Chương 1
Góc nhìn của Kliao Khluen
Khi chúng ta nghĩ đến việc mất đi thứ gì đó, và bỗng một ngày nào đó ta có cơ hội tìm lại nó, cảm giác đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn sẽ là gì?
Đó có thể là niềm vui vỡ òa khi gặp lại một người thân yêu, sự xúc động khi cầm trên tay món đồ kỷ niệm tưởng chừng đã thất lạc, hay hạnh phúc vô bờ khi chú thú cưng lạc đường cuối cùng cũng trở về sau bao ngày kiên trì tìm kiếm?
Đã có lần, tôi đã từng trải qua cảm giác mất đi một thứ gì đó. Đó chính là "bàn tay phải" của tôi.
Tuy nhiên, tôi lại có thể có lại nó bằng một cách không thể nào tưởng tượng được...
Đó cũng chính là lý do khiến tôi quyết định theo đuổi một lĩnh vực mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới. Đó không phải là ước mơ hay đam mê của tôi, mà là một điều gì đó tưởng chừng như hoàn toàn xa lạ với con người tôi: "Y học"
Nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, tôi đưa tay, khéo léo xoắn lọn tóc thành đuôi ngựa, môi tôi cắn chặt dải ruy băng dùng để buộc tóc.
Mắt tôi tràn ngập sự lo lắng, báo hiệu sự chậm trễ sắp xảy ra. Mặc dù lúc này, mặt trời vẫn còn đang say giấc và chưa bắt đầu nhiệm vụ chiếu sáng cho thế giới, với người khác có thể là sáng sớm, nhưng với tôi thì không. Tôi phải đảm bảo mình sẽ đến khoa kịp giờ thăm khám buổi sáng (1).
Có người gọi trang phục dành cho sinh viên y khoa năm sáu là "chiếc áo toàn năng", mặc dù đó chỉ là một chiếc áo choàng ngắn có thêu tên chúng tôi bằng chỉ xanh trên ngực áo. Tuy nhiên, khi mặc vào, nó như trở thành biểu tượng của khả năng làm được mọi thứ, bất chấp việc chúng tôi vẫn còn đang học mà thôi. Trong những năm vừa qua, ca làm việc của tôi thường kéo dài đến tận nửa đêm. Kỳ nghỉ hè trôi qua trong chớp mắt (chúng tôi chỉ được nghỉ vài ngày). Ngay khi học kỳ mới bắt đầu, tôi đã đảm nhận vai trò là một thực tập sinh (2) có thời gian thực tập phản ánh nhiệm vụ của một bác sĩ, vì đây là năm cuối của tôi với tư cách là một sinh viên y khoa.
Để bạn hiểu rõ hơn, thì sinh viên y khoa năm sáu như chúng tôi sẽ được phân công vào các khu khác nhau trong khoảng bốn tuần. Vậy "khoa" ở đây chính xác là gì? Khoa là dùng để chỉ nơi ở cho các bệnh nhân nội trú, và sẽ có nhiều khu khác nhau như khoa Nội, nơi tập trung điều trị bằng thuốc; khoa Sản - Phụ khoa, chuyên về sinh sản; khoa Nhi, chuyên về chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, còn có khoa Ngoại, nơi thực hiện nhiều loại phẫu thuật khác nhau, thường bị nhầm lẫn với phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, thuật ngữ 'phẫu thuật' bao hàm một phạm vi rộng hơn các phương pháp điều trị được thực hiện thông qua các ca mổ.
Cho phép tôi tóm tắt ngắn gọn về các khoa chính trước, mặc dù thực tế là với vai trò là một thực tập sinh, tôi sẽ phải luân chuyển qua nhiều khoa khác nữa. Dù sao thì lúc này, tôi đang thay đồ và chuẩn bị những vật dụng cần thiết bỏ vào túi, nóng lòng muốn nhanh chóng ra khỏi nhà. Tôi vội vã đứng dậy, xỏ giày và bước ra khỏi cửa ký túc xá.
Bạn cùng phòng của tôi đã trực đêm từ tối qua. Đến giờ này, chắc hẳn cô ấy đã đi tìm chút caffeine để tiếp thêm năng lượng cho cơ thể trước khi tiếp tục tỉnh táo tham gia buổi trực khoa.
Tôi cảm thấy mình đã tiết lộ quá nhiều thứ mà chưa kịp giới thiệu bản thân một cách đầy đủ. Thôi được rồi, làm quen nhé. Tôi sẽ bắt đầu bằng tên của mình.
Tôi là 'Kliao Khluen,' một sinh viên y khoa, mái tóc tôi thường bị bạn bè nghịch tung lên vì tôi thấp hơn tất cả bọn họ. Tôi vừa bắt đầu năm thứ sáu của mình cách đây vài tuần, không may sao lại bắt đầu đợt trực khoa đầu tiên tại khoa Sản - Phụ vốn nổi tiếng khó nhằn... Nhưng liệu mọi khoa có đều khó khăn như vậy không? Tôi không biết nữa. Dù sao thì, tôi đã gặp một bác sĩ chuyên khoa (3) rất nghiêm khắc, người liên tục theo sát và quan sát tôi trong phòng mổ. Khi tôi hỗ trợ đỡ đẻ cho một sản phụ, vị bác sĩ đó gần như muốn trèo lên cổ tôi và sẵn sàng bắt lỗi bất kỳ sai sót nào, như thể tôi sẽ gọi nhầm tên dụng cụ bất cứ lúc nào. Việc hỗ trợ đỡ đẻ để em bé chào đời an toàn là một trải nghiệm mà đến giờ tôi vẫn cảm thấy khá ám ảnh.
Dù vậy, lúc này tôi vừa hoàn thành ca trực tại khoa Sản và chuyển sang khoa Nội, nơi có lượng bệnh nhân khá đông. Một giọng gọi đùa cợt vang lên ngay khi tôi bước ra khỏi ký túc xá.
"Kliao~"
Chưa kịp phản ứng, cổ tôi đã cảm thấy nặng trịch vì một ai đó cao lớn ôm chầm lấy.
"Đổi ca với tớ nhé? Tớ có cuộc hẹn cực kỳ quan trọng tối nay. Nếu lỡ hẹn, có thể tớ sẽ ế tới già luôn đấy."
Anh chàng này là 'Tree', bạn học của tôi và đang thầm thương trộm nhớ một nữ ca sĩ. Và tất nhiên, không cần phải hỏi tôi cũng biết - cậu ta định đi theo cô ca sĩ ấy đến câu lạc bộ nơi cô ấy biểu diễn.
Dù đến năm sáu chúng tôi mới quen biết nhau, khi tôi chuyển đến bệnh viện này, nhưng tôi nghe nói rằng cậu ấy vẫn thường làm chuyện này kể từ năm tư, nhưng có vẻ như cô ca sĩ kia chẳng hề nhớ đến cậu ấy, nên...
"Không được đâu."
Vì thế, tôi từ chối và nhẹ nhàng đẩy tay cậu ta ra để ngăn cậu ta dựa vào người mình.
"Chiều nay tớ có ca trực rồi."
"Ừa, tớ biết mà. Nếu cậu có trực ca chiều thì tiện cậu nhận luôn ca đêm của tớ đi. Tớ sẽ nhận hai ca tiếp theo của cậu nhé. Thế là đôi bên cùng có lợi rồi."
"Chẳng có lợi gì đâu. Tớ không đồng ý đâu đấy nhé. Đó là ca trực phòng cấp cứu, cậu cũng biết mà."
Có hai loại ca trực. Một là ca trực khoa, tức là trực tại một khoa cụ thể. Loại còn lại là ca trực phòng cấp cứu, yêu cầu phải túc trực 24/24 tại phòng cấp cứu. Về ca trực phòng cấp cứu, đứa ngốc nào lại muốn nhận chứ?
Nhưng để được xem và nghe ca sĩ đó hát, Tree đương nhiên không chịu bỏ cuộc. Cậu ấy năn nỉ tôi suốt quãng đường từ ký túc xá đến bệnh viện. Quãng đường khá ngắn, chỉ mất vài phút đạp xe. Đó cũng là lý do tôi chuyển đến ký túc xá này vào năm sáu (ký túc xá nam ngay bên cạnh, có một khu vực chung ở giữa). Dù khoảng cách khá gần, nhưng cậu bạn mặc áo choàng ngắn vẫn không ngừng ca ngợi lợi ích của việc cậu ấy nhận ca trực thay tôi, thậm chí còn đề nghị khao tôi một bữa.
Khi tôi hỏi tại sao cậu ấy không đổi ca với người khác, Tree thừa nhận rằng cậu ấy đã hỏi qua LINE Chat, nhưng chẳng ai chịu nhận lời đổi ca cả.
"Đi mà, Kliao! Tớ xin cậu đấy! Hôm nay cậu chịu cực xíu, đổi lại ngày mai cậu sẽ khoẻ hơn vì có tớ trực thay cho cậu mà."
Tôi đảo mắt trong khi khóa bánh xe đạp vào một cái cột nhỏ trong sân. "Nhưng hôm nay tớ chỉ muốn nghỉ ngơi thôi. Tớ không muốn làm cả đêm rồi lại lết thân đi thăm khám buổi sáng đâu."
"Nhưng lần này thật sự là lần cuối cùng đấy! Sau lần này, tớ thật sự sẽ không làm phiền cậu nữa đâu!"
Rồi Tree cứ thế đi theo tôi và liên tục năn nỉ. Đối với những người không quen biết chúng tôi, cảnh tượng này có thể bị hiểu lầm thành một cuộc tán tỉnh nào đó, nhưng thực tế là cậu ấy đang cố thuyết phục tôi đổi ca chỉ để cậu ấy có thể thoải mái vui chơi trong câu lạc bộ và gửi những ánh mắt ngọt ngào đến nữ ca sĩ kia. Trong khi đó, tôi có lẽ sẽ phải quay cuồng trong phòng cấp cứu. Chuyện đó nghe chẳng hấp dẫn chút nào.
Hành lang bệnh viện vào buổi sáng vẫn nhộn nhịp người qua lại. Tree và tôi bước thẳng về phía trước, dù biết rằng chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ phải chia tay vì được phân công vào các khoa khác nhau. Điểm đến của tôi là khoa Nội tổng quát, nơi các bác sĩ nội trú năm tư và năm năm có lẽ đã hoàn thành việc khám bệnh buổi sáng.
Đồng hồ chỉ khoảng 5 giờ sáng, và tôi là kiểu người thích tìm thứ gì đó để lót dạ trước khi bắt đầu công việc vì vẫn còn chút thời gian. Tôi rẽ vào một trong những cửa hàng tiện lợi trong bệnh viện để tìm một ổ bánh mì nhỏ nhai tạm và có thứ gì đó cho dạ dày tiêu hóa. Tree vẫn theo sát tôi và không ngừng lèm bèm. Cảnh tượng này khiến cô thu ngân mỉm cười như đang chứng kiến một cặp đôi giận dỗi vu vơ.
Tôi và Tree ư?
Không thể nào.
Trái tim tôi đã thuộc về một người khác rồi.
Người mà tôi nhớ tên rõ từng chữ, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa tìm được "cô ấy."
Trong lúc tôi cắn miếng bánh mì và chờ thang máy lên tầng trên, giọng nói của Tree dần không còn vang đến tai tôi nữa. Mắt tôi vô tình liếc nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trên cánh cửa thang máy sáng bóng. Tay phải tôi lần vào túi áo choàng ngắn, nắm lỏng để xác nhận rằng nó vẫn còn đó, như nó chưa biến mất đi đâu cả.
Mặc dù đã gần 7 năm trôi qua kể từ sự cố đó, nhưng chưa một ngày nào tôi quên được khuôn mặt của người phụ nữ tôi đã yêu...
Cũng chính là người đã cứu cánh tay phải của tôi.
7 năm trước
Lúc đó, tôi là một học sinh lớp 11 với thành tích học tập ở mức trung bình. Tôi không chắc chắn mình sẽ theo đuổi ngành học nào. Một vài người bạn của tôi đang chuẩn bị thi vào các ngành kỹ thuật, trong khi những người khác thì hướng đến y khoa, hàng không, điều dưỡng, kinh doanh, luật,... Ai nấy dường như đều có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, còn tôi thì chẳng có ước mơ gì cả.
Bố mẹ tôi chưa bao giờ định hướng cho tôi về chuyện này. Mỗi khi tôi cố gắng đặt câu hỏi, "Bố mẹ, bố mẹ nghĩ con nên học ngành gì ạ?" ngay sau khi cả nhà ăn cơm xong, bố tôi thường trả lời một cách hờ hững:
"Sao phải nghĩ nhiều thế? Thật ra là con gái, con không cần phải học đại học đâu. Nhỡ đang học mà lại có bầu thì sao? Đến khi đó thì sẽ tệ lắm đấy. Cứ tốt nghiệp cấp ba rồi kiếm một công việc đơn giản mà làm, sau đó lấy một người đàn ông có địa vị ổn định để bố mẹ không phải lo lắng cho con nữa là được rồi."
Tôi không hiểu tại sao câu trả lời của bố mẹ luôn là như vậy. Mỗi khi tôi mở miệng phản đối, mẹ tôi lại gọi tôi vào bếp rửa bát. Một khi xong việc rửa bát, mẹ lại nghĩ rằng một đứa "con gái" như tôi nên tiếp tục làm những việc nhà khác, trong khi đứa "con trai" kia thì có thể thoải mái chơi game trên ghế sofa.
Em trai tôi tên là Fong-Samut, nhỏ hơn tôi hai tuổi. Tôi thề là từ khi nó sinh ra, tôi chỉ thấy nó làm việc nhà đúng một lần. Đó là khi nó ăn không tiêu và muốn vận động một chút, nên cầm cây chổi quét nhà. Tất nhiên, khi bố mẹ thấy vậy, họ đã khen ngợi nó không ngớt lời. Còn tôi, dù phải làm việc nhà mỗi ngày và làm nhiều hơn thế, cũng chẳng ai theđể ý hay khen ngợi tôi cả.
Gia đình tôi thuộc tầng lớp trung lưu, và họ tin vào quan niệm rằng phụ nữ sinh ra là để làm nội trợ và làm mẹ. Họ kỳ vọng rằng con trai sẽ là niềm tự hào, là tương lai, và bất cứ thứ gì khác mà họ có thể tự hào.
Điều đó thật sự rất ngột ngạt, nhưng tôi chẳng thể làm gì được. Đôi khi, tôi thấy mình lảng vảng ở ký túc xá của Khim, một người bạn thân từ thời cấp ba. Cô ấy xinh đẹp, là ngôi sao của trường, và xuất thân từ một gia đình khá giả. Tuy nhiên, vì gia đình cô ấy sống ở một tỉnh khác, nên cô ấy phải thuê nhà trọ ở đây. Khim thường than thở về cảm giác cô đơn, và mỗi khi như vậy, tôi lại bỏ vài bộ đồng phục vào ba lô và qua nhà cô ấy ngủ cùng.
Cũng như hôm đó, tôi biết rằng sẽ chán ngắt như thế nào khi dì tôi đến chơi. Không phải tôi ngại việc họ khoe khoang về những đứa con của mình, vì may mắn thay, dì tôi không thuộc tuýp người đó. Tôi chỉ quá chán ngán việc phải pha trà và ngồi nghe bố mẹ khoe khoang về điểm số của Fong-Samut trước mặt dì mà thôi. Thật lòng mà nói, thành tích của em trai tôi cũng chẳng hơn tôi là bao.
"Kliao, cậu đã nghĩ ra sẽ học ngành gì chưa?"
Thường thì khi qua ngủ nhờ chỗ Khim, vì cô ấy vui tính và hay đùa, những cuộc trò chuyện của chúng tôi thường nhẹ nhàng và linh tinh. Thế nhưng hôm nay, bất chợt, khi đèn trong phòng đã tắt hết, cô bạn tôi bỗng thốt ra một câu hỏi khiến tôi chết lặng.
"Tớ không biết nữa. Đợi đến lớp 12 rồi tính tiếp vậy."
"Không được đâu! Chúng ta sắp hết lớp 11 rồi đấy, cậu biết không?"
"Thế cậu đã nghĩ ra chưa?"
"Rồi."
"Ngành gì thế?"
"Mozz-"
"Nếu cậu trả lời là phô mai Mozzarella, tớ sẽ đá cậu xuống giường đấy!"
Tôi nhịn cười trước khi Khim kịp buông ra một câu đùa không mấy vui vẻ mà có thể khiến tôi sởn gai óc. Cô ấy khúc khích một chút rồi điều chỉnh giọng trở nên nghiêm túc.
"Ngành Truyền thông Đại chúng."
"Tại sao lại là Truyền thông Đại chúng?"
"Tớ muốn trở thành biên kịch."
Điều đó khá bất ngờ, vì mọi người đều cho rằng Khim, người tích cực tham gia mọi hoạt động và xinh đẹp đến mức đã giành được vô số giải thưởng, đương nhiên sẽ hướng đến sự nghiệp trong ngành giải trí hoặc gì đó tương tự. Thế nhưng, khi chỉ có hai đứa, cô ấy đột nhiên nói với tôi rằng ước mơ của mình là trở thành một biên kịch chuyên nghiệp. Cô ấy cũng chia sẻ rằng mình tham gia nhiều sự kiện vì muốn tích lũy kinh nghiệm làm chất liệu cho việc viết lách.
Đêm đó, tôi khó mà chợp mắt được. Trong khi bạn bè cùng trang lứa gần như đã xác định được ước mơ của mình, tôi vẫn chẳng biết lớn lên mình muốn làm gì.
Sáng hôm đó, mẹ tôi gọi ngay khi mặt trời vừa mọc, hỏi tôi đang ở đâu và tại sao chưa về nhà. Mẹ giải thích rằng muốn đưa dì đi làm phước ở chùa vì hôm đó là ngày lễ của Phật giáo.
Điều mẹ tôi muốn là tôi phải về nhanh để giúp nấu nướng, sau đó quay lại mở cửa hàng văn phòng phẩm, dù đó là ngày nghỉ và sẽ chẳng có nhiều học sinh từ các trường lân cận đến mua sắm.
Tôi không hiểu tại sao mẹ không nhờ Fong-Samut, nhất là khi cả tôi và em trai đều rảnh vào thứ Bảy. Suốt thời gian qua, chỉ có tôi lo việc này, và khi tôi đề nghị để em trai phụ trách trong lúc tôi vắng nhà, mẹ lập tức gạt đi, nhất quyết bảo tôi phải về ngay.
Cuối ngày, tôi thở dài, cảm thấy thất vọng vì không thể cùng Khim ăn sáng.
"Tối nay cậu không quay lại hở?" Cô bạn thân đề nghị khi tiễn tôi ra khỏi phòng. Khim đứng lảng vảng ở cửa, có vẻ không muốn tôi rời đi. Rồi với ánh mắt tinh nghịch, cô ấy nói thêm, "Chúng mình cùng xem phim dài tập như một cuộc chạy marathon đi!"
"Mấy giờ cậu rảnh?"
"Cậu biết mà, tớ lúc nào chả rảnh."
"Được rồi, vậy gặp nhau lúc 7 giờ tối nhé."
Bạn tôi mỉm cười đồng ý, háo hức chờ đợi buổi tối sắp tới. "Nhất trí! Tớ sẽ chuẩn bị bỏng ngô cho hai đứa mình!"
Sau khi tạm biệt nhau, Khim và tôi bị ngăn cách bởi cánh cửa phân chia. Căn hộ của Khim có giá thuê hàng tháng khá cao, nên mọi thứ từ tường, hành lang, đến cả khu vườn chung phía trước đều được người quản lý chăm sóc cẩn thận suốt ngày. Tuy nhiên, vì còn sớm, khoảng 6 giờ sáng, nên chẳng có ai đi dạo xung quanh, khác hẳn những khung giờ khác.
Hành lang vô cùng yên tĩnh, và những mảng trời bên ngoài vẫn còn phảng phất sắc hoàng hôn, tạo nên một bầu không khí kỳ lạ.
Tôi ngâm nga một giai điệu để không cảm thấy quá cô đơn. Tôi xoa xoa đôi tay lên cánh tay nổi da gà để xua tan cái lạnh. Điểm đến của tôi là thang máy nằm ở cuối hành lang, bên cạnh cầu thang bộ.
Trước khi tôi kịp bước đi, tôi đã thấy mình đứng trước chiếc hộp kim loại vận chuyển. Cơ thể tôi suýt nữa lao về phía trước vì một cú va chạm bất ngờ. Khi tôi nhanh chóng nhận ra, đó là một người đàn ông mặc đồ màu xám, đeo khẩu trang đen che kín mặt. Anh ta vội vã đi xuống cầu thang từ tầng trên và đâm sầm vào tôi. Còn tôi, cũng loạng choạng một chút vì khung người nhỏ bé hơn.
Anh ta chỉ dừng lại một chút khi ánh mắt chúng tôi chạm nhau, và thế là xong. Dù là người đi bộ một cách bình thường, tôi không thể không nghĩ rằng nếu mình cảnh giác hơn, có lẽ tôi đã tránh được anh ta.
"Xin lỗi," tôi nói, cố gắng lấy lại thăng bằng và đứng thẳng dậy.
Cả hai đều lấy lại bình tĩnh. Anh ta không nói gì. Tôi có thể cảm nhận được sự sợ hãi và bất an phản chiếu trong đôi mắt của anh ta. Trước khi kịp hoàn toàn lấy lại tinh thần, anh ta bước những bước dài, vội vã đi xuống cầu thang như thể không muốn ai nhìn thấy nữa.
Lúc đó tôi không nghĩ nhiều ngoài sự tò mò cứ dai dẳng bám lấy tôi về lý do vì sao anh ta không sử dụng thang máy. Tuy nhiên vì đó không phải là vấn đề quan trọng nên tôi tiếp tục ngân nga giai điệu cũ và bước một bước về phía tháng máy để đi xuống tầng một.
Sau khi dành gần cả ngày dọn dẹp nhà cửa theo yêu cầu của mẹ trong ngày nghỉ, cuối cùng tôi cũng có chút thời gian để thư giãn. Dì tôi vẫn chưa về quyết định sẽ ở lại một hôm. Bà cũng nhân cơ hội này đào sâu vào quá khứ bằng cách lục lại những cuốn album cũ từ phòng kho. Điều này khiến tôi bực bội vì tôi phải quét dọn và lau chùi căn phòng một lần nữa sau khi bố tôi bước vào và lại phê bình rằng thật là xấu hổ khi có một đứa con gái sống bừa bộn như vậy. Đợi đã! Tôi cũng chẳng hiểu nổi. Đối với bố, có một đứa con gái sống cùng một mái nhà đồng nghĩa với việc nó phải trở thành một người nội trợ, đúng không? Hẳn đó là lý do tại sao ông ấy nói những lời như vậy. Dù sao thì tôi cũng đã thoát khỏi ngôi nhà đó, đứng chờ ở vạch kẻ đường gần khu căn hộ của Khim.
[Cậu đang ở đâu thế?] Giọng nói sôi nổi trong tai nghe bluetooth hỏi vị trí của tôi.
"Tớ đang ở ngay Chic Pie Café." tôi nhắc tên quán cà phê đối diện, một điểm quen thuộc và có thể cho cô ấy biết chắc chắn tôi có thể đi bộ đến nhà cô bạn thân trong chưa vòng năm phút. Điều này khiến người phía bên kia đầu dây đáp lại một cách hào hứng, vui vẻ hơn trước.
[Được rồi, vậy tớ sẽ đi làm bỏng ngô. Cậu nhanh đến đúng lúc để thưởng thức món ăn vặt hoàn hảo nhé.]
"Rõ ạ."
Sau đó, chúng tôi cúp máy. Tôi đứng đó, quan sát đèn tín hiệu giao thông vẫn chưa đổi màu. Chỉ có khoảng ba hoặc bốn người đang chuẩn bị băng qua đường cùng lúc. Trong khi bầu trời hôm nay tối hơn bình thường, và tâm trí tôi vẫn trống rỗng như mọi khi, chưa tìm thấy bất kỳ ước mơ nào, tôi đứng đó nhìn đèn tín hiệu cho đến khi cuối cùng nó chuyển sang màu xanh cho người đi bộ.
Tôi là một người nhỏ bé, nghĩa là tôi thấp và phải đi nhanh để có thể theo kịp những người có đôi chân dài hơn. Điều này thường khiến tôi tụt lại phía sau những người khác khi họ đi bộ với tốc độ bình thường. Tuy nhiên, vì Khim có lẽ đang bận làm bỏng ngô hoặc chuẩn bị chút soda, tôi không cảm thấy mình cần phải vội hơn tốc độ đi bộ thông thường làm gì.
Lúc đó, tôi không mải mê mơ mộng, nói chuyện điện thoại, hay nghe nhạc gì cả.
Dù tôi tự tin rằng mình đã nhìn trái phải kỹ càng, nhưng điều mà tôi coi là một "tai nạn" vẫn xảy ra.
Một chiếc xe bán tải đột ngột tăng tốc, vượt đèn đỏ. Nó lao thẳng về phía tôi, và trước khi tôi kịp phản ứng, cơ thể tôi đã bị hất văng khỏi điểm va chạm, lơ lửng trên không rồi đập xuống vỉa hè.
Tê liệt... Đó là thứ đầu tiên tôi cảm nhận được.
Tê liệt toàn thân, đặc biệt là bên phải, nơi tôi chẳng cảm thấy gì.
Cuối cùng, ý thức của tôi dần mờ đi, cùng với hình ảnh mờ ảo cuối cùng tôi nhìn thấy-chiếc xe bán tải tiếp tục lướt đi trên đường mà không dừng lại. Mọi người đổ xô đến giúp tôi, tất cả đều với thiện chí tốt đẹp.
Có vẻ như đã sang ngày hôm sau.
Không, đó là buổi sáng của vài ngày sau đó.
Nhiều ngày đã trôi qua, nhưng tôi không biết là bao lâu...
Đó là cảm giác của tôi khi tỉnh dậy.
Ánh sáng chói lóa chiếu vào mắt tôi khiến tôi mất vài giây để có thể điều chỉnh, và rồi tôi nhận ra rằng thứ ánh sáng đó không phải là ánh nắng ban mai mà là ánh đèn trắng của bệnh viện.
Bố, mẹ, em trai tôi, và bạn thân tôi Khim đang chờ đợi tôi tỉnh lại. Đó là một phòng bệnh chung, thiếu sự riêng tư, không giống như trong phim. Tôi gần như không còn sức để ngồi dậy, nhưng tôi nghe thấy mẹ tôi lo lắng nói rằng tôi đã tỉnh lại trong phòng ICU. Khi tình trạng của tôi tốt hơn, bác sĩ chuyển tôi đến đây, và tôi đã nằm trên chiếc giường đó khoảng một tuần.
Thật ra, tôi chẳng nhớ gì cả. Tuy nhiên, nếu cố gắng nghĩ kỹ, tôi nhận ra rằng trong suốt tuần qua, tôi hầu như không thể ngồi dậy, nhưng mẹ và Khim thay phiên nhau chăm sóc tôi. Tôi chỉ im lặng, quan sát biểu cảm của mọi người.
Mẹ... Biểu cảm của bà thể hiện rõ sự lo lắng, giọng nói run rẩy và trông có vẻ đau buồn.
Bố... Khuôn mặt ông vẫn điềm tĩnh như thường, khó mà đoán được cảm xúc của ông. Thật lòng mà nói, ông thường nhìn tôi với ánh mắt như vậy, vì từ đầu tôi đã không phải là đứa con được ông yêu thích.
Fong-Samut... Em trai tôi có biểu cảm kỳ lạ khi nhìn tôi. Tôi không chắc là nó đang nghĩ gì.
Còn Khim... cô ấy đã khóc, đúng vậy, khóc như thể tôi sắp chết vậy, dù tôi chỉ vừa mới tự ngồi dậy được.
Tôi im lặng như thế một lúc, cho đến khi y tá bước vào kiểm tra tình trạng của tôi. Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình nên nói gì đó để mọi người biết rằng não của tôi vẫn ổn. Câu đầu tiên thoát ra khỏi miệng tôi là về cảm giác hiện tại của mình.
"Tay phải của con đau quá."
Giọng tôi khàn đặc, như một người bị mất nước nghiêm trọng, nhưng điều đó dường như không thu hút bằng phản ứng của bốn người kia khi nghe được câu nói đó. Khim đưa tay lên che miệng, còn mẹ tôi ngừng lại một chút. Bố tôi nhíu mày lại. Còn em trai tôi, đứng im lặng giữa bố và mẹ, có vẻ lúng túng, không biết nên nói gì. Cuối cùng, Fong-Samut là người can đảm nhất, thốt ra điều mà ba người kia không dám nói.
"Tỉnh táo lại đi chị ơi..." Giọng nó nhẹ nhàng thúc giục.
"Em đang muốn nói gì vậy?" Tôi khản giọng, cổ họng khô rát.
"Trong suốt một tuần qua, chị không cảm thấy có gì bất thường sao?"
"Bác sĩ đã phải cắt bỏ cánh tay phải của chị. Nó không còn nữa. Sao chị có thể cảm thấy đau được chứ?"
Tôi hoang mang trước những gì em trai nói, bởi cảm giác nặng nề, nhức nhối, gần như một cái siết chặt, vẫn hiện hữu rõ ràng trong ý thức của tôi. Tôi chỉ không thể nhấc nó lên vì cảm giác quá nặng nề. Tôi nhíu mày chặt hơn cả bố tôi, rồi từ từ cúi mặt xuống và hướng ánh mắt về phía cánh tay phải vốn dĩ của mình.
Nhưng... nó đã biến mất.
Không còn một ngón tay nào. Bàn tay tôi cũng chẳng còn. Tất cả những gì còn lại là một vết thương được băng bó chặt chẽ từ khuỷu tay trở xuống.
Trái tim tôi tê dại. Nỗi sợ hãi và cú sốc dữ dội kích thích sự lo lắng của tôi.
Làm sao có thể như vậy được? Tôi vẫn cảm thấy nó. Tôi vẫn cảm nhận được sự hiện diện của nắm đấm siết chặt cũng như những cơn đau. Nhưng tại sao những gì tôi nhìn thấy lại mâu thuẫn với cảm giác của mình? Lúc đó, tôi nghĩ rằng đây chắc chắn là một giấc mơ. Chẳng mấy chốc, tôi sẽ tự tỉnh dậy thôi.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn tiếp diễn, như một lời nhắc nhở về hiện thực.
Mẹ tôi nói rằng đó là một vụ gây tai nạn bỏ trốn, và cho đến thời điểm này, hơn một tuần sau, họ vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Khim đều khóc mỗi lần đến thăm. Cô ấy tự trách mình vì đã rủ tôi ở lại, dẫn đến tai nạn này.
Tôi chẳng thể nói gì với họ. Tất cả đều quá choáng ngợp. Cảm giác duy nhất tôi có lúc đó là cơn đau ở cánh tay phải ngày càng dữ dội. Tôi liên tục nói với mọi người đến thăm tôi về điều đó, cho đến khi bố tôi bực tức đến mức thốt lên:
"Con định làm cái trò vớ vẩn này đến bao giờ? Hãy chấp nhận sự thật đi!"
Rồi ông bỏ đi khỏi giường bệnh của tôi, không bao giờ quay lại thăm nữa. Đã hai ngày kể từ khi ông ấy thốt ra lời đó.
Tôi hầu như không ngủ. Tôi thường thức dậy vào khoảng bốn giờ sáng, ngồi trên mép giường, ôm chặt đầu gối. Tôi báo với bác sĩ mặc áo blouse trắng dài tay ngắn đến kiểm tra buổi sáng rằng cánh tay tôi đang đau. Họ trông bối rối. Về sau tôi mới biết họ là sinh viên y khoa năm tư và năm năm, chưa biết cách chẩn đoán tình trạng của tôi.
Cho đến lúc đó, trước khi các sinh viên năm tư và năm năm kiểm tra xong giường bệnh trong khoa, một người phụ nữ mặc áo blouse ngắn tay với dòng chữ màu xanh lá cây xuất hiện. Có lẽ cô ấy đến để theo dõi sau khi các đàn em hoàn thành vòng kiểm tra.
Extern - Kaomaysa Narawattanawej
Những dòng chữ đó được thêu bên ngực trái của cô ấy - cô gái ấy có vẻ là một sinh viên y khoa năm sáu. Tôi chỉ nhớ được cái tên "độc đáo" của cô ấy. Lúc đó, tôi quá đau đớn đến mức không thể ngẩng đầu lên hay nhìn thẳng vào ai. Vị extern kia hỏi tôi về bản chất của cơn đau, với một sinh viên đàn em đứng phía sau.
"Đau như thể tôi đang siết chặt nắm đấm vậy."
"Cô cảm thấy như mình đang siết chặt nắm đấm sao?" Cô ấy là một người phụ nữ có chất giọng nói khàn khàn đầy cuốn hút.
Tôi gật đầu, vẫn cúi mặt, ánh mắt dán chặt vào sàn nhà. "Vâng, cảm giác như bàn tay tôi đang nắm chặt."
"Trên thang điểm từ 1 đến 10, cô đánh giá cơn đau của mình là bao nhiêu?"
"8."
"Cô có cảm thấy bàn tay phải của mình vẫn còn ở đó không?"
"Nó vẫn ở đó... Tôi cảm thấy như nó vẫn ở đó."
Vị extern dừng lại một chút trước khi quay sang hai sinh viên đàn em đứng cách xa một khoảng ngắn. Cô ấy nói với giọng điệu nghiêm túc. Dựa trên quan sát nhanh của mình, tôi có thể cảm nhận rằng người phụ nữ này có tính cách khá điềm tĩnh.
"Đau chi ma (4)," cô ấy nói.
"Vậy... chúng ta nên làm gì tiếp theo ạ? Em có nên kê thuốc giảm đau không ạ?"
"Tôi sẽ tham khảo ý kiến giáo sư trước."
Từ góc nhìn này, khi cô ấy trò chuyện với hai người kia, tôi nhận thấy vóc dáng cao ráo của cô. Tuy nhiên, quan sát thoáng qua này chỉ có thể khiến tôi phân tâm khỏi cơn đau nhói đột ngột lan khắp bàn tay phải, khiến nét mặt tôi nhăn lại.
Sau một khoảng thời gian ngắn, vòng kiểm tra khoa mở rộng với một nhóm lớn hơn, bao gồm các sinh viên y khoa và các vị giáo sư, người tự giới thiệu là bác sĩ phẫu thuật cho tôi. Tóm lại, họ đã kê thuốc giảm đau cho tôi. Nhưng tin tôi đi. Tôi chỉ cảm thấy đỡ hơn một chút. Bàn tay tôi vẫn cảm thấy siết chặt và co rút, từ cánh tay lan đến vai.
Chắc hẳn tôi đã phát điên rồi.
Thời gian trôi qua, có vẻ như sau buổi kiểm tra buổi tối đó, extern tên Kaomaysa biến mất một lúc, rồi quay lại vào nửa đêm để trực đêm trong khoa. Khoảng hai giờ sáng, cô ấy nhận thấy tôi vẫn còn thức trắng, không thể ngủ được. Vì vậy cô ấy đi đến phòng nhân viên y tế và quay lại với một túi giấy màu nâu. Bóng dáng cao ráo tiến đến giường tôi một cách lặng lẽ trước khi ngồi xuống cuối giường.
Lúc đó, tôi thực sự nhận ra vẻ ngoài cuốn hút của vị sinh viên y khoa năm sáu này. Cô ấy giống như một sự pha trộn hài hòa từ một bức tranh được tạo tác tinh xảo, với những đường nét và sắc thái hoàn hảo. Mái tóc đen dài mượt mà tôn lên sắc hồng nhạt của đôi môi. Đôi mắt hình hạnh nhân, đặc trưng của phụ nữ châu Á, kết hợp với giọng nói khàn khàn mang âm hưởng phương Tây. Sự kết hợp liền mạch của các nét trên khuôn mặt cô ấy quyến rũ đến mức, trong chốc lát, tôi quên đi cơn đau.
Cô ấy đưa túi giấy màu nâu cho tôi, ánh mắt thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn cả biểu cảm trên khuôn mặt.
"Bệnh nhân của tôi (5) , hãy thử đưa tay phải của cô vào đây và lấy ra thứ bên trong giúp tôi."
"..." Tôi chớp mắt liên tục nhìn cô ấy. Tôi không hiểu, nhưng vẫn đồng ý dùng tay trái để cầm lấy túi, từ từ đưa cánh tay phải bị cắt cụt của mình vào bên trong theo hướng dẫn của cô.
"Cô có tìm thấy gì không?"
"Không, tôi không thấy gì cả." Dĩ nhiên là không. Làm sao tôi có thể tìm thấy gì khi tôi không có bàn tay để tìm kiếm thứ cô ấy đang nói đến?
"Đúng vậy. Bởi vì tôi không đặt gì trong đó cả."
"Hả?"
"Nhưng đừng vội rút tay ra." Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói với giọng điệu nhẹ nhàng, "Bây giờ cô có cảm thấy như mình đang nắm chặt tay không?"
"Vâng..."
"Giờ thì nhắm mắt lại và thử từ từ mở lòng bàn tay ra trong tâm trí của cô."
Một lực lượng tinh tế dường như thẩm thấu vào ý thức của tôi, khiến tôi không thể cưỡng lại cô ấy.
Người trước mặt tôi dường như đang xử lý mọi thứ một cách tinh tế, dù bề ngoài cô ấy có vẻ là người chẳng bao giờ quan tâm đến ai. Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng rằng thứ bên trong túi là bàn tay phải của mình. Từ từ, tôi bắt đầu mở lòng bàn tay ra trong trí tưởng tượng.
Điều gì đó đã xảy ra. Cảm giác tốt hơn cả việc dùng morphine để giảm đau. Tôi cảm thấy cơn đau, vốn xuất phát từ ý nghĩ về bàn tay đang siết chặt dần dần dịu đi. Cuối cùng, nó trở nên nhẹ nhàng và lỏng lẻo hơn, như thể tôi không còn cảm nhận được gì ở dây thần kinh đó nữa.
"Cơn đau... biến mất rồi."
Tôi thốt lên, kèm theo những giọt nước mắt vui mừng, khi nỗi đau đớn suốt mấy ngày qua cuối cùng cũng chấm dứt.
02:25
Extern Kaomaysa quay trở lại phòng nhân viên y tế...
Cùng đêm đó, dù đã thoát khỏi cơn đau, tôi vẫn không thể ngủ được. Tôi nhận được tin nhắn từ mẹ nói rằng gia đình sẽ bận rộn trong ba ngày tới vì Fong-Samut, đang học lớp 9, phải tham gia trại hướng đạo. Bố mẹ tôi lo lắng vì trường tổ chức trại ở một tỉnh khác. Hai người quyết định đi theo, chỉ để kiểm tra xem em trai tôi có ổn không, giữ một khoảng cách nhất định mà không gây ồn ào. Họ sẽ ở một khách sạn gần đó phòng trường hợp em trai tôi cần gì đó.
Bố mẹ tôi thực sự sống từng giây phút cuộc đời vì Fong-Samut.
Trước đây, tôi chỉ là một đứa trẻ không có ý nghĩa gì với họ.
Với vụ tai nạn dẫn đến việc nhập viện và mất đi một cánh tay... có lẽ bố mẹ tôi xem tôi như một gánh nặng cần chăm sóc.
Sự tích tụ của tất cả những cảm xúc tiêu cực đè nặng lên tâm trí tôi. Tôi tưởng tượng một tương lai khi bố tôi nhìn tôi với ánh mắt khinh thường khi tôi vật lộn vì sự vụng về của một cánh tay. Tôi có thể hình dung mẹ tôi gọi tôi làm việc nhà trong khi em trai tôi ngồi không với đầy đủ chân tay. Lần này, những giọt nước mắt đau khổ cuối cùng cũng rơi xuống trong im lặng khi đồng hồ điểm sang bình minh.
Tôi đã đưa ra quyết định vào khoảng năm giờ sáng.
Lúc này, các sinh viên y khoa năm tư và năm năm sắp đến khoa. Họ thường đến không lâu sau đó, như tôi nhận thấy thì họ sẽ bắt đầu từ các trường hợp cần làm sạch vết thương, và cũng có khá nhiều bệnh nhân.
Vì chưa có ai, nên tôi từ từ kéo mình ra khỏi giường. Ánh mắt tôi hướng về lối thoát hiểm. Với những bước chân do dự, tôi nghe thấy nhịp tim vang trong lồng ngực, như một lời nhắc nhở rằng sự sống vẫn đang chảy trong tôi vào lúc này.
Nhưng tiếp tục tồn tại cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Sẽ chẳng thành vấn đề ngay cả khi nỗi đau thể xác đã biến mất. Tôi vẫn sẽ vô giá trị trong mắt bố mẹ.
Tôi kéo mình lên tầng thượng. Không khí buổi sáng lạnh lẽo ở độ cao này có thể cắt da tôi. Chiếc áo choàng bệnh nhân mỏng manh không thể bảo vệ được nhiều. Cũng như sự mệt mỏi vơi từ việc đi bộ lên khoảng hai tầng từ phòng bệnh không thể đưa ý thức tôi trở lại. Tôi chỉ tin rằng mình phải biến mất để kết thúc tất cả.
Gió lạnh thổi qua, va vào cơ thể tôi. Tôi đứng trên mép lan can ngăn không cho ai đó vô tình rơi xuống. Nhìn từ góc độ này, những người bên dưới trông nhỏ bé như những chú kiến đang làm việc. Một phụ nữ trung niên tình cờ ngẩng đầu lên và nhận thấy tôi trước khi vẫy tay trong không khí, cố gắng thu hút sự chú ý rằng có người sắp nhảy khỏi tòa nhà.
Tôi đang suy nghĩ về việc nhảy xuống, nhưng nỗi sợ không chết ngay lập tức đã kéo tôi lại, vì vậy tôi đứng đó, nhìn xuống mặt đất với một cảm giác phức tạp.
Đột nhiên, tiếng cửa bị mở mạnh vang lên, cùng với những bước chân vội vã của nhiều người chạy về phía tôi, hét lên và thúc giục tôi dừng lại với giọng run rẩy.
"Đừng làm vậy! Xin hãy bình tĩnh lại!"
"Xin hãy lùi lại! Đừng vứt bỏ mạng sống của mình!"
Những giọng nói của cả bác sĩ và y tá thúc giục tôi đừng vội kết thúc cuộc đời. Có khoảng ba người khác nhau. Khi tôi nhắm mắt và lắng nghe, tôi đoán họ phải là y tá khoa và các sinh viên y khoa năm tư năm năm thường đến kiểm tra tôi vào buổi sáng, cả nam và nữ. Thật buồn thay, vào thời điểm như thế này, những người lạ lại quan tâm đến tôi hơn cả bố mẹ tôi, những người có lẽ đang bận rộn chăm sóc em trai tôi.
Tôi giơ tay lên, ấn vào ngực mình và hét lên đau đớn. Mắt tôi nóng lên khi nước mắt sắp trào ra.
"Họ chưa bao giờ đối xử với tôi như vậy!"
Cảm xúc lại trào dâng, giọng tôi càng lúc càng lớn.
"Khi tôi học lớp 8, tôi bị ngộ độc thực phẩm ở trại trường, nhưng họ thậm chí không buồn đến đón tôi!"
Hét lên hết sức, cơ thể tôi gần như gập lại vì đau đớn.
"Khi nó nghịch ngợm chơi dao và cắt vào tôi, họ an ủi nó dù chân tôi đang chảy máu!!"
Với tình trạng khuyết tật như vậy, dù tôi có cố gắng tìm kiếm giá trị bản thân đến đâu, mọi thứ cũng sẽ... tồi tệ hơn bao giờ hết. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi cũng là con của họ. Tại sao họ lại đối xử với tôi như một người giúp việc trong nhà?
Tại sao tôi không được sinh ra để được yêu thương?
Tại sao tôi bị hạn chế khi muốn học cao hơn? Tại sao tôi không thể trở thành cái này hay cái kia?
Tại sao tôi sinh ra chỉ để làm việc nhà? Chẳng phải đó là việc mà mọi người trong gia đình phải cùng nhau giúp đỡ sao?
Trong tích tắc khi chân tôi sắp bước ra ngoài, một tiếng động lớn đột ngột vang lên, khiến mọi thứ dừng lại.
"Mặc kệ họ đi!"
Tôi nhớ đến extern đó... người có tên là Kaomaysa.
"Ngay cả khi bố mẹ cô không yêu thương cô như họ nên làm, điều đó không có nghĩa là cô không yêu thương chính mình."
"..."
"Quay lại và nhìn vào mắt tôi đi, Kliao Khluen."
Cô ấy không gọi tôi là "bệnh nhân của tôi" nữa. Thay vào đó, cô ấy nhắc đến tên tôi, có lẽ vì cô ấy đã nhớ nó từ hồ sơ bệnh án.
Và cảm giác bị mê hoặc sẽ là như thế sao.
Một khoảnh khắc trước, tôi thờ ơ với mọi giọng nói. Tuy nhiên, với cô gái này, người đã giúp tôi vượt qua cơn đau dữ dội đêm qua, bộ não của tôi lại vâng lời cô ấy. Rồi tôi nhận ra rằng bụng mình trống rỗng khi nhìn xuống mặt đất. Tôi từ từ lùi lại vào không gian trên tầng thượng.
Như dự đoán, có các y tá khoa cùng với các sinh viên y khoa đứng đó từ trước. Còn người mới đến, vẫn còn thở gấp, Kaomaysa đứng gần tôi khoảng một mét. Cô ấy cảnh giác, tự hỏi liệu tôi có làm điều gì liều lĩnh như lao mình xuống không. Cô gái trẻ ấy mặc áo blouse ngắn giơ tay lên và nhìn thẳng vào mắt tôi trong im lặng.
"Hãy đưa tay cho tôi."
"..."
"Tương lai của cô sẽ biến mất nếu cô bước xuống đó."
"Tôi không có tương lai," tôi nghe giọng mình run rẩy, "Và tôi không nghĩ quẩn đâu... Tôi đã nghĩ về nó cả đêm rồi..."
Đôi mắt đen huyền của cô ấy cho thấy rõ ràng cô ấy đang suy nghĩ kỹ lưỡng về câu trả lời tuyệt vọng của tôi từ lúc nãy. Cô ấy nhắm mắt trong chớp mắt, rồi mở lại với một nụ cười nhạt.
"Tôi thấy cô liên tục liếc nhìn tên viết trên áo của tôi. Cô có muốn biết biệt danh của tôi không?"
Biệt danh của cô ấy... Đúng vậy. Biệt danh của cô ấy là gì?
Có vẻ như lúc đó, chúng tôi không phải là bác sĩ và bệnh nhân, mà là hai người chỉ biết tên nhau. Tôi từ từ gật đầu vì sự tò mò đột ngột trong lòng, tự hỏi biệt danh của extern với cái tên khác thường này là gì.
"Hãy nắm tay tôi trước đã, rồi tôi sẽ nói cho cô biết."
"..."
"Cô có tin tôi không?"
Cô ấy có giọng điệu và cử chỉ đầy sức hút khiến tôi muốn làm theo. Giữa sự im lặng đồng thuận của mọi người, tôi nhận ra rằng kết thúc cuộc đời mình không phải là một lựa chọn được suy xét kỹ lưỡng. Khim, người đã không ngừng tự trách mình, sẽ chỉ cảm thấy tội lỗi không đáng có. Mọi người trong bệnh viện sẽ hoảng sợ, và chắc chắn, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội xem một bộ phim hay hoặc nghe những bản nhạc đẹp. Tôi sẽ đánh mất cơ hội thưởng thức vô số món ngon trên thế giới này.
Bàn tay của Kaomaysa vẫn đợi tôi đặt tay trái lên đó. Một số dây thần kinh trong đầu tôi ra lệnh từ bỏ kế hoạch nhảy xuống và thay vào đó, hãy nắm tay sinh viên y khoa năm sáu này.
Tuy nhiên, ngay khi tay chúng tôi sắp chạm nhau...
Bang!!
Một tiếng nổ vang trời, kèm theo viên đạn xuyên thẳng qua không khí và đâm vào vai phải tôi với một lực mạnh đến mức tôi không còn sức để đứng vững.
Mọi người trên tầng thượng đều quay lại nhìn về nguồn phát đạn bất ngờ, ngoại trừ Kaomaysa, người mở to mắt vì sự kiện khó tin. Cô ấy lao về phía tôi, cố gắng nắm lấy tay trái tôi khi cơ thể tôi đang ngã xuống dưới tác động của phát súng.
Đôi mắt của cô gái trẻ tên Kaomaysa, người không muốn mất tôi... đẹp hơn bất cứ thứ gì khác.
Với nỗ lực tuyệt vọng để nắm lấy tay tôi, các ngón tay của chúng tôi chạm nhau trong một tích tắc.
Đột nhiên, bầu trời trên cao đổi màu. Không có một đám mây nào như dự đoán. Thay vào đó, một chiếc đồng hồ La Mã khổng lồ với các bánh răng và kim ngắn kim dài quay ngược xuất hiện.
Tôi đang rơi xuống, sắp đập xuống đất với vết thương do đạn bắn, không biết kẻ đứng sau là ai. Đó là điều tôi đã chuẩn bị tinh thần, nên tôi nhắm mắt, chấp nhận nỗi đau không thể tránh khỏi sẽ sớm đưa tôi vào cõi quên lãng.
_____________________
Cảm giác của cái chết giống như đứng trong một không gian tối đen và lạnh lẽo. Tuy nhiên, hệ thần kinh của tôi bắt được một số tín hiệu - tiếng vọng của môi trường xung quanh, khiến tôi nhíu mày bối rối. Ngay khi tôi nhận ra mình đang nhắm mắt, một âm thanh quen thuộc vang lên bên tai.
[Cậu đang ở đâu thế?]
Tôi nhanh chóng mở mắt, và thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là biển hiệu của Chic Pie Cafe bên kia đường, tiếp theo là dòng người tấp nập đi lại trên vỉa hè, đèn giao thông, và vạch kẻ đường.
"Hả?" Tôi kêu lên đầy bối rối. Rồi người ở đầu dây bên kia, kết nối với tai nghe của tôi, đáp lại.
[Tớ đang hỏi cậu đang ở chỗ nào vậy, Kliao! Tớ cần làm bỏng ngô trong lúc đợi cậu đấy.]
"Khim!"
[Sao thế? Sao cậu lại ngạc nhiên vậy?]
Tôi đang mơ sao? Người ta thường nói rằng khi sắp chết, não bộ tự động tua lại những khoảnh khắc cuộc đời trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng tại sao nó lại tua lại cảnh ngay trước khi tôi gặp tai nạn? Tôi đứng đó bên lề đường, trông thật ngớ ngẩn, trong khi cô bạn thân mắng tôi vì sự điên rồ của mình.
Lúc đầu, tôi nghĩ mình đang mơ. Rồi khi tôi thử tát vào má mình, tôi cảm thấy đau. Hơn nữa, tôi có thể nhớ lại bầu trời buổi tối trông như thế nào, không khí cảm giác ra sao, và... tôi cảm thấy mình vẫn đang thở. Tôi còn sống, nguyên vẹn.
Vai phải tôi không bị thương do phát súng, và bàn tay tôi...
Tôi giơ tay phải lên để nhìn rõ hơn. Rồi tôi phát hiện ra sự thật khó tin rằng nó vẫn còn nguyên vẹn.
"Tay phải của tớ... đã trở lại rồi!"
[Hả? Cậu đang nói gì thế? Tay cậu phải ở với cậu chứ. Ai lại lấy nó đi chứ, đồ ngốc? Dù sao thì cậu đang ở đâu? Sắp đến chưa?]
"Đợi chút, Khim! Cậu đã đến thăm tớ ở bệnh viện mấy ngày trước đúng không?"
[Đồ ngốc! Hôm qua cậu ngủ qua đêm ở chỗ tớ mà! Sao cậu lại nói mớ sớm thế?]
"Không! Không! Không! Một tuần trước, tớ bị xe bán tải đâm! Đó là một vụ gây tai nạn bỏ trốn!"
[Cái quái gì thế? Làm sao cậu bị xe đâm một tuần trước được? Nếu không thì giờ cậu đã ở bệnh viện rồi. Cậu đang nói cái gì vậy? Cậu đang mơ sao?]
"Khim!"
[Đến đây nhanh lên đi. Thôi nhé.]
Tôi cảm thấy mình sắp phát điên. Cái gì? Nếu đứng ở cùng một chỗ không phải là mơ, thì những gì xảy ra ở bệnh viện cũng phải là thật. Đầu ngón tay tôi vẫn nhớ khoảnh khắc người phụ nữ đó cố gắng với lấy tôi.
Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi.
Mọi thứ thật rối ren.
Cho đến khi đèn giao thông chuyển sang xanh cho người đi bộ, tôi ngẩng đầu lên và nhìn thấy cô ấy - người phụ nữ khiến trái tim tôi đập loạn nhịp với một hỗn hợp cảm xúc. Cô ấy đứng bên kia đường.
Sinh viên y khoa đó...
Kaomaysa... Không, vì cô ấy lớn tuổi hơn, tôi nên gọi cô ấy bằng chị chứ. Với cả sức khỏe thể chất và tinh thần, tôi không còn phải chịu đựng nỗi đau nữa. Chỉ là bây giờ và sau này tôi mới nhận ra sự thật đó.
Khuôn mặt thành nhiên và xinh đẹp của người phụ nữ mặc áo trắng ngắn đứng bên kia đường, với đôi chân dài thanh thoát bước qua vạch kẻ đường về phía tôi. Ánh mắt chúng tôi không rời nhau dù chỉ một giây cho đến khi extern đứng ngay trước mặt tôi. Đó là lúc tôi nhận ra mình thấp hơn cô ấy nhiều. Cô ấy cao khoảng 170 cm, trong khi tôi chỉ có 159 cm.
Tôi không nói nên lời. Vì đôi mắt tôi có lẽ phản chiếu đủ loại cảm xúc, người phụ nữ cao hơn bắt đầu lên tiếng.
"Ngạc nhiên sao?"
"Thời gian đã quay ngược lại..." Tôi nói như một người vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình. Những lời của tôi có phần rời rạc.
"Tôi đã đưa cô trở lại quá khứ," cô ấy giải thích với vẻ mặt điềm tĩnh.
"Chỉ có hai chúng ta quay lại thôi."
Điều đó có nghĩa là người phụ nữ này có thể du hành thời gian sao?!
Làm sao có thể như vậy được? Một thứ kỳ diệu như thế thật khó tin, phải không?
Nhưng nó... đã xảy ra.
Tôi đứng đó với ký ức về việc ngã từ tòa nhà bệnh viện. Vụ tai nạn xe chưa xảy ra, và cô gái trước mặt tôi có thể xác nhận điều đó.
Không nói thêm gì, bàn tay ấm áp của cô ấy nắm lấy tay phải tôi và giữ chặt trước khi giúp tôi băng qua vạch kẻ đường từng hủy hoại cuộc đời tôi. Cứ như cả thế giới ngừng quay cho hai chúng tôi vậy. Cô ấy chỉ quan tâm đến sự an toàn của tôi, và tôi chỉ chú ý đến cô ấy.
Đôi chân tôi đi theo bước chân người phía trước. Đôi mắt tôi vẫn dán chặt vào lưng cô gái trong bộ đồng phục - chiếc áo blouse ngắn.
Một luồng cảm xúc xoáy lên trong lồng ngực tôi. Cú sốc vẫn chưa tan biến, và tôi vẫn bối rối về cách thời gian đã quay ngược lại đến thời điểm trước sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, mọi thứ dường như được che đậy gần như hoàn toàn, khi hơi ấm từ bàn tay cô ấy truyền qua tôi. Nó dường như chảy thẳng vào trái tim tôi.
Băng qua vạch kẻ đường giống như đi qua một vết nứt thời gian. Trước khi tôi kịp nhận ra, cô ấy đã giúp tôi đến điểm an toàn trên vỉa hè.
Sinh viên y khoa năm sáu, cao ráo và mảnh mai, quay lại đối mặt với tôi. Tôi không tưởng tượng đâu, nhưng có một chút tức giận ẩn sâu trong đôi mắt cô ấy.
"Đừng bao giờ nghĩ đến việc làm điều gì tương tự vậy nữa. Nghe rõ chưa?"
Thấy chưa? Bây giờ bạn tin tôi chưa?
Tôi gật đầu liên tục, như một đứa trẻ nghe lời người lớn. Cô ấy thở dài nhẹ nhàng trước khi hạ giọng xuống mức bình thường.
"Còn chuyện tuần trước, hãy quên nó đi."
"Tuần trước... ý chị là sao?"
"Khi em đứng trên tầng thượng."
Cô ấy đang nói về tuần trước, nơi chúng tôi trở về từ... Đó là tương lai đối với người khác, nhưng chỉ có hai chúng tôi biết rằng nó đã xảy ra rồi.
Lúc đó, ký ức tràn về trong tâm trí tôi. Tôi nhanh chóng hỏi trong chớp mắt, dù giọng nói vẫn run rẩy.
"Tên của chị là gì?"
"Karan."
"P'Karan..."
"Ừ," cô ấy thừa nhận rồi chuyển chủ đề. "Lần sau tôi sẽ không giúp em nữa đâu. Em phải yêu thương bản thân mình hơn, có biết chưa?"
Trước khi tôi kịp xử lý thông tin và phản hồi, thì cô ấy giơ tay lên nhẹ nhàng xoa đầu tôi rồi rời đi, như thể còn nhiều việc khác phải làm. Tôi đứng đó, cảm thấy trống rỗng. Đám đông dần dần nuốt chửng cô ấy khỏi tầm mắt tôi trong chớp mắt. Trong khi từ "cảm ơn", lẽ ra nên được nói ra nhiều nhất, vẫn còn nằm im trong cuống họng.
Tôi thậm chí không thể nhớ rằng một khoảnh khắc trước... Không, hay gọi là khoảng thời gian trước khi chúng tôi đảo ngược thời gian... Lúc đó, tôi đã nhập viện ở bệnh viện nào? Tôi cũng không thể hỏi ai được.
Tôi lao ra tìm cô ấy vì có quá nhiều nghi vấn cần giải đáp, nhưng dù có cố gắng nhìn lên nhìn xuống hay xung quanh bao nhiêu, dường như P'Karan đã biến mất khỏi khu vực này. Đối với tôi, cuộc gặp gỡ của chúng tôi quá ngắn ngủi... Ngắn đến mức tôi bắt đầu sợ rằng có lẽ chúng tôi sẽ không thể gặp lại nhau trong một thời gian dài, hoặc có lẽ là mãi mãi... Nhưng có một điều tôi chắc chắn.
Chỉ trong một tích tắc... Tôi chỉ mất một tích tắc... để yêu người phụ nữ đã quay ngược thời gian từ một tuần trước.
Tôi đứng tại nơi mọi người qua lại, tự tin rằng một thứ gọi là "phép màu" vừa được tạo ra bởi một cô gái. Chiếc đồng hồ La Mã khổng lồ màu vàng, gần như nuốt chửng cả bầu trời khi cơ thể tôi rơi từ tòa nhà, vẫn in đậm trong ký ức tôi.
Tôi nhấc điện thoại lên và gọi số của cô bạn thân. Giọng nói quen thuộc vang lên trong tai nghe bluetooth. Sau một khoảng chờ ngắn, cuộc gọi được nhấc máy, và một giọng nói cất lên.
[Làm sao thế? Cậu đã tỉnh táo lại chưa?]
"Tớ biết rồi, Khim! Giờ tớ biết mình muốn làm gì rồi."
[Gì cơ? Cậu đổi chủ đề nhanh quá, Kliao.]
"Tớ sẽ trở thành bác sĩ."
[Bác sĩ?]
"Ừ, tớ sẽ trở thành bác sĩ.
P'Karan là nguồn cảm hứng duy nhất của tớ.
Và cô ấy không chỉ mang bàn tay phải của tớ trở lại.
Cô ấy còn mang theo cả trái tim tớ đi mất rồi..."
----------------------
1. Thăm khám: là hoạt động thường lệ tại các bệnh viện, trong đó sẽ có một nhóm bác sĩ chuyên khoa đến thăm bệnh nhân vào buổi sáng và buổi tối, đánh giá tình trạng bệnh lý và thảo luận về phác đồ điều trị.
2. Extern: Sinh viên y khoa năm sáu - thực tập sinh
3. Bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa đã hoàn thành chương trình học và đào tạo của mình
4. Đau chi ma là cảm giác xảy ra khi một người mất hoặc cắt bỏ một cơ quan nào đó khỏi cơ thể nhưng vẫn cảm thấy cơ quan đó vẫn hiện diện và bị đau. Cảm giác này thường xảy ra sau khi mất cơ quan đó, thường là trong vòng một tuần, mặc dù trong một số trường hợp, cảm giác này có thể kéo dài trong nhiều tháng. Hiện tại, nguyên nhân vẫn chưa được xác định rõ ràng và không có phương pháp điều trị dứt điểm. Các chuyên gia y tế suy đoán rằng cảm giác này là do bất thường ở não hoặc hệ thần kinh.
5. Bệnh nhân của tôi: trong văn hóa Thái Lan, nhân viên y tế thường gọi bệnh nhân của mình bằng từ 'bệnh nhân' hoặc theo nghĩa đen là 'คนไข' khi trò chuyện với họ.
Mọi người cho mình xin 1 VOTE nhé >3<
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip