Bùn Bồ Tát

Editor + Beta- er: Thiên Thư

  Hương tro ở Phật đường ba năm chưa dọn, dày đến mức có thể chôn sống một người.

  Tiểu Dư nhớ về ngày mẹ mất. Ngày ấy lư đồng ngả nghiêng, bụi trắng vãi đầy trên tấm đệm hương bồ bạc màu, tựa như lớp tuyết dơ bẩn phủ lên.

(Đệm hương bồ: đệm được làm bằng lá cây hương bồ.)

– Phật tổ sẽ đến độ ta…

  Mắt cá chân sưng phù của mẹ ngâm trong nước ngải cứu, kẽ ngón chân lở loét, máu còn loang ra khắp mặt nước đục ngầu, tựa như đóa sen sắc đỏ. Bàn tay gầy guộc của mẹ nắm chặt tràng hạt đã hóa đen. Khi bà dứt hơi thở cuối cùng, tràng hạt đứt đi, văng vãi khắp nơi. 

   Lúc Tiểu Dư quỳ xuống nhặt những hạt chuỗi đó, bỗng nghe được cuộc mặc cả của cha với gã Vương - chủ tiệm bán quan tài.

  – Mười lăm tuổi, khuê nữ, siêng năng chăm chỉ.

   Giọng lão Lâm giống như đao cụt mài vào xương:

– Thêm năm bạc nữa.

   Ngày thứ bảy, lão Lâm dùng sợi vải từng bó gót chân bà nội, buộc vào cổ tay Tiểu Dư, đẩy em lên chiếc xe kéo tay dán chữ hỷ phai màu.

  Lúc gã Vương banh miệng em ra kiểm tra, ánh đèn dầu hắt bóng gã lên bức tranh Táo Quân tróc giấy, tựa như ác quỷ hiện hình. Tiểu Dư co rúm một góc, em chỉ nghe thấy tiếng bánh xe kẽo kẹt nghiền qua những phiến đá xanh, chẳng khác gì tiếng xương bị nghiền nát. 

  Phía sau tiệm bán quan tài có thờ bà Quan Âm đã phai đi lớp mạ vàng, trên bàn thờ phủ đầy tro. Đêm tân hôn, gã Vương ấn đầu Tiểu Dư xuống chiếc gối thêu Tâm Kinh, những sợi chỉ vàng thêu Quán Tự Tại Bồ Tát chà sát vào má em, đau đớn không thôi. 

– Dám trốn, tao đánh gãy chân mày!

   Bàn tay gã thô ráp như giấy nhám, đã vậy còn mang theo mùi gỗ mục của quan tài. Tiểu Dư nhìn tấm màn lay động trong bóng tối, bỗng em nhớ đến đôi mắt đục ngầu của mẹ trước khi qua đời.

  Ngoài màn, ngọn đèn dầu trên bàn thờ chập chờn, khi sáng khi tối. Ánh đèn chiếu lên mặt Quan Âm, lúc rõ lúc không.

  Sáng hôm sau, Tiểu Dư quỳ trước tượng Quan Âm đốt chiếc khăn trải giường thấm đầy máu. Lửa lăn qua dòng chữ «Độ Nhất Thiết Khổ Ách». Những hạt tro bay phấp phới rồi đáp xuống dĩa trái cây cúng trên bàn, phủ lên mấy quả táo héo khô. Ba nén nhang vừa cắm trong lư hương tự dưng gãy đi, đầu cụp xuống phần tro trong lư, như ba cái xác nhỏ bé.

– Bồ Tát không nhìn thấy đâu.

  Gã Vương chỉnh thắt lưng, cười khinh rẻ:

  – Mẹ mày cả đời tin Phật, lúc nằm trên giường có ai thèm ngó ngàng tới không?

  Tiểu Dư cúi đầu lần từng hạt mân côi, em phát hiện có một hạt bị nứt, lộ ra phần lõi đen ngòm. Chợt em nhớ đến đôi mắt của Bồ Tát thêu chỉ vàng trên gối tối qua — lúc em đau đớn nhất hình như đôi mắt ấy đã chớp một cái.

   Mùa mưa sắp đến, gã Vương nhận được một mối lớn. Phía đông trấn, mẹ của phú ông Lý sắp qua đời, cần chuẩn bị quan tài.

  Hằng ngày, ngoài việc giặt giũ nấu cơm, Tiểu Dư còn phải giúp gã gọt ván gỗ. Mùn cưa dính vào ngón tay đang rỉ máu của em, giống như siêu độ vậy. 

– Chỗ này quét thêm hai lớp sơn.

Gã Vương vỗ vào phía dưới quan tài:

– Nhà họ Lý rất giàu.

  Khi Tiểu Dư quỳ xuống sơn, em ngửi thấy hương gỗ nhàn nhạt tỏa ra từ vách quan tài – chợt em nhớ đến chiếc quan tài mục mỏng mẹ nằm. Nước tràn vào bên trong, làm phình cả cơ thể mẹ, còn có dòi chui ra từ kẽ ván.

  Rằm tháng bảy, Tết Trung Nguyên, gã Vương uống rượu đến say khướt mới trở về nhà. Tiểu Dư đang đổ thêm dầu vào chiếc đèn cồn trên bàn thờ thì bị gã túm tóc kéo vào buồng trong. Bàn thờ lung lay, bình tịnh thủy ngã xuống, nước trên cành liễu văng lên kinh Địa Tạng, làm mờ đi bốn chữ «Địa ngục vị không».

  (Tết Trung Nguyên: trong Phật giáo là lễ Vu Lan, còn Đạo giáo là lễ xá tội vong nhân, là ngày mà Diêm Vương mở cửa thả cô hồn ra.)

  (Địa ngục vị không: địa ngục chưa trống chỗ, nói chung là không có chỗ chứa á.)

  (Bình tịnh thủy: là cái lọ mà bà Quan Âm hay cầm để vẫy cành liễu.)

  Đêm đó mưa to, em co ro trong góc tường, nghe tiếng mưa dột xuống nhà.

——  Tí tách, từng giọt rơi xuống thau đồng.

  Trong mơ màng, em thấy mẹ đứng bên cạnh bàn thờ Phật, dùng những ngón tay lở loét lau bụi trên tượng Quan Âm.

  – Giống như vậy, giống như vậy… - Mẹ vừa lau vừa lẩm bẩm.

  Ngày mỏ than sập, trấn trưởng đem chiếc chiếu bọc nửa cánh tay cháy đen đến nhà em.

  Tiểu Dư nhìn chằm chằm chiếc nhẫn bạc trên ngón áp út – đây là của hồi môn cuối cùng của em, ba tháng trước bị gã Vương cướp đi. Hoa văn trên đó đã mờ, nhưng hai chữ “Bình An” được khắc trên đấy vẫn nhìn ra được.

– Gỗ chống mỏ không đủ.

Thợ trưởng nhổ nước bọt xuống đất:

– Ai mà ngờ nó sập chứ?

  Tiểu Dư chôn chiếu ở sau núi, trên mộ cắm thêm một cành liễu trộm từ bàn thờ Phật.

  Tối hôm ấy, em nằm mơ thấy gã Vương đứng bên giường, cánh tay cháy đen của gã chỉ vào bụng em.

  Khi tỉnh dậy, dưới thân em toàn là máu, ngọn đèn dầu trên bàn thờ Phật cũng tắt từ lâu.

   Bà đỡ mang theo một cây kéo rỉ sét. Tiểu Dư cắn chặt môi mình, trong cơn đau dữ dội em thấy trên xà nhà có một bóng đen đang rắc tro lên người em. Khi đứa bé chào đời, một tia sét bổ xuống chiếc đèn lưu ly trước tượng Quan Âm, trên đất đầy mảnh vỡ phản chiếu gương mặt tím tái của đứa nhỏ. 

– Khóc như mèo con. - Bà đỡ bĩu môi:

– Sợ là sông không nổi.

  Tiểu Dư nhìn cuốn kinh Địa Tạng ướt nhẹp, máu loãng chảy dọc theo dòng chữ «Thượng báo tứ trọng ân», đông lại thành vệt máu đỏ sẫm ở mép kinh. Em đột nhiên bật cười, cười đến mức khiến những chú quạ trú mưa dưới hiên cũng phải giật mình bay đi.

  (Thượng báo tứ trọng ân: báo đáp, tri ân bốn ơn nghĩa, ơn cha mẹ, ơn tam bảo <Đức Phật, giáo lý, giáo pháp, người truyền giáo>, ơn quốc gia, ơn chúng sanh.)

Cười có gì để cười sao?

Em không biết, chỉ là muốn cười thôi.

  Viên Viên năm tuổi đã biết kiễng chân dâng nước sạch cho Phật. Hôm đó con em sờ vào cành liễu đang cắm trong bình tịnh thủy mạ vàng, nước bắn lên kinh Diệu Pháp Liên Hoa, làm nhòe đi bốn chữ «Như nhiễm hương nhân». Bà chủ tiệm nhang bảo con em có duyên với Phật nên nhét vào tay nó một viên kẹo mạch nha gói bằng giấy kinh.  

  (Như nhiễm hương nhân: chỉ người có thể thân cận với Phật.)

  Tiểu Dư thấy con gái cẩn thận gấp tờ giấy gói kẹo, nhét vào chiếc túi vải đeo sát người. Chiếc túi đó được cắt từ tấm lụa kinh màu vàng treo ở bàn thờ, trên đó vẫn còn sót lại nửa câu “Nam mô A Di Đà Phật.”

  Mồng tám tháng Chạp, Tiểu Dư bận rộn hấp bánh bao chay cho các hòa thượng đi phát cháo. Viên Viên nói muốn ra đầu phố xem người ta nấu cháo Lạp Bát. Lúc đi chiếc áo bông đỏ khoác lên người con bé tựa như một đốm lửa, tung ta tung tăng trong làn sương sớm. Nhưng khi về, hai bím tóc sừng dê của nó xõa tung, mặc ngược chiếc yếm thêu cá chép vàng, sau gáy còn dính một mảnh vảy cá lấp lánh.

  (Cháo Lạp Bát: thường nấu vào mùng 8 tháng Chạp âm lịch (ngày Lạp Bát), nguyên liệu chủ yếu là ngũ cốc và đậu đỗ: gạo nếp, kê, đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen, táo tàu…)

  – Kẹo ông bán cá cho con. - Viên Viên xòe tay ra, lòng bàn tay con bé có một viên kẹo mạch nha đã chảy, trên đấy còn dính thêm mấy hạt muối thô.

  Tiểu Dư đột nhiên nhớ lại năm mười lăm tuổi, khi cha em đếm tiền, ngón tay ông ta dính đầy nước bọt. Dưới ánh đèn dầu, mảnh vảy cá sáng lấp lánh. Gã bán cá là người thế nào, em hiểu rất rõ, nỗi sợ hãi từ sống lưng xộc lên, em điên cuồng rửa gáy cho Viên Viên, đến mức gáy nó đỏ ửng, trầy cả một mảnh da, còn vảy cá đã văng đi từ đời nào. 

  Trong nhà chỉ còn tiếng nức nở của trẻ con…

  Từ đó về sau, ngày nào em cũng sợ hãi, chỉ muốn con gái luôn nằm trong tầm mắt của để trông chừng. 

Sợ lâu rồi, cũng cầu xin.

  Đêm mưa bão, Tiểu Dư nhặt được một tràng hạt bằng đá thanh kim ở Phật đường.

  (Đá thanh kim (lapis lazuli): đã có màu xanh đậm vân vàng hoặc trắng.)

  Em định đặt nó lên đài sen, đột nhiên phát hiện trong khe lõm của hạt chuỗi có một vết máu đông đỏ sẫm. Lần theo dấu hạt chuỗi lăn xuống, em thấy một góc váy đỏ lộ ra từ đống cá muối ở góc kho – là chiếc váy may từ tấm lụa vàng trên bàn thờ.

  Khuôn mặt nhỏ nhắn của Viên Viên vùi trong đống cá, hai bím tóc sừng dê của con bé vẫn buộc sợi dây đỏ xin từ miếu Quan Âm. Khóe miệng nó rách toạc, kẽ móng tay dính đầy những mảnh vảy cá màu xanh đen, còn chiếc giày bông chắp vá đầy mảnh vải trên chân phải con bé chẳng biết rớt ở đâu.

  Lúc em ôm con gái lên, một mảnh vảy cá trượt xuống từ cổ áo nó, rơi xuống tấm lụa thêu chữ Chú Đại Bi. Dù trời không gió nhưng tấm lụa vẫn đung đưa, những chữ Phạn thêu chỉ vàng tự dưng rỉ máu, dần dần nhuộm đỏ cả tấm vải.

  Khi ngọn đèn vãng sanh trôi xa trên mặt sông, Tiểu Dư đâm chiếc mõ cá vào cổ họng gã bán cá. Máu phun lên rất cao, bắn lên tấm biển "Từ Hàng phổ độ" trên bàn thờ, nhuộm đỏ cả chuỗi ngọc của Bồ Tát. Khi quan sai đến, em đang quỳ trong vũng máu khâu chiếc áo mới cho con gái, những mảnh vải này đều xé từ trang đầu của kinh Phật.

  (Đèn vãng sanh: đèn cầu siêu cho người đã khuất.)

  (Từ Hàng phổ độ: một điển tích hoặc có thể là Từ Hàng Phổ độ thiên tôn— vị Quan Âm bồ tát bên đạo Phật. Còn có nghĩa là lòng từ bi của Phật, giải thoát khỏi khổ đau.)

    – Con bé này điên rồi. - Trấn trưởng lắc đầu. 

– Thấy thương quá.

   Tiểu Dư nhìn sợi xích sắt bên hông quan sai, đột nhiên nhớ lại tràng hạt đen kịt mà mẹ em nắm chặt trước khi mất. Giờ em đã hiểu, tràng hạt đen đó, giống như tro bụi ba năm trong tiệm quan tài, đều là tro tàn cả thôi. 

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip