Về nhà

Đầu tháng Tám, trời mưa như trút.
Lệnh tạm dừng chiến đến vào sáng ngày mồng sáu. Thành cổ nhuộm đầy xác người, nồng mùi máu, đất và tro. Không ai cười. Không ai nói. Chỉ có tiếng chân lặng lẽ bước giữa đống gạch vụn.

Một người lính trẻ – tên là Độ, cùng trung đội với Nga và Nghi – là người được cử đi kiểm tra lại tuyến phòng thủ cũ. Đến đoạn hào phía Tây, anh đứng chết trân.

Hai thân người nằm cạnh nhau, tay vẫn còn nắm chặt. Áo rách, máu khô đen thẫm. Mặt nghiêng về nhau, như chỉ vừa chợp mắt.

Độ bước lại, quỳ xuống. Tay anh run run khi gỡ nhẹ bàn tay đã lạnh đi, thấy trong đó là hai lá thư nhỏ – giấy thấm máu, góc rách nham nhở. Một cái ghi: "Gửi má, nếu con không về...", nét chữ xiêu vẹo, vụng về.

Anh không đọc.
Chỉ lặng lẽ cúi đầu. Rồi khóc nấc.

Chiến tranh đã khiến anh thấy quá nhiều người chết. Nhưng chưa lần nào anh thấy hai người chết mà vẫn cố nắm tay nhau, che cho nhau, nằm sát vào nhau như vậy. Không cần nói, anh cũng hiểu – đây là tình thương mà chiến tranh không giết nổi, dù đạn bom có thể.

Độ móc trong túi ra một mảnh khăn dù, gói thư lại thật kỹ, dúi vào ngực áo.
Chiều hôm ấy, anh đi suốt quãng đường dài đến đoàn liên lạc ở phía sau, đưa tận tay hai bức thư, không dám nói gì ngoài một câu khản giọng:

"Gửi về... cho má hai cô ấy..."

Anh đứng đó, nhìn người phụ trách nhận thư, mặt lạnh như sắt nhưng mắt rưng rưng.

Chiều hôm ấy, người liên lạc trẻ rẽ qua xóm nhỏ nằm ven sông.
Anh cầm trên tay hai phong thư đã ngả màu, gói trong khăn, còn phảng phất mùi máu khô. Đôi mắt anh đỏ hoe, nhưng giọng vẫn gắng giữ bình tĩnh.

Đầu tiên, anh tìm đến má Nghi.

Người đàn bà dáng nhỏ, tóc cột sau gáy, nghe tới "tin từ đơn vị Nghi" thì đã run bần bật.

Anh lính trẻ quỳ xuống, cúi đầu:

"Dạ, con xin lỗi... Nghi... đã hy sinh. Còn để lại lá thư này, dặn con gửi tận tay má."

Bàn tay gầy gò của má run rẩy nhận lấy thư. Bà mở ra... nét chữ xiêu vẹo, nhưng còn nguyên:

Má thương,

Nếu thư này đến tay má, nghĩa là con không về nữa.

Con xin lỗi, má đừng khóc. Ở đây, con có chị Nga – chị thương con, lo cho con từng bữa cơm, từng viên thuốc. Má yên tâm, vì con không cô đơn.

Nếu nước nhà thắng, con xin má rước xác con về, chôn cạnh gốc vú sữa sau nhà, nơi con hay trèo hồi nhỏ. Nếu không tìm được xác, má cứ nhớ con từng sống, từng cười, từng thương má thiệt nhiều.

Má nhớ ăn cơm đều, giữ gìn sức khỏe. Mỗi ngày, má sống là con yên lòng.

Thương má.

Nghi

Sau đó, người lính lại đến nhà má Nga – cũng là nhà tranh đơn sơ, cách đó vài dặm. Má Nga nghe xong cũng chỉ lặng người, ngồi bệt xuống đất, không khóc, không la.
Chỉ chắp tay mà run.

Anh lính run giọng, trao thư thứ hai:

"Cô Nga cũng hy sinh. Trước khi mất, cổ... có dặn đưa tận tay cô lá thư này."

Má kính yêu,

Con xin lỗi má. Con biết con đi là má không yên tâm. Nhưng con muốn đánh cho xong giặc, để em Nghi và mấy đứa nhỏ ở quê không phải lớn lên trong tiếng bom như con.

Ở ngoài này, con đi với Nghi. Con thương em ấy. Em khờ lắm, nhưng hiền, ngoan. Má đừng trách con nghe. Con chỉ mong... nếu má nghe được, má đừng buồn, đừng xấu hổ.

Con cũng có dặn đồng đội rồi. Khi nào giải phóng xong, nếu còn xác con, xin đưa con về nằm ở nơi em Nghi nằm. Nếu không còn, má nhớ sống cho khỏe, nhớ giữ cho con một nắm đất quê nhà.

Con thương má nhiều. Còn thương em ấy... thì... nhiều hơn một chút.

Nga

Hai bà má, mỗi người ôm một lá thư, lặng lẽ ngồi bên hiên, gió thổi qua tóc rối. Không ai khóc thành tiếng. Nước mắt cứ chảy xuống ướt ngực áo, nhỏ từng giọt lên trang thư máu loang.

[...]

Tháng Mười Một năm ấy, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và xác minh, đơn vị cũ của Nga và Nghi may mắn xác định được vị trí hai cô đã ngã xuống, dưới một lớp gạch vụn và đất đá cạnh hào phía Tây của Thành cổ Quảng Trị.

Thi thể được giữ lại nhờ lớp bùn che, tóc đã bết lại, áo nâu sẫm máu, nhưng tay hai người vẫn còn nắm chặt lấy nhau.

Ngày nhận được tin ấy, cả hai bà má đều ngã quỵ, nhưng lần này, không phải vì đau buồn. Mà vì mừng:
Các con mình... về rồi.

Một buổi sáng sớm, đoàn xe từ đơn vị chở về hai hũ tro, đặt ngay giữa sân đình làng. Dân xóm kéo đến đông nghịt. Không ai bảo ai, ai cũng mang hoa, mang nhang.

Hai bà má bước lên trước.
Không có nước mắt.
Chỉ có bàn tay run run ôm lấy hũ tro, miệng lẩm bẩm:

"Con về rồi hả con... má đợi... má đợi lâu rồi..."

Một người hàng xóm nói nhỏ:
"Chết vậy mà vẫn nắm tay nhau, chắc thương nhau dữ lắm..."

Ngày hôm sau, làng làm lễ chôn cất trang trọng. Hai ngôi mộ chôn cạnh nhau, dưới gốc vú sữa sau nhà Nghi, đúng như nguyện ước trong thư.
Bia mộ khắc chung một dòng:

Liệt sĩ Bùi Thị Nga & Nguyễn Ngọc Nghi
Hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị – tháng 8 năm 1972
"Chết cho Tổ quốc, sống trong lòng nhân dân"

Giữa khói nhang nghi ngút, hai bà má ngồi bên nhau, lưng còng, mắt nhìn về hai nấm đất mới đắp. Má Nghi quay sang nắm tay má Nga, nói khẽ:

"Thôi thì... hai đứa nó thương nhau, chôn cạnh nhau cho có bạn."

Má Nga gật, mắt hoe đỏ.

Tối đó, trời mưa nhẹ.
Trên gác bếp, hai lá thư cũ được đặt trong khung gỗ, treo ngay bên bàn thờ.

Gió thổi qua khe cửa, mùi nhang thơm len lỏi vào lòng đất.

Dưới mảnh đất quê nhà...
Hai cô gái trẻ, cuối cùng cũng được nằm lại bên nhau – không còn tiếng bom, không còn tiếng đạn.
Chỉ còn tiếng gió, tiếng cây, và lời má ru hằng đêm vọng từ bếp sau.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip