Cách kiểm tra đĩa cứng và chọn mua ổ cứng ?

a. Windows Disk Checking: CHKDSK

Tiện ích này được tích hợp trong Windows XP và hỗ trợ đồng thời hai chế độ kiếm tra nhanh và quét bề mặt chi tiết. Bạn khởi động nó bằng cách mở My Computer và nhấn chuột phải lên ổ đĩa muốn kiểm tra rồi chọn Properties. Sau đó chuyển sang tab Tools và nhấn Check Now.

Cách tốt nhất để sử dụng công cụ này là từ dấu nhắc Command Prompt vì cho bản báo cáo lỗi chi tiết hơn. Bạn mở Start > Run rồi gõ vào cmd và nhấn Enter. Tiếp đó gõ "chkdsk /v" kèm theo tên ổ đĩa muốn quét. Nhấn Enter. Quá trình quét lỗi nhanh sẽ diễn ra trong nháy mắt. Để quét bề mặt chi tiết, bạn thay khóa /v bằng /r. Chú ý chế độ này có thể sẽ yêu cầu máy tính phải khởi động lại.

Sau khi quá trình quét hoàn tất, bạn xem bản báo cáo chi tiết bằng cách nhấn chuột phải vào My Computer, chọn Manage và mở Event Viewer\Applications. Bạn tìm những đối tượng mới nhất trong danh sách và nhấn đúp vào đó để mở bản báo cáo chi tiết về các tác vụ mà Chkdsk đã thực hiện cũng như số Bad Sector được phát hiện (nếu có).

Nhìn chung, Chkdsk là ứng dụng khá toàn diện để kiếm tra đĩa cứng, có rất nhiều ứng dụng kiểm tra đĩa cứng cũng tận dụng cơ chế Chkdsk dưới một lớp giao diện khác để "đánh lừa" người dùng.

b. Tiện ích của nhà sản xuất

Hầu hết các đại gia trong làng đĩa cứng như Maxtor, Seagate đều cung cấp cho khách hàng một số công cụ kiểm tra. Những phần mềm này có hai ưu điểm chính là rất hiệu quả và dễ dùng. Một số ví dụ điển hình như Maxtor PowerMax, Seagate Seatools, Western Digital Data LifeGuard Diagnostics.

Thông thường nếu bạn phát hiện ổ đĩa của mình có vấn đề và liên lạc với nhà sản xuất, họ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra bằng ứng dụng tương ứng do họ phát hành trước rồi sau đó mới tiến hành các chế độ bảo hành theo quy định. Hầu hết các tiện ích này đều yêu cầu cài đặt lên đĩa mềm hoặc đĩa CD có khả năng khởi động. Trong số chúng, chỉ có Data Life là cho phép kiểm tra đĩa cứng của hãng khác, ngoài ra nó cũng dễ dùng và hỗ trợ đủ cả soát lỗi, quét bề mặt và lấy thông tin SMART. Cách sử dụng chương trình như sau:

Trước tiên, bạn tải nó về từ http://support.wdc.com/download/index.asp#diagutils, sau đó cài và chạy chương trình.

Màn hình chính sẽ hiện đầy đủ thông số của các ổ đĩa vậy lý lẫn luận lý có trên hệ thống của bạn. Để tiến hành phép thử, bạn chỉ cần nhấn đúp chuột trái vào một ổ đĩa để mở menu chức năng. Trong menu này, mục Quick Test sẽ tiến hành soát lỗi đơn thuần, Extended Test sẽ rà soát bề mặt đĩa và Write Zeros sẽ nhanh chóng dọn sạch nội dung ổ đĩa. Nhấn đúp vào Smart Status ở phía phải cửa sổ chính, bạn sẽ nhận được bản báo cáo chi tiết các giá trị SMART.

c. Phần mềm khác

Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng xem xét DiskCheckup (http://www.passmark.com/ products/diskcheckup.htm), một công cụ miễn phí với chức năng quản lý thông tin SMART do nhà sản xuất Passmark Software thực hiện. Nó giao tiếp với từng ổ đĩa và lấy thông tin khá nhanh chóng. Giao diện của chương trình rất đơn giản và dễ sử dụng ngay cả với người dùng lần đầu.

Sau khi tải về, bạn chỉ cần chạy file exe, chỉ định đĩa cứng cần kiểm tra từ menu thả xuống và nhấn Get Info là xong.

Tiếp theo là ActiveSmart của Ariolic: http://www.ariolic.com/. Về cơ bản tính năng của tiện ích này giống DiskCheckup nhưng có nhiều ưu điểm hơn, ví dụ chia các giá trị theo chỉ mục (category) và lập biểu đồ so sánh chi tiết. Sau khi bạn khởi động chương trình, danh sách đĩa cứng sẽ xuất hiện, bạn chỉ cần nhấn đúp chuột vào đĩa muốn kiểm tra là bản báo cáo chi tiết sẽ hiện ra. Độ chênh lệch giữa các cột biểu đồ sẽ cho bạn biết hiện trạng nhanh hơn nhiều so với việc so sánh các con số.

Active Smart sẽ liên tục ra lệnh lấy thông tin với một chu kì cố định và cảnh báo khi có một giá trị thay đổi đột ngột. Nhờ vậy bạn có thể theo dõi sức khỏe ổ đĩa theo thời gian thực (real-time). Chu kỳ yêu cầu thông tin có thể được thiết lập trong bảng tùy chọn Preferences của chương trình. Có nhiều chọn lựa chế độ quét, và mặc định Active Smart sẽ quét đĩa cứng lúc Windows nạp xong và lặp lại theo chu kì 1 giờ. Việc lấy thông tin diễn ra rất nhanh và hầu như không sử dụng tài nguyên hệ thống. Khác với DiskCheckup, ActiveSmart là phần mềm thương mại và chỉ cho dùng thử 21 ngày. Mặc dù tính năng cơ bản của cả hai giống nhau nhưng việc sử dụng ActiveSmart có nhiều tiện lợi hơn.

Một tiện ích khác là HD WorkBench của DIY Data Recovery (http://www.diydatarecovery.nl/). Phần mềm thương mại này cũng có thời gian dùng thử miễn phí và được trang bị đầy đủ các tính năng soát lỗi cần thiết.

Cuối cùng là Norton Utilities cực kì thông dụng của Symantec với gói công cụ Norton Disk Doctor truyền thống. Về cơ bản, NDD sử dụng cơ chế quét tích hợp Chkdsk của Windows, tuy nhiên nó cho những bản báo cáo chi tiết hơn rất nhiều cũng như đưa ra nhiều giải pháp khắc phục lỗi hiệu quả hơn.

-CHỌN MUA ĐĨA CỨNG

Vấn đề lưu trữ hiện nay khá đơn giản do giá ổ cứng đã giảm đáng kể và giá GB/USD thấp hơn bao giờ hết. Thực tế, không có định mức nào cho dung lượng đĩa cứng, bạn cần bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, điều đáng quan tâm là tốc độ (thường là 7200rpm), giao tiếp (SATA-2) và chế độ bảo hành từ nhà sản xuất. Nếu cần dung lượng lớn, bạn có thể xem xét một vài sản phẩm trên 250GB như Caviar SE16 320GB của Western Digital và Seagate Barracuda 7200.10 320GB. Hai sản phẩm này cạnh tranh quyết liệt trong các phép thử nghiệm cũng như nhận xét của người dùng. Seagate có vẻ tốt hơn trong các ứng dụng đa phương tiện, trong khi Western Digital lại vượt lên khi hệ thống thực hiện tác vụ xử lý đa nhiệm. Mặc dù vậy, thực tế sử dụng sẽ không khác biệt nhiều. Bạn cũng có thể xem xét những model dung lượng từ 400GB trở lên nếu thường xuyên lưu phim ảnh, hay là một tín đồ trung thành của BitTorrent vì số tiền phải chi thêm cho mức dung lượng tăng cường chắc chắn không nhiều như mua thêm ổ mới. Dĩ nhiên, không cần thiết phải có tới 2 ổ cứng trong cùng một máy tính, nhưng nếu lắp như thế bạn có thể tận dụng được ưu thế tốc độ hoặc tính an toàn dữ liệu của RAID-0 hoặc RAID-1. Ngay cả khi không muốn sử dụng RAID, hiệu năng cũng có thể được cải thiện trong Windows bằng cách đặt các file tráo đổi cũng như ứng dụng sang ổ đĩa cứng thứ hai. Một số nhà sản xuất có phát triển các loại ổ đĩa tốc độ cực cao như Western Digital với dòng Raptor, tuy nhiên điểm yếu của các ổ loại này là dung lượng khá nhỏ và giá thành cao.

Một vấn đề khác cần phải đặc biệt chú ý là nhiệt độ của đĩa cứng, tránh để nhiệt độ lên quá cao. Bạn nên dùng một số phần mềm chuyên dụng theo dõi như SpeedFan (www.almico.com) hay Motherboard Monitor 5. Nếu muốn đảm bảo các thông số chính xác tuyệt đối, bạn có thể tham khảo thêm những giải pháp phần cứng của một số nhà sản xuất thứ 3 như CoolerMaster Aerogate II hay CoolDrive 6 (www.fastest.com.vn).

Tạm thời, những lựa chọn SSD và Hybrid chưa có nhiều - SSD còn quá đắt (khoảng 350USD cho loại 32GB), Hybrid mới chỉ có trên máy tính xách tay đời mới đắt tiền, người dùng Desktop vẫn nên trung thành với các loại ổ đĩa truyền thống kết hợp với USB Flash vì dễ dàng hơn cho việc nâng cấp cũng như bảo trì. Nhìn chung, không có một công thức cụ thể cho việc lựa chọn ổ cứng đặc biệt là trên hệ máy tính để bàn cá nhân. Bạn nên tự đánh giá dựa trên nhu cầu cá nhân và chọn mức dung lượng cũng như kiểu cấu hình phù hợp với nền tảng phần cứng mà mình đang sở hữu.

-MỘT SỐ CHỈ SỐ QUAN TRỌNG

-Số hoạt động truy xuất mỗi giây (Number of I/O operations per second): Các loại ổ đĩa hiện đại có thể thực hiện khoảng 50 Random Access (truy cập ngẫu nhiên) hoặc 100 Sequential Access (truy cập liên tục) mỗi giây.

-Năng lượng tiêu thụ (Power Consumption): Mặc dù người dùng bình thường hầu như ít khi quan tâm tới vấn đề này, tuy nhiên nó rất quan trọng trong các hệ máy tính cao cấp với số lượng lớn đĩa cứng (có thể lên tới hàng chục đĩa trên mỗi máy hoặc hàng trăm trong toàn hệ thống). Hơn thế nữa, chỉ số này còn rất quan trọng đối với thiết bị di động dùng pin. Chỉ số này càng thấp thì càng tiết kiệm điện, sử dụng pin lâu hơn.

-Độ ồn: Bên trong đĩa cứng có trục quay và đầu từ là các thành phần cơ học chuyển động, do đó khi vận hành sẽ phát ra tiếng động. Đơn ví tính là bel hoặc decibel, chỉ số này càng thấp thì càng tốt.

-Định mức G-Shock: Chỉ số càng cao thể hiện độ bền của ổ trước các chấn động vật lý càng tốt.

-Tốc độ truyền dữ liệu (Transfer Rate): Chỉ số trung bình lượng dữ liệu mà ổ cứng có thể truyền mỗi giây (thường tính bằng MB).

-Thời gian truy cập ngẫu nhiên (Random Access Time): Khoảng thời gian trung bình để đĩa cứng tìm kiếm một đối tượng dữ liệu ngẫu nhiên (ổ cứng hiện tại thường có chỉ số này trong khoảng 5-15ms).

-Bộ đệm dữ liệu (Cache): Nơi sẽ lưu tạm những dữ liệu quan trọng cho đĩa cứng khi hoạt động để tăng tốc độ truy xuất. Bộ đệm càng lớn thì tốc độ truy xuất dữ liệu càng cao.

-Thời gian tìm kiếm (seek time): Đây là một trong vài yếu tố trễ trong quá trình đọc ghi dữ liệu trên ổ đĩa máy tính nói chung và đĩa cứng nói riêng. Để có thể đọc được dữ liệu, đầu từ phải chuyển đến đúng vị trí, quy trình này gọi là seeking và thời gian cần thiết để đầu từ tới được đó gọi là seek time. Do giá trị này phụ thuộc nhiều vào vị trí xuất phát của đầu từ nên thường người ta chỉ tính giá trị trung bình. Một ổ cứng tầm trung có seek time vào khoảng 8ms, ổ cao cấp có thể đạt tới 4ms.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: #thằng