Chap 11
Giữa rừng, tiếng côn trùng đêm khuya rả rích, xa xa vẫn còn vẳng tiếng súng vọng lại từ tuyến khác, mưa phùn nặng hạt trôi dài trên mái lán lợp tạm. Cậu vẫn còn băng bó ở tay và vai, đang dưỡng thương trong lán tạm, nằm co lại trên chiếc chõng tre, mắt nhìn mưa như trôi qua từng lớp thời gian.
Một đồng chí hậu cần bước vào, tay cầm một mảnh giấy gấp lại cẩn thận, đặt lên bàn tre.
— Cậu Hùng, thư quê gửi lên.
Cậu mỉm cười, vội vàng ngồi dậy, nghĩ ngay là thư của bà. Nhưng không phải. Nét chữ quen thuộc ấy là của ông Trường - hàng xóm, người vẫn hay giúp mẹ những ngày cậu đi vắng.
Cậu mở thư, chữ run run, mực lem vì thấm nước, nhưng vẫn đủ để cậu nhìn rõ từng dòng.
"Hùng con,
Quê nhà mấy nay bị Mỹ ném bom, riêng hôm qua thì dữ dội lắm. Bà con vì già yếu, không kịp xuống hầm tránh, đã ra đi rồi. Bà con đã lo hậu sự, đặt bà cạnh cha mẹ con dưới gốc thị như ý bà nguyện. Mọi người đều bình an. Con ở ngoài đó giữ gìn sức khỏe, đánh giặc báo thù, bà con trên trời chắc cũng yên lòng...
— Trường."
Bàn tay cậu rung lên, lá thư rơi xuống, nước mắt cậu nhỏ từng giọt thấm ướt giấy, hòa vào nước mưa dột từ mái rừng. Cậu cắn môi, không thốt nổi lời nào, mắt hoe đỏ như muốn vỡ òa.
Một đồng chí thương binh bên cạnh nghiêng đầu:
— Sao thế Hùng? Mày khóc à?
Cậu quệt vội nước mắt, siết chặt lá thư, khàn giọng:
— Không... không có gì...
Cậu bước khỏi chõng, đôi chân bước lảo đảo như không còn điểm tựa, đi về phía cánh rừng có con đường hoa dã quỳ ấy.
Gió lạnh lùa qua cánh rừng hoang hoải, mưa bụi bám trên vai cậu, bùn đất dính vào dép rách nát.
Cậu dừng lại bên một góc của hàng hoa dã quỳ, ngồi phịch xuống đất, mắt trân trân nhìn dòng nước đục. Vai run lên bần bật, không vì lạnh, mà vì nỗi đau như sét đánh ngang tai.
Cậu siết chặt bức thư đến nhăn nhúm, những đầu ngón tay trắng bệch vì lực nén, bàn tay rung lên không kiểm soát. Trong đầu cậu, hình ảnh bà lặng lẽ ngồi bên bếp tro, đôi mắt mờ vì sương khói, vẫn nhắc đi nhắc lại rằng chờ con về ăn Tết, chợt tan vỡ như cơn gió lùa qua mái tranh đã đổ nát.
Cậu tưởng tượng bà gọi tên mình trong khói bom, đôi chân không kịp bước xuống hầm, thân già run rẩy giữa tiếng rít của máy bay, rồi... im bặt dưới đống đổ nát.
Nỗi đau dồn lên tận cổ, cậu ngửa đầu, mắt long lên căm phẫn. Hận quân Mỹ. Hận tiếng bom, hận những vệt khói trắng xé trời, hận tiếng rít chát chúa đã cướp đi người cậu yêu thương nhất.
Cậu cắn chặt răng, môi bật máu, chỉ để không bật ra tiếng gào nghẹn ngào.
Nắm tay siết lại, cậu thề rằng — máu bà rơi, cậu nhất định bắt giặc trả giá!
Phía lán ngoài, chú đang cùng đại đội kiểm tra lương thực và vũ khí chuyển từ tuyến sau, tay cầm bảng phân công nhiệm vụ, miệng dặn dò từng nhóm lính.
Chú đảo mắt nhìn xung quanh, chợt thấy cậu lững thững đi ra, vai gầy guộc, dáng thất thần, tóc ướt sũng, áo lấm bùn.
Chú trao bảng cho đồng chí bên cạnh, sải bước đi theo, chân giẫm mạnh lên lớp lá mục, ánh mắt trĩu nặng nỗi lo.
Đến con đường hoa dã quỳ ấy, chú đứng lại.
Cậu ngồi đó, tay buông thõng, lá thư ướt nhẹp dính trong lòng bàn tay, vai run lên từng hồi, lặng lẽ như một bức tượng đau thương giữa cơn mưa rừng.
Chú lặng lẽ ngồi xuống bên, đưa tay khẽ đặt lên vai cậu.
— Có chuyện gì vậy, Hùng?
Cậu quay sang nhìn chú, đôi mắt đỏ hoe, và rồi như không nén được nữa, mếu máo nói, giọng nghèn nghẹn:
— Làng em... bị đánh bom rồi... Bà em... Bà em không chạy kịp... Bà mất rồi... chết vì bom mìn...
Nói tới đó, cậu òa khóc nức nở, ngã đầu vào lòng chú mà run rẩy. Chú nghe thấy như có nhát dao vừa cứa vào lòng mình, xiết chặt cậu vào ngực, tay vỗ nhẹ lên tấm lưng đang run lên từng đợt.
— Khóc đi, em... Khóc cho nhẹ lòng... Nhưng rồi phải mạnh mẽ lên... vì bà em... chắc bà không muốn em gục ngã, không muốn em đau mãi.
Cậu nghẹn ngào:
— Sao lại là bà em... Sao bà không kịp chạy... Em không thể về bên bà được...
Chú hít một hơi sâu, giọng khản đặc nhưng vẫn trầm ổn:
— Chiến tranh mà, Hùng... nó không chừa ai, không phân biệt ai có súng, ai không. Nhưng bà em... bà mất không vô nghĩa đâu. Cái chết của bà, của biết bao người vô tội, càng khiến chúng ta phải sống, phải chiến đấu... để không còn ai phải chịu cảnh này nữa.
Cậu siết chặt tay chú, nước mắt vẫn trào ra, sụt sùi nói nhỏ:
— Em hận chúng nó, hận đến tận xương tủy.
Chú nhìn xuống cậu, ánh mắt dịu đi, cúi đầu đặt lên trán cậu một nụ hôn, khàn khàn nói:
— Cứ hận đi... Nhưng phải biến hận thù thành sức mạnh... Em còn tôi, còn anh em bên cạnh... không một mình đâu, Hùng. Không bao giờ một mình.
Cậu gật đầu, mếu máo mà cố nở nụ cười, nước mắt vẫn rơi trên gò má, thấm ướt áo chú. Chú chỉ lặng lẽ ôm cậu, như muốn gánh một phần nỗi đau ấy, như muốn thay cậu hứng chịu những mất mát mà chiến tranh không hề báo trước...
...
Mưa phùn tạnh, gió trên triền đồi thổi nhè nhẹ, hương hoa dã quỳ thoang thoảng lẫn trong sương đêm se lạnh. Ánh trăng đổ xuống, chiếu lên hai bóng người đang ngồi cạnh nhau bên con đường mòn, nơi những khóm hoa vàng rực rỡ vẫn nở bất chấp bom đạn. Chú nhìn cậu, ánh mắt xa xăm, rồi bất chợt khẽ cười, giọng nói dịu đi như tiếng gió thoảng:
— Em biết không... thật ra, tôi không phải có cái tên Đức như bây giờ đâu.
Cậu nghiêng đầu, nhìn chú đầy tò mò. Chú cúi đầu, tay nhặt một cánh hoa rơi, giọng chậm rãi:
— Từ nhỏ, tôi đã được các đồng chí nuôi nấng... Họ nói nhặt được tôi dưới chân lá cờ đỏ sao vàng, trong một buổi sáng đầu thu lặng gió. Họ mang tôi về, cho ăn, cho mặc, rồi đặt cho cái tên này — Đức — là để tôi sống có nghĩa, có tình, như tấm lòng của người cách mạng...
Cậu lặng người, trái tim như thắt lại. Chú cười nhẹ, nhưng ánh mắt lại nhuốm vẻ cô đơn:
— Tôi không biết mình sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai... chẳng có một gốc rễ nào để bấu víu. Có người nói, một người không có quá khứ thì làm sao có tương lai... cũng đúng, đúng lắm...
Chú lặng lẽ ngẩng lên, trăng soi nghiêng nửa gương mặt, giọng trầm lại:
— Nhưng rồi chú nhận ra... mình có hiện tại. Có đất nước, có anh em, có... em. Và chỉ cần sống trọn cho hiện tại, tôi tin... tương lai rồi cũng sẽ có.
Cậu khẽ run lên, trong tim dâng trào một thứ cảm xúc không thể gọi thành tên. Cậu đưa tay chạm vào gò má rám nắng của chú, rồi nhẹ nhàng ngẩng đầu hôn lên môi chú — một nụ hôn nhẹ, vụng về, nhưng đầy chân thành.
Chú khựng lại, bất ngờ, nhưng không né tránh. Vẫn ngồi yên, mặc cho đôi môi cậu chạm vào mình, cho đến khi cậu rụt rè thả ra, đỏ mặt nhìn chú, khẽ cười:
— Vậy thì... từ nay về sau, để em là quá khứ, là hiện tại, và cả tương lai của chú... được không?
Chú không đáp, chỉ lặng lẽ nhìn cậu, rồi khẽ kéo cậu vào lòng. Cậu tựa vào vai chú, thì thầm:
— Em sẽ sống... sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Vì bà... và vì chú nữa...
Ngẩng đầu lên, cậu cười, đôi mắt long lanh, hàng mi vẫn còn đọng lại ít nước dưới ánh trăng:
— Nếu như bà còn sống, em đã dắt chú về ra mắt bà rồi...
Lời nói ấy khiến tim chú như thắt lại. Chú cúi xuống, lần này là chú hôn cậu — dịu dàng, nhưng mãnh liệt, như muốn khắc sâu hình bóng ấy vào tận đáy tim.
Kết thúc nụ hôn, chú ôm cậu thật chặt, vùi đầu vào mái tóc cậu, khàn khàn nói:
— Sau này, khi đất nước được giải phóng... nếu em và tôi cùng nhau vượt qua tất cả, tôi sẽ cưới em, mặc kệ miệng lưỡi người đời. Tôi sẽ xây cho em một căn nhà đẹp, trồng đầy hoa dã quỳ, mua cho em những món ngon mà em thích...
Cậu nhắm mắt lại, mỉm cười, biết rõ ước mơ ấy mong manh, nhỏ bé, thậm chí còn hơi vô lý giữa chiến tranh khốc liệt, nhưng vẫn thấy trong lòng bình yên đến lạ.
— Em không cần gì cả... chỉ cần chú... là đủ rồi.
Giữa con đường đầy hoa vàng, hai người ôm nhau thật lâu, như muốn giữ lấy hơi ấm của nhau giữa cõi đời vô thường, như muốn níu giữ khoảnh khắc bình yên ít ỏi giữa muôn vàn khói lửa...
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip