Vĩnh Gia phu nhân Âm Thiên Bình (2)
" Phụng thiên thừa vận. Hoàng đế chiếu viết. Vĩnh Gia Đại tướng quân Tề Kim Ngưu, trí dũng song toàn, trung lương đức độ, nhân phẩm đoan chính. Xuất thân hàn môn mà nuôi chí tang bồng, đạt được công cao mà không kiêu ngạo. Một lòng giữ vững biên cương, bảo hộ non sông Tú Việt, thành ý đặt hết vào nhân dân. Đặc phong làm Điện tiền Đô chỉ huy sứ, giữ hàm Chính tam phẩm, phong hiệu Hoài Đức. Vợ là Âm thị, tức Văn Hòa Quận chúa, nguyên Tòng tam phẩm Huy nhân, sinh ở danh tộc, đích nữ của Trung Hiền cố thân vương Âm Bá. Tư sắc hơn người, thông thạo thi thư, dịu dàng hiền đức, am hiểu lễ nghĩa. Nay theo tước của chồng mà phong Chính tam phẩm Trinh nhân, giữ hiệu xưng Vĩnh Gia. Khâm thử."
Nằm trên giường, tôi khó nhọc cố nâng người dậy để ít nhất làm tròn cái lễ tạ ơn, nhưng toàn thân đau nhức chẳng cử động nổi. Vị nội quan tuyên chỉ thấy vậy liền vội vã gấp nhanh chiếu thư lại, đi đến bên giường tôi mà bảo. " Phu nhân thân thể không tiện, xin đừng cố."
Nói rồi cẩn thận nâng chiếu chỉ lên, hướng về phía Thúy Hoa tỏ ý đón nhận. Thúy Hoa cũng cẩn trọng nhún người một cái rồi mới nhận chỉ từ nội quan nọ.
" Tướng quân đã vào cung rồi sao?" Tôi nhẹ nhàng hỏi vị nội quan, tay kéo chăn lên cao hơn.
Nội quan tươi cười nói. " Từ sáng tinh mơ tôi đã thấy tướng quân cùng với bệ hạ đi dạo quanh Thiên Minh cung của Từ Tông Hoàng đế rồi. Hôm nay là ngày vui của tướng quân, trùng hợp thay cũng là ngày bệ hạ thiết yến đãi quan thần, nên bệ hạ tuyên gọi tướng quân vào cung. Bệ hạ biết phu nhân đang trọng thương nên sai tôi đến mang cho phu nhân một số đồ tẩm bổ."
Tôi gượng cười. " Vậy xin nội quan hãy thay ta đa tạ bệ hạ."
Vị nội quan cúi đầu đồng ý rồi rời đi. Tôi gọi gia nô bên ngoài tiễn nội quan ra tận cổng. Thúy Hoa chậm rãi đỡ tôi nằm xuống giường, sợ rằng động đến vết thương. Tôi thoải mái duỗi người trên nệm, mỉm cười nhìn Thúy Hoa. " Tiết trời càng ngày càng ấm áp, thích thật."
Nàng dẻo miệng đáp lại, ngồi xuống bên chỗ tôi nằm. " Là vì quận chúa vui nên tiết trời tự dưng cũng đẹp hơn. Quận chúa vạn sự đều như ý, Thúy Hoa cũng thấy vui thay người."
" Vạn sự như ý?" Tôi nhếch mép, mắt lim dim. " Đúng thật, Ma Kết đã trở thành Hoàng đế rồi. Chỉ cần Ma Kết vẫn ở đó, nửa đời sau ta không cần phải lo nữa."
Tôi với Thúy Hoa trước giờ khắc khẩu, tôi nói Đông thì nàng bảo Tây, tôi cho là thích thì nàng chỉ có ghét, tôi thấy không ổn thì nàng sẽ khăng khăng bảo tôi phải sửa tật suy diễn nhiều. Đôi lúc tôi không hiểu sao nàng vẫn chấp nhận làm thị tì của tôi, vì nàng trèo lên đầu tôi ngồi lâu đến nỗi sắp thành người mẹ thứ hai của tôi mất rồi. Song lần này tôi lại thấy lời nàng nói sao mà dễ nghe.
Vạn sự như ý, có gì không đúng?
Tôi là quận chúa bị bỏ rơi trong cung cấm đến hơn mười năm, sống trong một cung điện hoang phế ở phía Tây hoàng cung. Từ nhỏ tôi chỉ làm bạn với ba thứ: muỗi, chuột và sách cũ bị bỏ quên ở dưới tầng hầm đổ nát. Lớn lên tôi mới biết mình là con gái Âm gia, dòng tộc thuộc hàng đệ nhất trong số khai quốc công thần. Cha của tôi là Trung Hiền vương, một quý tộc vĩ đại và cao quý. Mẹ tôi là Tú Quốc Đại trưởng công chúa, chị gái của Thiên Huệ Tông Hoàng đế- là ông nội của Từ Tông, cụ của Ma kết. Nhưng bởi vì nghe gian thần xu nịnh, vu oan làm bậy mà Huệ Tông ra tay chém chết cả gia đình tôi, tru di cửu tộc, ngay cả chị gái của ông ta- mẹ tôi. Tôi, một đứa bé còn đỏ hỏn may mắn thoát án trảm bởi vì được Từ Tông hoàng đế, lúc đó là Cô Mục quận vương, ra tay giúp đỡ, còn nuôi nấng tôi nên người. Đấy là câu chuyện tôi nghe được từ Nguyên Đức Hoàng thái hậu Tú thị.
Thế mà lúc tôi hỏi tại sao Từ Tông không bao giờ đến thăm tôi, bỏ tôi một mình ở lãnh cung thì Nguyên Đức nương nương lại nói là, thánh thượng " nhìn thấy tôi là nhớ đến Âm gia, vô cùng đau lòng, khó chịu không thôi." Tôi sốt li bì suốt tám ngày, nằm co quắp trong cung điện bỏ hoang, cũng chỉ có Thúy Hoa, lúc đó là một cung nữ nhỏ tuổi, đến cứu. Thậm chí trông tôi thảm hại đến mức lúc đầu nàng ta không tin tôi là Văn Hòa quận chúa.
Thời khắc đó mà tôi nhận ra, trong hoàng cung này, thật ra chẳng ai quan tâm đến tôi cả. Nguyên Đức nương nương ngày đó tuy nói cười thân thiện nhưng chẳng hề cho tôi nổi một bát cơm để sống qua ngày. Từ Tông mang danh đau lòng, áy náy với Âm gia mà tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy mặt. Tôi căm ghét cả hoàng cung này mà chẳng bao giờ thoát khỏi nó được.
Nhưng vào một ngày nọ, tôi gặp Ma Kết.
Ma Kết là một thằng nhỏ gầy gò, ốm yếu, lại có tật hay cắn móng tay và lò thò nước mũi. Nó đi ngang qua " địa bàn trút giận" của tôi. Nó nhìn chằm chằm tôi nổi cơn tam bành phá cây, dẫm cỏ, ném tên vào cá để đỡ buồn bực mà chẳng hề nói câu nào, năm đó tôi mười hai tuổi, còn nó mới lên bảy. Dẫu tôi có mắng chửi xả giận lên nó thế nào, hôm sau nó vẫn quay lại, đứng ở đó và im lặng nhìn tôi. Điều đó làm tôi cảm thấy bị làm phiền ghê gớm. Thậm chí tôi còn đánh nó túi bụi, nhưng nó không chịu rời đi.
Sau đó tôi mới biết, thì ra trong hoàng cung này cũng có một đứa như tôi, chẳng ai để ý đến nó cả.
Mẹ của Ma Kết là một bà Quý nhân (1) sống trong Thục Thận viện, nhìn qua cảnh ngôi viện đó khi thằng nhỏ kéo tay tôi đến thăm thì tôi lại ngộ thêm được cái chữ "thì ra". Thì ra trong hoàng cung này còn có người thảm hơn cả tôi! Bà Quý nhân họ Hà, mẹ của Ma Kết, bị dở hơi, nói theo kiểu văn vẻ là thần trí nghịch loạn. Hằng ngày bà chỉ có hai việc lặp đi lặp lại, một là cắt tay, hai là nhảy hồ. Hôm nào đẹp trời thì bà sẽ ở yên trong viện ngẩn ngơ lẩm bẩm một mình suốt cả ngày. Bà thậm chí còn chẳng nhận ra Ma Kết là ai. Lần nào tôi đến thăm bà cũng hết sức niềm nở đón tiếp, cho tôi một ít bánh nếp rắc vừng và chè dừa đậu xanh. Tôi luôn cẩn thận với đống đồ ăn này, vì có hôm tôi nhận ra trong bát chè có giun đất. Đến khi bà ôm lấy tôi và gọi tôi là " cái Đào", thì tôi mới hiểu bà nhầm tôi với đứa con gái đã mất của bà. Cô em gái đó của Ma Kết tên là Hòa Thục công chúa, đã qua đời vì sẩy chân đuối nước khi mới lên năm. Từ đó Hà quý nhân mới trở nên như vậy.
(1) Quý nhân: Phi tần bậc sáu trong hậu cung.
Nhớ lại thời điểm đó cũng rất vui, tôi qua Thục Thận viện chơi cứ như nhà mình, có chỗ ăn, có chỗ ngủ, lại có thêm hơi người. Nguyên Đức nương nương, tức Hoàng hậu đương thời, nghe cung tì bẩm báo lại cũng chẳng nói gì, mặc kệ tôi với Hà quý nhân làm điên làm khùng, nhảy múa hát hò ồn ào từ trong viện đến ngoài viện. Tôi và Ma Kết càng thân nhau hơn do cùng hoàn cảnh, đồng chí hướng. Tôi nói tôi muốn được nhìn thấy mặt của Từ Tông để hỏi ngài vài điều. Ma Kết thì bảo nó cũng muốn gặp Từ Tông để bắt cha nó phải để ý đến Thục Thận viện của mẹ con nó. Chúng tôi rảnh rỗi sinh nông nổi còn nghĩ cách chơi đểu những thái giám, cung tì thường ngày bắt nạt Hà quý nhân...
Mọi thứ đã thay đổi khi chúng tôi bất ngờ chạm mặt Từ Tông Quảng Mục Hoàng đế khi đang bị một thái giám rượt đuổi. Ma Kết đã bỏ một con sâu róm vào quần ông ta, như cách ông ta bỏ nó vào bát canh của Hà quý nhân. Chúng tôi hớt hải cắm đầu chạy, lúc đó thái giám kia sắp giết chúng tôi đến nơi rồi, nhưng vì nghĩa bằng hữu anh em nên quyết không bỏ nhau, có chết thì chết thật oanh liệt. Rồi chúng tôi đâm vào đoàn xa giá của Hoàng thượng khi đi qua Tây cung. Thái giám rượt đuổi đòi giết hoàng tử và quận chúa, trong mắt Từ Tông Hoàng đế là nô tài bắt nạt chủ tử, thật đáng hận biết bao! Thế là chẳng nói chẳng rằng được mấy câu, thái giám đó bị lôi xuống đánh chết. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến một người chết, và cũng là lần đầu tiên tôi khiến một người phải chết. Song lúc đó tôi còn nhỏ, chưa cảm thấy sinh tử là điều gì đó quá quan trọng. Nhưng ánh mắt Ma Kết khi nhìn thấy thái giám đó giãy giụa trong vũng máu dường như đã chết lặng. Tôi cảm nhận được Ma Kết có gì đó khang khác từ lần ấy, nhưng bởi nó vẫn cư xử như bình thường nên tôi quả là không để tâm lắm.
Từ Tông Hoàng đế lần đó ôm chúng tôi vào lòng, nói cái gì mà nhìn thấy hai đứa như vậy, trẫm vô cùng đau lòng, là trẫm không tốt, rồi nói cái gì mà nhất định sẽ bù đắp cho chúng tôi. Tôi nửa tin nửa ngờ, đôi lúc cũng thấy hơi cảm động, còn Ma Kết thì quả là liệt cơ mặt, lạnh lùng như băng trước những lời thương yêu như vậy. Lúc Từ Tông đế thả chúng tôi trở về viện Thục Thận, thì Ma Kết cáu kỉnh nói sẵng với tôi:
" Đừng có tin ông ta đấy, đồ đần."
Tôi cũng nóng máu nạt lại. " Mày không phải dạy chị đây, cái thằng thò lò mũi xanh."
May mắn thay là từ đó cuộc sống ở Thục Thận viện tốt hơn rất nhiều. Những thái giám, cung tì ngày trước bắt nạt Hà quý nhân đều bị đuổi đi, thay bằng những người mới có chừng mực hơn. Thục Thận viện cũng được tu sửa lại đàng hoàng, còn xây thêm một ngôi đình riêng với mái ngói màu xanh để thưởng trà khi cần. Ma Kết cũng dần được phụ hoàng của nó để ý hơn. Tôi cũng không phải trở về Tây điện bị bỏ hoang kia nữa, mà được Nguyên Đức nương nương đón về Chiêu Phương cung để nuôi dưỡng bên cạnh. Dạy dỗ được một hồi thì nương nương ấy nhận ra tôi đích xác là một đứa đầu đường xó chợ, vừa ngang bướng vừa xấc láo, không thể tiếp thu để trở thành danh môn khuê nữ, liền có ý đuổi tôi đi. Các vị nương nương trong cung khi nhìn thấy tôi tự động tránh né. Những ngoại mệnh phụ đức cao trọng vọng ngoài cung thì xua tôi như đuổi tà. Nguyên Đức nương nương không chịu được tôi nữa, đến khóc lóc cầu xin Từ Tông, mong gả tôi sớm đi. Nhưng Từ Tông, không biết là vì ăn phải cái gì, liền cười khẩy tuyên bố:
" Đem Văn Hòa Quận chúa đến Thiên Minh cung đi. "
Câu nói của Hoàng đế không chỉ làm Nguyên Đức nương nương chết đứng mà không diễn tuồng khóc lóc nổi nữa, mà còn khiến cả hậu cung một phen chao đảo.
Thiên Minh cung, là nơi ở của Từ Tông. Đem Âm Thiên Bình tôi đến Thiên Minh cung, đây là muốn đích thân dạy dỗ tôi nên người đây mà! Từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ Hoàng đế tự mình nuôi dưỡng, dạy dỗ một đứa trẻ nào trong hoàng cung. Không thì rước Hoàng hậu với ba nghìn giai lệ về để làm gì? Không phải để họ lãnh trách nhiệm quản lí hậu cung, vừa sinh đẻ vừa dạy dỗ các hoàng tử hoàng nữ hay sao?
Tôi trở thành đứa trẻ đầu tiên được đương triều Hoàng đế nuôi lớn.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip