Chương 1

Mặt trời đứng bóng, ánh nắng trưa hè hắt xuống cánh đồng bạt ngàn một màu vàng nhạt. Bùn đất dưới chân còn âm ấm hơi nước, từng đợt gió khô khốc lướt qua cũng không làm vơi đi cái nóng hầm hập giữa đồng.

Trịnh Nhật Tư ngồi bệt trên bờ ruộng, hai bàn chân lấm đầy bùn, cái áo bà ba cũ mèm dính sình loang lổ. Trên tay cậu là con cá rô vừa mới bắt được, vẩy cá óng ánh dưới nắng. Cậu đưa tay quẹt ngang trán, miệng cười cợt nhả như vừa thắng được một cuộc chơi nhỏ nhặt. Tay kia bứt một cọng cỏ dài, phe phẩy nghịch ngợm.

Chẳng mấy chốc, tiếng vó ngựa lộc cộc vang lên trên con đường đất dẫn ra đồng. Nhật Tư ngước mắt nhìn, thấy một chiếc xe song mã lướt qua, bụi đường cuộn lên trong gió. Trên xe là một cô cậu chủ nào đó từ phố thị về quê chơi, quần áo là lượt, mặt mũi trắng trẻo, ánh mắt vô tư như chưa từng phải gánh chịu một ngày khổ nhọc. Nhật Tư chẳng lạ gì những người như vậy, cũng chẳng có chút ao ước nào. Cậu cười nhạt, cúi đầu nghịch cọng cỏ trong tay.

Cuộc đời cậu, vốn dĩ như thế này từ khi mới sinh ra.

Mẹ của Nhật Tư, bà Nguyễn Thị Lành, từng là một người hầu trong nhà họ Trịnh. Bà hiền lành, ít nói, sống lặng lẽ trong góc khuất của ngôi nhà rộng lớn. Nhưng số phận trêu ngươi, chỉ một đêm sai lầm của người đàn ông quyền thế, bà mang thai đứa con không được thừa nhận. Khi ấy, Trịnh Công Bằng—chủ điền giàu có của cả vùng—đã có vợ, lại là một tiểu thư lá ngọc cành vàng, được cưng chiều hết mực.

Khi hay tin Nguyễn Thị Lành có thai, ông chủ không ruồng bỏ nhưng cũng chẳng hề đoái hoài. Ông cho bà về quê chờ sinh, rồi vài tháng sau lại đón về, tiếp tục làm người hầu trong nhà.

Nhưng từ đó, cuộc đời của bà chẳng còn được yên ổn nữa.

Vợ ông chủ, bà Lê Ngọc Cẩm, vừa hay tin chồng có con riêng liền đem lòng oán hận. Bà ta không đuổi đi, nhưng ra sức chèn ép, ghẻ lạnh cả hai mẹ con. Nhật Tư từ nhỏ đã sống trong ánh mắt miệt thị của gia đình chủ, từ kẻ làm công (một số) đến bà chủ đều xem cậu như một vết nhơ trong căn nhà bề thế này.

Cậu lớn lên trong sự ghẻ lạnh đó, quen dần với kiếp người ở. Không ai dạy cậu chữ nghĩa, không ai cho cậu được quyền cất tiếng nói trong căn nhà mà lẽ ra cậu cũng có một phần thân phận.

Chỉ có một người đối xử với cậu như một con người—anh cả Trịnh Đức Hòa.

Đức Hòa là con trai trưởng, được nuôi dạy đàng hoàng, học hành tử tế. Anh hiền lành, hiểu chuyện, dù không thể thay đổi cách cha mẹ đối xử với Nhật Tư nhưng luôn tìm cách bảo vệ cậu mỗi khi có thể. Lúc còn nhỏ, anh lén lút dạy cậu tập viết trên nền đất, chỉ cậu cách đọc những chữ đơn giản. Nhưng tất cả chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, khi mẹ kế của cậu phát hiện ra, đã ngăn cấm hoàn toàn.

Nhật Tư cũng có một cô em gái cùng cha khác mẹ—Trịnh Tú Uyên. Nhưng giữa cậu và cô ta, chẳng bao giờ tồn tại hai chữ “tình thân”.

Tú Uyên từ nhỏ đã được cưng chiều hết mực, lớn lên thì lại càng kiêu kỳ, sang chảnh. Cô ta xem Nhật Tư như một vết nhơ, mỗi lần gặp mặt đều không quên buông lời miệt thị. Cái tên “máu bùn” cũng từ miệng cô ta mà ra, bởi trong mắt cô ta, cậu vốn chẳng khác gì một kẻ hạ tiện.

Đến năm mười lăm tuổi, Nhật Tư mất mẹ.
Ngày bà Lành mất, trời mưa tầm tã. Căn phòng nhỏ nơi góc nhà tối om, chỉ có ánh đèn dầu leo lét soi rọi gương mặt nhợt nhạt của người đàn bà đã hao mòn cả đời vì khổ cực. Nhật Tư quỳ bên giường, nắm lấy tay mẹ, nhưng không còn nghe được hơi ấm quen thuộc nữa.

Cậu không khóc.

Chỉ là, từ giây phút đó, cậu biết mình hoàn toàn lẻ loi trong ngôi nhà này.
Cuộc sống từ đó càng khổ hơn, nhưng cậu không than trách. Nhật Tư lặng lẽ làm việc, lặng lẽ tồn tại, không mong cầu gì xa vời. Cậu biết thân biết phận, chỉ mong có ngày được chết đi, chứ chẳng hề mơ tưởng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhật Tư vẫn ngồi yên trên bờ ruộng, cọng cỏ trong tay phe phẩy nhẹ nhàng, mắt lim dim tận hưởng chút gió hiếm hoi giữa trưa hè oi bức.

Bỗng, từ xa có tiếng chân chạy lạch bạch trên con đường đất dẫn ra đồng, kèm theo đó là giọng con gái lanh lảnh vang lên:

“Tư ơi! Ông kêu mày vô nhà biểu!”

Nhật Tư khẽ mở mắt, tay vẫn chưa ngừng phe phẩy cọng cỏ. Nhìn về phía có tiếng gọi, cậu thấy con Thắm đang hối hả chạy về phía mình, mặt đỏ gay vì nắng, hơi thở gấp gáp.

Con Thắm cũng là người ở trong nhà ông chủ, trạc tuổi với cậu, từ nhỏ đã cùng nhau lớn lên trong cái thân phận kẻ ăn người ở. Tuy cực khổ, nhưng con Thắm lại lanh lợi, hoạt bát, miệng mồm nhanh nhảu nên ít khi bị ai bắt nạt.

Nhật Tư không vội đứng lên, chỉ lười biếng đáp lại một câu:

“Ông kêu làm gì vậy bây?”

Con Thắm chống tay lên gối, thở hổn hển một lát rồi mới nheo mắt nhìn cậu, giọng đầy hối thúc:

“Tao đâu có biết, tao chỉ nghe bà Hai nói là ông biểu mày vô, chắc có chuyện rồi. Mày còn ngồi đó làm gì?”

Nhật Tư thở hắt ra, quăng cọng cỏ xuống đất, phủi phủi hai tay rồi đứng dậy. Trong lòng cậu chẳng có dự cảm gì tốt lành cả.

Ở trong cái nhà đó, mỗi khi ông chủ gọi đến tên cậu, chưa từng có chuyện gì là vui vẻ hết.

Nhật Tư liếc con Thắm một cái rồi cúi xuống nhặt cái vỏ tre đựng cá lên. Cậu còn chưa kịp phủi sạch bùn đất trên tay thì con Thắm đã sốt ruột giục:

“Mày lẹ coi, chứ để ông đợi là ăn roi đó nha Tư!”

Nghe nhắc tới roi vọt, Nhật Tư chẳng buồn đáp, chỉ vác cái vỏ cá lên vai rồi cất bước chạy theo con Thắm. Hai đứa trẻ lấm lem bùn đất, chân không giày dép, ba chân bốn cẳng chạy băng qua những bờ ruộng khô nứt nẻ.

Mặt trời vẫn đứng bóng, đổ cái nóng hừng hực lên đầu. Hơi đất bốc lên hầm hập, trán cả hai đứa nhễ nhại mồ hôi. Nhưng chẳng đứa nào dám chậm bước, vì ai cũng hiểu rõ: để ông chủ đợi lâu thì chỉ có nước chịu trận.

Chạy một hồi, con đường đất dẫn về nhà dần hiện ra trước mắt. Cánh cổng gỗ lớn vẫn sừng sững như bao năm nay, như một ranh giới phân chia rõ ràng giữa chủ và tớ, giữa quyền thế và bùn đất. Nhật Tư khẽ nuốt một ngụm nước bọt, tim bất giác đập nhanh hơn một nhịp.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip