Cha Và Tôi

Khi còn nhỏ, cha thường hay kể chuyện cho tôi trước lúc đi ngủ. Cha kể những câu chuyện cổ tích về những nàng công chúa xinh đẹp, về những chàng hoàng tử cưỡi trên mình con ngựa trắng mang tên "bạch mã".

Cha thường dắt tay tôi khi đi trong công viên, sở thú. Bàn tay cha nắm tôi chặt đến mức tôi có thể cảm nhận rõ được những đường chỉ tay trên tay cha.

Khi còn nhỏ, đôi lúc tôi lại hỏi cha.

"Cha ơi, sao mẹ không phải là người kể chuyện cho con mà là cha thế ?"

Cha nhìn tôi. Ánh nhìn ấy khi đó đối với một đứa trẻ mới lên ba ngốc nghếch và vô lo, nó chẳng mang một thông điệp cảm xúc nào cả. Xoa xoa mái đầu của cô con gái, cha mỉm cười.

"Vì mẹ là một người phụ nữ bận rộn con gái ạ. Hơn nữa, một người cha không thể kể chuyện cho con mỗi buổi tối trước khi đi ngủ được hay sao ?"

"Một người phụ nữ bận rộn" và "Một người cha luôn kể chuyện cho mình trước khi đi ngủ", cái tuổi vô lo khi ấy cảm thấy rất tự hào về điều đó, và luôn luôn khoe khoang với đám bạn cùng lớp khi có một người cha, người mẹ như vậy.

Và khi còn nhỏ, cha thường giấu tôi tất cả mọi chuyện.

Cha hay cười, cha hay kể chuyện cho tôi, cha là người chăm sóc tôi, và cha, là người sinh ra tôi.

Nó vô lý quá, phải không ?

Nhưng cái ý nghĩ của đứa trẻ mới lên ba, tất cả chỉ có thế. Nó không để ý đến chữ "mẹ" thiếu hụt trong những ý nghĩ kia; không để ý hay quan tâm đến bóng dáng người phụ nữ luôn luôn vắng mặt trong căn nhà nhỏ; mà cũng chẳng mảy may đến những người mẹ lo lắng cho những đứa bạn cùng trang lứa rồi nhìn lại bóng dáng của người cha cô đơn.

Đứa trẻ ấy cứ vô lo như thế, cứ giữ mãi những ý nghĩ ngây thơ đáng trách ấy, giữ mãi cho đến khi một đứa bạn thắc mắc hỏi năm lên tám.

"Thế mày đã bao giờ nhìn thấy mẹ mày chưa ?"

À phải rồi, mẹ nom như thế nào nhỉ ? Khi ấy đưa trẻ ngu ngốc tới khó chịu ấy mới nhận ra sự khác biệt giữa mình và đám bạn.

Mẹ tôi đã mất.

Cha tôi là một người tốt. Nhưng cha là một kẻ vô trách nhiệm.

Cha giấu tôi tất cả mọi chuyện; cha để mặc tôi ngu ngốc trong xã hội với những ý nghĩ và một tâm hồn cổ tích; cha phủ nhận sự ra đi của mẹ bằng cách đưa sự sống của mẹ vào tâm trí tôi.

Cha muốn tôi có tuổi thơ vui vẻ, nhưng cha biến tôi thành một con người ngu ngốc và đáng trách.

"Con ghét cha !" - Tôi hét lên như thế với cha, khi cha nói với tôi rằng mẹ tôi đã mất.

Cha là một kẻ ngu ngốc; là một người đáng trách; là một người cha vụng về; là người không biết cách nuôi dạy con.

Nhưng tôi biết, cha là cha tôi, và tôi chẳng có lý nào để ghét cha, vì tôi yêu cha.

[...]

"Đừng giấu con bất cứ điều gì. Vì người cha giấu là con, thì có giấu kỹ đến đâu, con cũng có thể tìm ra, vào một ngày nào đó"

[...]

"Như Kha, Như Kha, dậy mau, dậy mau con ơi !"

Lười nhác mở hé một bên mắt. Tôi thấy cha tôi đang cuống cuồng lên gọi mình. Mà quan trọng hơn, tại sao cha lại ở trong phòng tôi ?

"Chết rồi con ơi ! Cha không tìm thấy tập giấy nhớ. Con biết ở đâu không ?"

Giấy nhớ ? À, là tờ giấy mà cha luôn đem theo bên mình. Mở to cả hai mắt ra, tôi uể oải ngồi dậy, uốn vai ngáp dài rồi mới đưa ngón tay chỉ vào kệ tủ bên trái ngăn cuối cùng của tủ quần áo. Cha chạy lại lục lọi một hồi, rồi sau đó cầm trên tay tập giấy nhớ màu vàng nhỏ. Giở qua giở lại đến mục của ngày hôm nay, rồi lại chăm chú đọc nó.

Bất kể thứ gì xảy ra, sự kiện nào cha cần nhớ, cha luôn ghi vào tập giấy đó, luôn luôn. Thi thoảng tôi tự hỏi, liệu cha ẩu đoảng và hay quên đến thế sao mà phải cẩn thận đến vậy ? Nhưng để giữ cái lãnh đạm của người con đối với cha, tôi chưa bao giờ mảy may hỏi đến. Cũng chưa bao giờ có ý định hỏi đến.

[...]

Bước vào căn nhà tối om, tôi nheo mắt vẻ nghi ngờ. Cha đâu rồi ?

Đã quá nửa đêm, nhưng cha vẫn chưa về. Tôi nhắn tin báo về muộn, cha cũng chẳng đáp lại. Chạy quanh căn nhà, bật hết một loạt đèn lên, nhưng tìm kiếm hết hơn ba mươi phút, cũng chẳng thấy cha đâu.

Tôi còn nghĩ rằng cha điên tới mức chui xuống gầm giường nằm ngủ, nên tôi cũng kiểm tra chỗ đó, ở dưới giường cha. Và thay vì thấy cha, tôi lại tìm được một thứ khác. Một túi file lớn, được gửi từ bệnh viện Bạch Mai.

Mở nó ra, tôi sửng sốt khi trên tay mình là hai, ba tấm chụp X-quang ở não. Và càng sửng sốt hơn khi thấy tờ giấy khám bệnh nằm bên dưới những tấm chụp đó. Bàn tay tôi run run, nhanh như cắt, tôi lao ra khỏi nhà. Chạy xung quanh con phố đã tắt hết đèn điện. Tìm kiếm nhưng nơi vẫn còn sáng. Và tôi thấy cha tôi đang nằm mê mệt ở một quán bar cuối phố. Cha gục mặt xuống bàn, khuôn mặt đỏ gay, tay phải vẫn nắm lấy cốc rượu còn nửa.

Phải vất vả lắm, tôi mới đưa được cha về nhà. Mà hình như lúc về đến nhà, cha đã hơi hơi tỉnh rượu.

Nằm trên giường, cha mở to cả hai mắt, nhưng không nói lấy một lời với tôi. Cha nhìn tôi, bằng ánh mắt của người xa lạ. Tôi đưa cha cốc nước, cha uống; đưa cha cái khăn mặt, cha cũng chỉ xoa xoa nó lên mặt một hồi rồi đặt nó lại; đến khi tôi ngồi xuống giường cạnh cha, cha mới lên tiếng.

"Cháu là ai vậy ? Tại sao lại chăm sóc ta như thế ?"

Cúi gằm mặt, cố che đi những tiếng nấc ở cổ họng, tôi bật ra từng tiếng một, chậm rãi, dõng dạc.

"Cháu là Như Kha, con gái chú."

Cha lắc đầu: "Ta không có con."

Trụ não bị dập mạnh, dẫn đến việc nhớ nhớ quên quên.

"Cháu thực sự là con gái của chú."

Cha lắc đầu.

Nếu không được điều trị thường xuyên và cẩn thận, sẽ có ngày mất đi hoàn toàn trí nhớ.

Càng ra sức giải thích, cha càng khẳng định lại những điều cha nói là đúng. Cha vẫn cứ lắc đầu, lắc đầu sau mỗi lời giải thích của tôi.

Tên bệnh nhân: Trương Kha Minh.

Này, lẽ nào cha đã quên ? Lẽ nào cha đã quên con rồi ?

Chuẩn đoán bệnh: Mất trí nhớ tạm thời.

Đã quên mất hình bóng của đứa con mà cha hết mực thương yêu ?

[...]

Di chứng của vụ tai nạn cách đây hai năm chính là căn bệnh quái ác mà cha đang gặp phải: Mất trí nhớ tạm thời.

Hai năm tiếp theo sau khi tôi phát hiện ra bí mật lớn nhất của cha chính là những chuỗi ngày vất vả, đối với cả tôi lẫn cha. Cha mất trí nhớ, đồng nghĩa với việc cha mất việc làm. Và phải ba tháng sau đó, cha mới tìm được một công việc mới, tại một quán ăn Ý. Còn tôi, tiếp tục học Đại học và tốt nghiệp. Nhưng đó không phải là thứ tôi miêu tả với từ "vất vả". Mà là để miêu tả trí nhớ của cha.

Cha hoàn toàn quên hết tất cả, mẹ tôi, tôi, và cả chính cha.

Cha sống dưới cái tên "Trương Kha Minh", sống bên cạnh đứa con gái mà cha thậm chí còn chẳng biết là ai. Thi thoảng cha lại nhìn tôi với đôi mắt dò hỏi, rồi lại mỉm cười quay đi. Nhưng tôi chắc chắn một điều, cha tin tôi. Cha tin đôi mắt của tôi, tin từng lời nói của tôi, tin từng cử chỉ của tôi, tin từng nét trên con người và tâm hồn tôi.

Cha thực sự là cha tôi, cho dù có quên tất cả.

[...]

"Như Kha, lần này lại là đâu vậy ?"

Cha đứng bên cạnh tôi, tay tựa vào phía lan can của con tàu. Mỉm cười và hỏi tôi một cách thân mật, nhưng cũng thật xa lạ.

"Một bệnh viện có tiếng ở Mỹ, thưa cha."

Cha lại cười: "Nhờ con mà ta được đi vòng quanh Trái Đất rồi đấy !"

"Chưa đâu cha, nếu lần này không thành công, cha sẽ còn được đi tiếp."

Chúng tôi đang trên một con tàu, đến đảo Mackinac ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, tôi xây dựng được một sự nghiệp vững chắc cho mình. Nên có đầy đủ chi phí để đưa cha đi chữa bệnh. Nhưng sau gần mười năm ròng rã, trí nhớ của cha vẫn chẳng hề quay lại.

Cha luôn nhìn tôi mỗi khi chúng tôi nói chuyện. Nhìn tôi bằng cái nhìn của người cha, nhưng lại nhìn tôi bằng con mắt người xa lạ.

"Vậy ta thực sự bị bệnh nặng đến thế à, Như Kha ?"

Tôi lắc đầu.

"Ta tin con. Nhưng thực sự căn bệnh đó quá nguy hiểm ? Nguy hiểm tới mức con bỏ ra hàng chục tỷ đồng để chữa sao ?"

"Không, thưa cha. Căn bệnh không nguy hiểm. Nhưng căn bệnh đó tước đi thứ quan trọng nhất đời con."

"À, ta hiểu rồi."

Cha quay đi, hướng ánh mắt xa xôi về phía những lớp sương mù dày đặc bao phủ lấy cả con đường phía trước. Tôi nhìn cha chăm chú. Sống mũi bỗng cay cay.

"Thưa cha," - Tôi lầm bầm - "Con yêu cha..."

Đã lâu lắm rồi, khoé miệng tôi mới cất lên tiếng nói ấy.

[...]

"Cha, một giờ nữa là đến giờ phẫu thuật."

Người đàn ông tầm năm mươi đang ngồi trên chiếc ghế sofa bệnh viện bỗng quay ngoắt về phía tôi. Nở nụ cười trìu mến. Lại nữa rồi.

Lần chữa bệnh này, bác sỹ yêu cầu nên phẫu thuật. Bởi não của cha càng ngày càng trở nên tệ hơn. "Nếu tiếp tục chỉ khám mà không phẫu thuật, sẽ dẫn đến quá trình "quên và nhớ". Cha cô có thể sẽ quên hết tất cả mọi thứ ít nhất hai lần một tuần. Nó khá là nghiệm trọng." - Tuy không nghe quá rõ từng chi tiết vị bác sỹ ấy nói, nhưng tôi chắc chắn được hai điều. Thứ nhất, cha cần phẫu thuật. Thứ hai, ca phẫu thuật này quá nguy hiểm.

Tỉ lệ phẫu thuật thành công là 50-50, nhưng xác suất não ổn định sau phẫu thuật chỉ có chưa đầy 10%.

"Nhưng không phải là không có hi vọng, Như Kha." - Nắm chặt lấy bàn tay tôi, cha dịu dàng mỉm cười và trấn an - "Nào, nào, lại đây ta ôm con một cái."

Ghì chặt lấy cơ thể ốm yếu và gầy nhom của cha, tôi oà lên rồi nức nở. Cha đưa tay xoa xoa lấy mái đầu tôi. Lúc chuẩn bị tiêm thuốc mê, cha quay qua tôi, nhắm nghiền đôi mắt lại, mỉm cười hiền từ.

"Cảm ơn con vì tất cả, Như Kha."

Con cũng vậy, cảm ơn cha...

[...]

"Sóng vỗ vào bờ từng tiếng rì rào êm tai. Ngày hôm ấy con mới biết con yêu cha đến nhường nào."

[...]

"Thưa cha, cha có biết con là ai không ?"

"Phải rồi... Con là Như Kha, Trương Như Kha..."

"Con gái của ta..."

.

.

.

Hoa Kỳ, 25 tháng 9 năm 2017,
"Chào mừng cha trở lại..."

Trương Như Kha

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip