Review "Anh ở đâu?": Lôi cuốn, chân thực và đầy bí ẩn
Để mà nói thì tui thấy đây là một phong cách viết khá lạ, mà chủ yếu tập trung đi theo hướng dằn vặt nội tâm, cùng với đó là bi kịch của nhân vật. Giờ sẽ là phần review vì hai mảng chính, mà mình thấy là đáng chú ý nhất
Về lối viết, tui thấy bồ đang cố gắng để khiến cho tác phẩm của mình trở nên sáng tạo hơn, cùng với việc kết hợp giữa tự sự còn là những lời thơ giàu tính kể chuyện, và cũng bộc lộ cảm xúc, tâm trạng cùng với đó là thể hiện góc nhìn của nhân vật - một nhân sinh quan u sầu, nặng nề. Dựa trên những ưu điểm trên, có thể thấy mảng nội tâm đã được khắc họa rất xuất sắc trong tác phẩm của bồ, qua tả cảnh, qua suy nghĩ, và nổi bật lên hẳn là những dòng suy nghĩ. Có thể tinh giản đi một chút, không nhất thiết phải khiến cho tác phẩm nhiều chỗ như một bức tranh lộn xộn, nhiều chi tiết hơi thừa hoặc thiếu. Giống như một số câu thơ, không được viết một cách thông thường, có thể hiểu đây là hàm ý của bồ để chỉ về sự rối bời trong suy nghĩ của Rieverra lúc đó, nhưng cũng không nên lạm dụng, sẽ khiến sự sáng tạo trở nên khiên cưỡng, gượng ép, mất đi giá trị đặc sắc. Văn hoa là một con dao hai lưỡi, vì có thể khi đọc lần đầu ta thấy mê ly, nhưng lần hai, rồi lần ba, nó sẽ trở nên "sáo", tức là dài dòng, mà cảm xúc thì chưa cô đọng. Đôi chỗ bồ còn cần chú ý đến chủ ngữ, để tránh làm câu văn lủng củng - như cái câu "Đơn độc, phát điên, tự xâu xé chính mình" đó, đều biết đó là cảm xúc của Rieverra, nhưng không thể không thấy được rằng nó nghe như lạc khỏi câu văn, tách biệt khỏi nhân vật.
Về phần nội dung - cũng là phần lõi, vì tui biết tác giả viết dựa trên cảm xúc, và truyện cũng có phần thăng hoa càng về cuối nhờ đó, nên phần lõi này sẽ chỉ được nói sơ qua thôi. Đầu tiên, nhân hóa là tốt, nhưng cũng đừng coi nó như thể là cách duy nhất để khắc họa sự cô độc. Thử nghĩ xem, một người nói chuyện với bức tường hay một người không có ai để nói chuyện cùng sẽ đơn độc hơn? Cái mấu chốt đấy chính là sự đơn độc hoàn toàn khi bước vào cuối truyện, giống như giai đoạn cuối của sự cô đơn.
Vậy nên nếu muốn để cho bức tường cất tiếng nói, hãy để nó ở những phút ban đầu, và rồi khi nó im lìm, sẽ là lúc mà chỉ có nhần vật đối diện với chính mình, cảm xúc sẽ mãnh liệt hơn, chân thực hơn, và dễ đồng cảm hơn, vì thực tế chẳng phải lúc nào cũng như những vở kịch của Shakespear. Câu văn này "Giả sử thôi, nếu một ngày được trôi qua vô ích, vô nghĩa, vô gì cũng được, nàng nguyện bám lấy ảo ảnh đó cả đời" cũng nghe có vẻ rất sâu sắc, rất đậm chất nội tâm, nhưng lại không có sự liên kết với nội dung phía dưới "Chỉ có bức tường....". Đó là minh chứng cho sự sáo rỗng của một câu văn tuy nghe có phần hoa mỹ nhưng lại chưa thực sự làm rõ được suy nghĩ của nhân vật.
Tui sẽ nói thêm một chút về sức hấp dẫn kì lạ của tản văn này. Như trong các tác phẩm đương đại, có lẽ nếu ví nhà văn là một người đánh cá, thì nội tâm con người sẽ là biển xanh bao la, ẩn chứa đầy nguy hiểm mà cũng vô cùng quyến rũ. Để thực sự miêu tả nội tâm nhân vật, một cách chân thực và tinh tế nhất, ta có rất nhiều lựa chọn, trong đó phổ biến nhất có lẽ là: Kẻ dẫn đường, Hóa thân, và Bí ẩn.
Thứ nhất, về "Kẻ dẫn đường", tác giả sẽ là ngọn đèn đưa lối người đọc đi trên con đường ngoằn ngoèo và tăm tối vào bên trong mỗi nhân vật của mình, tùy thuộc vào sự nhào nặn, con đường ấy sẽ có những đích đến khác nhau, tùy thuộc vào ý muốn của người sáng tạo nội dung. Nhưng quan trọng hơn, vào cuối con đường, nhân vật cùng với người đọc sẽ thay đổi theo một cách nào đó, có thể là góc nhìn, mà cũng có thể những giá trị sống. Đây cũng có thể coi là một cách dẫn dắt an toàn vì mọi sự việc có thể được quan sát bao quát hơn, nhưng lại có phần thiếu hụt về cảm xúc.
Điều đó dẫn ta đến với lối kể chuyện thứ hai: Hóa thân. Đây có thể nói là một trong những cách thức kinh điển nhất của văn học, là một thứ vũ khí vô cùng sắc bén mà cũng rất nguy hiểm. Nó yêu cầu tác giả phải thực sự biến thành nhân vật, cùng chia sẻ những suy nghĩ với nhân vật, và khiến cảm xúc nhân vật trở nên mạnh mẽ, và sâu sắc hơn bao giờ hết, từ đó nhân vật được hóa thân sẽ có khả năng thu hút người đọc một cách gần như tuyệt đối với bất cứ ai, là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của sự đồng cảm. Nhưng nó cũng dễ khiến cho góc nhìn ấy trở nên quá chân thực, việc này có thể ảnh hưởng đến tâm lí của tác giả, có thể dẫn đến một số chứng bệnh tâm thần khi quy chụp những suy nghĩ, huyễn hoặc của nhân vật vào của mình.
Cuối cùng là " Bí ẩn", mảng này có lẽ sẽ nói nhiều đến các biểu tượng, các quy chuẩn cũng như là sự đại diện của nhân vật dưới một thể dạng khác với chủng loài của mình, hoặc khoác trên mình lớp vỏ lạ lùng, với hoàn cảnh, xuất thân không rõ ràng, hoặc không được định danh bằng tên riêng, từ đó nói lên nhiều những tư tưởng của chính tác giả về thực tại xã hội, cũng như nâng các giá trị thường thấy lên một tầm lớn lao hơn. Tại sao lại không có ví dụ à?Vì tác phẩm của bồ đã hội tụ gần như đủ những yếu tố này, ở mức độ đầu tiên - sơ khai nhất. Rieverra là một nhân vât với nội tâm khó đoán, và với sự dẫn dắt của bồ, con đường khúc khuỷu vào sâu bên trong những suy nghĩ của nhân vật ấy trở nên đầy cuốn hút, và hấp dẫn. Thêm vào đó, tuy không hẳn là nhập vai hoàn toàn, nhưng sự đồng cảm mà bồ tạo ra với nhân vật, cho người đọc một cảm giác gần gũi, gắn bó với nhân vật, nói cách khác, bồ đã phần nào nhập vai vào nhân vật qua những dòng thơ đậm chất tự sự, duy tâm. Và cuối cùng, là nét bí ẩn, là bí ẩn về nhân vật, ta không biết quá rõ về Rieverra, mà chỉ mường tượng ra cô qua những lời kể, biết bao những ý nghĩ diễn ra trong tâm trí, và phải phân vân giữa đâu là thật, đâu là giả đã khiến cho người đọc bước vào một mê cung, được xây lên bởi cảm xúc, và "không lối thoát" - như lời đáp trả của bức tường. Câu chuyện, có thể nói, giống hệt như một người phụ nữ đẹp - đầy quyến rũ, hấp dẫn mà cũng ẩn chứa vô vàn những uẩn khúc, khiến cho ta càng đào sâu lại càng thêm mê đắm.
Rồi và chốt ở đây, vì tui biết có lẽ khả năng của mình phần nhiều có lẽ là chưa thực sự đủ chín để hiểu hết chiều sâu của tản văn, nên có một số ưu và nhược để bồ có thể tham khảo: Thứ nhất, lối viết sáng tạo, giàu tính biểu cảm và tự sự, cộng thêm với sự đồng cảm dành cho nhân vật, và giúp cho người đọc trải nghiệm những dòng suy tưởng và xúc cảm cùng với nhân vật. Thứ hai là sự kết hợp mượt mà giữa thể thơ và thể văn, tạo nên dòng chảy cảm xúc xuyên suốt, cùng với đó là những câu văn liên kết khá chặt chẽ, có sự chảy trôi, và phát triển của cảm xúc nhân vật: từ nỗi buồn sầu, trở thành nỗi cô đơn, lớn dần thành niềm cay đắng, và kết thúc bằng một hành động tuyệt vọng, có lẽ là trong suy nghĩ nhân vật mà cũng có thể là đã xảy ra. Điều đó thể hiện bồ có một sự tinh tế trong việc cảm nhận những đợt sóng nội tâm ầm ì, khó đoán, cuộn trào trong tâm can nhân vật. Thứ ba, đó là bản thân nhân vật được xây dựng đầy những nét bí ẩn mê hoặc, khiến cho bất cứ người đọc nào cũng muốn lặn sâu hơn vào nơi tâm trí kì dị mà đầy hấp dẫn, ma mị của cô nàng Rievierra. Mặc dù rất xuất sắc trong các mảng trên, câu chuyện được kể vẫn có thể tốt hơn,nếu bồ tránh những câu văn sáo, thiếu liên kết, diễn đạt tinh giản hơn, không làm mất đi cảm xúc mà vẫn có thể cô đọng lại (cứ viết một tràng trước đi rồi sau đọc lại để sửa cũng là ý hay), cần chú ý đến sự dẫn dắt mạch lạc hơn, tránh nhập vai thái quá vào nhân vật mà dẫn đến một số đoạn người đọc bị rối, và không cảm thấy được sự đồng cảm từ nhân vật, vai trò giữa người kể chuyện và nhân vật bị nhập nhằng, không rõ ràng. Cùng với đó, sự sáng tạo cũng nên tránh trở nên quá gượng ép để tô vẽ thêm cho nội dung (vì nó vốn hay rồi mà), có thể tiết chế lại một chút. Chú ý chủ ngữ trong các câu văn, để tránh bị lủng củng, thiếu mạch lạc.
Cuối cùng, cảm ơn bồ vì đã viết lên một áng văn thơ tuyệt với như này, và chúc bồ đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. :>
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip