Chương 2: Đồ cổ
Tuệ mệt mỏi bước vào nhà. Không hiểu sao nó cảm thấy chân tay rã rời, bủn rủn. Nó thấy nó cần ngủ một giấc. Nghĩ là làm, nó ngả lưng xuống nệm, bắt đầu chìm vào giấc ngủ.
Tùng lò dò lại gần. Thằng nhóc vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Có gì mà con Tuệ gắt vậy nhỉ...
"Này, sao mày nằm ngủ ở đây ?".
Tùng ngạc nhiên khi thấy Tuệ nằm ngủ ngon lành trên nệm. Rõ ràng hôm nay đến lượt nó cơ mà. Nó cố hết sức đẩy con nhỏ xuống, nhưng Tuệ bắt đầu lí sự:
"Tùng à, tao chạy đi chạy lại mệt mỏi cất ngày. Lưng tao sắp gãy đến nơi, máy giặt không biết thương bạn gì cả. Sao mày có thể vô cảm đến mức ấy".
Tùng đứng như trời trồng nghe đứa bạn ca cẩm. Nó không hiểu Tuệ đang nói gì, nhưng vốn dĩ nó cũng không muốn hiểu. Tùng, không biết bằng thế lực nào, nó luôn thua trong mọi cuộc tranh luận với Tuệ. Thằng nhóc ấm ức đi lòng vòng quanh nhà. Loanh quanh cho đời mệt mỏi, Tùng bắt đầu rên rỉ:
"Tao đói mày ơi, tối nay ăn gì mày ?"
Tuệ im re không đáp. Nó đã nói một lần rồi, tối sẽ đi bán những đồng xu kia rồi đánh chén một bữa. Mặc kệ Tùng lăn lộn thét gào, con nhỏ nằm ngủ liền một giấc đến tận tối mới dậy.
Lúc Tuệ mở mắt cũng đã tối muộn. Nhìn cái đồng hồ ghẻ lụm từ bãi phế liệu, đã gần tám giờ rồi à. Tuệ đứng dậy, một cơn choáng váng ập đến khiến nó không thể đứng vững. Chắc do nó đói quá. Nhặt lấy túi xu, nó đánh thức Tùng rồi hai đứa ra khỏi nhà. Đằng trước là con hẻm tối sâu hun hút dẫn ra đường lớn. Ánh đèn nhập nhoạng càng khiến không gian càng trở nên u ám. Đang giữa mùa đông, mùa mang theo những cơn gió bấc thổi ào ào, lạnh buốt. Tuệ rùng mình. Chẳng hiểu sao nhưng từ ban trưa, nó luôn cảm thấy trong người không khỏe.
Tiệm đồ cổ cách nơi tụi nó sống khoảng một cây số. Đường lúc này đang đông nên hai đứa chọn đi trong ngõ. Khu này tụi nó thuộc nằm lòng rồi, có tách nhau ra cũng chẳng sợ lạc. Chỉ là hôm nay cảm giác đèn tối hơn thì phải.
"Ê Tuệ, hay mình đi ra ngoài đi, chứ tao thấy hơi sờ sợ".
Tùng đề nghị, giọng thằng nhóc pha chút run rẩy. Gì chứ thằng này là chúa nhát gan. Tuệ trấn an bạn:
"Sợ cái gì, sắp đến nơi rồi. Ra ngoài cho xe tông chết hay gì, vỉa hè thì không có".
Điểm đến đã ở ngay trước mặt. Hai đứa nhóc áo quần phong phanh nhanh chóng bước vào. Tuệ chưa vào đây bao giờ, nhưng nó hay đi ngang nơi này vì đằng sau tiệm là một khu chợ, nơi nó "làm ăn" . Tiệm cổ y hệt cái tên của nó, Tuệ để ý. Bên ngoài trông có vẻ lụp xụp, bên trong thì như sắp sập đến nơi. Mạng nhện chăng chằng chịt, xà nhà bị mối đục lộ ra những lỗ và lỗ. Ánh đèn cầy mập mờ như sắp tắt, chỉ đủ soi sáng chiếc bàn làm việc ọp ẹp. Tuệ nhìn lên trần nhà, nơi có biển hiệu đề "Đồ cổ Lỗ Ban".
"Tên gì kì vậy". Tuệ cảm thán.
Ngắm nghía hồi lâu, con nhỏ mới nhớ ra mục đích chúng đến đây. Nó gọi lớn:
"Có ai không ra tiếp khách nè ?".
Tùng thấy vậy nhanh chóng bịt miệng Tuệ lại:
"Trời ạ, ăn với nói. Có ai đi bán hàng mà nói như mày không. Mà tao thấy chỗ này lạ quá, sợ thấy mồ. Liệu có uy tín không ?".
Tuệ gật gù:
"Yên tâm".
Nó đã từng thấy một bà cô cầm một chiếc đồng hồ bước vào, và lúc đi ra, bà ta bê một túi tiền lớn, nên nó khá yên tâm về phi vụ lần này. Một lát sau, cánh cửa ở góc phòng bật mở. Một ông lão già lụ khụ chống gậy bước ra. Trông lão cổ y như tiệm của lão. Râu tóc bạc trắng, bước đi chậm chạp đến quầy.
"Hai cô cậu này đêm hôm không ngủ, đến đây có việc gì ?".
Tuệ bước lên định nói, nhưng bị Tùng ngăn lại. Tùng sẽ không để cái miệng hỗn của Tuệ làm hỏng mất vụ làm ăn này đâu. Thằng nhóc hạ giọng, nhẹ nhàng nói:
"Dạ thưa cụ, chẳng có việc gì là tình cờ. Chúng con đến đây cũng là có chuyện muốn nhờ. Mong cụ xem giúp cho ạ".
Giọng điệu của Tùng giống y chang mấy tay buôn chính hiệu. Vừa nói, nó vừa rải mấy đồng xu bằng vàng lên bàn. Ông lão lấy tay, gạt qua gạt lại một hồi, soi kĩ bằng kính lúp.
"Dạ cụ, có tối quá để con bật đèn lên ?".
"Khỏi, mắt lão sáng lắm, anh không cần vẽ chuyện".
Rất nhanh sau đó, ông lão cất đi cặp kính lúp, bình thản hỏi:
"Hai cô cậu lấy đâu ra mấy đồng vàng này ?".
Tuệ nghe trong lời nói của ông ta có pha lẫn chút tức giận. Nó đáp:
"Lấy từ một người họ hàng".
Rầm!!.
Lão già tức giận đập bàn, rồi nhảy phắt qua chỗ Tuệ và Tùng:
"Họ hàng? Họ hàng nào của mày có được những đồng vàng này hả ?".
Tuệ giật mình, nhìn chằm chằm lão. Trông lão bây giờ thật đáng sợ. Mắt lão đỏ ngầu, long sòng sọc như sắp lọt ra khỏi tròng. Một cảm giác sợ hãi trào dâng trong lòng Tuệ. Chưa bao giờ nó sợ đến thế.
"Mày nói đi!!!".
Lão già dí sát khuôn mặt nhăn nheo lại gần Tuệ, gằn giọng. Đôi mắt lão bây giờ chi chít đường gân máu, lông mày nhíu lại giận dữ. Sau bộ lông rậm rạp là cái miệng, dường như đỏ lòm. Trong một giây phút nào đó, Tuệ thấy, miệng lão đầy máu.
Tùng đứng bên cạnh thấy tình hình quá căng thẳng, liền vội vàng can ngăn:
"Ấy thưa cụ, cụ bình tĩnh cho. Đúng là tụi cháu không lấy những đồ vật này từ họ hàng, mà là vô tình nhặt được. Đã gắng hết sức nhưng không tìm được chủ nhân nên mới phải đem đến đây, nhờ cụ xem giúp".
Nghe vậy, lão già từ từ quay lại chỗ ngồi, rất nhanh lấy lại dáng vẻ ban đầu. Có lẽ do nhận được câu trả lời vừa ý. Ông ta soi đi soi lại những đồng tiền, như đang tìm kiếm một điều gì đó. Có lẽ việc Tùng lấy những thứ này ở đâu ra, đối với lão cũng chẳng quan trọng nữa. Lúc lâu sau, lão mới quay về phía Tùng, nói:
"Mấy đồng tiền này quả thực đáng giá, tồn tại khá lâu đời. Cậu có biết nó có xuất hiện từ khi nào không ?".
Tùng lắc đầu. Lo ăn còn chưa lo xong, hơi đâu lo tuổi của mấy đồng xu.
"Chúng xuất hiện cách đây 990 năm về trước. Chính xác là 983 năm. Còn về mấy đồng này, được đúc cách đây khoảng 600 năm". Ông cụ giảng giải.
"Cái gì cơ ?".
Đến ông cố Tùng đội mồ sống dậy cũng chưa chắc biết. Ai ngờ, mấy đồng cắc này lại "già" đến thế. Tùng cầm chúng trên tay mà không dám bỏ xuống . Chuyến này đi quả thực đáng giá mà.
Ông già trả giá ba trăm triệu để mua được mấy đồng xu cổ ấy. Chẳng biết so với giá thị trường thì có đúng không nhưng với chúng, hai trăm triệu là số tiền quá lớn. Có tiền rồi thì đi lấp đầy cái bụng rỗng. Tùng chọn nhà hàng sang nhất, gọi những món đắt nhất đất Sài Gòn này ăn cho đã đầy. Đến khi thanh toán cũng chỉ mất vài triệu. Đối với hai đứa nó, được ăn no đã là một niềm hạnh phúc.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip