XII. Chuyện Về Ngày Hôm Đó


Mùa hè năm năm trước, Lalice vừa trở về từ chương trình đặc huấn tại nước ngoài và được phân công làm việc tại Cục Điều tra Liên Bang. Trên danh nghĩa là một đặc vụ đã hoàn thành khóa huấn luyện nâng cao với nhiều thành tích hợp tác phá án quốc tế, nhưng ở môi trường mới, cô chỉ là một lính mới "chân ướt chân ráo" bước vào cơ quan với những đồng nghiệp kỳ cựu, lão luyện.

Những ngày đầu tiên tại Cục không hề dễ dàng. Lalice luôn phải quan sát thật nhanh, lắng nghe thật nhiều, và nỗ lực gấp đôi để có thể bắt kịp nhịp độ làm việc của đội. Những buổi họp dài, những tập hồ sơ chất cao như núi, cùng vô số ánh mắt dò xét khiến cô nhiều lần tự hỏi liệu mình có thực sự phù hợp với công việc này. Thế nhưng, sự nghi ngờ bản thân chưa bao giờ khiến cô chùn bước. Lalice có một nguyên tắc không bao giờ thay đổi: "Công lý không chờ đợi, và người điều tra không được phép thỏa hiệp." Chính tinh thần đó đã giúp cô từng bước khẳng định bản thân.

Trong những ngày đầu làm việc, có lần cô được giao nhiệm vụ nhỏ: kiểm tra lại camera an ninh tại một tòa nhà liên quan đến vụ cướp. Khi nhận thấy các đoạn phim không đồng nhất về thời gian, cô đã tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và phát hiện ra hệ thống đã bị hack để che giấu dấu vết của băng nhóm tội phạm. Sự phát hiện này tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng, giúp đội điều tra mở rộng phạm vi phá án. Cô không chỉ nhận được lời khen từ trưởng đội, mà còn khiến nhiều đồng nghiệp phải nhìn cô bằng con mắt khác.

Dù vậy, Lalice không chỉ là một nhân viên chăm chỉ, mà còn là một người điều tra với tinh thần công lý mạnh mẽ. Có lần, trong một vụ án liên quan đến buôn người, cô nhìn thấy hồ sơ của những nạn nhân trẻ tuổi. Hình ảnh những khuôn mặt sợ hãi, ánh mắt vô hồn của họ khiến cô không ngủ được suốt nhiều đêm. Cô tự nhủ, mỗi vụ án không chỉ là những con số hay dữ liệu, mà là những câu chuyện, những số phận cần được bảo vệ. Từ đó, bất cứ khi nào gặp khó khăn, cô luôn nghĩ đến mục tiêu lớn lao hơn: không để nỗi đau của ai trở thành vô nghĩa.

Tinh thần không ngừng nỗ lực và lý tưởng công lý trong sáng của cô dần dần lan tỏa. Những đồng đội từng dè dặt nay bắt đầu tin tưởng và ủng hộ cô. Đội trưởng nhận xét rằng Lalice là "một đặc vụ trẻ nhưng có trái tim của một chiến binh thực thụ," còn đàn anh thì thường đùa rằng "cô bé này đúng là ngọn lửa nhỏ, một ngày nào đó sẽ thắp sáng cả đội điều tra."

Cho đến ngày hôm ấy.

Một vụ xả súng và bắt cóc con tin tại trường tiểu học Saint Mary Blue đã làm rúng động toàn thành phố. Vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn khi một trong hai con tin là Hailey, con gái của một chính trị gia nổi tiếng đang tranh cử chức Thị trưởng. Cô bé còn lại, Heather, là con của một chủ tiệm đồ câu cá trong khu phố, không có bất kỳ liên hệ gì đến chính trị. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi Heather cố gắng giữ chân một trong những kẻ bắt cóc để giúp bạn mình, và kết quả là cả hai bị đưa đi.

Nhóm bắt cóc, thuộc một tổ chức cực đoan, nhanh chóng đưa ra yêu sách đầy đe dọa:

"Hoặc từ bỏ tranh cử, hoặc ba ngày sau đến nhận xác con gái mày." Giọng nói của kẻ cầm đầu qua điện thoại lạnh lùng, méo mó do máy biến đổi âm thanh, khiến tất cả những người nghe không khỏi rùng mình.

Tòa nhà nơi bọn chúng chiếm cứ giam giữ con tin bị phong tỏa nghiêm ngặt, với các tay súng và bẫy nổ được bố trí khắp nơi. Cuộc đàm phán kéo dài suốt một tuần, nhưng càng ngày yêu cầu của bọn chúng càng trở nên quá quắt, đến mức đội đặc nhiệm nhận định rằng đàm phán hòa bình không còn khả thi.

Đội của Lalice khi đó được điều đến với vai trò hỗ trợ phân tích, lập chiến thuật. Trong các cuộc họp chiến thuật, Lalice đã đề xuất một phương án đột kích táo bạo nhằm giảm thiểu thiệt hại. Phương án này đòi hỏi phải dựa trên phân tích tâm lý nhóm bắt cóc, điểm yếu trong cách bọn chúng sắp xếp và cả một chút may mắn. Tuy nhiên, vì cô chưa có nhiều năm kinh nghiệm nên khi hợp tác với phía cảnh sát đặc nhiệm, những quan điểm và kỹ năng vượt trội của cô đã bị họ phớt lờ mà chẳng cần biết nó khả thi không. Nhưng với tinh thần nhiệt huyết, và tràn đầy lý tưởng về công lý, mỗi khi nhận được các đoạn ghi hình giám sát con tin được gửi về từ nhóm đàm phán, Lalice tự nhủ mình không được phép từ bỏ. Lalice không thể quên hình ảnh từ các đoạn video giám sát gửi về từ nhóm đàm phán: những đứa trẻ co rúm, run rẩy trong góc lớp học, ánh mắt sợ hãi đến mức ám ảnh. Heather, với mái tóc vàng hoe lấm lem bụi, vẫn cố gắng che chở Hailey trong từng khung hình, như một người bạn nhỏ gan góc nhưng bất lực. Những hình ảnh này không chỉ khơi dậy lòng trắc ẩn, mà còn thổi bùng lên sự căm phẫn trong cô.

Và rồi cấp trên ra chỉ thị bọn họ sẽ đột kích vào tòa nhà. Đêm cuối cùng trước khi hành động diễn ra, một cuộc gọi cuối từ nhóm bắt cóc vang lên trong không khí im lặng căng thẳng của phòng chỉ huy:

"Đếm ngược bắt đầu từ bây giờ. Mười hai giờ nữa, chúng tao sẽ gửi lời chào tạm biệt tới cả thế giới."

Khi đồng hồ điểm 3 giờ sáng, cuộc đột kích diễn ra. Những gì xảy ra trong đêm đó đã mãi mãi khắc sâu trong ký ức Lalice.
Tiếng súng vang vọng, tiếng nổ chói tai khiến không khí tại trung tâm chỉ huy chiến dịch nặng nề đến mức dường như chỉ một tiếng thở dài cũng có thể phá vỡ sự căng thẳng. Cuộc đột kích ban đầu đã thất bại thảm hại; đòn hỏa mù của nhóm bắt cóc không chỉ khiến lực lượng cảnh sát mất phương hướng mà còn làm truyền thông cả nước chĩa mũi dùi chỉ trích vào Cục Điều tra Liên Bang. Những dòng tít lớn trên báo chí mô tả vụ việc như một trò cười – cảnh sát được trang bị tận răng lại bị nhóm tội phạm qua mặt dễ dàng.

Trong bầu không khí áp lực ấy, tổng chỉ huy của cục điều tra, một người đàn ông dày dạn kinh nghiệm nhưng đang chịu sức ép từ các chính trị gia, quyết định đẩy nhanh tiến độ. Ông ra lệnh kéo dài đàm phán với bọn bắt cóc, nhưng song song đó, ông cũng đặc phái một điệp viên trà trộn vào khu vực xung quanh căn cứ của bọn chúng.

Chỉ sau vài giờ, điệp viên này phát hiện một lối đi từ hệ thống cống thoát nước thông lên tầng thông gió của tòa nhà. Báo cáo lập tức được gửi về, và tổng chỉ huy – dưới áp lực phải kết thúc vụ bắt cóc càng sớm càng tốt – đã lên kế hoạch triển khai một đội đặc nhiệm. Kế hoạch là đưa lực lượng đi theo đường ống đó, đồng thời bơm khí ngạt vào trong để khống chế bọn bắt cóc. Đây được xem như con đường nhanh nhất để giải quyết tình huống, trước khi truyền thông và các chính trị gia làm sự việc vượt tầm kiểm soát.

Nhưng với quan điểm không bao giờ chấp nhận những rủi ro không cần thiết, Lalice đã lên tiếng phản đối. Đứng giữa không gian ngột ngạt của phòng họp, cô bình tĩnh, ánh mắt đầy kiên quyết phân tích:

"Chỉ huy, chúng ta chưa xác định được vị trí chính xác của con tin trong tòa nhà. Nếu khí ngạt không đến đúng nơi, bọn bắt cóc hoàn toàn có thể đeo mặt nạ phòng độc và dùng con tin làm lá chắn. Nguy cơ gây tổn hại đến mạng sống của con tin là rất cao."

Câu nói của cô như một làn gió lạnh thổi qua căn phòng. Nhiều ánh mắt đổ dồn về phía Lalice – một đặc vụ trẻ dám đối mặt với cấp trên trong một tình huống căng thẳng như vậy. Tổng chỉ huy nhìn cô một cách khó chịu, nhưng không thể phủ nhận sự logic trong phân tích của cô.

"Vậy cô đề xuất gì?" Ông hỏi, giọng trầm nhưng đầy áp lực.

Lalice hít một hơi sâu, rồi trả lời dứt khoát:

"Chúng ta cần thêm thời gian để xác định vị trí chính xác của con tin. Bất kỳ hành động nào vội vàng đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tôi đề nghị sử dụng drone hoặc camera thăm dò đường ống trước khi triển khai khí ngạt."

Sự im lặng bao trùm căn phòng. Tổng chỉ huy cân nhắc lời đề xuất trong khi áp lực từ bên ngoài buộc ông phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Lalice nhận thấy sự do dự trong ánh mắt ông, nhưng cô biết mình không thể lùi bước. Với cô, tính mạng con tin luôn là ưu tiên hàng đầu, và không gì có thể biện minh cho một quyết định thiếu suy nghĩ, dù cho đó là áp lực từ cấp trên hay truyền thông.

"Không được, thưa ngài! Thủ tướng và nội các đã hạ lệnh rằng, bằng mọi giá, chúng ta phải tiêu diệt bọn phần tử cực đoan trước khi buổi lễ tranh cử công khai diễn ra. Với sự hiện diện của nhiều nghị viên cấp cao, nguy cơ chúng ra tay là rất lớn, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia." Một giọng nói trầm vang lên, nghiêm nghị phản đối đề xuất vừa rồi của cô đặc vụ trẻ. Người đàn ông đó, một đặc vụ lão luyện với thâm niên lâu năm, tỏ rõ vẻ không hài lòng khi phải tranh luận với Lalice, người chỉ vừa nhập Cục cách đây mấy tháng.

"Vậy nghĩa là chúng ta bỏ mặc hai đứa trẻ vô tội để tiêu diệt chúng sao?" Lalice kiên quyết lên tiếng, ánh mắt sáng rực đầy sự phản kháng.

"Không, chúng ta sẽ ưu tiên giải cứu con gái của ngài nghị viên." Giọng người đàn ông sắc lạnh, như đinh đóng cột. Một cảm giác tê liệt len lỏi trong tâm trí Lalice. Cô bé còn lại, Heather, sẽ bị bỏ mặc, chỉ vì không phải con của một người có quyền thế nên đã bị xem như một con tốt thí trong ván cờ chính trị đầy toan tính này. Một cú sốc lạnh ngắt xuyên qua cô, cảm giác bất lực đến ngộp thở.

"Không thể nào..." Lalice khẽ lẩm bẩm, nhưng ánh mắt người đàn ông như một lưỡi dao cắt ngang dòng suy nghĩ của cô:

"Cô mới về đây nên có lẽ chưa nắm rõ nguyên tắc làm việc của chúng tôi. Cấp trên ra lệnh, cấp dưới chỉ có nhiệm vụ tuân theo."

Lalice hít sâu, cố lấy lại bình tĩnh, rồi quay sang chỉ huy với hy vọng vớt vát:

"Thưa ngài..."

Người chỉ huy, dù ánh mắt lóe lên chút áy náy, vẫn quay đi, như thể không dám đối diện với cô. Ông ra lệnh, giọng trầm buồn nhưng dứt khoát:

"Tiến hành kế hoạch. Thổi khí ngạt, ưu tiên giải cứu con gái nghị viên và tiêu diệt toàn bộ phần tử cực đoan. Bằng mọi giá!"

"Rõ, thưa ngài!" Những tiếng đồng thanh dõng dạc vang lên khi các đặc vụ nhanh chóng rời phòng để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ còn lại Lalice, đứng chết lặng giữa căn phòng lạnh lẽo, như một hòn đá cứng đơ giữa dòng nước xoáy cuồn cuộn.

Ánh mắt cô lạc vào khoảng không, đôi bàn tay vô thức siết chặt thành nắm đấm. Những lời nói vừa rồi, "Không phải mọi sinh mạng đều công bằng," cứ như một tảng đá đè nặng trong tâm trí cô. Nó không chỉ là một câu nói, mà là sự thật nghiệt ngã phơi bày bản chất khốc liệt của nơi này. Một nỗi tức giận âm ỉ, một cảm giác bất lực không thể diễn tả bằng lời trỗi dậy trong cô.

Cô đặc vụ trẻ, người mang trong mình tinh thần công lý cháy bỏng, giờ đây đứng trước sự thật đắng cay: đôi khi, lý tưởng của cô chẳng thể vượt qua được những toan tính lạnh lùng của chính trị và quyền lực. Và ngay trong khoảnh khắc đó, cô biết, cuộc đời mình sẽ không bao giờ còn như trước.

Nhiệm vụ giải cứu con gái nghị viên và tiêu diệt bọn bắt cóc cực đoan được thực hiện chính xác từng bước như kế hoạch. Tuy nhiên, trong căn phòng cuối cùng của tòa nhà, bi kịch đã xảy ra: Heather, cô bé 8 tuổi còn lại, bị một tên bắt cóc sát hại trước khi đội đặc nhiệm kịp ập vào. Kết thúc vụ án, toàn bộ sự thật được che giấu một cách khéo léo bởi những báo cáo được "tô hồng" từ cấp trên. Bọn bắt cóc bị quy hết tội lỗi, và chính phủ nhanh chóng công bố một chiến dịch nhân đạo, bao gồm học bổng cho em trai Heather cùng những ưu đãi tài chính dành cho gia đình cô bé. Đối với dư luận, đây là một hành động thể hiện sự đồng cảm sâu sắc. Nhưng đối với Lalice, sự thật không thể nào dễ chấp nhận đến thế.

Trong cô, hình ảnh Heather nằm bất động trên sàn nhà còn nguyên vệt máu đỏ sẫm in trên áo đã trở thành một ký ức ám ảnh. Nỗi đau không chỉ vì một cô bé bị cướp mất mạng sống, mà còn vì sự thật bị bóp méo dưới danh nghĩa "ổn định lòng dân."

Tại buổi họp báo cáo vụ án, Lalice không thể giữ bình tĩnh. Khi đến phần tổng kết, cô đột ngột đứng lên, giọng nói lạc đi vì tức giận:

"Heather chết không phải do bọn chúng! Chính các ngài đã ra lệnh..."

Giọng nói nghẹn lại, đôi mắt cô đỏ hoe, như thể chỉ cần nói thêm một từ, nước mắt sẽ rơi.

Căn phòng chìm vào tĩnh lặng, không ai dám chen vào. Nhưng ngay khi cô định tiếp tục, một đồng đội trong đội đặc nhiệm đã vội kéo cô ngồi xuống, nhỏ giọng trấn an. Mọi người xung quanh liền lên tiếng biện hộ, rằng Lalice chỉ quá xúc động vì đây là lần đầu cô tham gia một vụ án lớn.

Buổi họp hôm đó khép lại trong sự nặng nề. Vài ngày sau, một lệnh cảnh cáo được đưa ra: Lalice bị chuyển khỏi đội đặc nhiệm liên bang và điều về đội điều tra hình sự. Sự thất vọng chồng chất, nhưng nó cũng trở thành bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời cô. Đêm cuối cùng tại căn cứ đặc nhiệm, cô đứng trước cửa sổ, nhìn ánh đèn thành phố nhấp nháy, tự hứa với chính mình:

"Tôi sẽ trèo lên cao nhất có thể. Quyền lực phải nằm trong tay tôi. Chỉ khi đó, tôi mới có thể bảo vệ niềm tin công lý của mình và những người không thể tự bảo vệ chính họ."

..Những tháng ngày tiếp theo tại đội điều tra hình sự không dễ dàng gì, nhưng Lalice chưa bao giờ quên lời thề ấy. Trong lòng, ngọn lửa công lý luôn âm ỉ cháy, trở thành động lực thôi thúc cô không ngừng tiến lên.

Tuy nhiên, có một điều Lalice không ngờ đến, đó là trong buổi họp định mệnh ấy, cô không phải người duy nhất nhìn thấy sự bất công.

Ở một góc phòng, Rosie - khi đó vẫn còn là nhân viên phòng pháp chứng - pháp y, nàng cũng là người phụ trách khám nghiệm hiện trường - đã dõi theo cô với ánh mắt khó diễn tả. Chính Rosie cũng đã phát hiện những điểm bất thường trong bản khám nghiệm tử thi của bọn bắt cóc và Heather. Nhưng trước áp lực của cấp trên, nàng buộc phải viết báo cáo theo ý họ.

Chính vì vậy, khi chứng kiến Lalice dũng cảm đứng lên nói ra sự thật, Rosie như nhìn thấy một ngọn hải đăng giữa màn đêm - dũng cảm, kiên định, và không ngại đối diện với sóng gió. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Rosie chợt cảm nhận lòng mình lóe lên một tia sáng.

Tia sáng đó, nàng tin, chỉ dành riêng cho Lalice.

Hết chương 12.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip