Lê Hải Đường


Chiếc ghe chầm chậm rẽ nước, lướt nhẹ trên dòng sông Tiền mênh mang. Rặng dừa nước hai bên bờ sông xanh mướt, soi bóng xuống mặt nước lấp lánh ánh bạc.

Hoài Anh ngồi nép mình trong khoang ghe, ánh mắt tò mò quan sát khung cảnh xung quanh.

Bà lớn ngồi trên chiếc ghế bành đặt giữa khoang ghe, vẻ mặt lạnh lùng, không chút cảm xúc. Con Mắm, người hầu thân cận của bà lớn, đứng kế bên tay phe phẩy quạt cho bà lớn bỗng dưng lớn tiếng giọng hách dịch:

"Này, thằng kia! Không mau ra phía sau phụ người ta chèo ghe mà còn ngồi đó!"

Hoài Anh giật mình, ngơ ngác nhìn con Mắm.

"Mày bị điếc à? Bà lớn mua mày về để hầu hạ, chứ không phải để ngồi chơi xơi nước!" Con Mắm tiếp tục lớn giọng.

Hoài Anh sợ hãi, vội vàng đứng dậy, lúng túng bước xuống sàn ghe. Chưa kịp nói gì thì đã bị con Mắm đẩy mạnh, suýt chút nữa thì ngã xuống sông.

"Con Mắm!" Bà lớn im lặng nãy giờ cuối cùng cũng lên tiếng.

Giọng nói lạnh lùng làm con Mắm giật mình, vội vàng khoanh tay lại, run rẩy nói:

"Dạ, bà lớn gọi con..."

"Hôm nay mày ăn trúng gan hùm mật gấu hay gì mà dám hổn với Cậu Hai?" Bà lớn vừa hỏi vừa miết miết ngón tay lên đầu nó.

"Cậu... Cậu Hai?" Con Mắm ngẩng đầu lên, kinh ngạc nhìn Hoài Anh. Nó không tin vào tai mình. Cái thằng này mà là Cậu Hai sao? Trong bụng nó thầm nghĩ, nhà ông bá hộ Lê chỉ có hai cô con gái, lấy đâu ra cậu hai? Nhưng những suy nghĩ đó nó chỉ dám để trong lòng, thân phận người hầu như nó sao dám thắc mắc chuyện của chủ.

Hoài Anh cũng sững sờ. Nó không mấy vui vẻ gì khi nghe cái danh xưng " cậu hai" này, nó biết thân phận thật sự của mình là gì.

"Cậu Hai là người mà mày phải hầu hạ, chứ không phải là người để mày quát tháo, mày nghe rõ chưa !" Bà lớn vừa gằng từng chữ vừa tát con Mắm mấy cái bạt tay như trời giáng.

"Mày nhớ cho kỹ !" Bà lớn nói, giọng điệu đanh thép.

"Dạ... dạ... con xin lỗi Cậu Hai... con sẽ không dám nữa ạ..." Con Mắm run rẩy nói, ánh mắt nhìn Hoài Anh đầy sợ hãi.

Hoài Anh từ nay về sau dù gì cũng sẽ sống trong cái danh là con của bà lớn, nên mấy cái tát này không chỉ dành cho con Mắm, mà còn là một lời cảnh cáo cho những đứa khác ở trên ghe. Bà không thể để người ngoài dị nghị việc bà không biết dạy người ăn kẻ ở được.

—————

Sau nửa ngày ròng rã lênh đênh trên sông, chiếc ghe cuối cùng cũng cập bến trước nhà ông bá hộ Lê. Bà lớn đã cho người báo tin từ trước rằng mình sẽ mang một đứa nhỏ về. Vừa nghe nhắc đến tên người cũ, ông Minh liền tức tốc từ trên tỉnh trở về, lòng đầy những suy nghĩ khó tả.

Bước vào sân, trước mắt là một căn nhà ba gian rộng lớn, mang đậm phong cách miền Tây Nam Bộ. Tuy bên ngoài trông như một biệt thự kiểu Pháp với những đường nét tinh xảo, nhưng bước vào trong lại thấy rõ nét kiến trúc Việt, với cột kèo bằng gỗ quý, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói âm dương.

Ở gian chính, ông Minh cùng hai bà vợ và hai đứa nhỏ chừng nhỏ hơn Hoài Anh một chút, đang ngồi nhìn ra. Bà hai vừa thấy bà lớn bước vào thì liền chạy lại, giọng mừng rỡ:

"Trời ơi, chị còn sống thiệt hả? Nghe nói ghe chìm, tôi cứ tưởng..."

Dù ngoài mặt tỏ vẻ lo lắng , nhưng trong lòng bà hai lại thâm sâu khó dò. Bà kín đáo liếc mắt về phía thằng Đậu đang đứng nép sau cột nhà. Không phải nó đã nói chắc nịch rằng bà lớn khó mà thoát nạn hay sao? Sao bây giờ bà còn hiên ngang bước về đây?

Bà lớn chỉ cười xởi lởi, đáp lời bà hai cho có lệ, rồi dắt Hoài Anh đến trước mặt ông Minh.

"Thưa mình, em mới về."

Bà nói nhẹ nhàng, có phần dè dặt. Sau bao nhiêu năm làm vợ ông, bà hiểu rõ tính ông Minh. Ông vốn không phải người nồng hậu, nhưng trước nay vẫn giữ đúng lễ nghĩa, không đến nỗi lạnh nhạt. Ông chỉ khẽ gật đầu, buông một tiếng "Ừm" nhạt nhẽo, không thêm một lời hỏi han nào khác.

Bà cắn chặt môi, cố giữ bình tĩnh. Cảm giác cay đắng chậm rãi lan trong lồng ngực. Nhưng bà không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng lùi sang một bên, đưa mắt nhìn đứa bé mình đã mang về.

"Thưa mình đây là đứa nhỏ em đã nhắc đến trong thư."

Ông Minh nãy giờ vẫn im lặng quan sát. Không phải ông nhìn đứa bé, mà là nhìn vật đang lấp lánh trước ngực nó, một mặt dây chuyền quen thuộc. Mắt ông khẽ tối lại, lòng như có sóng dậy. Hình ảnh của một thời xa cũ bỗng chốc tràn về...

Ông nhớ lại năm đó, cũng bên bến sông này, ông từng si mê giọng hát của một người con gái. Ông đã yêu bất chấp tất cả chẳng màng bà nghèo khó. Nhưng rồi, khi chuyện bị phát giác, cha ông đã nghiêm khắc ngăn cản, thậm chí dọa sẽ tước đi quyền thừa kế nếu ông không chịu cưới bà hai. Vì sợ mất tất cả, ông đã lựa chọn buông tay, hứa với lòng rằng khi có được cơ nghiệp trong tay, ông sẽ quay lại tìm bà.

Nhưng đến khi ông trở về, tất cả đã quá muộn. Ngôi nhà nhỏ của bà Lụa đã cháy rụi. Người ta nói, lúc đó bà đang mang thai sắp sinh. Cả hai má con đều không còn. Từ đó về sau, ký ức về bà trở thành vết cứa trong tim ông, đau đến nỗi không dám chạm vào.

Thoát ra khỏi dòng ký ức, ông Minh cố gắng giữ giọng bình tĩnh hỏi:

"Con... tên là gì?"

Hoài Anh lễ phép đáp:

"Dạ bẩm ông, con tên Hoài Anh."

Ông Minh nghe xong, ánh mắt thoáng dao động. Ông lẩm nhẩm cái tên ấy trong miệng, "Hoài Anh... Hoài Anh..." Rồi lòng bỗng nhói lên một cơn đau âm ỉ. "Hoài" là hoài niệm, là mong nhớ. "Anh" là dáng hình, là bóng dáng người thương. Phải chăng... bà Lụa đã đặt tên con như vậy vì vẫn luôn chờ mong, ngóng đợi ông mỗi ngày.

Ông Minh chợt cảm thấy nơi lồng ngực nghẹn lại, nhưng cố nén xuống, nhẹ giọng hỏi tiếp:

"Vậy con năm nay bao nhiêu tuổi rồi?"

"Dạ, bẩm ông, con tám tuổi ạ."

Tám tuổi... Ông Minh khẽ rùng mình. Nếu đúng như vậy, thì Hoài Anh được sinh ra không lâu sau khi ông rời đi. Đứa nhỏ này... có thể nào chính là giọt máu của ông không?

Ông nhìn chằm chằm vào mặt dây chuyền trên cổ Hoài Anh, giọng ông khàn đặc:

"Mặt dây chuyền này... con có từ đâu?"

Hoài Anh thoáng ngập ngừng rồi đáp:

"Dạ, má con đeo cho con từ lúc nhỏ."

Trái tim ông Minh như bị ai bóp chặt. Đúng rồi! Đây chính là mặt dây chuyền mà năm xưa ông đã để lại cho bà Lụa!

Ông vội hỏi tiếp, giọng run run:

"Má con... bây giờ thế nào? Sao không đi cùng con?"

Hoài Anh hé miệng định nói gì đó, nhưng vừa bắt gặp ánh mắt bà lớn, lập tức im bặt. Bà lớn liền lên tiếng thay:

"Thưa mình, má đứa nhỏ đã mất rồi. Đứa nhỏ này được sư trụ trì trong chùa nuôi mấy năm qua."

Ông Minh sững sờ. Bà Lụa... không còn nữa. Người mà ông đã từng yêu thương, từng hứa hẹn quay lại tìm... giờ đã chẳng còn trên cõi đời này. Cả người ông bỗng như trống rỗng, chỉ còn lại một cơn đau âm ỉ, len lỏi khắp lồng ngực.

Bà hai lẳng lặng nhìn Hoài Anh rồi xoa xoa cái bụng bầu 4 tháng hơn của mình đầy lo lắng. Sự xuất hiện của Hoài Anh khiến bà ta cảm thấy bất an.Nếu đứa trẻ này thật sự là con trai của ông Minh, địa vị của bà ta trong nhà sẽ bị lung lay.

"Nhưng sao trông không giống một đứa con trai vậy nhỉ? Nhìn cái dáng vẻ này giống con gái không hơn không kém." bà hai nghĩ thầm.

Ông trầm mặc một hồi, rồi bất giác nhìn thật kỹ đứa bé trước mặt. Và rồi... ông sững người.

Đôi môi của nó... rất giống bà Lụa năm xưa. Mỏng, cong cong, như thể mỗi lần cười là có thể ngân lên một khúc hát. Còn đôi mắt, hàng chân mày kia... không phải rất giống ông hay sao?

Lòng ông Minh bỗng dậy lên một nỗi xúc động khó tả. Bao nhiêu nghi ngờ, bao nhiêu trăn trở, tất cả phút chốc đều tan biến. Dù chưa có chứng cứ rõ ràng, nhưng bằng một cách nào đó, ông biết đây chính là con trai mình.

Ông trầm giọng, nhưng từng chữ vang vọng khắp gian nhà:

"Từ nay, con sẽ mang tên Lê Hải Đường. Con là con trai lớn của ta, con trai của bá hộ Lê Hải Minh này!"

Cả nhà lặng đi trong phút chốc. Một đứa trẻ xa lạ, bỗng chốc được nhận làm con trai trưởng. Những ánh mắt ngạc nhiên, tò mò, nghi hoặc, đố kỵ... đan xen nhau. Nhưng riêng ông Minh, ông không còn bận tâm những điều đó nữa. Vì hơn ai hết, ông biết, đứa bé này chính là giọt máu của mình, là món nợ ông phải trả cho người phụ nữ năm xưa.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip