Chương 2: Lão già khó ưa.

Trong một căn bếp nấu ăn gồm một bếp ga, một bồn rửa tầm trung điển hình ở Hà Nội. Cạnh nơi bốc lên những làn khói trắng phả vào vệt nắng sáng từ ngoài cửa sổ, người phụ nữ diện mạo tầm tứ tuần, đeo tạp dề kẻ ca rô đỏ hai má ửng hồng, vầng trán đẫm mồ hôi kết dính những sợi tóc hai bên thái dương đang liền tay thái rau cần, mắt liếc sang nồi súp toả hương thơm kích thích khứu giác đang sôi sùng sục bên bếp ga. Bà nhanh tay cho mớ rau cần ra đĩa, rồi cầm lấy cái muôi khuấy đều vào nồi súp ngon lành, đưa lên miệng nếm thử, bà thầm gật đầu hài lòng.

Cậu con trai từ trong phòng ngủ bước ra, theo mùi hương thơm lừng nơi đầu mũi mà dò tìm bóng dáng mẹ. Nhìn thấy bóng lưng liền tay hí hoáy trong bếp. Cậu yên tâm gọi:

" Mẹ?"

Nghe tiếng con trai, người phụ nữ vội quay ra, cười nói:

" A, con trai mẹ dậy rồi này! Con mau đánh răng rửa mặt đi, thay đồ rồi ra đây ăn sáng, đừng để muộn học."

"Vâng." Cậu con gật đầu, đưa mắt nhìn bóng lưng mẹ thêm vài giây rồi rảo bước vào nhà vệ sinh.

" Phở ngon đến rồi đây...!" Bát phở thơm lừng, nóng bốc khói được nhẹ nhàng đặt lên bàn, trước mặt cậu con trai. Cậu cầm lấy đũa, hít hà hương thơm của nước dùng, mùi rau ngò và ngắm cả những bánh phở trắng đang tắm mình trong dòng nước béo đậm đà.

Đũa phở sắp đến miệng, cậu chợt nhớ ra điều gì.

" Mẹ, hôm qua cô vừa phát cho con phiếu các khoản phí cần đóng." Tay người mẹ đang gài chiếc hộp đựng cơm bằng inox khựng lại. Ánh mắt bà bỗng trầm mặc.

" Thế à,... Thế để mẹ tranh thủ đóng sớm, con ăn nhanh đi, muộn học bây giờ."

Cậu con nhìn bóng lưng trằm lặng của mẹ, lại nhìn vào bát phở đầy thịt trước mắt, ánh mắt cũng không kiểm soát liền chùng xuống.

*****

10 năm trước.

Tại một ngôi trường cấp ba công lập. Không khí nô nức của ngày tựu trường, ngày gặp lại bạn bè lan toả ngập khắp các góc sân, hàng cây, ghế đá.

Tôi cũng thoải mái, vui vẻ trong lòng vì sau ba tháng hè tưởng ngắn mà dài, mới có dịp tái ngộ với hội anh chị em bạn bè. Cả kì nghỉ hè tôi chỉ lủi thủi trong nhà, không đi chơi, đi du lịch với gia đình, không tụ tập cùng hội bạn, cũng hiếm khi bước một chân ra khỏi cổng.

Đơn giản là tôi không muốn thôi, trời thì nắng nóng, đi ra đường phải che tới che lui, còn buổi tối thì xe cộ đong đúc, anh tổ lái chị trưởng khu vực đầy phố, tôi cũng ngán đi. Thế là tôi cứ tự tin, phóng khoáng ru rú trong nhà ngót ba tháng trời, cha mẹ ông bà ai nấy cũng thán phục tài chui hang của tôi. Đấy cũng là lí do chính cho việc sau mỗi mùa hè tôi càng trắng da hơn, vì có đi đâu đâu mà rám.

Tái ngộ với hội bạn thân làm tôi cười suốt, thế là nói đông nói tây một lúc chúng nó lại muốn ra quán nước cạnh trường ngồi tán gẫu. Tôi cũng không phải kiểu người hướng nội hay rụt rè gì lắm, thế nên thích thì nhích. Nhưng mà trước đó, tôi phải đi giải quyết nỗi buồn đã.

Từ nhà vệ sinh đi ra, tôi đưa mắt nhìn những khoảng sân rợp bóng mát có những hàng ghế đá, nơi mà các cặp bạn bè, rồi đôi lứa ngồi nói chuyện, cười đùa. Trong lòng thấy yên bình, thanh thản hít sâu một hơi đầy hương thơm hoa oải hương.

Từ phía trước mặt - cái hướng mà tôi không để mắt tới - thù lù xuất hiện một mái tóc đen xoã dài lao đến chỗ tôi. Rồi mái tóc đó bỗng ngước lên, hoá thành một gương mặt xinh xắn cùng cặp kính cận, nhanh chóng phóng đại trước mắt tôi.

" Oái...!" Tôi xuýt xoa, tay chạm vào cái mông bé xinh của mình, lòng chửi thầm cái người đi đứng không có mắt.

Bỗng giọng nói ấm áp, ngọt ngào xuyên qua lớp màng nhĩ mỏng manh,làm rung lên những thanh âm êm dịu.

" Em có sao không?" Một cô gái tóc xoã đến lưng, xoăn cùng cặp kính cận hiện ra trước tròng mắt tôi.

Nhìn thấy gương mặt xinh đẹp, yêu kiều đầy mê hoặc kia, mọi câu từ thô tục mà tôi có thể nghĩ ra trong đầu liền bay đi mất. Chỉ còn lại một đôi môi hồng căng mọng đang khẽ mím lại, một chiếc sóng mũi cao thanh tú, đôi mắt long lanh, sắc sảo và một ánh nhìn mãnh liệt, da diết siết vào hồn tôi đến tận bây giờ.

" Em... Không sao ạ." Tôi liếc nhìn bảng tên trên áo chị, lớp 11B.

Chị đưa tay ra muốn đỡ tôi dậy, tôi liền vội từ chối mà đứng lên. Chị liền cúi xuống nhặt lấy nhặt để mấy tờ giấy chi chít chữ đnag rơi vãi ra đất. Tôi theo phản xạ cũng ngồi xuống theo. Cũng may là đang là mùa nắng, nếu sấp giấy này mà rơi tọt vào vũng nước nào khiến người đẹp này phải sầu não thì tôi sẽ cắn rứt lương tâm đến chết mất.

Tôi nhặt giúp chị, chị đứng dậy, phủi phủi sấp giấy rồi khẽ lẫm nhẫm đếm. Tôi chìa ra mớ tôi nhặt được trước mắt chị. Rồi như khá bất ngờ, chị như quên mất rằng ở đây còn có tôi. Ánh mắt chị nhìn vào sấp giấy, di chuyển đến bàn tay tôi, đến khuỷu tay, vai rồi cuối cùng đến mặt tôi. Trong mắt chị ánh lên tia kinh ngạc pha chút ngại ngùng.

Đến bây giờ, tôi mới ý thức được, chị ấy cao hơn tôi hẳn một cái đầu.

Mắt chạm mắt một lần nữa, lần này có vẻ chị đã định hình được vẫn còn một sự hiện diện khác ở đây, và là lý do khiến chị phải cúi người nhặt lấy mớ giấy - là tôi.

Cơn gió đung đưa những chiếc lá tít trên cao, rồi lại vòng xuống dưới, cuốn lấy mùi hoa oải hương bay đến nơi hai chúng tôi đang đứng nhìn nhau. Làm cả bàn tay lẫn trái tim tôi khẽ rung lên, tôi bỗng cảm nhận rõ rệt từng dòng ấm nóng chảy trong cơ thể mình, không biết là máu hay dòng cảm xúc dâng trào đang luồn lách.

Dòng thời gian như ngưng đọng, tôi và chị cứ đứng im nhìn nhau, không thể thốt nên lời nào. Có lẽ vì quá bất ngờ, có lẽ vì kinh ngạc trước nhan sắc người trước mặt, có thể vì cơn gió đã quấn hai cá thể lại một vị trí, cũng có thể vì... một thứ cảm xúc khác chen vào giữa mùi hoa, làm lay động nơi đáy mắt và rung rinh nơi nhịp đập hai trái tim, nên tôi mới muốn ngắm nhìn chị, chị mới muốn ngắm nhìn tôi. Như một cách thay cho câu hỏi: hỡi các ngài trên cao vời vợi, đây là người sẽ cầm lấy đầu kia sợi dây tơ hồng của con sao? Và rồi người này sẽ ở lại, trong trái tim và ký ức của con, đến tận cùng vô hạn thời gian à?

Tóc chị khẽ bay, gió như gãi nhẹ vào hàng mi tôi. Rồi chị bỗng rùng mình vì lạnh, định hình lại mọi thứ.

" Cả-cảm ơn em." Chị gật nhẹ đầu rồi cúi mặt lướt qua tôi. Tôi vội xoay người, muốn gọi chị lại, nhưng để làm gì? Tôi không biết. Chỉ là... tôi không muốn để chị đi dễ dàng thế thôi.

Nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải đứng bần thần nhìn theo bóng lưng chị giữa ngày có thời tiết êm dịu nhất, dưới những vệt nắng ấm và mùi thơm hoa bằng lăng đong đưa trong làn gió. Một thoáng... tôi thấy má chị phiếm hồng.

*****

Lại một ngày mệt mỏi, tôi thức dậy với một thân thể đau nhức, ê ẩm. Những giấc ngủ chập chờn và những giấc mơ không biết đẹp hay xấu ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của tôi. Chúng hành hạ tôi bằng những đêm không yên giấc, những buổi sáng cạn kiệt năng lượng.

Thế rồi tôi vẫn phải lết xác đến bệnh viện.

Ly cà phê nóng cũng không thể vớt vát chút sức lực nào trong tôi. Thật chán nản khi cơ thể luôn đau nhức còn não thì lúc nào cũng phải hoạt động hết công suất. Tôi đến chết mất với đống hoạt động trong ngày. Vì thế mà dù tôi không ăn kiêng, tập luyện mà cân vẫn xuống đều đều.

Thằng Huy từ đằng sau từ từ đi tới, nó nhìn cũng quen mắt với hai bờ vai như đã buông xuôi tất cả và bóng lưng uể oải của tôi. Nó ngồi xuống cạnh tôi.

" Nè, con kia." Tôi không quay sang, chỉ khẽ nhướng mày.

" Mày cứ như vậy hoài mà được sao? Tao cứ sợ mày sẽ lăn ra chết khi nào không hay ấy. Nhìn mày như con nghiện, phờ phạc, mệt mỏi." Nó chau mài, biểu đạt bằng giọng nói hết sức ỉu xìu, cứ như đang đóng giả làm bộ dạng của tôi bây giờ.

" Mày mà đi làm ở bệnh viện tâm thần, khéo người ta còn tưởng mày là bệnh nhân cơ." Nó huýt vai mỉa mai.

" Thế mày nghĩ tao muốn à? Ai mà chẳng muốn có sức khỏe tốt, tinh thần phấn chấn, tràn đầy sinh lực mỗi sáng thức dậy. Nhưng mà mày cũng biết mà, não của tao đâu cho tao làm vậy." Tôi thở dài sầu não, đến thở dài thôi mà cũng mệt.

" Không phải là não của mày, mà là trái tim mày. Đến khi nào mày mới buông tha cho bản thân đây?" Nó liếc mắt nhìn tôi, không thấy cũng biết vẻ mặt của nó bây giờ. Nó ngán ngẩm với cái góc nghiên hốc hác của tôi.

" Haizzz... Còn đâu nhan sắc bad girl của trường. Giờ mày chỉ là một cô bác sĩ nội trú vừa nghèo tiền lại nghèo tình."

Tôi sửa lại: "Là nghèo tình, không có nghèo tiền."

" Ờ, đúng đúng. Nhà mày không có thiếu tiền." Ừ, nhà tôi cũng thuộc loại khá giả mà. Ba là kỹ sư xây dựng có uy tín và tiếng tăm tốt nên thường nhận được nhiều công trình với mức lương hậu hĩnh. Mẹ là diễn viên thực lực được khán giả yêu quý, danh tiếng tăng đều theo các bộ phim truyền hình, điện ảnh có kịch bản được giới mộ điệu đánh giá cao. Rõ ràng, tôi có một xuất phát điểm vô cùng tốt, là lợi thế giúp tôi cạnh tranh được với nhiều người, trở thành số ít người nhận được quyền tuyển thẳng và học bổng du học ở Melbourne, Úc.

Nhưng như vậy có là gì chứ. Những thành tựu giấy bút đó chẳng khiến tôi vui vẻ. Nó luôn khiến tôi cảm thấy trống vắng và mất mát điều gì. Tại sao lại như vậy à? Tôi chẳng biết nữa...

" Thôi đi, tranh thủ xốc lại tinh thần rồi vào làm đi. Nghe loáng thoáng ông sư tử biển định cho chúng mình chuyển sang khoa nào nữa đây." Cả thằng Huy cũng có nỗi niềm riêng, đó là áp lực công việc.

Thằng Huy và tôi chơi với nhau cũng được 12 năm ròng, gắng bó như anh em ruột thịt. Năm tôi quyết sang Úc, nó cũng gắng để theo kịp tôi. Nói không ngoa chứ có lẽ lí do nó chọn học y cũng vì tôi nốt.

Gia đình nó không khá giả mấy, đủ ăn đủ mặc. Ba nó làm nhân viên công ty luật, sau bao năm vất vả mới lên chức trưởng bộ phận. Mẹ nó làm giáo viên cấp hai, sự nghiệp lên hay xuống đều nhờ nhà nước. Nhưng nó thông minh lắm, nó cũng nỗ lực hơn người. Dù nó không có xuất phát tốt như tôi, nó vẫn hiên ngang tốt nghiệp bằng thạc sĩ, được nhiều bệnh viện lớn để ý, coi như cũng yên lòng mẹ cha.

Tôi gác lại những giây phút buông thả, hít một hơi sâu rồi thẳng lưng dậy, xốc lại tinh thần chuẩn bị cho một ngày chinh chiến.

***

Sét đánh ngang tai, tôi và thằng Huy như sụp đổ.

Tin vui là chúng tôi không bị chuyển xuống khoa cấp cứu. Không cần phải chân gác lên cổ xồng xộc chạy theo bệnh nhân. Mặc dù sau này chúng tôi cũng phải đi.

Tin buồn là chúng tôi phải phụ trách hết các phòng bệnh có bệnh nhân "khó ở". Nhiêu đó thôi cũng muốn tắt thở.

Từ phòng 201 đến 208, hầu hết là các bệnh nhân bị mắc bệnh về tim, nặng có, nhẹ có. Trong đó đặc biệt ở phòng 202 có một ông cụ bị đau tim di truyền, tim đập nhanh quá thì ngất mà cứ hay tức giận. Làm cả khoa phải dè chừng mỗi khi thăm khám. Bác sĩ kiểm tra sớm hơn giờ trung bình thì mắng là lũ phiền phức, nước bọt văng tứ tung. Y tá đến kê thuốc thì mắng thuốc gì mà lắm, la oái lên không uống, rồi ôm ngực ngã ngang, làm chúng tôi phải chạy tuột cả quần lao đến đỡ ông ấy ngồi dậy, nới cúc áo còn bị hất ra. Đến khi dùng Nitroglycerin thì ông mới ổn định nhịp thở, huyết áp ổn định và bình tâm lại.

Thật lòng chúng tôi cũng muốn quậy nát cái bệnh viện lắm, nhưng mà cũng đành im lặng chấp nhận thôi.

***

2 giờ 30 phút chiều, chúng tôi phải đi kiểm tra bệnh nhân.

Hầu hết các bệnh nhân ở phòng 201, 204 đều ổn và không có tiến triển hay chuyển biến xấu. Nhưng đến trước cửa phòng 202, tôi cùng Huy nhìn nhau thở dài, hít sâu lồng ngực chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất.

Căn phòng này thưa thớt hơn các phòng khác, vì có một bà cụ mắc xơ vữa động mạch mới xuất viện hai ba hôm, một ông cụ bị đau thắt ngực vừa về nhà sáng nay cùng vài ba người khác nữa. Giờ trong phòng chỉ còn ông cụ khó tính và một bà lão khác.

Chúng tôi vào thì nhìn thấy ông cụ còn đang ngủ trưa, tôi nhướng mày ra hiệu đi xem bà lão trước đã với Huy, nó gật đầu.

" Không có gì bất thường, huyết áp ổn định..." Thằng Huy xem màn hình máy monitor, lẩm bẩm.

" Hôm nay cụ có thấy gì khác thường không ạ, có thấy chóng mặt, mệt mỏi hay tức ngực, khó thở không ạ?" Tôi ân cần hỏi bà cụ, giọng hơi to một tí vì bà lão này đã bị lãng tai.

" Ừm... Bà thấy có chút khó thở, tay chân bủn rủn." Bà mỉm cười nhìn tôi, bà đã quen mặt lẫn tên chúng tôi rồi.

Các bệnh nhân nhập viện ở khoa chúng tôi thường là các ông, bà cụ mắc bệnh tim do tuổi già. Các cụ được điều dưỡng chăm sóc và thăm hỏi, kèm theo ngày hai lần gặp mặt chúng tôi. Các cụ đã quá quen với hai cái tên này, và mỗi khi có đổi ca trực, gặp một bác sĩ khác là họ liền hỏi ngay:" cái cô với cái cậu trông hiền hiền đâu rồi?"

Riêng mỗi cái lão khó ưa kia là chẳng thèm nhớ mặt ai hết.

Không biết có phải vì chúng tôi nói chuyện quá giọng hay không, ông cụ bên kia đã lờ mờ tỉnh giấc. Nghe tiếng lạch cạch bên giường đối diện, ông ta chau mài càu nhàu.

" M* cái lũ ồn ào, có để yên cho tao ngủ không ấy chứ!"

Chúng tôi làm thinh, liếc nhìn nhau một cái rồi nhanh chóng ghi ghi viết viết vào cuốn sổ, kết thúc nhanh để còn khám cho các bệnh nhân khác.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip