh giành ngai vị trong bóng tối. Mà là thứ của đời thường, của một người con gái sống thẳng, sống trong sạch, sống theo những gì mình tin là đúng.

Và Lâm Anh, dù không nói ra, đã thầm nghĩ "Nếu trên đời còn ai nên giữ được ánh mắt trong như vậy, thì chính là Cẩm Yến."

Lâm Anh đã từng là công chúa, lớn lên giữa trướng gấm và lời dạy của các bậc học sĩ, em thuộc nằm lòng rằng lòng người là một mặt hồ sâu. Càng soi lâu, càng thấy bóng mình méo mó, càng nhìn kỹ, càng chẳng biết điều đang phản chiếu là thật hay là thứ mình muốn tin là thật.

Nhưng mỗi lần ánh mắt em dừng lại nơi Cẩm Yến, một góc niềm tin cũ kỹ trong em lại muốn sống lại. Muốn tin rằng, vẫn có những mặt nước trong đến mức người ta có thể lội qua mà không sợ đắm, không bị hút chìm, không bị phản chiếu méo mó, chỉ đơn giản là nước, trong, và thật.

Rồi chiều mưa ấy đến.

Trời không lớn tiếng, nhưng mưa đều và dai như từng sợi chỉ âm thầm khâu kín cả một buổi chiều. Không ai gọi em, không ai sai việc, em chủ động mang quần áo ra vo.

"Nè..."

"Lên đây ngồi, khéo ướt rồi sinh bệnh"

Giọng của tiểu thư Cẩm Yến bỗng vang lên khe khẽ, chỉ hai câu giản dị nhưng rơi đúng vào một khoảng lặng mà thường ngày không ai muốn phá vỡ. Như thể trong khoảnh khắc đó, thời gian nên dừng lại, nhưng lại có một người đủ can đảm bước tiếp.

Lâm Anh bước lên, khẽ khàng ngồi xuống. Em giữ một khoảng cách vừa đủ, không quá gần để khiến người ta e ngại, cũng không quá xa để thành lạnh nhạt. Nhưng dẫu có dè dặt đến đâu, thì đây vẫn là lần đầu tiên, hai người gần nhau đến thế.

Gió lùa nhẹ, mang theo mùi cỏ ướt và đất lạnh. Lâm Anh nghe tiếng giấy lật, tiếng chữ được đọc bằng giọng trầm đều, hơi chậm, như thể cô chủ đang tự giãi bày hơn là giảng giải. Mắt Lâm Anh dõi theo những giọt mưa lăn trên đầu gối, tay vô thức kéo vạt áo lại, che lấy vết ướt đang ngấm dần qua lớp vải.

Lâm Anh không dám nhìn Cẩm Yến quá lâu. Nhưng em biết, cô đang liếc nhìn em. Biết từng hơi thở, từng cái ngẩng đầu chậm rãi kia, không chỉ là thói quen đọc sách mà là cơn sóng lòng đang bị dồn ép.

Rồi đến một đoạn cô ngừng lại, giọng nhẹ như tiếng chạm vào cửa

"Em... hiểu không?"

Lâm Anh ngẩng lên, ánh mắt chạm nhau, giây phút ấy em thấy mình như một chiếc lá mỏng, rơi giữa lòng hồ, không chạm đáy, không bám được vào đâu. Nhưng em không né tránh, không phòng bị. Lần đầu tiên, từ khi rời khỏi cung, Lâm Anh để cho bản thân được sống thật.

Em gật nhẹ, không phải đồng tình, không phải xác nhận. Chỉ là một cách để nói, tôi đang nghe, tôi đang ở đây.

"Toàn bộ kiến thức bữa giờ... em hiểu hết thật hả?"

"Hiểu."

"Sao không hỏi? Không phản biện, không thắc mắc gì hết?"

"Vì không cần."

"Không cần?"

"Vì em biết cô muốn được nghe chính mình nói. Em không muốn làm phiền."

Nói ra rồi, Lâm Anh mới nhận ra đó là điều mình đã cảm nhận từ rất lâu. Cô chủ ấy, không chỉ là người muốn dạy, mà còn là người đang cần được nghe.

Cô khựng lại, trong mắt trong, em thấy sự bối rối, sự thật bị chạm đúng tim. Cô cười, không phải kiểu cười của tiểu thư khuôn mẫu, mà là một nụ cười thật, mỏng nhưng mềm. Một người con gái, lần đầu để cho mình yếu đuối trước kẻ dưới tay.

"Vậy... em nghe cô nói, là vì thương hại?"

"Không."

Lâm Anh biết cô sắp quay đi nhưng em không muốn để lỡ.

"Vì em thấy cô buồn."

Nói xong, Lâm Anh cảm thấy trong ngực mình nhẹ đi một chút, như cơn mưa ngoài hiên cũng tạnh bớt phần nào. Nhưng niềm ấm ấy không được giữ lâu. Tiếng gọi vọng ra từ nhà dưới "Lâm ơi, sao còn ngồi đó? Quần áo vo xong chưa? Đem thau khoai vô gọt đi!"

Em đứng dậy, không quay đầu. Trước khi bước xuống bậc hiên, em liếc nhìn cô thêm một lần, không phải để chờ đợi điều gì, cũng không hứa hẹn gì. Chỉ là để lưu lại một khoảnh khắc... thật lòng.

Rồi em đi, dáng ướt át khuất sau rặng chuối và hàng râm bụt đang run rẩy trong mưa. Trong lòng có một thứ đang ấm lên, rất nhỏ thôi, như lửa bén vào rơm ẩm. Không đủ sáng cho ai, nhưng đủ để Lâm Anh biết mình vẫn sống, vẫn có thể rung động, vì một người.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #bh#bhtt#gl