Song Châu Phụng - Tống Hoa Lâu Hội (2)
Tiểu sinh trong tấm ảnh khoác bộ trang phục gia nhân, tay trái nâng giỏ hoa, tay phải uyển chuyển vung thủy tụ [1], thần thái rạng ngời, ánh mắt lấp lánh sinh động.
"Đây là cảnh <Tống Hoa Lâu Hội> phải không?" Vương Thiệu Kiệt hỏi.
Trần Vân Sinh gật đầu: "Lần đầu tôi xem kịch của chị Mai chính là vở <Song Châu Phụng>. Sau này có nhắc với chị ấy một lần, chị liền tặng tôi tấm ảnh này. Ngài xem, phía sau còn có lời đề tặng của chị ấy."
Vương Thiệu Kiệt lật mặt sau, quả nhiên thấy một dòng chữ thanh tú: "Ngu Mạnh Mai tặng Trần Vân Sinh tiểu thư lưu giữ."
"Cha chị Mai từng là giáo viên," Trần Vân Sinh có chút bồi hồi, "Chị ấy biết nhiều chữ, viết cũng đẹp. Rất nhiều chữ tôi biết đều là do chị dạy."
Điểm này có chút mới mẻ so với những lần phỏng vấn trước đây. Vương Thiệu Kiệt đẩy lại cặp kính trên sống mũi: "Tôi nhớ hai vị lần đầu gặp mặt là năm 41, lúc cô Trần diễn vở <Khảo Hồng>?"
"Đó là lần tôi chính thức làm quen với chị Mai," Trần Vân Sinh đáp, "Thực ra tôi biết chị ấy từ sớm hơn nhiều. Hồi đó tôi thích xem kịch của chị lắm."
"Cô vậy mà lại là người hâm mộ của cô ấy sao?" Vương Thiệu Kiệt có chút bất ngờ.
Trần Vân Sinh cười: "Còn không phải sao, ngay từ vở đầu tiên đã bị mê hoặc rồi."
"Khí chất của cô Ngu quả thật rất hợp với những vai như Văn Tất Chính." Vương Thiệu Kiệt nhận xét.
"Lúc đó tôi đã biết Văn Tất Chính là ai đâu?" Trần Vân Sinh chăm chú nhìn tấm ảnh, vừa như tâm sự với Vương Thiệu Kiệt, lại như đang tự nói với chính mình: "Tôi chỉ đơn giản thấy sao chị ấy diễn hay thế. Hồi học hí tôi cũng có tập qua vai tiểu sinh, nhưng trước khi xem chị Mai diễn, tôi chưa bao giờ nghĩ vai tiểu sinh còn có thể diễn ra như vậy. Chị Mai dưới sân khấu rất nữ tính, vậy mà khi lên sân khấu liền như hóa thành một người khác. Lúc trước, người khác học hát phần nhiều vì nhà nghèo, nhưng mà chị ấy không giống vậy. Chị thật sự vì yêu thích hí kịch mà quyết tâm theo đuổi, cũng vì hí kịch mà từng cãi nhau với gia đình. Chị ấy diễn vai nào cũng giống, có lẽ sinh ra đã là dành cho sân khấu. Lúc xem <Tống Hoa Lâu Hội> tôi thầm nghĩ, nếu như có thể được cùng chung sân khấu với chị ấy, dù không đóng được Hoắc Kim Định, thì làm con hầu Thu Hoa cũng đã mãn nguyện. Nhưng chị ấy quá nổi tiếng, một vai phụ như tôi căn bản với không tới. Quả đúng như lời trong kịch: 'Ngàn sợi tơ tình vương vấn mãi, oán cửa hầu cao khó tương phùng.'" [2]
***
Thoáng đảo mắt, Trần Vân Sinh ở Thượng Hải biểu diễn đã tròn một tháng.
Nói "biểu diễn" thật ra không chính xác lắm. Đoàn hát của họ nhỏ, nhân lực thiếu thốn, Trần Vân Sinh vừa đến, lại ít kinh nghiệm nhất, phần lớn thời gian chỉ đóng vai quần chúng, có ngày diễn xong cũng chẳng cất được một câu hát. May là tuổi cô còn nhỏ, lại nhớ lời ông bầu dặn trước lúc đi, nói đất Thượng Hải ngọa hổ tàng long, muốn cô giữ vững tâm thế bình thản. Sư tỷ cũng thường an ủi: "Trong nghề hát, ai chẳng bắt đầu từ một đứa làm bếp [3]?" Vì thế, Trần Vân Sinh cũng chẳng cảm thấy ấm ức mấy. Có lúc được nhận vai có vài câu hát, cô còn có thể vui vẻ cả nửa ngày.
Lần đầu nhận được tiền công, Trần Vân Sinh trước hết dành ra một phần gửi về nhà, rồi hăm hở phóng đến rạp mua vé. Vé mua, đương nhiên là cho vở diễn của Ngu Mạnh Mai.
Một tháng ngắn ngủi, ba chữ Ngu Mạnh Mai từ xa lạ giờ đã nổi như cồn. Không chỉ khán giả xem kịch, ngay tại chính rạp hát Vân Sinh đang làm, những vở diễn mới nhất của Ngu Mạnh Mai cũng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi mỗi ngày. Đến cả Vương Quế Hoa, cùng diễn vai tiểu sinh, lúc nhắc đến Ngu Mạnh Mai cũng phải tâm phục khẩu phục: hóa trang tốt, diễn xuất cao, trung khí đủ, mỗi câu hát đều như nước chảy mây trôi. Được tổ nghiệp độ phú tài năng, lại gia công khổ luyện rèn giũa, nàng không nổi tiếng thì còn ai có thể nổi tiếng nữa?
Thi thoảng, Ngu Mạnh Mai cũng đến đài phát thanh biểu diễn. Sạp hạt dẻ nướng đường ở đầu ngõ mỗi lần thấy nàng lên đài đều mở loa hết cỡ để hút khách, tiếng nhạc vang khắp cả con hẻm. Trần Vân Sinh lúc mua hạt dẻ giúp sư tỷ đã được nghe thử, đoạn hí của nàng khi thì hào hùng sảng khoái, lúc lại ai oán não nùng, âm điệu sâu sắc, thiên biến vạn hóa. Bất kỳ trích đoạn nào qua tiếng hát của nàng cũng trở nên sống động lạ thường.
Vừa đặt chân đến Thượng Hải được mấy ngày, Trần Vân Sinh đã âm thầm quyết tâm phải xem Ngu Mạnh Mai biểu diễn. Thế nên vừa có tiền, cô đã vội vàng chạy đến rạp hát nơi Ngu Mạnh Mai đóng chính. Không ngờ vé xem hôm đó đã bán sạch, cô chỉ mua được vé cho suất diễn vài ngày sau.
Nghĩ đến việc hôm nay không thể gặp được Ngu Mạnh Mai, trong lòng Trần Vân Sinh bỗng dâng lên một cỗ buồn bã. Cô đi đi lại lại trước cửa rạp hát hồi lâu, bỗng linh quang chợt động. Kiến trúc các rạp hát đều khá giống nhau, cô hẳn là có thể dễ dàng tìm được lối vào hậu trường. Nếu lén lút vào được bên trong, nói không chừng có thể được nhìn thấy Ngu Mạnh Mai rồi.
Nói làm là làm, Trần Vân Sinh dứt khoát đi về phía hậu trường. Suốt một đường, cô thầm hí hửng vì sự nhanh trí của mình, ai ngờ vừa đến cửa, liền nhìn đến phát ngốc.
Cửa hậu trường bị tầng tầng lớp lớp thiếu nữ trẻ bao vây chặt cứng.Nổi bật nhất trong đám đông là một tiểu thư áo gấm đeo vàng, phía sau còn có một đứa nha hoàn và một bà mối, mỗi người đều ôm khư khư một chiếc hộp gỗ.
"Này, cô đoán xem hôm nay Hoàng tiểu thư lại mang bao nhiêu vàng đến đây?" Có người thì thầm bên tai Vân Sinh.
Trần Vân Sinh quay lại, thấy một thiếu nữ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, cũng tết hai bím tóc như cô, khuôn mặt trái xoan, mặc chiếc sườn xám vải xanh đen, trông như một nữ sinh.
"Vàng ư?" Trần Vân Sinh ngơ ngác.
Cô gái kia liếc nhìn cô, ánh mắt thoáng chút khinh thường: "Mới tới hả?"
Trần Vân Sinh gật đầu.
"Vị Hoàng đại tiểu thư này à," cô gái giải thích với Vân Sinh bằng giọng đầy ghen tị, "có thể coi là người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Ngu Mạnh Mai. Cứ vài ba ngày lại đến đây chặn cửa, mỗi lần đều mang theo cả nắm vàng bạc, hễ thấy Ngu Mạnh Mai ra vào là lập tức nhét vào tay."
Trần Vân Sinh kinh ngạc há hốc miệng. Cô từng biểu diễn ở dưới quê lẫn Thượng Hải, không phải chưa từng thấy qua người hâm mộ. Nhưng vừa điên cuồng lại vừa giàu có như thế này thì quả là lần đầu được gặp.
"Có điều," nữ sinh phe phẩy khăn tay, cười đắc chí: "Ngu Mạnh Mai một lần cũng không nhận. Coi tiền bạc như cỏ rác, tôi biết ngay mình không yêu nhầm người mà!"
Trần Vân Sinh lặng lẽ rút lui. Lúc nãy cô bị cái gì che mắt, lại đi nghĩ ra cái ý tưởng chặn cửa hậu trường viển vông thế này?
"Này, sao cô lại đi rồi?" Cô nữ sinh gọi với theo: "Ngu Mạnh Mai chưa tới mà!"
Vừa đi được không xa, Trần Vân Sinh đã nghe thấy một tràng tiếng reo hò nối tiếp nhau. Cô đoán là Ngu Mạnh Mai đã tới, dừng chân ngoảnh lại nhìn. Nhưng ngoài một biển người chen chúc lẫn nhau, cô chẳng thấy gì cả.
Thôi vậy, Trần Vân Sinh lắc đầu, đợi mấy ngày nữa đến xem kịch vậy.
***
Đến ngày xem kịch, Trần Vân Sinh trở về nhà từ sớm, lựa cả nửa ngày, mới thay lên một chiếc sườn xám vải bông màu trắng, thoa ít phấn lên mặt rồi mới vội vã đến rạp hát.
Vừa vào rạp, Trần Vân Sinh thấy khán phòng đã chật kín người. Cô đảo mắt nhìn quanh, không thấy bóng dáng cô nữ sinh hôm trước, nhưng lại phát hiện vị Hoàng đại tiểu thư kia. Lần này, cô ta không mang theo nha hoàn hay bà mối, nhưng vẫn diện trang phục lộng lẫy ngọc ngà, vô mười phần bắt mắt. Cô ngồi ở vị trí đẹp nhất hàng ghế đầu, ôm một bó hoa lớn, dáng người lại ngay ngắn đoan trang. Điều này khiến Trần Vân Sinh bỗng nảy sinh chút thiện cảm. Ít nhất, vị tiểu thư này cũng đến xem kịch bằng một thái độ nghiêm túc.
Ngay lúc ấy tiếng trống xướng lên. Trần Vân Sinh biết vở diễn sắp bắt đầu, vội vàng tìm chỗ ngồi. Vừa ngồi ổn định, trên sân khấu đã bắt đầu diễn, có điều vẫn chưa phải chính kịch, mà là một vở <Tương Mạ Bản> [4]. Đây chủ yếu là phần diễn của sài đán [5] và tiểu đán, lại chỉ là tiết mục dạo đầu, Ngu Mạnh Mai đương nhiên sẽ không xuất hiện. May là vở diễn náo nhiệt, phần lớn khán giả vẫn say sưa thưởng thức. Đến khi "Tương Mạ Bản" hạ màn, chính kịch liền khai diễn.
Hôm nay diễn vở <Song Châu Phụng>, kể về mối tình giữa tài tử Văn Tất Chính và tiểu thư Hoắc Kim Định. Chuyện bắt đầu khi Văn Tất Chính tình cờ gặp gỡ tiểu thư tại chùa Vấn Tâm, nhặt được trâm phượng hoàng ngọc trai của nàng. Muốn trả lại nhưng bị thị nữ Thu Hoa ngăn cản, chàng bán thân vào Hoắc phủ làm gia nhân để tìm cơ hội tỏ tình. Một hôm, Văn Tất Chính vâng lệnh phu nhân mang hoa sen cho tiểu thư, giữa đường lại bị Thu Hoa chất vấn. Thu Hoa nhiều lần trêu chọc thử thách, cuối cùng bị thuyết phục bởi tài năng của chàng, dẫn chàng lên lầu, ngọc thành hảo sự, kết thành lương duyên. Cuối cùng, Văn Tất Chính cùng Hoắc Kim Định đính ước bạch đầu giai lão.
Đây là vở kịch cổ được lưu truyền từ thời Tiểu Ca Ban [6], Trần Vân Sinh đối với vở này có thể nói là thuộc lòng từng chi tiết, nên lúc xem cũng kỹ lưỡng hơn người khác.
Khi Ngu Mạnh Mai vai Văn Tất Chính vừa xuất hiện, cả rạp vỡ òa trong tiếng vỗ tay. Hoa đán đóng vai tiểu thư Hoắc Kim Định tuy cũng không kém, nhưng khí thế trước khán giả vẫn còn thua xa Ngu Mạnh Mai.
Trần Vân Sinh từng xem ảnh Ngu Mạnh Mai, cũng từng nghe nàng hát trên đài phát thanh, nhưng chỉ đến khi thấy tận mắt, cô mới thực sự ý thức được nàng xuất chúng đến nhường nào.
Bình tâm mà nói, giọng hát của Ngu Mạnh Mai không quá vang, âm vực cũng không cao, nhưng âm sắc trầm ấm đầy đặn, trung khí vững vàng dồi dào, cách nhả chữ tuy thoáng mà chắc, luyến láy tinh tế đa dạng. Cách hí của nàng tưởng chừng tùy ý, thực chất mười phần ý vị, vừa vặn mà lọt vào tai của người nghe. Cộng thêm tạo hình tuấn lãng, thân pháp phong lưu thoát tục, trong mắt có thần, mỗi cái cau mày mỗi một nụ cười, đều toát lên vẻ phong lưu khó tả.
Trần Vân Sinh lúc ấy vốn từ còn hạn chế, dù nhận ra vô vàn ưu điểm của Ngu Mạnh Mai, cũng chẳng biết diễn tả thế nào, chỉ có thể cảm thán trong lòng, sao lại có tiểu sinh tuấn tú đến thế? Bởi vậy, dù đã thuộc lòng cốt truyện, cô vẫn cùng Văn Tất Chính trên sân khấu khi hỉ khi bi. Vô tri vô giác, vở đã diễn đã đến cảnh <Tống Hoa Lâu Hội>.
Đây là cảnh quan trọng khi Văn Tất Chính vâng mệnh đi đưa hoa, hội ngộ cùng tiểu thư Hoắc Kim Định, ở trong có rất nhiều động tác kĩ thuật. Chỉ thấy Ngu Mạnh Mai khoác trang phục gia nhân, tay nâng giỏ hoa bước ra sân khấu. Nàng di chuyển một vòng quanh sân khấu, rồi giả vờ lau mồ hôi trán, sau đó phóng khoáng mà vung ống tay áo thủy tụ, cả rạp hát lập tức bùng nổ trong tiếng reo hò.
"Hớn hở vâng lệnh trao hoa đến, nào ngại nắng hè gay gắt chói chang..." đợi Ngu Mạnh Mai vừa cất giọng, khán giả đã như si như mê. Vị Hoàng đại tiểu thư ngồi hàng ghế đầu vỗ tay không ngừng, liên tục reo hò. Trần Vân Sinh bên ngoài không chút biểu tình, nhưng nội tâm lại dậy sóng từng đợt. Rõ ràng là những động tác bình thường, rõ ràng là những khúc điệu cô đã nghe vô số lần, nàng làm sao có thể hát đến rung động lòng người như thế?
Màn kịch về sau thuận lý thành chương. Tài tử giai nhân kết tóc se duyên, hứa hẹn chung thân. Hoa tươi, bạc trắng ào ào ném lên sân khấu. Hoàng tiểu thư ném hết số bạc thưởng mang theo vẫn chưa thỏa, kích động cởi cả dây chuyền đang đeo, vòng tay, nhẫn ngọc, gắng sức ném lên sân khấu. Đến lúc tạ màn, lại chính cô ta là người đầu tiên xông lên sân khấu dâng hoa.
Tuy Ngu Mạnh Mai không cách nào nhận vàng bạc từ Hoàng tiểu thư, nàng lại hiếm khi khước từ những bó hoa cô tặng. Khi đón lấy bó hoa bằng cả hai tay, nàng thậm chí còn lộ ra một nụ cười dịu dàng. Đó chắc chắn là thời khắc hạnh phúc nhất của Hoàng tiểu thư, vui mừng đến độ rơi nước mắt.
Trần Vân Sinh chẳng có hoa để tặng, cũng không có trang sức vàng bạc nào để ném lên sân khấu, chỉ biết đứng dậy vỗ tay thật lớn. Nhưng ngoài ra, cô đặc biệt chú ý quan sát vị hoa đán vai tiểu thư Hoắc Kim Định. Dù diễn xuất của cô ấy không tệ, nhưng cũng không phải là đỉnh cao không thể chạm tới. Nếu cô nỗ lực đủ nhiều, tương lai liệu có một ngày cô cũng có thể đứng chung sân khấu với Ngu Mạnh Mai?
------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
Thủy tụ [1]: Ống tay dài đặc trưng trong trang phục hát kịch, dùng để nhấn nhá động tác. Vung mạnh biểu hiện sự giận dữ, phẫn nộ. Lướt nhẹ ẩn ý cho u sầu, e ấp. Còn khi xoay tròn thì biểu đạt niềm hân hoan, vui mừng.
Ngàn sợi tơ tình vương vấn mãi,
Oán cửa hầu cao khó tương phùng. [2]: Trích từ <Tống Hoa Lâu Hội>, cảnh Văn Tất Chính thầm yêu Hoắc Kim Định nhưng không dám bày tỏ vì cách biệt thân phận. "Cửa hầu" chỉ gia tộc quyền quý, rào cản giai cấp trong xã hội cũ.
Làm bếp [3]: Cách gọi khác của "đóng vai quần chúng". Theo phỏng vấn của Phạm Thụy Quyên lão sư, thời đó giới Việt kịch ít khi dùng từ "long tao" (vai quần chúng), mà thường gọi là "làm bếp".
<Tương Mạ Bản> [4]: Vở hài kịch ngắn dân gian, xoay quanh những mâu thuẫn trào phúng giữa các nhân vật nữ, thường được dùng làm tiết mục mở màn.
Sài đán [5]: Vai hề nữ, thường có lối diễn xuất phóng đại, gây cười
Tiểu Ca Ban [6]: Từ năm 1906, đánh dấu sự ra đời của Việt kịch, đến những thập niên 20, được xưng là giai đoạn Tiểu Ca Ban. Khi ấy các đoàn hát nam là lực lượng biểu diễn chủ yếu.
------------------------------------------------------------------------------------
Lời tác giả:
Vở <Song Châu Phụng> thuộc dòng kịch cổ, theo mốc thời gian trong truyện, lẽ ra nên tham khảo bản gốc sử dụng điệu Tứ Công. Tuy nhiên, do chưa tìm được tư liệu gốc, phần miêu tả trong truyện dựa trên phiên bản Lục phái sau này, cần ghi chú rõ để bạn đọc lưu ý.
Thông tin thêm (cá nhân):
Trích đoạn <Tống Hoa Lâu Hội> do các nghệ sĩ Hạ Tái Lệ, Hà Tái Phi, Đào Tuệ Mẫn biểu diễn thập niên 1980. Ngoài lão sư Lục Cẩm Hoa, Hạ Tái Lệ chính là nghệ sĩ đóng vai tiểu sinh phái Lục mà tôi yêu thích nhất. Mời độc giả quan tâm cùng thưởng thức. (Editor đã gắn link ở phần đầu, có điều không có vietsub nha mọi người)
------------------------------------------------------------------------------------
Lời editor:
"Mỗi cái cau mày mỗi một nụ cười, đều toát lên vẻ phong lưu khó tả." Nghe tả xong cái tự nhiên nhớ vai Giả Đình của Quân Quân nhà mình. (Đây là một màn quảng cáo trá hình) :>>>
Đây là tạo hình vở <Tân Long Môn Khách Trạm> vai Giả Đình nha mọi người, có hứng thú thì lên Tiktok xem mấy clip ngắn chị bế bạn diễn ó. Đẹp trai chỉ là một loại cảm giác TvT
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip