Chương 1

"Cậu còn nhớ không ngày em gặp cậu?

Ngày những cánh cò bay dập dờn trên cánh đồng lúa chín vàng.

Ngày những mầm non dâng tràn đón mùa xuân mới.

Ngày khởi đầu của thứ người ta gọi là định mệnh...''

Ngày xửa ngày xưa, ở làng Thượng thôn Đông có nhà họ Nguyễn buôn gỗ rất nổi tiếng.

Nước Đại Nam vốn rất rộng lớn, nhưng đâu đâu cũng có cửa hàng buôn gỗ của nhà bọn họ. Hầu như xưởng gỗ lớn ở các Châu các huyện đều là của họ Nguyễn. Các bá hộ, phú thương vùng Yên Thành hay nói với nhau rằng, khắp Đại Nam chẳng nhà nào, dòng họ nào buôn gỗ qua nhà họ Nguyễn làng Thượng. Nhà bọn họ buôn gỗ đi khắp tứ phương, còn buôn bán sang hẳn các nước láng giềng. 

Vì làm ăn buôn bán lớn như thế, nên mặc nhiên tiền bạc, của cải của nhà họ Nguyễn cũng nhiều không kém gì các cửa hàng buôn gỗ của họ. Người vùng Yên Thành hay ví von rằng, chừng nào nước ngoài biển cạn, cây rừng chẳng còn, của cải nhà họ Nguyễn tiêu hết thì may ra giặc phương Bắc mới xâm lược được Đại Nam. Để nói về sự giàu có của bọn họ. 

Ở thôn Đông hầu như nhà nào cũng làm thuê cho nhà họ Nguyễn, một số khác thì thuê đất của nhà bọn họ để cày cấy rồi cuối mùa sẽ giao lại một phần thóc gạo xem như trả tiền thuê đất. Nhà ông Thiên ở cuối thôn cũng là một trong những nhà nông mượn đất của nhà họ Nguyễn để trồng lúa kiếm miếng ăn qua ngày. Còn hơn một tuần trăng nữa là sẽ kết thúc mùa vụ. Năm nay ruộng lúa nhà ông Thiên là bội thu lớn nhất thôn đáng lẽ gia đình ông nên vui mừng mới đúng. Nhưng mà nhà ông Thiên lại không như vậy, đến giờ cơm trong ngôi nhà tranh nho nhỏ ở cuối xóm lay lắt vài ánh đèn, trong nhà gian trước gian sau bao trùm một bầu không khí tang thương ảm đạm.

Tại cái bàn gỗ cũ kĩ ở giữa nhà, bà Phương vợ ông Thiên trên mặt đem theo nét u sầu tay cầm bát cơm trắng, đôi mắt ưng ửng nước nhìn lên bàn thờ đang nghi ngút nhang khói. Hai đứa con gái, một đứa tên Cam, một đứa tên Chanh thì im lặng cúi mặt nhìn chén cơm trên bàn. Cả một nhà ba người lặng im như tờ, bầu không khí tang thương không thể nào xóa được.

Cách đây không lâu, do ra ruộng đêm canh lúa ông Thiên không cẩn thận đã trúng phải gió độc về nhà bệnh sốt sình sịch cả tuần trời gia đình không đủ tiền để chạy chữa nên đã qua đời. Cả thôn này ai mà chẳng biết, ông Thiên là trụ cột chính trong gia đình, là điểm tựa của ba mẹ con nhà bà Phương giờ ông đi rồi thì vợ con ông cũng không còn thiết tha gì nữa. Bà Phương ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt, đứa con út thì suốt ngày chui vào buồng mà khóc rấm rứt, nửa đêm còn ngủ mơ gọi thầy trong vô thức. Cả một nhà ba người phụ nữ riêng chỉ có đứa con lớn là con Cam năm nay mười ba tuổi chống chọi với mọi thứ.

Nghĩ mà thấy thương con bé.

Ngày thầy nó mất nó không khóc lấy một giọt nước mắt, ngày đưa thầy nó đi chôn nó cũng không khóc. Đến chiều thì lại thấy nó ra ruộng lúa thâm canh, bón phân.

Sau khi thầy mất con Cam chính là trụ cột trong nhà.

Ngồi nhìn mâm cơm đã nguội lạnh, Cam thở dài sầu muộn, một tháng nay ngày nào ăn cơm cũng giống như cực hình với gia đình nó. Thường giờ cơm này mấy tháng trước, thầy sẽ ngồi trò chuyện, pha trò làm cả nhà cười. Một nhà bốn người ăn bữa cơm ấm cúng. Nhưng giờ...

Cam buồn buồn gắp miếng rau bỏ vào bát bu nó, nhỏ giọng nói:

- Bu ơi, bu ăn cơm đi, ăn cho có sức. Thầy ở dưới đó thấy bu như thế này thì thầy sao mà yên lòng đây?

Lời nói của Cam như giọt nước tràn ly, mọi cảm xúc của bu Phương không kìm được mà vỡ òa, nước mắt bu tuôn rơi lã chã. Đặt vội chén cơm lên bàn, bu ôm mặt khóc rấm rứt.

- Sao bu có thể ăn được đây hả Cam? Thầy con là miếng thịt là lòng là dạ của bu, ổng không nói một lời mà ra đi như vậy sao bu chịu nổi?

- ...

- Thuở xưa đã nói là chờ bu đi rồi thầy con mới đi mà...

Bu Phương nói trong nước mắt, con Chanh ngồi kế bên mẹ lặng lẽ khóc theo.

Con Cam ngồi một bên nhìn mẹ với em gái như vậy thì thầm thở dài trong lòng. Nước mắt ẩn hiện nơi khóe mắt cũng bị tay nó quẹt qua.

Một tháng rồi, đã qua hơn một tháng rồi mà nỗi đau của bu với cái Chanh vẫn lớn như vậy, Cam lặng thinh nhìn hai người cũng không biết phải làm sao...

- Vậy... bu với cái Chanh khi nào thấy đói thì ăn. Con để đồ ăn dưới bếp cho hai người.

Vừa nói Cam vừa ăn vội bát cơm trắng, rồi đứng lên dọn đồ ăn xuống bếp. Cẩn thận ủ than cho thức ăn không bị nguội sau đó lại lên nhà cầm theo cái giỏ ý định ra ruộng mót ốc với tép. Con Chanh ngồi một bên nhìn một loạt hành động của chị gái mà không khỏi chạnh lòng. Nó canh lúc chị ra tới cổng thì nắm tay kéo chị lại. Giọng mang ý trách móc nói:

- Chị Cam... thầy mất đã một tháng rồi sao chị lại cứ bình thản như vậy? Ngày thầy mất chị không rơi lấy một giọt nước mắt, ngày chôn thầy chiều chị còn ra ruộng trông lúa... Chị có thực sự thương thầy không vậy hả?

- Em buông tay chị ra, giờ không ra ruộng mót ốc với tép thì mai không có đồ ra chợ bán đâu!

Cam lạnh lùng nói với Chanh, trong giọng nói mang theo tiếng nức nở nho nhỏ.

Thương thầy... Con Cam nó thương thầy chứ! Không phải thương chỉ một ít đâu, mà là thương rất nhiều kia kìa.

Nhưng mà nó biết thể hiện ra như nào đây? Thầy mất rồi, nếu nó cứ ủ ê ở nhà buồn bã khóc lóc thì bu với cái Chanh sẽ ăn cái gì, sẽ sống ra sao?

Đêm trước ngày thầy mất thầy đã dặn nó rồi, thầy dặn Cam là chị lớn thì phải chăm sóc bu với em gái, nhà không có con trai, không có ai để dựa vào nên Cam không được yếu đuối. Cam phải mạnh mẽ mới có thể chăm sóc hai người bọn họ.

Nỗi đau của Cam, sự buồn tủi của Cam chỉ có một mình nó hiểu, tự nó gặm nhấm thôi...

Thoáng chốc, hai chị em đứng trước cổng nhà trầm lặng hẳn, không ai nói với ai một lời.

Bỗng từ ngoài cổng, bóng dáng một người đàn bà từ từ xuất hiện. Đứng từ cổng, giọng nói chua chát của bà ấy vọng vào, đánh tan sự im ắng:

- Tối rồi, hai đứa bây đứng ngoài cửa níu kéo nhau làm gì thể hả?

- D... dạ không có gì dì Năm ạ! Trời tối vậy dì tới nhà con có gì không dì?

Con Cam vội dằn tay con Chanh ra, đi nhanh ra cổng đón khách, nó lễ phép chào hỏi, rồi chân trước chân sau mời người phụ nữ thân hình to béo vào nhà.

Người phụ nữ này chính là dì Năm của nó, là họ hàng bên ngoại của bu. Bà này lấy chồng làm quản gia cho nhà phú ông họ Nguyễn giàu nhất cái làng này, à không là giàu nhất cái xứ này. Dù bà Năm chỉ là vợ của một quản gia nho nhỏ trong gia đình họ Nguyễn thôi, nhưng xét về đẳng cấp là đã trên nhà con Cam rất nhiều rồi, nó phải kính cẩn đón tiếp!

Vừa bước vào nhà, dì Năm đã đảo mắt một vòng, khuôn mặt mang nét khinh bỉ. Đặt mông ngồi lên chiếc ghế con con, bà liền nói:

- Bu mày có ở nhà không?

- Dạ có dì ơi, dì đợi một tí để con vào gọi bu ra.

Con Cam cẩn thận rót trà cho dì, rồi lại nhanh nhảu vào phòng gọi bu Phương ra.

Vừa nhìn thấy em gái tiều tụy trong buồng từ từ đi ra, ánh mắt dì Năm đã khinh khỉnh, giọng nói chua như chanh:

- Gớm, thằng Thiên nó chết cũng được cả tháng trời rồi. Mày vẫn còn khóc thương như vậy hả? Không lo ra ngoài thâm canh ruộng lúa kiếm tiền trả nợ cho phú ông sao?

- ...

- Đến hạn rồi đó! Tiền đâu?

Thì ra... Dì Năm đến đây là để đòi nợ!

Cam thầm nghĩ trong lòng, khuôn mặt trầm xuống, ánh mắt hiện lên sự buồn bã nhìn người đàn bà đang khinh khỉnh uống trà trước mặt. Tháng này vì để chữa bệnh cho thầy mà bu nó đã đến mượn nhà phú ông ba nén bạc để mời thầy lang ở trên phố huyện về xem bệnh. Lúc đó cứ nghĩ là khi nào thầy khỏe lại thì cả nhà cố gắng làm ăn trả nợ cho phú ông. Nhưng nào ngờ đâu bệnh nặng quá thầy nó không qua khỏi mà số nợ kia cũng đã đến hạn trả. Suốt mấy tháng nay lao đao, nhà nó còn được mấy đồng đâu?

Bu nó là em gái ruột của dì Năm, hồi trước ông ngoại cấm không cho bu lấy thầy nó nhưng bu không nghe nhất quyết một hai đòi lấy thầy. Từ đó, ông ngoại cũng từ mặt bu luôn. Anh chị em ruột thịt cũng chẳng mấy ai hay tới nhà trò chuyện thăm hỏi bu. Trừ bà ngoại ra thì một nhà đó ai cũng coi bu Phương như người dưng.

Nó cứ nhớ mãi ngày đó, trước hôm đến mượn bạc nhà phú ông, bu nó có đến nhà dì Năm để xin mượn vài đồng. Khi đó Dì Năm đã lấy hẳn nước bẩn hắt vào người hai mẹ con nó đuổi đi...

Sau vụ đó Cam buồn lắm, đến mãi hôm nay thầy Cam mất được một tháng, đây là lần đầu tiên dì Năm tới nhà. Con Cam cứ nghĩ dì Năm tới là để an ủi bu của nó, ai mà ngờ... dì tới đây là để đòi nợ.

Nghĩ mà thấy sao tình người nó bạc bẽo, dù sao cũng là máu mủ với nhau cũng là gà cùng một mẹ nhưng Dì Năm đối xử với bu nó còn thua xa người dưng ngoài kia.

- Giờ nhà em còn gì lấy được thì chị cứ bảo phú ông đến lấy đi!

- ...

- Bao nhiêu tiền của em dốc hết chữa bệnh cho chồng rồi... giờ thầy cái Cam đi mất, em còn lại cái gì đâu?

Dì Năm dường như chẳng có mấy thương xót nhìn em gái khóc lóc khổ sở, bà đập mạnh tay xuống bàn quát lớn:

- Tao mặc kệ mày làm cách nào, sang tháng sau chồng tao tới đòi nợ nhất định phải có đủ tiền trả cho phú ông. Đừng làm mất mặt tao!

- ...

- Còn nếu mày không trả thì...

Dì Năm liếc nhìn con Cam đang ngồi cạnh vỗ lưng cho mẹ, nhẹ tênh nói:

- Thì cho con mày vào nhà phú ông ở đợ để trả bớt nợ đi! Tháng trước con hầu của cậu tư Nhựt mới nhảy giếng tự tử đó... chừa chỗ cho con mày.

Buông lại câu cuối, dì Năm đứng lên với điệu cười khinh khỉnh bỏ đi. Để lại ba bu con nhà Cam ngồi thẫn thờ. Bu Phương nghe lời dì Năm nói mà sốc đến mức quên cả khóc, bà quay qua ôm chặt lấy hai đứa con gái vào lòng, tay run run.

- C... con ơi, bu xin lỗi...

Nước mắt bu Phương tuôn rơi lã chã, cái Chanh nó cũng khóc, Cam nãy giờ cố gắng mạnh mẽ mà nước mắt cứ rơi thành dòng.

Họ hàng, máu mủ mà sao bạc tình với nhau như vậy? Người ta chẳng phải nói một giọt máu đào hơn ao nước lả sao? Sao giọt máu đào này lại thua nước bẩn thế chứ?

Cậu tư Nhựt ở nhà phú ông Nguyễn Văn Nam nổi tiếng bị ma ám cho mù, vừa ra đời chưa tròn tháng đã khắc chết mẹ, lên ba tuổi thì khắc cha. Trong cái thôn Đông này ai mà không biết cậu Tư bị quỷ theo, ai gần cậu còn không sống nỗi qua ba tuần trăng?

Làm hầu cho cậu Tư chẳng khác nào tự mình đi tìm đường chết!

Thế mà dì Năm nỡ lòng nào... nỡ lòng nào đẩy cháu mình, em gái mình vào cảnh nguy khốn.

Thầy Cam ra đi, để lại cho bu Phương chỉ hai vật báu là hai đứa con gái này thôi. Giờ mất đi dù chỉ một đứa thì sao mà bu sống nỗi? Có khi bu dẫn theo đứa còn lại quyên sinh luôn cũng nên!

Con Cam nó nhanh chóng bình tĩnh lại, lau nước mắt cho mẹ cho em. Giọng nức nở:

- B... bu với cái Chanh đừng lo, ruộng lúa nhà mình con chăm rồi. Con chăm kĩ lắm, nhà mình sẽ đủ thóc trả nợ cho phú ông thôi.

- ...

- Còn... còn tiền nợ chữa bệnh của thầy, con chịu khó mót tép, mót ốc đêm đem ra chợ bán là được.

Bu Phương nghe con gái lớn nằm trong lòng tỉ tê, mà tim nhói lên từng cơn.

Con gái của bà, sao lại phải trưởng thành đến mức này?

Từ ngày thầy nó mất, bà thân là bu chỉ biết u buồn nằm khóc. Để cho đứa con mới chỉ mười ba tuổi của mình ngày ngày ra đồng bón phân cho lúa, mót từng con tôm, con tép đem đi bán kiếm tiền. Thậm chí đến cả việc nhà, cơm nước nó còn làm thay cho bà không một lời oán than.

Bà thân làm bu người ta sao lại tệ như thế?

Con Cam trước giờ dù gia đình nghèo khổ nhưng vẫn được bà với thầy nó xem như vàng như bạc mà nuôi lớn. Mới cách đây có một tháng mà đôi tay mềm mại của con bé đã có thêm vài vết chai, vài vết xước.

Chạm vào đôi bàn tay của con, lòng người mẹ như bà đau đứt từng đoạn ruột. Bà Phương khóc to hơn, khóc cho vơi đi bớt nỗi buồn, cho vơi đi bớt cái khổ.

Ngày mai, nhất định bà sẽ phấn chấn bản thân. Dù chồng mất nhưng nhất định không thể để cho hai đứa con chịu khổ.

Càng không thể để cho nó rơi vào chỗ chết!

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip