Các phương pháp kế toán

I. Phương pháp chứng từ kế toán và tài khoản kế toán

     Phương pháp chứng từ kế toán là phương pháp kế toán phản ánh các hoạt động kinh tế tài chính phát sinh và hoàn thành theo thời gian và địa điểm phát sinh của chúng vào các bản chứng từ kế toán, phục vụ cho công tác kế toán và công tác quản lý.

     Hình thức biểu hiện của phương pháp chứng từ kế toán bao gồm hai (02) nội dung. Thứ nhất, một hệ thống chứng từ kế toán cần thiết để sao chụp toàn bộ nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh của từng đơn vị kế toán cụ thể.Thứ hai, chương trình luân chuyển chứng từ kế toán để phục vụ cho công tác kế toán và cho công tác quản lý của đơn vị kế toán.

    Phương pháp chứng từ kế toán hình thành do đặc tính đa dạng của đối tượng kế toán yêu cầu phải có sự sao chụp lại thông tin ban đầu các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và hoàn thành, làm cơ sở số liệu cho việc xử lý và hệ thống hóa thông tin kế toán. Sử dụng phương pháp chứng từ kê stoasn đảm bảo phản ánh các đối tượng kế toán theo quan điểm lịch sử của phép duy vật biện chứng.

    Phương pháp tài khoản kế toán là phương pháp kế toán được sử dụng để phân loại đối tượng kế toán một cách cụ thể, ghi chép, phản ánh một cách thường xuyên, liên tục và có hệ thống tình hình hiện có và sự vận động của từng đối tượng kế toán cụ thể đó.

    Hình thức biểu hiện của phương pháp tài khoản kế toán bao gồm hai (02) nội dung. Thứ nhất, tài khoản kế toán và một hệ thống tài khoản kế toán được sử dụng để phản ánh tình hình hiện có và sự biến động từng đối tượng kế toán cụ thể. Thứ hai, cách ghi chép trên tài khoản kế toán bao gồm cả cách ghi đơn và ghi kép.

    Phương pháp kế toán được xây dựng trên cở sở tính động và tính tĩnh của đối tượng kế toán, đồng thời phương pháp này phản ánh các đối tượng kế toán trong mối quan hệ biện chứng và theo quan điểm phát triển của phép duy vật biện chứng.

    Những cơ sở lý luận và ý nghĩa của bút toán kép sẽ được trình bày cụ thể trong quá trình nghiên cứu môn học.

II. Phương pháp tính giá

    Phương pháp tính giá là phương pháp kế toán sử dụng thước đo tiền tệ để xác định trị giá thực tế của đối tượng kế toán theo những nguyên tắc nhất định.

    Theo nghĩa rộng, đối tượng tính giá là toàn bộ đối tượng kế toán, bao gồm tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động. Theo nghĩa hẹp, đối tượng tính giá chỉ bao gồm tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

    Trong khoa học kế toán, nhiều loại giá khác nhau được sử dụng để xác định trị giá của đối tượng kế toán. Các loại giá đó bao gồm giá vốn thực tế, giá hợp lý, giá thị trường, giá thấp nhất giữa giá vốn thực tế và giá thị trường, giá trị hiện tại, giá trị có thể thu hồi được...Mỗi một loại giá khác nhau có những ưu điểm, nhược điểm nhất định đối với những đặc tính của thông tin kế toán. Hơn nữa, sự ảnh hưởng của nó đến các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính cũng không giống nhau, việc lựa chọn loại giá nào để tính giá các đối tượng kế toán phụ thuộc vào điều kiện từng quốc gia cụ thể trong từng thời kỳ cụ thể.

    Phương pháp tính đối với tài sản giá gắn liền với nguyên tắc thận trọng trong kế toán. Sự biểu hiện của nguyên tắc thận trọng rất đa dạng, tùy thuộc vào từng loại tài sản cụ thể.

III. Phương pháp tổng hợp cân đối

    Phương pháp tổng hợp cân đối là phương pháp kế toán được sử dụng để tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán theonhững quan hệ cân đối vốn có của các đối tượng kế toán nhằm cung cấp các chỉ tiêu kinh tế tài chính cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán, phục vụ công tác quản lý các hoạt động của đơn vị.

    Biểu hiện của phương pháp tổng hợp cân đối kế toán là hệ thống các bảng tổng hợp cân đối kế toán và hệ thống bảng tổng hợp cân đối bộ phận.

    Những bảng tổng hợp cân đối kế toán tổng thể bao gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, báo cáo vốn chủ sở hữu. Thuyết minh báo cáo tài chính giải thích rõ các chỉ tiêu trình bày trên các báo cáo tài chính và chính sách kế toán sử dụng để lập các chỉ tiêu đó, không thể hiện được mối quan hệ cân đối của các đối tượng kế toán. Do đó, thuyết minh báo cáo tài chính không phải là biểu hiện của phương pháp tổng hợp cân đối kế toán.

    Đối với Bảng cân đối kế toán, dựa trên mối quan hệ cân đối tổng thể giữa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu để lập. Bảng cân đối kế toán có thể được lập trên cơ sở số liệu từ sổ sách kế toán, báo cáo này cũng có thể được lập dựa theo kết quả kiểm kê. Trình tự xắp xếp các chỉ tiêu và mẫu Bảng cân đối kế toán rất đa dạng và phong phú. Thực tế, bàng cân đối kế toán ngày nay được lập trên cơ sở kết hợp cả hai (02) phương pháp nêu trên.

    Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh được lập giữa trên cơ sở mối quan hệ tổng thể giữa thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động. Mẫu Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đa dạng, nhưng phải trình bày cả chỉ tiêu thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động.

    Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập dựa trên mối quan hệ cân đối của tiền và mối quan hệ cân đối giữa tiền và những đối tượng kế toán khác. Nếu căn cứ vào mối quan hệ cân đối của bản thân tiền thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp trực tiếp, nếu căn cứ mối quan hệ cân đối giữa tiền và những đối tượng kế toán khác thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp trực tiếp. Cho dù lập theo phương pháp nào thì kết quả dòng tiền thuần trong một thời kỳ vẫn ngang bằng nhau.

    Báo cáo vốn chủ sở hữu được lập dựa trên mối quan hệ cân đối của bản thân vốn chủ sở hữu.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: