Chương 4 - Mảnh Ghép Tĩnh Lặng
Chương 4 - Mảnh Ghép Tĩnh Lặng
Buổi sáng ở biệt viện nhà họ Đặng bắt đầu bằng sự yên ả đến tĩnh mịch, như thể cả không gian ấy đang nín thở để đón lấy một ngày mới. Trong căn phòng tầng hai mang tông màu gỗ trầm, Hoàng Diệp chậm rãi tỉnh giấc. Đồng hồ báo thức chưa kêu nhưng cô đã mở mắt từ lúc bình minh còn chưa kịp rót hết lên khung cửa sổ.
Khung rèm mỏng khẽ lay động. Bên ngoài, sương sớm còn đọng lại thành những hạt nước li ti trên ô kính, ánh lên lấp lánh như bụi sao rơi xuống giữa ban mai. Những hàng cây quanh biệt viện nhẹ nghiêng mình trong gió, cành lá rũ xuống lối đi lát đá cổ điển, nơi những đường cắt cỏ uốn lượn một cách trau chuốt, như thể từng mảng xanh ấy cũng mang trong mình một khuôn phép kín đáo.
Hoàng Diệp ngồi dậy, tay vuốt nhẹ qua tấm chăn lụa màu kem nhạt. Ánh nắng đầu ngày tràn vào từ cửa sổ, rọi lên những chi tiết bằng đồng trên bộ bàn ghế cổ đặt nơi góc phòng. Mọi thứ trong căn phòng ấy, từ chiếc đèn ngủ kiểu Pháp đến những cuốn sách xếp ngay ngắn trên giá đều mang một vẻ đẹp chuẩn mực và im lặng, phản chiếu phần nào tính cách của chủ nhân nó.
Cô khoác chiếc cardigan mỏng, bước đến bên cửa sổ, mở toang hai cánh cửa gỗ sơn trắng. Gió lùa vào, mang theo hương hoa nhài từ giàn dây leo dưới sân và tiếng chim hót nhẹ trong tán cây. Dưới khoảng sân rộng, bà vú già đã bắt đầu tưới nước cho luống hoa mười giờ. Xa hơn, bác tài đang kiểm tra chiếc xe hơi cổ màu xanh rêu, sẵn sàng đưa tiểu thư đến trường như mọi ngày.
Hoàng Diệp ngồi xuống chiếc ghế dài cạnh cửa sổ, cầm ly trà nóng mà người giúp việc luôn đúng giờ mang đến đặt trên bàn. Hơi nước bốc lên, làm mờ đôi mắt cô trong một thoáng. Có lẽ là do trà còn nóng hoặc cũng có thể do một ý nghĩ nào đó vừa lướt ngang.
Cô nhớ đến ánh mắt của Khánh An trong buổi học hôm qua, đôi mắt trong vắt như mặt hồ nhưng đủ làm người ta dao động khi nhìn vào. Nhớ đến nụ cười bất giác, rất khẽ, rất nhẹ như chiếc lá rơi đúng lúc trời đang lặng gió.
Không hiểu sao, buổi sáng nay, tâm trí cô không yên như mọi ngày.
Bữa sáng tại biệt viện diễn ra trong sự yên tĩnh quen thuộc. Ông Đặng Quang Vũ, doanh nhân thành đạt nổi danh trong giới thương trường với sự quyết đoán và kỷ luật. Ông luôn ngồi vào chiếc ghế giữa bàn ăn, tay cầm tờ báo buổi sáng, bên cạnh là ly cà phê đen đặc vẫn còn bốc khói. Gương mặt ông, dưới ánh đèn ấm của phòng ăn, vẫn giữ nét nghiêm nghị thường thấy nhưng nơi khóe mắt đã thấp thoáng những dấu vết của thời gian, những nếp nhăn không chỉ vì năm tháng, mà còn bởi một gia thế đồ sộ mà ông gánh vác.
Mẹ của Hoàng Diệp đã sang Paris dự hội thảo thời trang từ tuần trước. Cả bàn ăn dài chỉ còn hai cha con. Tiếng lật báo nhẹ và tiếng muỗng chạm vào sứ vang lên trong không gian lớn như một bản nhạc tĩnh tại, đều đặn, nhịp nhàng nhưng không vô hồn.
"Con sắp thi cuối kì đúng không ?" Ông hỏi, mắt vẫn dõi theo dòng tin tức.
"Dạ." Hoàng Diệp đáp ngắn gọn, ánh mắt không rời khỏi chén súp trước mặt.
Ông khẽ gật đầu, im lặng thêm một chút. Nhưng rồi, rất khẽ, ông buông tờ báo xuống bàn. Ánh mắt nghiêm khắc khi nãy giờ dịu đi một chút, như chảy qua một lớp kính mờ.
"Con có mệt không?" Ông hỏi, giọng trầm và nhỏ hơn thường lệ.
Hoàng Diệp ngẩng lên, hơi bất ngờ. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, cô bắt gặp ở ánh mắt cha một sự quan tâm mà từ nhỏ đến lớn, cô vẫn luôn cảm nhận được nhưng hiếm khi được nghe rõ thành lời.
"Dạ, không ạ." Cô đáp, hơi cúi mắt xuống. Trong lòng bỗng có một dòng nước ấm len lỏi qua những khe nứt tưởng đã khô khốc.
Ông lại gật đầu. Trở về dáng vẻ bình thường, ông cầm ly cà phê, trầm ngâm một lúc trước khi đưa lên miệng.
Sự kỳ vọng nơi ông chưa bao giờ là điều cô phủ nhận nhưng đồng thời, đó cũng là thứ tình yêu âm thầm mà ông dành cho đứa con gái duy nhất. Không phải qua những lời khen, cũng không bằng những cái ôm, mà qua từng buổi ăn đúng giờ, từng lần lặng lẽ theo dõi kết quả học tập và cả sự kiên trì chờ cô về mỗi đêm muộn sau giờ sinh hoạt ở trường.
Sau bữa sáng, Hoàng Diệp bước ra xe. Ánh nắng đã lên cao hơn, phản chiếu trên mặt gương bóng loáng của chiếc xe cổ màu xanh rêu. Bác tài mở cửa, cúi đầu chào cô như một thói quen được giữ gìn bao năm qua.
Trên đường đến trường, cô ngồi im lặng, mắt nhìn qua khung kính xe, hàng me dọc con đường quen thuộc đang lặng lẽ thay lá. Những chiếc lá nhỏ xoay mình trong gió, rơi xuống như từng mảnh ký ức vụn vỡ, chậm rãi trôi về một miền xa lạ. Giữa khung cảnh ấy, cô chợt nghĩ đến ánh mắt dịu đi của cha ban nãy và thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, như một giọt nắng vừa chạm được vào hơi ấm của mùa xuân.
Tại trường Thanh Hà, không khí đã bắt đầu nhộn nhịp. Buổi họp tổ chức Hội trại 26/3 chính thức bước vào giai đoạn lên kế hoạch chi tiết. Trong văn phòng Hội học sinh, Linh Anh vừa dán sơ đồ khu vực trại lên bảng, vừa trao đổi về cách phân chia nhiệm vụ.
Khánh An và Trinh Phụng đang cùng nhau kiểm tra danh sách đăng ký từng lớp. Hoàng Diệp bước vào, dáng người thướt tha trong chiếc áo dài trắng, ánh mắt vẫn giữ vẻ bình thản quen thuộc. Không ai lên tiếng ngay. Căn phòng im lặng trong một khoảnh khắc rất ngắn cho đến khi Linh Anh lên tiếng, phá tan không khí yên ắng ấy.
"Diệp đến đúng lúc. Cậu giúp mình so lại lịch trình trò chơi buổi chiều với nhé."
Cô gật đầu, đặt cặp xuống rồi nhẹ nhàng ngồi vào ghế cạnh Khánh An. Mùi hương thoảng nhẹ trong tà áo lụa ấy khiến Khánh An ngẩn ra một chút, không rõ là hương nước hoa hay là mùi hương tự nhiên của Hoàng Diệp. Khi Khánh An còn đang ngẩn người nhìn, Hoàng Diệp khẽ quay sang, ánh mắt lướt qua chạm vào nhau như một cái gật đầu thầm lặng, không lời nói nào được cất lên.
Cả căn phòng lại tiếp tục náo nhiệt. Giữa những câu chuyện sôi nổi và âm thanh trao đổi không dứt, vẫn có hai người giữ cho mình một khoảng lặng riêng, như hai dòng nước âm thầm chảy cạnh nhau, chưa từng hoà vào nhưng luôn chảy cùng một nhịp.
Và rồi, trong một phút nghỉ ngắn, khi Trinh Phụng kéo Linh Anh ra ngoài để thảo luận thêm với cô Tổng phụ trách, Khánh An và Hoàng Diệp ở lại một mình trong căn phòng đầy nắng.
Giữa ánh sáng vàng nhẹ rơi qua ô cửa, Khánh An chợt nói, giọng nhỏ và mộc mạc:
"Cậu hay viết rất rõ ràng. Mình đọc ghi chú của cậu rất dễ hiểu."
Hoàng Diệp ngẩng lên, một thoáng bất ngờ trong ánh mắt. Rồi cô cười khẽ, nụ cười hiếm hoi nhưng không xa cách.
"Vì mình không thích mọi thứ rối rắm."
Khánh An mím môi cười, gật đầu. Một lúc sau, cô lại nói:
"Cậu có từng nghĩ, nếu sau này nhớ lại thời thanh xuân này, mình sẽ nhớ đến điều gì nhất không?"
Hoàng Diệp không trả lời ngay. Cô ngước nhìn ra khung cửa, nơi ánh nắng chiếu xiên qua những tán cây và rọi xuống nền gạch cũ của sân trường. Một chiếc lá vàng rơi xuống rất khẽ, xoay tròn giữa không trung.
Cô quay lại, chậm rãi đáp.
"Có lẽ là, những điều nhỏ nhặt, như lúc này."
Cả hai im lặng. Trong lòng mỗi người, một dòng suy nghĩ khác nhau đang lặng lẽ trôi qua.
Nhưng cũng có thể, họ đang nghĩ đến cùng một điều về một thanh xuân vừa bắt đầu kịp lúc, dịu dàng và khó gọi thành tên.
Trường Trung học Thanh Hà bước vào tháng Mười hai với nhịp điệu gấp gáp và đầy căng thẳng. Kỳ thi cuối kỳ đang đến gần, bầu không khí trong lớp học trở nên im ắng hơn mọi khi. Những tiếng thì thầm trò chuyện rải rác đã được thay thế bằng tiếng lật sách, tiếng bút máy sột soạt trên giấy và ánh nhìn tập trung không rời khỏi bảng giảng.
Thầy cô đi lại nhiều hơn trên hành lang, ánh mắt nghiêm khắc nhưng cũng không giấu được sự kỳ vọng nơi từng lớp học sinh. Áp lực điểm số cuối kỳ luôn là một chiếc bóng vô hình lặng lẽ đè lên vai mỗi người, dù là những học sinh đứng đầu như Hoàng Diệp hay những học sinh mới chuyển đến chưa đầy một học kỳ như Khánh An.
Trong lớp 11A9, chỗ ngồi gần cửa sổ vẫn là nơi gắn liền với dáng người lặng lẽ của Hoàng Diệp, với nét nghiêng đầu quen thuộc mỗi khi ghi chép. Phía bên phải, Khánh An luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ để tự ghi chú thêm những điều cô chưa kịp hiểu trong giờ học. Linh Anh, tuy là con gái của hiệu trưởng, nhưng chưa từng ỷ lại, mỗi lần chép bài đều ngay ngắn và tỉ mỉ. Còn Trinh Phụng, con gái doanh nhân ngành nệm, lại có thói quen gạch dưới những ý chính bằng bút màu dạ quang, tạo nên những trang vở trông như hoa nở trên giấy trắng.
Dù tính cách mỗi người một khác nhưng từ khi cùng tham gia Hội học sinh, họ dần hiểu nhau qua những lần cùng làm việc muộn sau giờ tan học, những ánh nhìn trao đổi nhanh trong buổi họp, hay cả những lần phải nhường giờ nghỉ trưa để chuẩn bị kế hoạch.
Tết Nguyên Đán năm nay rơi vào giữa tháng Hai, nhưng từ bây giờ, các hoạt động chuẩn bị cho Hội trại mùa xuân đã được đặt lên bàn kế hoạch. Đoàn trường yêu cầu mỗi khối phải tổ chức hội thi, gian hàng và tiết mục văn nghệ, tất cả đều cần lên ý tưởng và phác thảo từ sớm để kịp phê duyệt trước kỳ nghỉ Tết.
Buổi chiều sau giờ học, phòng Hội học sinh sáng đèn lâu hơn những phòng ban khác. Bốn cô gái thường tranh thủ ngồi lại, Linh Anh phụ trách biên bản, Trinh Phụng lo hậu cần, Hoàng Diệp rà lại lịch trình, còn Khánh An – tuy vẫn là thành viên mới – lại có con mắt quan sát rất tốt, thường đưa ra những gợi ý hợp lý khiến cả hội đều đồng thuận.
Nhưng vì công việc của Hội và lịch học dày đặc, các cô gái không còn thời gian trò chuyện như trước. Họ hiểu nhau trong im lặng, như cách người ta cùng bước đi trên một con đường, không cần nhìn sang cũng biết người bên cạnh đang cố gắng từng bước, cùng nhịp với mình.
Và trong những giờ học, dù mệt mỏi nhưng ánh mắt họ vẫn hướng lên bảng, tay không ngừng ghi chép. Giống như mùa đông đang đến thật gần nhưng trong lòng họ, một mùa xuân khác đang âm thầm nảy mầm, từ những cố gắng nhỏ bé và sự gắn kết không lời.
Buổi chiều thứ Năm, ánh nắng nhạt chiếu nghiêng qua cửa sổ phòng Hội học sinh, in bóng những chậu dạ minh châu lên sàn gỗ sáng màu. Gió nhẹ đưa mùi hương cỏ mới cắt từ sân sau vào phòng, mang theo một cảm giác vừa tỉnh táo, vừa se lạnh.
Trên bàn gỗ dài, những tờ kế hoạch được xếp ngay ngắn, giấy nhớ màu vàng dán kín các mục nhỏ. Linh Anh đang cầm một cây bút đỏ, nghiêng đầu suy nghĩ. Ánh sáng hắt nghiêng làm nổi bật nét cương nghị thường thấy trên gương mặt cô con gái hiệu trưởng.
"Khối 12 đã chọn chủ đề Tái hiện Tết xưa, tụi mình nên chọn một hướng khác biệt để tránh trùng lặp" Linh Anh nói, giọng rõ ràng nhưng không quá vội "Mình nghĩ khối 11 nên làm về Ngày xuân đất phương Nam mang màu sắc dân dã, gần gũi và đậm chất miền Tây."
"Ý tưởng đó hay đấy" Trinh Phụng đáp, tay lật sổ ghi chép "Nhưng mình cần xem lại vật liệu trang trí. Nếu theo hướng Nam Bộ thì sẽ cần đến tre, nứa, hoặc ít nhất là mây tre đan mà thời gian chuẩn bị lại khá gấp."
Linh Anh gật đầu, khẽ ghi thêm vài dòng bằng mực đỏ "Tôi sẽ phụ trách phần thiết kế không gian. Trinh Phụng theo sát mảng hậu cần. Khánh An và Hoàng Diệp sẽ xem nội dung chương trình và hỗ trợ bài trí tổng thể."
Cả bốn người đều gật đầu. Trong phút im lặng, Khánh An định đưa ra một vài ý tưởng thì giọng của Hoàng Diệp nhẹ vang lên, không cao, nhưng rõ ràng và mạch lạc.
"Nếu đã là Ngày xuân đất phương Nam, không nên dừng lại ở hình ảnh lục bình, bánh tét hay mái nhà lá. Tụi mình có thể đưa vào những chi tiết về văn hóa cộng đồng, như lễ hội, trò chơi dân gian hoặc phiên chợ xuân thu nhỏ. Quan trọng hơn, tinh thần của chương trình vẫn nên giữ sự trẻ trung, sôi nổi. Văn nghệ nên nghiêng về sự nhiệt huyết của tuổi học trò, rực rỡ và tươi mới, chứ không quá nặng về mô phỏng truyền thống."
Trinh Phụng nghiêng đầu, ngẫm nghĩ rồi khẽ nói: "Tức là... giữ khung xuân miền Tây, nhưng thêm màu sắc hiện đại và năng lượng tuổi trẻ?"
Hoàng Diệp khẽ gật đầu "Mình có thể dùng một đoạn kịch ngắn có chất hài nhẹ, kết hợp ca múa minh họa, dẫn dắt bằng tiếng rao chợ Tết. Cách đó vừa giữ được chất địa phương, vừa thu hút người xem."
Không khí trong phòng lại sôi động lên, Linh Anh nhanh chóng ghi chú ý tưởng mới, ánh mắt lấp lánh niềm hào hứng của một người luôn trân trọng sáng tạo. Trinh Phụng cũng mỉm cười, khẽ huých tay Khánh An như muốn rủ cô góp thêm ý.
Nhưng Khánh An lúc ấy lại chỉ ngẩn người nhìn Hoàng Diệp.
Khánh An từng nghĩ mình đã hiểu đôi phần về cô bạn học này, nhưng mỗi lần lắng nghe, cô lại thấy như đang khám phá một tầng sâu mới.
Người con gái ấy, luôn nhìn thấy xa hơn người khác một đoạn.
Và trong một khoảnh khắc, trong lòng Khánh An dấy lên câu hỏi: Liệu ngôi trường đại học nào sẽ đủ tầm cho những suy nghĩ của Hoàng Diệp?
Và liệu, trong lòng Hoàng Diệp, giấc mơ thật sự là gì?
Tan học, Khánh An ngồi yên lặng trên hàng ghế sau chiếc xe riêng màu ghi bạc. Qua khung kính cửa sổ, Sài Gòn tháng Mười Hai trôi ngang trước mắt cô trong ánh nắng chiều nhạt màu mật ong. Không khí thoảng chút heo may lành lạnh, từng hàng cây ven đường rụng lá thưa thớt, mang theo hương hoa sữa vương nhẹ trong gió. Thành phố như chậm lại trong khoảnh khắc tan trường, nơi dòng người, xe cộ thường rẽ qua nhau đầy vội vã.
Chiếc xe rẽ vào một con phố yên tĩnh, lát nhựa phẳng lặng. Ở góc cuối con đường là ngôi nhà của gia đình cô, một căn nhà kiểu hiện đại, mái bằng, sơn trắng thanh nhã, với cổng sắt đen uốn hoa văn giản dị mà tinh tế. Mặt tiền thoáng, có một khoảng sân nhỏ trồng hoa giấy, cạnh là một hàng cau thẳng tắp mà ba cô đã nhờ người mang từ quê lên trồng cho "đỡ nhớ xứ". Khi chuyển từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, ba cô, ông Bùi Huỳnh Lâm, đã chọn mua căn nhà này không chút đắn đo. Với ông, chỉ cần con gái có nơi ăn chốn ở tử tế, gần trường, yên tĩnh, thì dẫu đắt cũng là xứng đáng. Khánh An luôn biết, ông là một người đàn ông điềm đạm nhưng quyết đoán, giỏi tính toán và được người trong giới kinh doanh ở miền Tây trọng nể. Nhưng đối với con gái, ông vẫn luôn là dáng vẻ hiền hậu, chất phác của người miền quê, hoặc là chỉ khi đó là cô con gái Khánh An, ông mới có được dáng vẻ dịu dàng như vậy.
Cánh cửa gỗ mở ra, Khánh An bước vào trong, nơi không gian nội thất hiện đại đón lấy cô bằng sự thanh sạch và gọn ghẽ đến từng chi tiết. Căn nhà tuy mới nhưng không mang vẻ lạnh lùng, mà ngược lại, từng vật dụng đều toát lên sự tinh tế và ấm cúng. Nền nhà lát gỗ màu nâu sáng, phòng khách bài trí đơn giản với ghế sofa kem nhạt, bàn trà kính vuông và một chiếc kệ sách thấp đặt cạnh tủ tivi. Trên bức tường đối diện là bức tranh sơn dầu phong cảnh đồng quê, món quà mà một người bạn thân của ba cô từ Bạc Liêu gửi tặng khi vừa chuyển đến Sài Gòn.
Ánh sáng từ giếng trời phía sau nhà đổ xuống cầu thang xoắn, dẫn lên tầng hai. Khánh An bước lên từng bậc, nhịp chân đều đặn. Căn phòng của cô nằm ở phía cuối hành lang, nơi có khung cửa sổ lớn hướng ra khoảng sân nhỏ phía sau.
Cô mở cửa phòng, hít nhẹ một hơi. Căn phòng được bài trí trang nhã, gam màu chủ đạo là trắng và xanh lam nhạt. Chiếc giường gỗ đơn giản phủ chăn gọn gàng, bên cạnh là bàn học kê sát cửa sổ với kệ sách nhỏ xinh, trên đó xếp gọn những cuốn văn học cổ điển, vài cuốn nhật ký và một lọ cắm hoa khô. Góc tường có treo một chiếc đàn guitar, món quà sinh nhật năm ngoái của ba, dù cô vẫn chưa thực sự học đàn nghiêm túc.
Gió nhẹ lùa qua rèm, lay động tấm voan mỏng. Khánh An ngồi xuống mép giường, thả lỏng đôi vai sau một ngày dài. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, ánh chiều đã nghiêng xuống mái nhà bên cạnh, nhuộm sắc vàng nhạt lên từng tán cây xanh rì.
Trong khoảnh khắc yên tĩnh ấy, Khánh An chợt nghĩ đến những gương mặt quen dần trong những ngày gần đây, ba người bạn mới, ba mảnh tính cách khác biệt, nhưng đều rực rỡ theo một cách rất riêng.
Cô mường tượng lại dáng vẻ Linh Anh trong buổi họp lúc chiều, ánh mắt nhanh nhẹn, giọng nói luôn đầy chủ động. Là con gái hiệu trưởng, Linh Anh dường như đã sớm quen với việc đứng giữa trung tâm mọi hoạt động, như thể từ nhỏ đã được dẫn dắt để trở thành người có trách nhiệm. Nhưng đôi khi, Khánh An vẫn bắt gặp trong ánh mắt ấy một nét gì đó muốn chứng minh mình không chỉ là "con gái của hiệu trưởng" mà là một người có bản lĩnh riêng.
Rồi đến Trinh Phụng, cô gái với mái tóc và quần áo được chăm chút cẩn thận. Là tiểu thư của một gia đình giàu có, Trinh Phụng không giấu vẻ kiêu kỳ tự nhiên của người sinh ra trong nhung lụa. Nhưng trong những cuộc họp nhóm, cô ấy luôn đưa ra những góp ý rất cụ thể và thực tế, không sáo rỗng, không màu mè. Phụng là kiểu người không dễ mở lòng, nhưng một khi đã tin tưởng thì sẽ gắn bó chân thành.
Và rồi... là Hoàng Diệp.
Tên gọi ấy, chỉ cần vang lên thôi cũng như mang theo dư vị của một loài hoa cánh mỏng, mảnh mai, đẹp đến lặng người. Hoàng Diệp luôn giữ nét bình thản, gần như không bao giờ tỏ ra vội vã hay lúng túng. Những lời cô nói ra mang theo một nhịp điệu chậm rãi nhưng phía sau lại là những suy nghĩ sâu xa khiến người khác không thể xem nhẹ. Giống như trong buổi họp, khi Linh Anh đang loay hoay với từng tiết mục thì Hoàng Diệp lại nhẹ nhàng khơi gợi một cách nhìn khác, rộng hơn, bao quát hơn.
Khánh An bất giác tự hỏi...
Một người như Hoàng Diệp, sinh ra trong ánh sáng, lớn lên giữa kỳ vọng và lặng lẽ toả sáng giữa bao ánh nhìn, liệu trong lòng cô ấy có đang ấp ủ một điều gì rất riêng? Một ước mơ, một nguyện vọng mà cô ấy chưa từng nói ra với ai?
Khánh An chưa từng thể hiện ra ngoài nhưng trong lòng lại luôn giữ một sự tò mò khó gọi tên về thế giới bên trong Hoàng Diệp, nơi dường như luôn có một cánh cửa đóng kín, cất giấu những điều chỉ riêng cô ấy mới hiểu.
Ý nghĩ ấy lặng lẽ len vào trong, như chút sương cuối ngày thấm qua kẽ áo. Khánh An ngồi yên bên khung cửa sổ, ánh nắng chiều cuối cùng vừa kịp buông một vệt mỏng lên bậu gỗ. Thành phố ngoài kia vẫn rộn rã dòng người, còn cô, giữa căn phòng yên ắng, chỉ nghe được tiếng tim đập rất khẽ và những dòng suy nghĩ cứ thế lướt qua nhẹ nhàng.
Và trong một khoảnh khắc mơ hồ nào đó, cô có cảm giác, mùa xuân năm nay sẽ không giống bất kỳ mùa xuân nào trước đây.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip