Đợi!

Tại sao con người ta lại thù ghét chiến tranh như vậy? Chẳng phải là do nó cướp đi rất nhiều thứ của con người sao? Từ của cải vật chất, đến cả những đất đai, ruộng vườn tươi tốt và nó còn cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu người dân vô tội. Biết bao nhiêu máu xương đồng bào phải vùi dưới lớp đất đen để đổi lấy tự do.

Trịnh Chí Vinh chắc cũng phải căm thù cái cuộc chiến vô nghĩa ấy lắm. Vì nó mà một đại gia đình gồm mười một người sống hạnh phúc, quây quần bên nhau giờ chỉ còn lại mình anh. Một mình trơ trọi, một mình cô độc giữa những tháng năm bộn bề.

Mọi người sẽ luôn thấy một Trịnh Chí Vinh u sầu, lãnh đạm đối mặt với cuộc sống cô đơn, không sắc màu này.

Sau khi Giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền Nam – Bắc, đất nước ta bắt đầu công cuộc phát triển nền kinh tế và đời sống xã hội. Mở đầu là kế hoạch hợp tác hóa. Chí Vinh hiện tại cũng chỉ có một mình, các cán bộ điều anh đi đâu anh cũng đi, chẳng thắc mắc, chẳng phàn nàn.

Lần này đồng chí Vinh được điều đến một thành phố biển xinh đẹp. Cũng như mọi khi, dễ dàng chấp nhận nhiệm vụ được giao. Nhưng lần này lại có chút khác biệt, anh trông có vẻ hào hứng hơn. Có thể là vì sắp được trải nhiệm cuộc sống của một ngư dân, ngày ngày nghe tiếng sóng vỗ - đó là thứ mà chốn Thủ đô này không có. Trịnh Chí Vinh háo hức mong chờ, chuẩn bị tư trang để có thể xuất phát ngay lập tức.

Trịnh Chí Vinh cùng các anh em trong đoàn đến đó để giúp nhân dân thành lập ra các hợp tác xã, khai triển kế hoạch hợp tác hóa, hay về sau này còn được gọi là thời kỳ bao cấp. Thời kỳ mà mọi người cùng nhau lao động sản xuất, cùng nhau phân chia thành quả lao động. Mọi nhu yếu phẩm được chia theo đầu người, xét theo hộ khẩu. Nhà nước sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân dựa vào tem phiếu.

Sau một vài ngày làm việc, các công việc gần như được sắp xếp ổn thỏa thì Chí Vinh mới có thời gian để nghỉ ngơi. Hoàng hôn buông, ánh chiều tà rọi xuống mặt nước biển lung linh sắc trời cam đỏ. Tiếng gió rít mạnh hòa cùng tiếng sóng rì rào, tiếng kêu của đàn chim hải âu chao liệng trên mặt sóng dữ dội. Những âm thanh ấy quyện lại với nhau, tuy ồn ào nhưng lại giúp con người ta thư thái đến lạ. Chỉ cần nghe thấy âm thanh của biển, mệt mỏi trong anh cũng như tan biến.

Chí Vinh trèo qua từng mỏm đá kè chắn sóng, từng giọt nước bắn lên trên khuôn mặt, anh ngửi được cả vị mặn của nước biển. Khi Chí Vinh sắp tới được lãnh địa của mình – một mỏm đá cao, bằng phẳng mà anh tìm được mấy hôm trước, trong lòng vui vẻ không ngừng. Nhưng khi tới nơi, anh nhận ra vị trí đắc địa của mình đã bị cướp đi mất rồi. Một cậu trai dáng người gầy gò và làn da rất trắng. Dân vùng biển mà trắng như cậu ta thì ít có lắm.

Cậu ta đang ngồi khom lưng, hí hoáy tô tô vẽ vẽ trên cuốn tập đã ngả vàng bằng mấy cây màu cũng đã gãy đôi, gãy ba.

Chí Vinh không tiến lại nữa, anh đứng trên mỏm đá cách đó không xa, đứng nhìn cậu ta đến thất thần. Người phía trước như không hề nhận ra sự xuất hiện bất ngờ này, cậu vẫn chăm chú vào tác phẩm của mình.

Chẳng biết Chí Vinh đã đứng đó bao lâu, không tiến đến gần cũng không quay trở về. Anh cứ như vậy, đứng đó, lẳng lặng quan sát. Cho đến khi cậu trai đó đứng dậy, chuẩn bị rời đi thì chân anh cũng đã tê rần như có hàng vạn con kiến bò, không thể nhúc nhích.

Cậu trai đó nhìn thấy anh đang hướng về phía mình, lịch sự cúi chào, Chí Vinh cũng không thể thất lễ. Anh đang định lên tiếng hỏi thăm thì bị nụ cười của cậu làm cho đứng hình. Nụ cười của cậu trai ấy như nắng ngày xuân - ấm áp, tươi tắn.

Ðối với Trịnh Chí Vinh, ngay khoảnh khắc ấy thời gian như ngưng đọng lại vài giây. Hai người họ yên lặng đối mặt với nhau, cùng đón từng cơn gió biển mát rượi.

Nhưng một câu nói "Ê, về thôi!" của ai đó vang lên phá vỡ đi sự yên tĩnh, thời gian lại tiếp tục chảy. Như bù lại phút lắng đọng ban nãy, mọi thứ trước mắt Chí Vinh như được tua nhanh, cậu trai ấy vội vàng thu dọn đồ đạc rồi cũng nhanh chóng chạy đi mất, để lại trong Chí Vinh một chút tiếc nuối.

Một mảnh giấy cũ, nhơm nhở những viết xé rơi ra từ cuốn vở ngả màu của cậu, theo chiều gió cuốn bay loạn trên không trung. Anh cố đi theo, với lấy mảnh giấy nhưng nhất thời di chuyển khó khăn vì đôi chân tê cứng của mình. Mảnh giấy dần bay thấp xuống rồi hạ mình dưới dòng nước.

Dù Chí Vinh có nhanh tay cỡ mấy thì vết mực trên tờ giấy cũng đã nhòe đi, khó có thể đọc được. Chí Vinh trong lòng có chút hụt hẫng. Anh giơ tờ giấy đã giữ chặt trong tay lên cao, hi vọng nó sẽ được những cơn gió mát lành hong khô.

Chí Vinh trở về căn nhà nhỏ mà Nhà nước đã cấp cho cán bộ. Trong cái ánh sáng lờ mờ của sắc trời khi chập tối, anh cán bộ Trịnh ngồi vào bàn làm việc như mọi ngày, nhưng hôm nay lại là để nghiên cứu về một mảnh giấy ướt đã nhòe đi nét mực. Mất một khoảng thời gian khá lâu, anh mới có thể dịch lại những nét chữ đã mờ nhòe. Một bài thơ, một nét chữ nghiêng đều đặn đẹp đẽ, mặc dù có bị nhòe đi thì vẫn có thể nhận ra điều đó.

"Hôm nay ngồi trước biển
Ðể cho sóng cuốn đi,
Tất cả những muộn phiền
Ðể cho gió thổi bay,
Những nỗi buồn triền miên
Ðể cho tôi cảm thấy,
Tâm hồn được an yên.

Ngày 10 tháng 6 năm 1976,

xxxxxxxxxxx"

Một vài câu thơ đơn giản nhưng khi đọc nó, Chí Vinh lại cảm thấy yên bình đến lạ. Không còn cảm giác cô đơn, lạc lõng nữa, chỉ thấy tiếc nuối vì không thể biết được tên tác giả.

Sau buổi chiều hôm ấy, mỗi ngày Chí Vinh đều đúng giờ đó, đi ra biển, đến nơi thánh địa của mình. Lý trí anh nói ra ngoài đó để thư giãn, nhưng trong trái tim anh thừa biết lý do là gì. Anh muốn gặp lại cậu trai đó. Nhưng đã qua bao ngày rồi, cậu ấy chẳng hề xuất hiện.

Tháng đầu tiên mà chính sách bao cấp được áp dụng. Mọi người trong hợp tác xã háo hức cầm tem phiếu trên tay, xếp hàng chờ đợi. Chí Vinh là cán bộ của hợp tác xã, anh đứng nhìn hàng người xếp dài trong sân. Sau đó đọc to tên từng nhà, số lượng gạo và nhu yếu phẩm rồi tận tay trao cho họ.

Mọi người ở đây quý anh lắm, một anh chàng điển trai, nho nhã lại lịch sự, đã vậy còn là cán bộ Nhà nước. Mấy cô gái trong vùng cũng đem lòng thầm thương trộm nhớ anh.

Thỉnh thoảng mấy chị em gái cũng trêu anh, nhưng Trịnh Chí Vinh chỉ cười nhẹ, hoặc buông vài câu đùa nhạt nhẽo để trả lời. Với mọi người, anh chính là người chính trực, thẳng thắn và không biết đùa. Khuôn mặt luôn luôn nghiêm túc, nhưng cái đầu lúc nào cũng nghiêng sang một bên.

Sau một tháng thực hiện kế hoạch hợp tác hóa, những vấn đề bất cập dần xuất hiện khiến cho Chí Vinh và các anh em cán bộ phải đau đầu suy nghĩ, tìm cách khác phục.

Hàng hóa cũng như nhu yếu phẩm nhiều khi không đủ để cung cấp cho mọi người. Nhất là gạo. Lắm lúc người dân phải xếp hàng cả ngày dài nhưng khi đến lượt mình thì gạo đã hết thì cũng chỉ có thể lẳng lặng quay về chờ đợt tiếp theo. Các anh cán bộ cũng đồng ý với ý kiến của Chí Vinh, sẽ trích một phần gạo của mình ra cho những nhà dân chưa có dùng tạm mấy ngày. Tạm thời khác phục khó khăn.

Trời đã sang thu, tháng Chín là tháng tựu trường của học sinh các cấp. Nên từ giữa tháng Tám, tại hợp tác xã đã ồn ào náo nhiệt. Trong tháng này, nhà nào có con nhỏ chuẩn bị đi học sẽ được cấp thêm một mét rưỡi vải để may cho bé tấm áo mới tới trường. Lũ trẻ con biết được tin như vậy thì rất vui, chúng nó kéo nhau chạy đến sân hợp tác xã nô đùa, nghịch ngợm. Các nhà giáo cũng được tặng thêm hai mét vải nên hợp tác xã hôm nay đông vui hẳn.

Giữa một nhóm các cô giáo trẻ tuổi tươi cười, dáng hình một chàng trai nhỏ nhắn trắng trẻo lọt vào tầm mắt của Chí Vinh. Ðó là chàng trai anh đã gặp trên bờ biển hai tháng trước. Cậu đứng trong góc, khuôn mặt đỏ lựng lên khi bị các chị cán bộ trêu chọc gọi là "em bé". Nhưng chẳng ai biết được, lý do chính xác nhất là do cậu vô tình chạm phải ánh mắt của ai kia.

Chí Vinh vẫn như ngày hôm ấy, đứng đơ ra tại chỗ mà nhìn cậu. Nếu không phải có người vỗ vai nói bắt đầu chia vải thì chắc anh vẫn tiếp tục nhìn.

Chí Vinh là như vậy, khi đã làm việc thì tập trung hết mức, không thể bị phân tâm bởi bất kì điều gì. Vậy nên anh không hề biết rằng, ánh mắt dịu dàng, say đắm của cậu trai ấy cũng đang hướng về phía anh.

Cậu là người cuối cùng đến lấy vải, khi này thì trời cũng đã đứng bóng nên người cũng đã ra về gần hết. Chí Vinh đưa đến tay cậu miếng vải trắng tinh, hai ngón tay vô tình chạm vào nhau, như có một dòng điện, nó khiến khuôn mặt cả hai đỏ bừng lên. Hai người họ cứ đứng yên như vậy, không nói với nhau câu gì, nhưng cũng không ai muốn ra về.

Tiếng gọi của chị Thu trưởng xã đoàn gọi với ra: "Vinh vào ăn cơm trưa thôi em. Thầy Khôi cũng vào đây ăn cơm với anh chị. Ðứng ngoài đấy làm gì cho nắng." Cả hai cùng "dạ" một tiếng, trả lời chị rồi quay ra nhìn nhau. Thầy Khôi ngại ngùng cúi đầu, chuẩn bị xoay người rời đi thì bị cán bộ Vinh giữ lại. Anh nhẹ giọng nói:

- Ðằng ấy ở lại ăn cơm với chúng tôi! - giọng anh tha thiết.

- Thôi. Anh vào ăn cơm đi, kẻo các anh các chị lại chờ. Tôi về ăn cơm với mẹ. - Cậu nhẹ nhàng từ chối.

- Ðằng ấy cứ vào đây, tôi có việc muốn nhờ đằng ấy. - Chí Vinh đưa ra một lý do hòng thuyết phục cậu.

- Ðể chiều tôi tự sang cũng được. - Lại một lời từ chối khéo léo.

- Hay để tôi đưa đằng ấy về?

Chí Vinh chẳng hiểu sao mình lại nói ra câu đó. Trong trường hợp khác thì đó là thể hiện sự ga lăng. Nhưng hiện tại thì hình như không đúng lắm thì phải. Cậu bật cười thành tiếng.

- Anh cán bộ ơi, đây là quê nhà tôi đấy! Anh vào ăn cơm trưa đi kẻo muộn. Tôi xin phép, tôi về.

Cậu vừa dứt lời thì đưa tay chạm nhẹ vào bàn tay anh. Chí Vinh muốn nắm lấy bàn tay trắng mềm ấy, nhưng lại chẳng dám.

Sau giờ ăn trưa, mọi người không có thời gian ngủ nghỉ, họ lại bắt đầu kiểm tra hàng hóa lại một lượt. Chí Vinh chẳng hiểu sao lại cứ thẫn thờ, đây là lần đầu anh mất tập trung như vậy. Anh còn đang chìm trong suy nghĩ về bóng hình ai đó thì giọng nói quen thuộc cất lên.

- Em chào mọi người ạ. Mọi người cần em giúp gì không ạ?

Cậu ngoan ngoãn lễ phép chào hỏi.

- Thầy Khôi qua đây có việc gì thế?

Chị Thu thắc mắc hỏi. Ðiều này khiến cả cậu và anh đều lúng túng. Cậu vừa định mở miệng thì Chí Vinh liền vội vàng giải thích.

- Em nhờ thầy Khôi đến lấy giấy tập, bút viết và phấn bảng. Thầy kiểm tra số lượng, chất lượng cho chắc.

Một lý do hợp lý khiến mọi người phải công nhận ngay lập tức. Và cậu cũng không thắc mắc gì thêm.

Chiều hôm ấy, thầy Khôi phụ giúp mọi người rất nhiều. Cậu làm việc cũng rất cẩn thận, mọi thứ đều ngay ngắn, gọn gàng. Cậu còn được mở mang tầm mắt về tài tính toán và khả năng ghi nhớ siêu đỉnh của Chí Vinh. Những con số, số liệu lớn anh đều nhớ và tính tổng, hiệu của chúng một cách nhanh chóng, chính xác mà không cần phải đặt bút tính. Chí Vinh thấy cậu nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ thì thầm mở cờ hội trong lòng.

Sau khi mọi người kiểm tra chất lượng của nông sản trong hợp tác xã, một số cán bộ ở lại sắp xếp, bảo quản thực phẩm và dọn dẹp nhà kho cho sạch sẽ. Còn Chí Vinh và thầy Khôi thì đi soát lại đồ dùng cho trường học thêm một lượt nữa. Lúc này, mặt trời cũng đã sắp lặn, công việc cũng xong xuôi. Mọi người về cũng đã gần hết, thầy Khôi vừa đi ra tới cổng thì bị một tiếng gọi giữ lại.

- Thầy Khôi ơi!

Chí Vinh lớn giọng gọi cậu lại. Giọng nói này đã trở lên quen thuộc với cậu sau buổi chiều hôm nay.

- Anh Vinh gọi tôi ạ? Có chuyện gì không anh?

Cậu quay lại, nhìn anh chạy ra từ trong nhà. Dáng người cao gầy, sơ mi trắng sơ vin bồng cốt với quần âu đen, nhìn thế nào cũng thật nho nhã, lịch sự. Và có chút đẹp trai. Cậu cứ nhìn anh chạy tới, rồi khuôn mặt trở lên phớt hồng lúc nào không hay.

- Ðằng ấy có... có bận rộn việc gì không? Ðằng ấy ra đây với tôi một lát...được chứ?

Chí Vinh ấp úng mãi mới nói ra thành lời được. Thầy Khôi liền gật đầu đồng ý.

- Ðược chứ. Tôi rảnh mà. Anh Vinh vào làm nốt việc đi, tôi chờ anh ngoài này.

Cậu vừa dứt lời, anh gật đầu một cái rồi lại chạy vào trong. Chẳng biết có việc gì quan trọng mà anh vội vàng thế, nhưng trông đáng yêu lắm.

Chí Vinh đưa cậu ra biển, ra mỏm đá mà ngày đầu hai người bọn họ thấy nhau. Trên đường đi, cả hai cứ im lặng, chẳng ai nói gì chỉ sánh vai đi bên cạnh nhau. Chí Vinh đỡ cậu bước đi trên những mỏm đá cao và cũng khá cheo leo. Cậu cũng chẳng từ chối, cho dù những chỗ này cậu đã đi quen từ những ngày còn nhỏ xíu. Cũng chẳng thắc mắc sao anh lại đưa cậu ra đây. Cứ như vậy theo sau anh ra chỗ mỏm đá cao nhất, bằng phẳng nhất.

Hai người ngồi xuống cạnh nhau. Ánh nắng chiều chiếu xuống hai thân ảnh gầy gò trước mênh mông sóng biển. Chí Vinh đưa tay vào túi áo, lấy ra hai mảnh giấy rồi giơ ra trước mặt cậu. Anh nói: "Cái này là đằng ấy làm rơi vào cái hôm ta gặp nhau ở chốn này đấy. Tôi chép lại được bài thơ nhưng không rõ được tên tác giả. Ðằng ấy tên gì để cho tôi biết, tôi viết nốt lên đây."

Cậu nhận lấy tờ giấy từ tay anh. Hết nhìn vào tờ giấy đã loang lổ vết mực rồi lại nhìn sang những nét chữ ngay ngắn mà anh đã chép lại. Cậu cười thật tươi, quay sang nhìn anh rồi nói: "Chữ của cán bộ Trịnh đẹp quá!"

Nghe cậu gọi như vậy Chí Vinh cảm thấy hơi xa lạ, sợ mình làm cậu khó chịu rồi. Anh liền hỏi lại, trong giọng nói cũng nhận ra được sự hoảng hốt: "Sao lại gọi tôi là cán bộ Trịnh rồi? Ðằng ấy gọi tôi là anh Vinh cũng được. Không có sao đâu."

Cậu nhìn anh như vậy thì bật cười.

- Tôi nhiều tên lắm! Anh Vinh muốn biết cái nào?

Cậu vừa nói vừa cười, nhìn khuôn mặt anh đỏ lựng thì nổi lên ý muốn trêu chọc.

- Thì đằng ấy cho tôi biết cái tên nào mà ít người biết ấy.

Chí Vinh biết cậu trêu mình nên cũng đùa lại với cậu.

- Tôi tên Kim Hách Khôi. Nhưng anh ghi xuống dưới bài thơ tên Hách Khôi giúp tôi. Hay anh muốn đặt cái tên mới cũng được, tên ấy chỉ mình anh biết thôi.

Sau câu nói đó, hai người họ nhìn nhau cười đến vui vẻ. Trịnh Chí Vinh đã bao lâu rồi chưa cười như vậy? Anh cũng chẳng biết nữa. Chỉ biết, hiện tại Hách Khôi là người duy nhất khiến anh cười hạnh phúc đến vậy.

Vậy thì em sẽ là Cá nhỏ. Cá nhỏ của mèo cam.

Trước khi mặt trời nằm hẳn xuống lòng biển sâu, hai người họ cũng đứng lên ra về. Trong cái ánh sáng chạng vạng của hoàng hôn, hai dáng người cao gầy lại vai kề vai. Chí Vinh đưa Hách Khôi về đến đầu ngõ nhà cậu.

Trước khi vào nhà, cậu hẹn anh ngày mai lại ra đó, lần này đến lượt cậu có việc nhờ anh. Chắc chắn là chẳng cần do dự, Chí Vinh lập tức gật đầu đồng ý. Sau khi thấy cậu vào nhà, Chí Vinh vui vẻ nhảy chân sáo đi về. Tất cả những hành động ngốc nghếch của anh đều bị người nào đó nấp sau bức tường gạch vôi trông thấy hết.

Ðêm đó có hai người ngủ mơ. Họ mơ về nhau. Khóe miếng nhếch lên một nụ cười mãn nguyện.

Sáng hôm sau, Hách Khôi muốn lên trường học để xem lại bàn ghế, còn hai tuần nữa là đến khai giảng rồi. Cậu muốn dọn dẹp lại các phòng học một lượt.

Hách Khôi vừa ra khỏi ngõ, một dáng người cao cao mặc sơ mi trắng đang đứng bên cây bằng lăng đầu ngõ, tay còn nghịch mấy chiếc lá non. Cậu thu hết khung cảnh này vào tầm mắt, nén xuống tiếng cười mà đi tới vỗ vai anh. Hai người nhìn nhau cười thật tươi, cảnh vật xung quanh đều tĩnh lặng. Yên bình đến lạ!

Hai người họ sánh bước bên nhau, đi trên con đường làng quen thuộc. Ánh mặt trời vừa ló rạng, chiếu xuống vạn vật. Bầu trời ngày thu cao xanh, trên cao là mây trôi lững lờ chứ không còn là máy bay của địch. Gió mang theo vị mặn của biển bay vào trong làng, thay cho mùi thuốc súng của những năm dài kháng chiến. Thoáng nghe được cả tiếng sóng biển rì rào và tiếng muông chim hót líu lo chứ không phải tiếng bom đạn. Hoà bình thật đẹp!

Ðó là hương vị, là âm thanh của sự tự do, sự yên bình. Hai người một cao một thấp đi cạnh nhau, tận hưởng khoảnh khắc bình yên này. Họ trân trọng nó, cũng như trân trọng khoảng khắc được ở bên cạnh đối phương.

Con đường đất tới trường hai bên cỏ đã mọc đầy, Hách Khôi quan sát rồi lắc đầu. Cỏ cũng đã mọc khắp khoảng sân nhỏ bên trong trường, còn có cả lá cây rụng đầy phía dưới. Lần này Hách Khôi không lắc đầu, cậu chép miệng một cái "Chẹp...". Bàn ghế gỗ, bảng gỗ trong các phòng học cũng bị mối mọt ăn mục khá nhiều. Hách Khôi thở dài, miệng lầm bầm: "Gay quá! May mà mình đến xem sớm." Chí Vinh vẫn luôn lẽo đẽo đi theo phía sau cậu phải cố gắng nhịn cười thành tiếng trước dáng vẻ này. Nó vừa ngốc, vừa đáng yêu.

Một tuần liền sau đó, Chí Vinh theo Hách Khôi đến trường dọn dẹp cỏ dại và sửa sang lại lớp học. Anh còn rủ thêm vài anh em trong đoàn hợp tác xã tới giúp nhà trường đóng lại bàn ghế, làm thêm bảng. Anh còn quét lại cho các phòng học một lớp vôi mới. Trông trường học khang trang, sạch đẹp hơn trước nhiều rồi.

Mọi sự chuẩn bị đều xong trước khi ngày khai giảng đến. Ngày mồng Năm tháng Chín năm 1976, học sinh nô nức đến trường dự khai giảng, đón năm học mới. Cảm xúc hoàn toàn khác so với những năm trước, vì đây là ngày khai giảng đầu tiên khi đất nước hoàn toàn độc lập, hoàn toàn thống nhất.

Chí Vinh trông Hách Khôi hoàn hảo, chỉnh tề trong chiếc áo sơ mi mới trắng tinh, quần âu màu tím than. Cơ thể gầy gò nhưng không hề yếu ớt, trên khuôn mặt là nụ cười hạnh phúc khôn xiết. Cậu đứng lặng nhìn học trò thân yêu của mình xếp hàng ngay ngắn dưới sân. Xung quanh Hách Khôi lúc này như thể có một vầng hào quang, tỏa sáng khiến Trịnh Chí Vinh rung động. Không! Phải là ngày càng rung động.

Lễ khai giảng nhanh chóng kết thúc, Hách Khôi đưa đám con nhỏ của mình vào nhận lớp. Chí Vinh lấp ló ngoài cửa sổ. Trong ánh mắt anh là sự ôn nhu, yêu thương, trân trọng. Ánh mắt chỉ hướng về người đang đứng trên bục giảng, hăng say kể chuyện. Hách Khôi biết đến sự hiện diện của anh. Cậu cứ thi thoảng lại liếc liếc mắt về phía cửa sổ rồi mỉm cười bẽn lẽn.

Ðám học sinh bị cậu làm cho tò mò. Khi cậu đang chép thời khóa biểu lên bảng thì một đứa nhóc thò đầu ra cửa sổ. Cậu nhóc thấy Trịnh Chí Vinh vẫn đang đứng nép nép bên cánh cửa mà nhìn thầy giáo của mình. Nó cười phá lên rồi nói to thật to, thông báo cho các bạn học của nó biết: "Thầy Khôi nhìn thấy người yêu của thầy ấy nên thầy ấy mới cười như vậy đó chúng mày." Câu nói ấy vừa thốt ra, Hách Khôi hoảng hốt quay người lại. Hành động này chọc cho tụi nhóc cười ầm lên.

Một đám nhóc nhao nhao lên hỏi: "Hạo! Hạo! Mày trông thấy người yêu thầy à? Là cô giáo nào thế? Có đẹp gái không?" Thằng Hạo lại cười ầm lên, nó hất hất cằm ra ngoài cửa: "Làm gì có cô nào! Anh cán bộ Vinh đấy. Cái anh đẹp trai mà gầy như con cá cơm ấy." Thằng nhóc biết mình lỡ lời, liền cúi đầu xin lỗi người đang đứng ngoài cười đến híp cả mắt.

Sau đó là một màn đấu khẩu của đám con nít quỷ. Chúng nó cãi nhau về mối quan hệ của hai người. Có đứa nói là anh em tốt, bạn thân tri kỉ. Nhưng thằng Hạo nó lại phản bác ngay: "Chúng mày có thấy bạn thân nào nhìn nhau như thế chưa? Thằng Hách! Mày có nhìn tao thế không?" Hạo nó vừa nói xong liền quay sang hỏi cậu nhóc cao cao, ngăm đen bên cạnh. Ngồi không cũng trúng đạn, bạn Hách chỉ lẳng lặng gật đầu.

Nhóc Hạo đuối lý rồi, nhưng nó vẫn gân cổ lên cãi. Rồi nó thấy khuôn mặt thầy Hách Khôi của chúng nó đang đỏ bừng lên. Nó liền chỉ vào cậu, cái giọng cười của nó lúc này hả hê: "Chúng mày nhìn xem, nếu không phải người yêu tại sao thầy Khôi lại đỏ mặt?" Ờ, hợp lý quá còn gì nữa.

Hách Khôi xấu hổ, lúc này lắp bắp nói: "Hạo. Hoàng Vương Hạo! Em... em còn không ngồi xuống là thầy... thầy phạt em đó. Còn cả lớp trật tự không thầy phạt cả đám bây giờ." Sau đó quay lên bảng, tiếp tục viết nhưng mắt vẫn không nhịn được liếc qua chỗ cửa sổ.

Chí Vinh đứng ngoài chờ cho đến khi Hách Khôi cho học sinh tan lớp. Buổi đầu khai giảng sẽ không học gì nhiều ngoài nội quy trường lớp cả, vậy nên tan học sớm lắm. Hách Khôi còn đang sửa soạn giấy bút trên bàn. Thằng Hạo và bạn Sang Hách của nó đi qua mặt Chí Vinh, nó nhìn anh cười, nụ cười mang hàm ý: "Em đã nhìn thấu ý đồ của anh rồi!"

Chí Vinh cũng nhìn nhóc rồi cười, anh gọi hai đứa lại. Lấy trong túi quần ra hai cái kẹo lạc đưa cho chúng nó, rồi đưa tay lên xoa đầu Hạo: "Thế em giúp anh bảo vệ thầy Khôi nhé!"

Lúc ấy, Chí Vinh nhìn được ra ánh mắt lạnh lẽo của bạn Hách phía sau, cười thì thầm vào tai nhóc Hạo: "Anh cũng biết tâm tư của hai đứa rồi nhé!" Thằng Hạo quay lại nhìn Hách rồi lại nhìn Chí Vinh, nó vừa đưa cái kẹo lên miệng cắn vừa chu cái môi nhỏ ra nói: "Anh biết kệ anh chứ. Em đây chính là thích thằng Hách đấy. Làm sao?"

Chí Vinh đơ người, Hách Khôi vừa bước ra đến cửa cũng đơ luôn. Nhưng nhất là Hách, nó ngưng cả thở luôn rồi. Sau khi thằng Hạo kéo nhóc Hách đi thì hai người lớn mới hoàn hồn. Chí Vinh thầm nghĩ: "Mình kém cỏi quá. Tỏ tình còn thua cả con nít."

Suốt quãng đường đi về, Hách Khôi và Chí Vinh đều im lặng. Lần này im lặng không phải để lắng nghe những âm thanh của tự nhiên như mọi khi. Sự im lặng này là dành thời gian cho những suy nghĩ, tính toán trong đầu và giải thích những rối ren trong lòng mình.

Sau ngày khai giảng ấy, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Ai làm việc nấy, bận rộn cả ngày. Nhưng vẫn có hai người, mỗi tối đều tới biển hóng gió. Ngồi cạnh nhau, yên lặng ngắm nhìn biển rộng bao la, lắng nghe tiếng sóng ào ạt, tiếng còi tàu inh ỏi. Họ chỉ ngồi cạnh nhau một chút rồi lại ra về.

Vì vụ xuân năm nay không được mùa nên lúa gạo thu hoạch được rất ít. Tháng Mười này số lượng gạo không đủ để cung cấp theo đúng số lượng cho các hộ gia đình. Vụ lúa chiêm thì chưa đến mùa thu hoạch. Ðoàn hợp tác xã ngay từ giữa tháng Chín đã làm đơn xin các cơ quan bên trên cung cấp gạo nhưng vẫn chưa nhận được.

Mọi người chia số gạo còn lại trong kho cho các hộ gia đình. Các cán bộ đang chuẩn bị ra về. Mỗi người cầm một chút gạo, chờ đợi đợt tiếp tế từ nhà nước. Lúc này Hách Khôi chạy vội đến, cậu nhìn khung cảnh trước mắt thì biết gạo đã sớm không còn.

Ðịnh quay lưng ra về thì chị Thu gọi tên cậu, chị hỏi:

- Thầy Khôi? Sao lại đến muộn thế?

- Mẹ em bị ngã, em lo cho mẹ xong mới tới được. Hết gạo rồi hả chị?

- Ừm, hết rồi. Cố gắng đợi vài hôm nữa, vay được gạo thì chị báo cho em. Hôm nay lấy tạm gạo của chị đi.

- Thôi! Chị cũng phải ăn cơm chứ. Chị còn cháu nhỏ nữa. Thôi! Em về đây.

Hách Khôi quay lưng ra về. Và đoạn hội thoại vừa rồi Chí Vinh đã nghe rõ từng chữ một. Anh chạy theo kéo tay Hách Khôi lại rồi nói với cậu: "Mình đứng đây chờ tôi một chút." Sau đó chạy lại vào trong, quay lại đây thì đã ôm túi gạo trong tay. Anh nói với cậu: "Mình cầm gạo này về nấu đi. Hôm nay tôi sang nhà mình ăn cơm. Với cả, bác bị đau, phải ăn cơm, uống thuốc cẩn thận mới mau khỏe được."

Ðó không phải một câu hỏi mà là một lời thông báo trước thôi. Hách Khôi còn đang đứng đơ, chưa kịp xử lý những thông tin vừa rồi thì Chí Vinh đã chạy đi mất tiêu. Thế là cơ hội để từ chối cũng chẳng có, Hách Khôi ôm lấy túi gạo, đi vội về nhà. Việc đầu tiên khi cậu về đến nhà chẳng phải vào bếp nấu cơm mà cậu đi quanh quanh quét tước, dọn dẹp nhà cửa.

Nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng thì Hách Khôi mới bắt đầu đi nấu cơm. Cậu nói với mẹ chuyện bao gạo và cả chuyện anh cán bộ Trịnh sẽ tới nhà ăn tối cùng với gia đình. Bà vui vẻ đồng ý, vì bà rất quý Chí Vinh, người vừa tài giỏi, vừa lịch sự, lễ phép. Hách Khôi chuẩn bị một bàn cơm thịnh soạn. Nói là thịnh soạn vì nó nhiều món hơn mọi ngày, chứ trong thời buổi đói kém thế này thì lấy đâu ra sơn hào hải vị.

Hách Khôi nhặt sạch mớ rau muống đã hơi héo qua nhiều ngày nằm trong bếp, luộc với nước sau đó lại vớt ra đem xào với một ít rau giá cậu tự trồng. Vài con cá khô, một chút tóp mỡ rán giòn, làm thêm chút mắm tỏi ớt thế là xong bữa cơm. Ðơn giản nhưng đó là mùi vị độc nhất, chỉ có thể có được khi ở Nhà. Cảm giác đầm ấm của bữa cơm gia đình.

Hách Khôi nấu cơm xong là chạy ra cổng đứng chờ Chí Vinh. Cậu khoanh tay trước ngực, đi đi lại lại vòng quanh không biết bao nhiêu lâu thì anh mới xuất hiện. Chí Vinh vẫn xuất hiện trong bộ dạng nghiêm túc như mọi ngày, sơ vin bồng cốt gọn gàng, tóc tai chải chuốt ngay ngắn. Có điều hai bên túi gilê phồng lên, không biết đựng thứ gì. Vừa vào đến cửa, anh cúi gập người xuống chào mẹ của Hách Khôi.

- Con chào bác!

Giọng nói anh nhẹ nhàng hơn mọi ngày rất nhiều.

- Cán bộ Trịnh sang chơi. Xin phép anh cho tôi nằm đây, chứ cái chân tôi đau quá.

Vừa thấy anh bà liền cười, sau đó niềm nở chào đón vị khách quý này.

- Vâng! Bác cứ nằm cho khỏe ạ. Với lại bác gọi con là Vinh được rồi ạ. Gọi cán bộ Trịnh nghe xa lạ quá. - Anh vừa cười vừa giãi bày.

- Vậy có được không? Thế sau này tôi gọi anh là anh Vinh nhé!

- Vâng, được chứ ạ! - Hai người nhìn nhau, cười thành tiếng.

- Anh Vinh này! Chuyện bao gạo, gia đình tôi cảm ơn anh nhiều lắm!

Bà vừa tắt đi nụ cười, khuôn mặt lại trở nên nghiêm túc nói lời cảm tạ. Ðiều này đột nhiên khiến Chí Vinh cảm thấy căng thẳng.

- Không sao đâu bác ạ. Ðấy là trách nhiệm của con, là việc con phải làm. Năm nay vụ lúa xuân mất mùa, dân mình đói quá, con phải làm vậy cho tròn phận. Với lại thầy Khôi cũng mời con qua nhà dùng cơm rồi đây ạ.

Anh vừa nói xong liền cười. Hách Khôi đang ngẩn người ngắm anh, bỗng dưng bị nhắc tên có chút giật mình.

Chí Vinh cùng mẹ của Hách Khôi nói chuyện thêm một lúc, sau đó anh tặng cho bà chai rượu thuốc mà mẹ anh đã ngâm cách đó nhiều năm. Chí Vinh còn giúp bà xoa bóp cổ chân sưng đỏ. Bà buột miệng nói ra một câu làm Chí Vinh rơi vào trầm mặc: "Sau này cô nào phải có phúc lớn lắm mới lấy được người như anh Vinh đây làm chồng đấy. Người đâu vừa tài giỏi, lễ độ, lại còn ưa nhìn thế này cơ mà." Chí Vinh ngại ngùng, ánh mắt liếc về phía Hách Khôi đang cúi đầu nhìn xuống dưới sàn.

Sau đó, Hách Khôi kéo Chí Vinh ra mảnh vườn nhỏ phía sau nhà, cậu lấy cho anh một chiếc ghế gỗ, còn mình thoải mái ngồi trên chiếc võng treo trên hai thân cây xoài. Trong túi áo gilê của Chí Vinh, một bên là lọ rượu thuốc, bên còn lại thì anh đang chuẩn bị lấy ra. Chí Vinh đưa tới trước mặt Lâm Mặc một thứ gì đó, được gói kĩ càng trong lớp lá sen xanh biếc. Anh nói với Hách Khôi: "Mình cầm lấy ăn đi. Cái này là cốm, tôi nhờ anh Huy mang từ Hà Nội xuống. Cốm Hà Nội mùa thu ngon lắm."

Hách Khôi ngồi trên võng, ngẩng đầu nhìn anh chớp chớp mắt. Chí Vinh dúi bọc lá sen vào tay Hách Khôi, sau đó đỏ mặt quay đi. Hai người họ ngồi nói chuyện với nhau về trường lớp, chuyện dạy học của Hách Khôi. Vậy mà chẳng hiểu sao, lúc sau chủ đề chính lại là về hai đứa nhóc Hách với Hạo.

Nhà của Hách Khôi vốn dĩ cũng rất đông đúc. Hách Khôi là thứ sáu trong một nhà có tám người con. Bố, anh cả và anh tư của Khôi đã hi sinh tại chiến trường miền Nam. Chị hai, chị ba đã lấy chồng xa từ lâu. Còn anh năm và cậu em trai thứ bảy thì đi thuyền đánh cá, mấy tháng mới lại vào bờ một lần. Em út nhà Hách Khôi hiện tại vẫn còn đang học cấp hai. Vậy nên bình thường bữa cơm trong nhà cũng chỉ có ba người ăn với nhau.

Chẳng biết số Chí Vinh xui rủi làm sao, sang nhà Hách Khôi ăn cơm đúng hôm anh trai và em trai của cậu vào bờ. Trái với vẻ thư sinh, trắng trẻo trông hơi yếu đuối của Hách Khôi thì anh em trai của cậu lại cao to vạm vỡ, nước da ngăm đen đặc trưng của dân đi biển.

Sau khi cùng Hách Khôi từ vườn vào, Chí Vinh nhìn thấy hai người anh của cậu ngồi trong nhà liền lập tức căng thẳng, không dám thở mạnh. Trông anh không khác gì một chàng trai lần đầu về ra mắt nhà người yêu.

Khi chờ cậu đi kêu em út về ăn cơm, Chí Vinh ngồi trên ghế, đối diện với hai người anh em kia liền có chút run sợ. Chí Vinh cũng chẳng hiểu lý do vì sao bản thân lại thấy sợ, nếu là vì ngoại hình bặm trợn đô con đó thì không phải, anh còn từng gặp những kiểu người đáng sợ hơn nhiều. Anh trai của Hách Khôi đột nhiên lên tiếng hỏi làm Chí Vinh giật thót:

- Cậu là cán bộ Trịnh à?

Giọng nói anh trầm khàn, giọng điệu lại nghe có vẻ nghiêm trọng khiến cho Chí Vinh càng hoảng sợ.

- Dạ... dạ vâng! Ðúng....Ðúng rồi ạ.

Anh lắp bắp nói ra câu trả lời khiến cho cậu em trai của Hách Khôi phá lên cười. Cậu ta quay sang nói với anh năm của mình.

- Anh nói bình thường đi, dọa anh Vinh sợ rồi kia kìa.

Sau câu nói đó, hai anh em họ nhìn nhau cười sảng khoái, còn Chí Vinh chỉ biết cười trừ để che đi sự xấu hổ.

Bọn họ thực ra cũng không đáng sợ lắm, nói chuyện rất vui tính. Trong bữa cơm, mẹ của Hách Khôi hỏi những đứa con của mình về chuyện công việc và học tập hôm nay như thế nào. Chí Vinh im lặng lắng nghe gia đình họ nói với nhau vui vẻ. Anh không ngờ rằng, mẹ của Hách Khôi sẽ hỏi đến mình, bà cũng coi anh như con cái trong nhà mà quan tâm chuyện công việc, sức khỏe của anh.

Sự hạnh phúc vì tình thân le lói lên bên trong trái tim Chí Vinh sau bao năm bị vùi lấp, sau đó bùng lên, theo mạch máu chảy khắp cơ thể. Anh vui vẻ nói cười với mọi người.

Ðã lâu lắm rồi anh mới có lại được cảm giác này. Chân thực. Ðầm ấm. Và hạnh phúc.

Đã hơn một năm qua đi, Chí Vinh như trở thành người quan trọng, nổi tiếng trong vùng. Nơi này cũng như là quê hương thứ hai của anh vậy. Chỉ qua một năm thôi mà nơi này đã để lại trong anh bao nhiêu ký ức sâu sắc. Và Hách Khôi chính là người đặc biệt nhất. Ðược gặp gỡ Hách Khôi đối với Chí Vinh là điều bất ngờ hạnh phúc nhất.

Hách Khôi vẫn là một thầy giáo xuất sắc đối với học sinh. Và cậu còn là nhà thơ số một trong lòng anh. Hai người họ vẫn vậy, cứ mỗi tối lại hẹn nhau cùng ngắm trăng, ngắm sao trên bờ biển. Chỉ trừ những ngày mưa, còn lại thì chưa từng thay đổi. Ngồi bên nhau, im lặng nghe tiếng sóng nhẹ vỗ bờ. Nhưng chỉ có họ mới hiểu được từng cơn sóng trong lòng đang cuộn lên ầm ầm như có bão.

Không chỉ là một thầy giáo ưu tú, Hách Khôi còn là phát thanh viên trong làng vì giọng nói cậu nhẹ nhàng dễ nghe, phát âm thì rất chuẩn. Từ giữa năm, phía bên Trung Quốc luôn có những hành động, những lời tuyên bố sai lệch về nước ta với báo chí thế giới. Chúng luôn đe dọa sẽ dùng vũ lực để ngăn cản sự bành trướng của Việt Nam, bảo vệ Ðông Nam Á. Chúng dùng những lời nói dối trắng trợn đó để che đậy âm mưu chiếm đóng biên giới Việt – Trung.

Tình hình ngày càng căng thẳng và cũng ngày ngày Hách Khôi đọc cho người dân nghe về những thông tin mới nhất đang được diễn ra ở vùng biên ải xa xôi. Giọng nói của cậu được phát ra từ chiếc loa, được lắp ở hợp tác xã. Mỗi chiều, người dân trong khu lại dừng mọi hoạt động, chăm chú lắng nghe những gì cậu nói. Còn có một người luôn đứng sau cậu, âm thầm quan sát rồi mỉm cười khi cậu đọc tin tức.

Hai người Chí Vinh, Hách Khôi đi làm thì thôi chứ cứ hễ được nghỉ là dính lấy nhau. Thời gian Chí Vinh ở nhà Hách Khôi còn nhiều hơn là ở trong căn nhà của mình. Mọi người xung quanh cứ trêu là Hách Khôi lại có thêm anh trai rồi, nhà họ Kim có thêm một đứa con trai. Cả Chí Vinh và Hách Khôi đều không cảm thấy khó chịu gì cả. Chỉ là thỉnh thoảng Chí Vinh thầm nghĩ: "Sao không ai nói là nhà họ Kim có thêm một con rể nhỉ?"

Chí Vinh dành suốt mấy đêm trời thao thức, anh mãi nghĩ về chuyện mình với Hách Khôi. Anh thực sự thương người ta, cũng không giấu diếm tâm tư của mình, đều thể hiện hết ra bên ngoài. Tình cảm anh như thế nào, liệu người ta có hiểu hay không? Chí Vinh suy nghĩ rất nhiều về điều này. Anh định sẽ ngỏ lời với Hách Khôi, nhưng cứ e ngại mãi mà chẳng dám.

Chí Vinh xin cấp trên nghỉ phép ba ngày để về Hà Nội một chuyến, anh chẳng nói rõ lý do, chỉ bảo có việc nhà cần phải giải quyết. Ai chẳng có những lúc khó khăn, có chuyện khó nói nên cũng không ai làm khó gì, duyệt đơn cho Chí Vinh nghỉ ngay trong ngày.

Chí Vinh soạn một ít đồ rồi lên tàu rời đi ngay sáng hôm đó. Vốn dĩ đã tính tạm biệt Hách Khôi một chút nhưng nghĩ tới việc cậu còn bận chuyện trường lớp nên đành thôi.

Chí Vinh đi biệt tăm mất một tháng trời, chẳng ai biết anh đã đi đâu, làm gì trong suốt khoảng thời gian ấy. Hách Khôi mỗi ngày đều lo lắng như ngồi trên đống lửa.

Mỗi ngày cậu đều đến Uỷ ban xã hay cơ quan để nghe ngóng tình hình của Chí Vinh. Chẳng lý nào, một người không nói không rằng liền có thể biến mất như vậy. Hách Khôi không yên tâm.

Buổi tối hôm ấy, anh Huy đang dạy con học trong nhà, nghe tiếng đàn chó ngoài sân sủa lên dữ dội quá liền đi ra ngoài xem có chuyện gì. Anh vừa ra đến cửa, dưới sắc trời nhá nhem tối liền thấy một bóng hình quen thuộc, đã lâu rồi anh không gặp lại. Chí Vinh đứng ngay trước hàng rào tre, đằng sau vẫn còn đeo balo quân dụng. Giọng Chí Vinh khàn khàn gọi tên anh: "Anh Huy!" Lúc này anh mới hoàn hồn lại, chạy ra mở cổng cho Chí Vinh.

Vào trong nhà, bóng đèn sợi tóc tỏa ra ánh sáng vàng ấm, soi rõ người trước mặt, anh Huy mới giật mình. Qua hơn một tháng không gặp, Chí Vinh vốn đã gầy bây giờ lại hốc hác đi rất nhiều. Quầng thâm mắt và bọng mắt thể hiện ra hết sự mệt mỏi trong anh. Anh Huy nhìn thấy dáng vẻ này của Chí Vinh thì lại nhớ đến Hách Khôi. Anh Huy bất lực cười khổ rồi nghĩ: "Hai người trẻ này thật biết hành hạ chính mình!" Anh Huy lên tiếng hỏi Chí Vinh:

- Chú ăn gì chưa? Ở lại ăn cơm với gia đình anh. Có chuyện gì tý nữa nói sau.

Dứt lời, anh đứng dậy xuống bếp phụ chị nhà dọn cơm, Chí Vinh có muốn từ chối cũng chẳng được. Anh thừa biết lời anh Huy nói ra chính là mệnh lệnh.

- Chú Vinh! Chú về bao giờ thế? Thầy Khôi kiếm chú quá trời luôn.

Con trai anh Huy đang học bài ở gian trong, khi biết bố đã rời đi mới dám ra hỏi anh. Chí Vinh cười với thằng bé rồi sau đó nét mặt lại trầm tư.

Trên chiếc chõng tre ngay cửa, một mâm cơm đơn giản nhưng đầm ấm biết bao. Thằng Bông – con trai anh Huy cảm thấy bữa cơm hôm nay sao căng thẳng thế. Bố nó chỉ ăn cơm, không hỏi chuyện nó như mọi ngày. Mẹ cũng thế, thi thoảng gắp cho chú Vinh chút cá, nhắc chú ăn nhiều chút thì cũng chẳng nói thêm gì. Nó cố ăn thật nhanh rồi xin bố mẹ đi chơi, ở căn cứ bí mật của nó có cái Lan – em gái thầy Khôi đang chờ nó.

Kết thúc bữa cơm ấy, anh Huy pha một bình nước chè rồi bắt đầu hỏi chuyện:

- Thời gian qua chú ở đâu? Ăn uống như nào mà gầy quá! - Anh nhấp một ngụm nước chè đắng chát, trầm ngâm chờ câu trả lời.

- Em về Hà Nội một chuyến, rồi đi tìm các cô bác họ hàng ở một số nơi khác. - Chí Vinh trả lời, trước mặt anh Huy anh chưa bao giờ nói dối hay ngập ngừng.

- Thế tại sao không đến nói với người ta một tiếng. Người ta tìm chú khắp nơi đấy có biết không? - Anh nhẹ giọng hỏi, tuyệt nhiên không có chút trách móc nào.

- Em biết kiểu gì người ta cũng lo cho em. Nhưng lần này em đi như vậy là có mục đích của em. - Chí Vinh quả quyết đáp lời.

- Mục đích gì?

- Anh Huy này! Giờ em ưng người ta quá rồi! Hay em sắm cái lễ, các anh chị cùng em sang nhà hỏi cưới người ta nhé!

Câu trả lời này của Chí Vinh không hề liên quan đến câu hỏi của anh Huy. Khi nghe được câu trả lời đó, anh Huy lại bình tĩnh đến lạ, sắc mặt không một chút thay đổi. Tay vẫn đưa chén nước chè lên xuống đều đều, Chí Vinh thật sự không thể nhìn ra tâm trạng của anh lúc này như thế nào.

- Tìm họ hàng vì lý do này à? - Anh Huy không tiếp tục ý vừa rồi của Chí Vinh, đưa ra một câu hỏi khác.

- Vâng!

- Thế họ bảo sao?

- Khi nghe em nói đối tượng là con trai, họ chửi em. Họ nói em là kẻ bệnh hoạn, làm xấu mặt gia đình. Nhà họ Trịnh không cần em, rồi đuổi em đi. - Chí Vinh cúi đầu xuống, cười chua chát. Anh cười vào chính cuộc đời mình.

- Thế vẫn muốn làm à? Không sợ người đời chửi bới à? - Anh Huy nhìn thẳng vào Chí Vinh.

- Em vẫn làm. Người ta là tất cả đối với em. Chí Vinh em giờ chẳng còn gì cả. Thiên hạ nói gì em không quan tâm. Miễn người ta đồng ý, em sẽ ở bên cạnh người ta cả đời. - Chí Vinh nhìn lại vào mắt anh, ánh mắt thể hiện toàn bộ ý chí quyết tâm.

- Thế đã hỏi ý người ta chưa?

- Em... em chưa dám anh ạ. Nhưng em sẽ hỏi, nếu người ta không đồng ý, thì cũng đành thôi.

Giọng Chí Vinh càng nói càng nhỏ nhưng nỗi bất an trong lòng thì ngày càng lớn. Anh cũng sợ, nhỡ người ta không đồng ý thì sau này biết đối diện với nhau như thế nào. Nhưng chưa thử sao biết được! Thấy được quyết tâm của em trai, anh Huy cũng an lòng rồi.

- Ðược! Anh đi với chú. - Anh Huy cười rồi đáp ứng nguyện vọng của Chí Vinh.

Chí Vinh đang ngồi nghe anh Huy nói về sính lễ, thì nghe thấy tiếng chó sủa liên tục, tiếp đến là tiếng thằng Bông quát lên: "Vàng, câm mồm!" Tiếng bước chân dồn dập ngoài sân, như có người đang chạy. Chí Vinh nhìn dáng người nhỏ bé ngoài cửa mà lặng người.

Hách Khôi đứng ngoài, tay bám chặt vào cánh cửa gỗ, cố gắng điều chỉnh lại hô hấp. Vừa ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt đang mở to của Chí Vinh thì không kìm được mà ngồi thụp xuống, khóc lớn.

Chí Vinh vội bước đến, đỡ cậu đứng dậy rồi ôm chặt cậu vào trong lòng. Hách Khôi khóc đến đáng thương, tiếng nức nở vang lên dữ dội. Chí Vinh vẻ mặt lo lắng, xoa xoa lưng cậu an ủi. Hai đứa nhỏ phía sau như đứng hình trước khung cảnh trước mắt. Anh Huy phất tay một cái, ý kêu hai đứa nhóc tránh đi. Cái Lan nhìn anh trai khóc đến đau lòng thì đứng như trời trồng, thằng Bông kéo mãi mới chịu bước đi.

Trong tiếng khóc nức nở, Hách Khôi không ngừng dùng nắm tay nhỏ của mình, đấm mạnh vào lưng anh. Cậu ấm ức hỏi, càng về sau càng lớn giọng. Gần như hét lên vì kích động: "Anh đi đâu suốt một tháng trời mà không nói với tôi! Anh đi đâu hả? Anh có biết tôi đã rất sợ không? Tôi sợ anh có chuyện mất rồi." Chí Vinh càng siết chặt cái ôm, luôn miệng nói: "Xin lỗi! Tôi xin lỗi mình!"

Khi Hách Khôi bình tĩnh lại, hai người họ lại dắt nhau ra bờ biển. Chí Vinh sảng khoái hít lấy vị mặn của nước biển, cảm nhận từng cơn gió mát lành. Bọn họ nhìn thấy dáng vẻ của nhau ở hiện tại thì vừa đau lòng, vừa buồn cười. Ðau lòng vì đối phương trở nên gầy yếu, còn cười là cười bản thân mình ngốc nghếch.

Hai người bọn họ như trở lại ngày trước khi chia li, im lặng hướng về biển lớn. Bỗng nhiên Chí Vinh ngồi thẳng lên, xoay người Hách Khôi để cậu đối diện với anh. Dưới ánh sáng mờ ảo của vầng trăng trên cao chiếu xuống, họ thấy được ánh mắt chân thành, si tình của đối phương.

Chí Vinh nhìn thẳng vào mắt cậu, đưa tay nắm lấy đôi bàn tay trắng mềm của Hách Khôi, anh bắt đầu nói những lời từ tận đáy lòng:

- Tôi thương mình lắm, mình có biết không? Kể từ ngày đầu tiên mình cười với tôi là tôi đã biết, người tôi thương là mình. Giờ tôi ưng mình quá, mình về ở với tôi nhé. Tôi biết sẽ có lời ra lời vào dị nghị chúng mình. Nhưng tôi không quan tâm. Còn mình thì sao? Ý mình như nào?

Hách Khôi nghe anh nói xong liền cúi mặt, mất một lúc cậu mới ngập ngừng lên tiếng. Giọng nói cũng run lên:

- Em biết mình thương em. Nhưng em còn có mẹ, còn có các anh, các chị. Nếu mẹ không đồng ý, em cũng chẳng dám cãi. Em xin lỗi mình!

Chí Vinh nghe câu trả lời của cậu mới nhận được ra vấn đề: "Ðúng vậy, em còn gia đình, em không giống mình." Nhưng Chí Vinh vẫn cười, anh đáp lại cậu:

- Không sao, chữ hiếu là hàng đầu. Tôi tôn trọng mình. Nếu mẹ không đồng ý, tôi cũng không ép được.

Sau đó, lại chỉ còn tiếng sóng vỗ vào bờ ào ạt, tiếng gió đưa cây lá xào xạc. Xa xa là tiếng còi tàu, vẫn luôn như vậy. Kêu "tu..tu" inh ỏi.

Hách Khôi về nhà khi trời đã tối muộn. Trên chiếc chõng tre trước hiên nhà, mẹ cậu đang ngồi đó, tựa vào cây cột gỗ, tay còn phe phẩy chiếc quạt mo. Cậu nhẹ bước đến bên cạnh mẹ.

- Sao mẹ còn chưa ngủ ạ? Ðã muộn lắm rồi đó. - Cậu sà vào lòng mẹ làm nũng, rồi hỏi.

- Con gặp cậu ấy chưa? Cậu ấy thế nào? Có nói gì với con không?

Câu hỏi của bà làm Hách Khôi thấy buồn, nước mắt cậu lại chảy dài hai bên má. Mẹ đưa tay lau đi những giọt nước mắt ấy, bà gật đầu nhìn cậu, ý rằng cậu cứ nói hết ra đi.

- Mẹ ơi! Con biết con làm như vậy là sai, là có lỗi với cha với mẹ và cả với anh chị con. Nhưng con thực sự là kẻ khác người mẹ ạ. Giờ con thương người ta quá rồi. Người ta cũng không dị nghị gì con cả. Mẹ gả con cho người ta, mẹ nhé! - Cậu càng nói càng nức nở, câu từ cũng đứt quãng.

- Mẹ biết rồi! Mẹ biết con thương người ta và người ta cũng thương con. Làm cha làm mẹ rồi thì chỉ cần con cái mình hạnh phúc thôi. - Bà cười hiền dịu, xoa đầu con trai.

- Mẹ không cấm cản con sao me? Mẹ đồng ý thật sao mẹ? - Hách Khôi hiện vẫn đang rất mơ hồ về câu trả lời của mẹ mình.

- Ừ! Mẹ lại phải gả đi thêm một đứa con nữa thôi. Cấm cản con chính là giết chết con. Mẹ không làm được.

Hách Khôi nghe xong câu này thì òa lên khóc, tiếng khóc vang lên trong đêm tối. Ðánh thức luôn cái Lan đang ngủ khò trong nhà. Nó chạy vội ra, thấy anh trai ôm mẹ khóc đến thảm, cũng không kìm được mà khóc theo. Nó nức nở.

- Anh, anh đừng khóc. Anh Vinh là người tốt. Em đồng ý cho anh lấy anh ấy. - Con bé vừa nói xong, hai người lớn liền bật cười, ôm nhau càng chặt hơn. Cả ba mẹ con, vừa khóc vừa cười.

Dự là sẽ có một đám cưới đặc biệt diễn ra trong làng, anh cán bộ Trịnh cùng thầy giáo Khôi cùng nhau về chung một mái nhà.

Vậy mà sính lễ chưa kịp sắp, trầu cau chưa kịp mang thì đầu năm 1979, Trung Quốc bắt đầu phát động chiến tranh. Chí Vinh xung phong cùng Quân đoàn 1 đi lên vùng biên giới Lạng Sơn để tham gia vào kháng chiến. Anh quyết định đường đột, không kịp đem dự định này bàn bạc với Hách Khôi. Trước ngày lên đường, anh lại cùng Hách Khôi đến bờ biển ngắm trăng. Hai người vẫn cứ im lặng nhìn vầng trăng sáng vằng vặc trên cao. Lúc sau, Hách Khôi lên tiếng nói:

- Trăng hôm nay đẹp thật! Nhưng em sợ chỉ mai đây thôi, ánh trăng kia lại bị khuất sau những khói mù bom đạn. - Cậu nghẹn ngào bày tỏ lời trong lòng.

- Mình đừng lo! Ðể tôi, tôi sẽ bảo vệ ánh trăng ấy. Tôi sẽ bảo vệ nó cho mình. Và bảo vệ mình.

Chí Vinh nãy giờ vẫn mải nhìn ánh trăng trong ánh mắt của Hách Khôi. Nghe lời của cậu thì càng thêm quyết tâm. Càng kiên quyết bảo vệ ánh trăng của Hách Khôi và bảo vệ ánh trăng của chính mình.

- Anh nói thế là... là ý gì?

Hách Khôi là người thông minh, cậu thừa hiểu lời anh nói có ý tứ gì. Chỉ là vẫn không muốn hiểu.

- Sáng sớm mai tôi cùng anh Huy lên đường với mấy anh em khác. Tôi và các anh sẽ theo Quân đoàn 1 lên Lạng Sơn.

Anh trả lời, giọng nói nhỏ nhẹ đủ hai người nghe. Nhưng trong giọng còn là ngàn lần cảm thấy có lỗi với cậu.

- Sớm ngày mai? Vậy sao giờ này anh mới nói với tôi? Sao anh không nói tôi nghe về việc này từ hôm qua, hôm kia, hay những ngày trước nữa? Sao anh lại để bây giờ mới cho tôi biết? Anh coi tôi là gì? - Hách Khôi có chút lên giọng chất vấn anh.

Rõ ràng, chỉ mới tuần trước đấy thôi, anh còn ngỏ lời về chung một nhà với Hách Khôi, muốn được cùng nhau chung sống đến bạc mái đầu. Vậy mà chuyện quan trọng như lên đường ra mặt trận thế này, anh lại giấu nhẹm đi. Ngày mai anh lên đường nhưng đến bây giờ Hách Khôi mới biết. Nghĩ tới đây là cậu cảm thấy tủi thân, nước mắt cứ thế tự nhiên rơi ra, tiếng nức nở không kìm nén được mà thoát ra khỏi cổ họng. Rồi cơ thể cứ thế run lên bần bật.

Chí Vinh thấy cậu khóc thì hoảng loạn. Trong lòng xót xa, anh dang tay ôm chầm lấy cậu, siết chặt cơ thể nhỏ bé đang run rẩy kia vào lòng. Anh đưa tay xoa xoa tấm lưng gầy còm của Hách Khôi, miệng không ngừng nói: "Xin lỗi mình. Tôi xin lỗi. Là tôi sai rồi." Âm thanh trầm khàn, hơi thở ấm áp cứ như vậy quanh quẩn bên tai Khôi.

Khi cậu có thể ngừng khóc và thoát ra khỏi cơn nức nở ấy thì trời đã khuya. Chí Vinh tính đưa Hách Khôi về thì cậu đưa tay bám lấy góc áo sơ mi của anh. Mặt cậu cúi xuống, nhưng Chí Vinh vẫn có thể nhìn thấy bọng mắt đang sưng lên, đỏ hoe của cậu. Hách Khôi lý nhí nói: "Hôm nay, cho em ở nhà đằng ấy được không? Mai em tiễn đằng ấy đi". Chí Vinh nhìn cánh tay bám lấy mình còn đang run lẩy bẩy liền đồng ý.

Suy cho cùng, bảo vệ đất nước, bảo vệ đời sống nhân dân vẫn là trên hết. Phải để anh đi, thực hiện nghĩa cử cao đẹp ấy trước rồi về cưới em.

Trở về căn phòng nhỏ với ánh trăng le lói ngoài khung cửa sổ, ánh đèn dầu lập lòe nhưng ấm áp. Hách Khôi nhìn thấy chiếc balo và đống đồ còn xếp dở của Chí Vinh thì lại buồn. Cậu ngồi bên giường, đưa tay sắp xếp quần áo, tư trang cho Chí Vinh. Lúc này, nước mắt cậu lại bắt đầu không thể kiềm chế được mà tèm lem khắp trên khuôn mặt.

Chí Vinh vội vàng để đống đồ sang một bên, ngồi xuống cạnh cậu rồi vội vàng lau đi những giọt lệ trên khóe mắt Hách Khôi. Anh thỏ thẻ với cậu, cử chỉ vô cùng dịu dàng và trong ánh mắt đó là sự chân thành. "Mình đừng khóc như vậy. Tôi đau xót trong lòng này lắm." Sau đó, Chí Vinh nhẹ nhàng đặt lên trán cậu một nụ hôn. Ôn nhu và trân trọng.

Trong đêm tối, căn phòng được soi sáng bởi ánh trăng. Hai người họ nằm quay lưng vào nhau trên chiếc giường đơn nhỏ bé. Hách Khôi khép hờ đôi mắt còn ướt lệ, nghe giọng Chí Vinh hỏi nhẹ: "Khôi ơi, đã ngủ chưa?" Cậu không dám trả lời, sợ bản thân lại khóc mất nên chọn im lặng.

Chí Vinh mở mắt nhìn bầu trời như phủ một tấm vải đen, được trang trí bằng những ngôi sao sáng lấp lánh ở bên ngoài. Cảm xúc trong lòng vô cùng phúc tạp. Anh đặt câu hỏi nhưng không thấy hồi đáp liền nghĩ cậu đã ngủ say, cứ như vậy mà đem hết những lời đã giấu trong lòng, bộc bạch hết ra.

- Mình có biết tôi thương mình như thế nào không? Mình là người quan trọng nhất đối với tôi đó có biết không? Tôi coi người thân của mình như gia đình luôn rồi đó. Vậy nên tôi phải bảo vệ mình, bảo vệ gia đình của mình, và cũng là bảo vệ gia đình của tôi. Tôi thương mình nhiều lắm.

Sau những lời đó, Chí Vinh nhắm mắt lại, một giọt nước rơi xuống, thấm vào gối vải, rồi anh dần chìm vào giấc ngủ. Ðợi khi người bên cạnh đều đều thở ra, Hách Khôi mới dám ngồi dậy. Cậu lau đi giọt nước bên má của anh, ngắm nhìn Chí Vinh say ngủ rồi nhẹ hôn xuống bờ môi hồng ấy. Một nụ hôn nhẹ, lướt qua như chuồn chuồn gặp nước.

Vào sáng sớm, Hách Khôi theo Chí Vinh đến đầu làng, anh Huy và các anh trong tiểu đoàn đã chờ sẵn, còn có người yêu và người nhà của các anh. Bọn họ sẽ cùng nhau về Hà Nội rồi theo Quân đoàn Hà Nội lên Lạng Sơn.

Hách Khôi và Chí Vinh đứng xa một góc, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau không muốn rời. Cậu cúi đầu thủ thỉ những lời dặn dò. Hách Khôi cố nén những giọt nước mắt vẫn chực chờ tuôn ra khiến chóp mũi cậu ửng đỏ. Còn anh, ánh mắt âu yếm nhìn cậu không rời một giây.

Vào một ngày giữa tháng Hai, thời tiết vẫn còn lạnh căm, Chí Vinh cùng các chiến sĩ khác đi bảo vệ biên giới. Hách Khôi ở nhà của anh, giúp anh trông coi nhà cửa. Nửa tháng sau khi Chí Vinh đi, căn nhà đã chất đầy những bức tranh chân dung của anh. Và cả những bài thơ, Hách Khôi sáng tác riêng cho anh. Cho một mình anh.

Mỗi ngày Hách Khôi đều đi nghe ngóng tình hình nơi biên giới. Cứ nghe ai nói gì về cái vùng biên ải đang đấu tranh mãnh liệt kia, cậu lại dừng lại lắng nghe. Lần nào cũng vậy, chẳng biết đúng hay sai, cứ nghe rồi lại suy nghĩ, lại đau lòng.

Chí Vinh trong sư đoàn vẫn luôn được các anh yêu thương. Anh nhỏ tuổi nhất, chưa từng trực tiếp tham gia vào kháng chiến nên mọi người rất quan tâm. Nhưng họ cũng vô cùng lạc quan. Ngày ấy đến Lạng Sơn, họ đến căn cứ họp mặt theo chỉ định. Và ở đây, đã có một cô thanh niên xung phong phải lòng Chí Vinh, cô yêu anh ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cô thiếu nữ ấy đối với Chí Vinh rất nhiệt tình, ai nhìn vào cũng nhận ra ngay ý tình trong mắt cô. Ấy vậy mà Chí Vinh lại không biết? Các anh chê Chí Vinh ngốc, không biết nắm lấy người tốt trước mặt. Họ đẩy thuyền hai người cũng rất nhiệt tình. Nhưng Chí Vinh vẫn rất lịch sự nói lại với họ rằng: "Các anh đừng trêu em nữa. Với cả em có người trong lòng rồi, các anh không cần giới thiệu thêm ai cả. Cô Lập cô ấy tốt lắm, ở với em chỉ khổ cô ấy thôi. Các anh cứ vậy cô ấy ngại em thì chết."

Sau khi Chí Vinh anh nói đã có người trong lòng, mọi người đồng loạt "Ồ" lên. Từ ngạc nhiên, họ quay ra trêu chọc anh "Á à, thế là giấu anh em nhé. Có người yêu mà giấu. Thế là không được rồi." Rồi cứ thế cả chục người cùng nhau cười rộ lên.

Ngày mồng Tám tháng Ba năm 1979, Hách Khôi nhận được một lá thư từ Chí Vinh. Anh nói mình và các anh em đang từ Lạng Sơn xuống Cao Bằng. Anh kể về những ngày kháng chiến, nói về nỗi bức xúc đối với kẻ thù, với sự tàn nhẫn của chúng. Ðặc biệt là cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân một cách đầy đủ. Hách Khôi đọc đến cuối thì bật khóc, nước mắt cứ rơi nhưng trên môi cậu là một nụ cười hạnh phúc.

"Tôi thương mình! Nhớ mình nhiều lắm!"

Ngày mồng Mười tháng Ba năm 1979, cả nước phẫn nộ trước cuộc thảm sát tại Cao Bằng khiến 43 người thiệt mạng. Hách Khôi hay tin thì như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên. Tinh thần ngày càng suy sụp, cơ thể ngày càng gầy gò. Mỗi lần đi dạo ngoài biển, cậu đều lảo đảo đi vì gió lớn.

Ngày Mười sáu tháng Ba năm 1979, quân địch hoàn toàn rút ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Toàn dân ăn mừng chiến thắng, cảm tạ những người anh dũng hi sinh và cầu nguyện cho người thân mình trở về. Hách Khôi vẫn ở trong căn nhà nhỏ của Chí Vinh chờ anh về.

Năm ngày, một tuần rồi đến ngày thứ mười anh vẫn chưa quay lại. Anh Huy đã về từ ba ngày trước rồi, vậy thì Chí Vinh đâu? Chí Vinh của cậu đâu?

Hách Khôi lại lần nữa đi dò hỏi khắp nơi, cậu còn tìm đến cả Ðội trưởng, Chỉ huy để hỏi thăm tin tức nhưng không ai trả lời cho cậu biết anh ở đâu.

Anh Huy nói ngày Chí Vinh đến Cao Bằng thì hai người đã tách nhau ra rồi, anh cũng đang cố liên lạc với cán bộ trên ấy rồi. Chẳng ai biết tin gì về Chí Vinh cả, Hách Khôi hoảng sợ, lo lắng. Liệu Chí Vinh có đột ngột biến mất như cách anh bất ngờ xuất hiện trước mắt cậu ngày hôm đó. Và liệu anh có trở về như ngày trước không?

Hôm nay là tròn một tháng kể từ ngày cuộc chiến tranh nơi biên giới đó chấm dứt. Và anh cũng hoàn toàn không có tung tích gì suốt một tháng trời. Hách Khôi hoàn toàn gầy mòn đi, đôi mắt  thâm quầng và khuôn mặt gầy hóp lại.

Cậu không còn ở trong nhà của Chí Vinh, cậu về ở với mẹ. Mẹ của cậu nhìn con trai ngày càng tiều tụy thì đau lòng. Nhân lúc cả nhà chẳng có ai, bà tập tễnh bước đến bên cạnh cậu. Di chứng sau lần ngã đó vẫn còn đến tận bây giờ. Bà vuốt mái tóc đen óng của cậu rồi hỏi:

- Sao lại để bản thân mình ra nông nỗi này con ơi? Sao lại để bản thân trông khổ sở thế này hả con?

Dù con trai có lớn như thế nào đi nữa, với người làm mẹ như bà mà nói nó vẫn mãi là trẻ con, vẫn cần được bảo vệ, yêu thương.

- Mẹ ơi, anh ấy vẫn chưa về. Anh ấy mãi không về!

Cậu được mẹ âu yếm hỏi han thì òa lên khóc, ôm lấy thắt lưng của người mẹ đã bao năm tảo tần nuôi mình khôn lớn. Ngay lúc này, Hách Khôi như bé lại, trở về ngày thơ ấu được mẹ bảo bọc trong vòng tay.

- Mẹ tin cậu ấy sẽ an toàn, sẽ trở về với con.

- Anh ấy tốt như vậy, chắc ông trời sẽ thương anh ấy. Mẹ nhỉ?

Cậu đưa mắt nhìn vào khoảng không vô định, bên tai nghe được loáng thoáng lời hồi đáp của mẹ. Chỉ một tiếng "Ừ".

Thế rồi một tháng, hai tháng rồi tới cả năm trời, Chí Vinh vẫn không trở về. Hách Khôi đã thôi không còn suy sụp nữa nhưng cậu vẫn không ngừng tìm kiếm. Căn nhà của Chí Vinh được nhà nước cấp, bây giờ là Hách Khôi ở. Cậu ở đó với vai trò "người nhà chiến sĩ".

Mỗi ngày, ngoài giờ lên lớp, việc duy nhất Hách Khôi làm là tìm tin tức của Chí Vinh. Những nơi có thể hỏi thăm cậu đều đã đến cả. Cũng chẳng dưới chục lần, cậu lần theo các khu quân sự biên giới từ Lạng Sơn đến Quảng Ninh để tìm bóng dáng người thương. Nhưng có đi mãi cũng chỉ là công dã tràng.

Có nhiều người khuyên Hách Khôi nên buông bỏ, đã nhiều năm như vậy rồi thì chắc không còn tìm được đâu. Hách Khôi vẫn luôn như vậy, cố chấp, kiên cường tin rằng một ngày Chí Vinh sẽ lại về bên em. Trong căn nhà cấp bốn xuống cấp dần theo thời gian ấy, chỉ có Hách Khôi cô đơn đợi chờ.

Đến mãi sau này, khi Kim Hách Khôi đã râu tóc bạc phơ thì cuối cùng cũng có tin tức về người em chờ đợi. Hách Khôi mong chờ Chí Vinh trở về, dù anh có chẳng nhận ra cậu là ai, có chẳng nhớ gì về quá khứ của cả hai cũng không sao. Chỉ cần anh trở về!

Mong chờ càng nhiều, thất vọng càng nhiều. Hách Khôi gần như ngất lịm đi khi cầm trên tay tờ giấy báo tử. Ngày em đưa người ta đi, thiếu niên trai tráng khoẻ mạnh. Hơn năm mươi năm đợi chờ, chỉ chờ một tờ giấy cỏn con.

Người ta đi, xông pha lên tiền tuyến để bảo vệ đất nước, bảo vệ ánh trăng sáng. Ấy vậy mà giờ, người ta lại để ánh trăng ấy lẻ loi.



21/05/2025

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip