Ba - Áo thun siêu nhân
Khi mùa thu tàn đi và ánh hè đến đương chín trên giàn nho của cô chủ trọ, Thiên Vũ xách vali lên chuyến xe ban đêm để về nhà. Ngồi ngủ lim dim trên xe, cứ trập trùng lúc tỉnh lúc mơ bị máy lạnh phà liên tục xuống đỉnh đầu mà vẫn nếm được chút hơi nóng hầm hập của vùng ngoại ô đang thấm dần từ bên ngoài lớp cửa kính xe thấm vào. Thiên Vũ mở mắt thấy người ê ẩm, bên ngoài đã tang tảng sáng rồi. Cậu ngồi như vậy khoảng hai ba tiếng nữa thì về tới trạm xe mình cần. Như biết trước, đã có người đợi sẵn ở đó. Một người phụ nữ dáng người nhỏ thó mà rắn rỏi của người hay làm việc nặng, đang dáo dác nhìn quanh.
"Cậu đưa tui cầm đi cậu."
Người giúp việc nhà Thiên Vũ có khoảng năm người, đa phần là các cô các bác ở độ tuổi xế chiều nên cậu rất ngại để người ta mang vác. Nhưng Thiên Vũ biết có gàn cũng không được, đành ngập ngừng trao tay cô Lý chiếc vali màu xám ghi.
Cổng nhà bằng đá đồ sộ hình vòng cung quen thuộc hiện ra trước mắt Thiên Vũ, bước sâu vào trong sân, đến gian nhà chính là thấy ngay chiếc bàn thờ gia tiên rất lớn đặt trên một cái tủ gỗ lim khảm xà cừ lấp lánh một nét hoài cổ. Khi thấy Thiên Vũ về, gia đinh chạy ngay lại nhanh nhẹn cầm giúp mũ và áo cho cậu. Đi học đại học gần một năm, về nhà thường xuyên nhưng cậu vẫn không quen có kẻ hầu người hạ, vì cuộc sống bên ngoài phải tự làm mọi thứ, không thể sống như một ông trời con nữa khiến Thiên Vũ hiểu không ai có nghĩa vụ phải theo hầu ai từng chút một như ngày xưa.
Cậu nhìn cái đồng hồ quả lắc bằng gỗ đứng lặng lẽ ở cạnh bức tứ bình Xuân Hạ Thu Đông, nhẩm tính giờ này cha và ông nội chắc vẫn đang làm việc ở đình làng. Thiên Vũ đi ra sau nhà, quen lối cũ vạch hàng cây trúc đào hai bên ra mà men tới chiếc thủy tạ hóng mát ở giữa cái ao rộng. Quả nhiên bà nội đang ngồi đó, tự tay nén từng nắm trà vào những búp sen còn tươi nguyên. Cậu lặng người đi một lúc trước khung cảnh ấy, mãi đến khi cổ chân vì cỏ cọ vào quá nhiều mà đâm nhột, Thiên Vũ mới nhỏ nhẹ cất lời:
"Thưa bà, con đã về."
Cặp kính lão hơi trượt xuống vì cái ngẩng đầu nhanh chóng, bà lão có mái tóc bạc được vấn lên bằng cái khăn vấn màu nâu xá xị một cách gọn gàng, đôi môi in hằn dấu vết thời gian hơi hé ra, thấy là cháu mình nên cong thành nụ cười đen nhánh.
"Kìa con, mới về thì đi nghỉ đã."
Thiên Vũ trán lấm tấm mồ hôi trong hơi nóng đã bớt dần đi vì gió thổi lồng lộng ở cái thủy tạ nhỏ này. Cậu ngồi xuống cạnh bà, khoang mũi ngập hương trà đậm đà mà thanh mát. Cậu không biết làm, chỉ biết nhìn thật chăm chú, nhìn say mê đôi lên tay dù đã già đi theo năm tháng nhưng lại nhanh nhẹn, thời gian càng qua thì kinh nghiệm càng nhiều. Từng búp sen đơm chặt những lá trà khô được xếp gọn gàng lại, đẹp mắt vô cùng cái nét đẹp giản dị ấy.
"Bà khéo quá ạ."
Không kiềm được mà khen một câu, đổi lại là nụ cười có vẻ tươi hơn nụ cười trước của bà nội. Thiên Vũ bất giác cười theo, một chiếc cười của con trẻ đang hưởng thụ sự bình yên chân thật nhất bên cạnh người thân yêu của mình.
"Chốc nữa mới tới giờ trưa, con cứ kệ bà mà đi nghỉ cho lại sức. Ông với cha con về thì đã có người gọi dậy ăn."
Thiên Vũ vâng lời, chống đầu gối đứng dậy. Đã mấy tháng mới về lại nhà, nên thực lòng cậu không muốn đi nằm cho lắm. Quả thật trở người qua lại trên chiếc giường gỗ mát rượi được một lúc, cậu ngồi phắt dậy xỏ dép đi lòng vòng trong xóm. Trẻ con mặc kệ trời nắng cứ để đầu trần, thi nhau đùa nghịch dưới các chân cầu nơi những con mương đang vào mùa cạn nước. Chúng bắt sâu khoai, trèo cây trứng cá, đạp xe gọi nhau í ới khác hẳn với vẻ vồn vã của phố thị mà Thiên Vũ vừa qua lại vào hôm trước. Cậu đút một tay vào túi chiếc quần đùi dài ngang đầu gối màu nâu nhạt, để hương đồng gió nội thốc tung ngực áo và mái tóc đen mượt của mình khiến các lọn tóc đan vào nhau. Thư thái đến mức mà có tiếng người hét đằng sau, cậu cũng tưởng không liên quan đến mình.
"Tránh ra! Có chó kìa!"
Lúc nghe lọt tai thì mông đã bị húc một cái thật mạnh bổ nhào về đằng trước, bàn tay phải chỉ chệch bãi phân trâu đúng một nắm tay. Con chó đen miệng đầy nước miếng đạp lên lưng cậu in hai dấu chân xám nhạt rồi vừa gừ gừ vừa chạy hồng hộc lên đằng trước. Hay thật, biết thế ở nhà cho rồi.
"Có sao không?"
Giọng này nghe ở đâu rồi ấy nhỉ?
"Không sao."
Vừa đáp lại thì đã nhăn mày vì hai đầu gối dính đầy cát đang tươm máu và huyết tương, bắt đầu bết bẩn lại. Vết thương vừa bị chà lên nền bê tông phải gập xuống, đã lại duỗi ra vì đứng thẳng người lên khiến cậu cảm tưởng nếu không sát trùng ngay thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và nhảy múa trên đó. Thiên Vũ hít vào một hơi vì nhói, tay bám vào cánh tay vững vàng của một người nào đó tự bao giờ.
"Về nhà mình đi, mình lấy cồn rửa cho cậu."
Người con trai cao hơn Thiên Vũ một chút, gương mặt hơi nhợt nhạt nhưng có nụ cười rất dễ mến khiến cậu bỗng có cảm tình. Nhìn thì có vẻ bằng hoặc lớn tuổi hơn cậu, nhưng lại có cách ăn mặc rất con nít: Áo thun siêu nhân gao nhìn là biết hàng tặng kèm khi mua cặp sách công chúa Barbie cho mấy bé gái, quần vải đũi lốm đốm nhiều chỗ như vừa lội từ bãi trâu đầm lội lên, khiến người nào thích sạch sẽ nhìn vào là ngứa mắt. Chân đi dép lào dính keo, có lẽ bị đứt quai nhiều lần nhưng lại đi nhanh phải biết, kéo tay Thiên Vũ mà cậu tưởng hai người đang chạy thi. Đến nơi, cậu ngồi ngay xuống cái ghế gỗ ở hiên nhà, còn người con trai kia thì nhanh nhẹn vào trong mang ra dụng cụ sát khuẩn.
"Cảm ơn nha. Tôi tên Vũ, còn...?"
"Mình á? Gọi mình là Lâm Nhất Viễn."
"Ừa, cảm ơn nhiều nha, Nhất Viễn. Nhưng nhẹ tay chút...thôi, để tôi tự làm cũng được."
Cậu cảm thấy người kia nhìn rất đáng tin cậy nhưng hành động thì không đáng tin cho lắm. Khi nhìn chai oxy già đổ thành dòng trên chân cậu nổi bọt trắng xóa chảy mãi không hết, còn bông trắng vốn để lau sạch vết thương thì bị người kia làm cho kẹt tơ bông vào mấy vết tróc trên da cậu, Thiên Vũ bỗng thấy hơi buồn cười. Thiên Vũ không sợ đau, nhưng sợ chân mình sẽ bị làm cho tổn thương hơn. Lâm Nhất Viễn biết mình vụng nên cười xòa, mái tóc xoăn lơi màu nâu đậm nhìn là biết chải chuốt không kĩ, có muốn cũng chẳng che đi được đôi mắt hơi chột dạ kia khi thấy người ta bị chó nhà mình xô ngã 1 mà mình còn làm họ đau thêm 10.
"Vũ mới đi xa về à?"
Thiên Vũ gật đầu, trông ngoại hình cậu trắng trẻo gọn gàng là biết người đã lâu không về quê, nơi mà ai cũng đen sạm đi vì việc đồng áng. Dán băng cá nhân vào hai đầu gối xong, Thiên Vũ mở miệng hỏi một câu rất không liên quan:
"Nhà Nhất Viễn còn băng cá nhân loại khác không?"
Anh chàng kia thật thà đi lục trong tủ đồ y tế ra thêm một bộ sưu tập các loại băng cá nhân: hello kitty, trái tim hồng, cỏ bốn lá,... Còn kiểu đang nằm trên chân Thiên Vũ là cướp biển một mắt. Cậu trầm ngâm nghĩ ngợi, cảm thấy cướp biển một mắt vẫn còn tốt chán. Chợt có tiếng thanh niên mới lớn, giọng hơi vỡ vọng vào, theo sau là âm thanh chân bước chậm rãi.
"Anh Viễn, đi cho cá ăn."
"Ô kìa, cháu Vũ về à? Ở lại ăn với nhà bác chén cơm."
Một người bác gái nào đó mà Thiên Vũ cũng không biết là ai, nhưng chắc là người ta biết cậu nên lên tiếng chào hỏi, giọng bác hơi đanh khiến tai ai cũng phải nghe thấy. Cậu mỉm cười lễ phép chào lại, rồi từ chối ở lại dùng bữa vì phải về ăn trưa với gia đình. Còn cậu thiếu niên kia chắc là em trai của Lâm Nhất Viễn, tóc cũng nâu nhưng không xoăn như anh mình. Dù nhìn có nét giống nhau, nhưng mặt người em trai gai góc hơn, mắt sắc hơn và có vẻ cá tính mạnh hơn.
"Thôi, Việt, để đó mẹ cho cá ăn."
"Vâng, con quên. Chứ để anh Viễn làm khéo lại bày vẽ ra như hôm trước."
Lâm Văn Việt không đeo balo mà xách vắt vẻo lên một bên vai, áo sơ mi trắng dính vài vết mực nửa đóng nửa thả ở ngoài quần tây bị rách gối. Thằng nhóc không chào hỏi Trần Thiên Vũ, chỉ hếch mắt nhìn cậu rồi đi thẳng vào phòng riêng. Cậu hơi để bụng một tí, nhưng rồi cũng mặc kệ. Đứng dậy định ra về khi hai đầu gối đã bớt đau đi phần nào.
"Cảm ơn cậu nhé, nhớ tìm chó về. Chó đang lên cơn dại mà cắn người là không được đâu."
Vừa dứt lời thì tiếng con chó đen bị xích cổ rên loạn lên được một người hàng xóm tốt bụng bắt lại giúp đang kéo lê nó vào chuồng khiến Thiên Vũ thấy hơi mủi lòng. Cậu bước gần lại rồi ngồi xuống ghé mắt nhìn con vật tội nghiệp, chợt quay sang bảo Nhất Viễn cũng đang tiu nghỉu ngó theo mình:
"Cậu đem nó đi an tử đi, đeo rọ mõm cho an toàn. Chứ sống vậy, tội nó."
Nhất Viễn cười buồn, gật đầu mà không đáp lại. Anh tiễn cậu ra đến đầu ngõ, lúc này mới quay sang nói với Thiên Vũ:
"Đen là chó của em trai tôi, nó lớp 12 rồi nhưng nuôi mà không có trách nhiệm. Tôi đưa tiền rồi, chỉ việc chở Đen đi tiêm vaccine mà cũng nhác. Thế là thành ra như này đây, xin lỗi cậu nhiều."
Thiên Vũ lắc đầu tỏ ý không sao, cậu nghe ra chút mất mát và bất lực trong giọng của Nhất Viễn nhưng lại không biết an ủi thế nào, nên chỉ im lặng sóng vai đi cạnh anh. Thiên Vũ cũng nuôi chó nên nỗi buồn này cậu hiểu được phần nào. Trưa đang vươn luồng hơi nóng như đổ lửa lên đỉnh đầu và cầu vai của người đi đường, khiến mấy tán lá cây nhòe đi vì quá chói chang. Tiễn thêm một đoạn nữa, Thiên Vũ chào tạm biệt Nhất Viễn rồi tự đi về. Khi bóng cậu dần thu nhỏ lại bên lũy tre xanh mướt, Nhất Viễn mới quay đầu trở lại căn nhà của mình. Anh nhận ra cậu con trai đó, câu nói "không quá ấn tượng" của cậu ta vẫn đang văng vẳng bên tai Nhất Viễn đây này. Đó chỉ là một trong muôn vàn những ý kiến khác về tranh của Nhất Viễn, nhưng lần này anh lại lưu tâm hơn cả, vì lời nói của cậu ta có cơ sở. Đó là lời thật lòng, là lời nói ra giữa lúc ai cũng đang say mê ngắm nhìn và ngợi khen những bức tranh mà anh vùi đầu vào vẽ cố, vẽ như ma đuổi, vẽ vì sợ mất đi cái khả năng vẽ vời mà mình vốn luôn tự hào.
Lời nói hôm ấy của Trần Thiên Vũ tựa như một hòn đá lạnh thả vào giữa đám lửa đang rực cháy. Đá tan, lửa vẫn cháy tiếp. Nhưng chỉ có người nhóm lửa nhờ hơi đá lạnh mới giật mình nhớ ra rằng: Lửa cháy to nhất cũng là lúc nó đang lụi dần đi.
Lâm Nhất Viễn cười vào cái nỗi lo không thể thay đổi này được của bản thân, thất thểu bước về nhà. Anh bị coi là không làm nên trò trống gì vốn đã quen rồi, nhưng chính bản thân nhận ra điều ấy thì lại nghiệt ngã hơn rất nhiều. Kí ức xoay vần về ngày anh bảo lưu kết quả khi đang là sinh viên của ngành thương mại để thi lại vào một trường mỹ thuật, bị đẩy ra khỏi nhà để tự kiếm sống, lâu lâu thích thì cha mẹ gọi về, mà cúi đầu bật cười chua chát. Kể từ đó để theo đuổi ước mơ, đổi lại là Nhất Viễn thấy ánh nhìn cha mẹ đặt lên người mình đã mất hết kì vọng, tựa như nhìn một kẻ vô năng. Em trai anh là Văn Việt tất nhiên sẽ thay mình gánh lấy sự kì vọng của cha mẹ, nhưng nó khác Nhất Viễn ở chỗ rất vâng lời phụ huynh trong việc được sắp đặt đường đi nước bước, cũng cho rằng anh trai theo học mỹ thuật là không có tương lai nên ngày qua ngày dần không tôn trọng Nhất Viễn nữa. Nhìn cha mẹ từng săn sóc ân cần giờ như chưa từng sinh ra mình, hay đứa em từng chia cho nhau mấy viên bi ve, đi đâu cũng gọi anh đi cùng trở nên xấc láo, Lâm Nhất Viễn như bị kẹt giữa hai bờ vực của cái tôi riêng và cái ta chung. Hàng xóm và họ hàng lời qua tiếng lại bao năm qua cũng không mệt mỏi bằng xung quanh dần dần mất đi nơi để nương tựa và thấu hiểu.
Anh chênh vênh không biết lựa chọn của mình liệu có còn đúng đắn không? Nhất là khi nghệ thuật dường như sắp trở thành một ngõ cụt giữa hiện thực tàn nhẫn.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip