Quá trình Chí Phèo bị tha hóa


Chí Phèo vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ, Chí lớn lên nhờ lòng tốt của những người dân làng Vũ Đại: "Vào một buổi sáng tinh sương, có một anh đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo trần truồng và xám ngắt trong một chiếc váy đụp, bên cái lò gạch bỏ không. Sau đó anh đem về cho người đang bà góa mù nuôi, rồi lại được chuyền tay cho bác Phó cối không con. Khi những người nuôi Chí Phèo đều chết hết, Chí đã phải đi ở, làm thuê cho rất nhiều người".

Năm hai mươi tuổi, Chí Phèo làm canh điền cho Bá Kiến. Ở đây, Chí được đánh giá là hiền lành, chăm chỉ và chịu khó lại điển trai nên Chí đã bị bà Ba lợi dụng. Khi ấy, Chí chỉ thấy nhục và sợ. Gạ gẫm đến nơi không được, nên bà Ba đã mắng Chí xơi xơi.

Chí Phèo có một ước mơ giản dị là có một gia đình nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ se tơ dệt lụa, khấm khá thì nuôi con lợn làm vốn, mua dăm ba sào ruộng để làm. Chứng tỏ, Chí Phèo có tâm hồn trong sáng và yêu lao động.

Như vậy, Chí phèo là người có tuổi thơ bất hạnh, đáng thương. Thế nhưng, Chí may mắn đã được nuôi dưỡng để trở thành người lương thiện. Chí chăm chỉ, chịu khó, giàu lòng tự trọng, nên không dễ đang bán rẻ danh dự và nhân cách của mình. Nhưng dù hiền lành, chịu khó, Chí vẫn không được sống một cuộc đời bình yên. Chí bị Bá Kiến ghen, nên đã mượn tay nhà tù thực dân, đẩy Chí Phèo vào bước đường cùng. Một ngày nọ, Chí bị người trên huyện về bắt, giải đi, và bảy tám năm sau, Chí Phèo được ra tù.

Và sau bảy tám năm đó, Chí Phèo từ một người hiền lành, điển trai, trở nên thay đổi về cả nhân hình và nhân tính. Hắn mang dáng dấp của một kẻ du côn, du đãng: "Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!". Hắn có cái mặt cơng cơng như thách thức cuộc đời, đôi mắt hắn gườm gườm như chất chứa nỗi hận đời. Và hắn phanh ngực như cố tình phô trương sức mạnh để trả thù đời. Sự thay đổi quá nhiều ấy của Chí khiến nhiều người dân làng Vũ Đại không còn nhận ra hắn là ai nữa.

Không chỉ có sự thay đổi lớn về nhân hình, mà tính cách của Chí cũng đã biến đổi hoàn toàn. Khi xưa, hắn là người hiền lành, nhẫn nhịn và chịu đựng; thì giờ đây, tính cách lưu manh đã thể hiện trong từng lời nói và hành động. Chí về hôm trước, hôm sau đã ra chợ uống rượu với thịt chó, Chí say rồi Chí chửi, Chí xách thêm vỏ chai đến nhà cụ Bá, nung nấu ý định trả thù.Vì sao vậy, vì sao bảy tám năm bị cầm tù bởi bọn thực dân, Chí hiểu rằng, người khiến hắn phải ngồi tù, biến hẳn trở nên thay đổi biến chất như bây giờ không ai khác chính là Bá Kiến.  Chí gọi tên tục cụ Bá ra mà chửi, Chí đào mồ mả tổ tiên cụ Bá lên mà chửi, Chí rạch mặt rồi nằm ăn vạ. Hành động đó chứng tỏ Chí rất liều lĩnh, không sợ gì, không sợ ai và sẵn sàng chết.

Dù tha hóa đến đâu, Chí Phèo vẫn mang bản chất của người nông dân ngờ nghệch và dại dột; vì thế, khi đối mặt với kẻ thù bốn đời làm tổng lí, lại có nghề bóc lột, đè nén gia truyền, thì Chí Phèo đã thua. Kể từ đây, Chí Phèo đã trở thành tay sai cho Bá Kiến.

Bá Kiến đã dùng tiền để mua chuộc Chí Phèo theo đúng phương châm "Dùng thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò". Để có thể đi đâm chém và đòi nợ cho Bá Kiến, Chí Phèo phải thường xuyên uống rượu, thường xuyên say. Chí Phèo đi trả thù bất cứ ai chống lại Bá Kiến. Chí đã phá nát bao nhiêu gia đình, đạp đổ bao nhiêu cơ nghiệp, làm chảy máu và nước mắt của những người lương thiện. Chí là nỗi sợ hãi của người dân làng Vũ Đại. Người lương thiện đã tìm cách tránh, không giao tiếp với Chí. Vô hình chung, Chí bị loại ra khỏi cộng đồng của những người lương thiện mà không hề hay biết.

Khi bị loại ra khỏi xã hội, Chí càng uất ức, càng hận đời, càng uống rượu và càng chửi: "Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: 'Chắc nó trừ mình ra!'. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? À ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đẻ ra Chí phèo". Có thể dễ dàng nhận ra, thứ ngôn ngữ duy nhất mà Chí Phèo có là những tiếng chửi- đó không phải là tiếng nói của người mà là tiếng gầm của loài dã thú.

Nếu như trước đây, đi tù về, nhân hình của Chí biến đổi một phần, vẫn còn có người nhận ra Chí, thì bây giờ, sau thời gian làm tay sai cho Bá Kiến, hình dạng của Chí đã biến đổi triệt để. Nhìn mặt của Chí, người ta tưởng đó là mặt của một con vật lạ, và nhìn vào nó khó có thể đoán được tuổi tác vì trên khuôn mặt ấy toàn là những vết sẹo dọc ngang chằng chịt. Trong mắt mọi người, Chí thực sự là con quỷ dữ, là nỗi khiếp sợ của người dân làng Vũ Đại.

Như vậy, qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo, nhà văn Nam Cao muốn nêu lên hiện tượng có tính quy luật của đời sống xã hội xưa, đó là một bộ phân nông dân lương thiện bị đẩy vào bước đường cùng, họ quay ra chống trả để rồi trở thành những kẻ lưu manh, côn đồ, không còn đất để dung thân. Qua đây, tác phẩm lên án xã hội đã đè nén, áp bức người lương thiện.






Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip

Tags: