13. Chữa lành cho bản thân
Qua giai đoạn tưởng đã ổn mà chưa ổn trên, mình biết đã đến lúc mình phải học cách từ từ chấp nhận và buông bỏ mọi chuyện, thật sự tập trung vào bản thân, xoa dịu những nỗi đau và đứng lên bước tiếp. Mình còn cần học lại cách dựa vào chính mình, cứng rắn, mạnh mẽ độc bước sau 3 năm nương tựa, dựa dẫm, ỷ lại. Hành trình này qua quá trình xem kênh Youtube của Chi và đọc thêm nhiều bài viết, mình mới biết nó mang tên "chữa lành". Và hành trình này mình có thể vững bước một phần lớn là nhờ vào Chi – một người dẫn lối mà vũ trụ gửi đến cho mình. Và Hân, Mây – những tri kỷ The Soulmate.
Thừa nhận vấn đề
Để đi vào hành trình chữa lành, trước hết mình phải nhận ra bản thân có vấn đề, thừa nhận và phải chấp nhận đối diện với những vấn đề đó.
Nhiều người thường có thói quen nói mình ổn dù trong lòng rất đau buồn, mang đầy những tổn thương như một cách để trấn an mọi người xung quanh, và suy nghĩ "mình nghĩ nó không sao thì sẽ chẳng sao cả" để tự trấn an mình. Cách nghĩ này có thể có tác dụng với những chuyện chưa xảy ra, như khi mình đến bệnh viện khám bệnh và ngồi chờ kết quả. Nhưng với những vấn đề đang tồn tại ở đó, suy nghĩ này là cách bạn đang chối bỏ vấn đề. Nói đơn giản là như khi bạn biết mình bệnh rồi, nhưng tự nhủ là kệ thôi, rồi nó tự hết. Trong khi thực tế, bạn phải uống thuốc, đi bác sĩ chữa thì mới dứt bệnh, chứ bệnh nào mà không làm gì nó tự hết được!?!
Với nỗi đau tinh thần cũng vậy, để chữa lành, bạn phải thừa nhận mình đang "bệnh". Cứ trốn chạy vấn đề và để mặc nó sẽ rất nguy hiểm. Đến một ngày nào đó bệnh tình trở nặng có thể sẽ khiến bạn suy sụp rồi dẫn đến những chấn thương tâm lý rất nguy hiểm.
Vậy làm sao để nhận ra bản thân mình có vấn đề? Thật ra, chúng ta hiểu cơ thể mình hơn bất kỳ ai. Chúng ta luôn có thể tự cảm nhận được chỗ nào đó không ổn, như khi thấy rát họng, mình biết mình đau họng, hắt xì thì có thể bị viêm mũi. Với tổn thương tâm lý và những nỗi sợ bên trong nói chung cũng vậy, tự mình sẽ nhận ra khi để ý một chút. Như có cảm giác sợ hãi, muốn né tránh khi nghĩ đến một chuyện nào đó, chẳng hạn như mình vẫn chưa chấp nhận được chuyện tình cảm của mình đã dừng lại; suy nghĩ quá nhiều, mệt mỏi, không thể thoát ra khỏi một câu chuyện; tự cảm thấy thất vọng và chán ghét chính bản thân mình; phán xét bản thân; tự cảm thấy mình yếu kém, chối bỏ chính mình. Những dấu hiệu này nếu cứ kéo dài và làm bạn thấy mệt mỏi thì đó là tín hiệu cảnh báo tâm hồn bạn cần được chữa lành...
Buông bỏ
Khi đã nhận ra vấn đề, sẵn sàng bước vào hành trình, chúng ta sẽ bắt đầu với việc bỏ đi những thứ không còn cần thiết để chuyến hành trình nhẹ nhàng và suôn sẻ hơn. Không chỉ là những thứ nhìn được, cầm nắm được như hình ảnh trong điện thoại, biệt danh dành cho nhau, những món đồ kỷ niệm, những món quà; mà còn là những chuyện đã qua, bỏ qua những giận hờn, trách móc, cố gắng tha thứ cho người đã làm tụi mình tổn thương, không giận hờn, oán trách, sân hận nữa.
Việc buông bỏ lúc này khác với khi chia tay, chúng ta buông tay chấp nhận để họ đi, không còn cố gắng tìm cách níu kéo nữa. Vì nó không chỉ đơn thuần là buông tay theo đúng nghĩa đen, mà chúng ta phải dần học cách buông xuống tình cảm dành cho người mình từng thương hơn chính bản thân mình, chuyện tình cảm thật đẹp mà mình nghĩ cả đời có khi chẳng tìm lại được, dần quên đi những kỷ niệm đau thương. Lúc này có lẽ sẽ không còn "ồn ào" như khi buông tay để người ra đi. Nhưng nó sẽ không thoáng qua như một giây phút, mà là cả một quá trình dài, để làm được thật sự phải rất quyết tâm và kiên nhẫn. Buông bỏ bắt đầu từ việc chấp nhận và tha thứ.
Nhưng khoan đã, nhiều bạn vẫn chọn chờ người kia trở về như mình chắc sẽ thắc mắc vì sao tụi mình cũng cần phải buông bỏ?
Cần chứ, vì dù chọn tin người kia sẽ trở về, nhưng chúng ta cũng phải buông bỏ đi những điều đã cũ chứ, buông bỏ cả những đau buồn, tổn thương của quá khứ, những trách móc, giận hờn để sống tiếp thật tốt, để khi họ trở về chúng ta có thể viết câu chuyện mới của tương lai chứ không phải để nối lại câu chuyện đã cũ, bới móc lại quá khứ rồi lại rơi vào vòng lặp cũ. Buông bỏ không có nghĩa là phải từ bỏ mọi hy vọng, vì một khi đã quyết định chờ thì ít nhiều chúng ta đều mang hy vọng trong lòng. Chỉ là mình không cố kiểm soát mọi chuyện, không cố mường tượng khi nào anh sẽ trở về, hai người sẽ gặp lại nhau ở đâu, trong hoàn cảnh nào, có khi mai người đó về không, hay tháng sau, năm sau; mình tập trung và tận hưởng cuộc sống hiện tại của mình và để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Đến đúng thời điểm, mọi thứ sẽ lại đâu vào đó, người cần về sẽ trở về...
Nhưng mà lại khoan, "buông bỏ, quên đi người mình thương hơn cả chính bản thân mà nói suông suông vậy? Bộ muốn quên là quên, muốn bỏ là bỏ được sao, vậy thì tôi cần đọc sách của bạn làm gì?".
Mỗi biến cố là một bài học
Để dần bỏ xuống, tụi mình phải bắt đầu từ việc chấp nhận và nhìn thẳng vào sự thật. Đó là mọi chuyện đã tan vỡ, chấp nhận vấn đề của bản thân, chấp nhận thực tại. Dù quá khứ có đẹp đến đâu, có màu hồng đến mấy, yêu thương thắm thiết đến mức nào thì hiện tại cũng là chuyện đã rồi. Mọi thứ đã không còn như trước nữa, không có điều gì có thể thay đổi được nữa, chuyện gì đến lúc xảy ra đương nhiên sẽ phải xảy ra.
Nói thì muốn nói gì chẳng được, nhưng khó lắm làm sao mà làm được? Mới hôm qua còn hạnh phúc, cuộc sống đang màu hồng, tự dưng hôm nay trời đất đổ sập xuống, mọi chuyện tan vỡ, ai mà không bị choáng ngợp, không oán thán, đau buồn, không uất ức, sân hận. Làm sao có thể nói chấp nhận là chấp nhận?
Mình biết có thể mọi người sẽ nghĩ mình may mắn hơn mọi người, vì vẫn còn có một niềm tin để vịn vào là lời hứa anh sẽ trở về, nên mọi chuyện dễ dàng chấp nhận hơn. Nhưng thật ra, mình cũng đau lòng và tổn thương như tất cả mọi người sau chia tay. Vì mình cũng là người bị bỏ lại, cũng đang hạnh phúc rồi phải trở về một mình loay hoay, phải nếm trải tất cả mọi cảm xúc đau buồn. Cũng chẳng ai hay bất kỳ điều gì có thể xác nhận với mình là anh sẽ trở về, hay thời điểm nào anh sẽ về. Nên tất cả chúng ta sau chia tay, đều có những tổn thương và đau lòng như nhau.
Việc chấp nhận với chúng ta cũng như nhau. Là một việc rất khó, nhưng không phải là không thể làm được. Tụi mình thường có xu hướng luôn tiếp nhận hạnh phúc, niềm vui mà chẳng chần chừ hay thắc mắc vì sao những điều tốt đẹp đó đến với mình; nhưng khi những việc không như ý tới, tụi mình lại luôn muốn trốn chạy, không chấp nhận. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng vui, bên cạnh hạnh phúc phải có khổ đau, có những thay đổi, những điều không như ý ập tới một cách rất bất ngờ mà tụi mình chẳng thể nào lường trước được, cũng chẳng ai dạy ai phải tiếp nhận như thế nào cho đúng. Mình từng đọc được ở đâu đó, "Lúc hạnh phúc, tuyệt vời sao không hỏi ông trời vì sao lại là mình? Đến lúc đau khổ, không như ý muốn lại cứ oán trách, hỏi vì sao lại là mình nữa?".
Không ai cấm tụi mình buồn bã, đau khổ sau chia tay, hay trước những biến cố. Nhưng tụi mình hãy học cách bình thản tiếp nhận nỗi buồn như khi dễ dàng tiếp nhận niềm vui. Khi vui, chúng ta cũng vui 5 ngày 10 ngày, lâu hơn thì 1 tháng rồi vẫn sống cuộc sống bình thường, vẫn tìm động lực để tiếp tục sống mỗi ngày. Vậy khi buồn, chúng ta cũng đừng để nỗi buồn kéo dài mãi. Tụi mình cứ mặc sức oán trách, than vãn, thể hiện mọi cảm xúc, rồi cố gắng bình tâm lại chấp nhận mọi chuyện, để lòng nhẹ nhàng hơn rồi bước tiếp. Tụi mình không thể cứ dành thời gian hiện tại để day dứt mãi về quá khứ; đôi tay bạn là để dùng kem dưỡng tay, để đeo trang sức thật đẹp, chứ không phải để "kéo co" đến trầy xước với những đau khổ. Đừng để quá nhiều ngày buồn, để quá khứ phí thời gian hiện tại tươi đẹp của mình, bất công với chính mình chỉ vì người khác. "Điều tồi tệ xảy ra là để kết thúc những cái cũ, chờ đón những điều mới tốt đẹp hơn", tụi mình hãy cùng tự nhủ như vậy để bước tiếp.
Và một phần nghe có vẻ tâm linh hơn để bạn dễ dàng chấp nhận là hãy xem những biến cố, khổ đau là những bài học. Mình không giỏi hay cao siêu tới mức tự nghiệm ra được, mình cũng từ từ mới hiểu và chấp nhận được điều này sau những quyển sách mình đã đọc, những video chữa lành mình đã xem, những chia sẻ từ nhiều người đi trước. Mình không nhớ mình đã từng nghe được ở đâu đó rằng:
"Mỗi biến cố, khó khăn xảy ra đều có lý do cả. Vũ trụ gửi khó khăn xuống là để bạn học bài học của riêng mình. Nếu bạn cứ trách móc, kháng cự, không chấp nhận, cứ tìm cách kiểm soát vấn đề, mong cầu có thể thay đổi mọi chuyện; vũ trụ sẽ lại gửi những bài khác khó hơn để buộc bạn xuôi dòng, chấp nhận sự thật".
Vì vậy, nên thay vì kháng cự, ôm khư khư tâm lý mình là kẻ bị hại, không tiếp nhận bài học từ vũ trụ, mà cứ xem đó là nỗi bất hạnh, nỗi đau khổ để vũ trụ phải gửi những bài học khó nhằn hơn nữa để bạn buộc phải đầu hàng; thì hãy cố gắng kiên cường đón nhận tất cả. Cứ khóc lóc, giận hờn, buồn bã rồi từ từ đứng dậy vượt qua những bài học khó nuốt này để bước đến với những ngày tốt đẹp hơn.
Tha thứ
Hân hay nói với mình "Phải chăng Hân còn nợ gì người ta, nên cứ cảm thấy day dứt, sân hận. Trong khi người ta thì thoải mái bỏ qua mọi chuyện rồi?". Thật ra, chẳng ai nợ ai điều gì cả, cảm giác đó là do tụi mình cứ cố chấp ôm khư khư mãi trách móc, giận hờn, không chịu bỏ xuống, không muốn tha thứ nên cứ khó chịu, đau lòng mãi. Từ đó, hình bóng người kia cứ ám ảnh tụi mình, làm tụi mình muốn quên, muốn buông cũng không buông được. Chuyện đã qua chúng ta cũng phải học cách chấp nhận, người cũng đã đi rồi giờ có oán trách, ghét bỏ, giận hờn thì người cũng chẳng quay về, cũng chẳng thể thu lại những điều không đúng mà họ làm với mình. Đến lúc phải tha thứ rồi. Tha thứ để xếp dần hình ảnh của họ vào một trang quá khứ...
"Sao mà đau lòng, mệt mỏi mà cứ bắt làm hết chuyện này tới chuyện kia? Chấp nhận rồi còn bắt tha thứ? Không lẽ ai làm gì sai cũng phải tha thứ? Ngay cả những chuyện tồi tệ nhất?".
Chắc mấy bạn sẽ vừa bực mình, vừa khó chịu tự nhủ trong lòng như vậy khi nghe tới đây.
Đúng vậy, tha thứ chẳng dễ gì. Người ta gây ra lỗi lầm với mình, đơn giản chỉ nói câu xin lỗi rồi xem như chẳng có chuyện gì. Mình vật vã đau buồn, người ta bình thản, vui vẻ sống tiếp. Nhưng tụi mình chẳng bao giờ biết được chính xác điều người khác đang nghĩ. Tụi mình thường nói tụi mình có thể là người rất hiểu người kia, có thể đoán được, cảm nhận được người kia như thế nào, vì sao họ lại làm vậy, họ có ổn hay không... Nhưng mấy ai tự tin chắc chắn được người khác đang nghĩ gì, đang ra sao? Chính mình đôi khi còn chưa hiểu được mình. Nên qua bề ngoài hay cuộc sống trên mạng xã hội, chúng ta chẳng thể biết được họ thực sự có bình thản, thoải mái hay không. Khi người khác làm điều gì không đúng, mình tin họ cũng chẳng cảm thấy dễ dàng gì. Bản thân họ cũng đau lòng, cũng tự trách, cũng khổ tâm rất nhiều. Và việc xấu họ gây ra, ít nhiều họ cũng sẽ phải trả giá.
Hay thậm chí nếu họ có bình thản thật, quên đi mà sống rồi, chẳng còn để tâm đến việc họ làm khiến tụi mình đau khổ ra sao, thì tụi mình còn ghim ở đó, sân hận mãi làm gì?
Lúc này, tha thứ là việc mình làm cho bản thân tụi mình, chứ không phải là làm cho họ. Đừng thay họ khó chịu, đau khổ qua việc oán trách, giận hờn chi nữa. Có những cuộc chia tay, sau chia tay cũng chỉ còn là người lạ từng quen, rồi lâu dần cũng thành người dưng. Mà người dưng thì mình oán trách họ mãi làm gì? Tha thứ cho người để giải thoát cho chính mình. Giải thoát khỏi những điều chưa đúng người khác làm với mình, giải thoát khỏi những kỷ niệm không vui, giải thoát khỏi những điều đã cũ chẳng mấy tốt đẹp. Tha thứ để lòng mình thôi nặng nề, khó chịu...
Như đã nói từ đầu, buông bỏ là một việc chẳng dễ dàng và sẽ cần thời gian. Có thể nó sẽ kết thúc trước khi bạn bước vào hành trình chữa lành, lâu lâu gợn lại từng đợt sóng; nhưng cũng có khi nó là bài học bạn phải học mãi trong suốt hành trình, đến khi kết thúc hành trình bạn mới có thể thi tốt nghiệp. Tụi mình hãy cứ bình tĩnh đi tiếp.
Quay về với bản thân
Bạn có biết lúc này điều quý giá nhất mà bạn vẫn đã, đang và sẽ luôn sở hữu mãi mãi là gì không? Đó là chính bản thân mình. Để dần buông bỏ người, hãy quay về với chính mình.
"Dù quá khứ rất đẹp, nhưng đó chỉ là một trong những đoạn thời gian tuyệt vời của cuộc đời em thôi. Em hãy cố làm cho bản thân mình thoải mái, em không có lỗi gì trong chuyện này cả nên hãy cố thoát ra và quay lại đầu tư vào bản thân mình. Em cứ ủ dột và chán chường như thế này, đến ngày bạn ấy quay về, nếu bạn ấy thấy vì bạn ấy mà em lại suy sụp như thế này, trong khi bạn ấy thì đã tốt lên thì hai người cũng không thể đến với nhau được".
Mình đã nghiệm ra được điều này sau khi nghe những lời khuyên trên từ anh sếp cũ. Để vững bước đi tiếp, kiên định trên con đường của mình, mình cần quay về yêu thương và đầu tư cho bản thân, tài sản duy nhất mình chắc chắn có toàn quyền sở hữu đến cuối đời.
Trên đời này có hai kiểu người, một là hạnh phúc nhất khi được ăn ngon, hai là người nhìn người khác ăn ngon thì mới cảm thấy hạnh phúc. Với kiểu người thứ nhất, việc quay về với bản thân sau chia tay, đầu tư lại cho bản thân mình có lẽ sẽ không quá khó khăn. Nhưng mình thuộc kiểu thứ hai – luôn vì người khác trước khi nghĩ đến bản thân, nên việc quay về tập trung cho bản thân không phải là một việc nói làm là có thể làm ngay được. Mọi người chắc sẽ nghĩ có gì đâu mà khó? Chỉ cần cứ nghĩ cho mình, đừng quan tâm tới lời người khác nói, miễn sao bản thân thấy thoải mái, chiều chuộng và chăm lo cho mình hơn là được thôi.
Nhưng với mình thì đó chẳng phải là việc dễ dàng gì. Khi ở bên anh, anh luôn nói mình phải biết yêu bản thân, phải chiều chuộng bản thân mình trước rồi hãy nghĩ đến người khác, gồm cả anh. Nhưng niềm vui lớn nhất của mình là được yêu thương người khác, bản thân mình thiệt thòi một chút cũng không sao, miễn sao mọi người vui là mình vui. Đặc biệt là anh, mình thấy hạnh phúc nhất khi được ở bên anh, yêu thương anh nhiều hơn cả bản thân mình. Mình có thể im lặng chịu mọi thiệt thòi, miễn sao người mình yêu được thoải mái và hạnh phúc là được. Mình có thể bỏ qua món đồ bản thân thích, nhưng thường cảm thấy không thoải mái nếu không thể mua được cho những người mình yêu thương món họ thích.
Lúc trước, anh luôn nói, "vì em không yêu bản thân mình, nên anh sẽ thay em yêu luôn cả phần đáng lẽ em phải dành cho em". Nghe vậy có lẽ mọi người cũng hiểu mình đã bỏ bê bản thân mình ra sao rồi.
Vì mình đã phó thác phần việc mình phải làm cho người khác, nên đến phiên mình phải tự làm, mình phải làm quen và từ từ học cách. Khi đã thừa nhận mọi tổn thương, đã chấp nhận và nghiệm ra phải ưu tiên bản thân mình nhất để chữa lành, mình bước vào bài học không nghĩ đến người khác nhiều nữa, dành phần yêu thương thật xứng đáng cho bản thân mình.
Mình bắt đầu từ những việc đơn giản như đi ngủ sớm hơn, tập thể dục, học thêm kỹ năng, nâng cao vốn hiểu biết, đầu tư skincare, dành nhiều thời gian chăm lo cho bản thân nhiều hơn, xem phim, đọc sách... đến những bước khó hơn cho hành trình chữa lành là lắng nghe, kiên nhẫn, bao dung với bản thân mình, ngưng phán xét chính mình...
Và việc phải quay về với bản thân là việc tất yếu phải làm để chữa lành. Vì hành trình chữa lành chủ yếu phải thực hiện bằng ý thức của bản thân, và dựa vào chính mình. Bạn có thể nhờ sự giúp sức của bạn bè, của những Healer (người chữa lành), bác sĩ tâm lý,... nhưng để có thể lành lặn sau tổn thương, phần lớn bạn cần phải dựa vào tinh thần và ý chí của mình. Nói một cách dễ hiểu, như khi ai đó bị những căn bệnh nan y, bác sĩ là người giúp họ chữa bằng thuốc men, phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị, nhưng bản thân người đó phải muốn chữa và có tinh thần lạc quan, phải cố gắng theo lộ trình chữa bệnh, ăn uống đầy đủ thì mới có thể vượt qua được. Với chữa lành tổn thương tâm lý cũng vậy, người khác có thể hỗ trợ bạn, nhưng vượt qua được không là do chính ý chí và quyết tâm của bạn.
Cần mang theo những gì?
Thật ra từ bước thừa nhận và buông bỏ, bạn đã bước vào hành trình chữa lành rồi. Theo tìm hiểu của mình, có nhiều sách, nhiều bài viết đã phân tích, vượt qua các bước nói trên là bạn đã đi được phần lớn đoạn đường của chữa lành. Nhưng với mình, những bước đó chỉ là bước đệm để bắt đầu chuyến hành trình dài hơi. Hay như ở trên mình có nói, hai bước đó là bài học quan trọng nhất mà mình học mãi trong suốt chuyến hành trình. Để tiếp tục chuyến đi dài ngày này, tụi mình còn phải vững bước thong thả đi tiếp.
Vậy thứ cần bỏ lại cũng đã bỏ, cũng phải có thứ cần mang theo chứ?
Có chứ. Tất nhiên sẽ không thể thiếu bản thân bạn cùng tình yêu vô hạn bạn dành cho chính mình, cùng một vài thứ rất quan trọng khác cho hành trình đầy thách thức và cam go này.
Bước đi một mình
Chẳng ai chịu trách nhiệm và sống giúp cuộc đời của bạn được ngoài chính bạn. Cũng chẳng ai có thể theo sát bạn 24/24 để đi cùng bạn được. Cũng chẳng ai hiểu bạn được hơn chính bạn. Cũng chẳng ai "moi" nỗi đau của bạn ra để chữa lành giúp bạn được. Nên hãy mang theo sự độc lập. Điều đó không có nghĩa là bạn lúc nào cũng phải một mình, cũng phải kiên cường chống chọi tất cả chẳng nhờ vả ai, phải chịu đựng tất cả, bạn phải đơn độc bước đi một mình trên hành trình chữa lành. Mà là bạn cần có sự độc lập nhất định về tâm trí, chấp nhận sự cô đơn, để khi không có ai ở bên cạnh bạn vẫn có thể từ từ vững bước, ôm ấp lấy chính mình, tận hưởng hành trình của mình.
Những người bạn thật sự tin tưởng
Độc lập nhưng đừng cô lập, dù cuộc sống này đôi khi rất khó khăn và cô đơn, nhưng bạn không phải luôn chỉ một mình. Để chia sẻ hành trình này, hãy đồng hành cùng vài người bạn thật sự tin tưởng. Có thể là ba mẹ, anh chị em hay bạn bè thân thiết. Để khi bạn rơi vào "tình trạng báo động", bạn có thể nhắn hay gọi ngay cho họ, "Con/em/tao mệt quá. Tại sao lại khó khăn như thế này?" để họ lắng nghe bạn tâm sự, ôm bạn vào lòng khi bạn yếu đuối, mờ mịt, để họ cho bạn động lực để bình tĩnh bước tiếp.
Thái độ bình thản xuôi dòng
Bước vào hành trình chữa lành, là chọn bước đi thêm một hành trình song song với hành trình sống bình thường. Nên khó khăn, thay đổi, mọi thứ của cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, vẫn sẽ trôi như bình thường. Bạn đau lòng chuyện tình cảm thì mặc kệ bạn, những bộn bề về công việc, tài chính cũng vẫn đâu có buông tha bạn, chúng vẫn bao vây xung quanh chờ mình giải quyết. Để đối mặt, tụi mình phải thật sự bình tĩnh, bình thản đối diện thì mới có thể kiên trì sống tiếp.
Và để có thể bình thản chấp nhận và đối diện với tất cả, bạn hãy giảm xuống những mong cầu, bỏ đi thái độ muốn kiểm soát mọi thứ, những "tham, sân, si" với cuộc đời. Những điều đau khổ làm bạn mệt mỏi đều thường bắt nguồn từ những mong cầu và tham vọng quá lớn mà chúng ta đặt ra. Để khi mọi việc xảy ra trái ngược với mong cầu, bạn sẽ cảm thấy rất khó tiếp nhận. Bỏ xuống mong cầu, không kiểm soát mọi thứ không có nghĩa là phải sống tiêu cực, phải từ bỏ hy vọng, phải nằm một chỗ không làm gì hết để mọi thứ ra sao thì ra; mà là sống với một thái độ tích cực, thoải mái xuôi theo mọi việc trong cuộc sống, nỗ lực cho những điều mình mong muốn và luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ việc gì xảy đến với mình.
Ấm ức không? Mệt mỏi không? Khó khăn không?
Ấm ức, mệt mỏi, khó khăn chết đi được. Nhưng cứ giữ khư khư thái độ "thù địch" với cuộc sống, kiểm soát để mọi thứ luôn theo như ý mình, dù thực tế 10 việc thì đâu đó chỉ có 2 việc như ý; thì chỉ có mình bạn thiệt thòi, chỉ mình bạn thất vọng rồi dần dần bạn sẽ gục ngã mất thôi.
Khóc to, chửi rủa rồi thì mình hãy cố trấn tĩnh để bình thản bước, tiếp nhận tất cả thử thách, học cách thích nghi với mọi hoàn cảnh rồi từ từ đối đầu với từng cuộc chiến một.
Kiên nhẫn
Đây có lẽ là một trong những cuộc hành trình của cuộc đời đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn nhất.
Vì sao ư?
Những cuộc hành trình thông thường luôn có bản đồ, chỉ dẫn, đích đến, khoảng thời gian bạn cần để đến được đích. Và để đến đích, bạn sẽ phải vượt qua các chướng ngại trên đường đi. Bạn có thể chọn đi nhanh hoặc đi chậm, đi bộ hoặc đi bằng xe tùy đoạn đường mà bạn thấy trên bản đồ. Nhưng với hành trình này, tất nhiên đích đến cũng đang ở phía trước, nhưng bạn không có nhiều sự chỉ dẫn, cũng chẳng có một "thế lực siêu nhiên" nào có thể cho bạn biết được phải mất 1 tháng, 6 tháng hay 1 năm để đến được cái đích, để đến được thời điểm mọi thứ khá hơn. Bạn chỉ có thể dựa vào chính mình, chính sự kiên trì của bản thân để mò mẫm tìm đường. Bạn chỉ có thể vừa từ từ học, vừa áp dụng những gì học được để tự "chữa bệnh" cho tâm trí mình.
Bạn phải kiên nhẫn với bản thân, kiên nhẫn với hoàn cảnh hiện tại, kiên nhẫn với những lúc nỗi đau chẳng chịu nghe lời an ủi của bạn mà cứ ở lì đó, kiên nhẫn với sự việc hiện tại, kiên nhẫn với những khi không có bất kỳ sự tiến triển nào, kiên nhẫn với sự sắp xếp của vũ trụ, kiên nhẫn với những lúc phải khựng lại nghỉ ngơi thay vì tiến về phía trước. Chỉ có thể dựa vào nỗ lực kiên nhẫn mới có thể từ từ đi được đến những đoạn bằng phẳng hơn, những đoạn mà bạn thấy thoải mái hơn rồi lại từ từ tìm đường đến đích.
Ý chí mạnh mẽ
Hành trang cuối cùng không thể thiếu là ý chí của chính bạn. Ý chí mạnh mẽ khao khát được giải thoát mình khỏi những nỗi đau, khỏi những bóng tối bủa vây để vươn tới ánh sáng, để tâm trí nhẹ nhàng và thảnh thơi hơn vững bước trên hành trình sống của mình. Chỉ có ý chí mạnh mẽ, kiên định mới có thể giúp bạn vững bước chầm chậm đi từng bước hướng tới những trang mới tốt đẹp hơn.
Đi tìm từng tổn thương
Chữa lành bề mặt để có đủ tinh thần rồi thì chúng ta phải đi sâu vào việc soi chiếu từng vết thương nhỏ để chữa lành dứt điểm. Và để biết cần làm lành những vết thương nào, tụi mình cần phải khám bệnh tìm ra chúng trước.
Tự mình khám cho mình thì "khám" bằng cách nào?
Lắng nghe!
Câu trả lời là phải lắng nghe bản thân qua nhiều cách khác nhau. Chủ yếu là qua những suy nghĩ, cách mình đối xử, suy xét với chính bản thân mình, về mọi thứ xung quanh và về người gây ra tổn thương cho mình. Khi lắng nghe cơ thể và tâm hồn, chúng ta sẽ biết bản thân chúng ta đang có những tổn thương nào.
Khi thừa nhận mình có vấn đề, mình chỉ biết chung chung là mình tổn thương, đau lòng vì chuyện tình cảm đẹp như mơ tan vỡ. Nhưng khi mình thực sự tập trung quay về lắng nghe và đầu tư cho bản thân, mình nhận ra và biết cách gọi tên từng tổn thương nhỏ để chữa lành.
Khi mình nghĩ đến anh và chuyện tình cảm tan vỡ, mình "nghe" được mình rất ấm ức, đau lòng, tổn thương vì cảm giác bị bỏ lại, tình cảm của mình không được coi trọng, anh chỉ quan tâm đến mong muốn của anh mà chẳng lắng nghe mong muốn của mình. Trong ba lý do, thì tổn thương kinh khủng nhất là việc mình bị bỏ lại.
"Lúc nhỏ, ba bỏ mẹ con em đi, bây giờ anh lại bỏ em mà đi sao?"
Mình đã nói ra lời trách móc rất đáng thương đó lúc anh nói anh muốn dừng lại. Và trong rất nhiều lời trách móc khi đó, phần lớn đều liên quan đến việc anh bỏ mình lại. Khi chia tay, người nhận lời chia tay phần lớn đều tổn thương nhất vì cảm giác bị bỏ lại. Với mình, nỗi đau đó còn nhân đôi vì mình đã từng trải qua biến cố gia đình khi nhỏ và bây giờ nỗi đau đó lại lặp lại. Thậm chí ở lần thứ hai này nó lại càng đau gấp nhiều lần vì nó là cảm giác vết thương bao lâu nay vẫn còn đó, một lần nữa lại bị khơi lại.
Xung quanh miệng vết thương đó còn kèm theo những vết trầy xước là tình cảm của mình không được coi trọng nên người ta mới dễ dàng chối bỏ như vậy, mất niềm tin vì người mình tin tưởng nhất cũng làm tổn thương mình.
Những tổn thương này mình đã mang theo từ rất lâu, từ trước cả khi gặp anh, nên lúc ban đầu, mình đã phòng vệ, đã không dám trao đi quá nhiều yêu thương và tin tưởng, vì mình sợ vòng lặp tổn thương lại quay lại, mình lại bị tổn thương một lần nữa. Nhưng rồi, trong lúc yêu nhau, mình biết anh không giống những người trước, mình tin anh không làm mình tổn thương nữa, sẽ không bỏ mình lại đâu, anh là người mình yêu thương, anh cũng yêu thương mình, nên mình dẫn gỡ bỏ lớp phòng vệ. Những nỗi sợ này được dìm xuống lúc mình hạnh phúc, nên khi mọi thứ sụp đổ, chỉ cần dũng cảm đối diện và bình tĩnh lắng nghe, chúng dễ dàng trồi lên và hiển hiện rõ trong tâm trí mình.
Việc nghe và đọc suy nghĩ còn giúp mình nhận ra những tổn thương, những nỗi sợ của riêng mình, do mình tự dựng nên. Mình sợ tổn thương, sợ cảm giác một mình; là người ổn định nên mình sợ thay đổi; vì sợ người khác bỏ rơi mình nên mình hay cố giấu đi những điều bản thân không thích, ngại nói ra những điều bản thân trăn trở vì sợ đối phương sẽ không vui; mình sợ bị người khác phán xét; sợ trao đi niềm tin; sợ cảm giác kém cỏi, mình chẳng là gì trong mắt người khác, mình không đủ tốt, không đủ giỏi; mình thiếu tự tin vào bản thân nên hay sợ phải thử cái gì đó mới.
Những tổn thương, những nỗi sợ hình thành từ sự tác động của người khác và tự bản thân mình dựng nên đã ngăn trở mình quá lâu, nó hình thành nên tâm lý trốn tránh và sợ hãi tổn thương, đã đến lúc mình phải đối diện chữa lành từng tổn thương một để mạnh mẽ bước tiếp, không bị cuốn vào những vòng lặp cũ...
Làm lành với từng tổn thương
Khi đã khơi gợi lên những tổn thương trong lòng, bạn sẽ thực sự bắt tay vào việc chữa lành theo đúng nghĩa đen. Tùy vào vết thương nông sâu, và độ lớn của thiện chí mà bạn muốn "làm lành" với từng tổn thương mà quá trình này sẽ mất ít hay nhiều thời gian.
Tìm về với khoảnh khắc tổn thương hình thành
Để chữa lành dứt điểm cho tổn thương, ngoài việc nhận biết mình mang nỗi đau, chúng ta cần tự vấn và nhớ lại cội nguồn của vấn đề, khoảnh khắc đầu tiên mà nỗi đau đó hình thành. Có như vậy thì bạn mới có thể "chữa trị" hiệu quả nhất thay vì chỉ "dán băng keo cá nhân" tạm bợ cho nỗi đau hiển hiện trên bề mặt sau tan vỡ.
Để mình lấy ví dụ cho các bạn dễ hình dung hơn. Như nỗi sợ bị bỏ rơi của mình, nó không phải là nỗi sợ mới đây sau khi anh bỏ đi, mà nó đã luôn ở đó từ khi mình còn nhỏ, từ khi ba mẹ mình đổ vỡ. Nỗi sợ đó đã bị mình lơ đi, để nó cứ ở đó trong lòng như một điều hiển nhiên mình phải mang, nó chưa từng được mình chấp nhận đối diện và chữa lành, nên nó lại càng trồi lên một cách đáng sợ và nghiêm trọng hơn khi tổn thương tương tự được lặp lại.
Việc này cũng chính là việc "tìm về với phiên bản đứa trẻ bên trong" mà nhiều bạn thường nghe khi tìm hiểu về chữa lành. Và khi bạn làm bước này, bạn sẽ nhận ra hầu hết nỗi sợ và cách tiếp nhận những đau khổ, điều không như ý đến với chúng ta đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ đứa trẻ bên trong, từ những sự kiện tụi mình trải qua từ khi còn nhỏ. Việc tìm về với nỗi sợ của phiên bản đứa trẻ của chính bạn sẽ giúp quá trình chữa lành được tận gốc hơn, giúp bạn vững bước hơn và vơi đi những lo sợ trong hành trình cuộc sống dài hơi phía trước.
An ủi, vỗ về bản thân
Và thật kỳ lạ là khi mình đã tìm được đứa trẻ bên trong để quay về với giây phút tổn thương hình thành, mình thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh hơn. Mình hiểu được vì sao mình lại sợ hãi, tổn thương đến vậy khi đối diện với đổ vỡ. Và để bước đầu chữa lành những tổn thương đó, mình tiếp tục nhẹ nhàng "trò chuyện" với đứa trẻ bên trong một cách từ tốn, thể hiện rõ thành ý là mình tìm đến để an ủi, vỗ về, xoa dịu; chứ không phải để trách móc hay phán xét.
"Xin lỗi vì suốt nhiều năm qua không thấu hiểu được nỗi sợ, tổn thương của cậu".
"Xin lỗi vì đã bỏ bê những nỗi sợ của cậu lâu đến vậy".
"Xin lỗi vì mình đã vì người khác mà tổn thương cậu, trong khi cậu mới là người sẽ chẳng bao giờ rời mình mà đi".
"Mình rất thương, rất hiểu nỗi đau, những tổn thương của cậu. Xin lỗi vì đã không đồng cảm và vỗ về cậu sớm hơn".
"Xin lỗi vì tới tận bây giờ mới nhìn ra việc cậu bị nỗi sợ đeo bám lâu đến vậy".
"Mình sẽ không để cậu một mình nữa đâu, mình sẽ giúp cậu dần dần vượt ra khỏi nỗi sợ và những đau khổ. Rồi chúng ta sẽ đến với những ngày tốt đẹp hơn".
Các bạn có thể dùng những câu tương tự như trên để vỗ về đứa trẻ bên trong – cũng chính là bản thân các bạn. Hãy thật nhẹ nhàng, kiên nhẫn và dịu dàng như cách bạn lo lắng hay chăm sóc cho người khác. Hãy thấu hiểu việc bản thân bạn đang sợ và phản ứng ra sao khi nhìn vào từng tổn thương tồn tại trong chính mình và trấn an, vỗ về nỗi sợ hãi đó.
Chắc mấy bạn sẽ kiểu "Ủa gì chữa lành mà như giỡn chơi vậy? Cứ ngồi bới móc tổn thương ra rồi tự nói chuyện với bản thân như tự kỷ vậy?"
À không đâu, thật ra quá trình này như mình nói từ đầu, với vài người sẽ mất chỉ vài ngày, lại có người mất đến nhiều năm và cần trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nhưng việc xoa dịu và làm hòa với đứa trẻ bên trong với mình là việc quan trọng nhất trong hành trình này. Chắc chắn các bạn sẽ chưa thể thôi đau, thôi sợ hãi ngay; nhưng việc nhìn nhận vấn đề và tự xoa dịu, vỗ về, trấn an chính mình là bước đầu giúp đứa trẻ bên trong bớt sợ hãi, rụt rè và đau đớn hơn. Nói một cách dễ hiểu, như khi bạn nhìn thấy ai đó bị té trầy da, bạn đưa cho họ một miếng băng keo để dán vết thương đó lại, người đó sẽ không hết đau ngay, vết thương của họ cũng đâu lành ngay được mà cần vài ngày để liền da, phải tránh nước, tránh cử động mạnh làm vết thương thêm nặng, nhưng ít nhất vết thương đã được băng lại để không bị nhiễm trùng, và người bị thương cũng đã ý thức được vết thương đang ở đó, họ cũng sẽ thấy bớt đau hơn nhờ có sự hỏi han và quan tâm từ bạn. Với nỗi đau của đứa trẻ bên trong cũng vậy; khi bạn nhận ra nỗi đau của "đứa nhỏ" này, bạn an ủi, vỗ về và bên cạnh động viên nó mỗi ngày, dần dần nó sẽ cảm thấy đỡ đau khổ, đỡ sợ hãi hơn. Nỗi đau được tìm thấy và xoa dịu cũng tương tự như vết thương được nhìn thấy và băng lại để bảo vệ, nó sẽ không mất đi ngay nhưng sẽ giảm bớt việc "nhiễm trùng" và trở nặng vì cứ bị bỏ mặc đó.
Hơn nữa, việc bạn chấp nhận đối diện với nỗi đau và xoa dịu, vỗ về đứa trẻ bên trong thay vì phán xét hay trách móc nó cũng là việc bạn đang tự mở rộng vòng tay ôm lấy chính mình. Mà một cái ôm giúp bạn khá hơn biết bao nhiêu thì chắc hẳn bạn cũng từng ít nhất một lần cảm nhận được rồi phải không? Việc nhận ra bản thân quý giá đến như thế nào như mình đã nói ở trên, rồi được "người quý giá" đó mỗi ngày đều ôm bạn, vỗ về bạn, thương yêu bạn vô điều kiện như vậy thì nếu không cảm thấy khá hơn xíu nào thì có phải mình đang có lỗi quá không?
Mình cũng từng ngây ngô nghĩ chỉ cần ngồi suy ngẫm, nhớ lại, động viên và an ủi bằng lời nói là đi qua được những bước vừa kể. Nhưng thật ra không phải chỉ cần ngồi thừ một chỗ trong phòng suy nghĩ, tĩnh lòng lại thôi là đủ, nhất là khi những tổn thương và đau đớn vẫn cứ luôn âm ỉ bên trong. Ngồi thừ nhìn trần nhà rồi ngơ ngác ra không suy nghĩ gì còn dễ hơn so với việc ngồi thừ rồi quay về, đối mặt rồi lại vỗ về đứa trẻ bên trong. Để làm những bước này, mình đã làm rất nhiều cách khác nhau như viết ra để trò chuyện, tâm sự với chính mình (và viết là cách rất hiệu quả mà mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn nữa ở chương sau), ra ngoài tiếp xúc với thiên nhiên, mây trời, cây cỏ để thấy đỡ ngột ngạt, bức bối từ đó dễ xoa dịu chính mình hơn, kết nối với bạn bè để tâm sự, tỉ tê về những nỗi sợ, những tổn thương, từ đó nghe lời động viên từ họ để có thêm động lực tự động viên chính mình.
Và hành trang kiên nhẫn mà mình nhắc các bạn mang theo, các bạn nhớ mang ra dùng thật nhiều vào lúc này. Vì việc xoa dịu, vỗ về có thể sẽ mất nhiều thời gian. Xen kẽ giữa những ngày bạn cảm thấy khá hơn sẽ có những ngày vòng lặp đau khổ, tổn thương lại quay lại. Có khi hôm nay bạn "thương lượng", làm hòa và nó đã khá hơn rồi. Nhưng hôm sau nó lại dở chứng chẳng muốn hợp tác với bạn nữa, nó vẫn muốn làm đứa trẻ sợ hãi, tội nghiệp, đau khổ, thì lúc này bạn cũng đừng giận dữ mà hãy kiên nhẫn từng chút một. Bạn có thể lại khóc, lại than trời trách đất, nhưng xin bạn đừng vội buông lời phán xét và trách móc chính mình.
"Mày lại bị làm sao vậy hả?"
"Sao hôm qua khá hơn mà hôm nay lại vậy?"
"Mày cứ như vậy thì sống tiếp làm sao?"
"Sao cứ phải sợ hãi và đau khổ hoài vậy?"
"Sao người khác làm được, mà mày không làm được?"
Xin hãy hạn chế tối đa và dần dần học cách đừng tái diễn việc trách móc chính mình như vậy. Bản thân bạn đang tổn thương, bạn không yêu quý, dỗ dành thì thôi sao lại còn làm nó cảm thấy tổn thương và tội lỗi như vậy? Khi sự bất ổn về cảm xúc tái diễn, bạn cứ đau buồn, khóc, giận hờn cuộc sống; nhưng rồi lại hãy cố gắng quay lại nhẹ nhàng ôm ấp, vỗ về bản thân. Cũng hãy ngừng việc thúc ép, đừng đặt deadline là hôm nay mình phải bớt sợ cái này, mai mình phải bớt buồn cái kia. Bạn chữa lành chứ đâu có đi làm hay đi học mà lại chạy deadline. Hãy từ từ nhẹ nhàng, xuôi dòng, vỗ về, xoa dịu chính mình, từ từ rồi mọi thứ sẽ khá hơn. Hãy cố gắng kiên nhẫn vượt qua từng ngày, từng ngày một, xoa dịu vỗ về từng tổn thương, từng tổn thương một.
Tìm ra nguyên nhân và thay đổi niềm tin
Khi đã vỗ về, an ủi để bản thân không còn quá run sợ, yếu đuối trước những nỗi đau và tập quen dần với chúng, đã đến lúc chúng ta cần soi chiếu để tìm ra nguồn gốc vấn đề và thay đổi niềm tin về nỗi sợ, tổn thương đó. Trước đó, bạn đã tìm về với thời điểm nỗi đau hình thành, bạn đã nhớ được hoàn cảnh và thời gian bạn bắt đầu có tổn thương, nỗi sợ đó trong lòng; sau khi đã vỗ về, an ủi đứa nhỏ đang sợ sệt khi phải nhìn về với tổn thương; lúc đã bình tâm và ổn định hơn, bạn hãy cố tìm ra lý do vì sao bạn lại sợ và tổn thương trước điều đó.
Lại quay về với nỗi sợ bị bỏ rơi của mình, mình tìm được lý do mình sợ điều đó vì từ lúc gia đình mình có chuyện, khi ba mình không còn ở với mẹ con mình nữa, mình đã chứng kiến cảnh mẹ mình khóc và suy sụp rất nhiều, thậm chí có dấu hiệu sang chấn tinh thần kéo dài một thời gian khá dài. Vì bản tính khá rụt rè và trầm mặc, mình cũng không biết làm gì cho mẹ cảm thấy khá hơn khi không còn ba bên cạnh, mình đã rất hoang mang và sợ hãi. Mình biết có những ngày mẹ không ăn uống gì, chỉ khóc mãi, mẹ cũng không còn đủ sức quan tâm tới mình. Việc ba mình bỏ đi đã để lại những bất hạnh như vậy nên làm sao một đứa nhỏ chưa tròn 10 tuổi không sợ hãi trước việc bị bỏ rơi kia chứ? Và phản ứng rất bình thường trước việc bị bỏ lại của mẹ mà mình chứng kiến được cũng đã gây ra nỗi ám ảnh cho mình...
"À thì ra bị bỏ rơi sẽ đau đớn đến vậy, sau này mình sẽ không yêu để không bị bỏ rơi như mẹ..."
"Tình yêu chẳng có gì đáng tin, chỉ mang lại toàn đau khổ".
"Mình sẽ chẳng dám yêu ai hay kết hôn nữa".
Đó là những suy nghĩ sợ hãi đã hình thành trong tâm trí đứa nhỏ là mình khi đó.
Khi mẹ đã ổn định lại, mẹ vẫn cố gắng chăm lo và dành nhiều thời gian cho mình, nhưng nỗi đau và nỗi sợ khi bị bỏ lại, sự khuyết vắng trong một thời gian dài của ba (sau này ba mẹ mình đã tái hợp), một mình mẹ cũng không bù đắp lại được cho mình. Và trong tâm trí đứa nhỏ là mình lúc đó cũng không biết đến cái gì gọi là đối diện và chữa lành tổn thương. Vì vậy, nỗi sợ đó cứ đeo bám mình mãi suốt hơn 10 năm. Trong những mối quan hệ trước, mình cũng không dám tin vào tình yêu, không dám trao đi quá nhiều, không tin vào việc tình yêu có thể tồn tại mãi mãi...
Đến khi gặp anh, mình quyết định bỏ lại hết những nỗi sợ, kể cả nỗi sợ bị bỏ rơi để yêu thương hết lòng, để tin vào chuyện tình cảm này, mình luôn cảm thấy rất an toàn và chẳng lo sợ về việc bị bỏ rơi nữa. Nên khi bị bỏ lại một lần nữa, mình như mất hết niềm tin. Cảm giác trời đất sụp đổ vì người mình tin tưởng nhất cũng bỏ mình mà đi. Giây phút đó mình như thấu hiểu được hết cảm giác của mẹ ngày trước. Như mình đã nói ở trên, giai đoạn đầu mình đã rất khổ sở, mình còn không tin mình có thể vượt qua được. Nhưng dần dần trong quá trình chữa lành, khi mình nhận thức được nỗi sợ này, mình không muốn phụ thuộc vào nó nữa, mình không muốn sẽ bị nỗi sợ này dày vò trong hiện tại và cả tương lai nữa; nên mình quyết định phải chiến thắng nó.
Cách để chiến thắng nó là phải thay đổi niềm tin của bản thân. Bạn đã vỗ về, an ủi đứa trẻ tổn thương rồi, đứa trẻ cũng đã dũng cảm nhìn về nỗi đau trong quá khứ thì lúc này bạn hãy động viên nó mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ bằng cách thay đổi niềm tin. Nếu trước đây bạn cứ nghĩ mình không vượt qua được đâu, mình chẳng bao giờ chiến thắng nỗi sợ được; thì bây giờ hãy thay đổi suy nghĩ đó, tin vào việc bạn sẽ làm được. Bản thân bạn tuyệt vời lắm đó, chỉ là bạn chưa đủ tin vào mình thôi! Trước đó, mình cũng vậy. Mình cũng từng nghĩ mình không sống thiếu anh được đâu, mình chẳng một mình được, không có anh sao mà mình sống tốt được; nhưng dần dần mình hiểu rằng chẳng ai thiếu ai mà không sống được cả, mình vẫn phải đi làm, vẫn phải ăn, vẫn phải kiếm tiền. Trước đây không có anh, mình cũng một mình thôi; vậy thì trước đây sao mình làm được mà giờ lại không làm được. Tất nhiên sẽ không vui được như khi ở cạnh nhau, nhưng có ai đi cùng ai mãi, trưởng thành thì đôi khi phải làm quen với cô đơn một mình. Mình hiểu rằng để không còn bị nỗi sợ bỏ rơi ám ảnh, mình phải đủ vững chãi, đủ độc lập và đủ mạnh mẽ. Mình tập quen dần lại với cuộc sống một mình, với việc tận hưởng như niềm vui một mình, mình học cách mạnh mẽ, độc lập hơn, yêu và tin bản thân mình hơn. Mình tự tạo niềm vui cho mình, tự an yên từ bên trong; thay vì dựa dẫm vào người khác hay những yếu tố bên ngoài. Mình cũng thử nghĩ về cảnh sau này lỡ như mình lại bị bỏ rơi hay bị ai đó bỏ mặc; nhưng lúc này mình đã thấy tự tin và vững lòng hơn, mình không còn quá sợ hãi điều đó nữa, vì qua lần này mình đã mạnh mẽ và độc lập hơn. Tất nhiên nếu lại bị bỏ rơi, mình cũng sẽ lại buồn, lại suy sụp; nhưng mình tin vào việc mình sẽ vượt qua nhanh hơn, vì mình đã học được bài học làm quen với cô đơn, một mình vững bước. Mình bánh bèo lắm, bề ngoài cũng mỏng manh sương gió lắm mà còn làm được, nên các bạn cũng sẽ làm được, tụi mình cùng cố lên.
Mình lấy thử thêm một ví dụ về một nỗi sợ cụ thể để các bạn dễ hiểu hơn. Mình được biết cũng có nhiều người cảm thấy bản thân không đủ tốt, không xứng đáng với người kia trong mối quan hệ, hay còn gọi là Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome). Biểu hiện dễ thấy nhất của hội chứng này là bạn luôn cảm thấy mối quan hệ của bạn đẹp quá, "cổ tích", ngôn tình quá, không biết liệu bạn có xứng đáng với mối quan hệ đó và người kia không; bạn luôn cảm thấy tự ti, sợ rằng rồi mối quan hệ sẽ lại tệ đi như bạn đã từng phải trải qua ở những mối quan hệ trước; rồi lại chỉ đẹp lúc đầu chứ sau có khi nào người ta lại phản bội hay lại rồi cũng chia tay thôi. Từ đó bạn luôn yêu trong dè chừng, lo lắng, nơm nớp lo sợ. Thật ra, đi kèm với nỗi sợ bỏ rơi, mình nhận ra mình cũng từng có nỗi sợ này nên mới hay dè chừng. Lúc đầu quen N, mình cũng từng không tin mình có thể có một tình yêu như mơ vậy, có người thương yêu mình đến vậy; mỗi tối trước khi đi ngủ mình cũng nghĩ có khi nào mai N chẳng thương mình nữa, mai mình sẽ chẳng còn xứng đáng với tình yêu này nữa. Đến một ngày, khi mình cảm nhận được tình yêu N dành cho mình, mình cảm nhận mình được yêu thương thật lòng thì mình không muốn mang nỗi sợ này nữa; vì làm vậy là không công bằng với người kia, nỗi sợ sẽ làm bạn không dám yêu hết lòng, làm bạn cứ suy nghĩ, lo sợ đủ điều, không tận hưởng được trọn vẹn niềm vui và làm người mình yêu buồn lòng. Và cách để mình loại bỏ nỗi sợ này cũng là phải thay đổi niềm tin. Thay vì nghĩ bản thân không đủ tốt, thì mình nghĩ rằng mình xứng đáng với mọi điều tốt đẹp chỉ cần mình sống tử tế, sống chân thành, yêu người kia thật lòng. Thay vì nghĩ mình không đủ tốt rồi cứ yêu một cách ngập ngừng, đối xử với đối phương dè chừng; thì sao mình không yêu hết lòng để đáp lại sự chân thành của họ, mình cũng yêu họ nhiều kia mà? Hãy đối xử với họ tốt hơn, cố gắng vun đắp mối quan hệ; lỡ như có lại vỡ mộng thì cũng là do "định mệnh", do đến lúc phải dừng lại, chứ không phải vì mình đã không cố gắng, không yêu hết lòng khiến người ta không cảm nhận được yêu thương rồi rời đi. Thêm một bước nữa để giải quyết nỗi sợ này là bạn có thể chia sẻ thẳng thắn với người ấy của bạn.
"Anh ơi, em cứ hay nghĩ là có khi nào sau này anh không yêu em nữa không?"
Nếu người ấy yêu thương bạn chân thành và thật lòng, họ sẽ giúp bạn vượt qua bằng cách động viên hay yêu thương bạn nhiều hơn để bạn thấy tự tin, yên lòng hơn. Còn người không coi trọng bạn, trách móc bạn vì nỗi sợ này thì người đó mới là kẻ không xứng với bạn!!! Việc cảm thấy bản thân không xứng đáng vì người kia tốt quá, yêu thương bạn quá; khác với việc bạn dè chừng vì người kia tốt thật, ưu tú thật, nhưng không yêu bạn thật lòng, nên bạn hãy sáng suốt nhìn nhận rõ.
Trong quá trình này, ngoài những tổn thương dễ được phát hiện, vỗ về và tìm cách "chữa trị"; bẹn có thể sẽ vô tình "lôi lên" cả những nỗi sợ "ám ảnh" khác. Vì khi thật sự quay về và lắng nghe bản thân nhiều hơn; chúng ta sẽ "nghe" được rất nhiều thứ, kể cả những tổn thương sâu mà từ đó đến giờ bạn không dám đối mặt. Có những tổn thương mà khi mình nghe thấy, mình đã bật khóc, đã run rẩy và chỉ muốn trốn chạy ngay. Và thật sự mình đã trốn chạy, vì nó quá đáng sợ và mình không đủ sức để đối diện và chữa lành. Nhưng nỗi sợ đã bị khơi lên, nếu không giải quyết thì dễ gì có thể bỏ qua nó; nó sẽ luôn ở đó, bạn càng trốn thì nó sẽ càng tìm, càng hiện lên trong đầu để ám ảnh bạn. Đến một ngày, mình biết mình không thể trốn nữa, nên mình cố trấn tĩnh lại và quyết định phải đối mặt bằng đúng cách mình đã đối diện và xử lý những tổn thương, nỗi sợ khác. Nhưng những nỗi sợ "nan y" này sẽ cần nhiều can đảm, sự bình tĩnh, kiên nhẫn và nhiều thời gian hơn để chữa lành. Nếu nó quá khó để bạn tự đối mặt và chữa lành một mình, hãy đừng ngần ngại nhờ sự trợ giúp, có thể là chia sẻ cùng bạn bè, người bạn tin tưởng. Nếu nghiêm trọng hơn, bạn có thể cân nhắc tìm đến những Healer (người chữa lành) hay bác sĩ tâm lý. Chúng ta từ từ rồi sẽ ổn hơn, nên cố gắng lên bạn nha!
Làm sao nếu có quá nhiều suy nghĩ? Cứ kệ cho tụi nó chạy trong đầu thôi!
Có những ngày mình tưởng chừng mình đã ổn... Nhưng không... Những cảm xúc rối bời và những suy nghĩ tiêu cực, bất an, mâu thuẫn lại bao vây lấy mình. Mình cứ cố gắng "vùng vẫy" chạy trốn, tránh né, nhưng càng chạy thì tụi nó càng "dí", càng làm mình mệt mỏi và muốn phát điên. Vậy là mình thử mặc kệ, cứ "cho phép" những giây phút đó, mình thả trôi để những suy nghĩ cứ chạy trong đầu, kiểu não xuất hiện suy nghĩ nào thì mình đón nhận hết, không trốn chạy, không né tránh.
Mình lắng nghe tâm trí và ôm ấp bản thân trong những giây phút đó, để suy nghĩ được tự do rong chơi rồi khi đã chơi mệt, chúng tự khắc sẽ dừng lại. Nghe thì có vẻ khó hiểu, nhưng đơn giản là tương tự như khi bạn đã mệt thì sẽ đi ngủ vậy. Cứ nghĩ cho đã rồi tự khắc mệt rồi thì chẳng nghĩ nữa. Bạn càng ép bản thân dẹp bỏ những suy nghĩ, thì nó sẽ bị dồn lại bí bách ở một góc. Đến lúc góc đó đầy không chứa thêm được nữa, bạn sẽ "chết chìm" trong những suy nghĩ và khó vượt qua được hơn.
Mình cứ nghĩ để hiểu hơn về việc vì sao bản thân mình lại như vậy nữa, vì sao những suy nghĩ tiêu cực lại xuất hiện. Bằng cách này mình có thể tìm cách "giảng hòa" với tụi nó để mời tụi nó đi dễ dàng hơn. Sau này, khi chúng lại xuất hiện, bạn cũng không còn quá mệt mỏi và khó thở nữa, vì bạn đã biết cách sống chung và tiễn tụi nó đi bất cứ khi nào bạn muốn, bằng cách thay đổi niềm tin và chọn tin vào những điều tích cực hơn. Còn nếu "lũ suy nghĩ" quá ghê gớm, bạn không thể nào tự giải quyết và càng suy nghĩ sẽ càng làm bạn muốn phát điên thì hãy cố đi ngủ, tâm sự với bạn bè hoặc nghiêm trọng hơn thì đừng ngại tìm đến bác sĩ tâm lý hay những Healer để giải quyết dứt điểm những suy nghĩ đó.
Đừng quá ép mình, hãy luôn thành thật, dịu dàng với chính mình, chấp nhận những phút yếu lòng, nghỉ một chút ôm ấp lấy bản thân, khi đã nhẹ lòng, sẵn sàng rồi thì đứng dậy bước tiếp. Có như vậy bạn mới đủ kiên cường bước qua giai đoạn chữa lành này và đủ mạnh mẽ cho những đoạn gồ ghề về sau trong chuyến hành trình dài của cuộc đời mình nữa.
Có nhất thiết phải chữa lành không?
Qua những bước chữa lành mà mình chia sẻ phía trên, chắc các bạn sẽ thấy việc chữa lành sao mà khó khăn quá, lại phải lôi về những tổn thương, một lần nữa đối diện với những chuyện đau lòng mà bạn chỉ muốn quên đi cho rồi. Bạn sẽ tự hỏi ủa vậy quên đi cho rồi chứ còn lôi về làm gì nữa? Quên đi có khi còn nhanh và dễ làm hơn. Lôi về chi rồi đau khổ, dằn vặt thêm nữa. Vậy có nhất thiết phải chữa lành không?
Tất nhiên là bạn có thể chọn có hoặc không, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn mà. Với những gì mình đã trải qua rồi thì mình nghĩ chữa lành được thì tốt, còn nếu bạn không muốn thì cũng hoàn toàn chẳng sao hết.
Nếu bạn chọn chữa lành như mình thì bạn sẽ làm lành được những tổn thương cứ tồn tại mãi trong người, trong tâm trí từ khi bé. Sau này, chẳng may lại có một biến cố nào đó xảy ra tương tự với nỗi đau cũ thì bạn cũng đã có kinh nghiệm để vượt qua nhanh hơn, đứa trẻ bên trong cũng không còn canh cánh nỗi đau đó nên quá trình phục hồi cũng sẽ nhanh chóng hơn. Với những tình huống về sau, những nỗi sợ cũng không còn ngăn trở bạn để lại quay về những vòng lặp cũ nữa. Nói rõ hơn là ví dụ như mình sợ bị bỏ rơi, sợ không thể ở một mình; nhưng chữa lành xong thì mình không còn sợ những điều đó nữa. Vì giờ đây mình đã đối thoại được với đứa trẻ bên trong, đã thay đổi được niềm tin đã cũ, đã biết cách tận hưởng cuộc sống một mình, đã nhìn nhận ra giá trị của bản thân. Và sau này, nếu anh trở về, mình cũng sẽ không còn là một đứa lúc nào cũng chạy theo anh, cố gắng làm anh hài lòng vì mình sợ bị bỏ rơi nữa.
Còn nếu bạn không chữa lành, chọn cách chôn giấu, quên đi nỗi sợ để bước tiếp thì có lẽ có khi bạn sẽ hồi phục sau biến cố nhanh hơn, bạn không phải lôi lại những nỗi sợ từ khi bé xíu nữa. Mình không dám nói "chắc chắn" vì mỗi người sẽ mỗi khác. Trước chuyện này, mình cũng từng trải qua tổn thương tình cảm, kiểu cũng yêu vài tháng, mình cảm thấy người kia bắt đầu lạnh nhạt dần với mình, mình cảm thấy không được trân trọng nên nói chia tay; mình đã bị người đó trách móc rất nhiều. Lúc đó mình không biết đến chữa lành. Mình không biết đến việc quay về bên trong, dựa vào chính mình; mà mình chỉ biết tìm đến những điều bên ngoài, dựa vào người khác để vượt qua như đi ăn uống với bạn bè, xem phim, cố gắng làm việc thật nhiều để không có thời gian rảnh suy nghĩ lung tung. Rồi thì từ từ mình cũng vượt qua được, nhưng mất một khoảng thời gian rất dài, dài hơn lần này nhiều. Và rồi đến lần này, thời gian đầu khi vừa bị bỏ lại, tổn thương lần trước đó đã tìm về với mình. Mình từng nghĩ...
"Vì lần trước mình là người bước đi, nên lần này mình phải trả giá".
"Những lời trách móc của người trước là xứng với mình lắm".
"Mình đáng bị như vậy".
Mình đã tự trách móc và chì chiết bản thân mình đủ thứ. Cho đến khi mình chữa lành thì mình mới hiểu là tất cả đều là những tổn thương, những nỗi sợ, những niềm tin sai lệch mà mình cần phải chấp nhận, buông bỏ và vượt qua để có thể sống tốt hơn; thay vì trốn chạy thì hãy đối mặt để giải quyết một lần; thay vì trách móc thì phải yêu chính bản thân mình hơn. Mình nghĩ nếu lần này mình không biết đến chữa lành, không chọn bước vào hành trình chữa lành, chắc mình sẽ suy sụp, khó vượt qua được và không có được cuộc sống tốt đẹp như hôm nay mất. Vì mình sẽ mãi trách móc bản thân, sẽ mãi xem anh là nhất, sẽ mãi sống trong những nỗi sợ, tổn thương; sẽ luôn dựa vào người khác mới có thể sống tiếp được.
Nên, nếu bạn hỏi mình có nhất thiết phải chữa lành không, thì câu trả lời là không bắt buộc. Nhưng mình nghĩ là nếu được, bạn nên chữa lành để có thể sống một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn. Hãy dũng cảm chấp nhận và vượt qua những nỗi đau, bỏ đi những ám ảnh đã cũ. Nỗi đau sẽ không thể tự lành lặn nếu bạn không chủ động chữa lành.
Sống trọn vẹn với hiện tại
Đến đây, thay đổi được niềm tin để chiến thắng nỗi sợ là bạn đã đi được gần 2/3 đoạn đường chữa lành. Dấu hiệu bạn đã dần dần lành lặn là bạn đã thực sự quay về với cuộc sống của mình với một tâm thế vui vẻ, thoải mái hơn; bạn không còn quá bận lòng vì nỗi đau vừa qua nữa, bạn ngừng phán xét và tự trách mình. Bạn tin, yêu bản thân hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn. Tất nhiên sẽ có những ngày bạn lại hoài nghi, yếu mềm, nhớ về những chuyện cũ rồi chùng lòng, lại rối bời trước những ngổn ngang; nhưng mong bạn hãy cố gắng trấn tĩnh lại, tự khen bản thân vì đã vượt qua được cả một hành trình dài đầy khó khăn, giữ vững niềm tin để bước tiếp. Và một bài học nữa giúp bạn có thể vững vàng bước tiếp là hãy sống trọn vẹn với hiện tại.
Trong Nhà giả kim, tác giả Paulo Coelho có viết: "Tôi không sống trong quá khứ hay tương lai, tôi chỉ quan tâm đến hiện tại. Nếu bạn có thể sống trong hiện tại, bạn là một người hạnh phúc".
Ngoài được tiếp thêm động lực để ra quyết định cho câu chuyện của mình; từ cuốn sách này, mình nghiệm ra được nhiều bài học, nhiều quan niệm sống hay, nên nếu được các bạn hãy thử tìm đọc cuốn này. Và sống ở hiện tại là một trong những bài học lớn mà mình học được.
Bạn đã rất kiên cường bước từng bước trên hành trình chữa lành để trở thành một phiên bản tự tin và vững chãi hơn; nhưng đôi khi bạn vẫn thấy chùng lòng, lạc lối chẳng biết tương lai rồi sẽ ra sao, ngày mai sẽ thế nào. Trước đây, mình cũng nghe nhiều về việc hãy đừng quá bận tâm về tương lai, nuối tiếc quá khứ mà hãy "sống trong hiện tại", nhưng mình chẳng để tâm và cũng không hiểu lắm. Nhưng khi biến cố này đến, đi qua hành trình chữa lành, đọc Nhà giả kim rồi mình mới hiểu giá trị của việc sống trọn từng phút giây của hiện tại. Đặc biệt là khi mình đi qua hành trình chữa lành trong giai đoạn dịch Covid-19 khiến Việt Nam mình điêu đứng nhất.
Hàng tháng trời, Sài Gòn mà mình yêu thương phải oằn mình chống dịch, mình phải tạm xa Sài Gòn để ở nhà với gia đình. Hàng ngày, mình đều thấy những tin tức đáng buồn, số ca nhiễm tăng, có những người hôm trước còn khỏe mạnh, vài hôm sau đã mất vì bệnh. Khi đó, mình lại càng nhận thức sâu sắc về sự vô thường của cuộc đời. Từ đó, mình mới dần thay đổi suy nghĩ và tập theo đuổi lối sống này. Tới giờ ngủ thì mình cố đi ngủ, tới giờ ăn thì ăn, khi nào làm việc thì tập trung làm việc, khi nào xem phim hài thì mình vui cười, khi nào buồn thì mình buồn; mình không dành quá nhiều thời gian của hiện tại để "ăn mày" quá khứ, để suy nghĩ lo lắng về tương lai nữa. Thật ra, ai mà chẳng lo nghĩ cho tương lai, chẳng lăn tăn ngày mai ra sao, rồi mình sẽ đạt được gì, mình sẽ lấy ai, gia đình nhỏ mình sẽ thế nào, hết đau khổ này rồi liệu mình có còn phải chịu đựng chuyện gì khác nữa không... Nhưng dù mình có dành thời gian suy nghĩ, đắn đo, lăn tăn, lo lắng hay cố gắng xem tử vi, chiêm tinh, đủ thể loại bói toán dự đoán trên đời thì cũng không có điều gì chắc chắn về tương lai cả. Quá khứ cũng đã qua, bây giờ có nhìn lại thì cũng chỉ còn là kỷ niệm, mình cũng chẳng thay đổi được gì. Thay vì lo lắng cho tương lai và nuối tiếc vì quá khứ, tụi mình hãy dành thời gian sống trọn vẹn từng ngày và cố gắng hơn để mỗi ngày một tốt hơn.
Lo lắng cho tương lai và cố gắng cho tương lai là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Ngừng lo lắng chứ đừng ngừng cố gắng để mỗi ngày tốt đẹp hơn. Và dù ngày mai có chuyện gì tới thì mình cũng hãy cố gắng bình thản mà chấp nhận như bài học mình đã chia sẻ phía trên. Có một câu mà anh sếp cũ đã nói với mình khi nhắn hỏi thăm mình giữa dịch giúp mình lên tinh thần rất nhiều, "Ráng lên em nhé. Còn người còn của". Dù có chuyện gì thì chỉ cần còn được sống, tụi mình đều có thể cố gắng bình tâm và vững lòng để vượt qua. Còn sống thêm ngày nào thì hãy tận hưởng trọn vẹn để ngày đó là ngày vui, mất tiền có thể kiếm lại được, tan vỡ từ từ cũng sẽ qua thôi.
Bạn đã thấy lòng vững vàng hơn một chút chưa? Nếu chưa, bạn hãy gấp sách lại và nghỉ ngơi một chút. Khi nào sẵn sàng rồi, mình lại bắt đầu. Còn nếu bạn đã sẵn sàng rồi, nắm tay mình đi tiếp với mình nào. 1/3 hành trình còn lại, mình sẽ chia sẻ thêm về những cách giúp bạn tiếp tục vững bước từng ngày một, vượt qua những giây phút chùng lòng trên hành trình chữa lành, để thay đổi niềm tin, để có thể xua đi những ngày u ám và chọn tin vào những điều tốt đẹp. Khác với ở trên, chỉ toàn dựa vào nội lực, ý chí của chính mình; ở chương tiếp theo sẽ có những cách mà bạn có thể tận dụng được từ thế giới xung quanh để hỗ trợ cho hành trình của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip