02: hai đêm dưới hầm

Hồng kéo nhẹ tấm chiếu cói, để lộ một ô cửa nhỏ được ngụy trang bằng đống rơm khô cạnh bếp sau. Dưới đó là hầm trú ẩn, một căn hầm nhỏ cha cô từng cho xây từ thời còn lo sợ "Việt Minh về phá hoại".

Không ai còn sử dụng nó nhiều năm nay. Nhưng hôm nay, nó trở thành nơi duy nhất cô có thể giấu người thanh niên ấy, người có đôi mắt sâu như bóng núi, người mà chính cô cũng không hiểu vì sao lại tin tưởng đến vậy.



Chính Quốc chui xuống hầm, không nói gì, chỉ nhìn cô. Cái nhìn không cầu khẩn, cũng không oán trách. Chỉ là cái nhìn của một người đã quen sống bên ranh giới của sống và chết.

— Anh ở yên dưới đó. Tôi sẽ quay lại sau.

Nói rồi, Hồng kéo chiếu lại, tim đập thình thịch. Chưa bao giờ cô làm việc gì táo bạo như thế.



Đêm xuống, khi cả nhà đã ngủ, Hồng mới lặng lẽ trở ra. Trên tay là bộ quần áo cũ của cha, áo sơ-mi kaki bạc màu, quần vải rộng. Và vài củ khoai lang còn nóng hổi, cô lén nướng từ lúc chiều, giấu dưới chạn bếp.

Cô gõ nhẹ ba tiếng.

— Tôi đây.

Tấm chiếu được kéo lên. Ánh đèn dầu le lói từ phía bếp sau rọi xuống, vừa đủ soi rõ khuôn mặt người thanh niên. Dưới lớp bùn đất đã rửa sạch, là một gương mặt điển trai nhưng hốc hác. Vầng trán rộng, đôi mắt trầm, giọng nói đục như đất vừa được xới lên sau mưa.

— Cảm ơn cô.

— Anh thay đồ đi. Khoai tôi để đây.

Cô ngồi ở miệng hầm, hai tay ôm đầu gối, ngước nhìn vầng trăng treo lơ lửng ngoài trời.

Một lúc sau, từ dưới hầm vọng lên tiếng anh:

— Tôi nợ cô một mạng.

— Anh nợ Tổ quốc trước đã.

Chính Quốc khẽ bật cười. Lần đầu tiên Hồng nghe giọng cười ấy. Trầm mà ngắn. Như gió thổi qua lá rừng.

Một lúc sau, khi cả hai đã im lặng chia nhau mấy củ khoai, Hồng bỗng hỏi, giọng nhỏ như hơi gió lùa qua khe cửa:

— Anh có sợ chết không?

Im lặng một chút. Rồi anh đáp, rất khẽ nhưng dứt khoát:

— Sợ chứ. Nhưng tôi sợ mất nước hơn.

Hồng khẽ ngẩng đầu.

Câu nói ấy không giống khẩu hiệu. Không phải thứ lời lẽ rao giảng ngoài chợ, cũng không phải câu nói cô từng nghe trong sách báo. Nó thật, như tiếng tim đập giữa chiến trường, như đất dưới chân rạn nứt mà vẫn không gãy.

Cô nhìn anh lâu hơn.

Người này, không phải dân thường. Cũng không phải loại anh hùng lừng lẫy. Nhưng ở nơi sâu nhất trong ánh mắt anh là thứ gì đó khiến người ta yên tâm. Như một gốc cây cổ thụ đứng vững giữa gió lốc.



Khoai đã nguội đi đôi phần, nhưng vẫn còn bùi, ngọt và nóng trong tay.

Cả hai ngồi sát mép hầm, Chính Quốc ngồi dưới, Hồng ngồi trên, như hai người đang cùng nương tựa lưng nhau giữa cơn lốc thời cuộc.

Chính Quốc ăn chậm rãi, mỗi miếng như được chắt từ từng ngày nhịn đói trong rừng. Cô thì không ăn nhiều, chỉ cầm một củ nhỏ, bóc từng lớp vỏ cháy xém.

Không ai nói gì thêm một lúc lâu. Tiếng đêm vọng qua tán chuối ngoài vườn, ve vẩy như một lời ru mệt mỏi.

— Ở trong đó...
Hồng khẽ lên tiếng

...trong rừng ấy, sống thế nào?

Chính Quốc nhìn lên. Mắt anh dừng lại trên gương mặt trắng nhợt của cô dưới ánh đèn dầu le lói.

— Cô hỏi về rừng à?

— Ừ. Rừng với... kháng chiến. Lý tưởng nữa.

Một lát sau, anh gật đầu. Giọng chậm và đều, như thể từng chữ đã được nung kỹ giữa nắng gió miền Đông.

— Rừng thì nhiều muỗi. Cô chỉ ngủ được một đêm là phát sốt thôi. Mùa mưa thì đắp áo mưa cũng không khô được người. Cơm ăn với muối, có khi cả tuần không có cá khô. Một đôi giày mang rách tới rách lui, may bằng chỉ thừng.

Anh cười nhẹ, nụ cười như không cười.

— Nhưng sáng dậy, mở mắt ra, thấy mặt trời mọc trên đồi, thấy người bên cạnh vẫn còn thở, là lại sống tiếp được.

Hồng siết nhẹ mảnh vải trên tay. Đôi mắt cô chợt ươn ướt.

— Còn lý tưởng? Anh có thật tin người ta thắng không?

Chính Quốc không trả lời ngay. Anh chống tay lên mép hầm, nhìn lên trời. Khoảng trời hẹp ngang một bàn tay.

— Cô biết không... tôi đi kháng chiến không phải vì tôi nghĩ mình sẽ sống sót. Cũng không phải vì tôi chắc mình sẽ thắng.
Tôi đi vì tôi không chịu được cái cảnh thấy người mình cúi đầu, thấy lũ nhỏ không có chữ, thấy mẹ tôi đi chợ phải né lính mà vẫn bị chửi là "bọn hôi quê".

Anh thở ra một hơi, bàn tay nắm lại trên đùi.

— Tôi đi vì nếu không ai chịu đứng lên, thì mình chẳng còn gì để mất nữa cả.

Hồng ngẩng lên nhìn anh, lòng dâng lên thứ cảm xúc chưa rõ hình hài. Là thương, là cảm phục, là điều gì đó vượt lên cả sự tò mò ban đầu.

Cô hỏi khẽ:

— Mẹ anh... còn sống không?

— Không.
Anh đáp, mắt hơi cụp xuống.

— Mất năm tôi mười sáu. Đêm đó trời mưa rất lớn. Bà ôm tôi mà chết. Lạnh lắm. Nhưng tôi còn sống.

Anh ngẩng lên, nhìn vào mắt cô:

— Vậy nên, khi tôi ăn cơm giữa rừng, lạnh đến run, tôi hay nhớ đến cái ôm đó. Và tôi thề sẽ không để đất này lạnh như bà nữa.

Một giây lặng.

Hồng cúi đầu, không nói gì. Tim cô như vừa có ai đó khẽ thắp lên một ngọn lửa, nhỏ thôi, nhưng rất thật.



Khoai đã nguội hẳn. Đêm thì vẫn chưa tàn.

Căn hầm nhỏ dưới bếp nhà tiểu thư Kim Hồng lặng lẽ như tờ giấy trắng, mà từng lời nói giữa họ giờ đây, dường như đang viết lên đó những dòng đầu tiên.

— Cô tin tôi à?
Chính Quốc hỏi sau một lúc yên lặng.

Hồng gật nhẹ, mắt vẫn dõi theo ánh đèn dầu hắt xuống từ khe vách.
— Tin.

— Sao lại tin?

— Vì anh không cần phải giải thích điều gì. Cái cách anh ngồi, cái cách anh nhìn tôi... giống người đã quen mang bí mật. Mà tôi... tôi cũng thế.

Cô khẽ cười. Nhưng nụ cười ấy không vui, mà như một lớp khói mỏng che giấu nhiều chuyện chưa nói.

— Anh biết không, tôi sinh ra trong một gia đình theo chế độ cũ. Cha tôi là quan, làm cho chính quyền quốc gia. Mẹ tôi thì suốt ngày răn dạy tôi phải giữ khuê môn nề nếp, không được để người ta dị nghị.

Cô ngừng lại, như để nuốt xuống điều gì cay nơi cổ họng.

— Trong nhà, mỗi lần tôi nhắc đến chuyện đất nước, tự do, là mẹ lườm, cha quát. Tôi phải giấu báo, chôn sách ở góc vườn. Có lần suýt bị người làm phát hiện, tôi run như cầy sấy. Nhưng rồi... tôi vẫn tiếp tục.

— Cô không sợ sao?

— Sợ chứ. Nhưng như anh nói đó...
Cô quay sang nhìn anh, ánh mắt như có sương đêm lóng lánh.

— Tôi sợ nhất là một ngày tỉnh dậy, đất nước mình không còn là của mình nữa.

Chính Quốc lặng người.

Anh chưa từng nghĩ mình sẽ tìm được một người có thể nói ra đúng những điều anh luôn nghĩ trong lòng. Ở một căn nhà thuộc tầng lớp tiểu tư sản, giữa một thời khói lửa chia rẽ trắng đen, lại có một cô gái như thế.

— Tôi bỏ nhà đi năm mười tám tuổi,
Anh chậm rãi kể, giọng như chìm vào ký ức.
— Cha tôi chửi tôi là đồ điên. "Mày có tương lai, có tiền, có hộ chiếu Hàn Quốc, mày điên à?" ổng nói thế.

— Rồi anh đi?

— Tôi không kịp trả lời. Tôi chỉ để lại một lá thư. Trong đó viết: Cha à, nếu con không đi, sau này con cũng chẳng dám nhìn mặt cha nữa.

Anh ngừng một chút, như đang nhớ lại căn phòng cũ, tấm phản tre, bức thư còn thơm mùi mực tím.

— Cô biết không, tôi đã rất cô đơn trong rừng. Tôi có đồng chí, có súng, có lý tưởng, nhưng tôi thiếu một người để hiểu được mình.
Hôm nay, tôi nghĩ... tôi tìm thấy rồi.

Hồng cúi đầu. Trái tim cô đập mạnh. Lần đầu tiên cô không thấy mình đơn độc trong bóng tối này.

— Tôi cũng thế...
Cô khẽ đáp.

— Lâu nay, tôi làm mọi việc trong im lặng. Đến nỗi đôi khi tôi quên mất là mình còn có cảm xúc. Nhưng giờ, tôi thấy... như có bạn đồng hành rồi.

Cả hai im lặng. Không gian như ngưng đọng lại.

Không ai nói đến chuyện yêu, cũng chưa ai hứa hẹn điều gì. Nhưng giữa họ là sự đồng điệu không cần lý giải.

Trên mặt đất, gió đã bắt đầu thổi mạnh, những tàu lá chuối rì rào như kể chuyện đêm. Trong lòng đất, hai con người lặng thầm lắng nghe nhau, giữa chiến tranh, giữa chia rẽ, giữa mọi mất mát...

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip