PHẦN 2 - 4.2

“Chị không nghe thấy nó gọi Jandira là gì à?”

“Nó chẳng làm gì nên tội. Các người đã khiêu khích nó. Khi tôi rời nhà thì nó vẫn đang lặng lẽ làm quả cầu. Các người thật nhẫn tâm. Sao các người có thể đánh em ruột mình tàn tệ như vậy?”

Lúc chị lau máu cho tôi, tôi nhổ một mảnh răng gãy vào cái bát tô. Điều đó đã làm ngọn núi lửa phun trào.

“Nhìn xem mày đã làm gì đi, đồ hèn. Khi muốn đánh nhau thì mày sợ mất vía, phải chạy đi nhờ nó. Đồ thỏ đế! Chín tuổi rồi mà mày vẫn đái dầm. Tao sẽ cho mọi người thấy cái đệm của mày, những bộ quần áo ngủ ướt sũng mày giấu trong ngăn kéo mỗi buổi sáng.”

Rồi chị đuổi tất cả mọi người ra khỏi phòng và chốt cửa lại. Chị bật đèn lên vì trời đã tối. Chị cởi áo sơ mi của tôi ra và ngồi lau máu và vết thương trên người tôi.

“Đau không, bé con?”

“Đau lắm.”

“Chị sẽ rất nhẹ tay, bé cưng của chị. Nhóc phải nằm sấp một lúc để vết thương mau khô, nếu không quần áo nhóc sẽ dính vào vết thương và sẽ đau lắm đấy.”

Nhưng mặt tôi mới gọi là đau. Nó nhức nhối vì đau và vì tức giận trước sự tàn nhẫn vô cớ như thế. Khi tình hình khá hơn chút, chị nằm xuống bên tôi, vuốt tóc tôi.

“Chị thấy đấy, Gló. Em chẳng làm gì cả. Khi đáng bị đánh thì em chấp nhận. Nhưng đằng này em chẳng làm gì nên tội.”

Chị nuốt khan.

“Nhưng buồn nhất là quả cầu của em. Nó trông đẹp lắm. Cứ hỏi Luís mà xem.”

“Chị tin em. Nó đẹp thật. Nhưng đừng lo. Ngày mai chúng ta sẽ đến nhà bà và mua một ít giấy lụa. Chị sẽ giúp em làm quả cầu đẹp nhất trần đời. Đẹp đến mức các vì sao cũng phát ghen.”

“Chẳng ích gì đâu, Gló. Chị chỉ làm quả cầu đầu tiên đẹp thôi. Khi quả đầu tiên đã không thành, thì chị chẳng bao giờ làm tử tế lần nữa được hoặc chị sẽ chẳng bao giờ muốn làm lại nữa.”

“Một ngày nào đó... Một ngày nào đó... Chị sẽ đưa em đi thật xa khỏi cái nhà này. Chúng ta sẽ sống...”

Chị bỗng ngừng lời. Chắc hẳn chị đã nghĩ đến nhà bà, nhưng ở đó cũng giống như địa ngục thôi. Chính vào lúc đó, chị quyết định bước vào thế giới của cây cam và những ước mơ của tôi.

“Chị sẽ đưa em đến sống ở trang trại của Tom Mix hoặc của Buck Jones.”

“Nhưng em thích Fred Thompson hơn.”

“Vậy thì chúng ta sẽ đến đó.”

Và, hoàn toàn bất lực, chị em tôi bắt đầu khóc lặng lẽ cùng nhau...

Dù nhớ ông Bồ nhưng đã hai ngày rồi tôi không gặp ông. Tôi thậm chí không được phép đến trường. Người nhà tôi không muốn ai nhìn thấy dấu vết của sự tàn bạo trên người tôi.

Ngay khi mặt bớt sưng và môi lành lại, tôi sẽ quay trở lại nếp sinh hoạt bình thường.

Mấy ngày liền, tôi cùng em trai ngồi bên Pinkie, mà chẳng buồn nói chuyện. Tôi sợ tất cả. Cha thề sẽ đánh tôi nhừ tử nếu tôi lặp lại những gì tôi đã nói với Jandira.

Giờ tôi thậm chí còn sợ cả thở. Tốt nhất nên trú ẩn dưới cái bóng khiêm tốn của cây cam, nhìn khắp các ngọn núi trên những tấm thẻ bài ông Bồ đã cho tôi và kiên nhẫn dạy Vua Luís chơi bi. Nó hơi lóng ngóng, nhưng cuối cùng cũng biết chơi.

Tôi nhớ ông Bồ lắm. Ông hẳn thấy lạ vì tôi không đến gặp ông và nếu biết nơi tôi sống, có lẽ ông đã tới tìm tôi.

Đôi tai tôi nhớ da diết giọng Bồ Đào Nha trầm trầm của ông và cách ông luôn gọi tôi là cháu. Cô Cecilia Paim đã nói với tôi rằng muốn gọi người khác là cháu thì ta phải thực sự hiểu được văn phạm.

Con mắt tôi mong mỏi được nhìn thấy khuôn mặt rám nắng của ông, bộ đồ tối màu hoàn hảo, cổ áo sơ mi luôn cứng như thể vừa được lấy từ trong tủ, chiếc áo gi lê kẻ ca rô và thậm chí cả những chiếc khuy vàng cài tay áo của ông.

Nhưng tôi sẽ nhanh chóng khá lên. Trẻ con thường mau lành các vết thương, ấy là người ta nói thế.

Tối hôm đó cha tôi không ra ngoài. Không ai khác ở nhà, trừ Luís, đã ngủ khì.

Mẹ tôi có lẽ đang trên đường từ thành phố về. Đôi khi mẹ tăng ca tại xưởng dệt và chúng tôi chỉ gặp mẹ vào chủ nhật.

Tôi quyết định ở gần cha, vì như thế tôi sẽ không thể bày trò nghịch ngợm. Cha đang ngồi trên ghế bập bênh thất thần nhìn bức tường. Mặt cha luôn lởm chởm râu ria. Áo sơ mi của cha luôn bẩn kinh lên được. Có lẽ cha không đi chơi bài với bạn bè vì không có tiền.

Tội nghiệp cha, chắc cha buồn lắm khi thấy mẹ phải đi làm để trang trải sinh hoạt phí. Lalá cũng đã đi làm ở nhà máy rồi. Chắc bây giờ tìm việc khó lắm, và thật chẳng dễ dàng gì khi luôn về nhà trong tâm trạng thất vọng sau khi nghe mãi một câu trả lời:

“Chúng tôi cần người trẻ hơn.”

Ngồi trên bậc cửa, tôi đếm những con thạch sùng nhỏ màu trắng trên tường và chốc chốc lại liếc nhìn cha. Không kể lần này, lần duy nhất tôi thấy cha có vẻ buồn như vậy là vào buổi sáng Giáng sinh ấy. Tôi cần làm gì đó cho cha.

Có lẽ tôi có thể hát cho cha nghe. Tôi có thể hát rất êm ái và chắc chắn cha sẽ vui lên chút ít. Tôi hát thử trong đầu và nhớ lại bài hát mới đây nhất ông Ariovaldo đã dạy tôi.

“Bài Tango”; bài tango là một trong những bài hát hay nhất mà tôi từng nghe. Tôi bắt đầu hát khe khẽ.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip