Bi kịch bị cự tuyệt của Chí Phèo
Sau lời tỏ tình ngày hôm ấy, Chí và Thị đã ở bên nhau hạnh phúc trọn vẹn năm ngày. Năm ngày ấy, Chí Phèo rất hiền, lòng Chí Phèo tràn ngập niềm tin tưởng và hy vọng sớm được quay trở về cuộc đời của những người lương thiện, và Chí Phèo nghĩ là Thị Nở sẽ giúp mình làm hòa với mọi người. Chỉ có điều, Thị Nở dở hơi, chợt nhớ mình còn một bà cô ở trên đời, nội trong hôm nay đi vắng sẽ về. Hãy dừng yêu để hỏi ý kiến bà cô đã.
Khi Thị Nở hỏi, bà già kia bật cười, bà tưởng cháu bà nói đùa. Thái độ này của bà cô chứng tỏ trong suy nghĩ của những người lương thiện, Chí Phèo không phải là con người. Họ đã loại Chí khỏi cộng đồng những người lương thiện kể từ ngày Chí Phèo bắt đầu làm tay sai cho nhà cụ Bá. Khi chợt nhớ ra cháu mình dở hơi, bà già bỗng trở nên hoảng hốt. Có lẽ đó là nỗi lo sợ Chí Phèo làm hại Thị Nở. Không đồng ý với hôn sự giữa người và "con quỷ dữ", lại kết hợp với nỗi tủi nhục của riêng mình, thế nên bà cô già đã trút hết sự uất ức, giận dữ lên Thị Nở: "Bà gào lên như một con mẹ dại. Bà xỉa xói vào mặt cái con cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót đời".
Khi bị cô chửi, Thị Nở lộn ruột. Vì không cãi được nên Thị uất ức, giận dữ. Thị tìm đến Chí Phèo rồi trút tất cả những lời lẽ cay độc ấy lên Chí giữa lúc Chí đang uống rượu và lầm bầm chửi. Hành động của Thị rất phũ phàng: "Thị chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và dớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô". Những hành động ấy chứng tỏ con đường hoàn lương của Chí vừa mới hé mở ra, đã bị đóng sầm lại. Xã hội đã không cho Chí trở lại làm người lương thiện được nữa.
Chí đau đớn, tuyệt vọng khi bị Thị Nở chối từ. Hắn cứ ngồi như thế, ngẩn mặt, chứng tỏ Chí đã hiểu rất rõ về cảnh ngộ của mình. Thoáng một cái, Chí ngửi thấy mùi cháo hành- đó là dư vị của tình thương ít ỏi mà Chí đang rất cần. Nó chỉ thoáng xuất hiện trong cuộc đời của Chí, thế nhưng nó lại khiến Chí say, và khát khao níu giữ. Để bắt đầu hành trình níu giữ ấy, Chí đứng lên gọi Thị Nở quay lại. Khi Thị không quay lại, Chí đuổi theo và nắm lấy tay. Thị Nở đã gạt ra, dúi thêm một cái, Chí Phèo ngã ra sân. Hành động đó dập tắt mọi hy vọng níu giữ của Chí Phèo. Đó là hành động hắt hủi, ruồng bỏ phũ phàng của một người phụ nữ đã từng là tình yêu, niềm tin và hy vọng của hắn. Đến đây, Chí đã thực sự rơi vào bi kịch tinh thần đau đớn- bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Trong tận cùng của nỗi đau, là sự tuyệt vọng của Chí Phèo. Hắn đã quyết định phải uống rượu để quên đi nỗi đau đớn ấy và để trả thù kẻ đã làm hại đời mình. Nhưng lạ một nỗi, Chí càng uống càng tỉnh và hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hơi cháo tình người lần thứ ba được nhắc đến khiến cho lương tri của Chí trỗi dậy mạnh mẽ. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Ta dễ dàng nhận thấy, đây là lần thứ hai Chí Phèo rơi lệ. Nếu lần trước là giọt nước mắt của sự xúc động, hạnh phúc vì được Thị Nở yêu, thì đay là giọt nước mắt đau khổ khi bị Thị Nở bỏ rơi. Con đường hoàn lương của Chí hoàn toàn đã không thể tiếp tục được nữa.
Khi nỗi tuyệt vọng dâng lên đỉnh điểm, Chí đã ra đi cùng với một con dao. Ban đầu, Chí định giết bà cô Thị Nở, nhưng Chí lại đến thẳng nhà Bá Kiến. Đó là giây phút đầu óc Chí Phèo rất tỉnh táo để hiểu ra kẻ thù đích thực đã hủy hoại đời hắn, không ai khác chính là Bá Kiến. Đến đây, Chí dõng dạc nói: "Tao muốn làm người lương thiện". Nhưng rồi, Chí đã hiểu, mình không thể lương thiện được nữa: "Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không! Chỉ còn một cách... biết không!... Chỉ còn một cách là... cái này! Biết không!...". Lời nói của Chí đanh thép, đầy căm uất và phẫn nộ, là tiếng thét lên từ bi kịch cuộc đời. Và cuối cùng, hình ảnh hắn giãy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi đã để lại trong lòng độc giả nhiều ám ảnh. Đó là bi kịch của một người nông dân đã bị bần cùng hóa, và rồi trở nên lưu manh hóa.
Cái chết của Chí Phèo là minh chứng cho sự tuyệt vọng không lối thoát, là con đường duy nhất để Chí còn sống mãi; vì ít nhất, chết cũng khiến cho Chí Phèo không còn làm được những điều ác nữa, chết sẽ giữ được ít nhiều cái bản chất lương thiện vốn có ở con người này. Để nhân vật của mình chết chính là một biểu hiện của giá trị nhân đạo mới trong sáng tác của Nam Cao.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip