"Câu chuyện Xô-viết" - Sự dối trá có hệ thống
"Câu chuyện Xô-viết" - Sự dối trá có hệ thống
Tác giả: Alexander Dukov - Moskva 2008.
Người dịch: tolai_nd
http://www.lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=25937
Tác giả gửi lời cảm ơn trân trọng đến Daria Gorchakova, Alexey Pamiatnykh, Kirill Prokhorov
và Alexander Filippov vì các tài liệu để soạn thảo nên bài viết này.
Giới thiệu
Thế giới của chúng ta không hoàn hảo. Mỗi gia đình đều có một bộ xương trong tủ quần áo(thành ngữ, để chỉ những bí mật bị giấu kín), trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào đều có những trang đen tối và mập mờ, đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn thận bởi các nhà sử học chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các chính trị gia thường rất thích can thiệp vào lịch sử. Họ không quan tâm đến sự thật, thành ra, họ cần sự gièm pha và những luận điệu mang tính "lịch sử" để biện minh cho các hoạt động bất chính của họ. Các chính trị gia không quan tâm đến sự thật lịch sử - họ cần những người ủng hộ có thể sản xuất ra những lớp ngụy trang đẹp đẽ với danh nghĩa "sự thật".
Bộ phim "The Soviet Story", được tích cực hỗ trợ bởi nhà cầm quyền của Latvia, là một minh chứng hùng hồn cho sự tuyên truyền lừa đảo. Khán giả được hứa hẹn sẽ thấy những sự thật về "tội ác của chế độ cộng sản", nhưng thực sự mọi người chỉ được thấy một chương trình bịa đặt, được làm phong phú với số lượng lớn những tư liệu giả mạo và bị nhào nặn thông qua các thước phim, hình ảnh cùng thói đạo đức giả thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Toan tính của các chính trị gia Latvia thật dễ hiểu: những người dân châu Âu điển hình với rất ít hiểu biết về lịch sử nước Nga xa xôi sẽ chẳng bao giờ để ý đến những chi tiết sai trong phim và các sử gia chuyên nghiệp thường tránh né những sự tuyên truyền có chủ ý. Nếu bạn nghe thấy bất cứ một lời chỉ trích nào, lập tức nó sẽ được quy kết là "theo sự chỉ đạo từ Kremlin".
Bài viết mà các bạn đang đọc, nếu ở Latvia có thể sẽ được gọi là "sự tuyên truyền của Kremlin". Nhưng trên thực tế nó đã được soạn thảo và xuất bản mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính phủ, chỉ có những người dân Nga bình thường tình nguyện đóng góp. (bản thân tôi-người dịch-cũng chỉ là một sinh viên bình thường ở Việt Nam, muốn phổ biến một tài liệu phản biện lại những sự đầu độc thông tin đang lặp đi lặp lại hàng ngày hàng giờ trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet).
Chúng tôi không phủ nhận, và không có ý định phủ nhận những vụ đàn áp chính trị ở Liên Xô, hay những trang đen tối trong lịch sử đất nước này. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chấp nhận những điều bịa đặt trắng trợn trong bộ phim "The Soviet Story", bởi vì các chính trị gia Latvian cố tình lợi dụng nó để khơi dậy hận thù với đất nước của chúng tôi.Các nhà chức trách Latvia đã chơi một trò chơi nguy hiểm khi làm sai lệch lịch sử một cách công khai. Họ nghĩ rằng đó là ý tưởng hay khi làm tổn thương tâm hồn trẻ em Latvia với hình ảnh những núi xác chết và đổ vấy trách nhiệm cho Liên Xô. Khi trẻ em lớn lên, chúng sẽ căm ghét đất nước của chúng tôi. Nhưng hận thù chỉ có thể được đáp lại bằng thù hận mà thôi.
Việc làm rõ lịch sử có tác dụng định hướng cho tương lai, đó là lý do tại sao phải chiến đấu hết mình để chống lại những luận điệu tuyên truyền lừa đảo.
1.Dàn dựng và quảng bá bộ phim
"The Soviet Story" được dàn dựng bởi đạo diễn người Latvia - Edvins Snore, sản xuất bởi Kristaps Valdnieks và được tài trợ bởi Union for Europe of the Nations (UEN group – một nhóm chính trị trong Nghị viện Châu Âu). Kinh phí thực hiện bộ phim được đề nghị bởi các đại biểu nghị viện châu Âu người Latvia là Girts Valdis Kristovskis và Inese Vaidere. Ban đầu, đại diện UEN lo ngại rằng trong hoàn cảnh hiện nay, về lâu dài, bộ phim có thể hướng đến việc chống lại quốc gia kế thừa Liên Xô, là Nga. Đoàn làm phim đã đảm bảo rằng, mục đích của họ chỉ là cung cấp cho người dân Tây Âu những sự thật lịch sử.
Theo tác giả, nội dung của bộ phim nhấn mạnh vào "những điểm chính" của lịch sử Liên Xô bao gồm:
- Nạn đói “nhân tạo” xảy ra ở Ukraine vào năm 1932-1933, hay còn gọi là Holodomor
- Các vụ giết hại sĩ quan Ba Lan tại Katyn năm 1940
- Sự hợp tác giữa SS và Cheka (NKVD)
- Sự trục xuất hàng loạt và tiến hành các thí nghiệm y khoa trên các tù nhân Gulag.
Ngoài ra, trang web chính thức của “The Soviet Story” tuyên bố rằng bộ phim dựa trên "các tài liệu được giải mật gần đây", đưa ra ánh sáng một thực tế về sự hỗ trợ của Liên Xô cho Đức quốc xã trong những vụ diệt chủng.
Buổi công chiếu ra mắt phim được tổ chức tại Nghị viện châu Âu vào ngày 9 tháng 4, 2008. Kèm theo đó là một chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các đại biểu Latvia. "Tôi tin rằng, "Câu chuyện Xô-viết" sẽ là một bước ngoặt trong sự hiểu biết về lịch sử châu Âu, đạo diễn Edvins Snore đã tìm thấy một góc nhìn mới, ở trình độ cao hơn về các sự kiện trong quá khứ." - bà Inese Vaidere phát biểu. Đến lượt mình, ông Valdis Kristovskis cho rằng bộ phim là một nỗ lực ban đầu để "đánh thức sự quan tâm của công chúng", và "Công trình này phải được tiếp tục. Vì mục đích an ninh và hòa giải trong tương lai của châu Âu, phải tiến hành những cuộc đối thoại trung thực về các thể chế độc tài toàn trị".
Mặc cho những tuyên bố hùng hồn như vậy, buổi công chiếu ra mắt không được ăn khách cho lắm. Chỉ có chín đại biểu Latvia, hai Lithuania, hai Ba Lan và một người Anh đến dự, nhiều vị khách Latvia được mời đến để lấp đầy chỗ trống. Vài hôm sau, đoàn làm phim hứa hẹn rằng các bản sao của bộ phim sẽ được phân phát đến từng thành viên Nghị Viện. (từ giờ mình sẽ viết tắt cụm từ này là MEP - Member of European Parliament)
Bộ phim ngay lập tức nhận được những lời chỉ trích. MEP Tatyana Zhdanok đã mô tả "Câu chuyện Xô-viết" như một sản phẩm tuyên truyền thủ công và "nó cố gắng để qua mặt tất cả như một từ mới trong lịch sử". Các nhà sử học Nga thu hút sự chú ý đến một loạt tài liệu giả mạo được sử dụng trong bộ phim. Hội liên hiệp cộng đồng Do Thái ở Nga tỏ ra ngạc nhiên trước tuyên bố "Liên Xô đã kích động Holocaust" (Holocaust: cuộc diệt chủng người Do Thái, tiến hành bởi Đức quốc xã). Trưởng phòng quan hệ công chúng của họ cho rằng đó là một nỗ lực để đổ lỗi cho người khác của kẻ thủ phạm thực sự - lính lê dương SS (bao gồm những kẻ đến từ vùng Baltic, trong đó có Latvia).
Buổi công chiếu ở Latvia được tổ chức vào đầu tháng Năm cùng với sự quảng bá rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và những bài thuyết trình của các chính trị gia và báo chí. Đáng chú ý là, sự kiện này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng Đức Quốc xã với khẩu hiệu "Chiến thắng vĩ đại của những kẻ giết người hàng loạt!" trên các poster chính thức.
"Câu chuyện Xô-viết" đã nhận được sự hỗ trợ chính thức từ nhà cầm quyền Latvia. Tổng thống Valdis Zalters đã đến dự buổi công chiếu, bộ trưởng Tư pháp Gaidis Berzins đề nghị chiếu phim tại các trường học, và bộ trưởng Ngoại giao Maris Riekstins cho biết: "Latvia phải đảm bảo rằng "câu chuyện Xô-viết" đến được với mọi khán giả trên thế giới". Đến lượt đạo diễn Edvins Snore, ông đã viết thư cho bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Tatjana Koke, yêu cầu hỗ trợ việc chiếu phim cho tất cả học sinh ở Latvia.
Đề nghị của Berzinsh và Snore được thực hiện một cách nhanh chóng. Ngày 29 tháng năm, "Câu chuyện Xô-viết" được chiếu miễn phí cho học sinh trường trung học Riga số 45. Tờ báo Latvia "Neatkarīga rita avīze" chú thích rằng nhiều học sinh đã bị sốc, một số em rời khỏi rạp chiếu phim trong nước mắt. Ý tưởng cho học sinh xem bộ phim tuyên truyền này được ủng hộ ở Estonia. Bộ trưởng Giáo dục Estonia Tynis Lukas gọi đây là bộ phim gây sốc cho trẻ em, nhưng "chính xác". Theo ông Lukas, Estonia cũng nên làm cho mình những tài liệu lịch sử về đề tài này, đó sẽ là sách giáo khoa, bao gồm cả tiếng Nga.
Ngày 10 tháng 6 bắt đầu tuần lễ chiếu phim miễn tại "Bảo tàng xâm lược Latvia" ở Riga. 17 tháng 6, "Câu chuyện Xô-viết" được đăng tải trên kênh truyền hình quốc gia Latvia - LTV. Theo giới truyền thông Latvia, bộ phim đã thu hút sự chú ý của khán giả: có 11%, nghĩa là khoảng 250.000 người từ 4 tuổi trở lên đã xem. Nên chú ý rằng, buổi ra mắt bộ phim được mở màn bằng một cuộc thảo luận ngắn gọn của các sử gia, trong khi đó cố vấn của tổng thống Latvia - giáo sư Antonijs Zunda đưa ra đánh giá tích cực về bộ phim. Sau đó Visvaldis Latsis - đại biểu quốc hội Latvia (Seim) và cũng từng là lính lê dương SS - đề xuất việc trao Huân chương Ba Sao - giải thưởng nhà nước cao quý nhất - cho đạo diễn Edvins Snore. Janis Birzko, một giáo viên dạy nhạc, thậm chí còn vô lý hơn khi đề cử giải Nobel cho vị đạo diễn này.
Nói chung, Latvia đã không thể giấu giếm một thực tế rằng bộ phim "Câu chuyện Xô-viết" chỉ là sản phẩm tuyên truyền, và có rất ít việc để làm với các tài liệu. Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Ivars Ijabs thừa nhận một cách chính xác và đầy hoài nghi:
"Sau những buổi trình chiếu ở Latvia, có rất nhiều điều đáng nói về "tính khách quan lịch sử" của bộ phim. Tôi sẽ không đánh giá bộ phim theo cách này ... đó chỉ là phim tuyên truyền chứ không phải khoa học. Nó là một hệ thống văn hóa khác, bằng cách sử dụng những biểu tượng nổi bật, hình ảnh sống động, cố tình giải thích mọi thứ theo cách quá đơn giản và dễ hiểu. Các bộ phim như vậy có ý nghĩa về mặt xã hội hơn là khoa học - lĩnh vực mang tính trung lập và chú ý đến từng chi tiết. Bạn không cần phải là một nhà sử học mới hiểu rằng bộ phim có khá nhiều điểm vô lý theo quan điểm lịch sử. Công tác tư tưởng đã được thực hiện với sự tôn trọng, do đó, hoàn toàn không cần thiết phải đánh giá về "tính khách quan lịch sử" của bộ phim. Tôi hy vọng rằng ở phương Tây, bộ phim sẽ có đông khán giả".
2.Những tài liệu giả mạo
Giả mạo tài liệu luôn luôn là một công cụ quan trọng cho những cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng. "Di chúc của Peter đại đế" đã được phương Tây và báo chí chính trị bịa ra để tuyên truyền chống lại nước Nga từ thời Napoleon cho đến thế kỷ XX. Năm 1924, vụ làm giả "bức thư của Zinoviev" đã gây ra cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao Liên Xô-Anh, và với số lượng lớn tài liệu giả được thực hiện bởi bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai, nó cần phải được xác định chắc chắn.
Trong phim "Câu chuyện Xô-viết" đã sử dụng một loạt các văn bản giả và tài liệu minh họa sai một cách cố ý. Chúng đã có một lịch sử tồn tại khá dài và tính thiếu xác thực từ lâu đã được chứng minh mà không hề có sự nghi ngờ từ phía các sử gia chuyên nghiệp.
2.1. "Hiệp định chung giữa NKVD và Gestapo"
Văn bản giả mạo với tiêu đề dài dòng ""Thỏa thuận về hợp tác, tương trợ lẫn nhau, tham gia hoạt động chung giữa Cục Quản Lý An Ninh Nhà Nước của Dân Ủy Nội Vụ Liên Xô (NKVD) và Cục Quản Lý An Ninh của Đảng Công Nhân Quốc Gia Xã Hội Chủ Nghĩa Đức (Gestapo)" đóng vai trò quan trọng trong bộ phim "Câu chuyện Xô-viết". Như chúng tôi đã nhắc đến, trang web chính thức của bộ phim hứa hẹn rằng trên cơ sở những "tài liệu mới giải mật" sẽ vạch trần sự trợ giúp của Liên Xô cho Đức Quốc Xã trong những vụ diệt chủng. Tuy nhiên, thay vì những tài liệu lưu trữ, khán giả chỉ được thấy những thứ hàng giả vô giá trị.
"Hiệp định chung" xuất hiện lần đầu vào năm 1999 trên tờ báo theo chủ nghĩa bài Do Thái "Pamyat" xuất bản tại Moscow. "Tài liệu" nói về cuộc chiến chung của NKVD và Gestapo chống lại "mối đe dọa Do Thái" vốn đã được phổ biến trong cộng đồng những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Nga và đã được sao chép một vài phần trong "Generalissimus ", một cuốn sách của Vladimir Karpov. Ngày nay, nó cũng được lan truyền rộng rãi trên mạng Internet của Nga.
"Hiệp định chung" là một sự bịa đặt không thể chối cãi. Theo ghi chú về nơi được cho là đã tìm thấy, tài liệu này được cất giữ trong kho lưu trữ số 13 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô. Tuy nhiên, trong kho lưu trữ số 13 (hiện nay là Cục Lưu Trữ Nhà Nước Nga Về Lịch Sử Đương Đại) chỉ chứa các tài liệu của Văn Phòng Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Liên Xô liên quan đến nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô-viết Liên Bang Nga trong khoảng thời gian 1956-1966, không hề liên quan đến NKVD (NKVD đã bị giải thể từ 1954). Nghĩa là chẳng có "hiệp định" nào từng được lưu trữ ở đó.
Nội dung "hiệp định" cũng là một bằng chứng khác về sự bịp bợm. Nó được cho là ký kết vào ngày 11 Tháng 11 năm 1938 bởi "Lữ đoàn trưởng SS G. Müller, người đứng đầu Cục IV (Gestapo) của Tổng Cục An Ninh Đức Quốc Xã". Tuy nhiên, Gestapo cho tới ngày 27 tháng 9 năm 1939 mới trở thành Cục IV với sự lãnh đạo của G. Müller khi RSHA (Tổng Cục An Ninh Đế Chế Đức) được thành lập. Như vậy là "hiệp định" này được ký thay mặt cho một cơ quan không tồn tại vào thời điểm đó.
Những điều kỳ lạ của "tài liệu" này không kết thúc ở đó. Tháng 11 năm 1938, Heinrich Müller (biệt danh "Gestapo" Müller - G. Müller chỉ có sau khi Müller lãnh đạo Gestapo) đang ở cấp bậc Standartenführer SS (tương đương trung đoàn trưởng), chứ không phải Brigadeführer SS (lữ đoàn trưởng). Và ông cũng chẳng đứng đầu Gestapo, mà là trợ lý giám đốc chi cục II-1A của Cục Cảnh Sát An Ninh Trung Ương và Cục Tình Báo. Hơn nữa, ngày 11 Tháng 11 năm 1938, Müller không có mặt ở Moscow như đã đề cập rõ ràng trong "hiệp định" mà đang ở Berlin, tổng hợp kết quả vụ "Kristallnacht" (một loạt vụ tàn sát người Do Thái đầu tháng 11 năm 1938). Điều đó chỉ ra rằng "hiệp định" thay mặt cho một tổ chức không tồn tại và được ký bởi một người đang ở cách xa đó hàng trăm dặm. Nhân tiện, ông ta cũng quên luôn cả chức vụ lẫn cấp bậc của mình.
Nhưng đó không phải là tất cả. Trong "hiệp định" ghi rõ Müller đã ký trên cơ sở giấy ủy quyền số I 448/12-1 ngày 3 tháng 11 năm 1938, cấp bởi Reinhard Heidrich, SS-Reichsführer, tổng cục trưởng RSHA. Bản dịch tiếng Nga của "hiệp định" được chứng nhận bởi Mamulov, trưởng ban thư ký NKVD. Tuy nhiên, phải đến tận ngày 3 tháng 1 năm 1939, ông Mamulov mới được bổ nhiệm vào vị trí này. Có thể thấy, tài liệu này đã được làm giả một cách thô thiển. Không mấy ngạc nhiên khi nó ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía các phương tiện thông tin đại chúng Nga sau khi được in lại một phần trong cuốn sách "Generalissimus" của G.Karpov. Những lời chỉ trích này đã được xem xét một cách chu đáo trong lần sau, tiếp tục bịa ra một phiên bản đã sửa đổi của "hiệp định".
Bản "hiệp định" mới được đưa ra vởi Sergei Kanev, nhà báo chuyên về tin hình sự của kênh truyền hình Nga NTV. Kanev khẳng định "đó là tài liệu xác thực, được lấy từ kho lưu trữ cá nhân của cựu Bộ Trưởng Nội Vụ Liên Xô L. Beria". So với bài báo đăng trên "Pamyat", phiên bản mới của "hiệp định chung" đã khác biệt đáng kể. Chức vụ của Müller đã được sửa lại - nghe có vẻ giống như "đại diện của tổng cục trưởng an ninh Đức." Còn cấp bậc từ "SS-Brigadeführer" được sửa thành "SS-Standartenführer" cho đúng.Văn bản "hiệp định chung" cũng được sửa đổi, có thêm dấu sáp niêm phong và "ghi chú cá nhân của Beria". Tuy nhiên, một số bằng chứng gian lận vẫn còn đó, ví dụ, trong phiên bản mới của "hiệp định chung" Mamulov vẫn là "Trưởng Ban Thư ký NKVD". Câu hỏi: làm thế nào chỉ trong ngày 11 tháng 11 năm 1938 Müller lại có thể vừa ở Berlin, vừa ký vào "hiệp định chung" ở Moscow? đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Sergey Kanev chấp nhận "hiệp định chung" là một tài liệu xác thực và đưa nó vào bộ phim tài liệu "NKVD và Gestapo: một cuộc hôn nhân lợi dụng" chiếu trên kênh NTV năm 2004. Bốn năm sau, những đoạn phim quay lén của Kanev được các tác giả của "Câu chuyện Xô viết" sử dụng như là bằng chứng về việc Liên Xô tham gia kích động Holocaust.
2.2.Những bức ảnh "các nạn nhân của chủ nghĩa Bolshevik" trong cuốn sách "The Year of Horror"
"Câu chuyện Xô-viết" đặt trọng tâm vào một số lượng lớn hình ảnh những xác chết bị cắt xẻo của "nạn nhân chủ nghĩa Bolshevik" được xuất bản bởi hệ thống tuyên truyền Đức Quốc xã vào năm 1941, bao gồm cả hình ảnh từ bộ phim tuyên truyền "The Red Mist" phát hành cùng năm đó. Người ta chiếu cận cảnh các xác chết không còn nguyên vẹn trong phim "The Red Mist", xen kẽ với những cảnh duyệt binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm 60 năm Chiến Thắng Vĩ Đại trên Quảng Trường Đỏ. Những "tài liệu bằng chứng" này trở nên cực kỳ phổ biến ở Latvia ngày nay. Cuốn sách bài Do Thái công khai "The Year of Horror" được tái bản vào năm 1997, và những hình ảnh từ cuốn sách này được đăng tải lên Internet. Tuy nhiên, chẳng mấy ai để ý rằng những hình ảnh này thực sự chứng nhận tội ác của những người Latvia theo chủ nghĩa dân tộc đã hợp tác với Gestapo.
Những điều này chỉ được biết đến vào năm 2006, khi "Latvia dưới ách thống trị của Phát Xít", một bộ sưu tập các tài liệu được xuất bản ở Moscow. Bao gồm những biên bản ghi nhớ của NKGB ở cơ quan lưu trữ trung ương FSB, trước đây chưa hề được công bố, chỉ rõ Gestapo đã giả mạo những bằng chứng về "sự tàn bạo của Bolshevik" ở Latvia.
Năm 1941, sau khi chiếm Latvia, quân Đức thành lập cái gọi là "Trung tâm tổ chức" ở vùng núi Riga, vào cuối tháng 7 năm 1941 được đổi tên thành "Direktoriya" (chính quyền, cơ quan quản lý). Theo lệnh Gestapo, chủ tịch Trung tâm, Krepshmanis (đã chạy trốn cùng với người Đức) thành lập "Ủy ban điều tra sự tàn bạo của những người Bolshevik ở Latvia" ... Ngay sau khi thành lập, "Ủy ban" hoạt động dưới sự lãnh đạo của Dreslera, trưởng ban tuyên truyền Reichskommissariat của Latvia và Lange, người đứng đầu Gestapo ở Riga. Thông qua báo chí và đài phát thanh, họ phổ biến rộng rãi đến từng người dân về việc phát hiện các nghĩa địa tập thể ở ở Riga và các vùng xung quanh, chôn cất những người Latvia bị "tra tấn tàn bạo bởi Cheka" (mật vụ Liên Xô, tiền thân của NKVD).
Những lời khai của các thành viên của "Ủy ban" đã bị bắt giữ Pukitis và Gruzis cùng với các nhân chứng đã chứng minh rằng, Zutis là một nhóm đặc biệt gồm 40 người chịu trách nhiệm xử lý các xác chết bằng mọi cách có thể để chúng bị biến dạng. Và các thành viên của "Ủy ban" sẽ dựa trên cơ sở này để kết luận về hành vi "tàn bạo" của những người Bolshevik. Những xác chết biến dạng được bày ra trước công chúng và nhận dạng bởi các thân nhân của họ. Để che giấu việc cố tình làm biến dạng các xác chết, được sử dụng như bằng chứng cho "tội ác Bolshevik", quân Đức đã bắn chết và chôn trong ngôi làng Boltozer(Baltezers) gần Riga 10 phụ nữ Do Thái bị bắt từ ghetto(khu định cư riêng của người Do Thái) đến làm việc trong nhóm đặc biệt ZUTIS.
Bộ máy tuyên truyền Đức đã tích cực sử dụng "tài liệu" của ủy ban nói trên để phục vụ cho các chiến dịch vu khống chống lại Liên Xô ở các nước vùng Baltic. Đám tang "các nạn nhân của Bolshevik" và các cuộc biểu tình chống Xô-viết được tổ chức, báo chí đăng tải những bài viết về chủ đề này. Các cuốn sách "Năm kinh hoàng" và "Bằng chứng tội ác" được phát hành cùng với bộ phim tài liệu gọi là "Làn sương mù đỏ" với một số sửa đổi cho thích hợp với Estonia và Lithuania.
Cuộc điều điều tra tiến hành bởi bộ an ninh nhà nước Cộng hòa Xô-viết Latvia đã lật tẩy tính chất giả mạo của bộ máy tuyên truyền Đức về "tội ác Bolshevik". Cụ thể, tài liệu và lời khai của nhân chứng được đặt vào các khung hình chính trong bộ phim "tài liệu" "Làn sương mù đỏ" đã được thực hiện trong phòng thí nghiệm, ở đó những hình ảnh xác chết được xử lý đặc biệt để tạo ra những cảnh "nạn nhân của Bolshevik", bị đem chôn hàng loạt. Và cái gọi là "nhà giam tử tù của NKVD" với những dòng chữ trên tường viết bởi các tù nhân thực ra là được dàn dựng và chụp trong một xưởng phim ở Riga.
Cũng trong cuốn sách "Bằng chứng tội ác" có một chương mô tả chi tiết về vụ những người Bolshevik đã bắt giữ và xử bắn nhạc sĩ người Latvia A.E REYTGARSA. Trong thực tế, vào năm 1941 ông REYTGARS bị Toà án nhân dân Riga kết án 1 năm tù vì gây rối trật tự, chuyển đến trại Pechora của NKVD, sau khi được thả ông đã được phục vụ trong trung đoàn dự bị Latvia của Hồng quân. Hiện nay REYTGARS trở lại Riga và làm việc tại Uỷ ban phát thanh quốc gia ở vị trí chỉ huy dàn nhạc.
Biên bản trích dẫn không được sử dụng với mục đích tuyên truyền. Nó được đóng dấu tuyệt mật và chỉ dành cho các lãnh đạo Xô-viết. Với mỗi thông tin sai lệch cung cấp cho Kremlin vào thời điểm đó đều có thể phải trả giá bằng tính mạng. Vì thế chẳng ai dám nghi ngờ tính xác thực của chúng. Những xác chết bị cắt xẻ trong bộ phim «The Soviet Story" là kết quả của sự hợp tác giữa những người Latvia theo chủ nghĩa dân tộc với Gestapo. Chúng được chế tạo để kích động lòng căm thù của người Latvia đối với người Nga và Do Thái, và ngày nay là để kích động hận thù đối với nước Nga.
2.3.Những hình ảnh về"nạn nhân của Holodomor"
Phần lớn bộ phim “The Soviet Story” được dành để nói về cái gọi là "Holodomor". Nạn đói năm 1932-1933 được giải thích như một cuộc diệt chủng có chủ đích, điều này chẳng hề có chút nào liên quan đến lịch sử. Chưa hết, các hình ảnh cho câu chuyện về "Holodomor" được các nhà làm phim sử dụng thực ra là hình ảnh của nạn đói ở Povolzhye (khu vực Volga) trong khoảng thời gian 1921-1922 (chứ không phải ở Ukraine năm 1932-1933).
Nạn đói ở Povolzhye, vốn bùng phát sau cuộc nội chiến đẫm máu, xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân, các nhà sử học đã xác định là do hạn hán kết hợp với mất mùa liên tiếp, cũng như việc trưng thu lương thực trong Thế Chiến thứ nhất và Nội Chiến.
Để cứu những người đang chết đói ở Nga vào năm 1921, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Fridtjof Nansen thay mặt cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thành lập "Quỹ viện trợ Nansen". Ủy ban này xuất bản và phân phát đến nhiều quốc gia những tài liệu để thu hút sự chú ý của các chính phủ và công chúng về hoàn cảnh của những người bị đói ở khu vực Volga và các vùng khác của nước Nga để thu tiền cứu trợ. Ngoài ra, Ủy ban Vatican và Tổ chức cứu trợ Mỹ (ARA - American Relief Administration), cũng tham gia xuất bản các tài liệu để thu hút công chúng vào vấn đề nạn đói ở Nga.
Bằng các tài liệu kể trên, tác giả của “Câu Chuyện Xô-viết” đã minh họa cho “Holodomor”, một thảm kịch xảy ra sau đó hơn một thập kỷ, và các hình ảnh đó đã trở thành cốt truyện cho “nạn đói nhân tạo 1932-1933”. Cần lưu ý rằng, việc sử dụng những bức ảnh của Nansen làm bằng chứng cho “Holodomor” cũng được nhà cầm quyền và các phương tiện truyền thông Ukraine hiện nay thực hiện rất tích cực.
(còn tiếp)
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip