Chương 4 (2)

Bách Phượng mấy năm nay mưa thuận gió hòa, nông nghiệp ổn định, thương nghiệp cũng dần dần đi vào quỹ đạo. Cảnh Đức đế vui mừng lắm. Thế nhưng ngài vui vẻ chưa được bao lâu thì lại xảy ra chuyện lớn. Thương nghiệp phát triển, dĩ nhiên cũng kéo theo vô số ngành nghề khác đi lên. Một trong số đó chính là tặc phỉ. Có người mua, người bán, đương nhiên cũng sẽ có người cướp. Đường biển có hải tặc, đường núi có sơn tặc, đúng là nhộn nhịp sầm uất. Núi non hiểm trở, biển sâu thăm thẳm, không phải là không thể truy bắt, nhưng nếu truy bắt thì sẽ rất tốn kém cả về nhân lực và ngân lượng. Tùy Khâu ở bên cạnh mấy đời đều dòm ngó Bách Phượng chằm chằm, Cảnh Đức đế biết mình tuổi tác đã cao, dù vẫn chưa có ý định lập Thái tử nhưng vẫn một lòng muốn củng cố quốc khố, tập trung rèn luyện quân đội trước, chuyện tặc phỉ ngài vốn dự định sẽ giải quyết sau. Ai ngờ bọn giặc cỏ này càng lúc càng làm loạn, hàng cướp đi giá trị mỗi lúc một cao, nếu cứ đà này sớm muộn cũng ảnh hưởng đến cả nền thương nghiệp vừa mới đơm hoa kết trái này. Ngoại xâm đương nhiên phải tránh, nhưng nội loạn cũng không thể xem thường. Ngân lượng lại không đủ. Cảnh Đức đế vì chuyện này mà đau đầu không dứt. Lật đi lật lại đám tấu chương, vẫn là kẻ này kể khổ xin nợ thuế, kẻ nọ oan ức tố kẻ kia lười nhác, một đám quần thần lúc nào cũng tự xưng là rường cột nước nhà thế mà chẳng có ai làm được điều gì có ích. Quanh đi quẩn lại chỉ là mấy lão già sợ trái sợ phải, chỉ biết khư khư giữ lấy thân mình.

Cảnh Đức đế thở dài, nhìn sang bên thì thấy Ly Tử Ngọc đang ngồi trên sạp gỗ thong thả pha trà. Dáng vẻ y thư thái, ung dung như một vị ẩn sĩ say mê trà đạo, nếu không có bộ cung y phó tổng quản đỏ thẫm trên người thì sẽ chẳng có ai dám nghĩ y là một gã hoạn quan. Cảnh Đức đế chợt nghĩ, không biết đã bao lâu rồi ngài chưa được ung dung như thế?

"Này, Tử Ngọc, lại đây Quả nhân có việc muốn hỏi ngươi."

"Có nô tài."

Ly Tử Ngọc vừa pha trà xong, tiện tay mang đế dâng lên Cảnh Đức đế.

Cảnh Đức đế đón lấy chén trà, hài lòng ngắm nhìn thứ nước xanh trong lay động trong chén một lát mới uống. Xưa nay chỉ có trà của Ly Tử Ngọc pha mới khiến ngài vừa ý như thế này. Trà uống vào bụng rồi, hương nhài vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

Cảnh Đức đế đặt chén trà xuống bàn, làm như thuận miệng hỏi:

"Nghe nói Hoàng Hậu lại đến Nội thị giám làm ầm ĩ phải không?"

Ly Tử Ngọc mỉm cười, nhẹ nhàng châm thêm trà vào chén:

"Nào có gì ầm ĩ. Hoàng Hậu nương nương chẳng qua là lo lắng cho đợt cống phẩm sắp tới cho nên đến hỏi han một chút thôi."

Cảnh Đức đế hừ một tiếng:

"Bao nhiêu năm nay không lo, bây giờ lại lo. Ngươi cũng không cần phải sợ bà ta, phải làm thế nào thì cứ làm thế ấy. Nếu bà ta dám khó dễ ngươi thì bảo bà ta đến gặp Quả nhân đây."

Ly Tử Ngọc biết Cảnh Đức đế sẽ nói tới việc này, bèn trôi chảy chuyển hướng vấn đề:

"Nô tài phụng mệnh Hoàng thượng hành sự, ai có thể khó dễ nô tài chứ? Chỉ là... chuyện này nô tài có chút điều còn chưa thông tỏ..."

Cảnh Đức đế nhướn mày:

"Là việc gì?"

"Cống phẩm lần này đến từ phía Nam, mà đoạn đường đó theo nô tài được biết thì không phải là nơi Song Bái Lâm thông thuộc. Nếu nhất định phải đổi người vận chuyển, chi bằng chọn Cẩm Lăng hoặc Phi Vũ. Bọn họ quen đường đi lối lại hơn..."

Ly Tử Ngọc trầm ngâm chốc lát, lại mỉm cười:

"Nhưng dù thế nào đi nữa, nô tài vẫn tin tưởng vào quyết định của Hoàng Hậu nương nương. Người làm như thế, nhất định là có lí lẽ riêng."

Giọng điệu của Ly Tử Ngọc vô cùng thẳng thắn, cứ như thể không hề biết mình vừa gieo vào lòng Cảnh Đức đế nỗi hoài nghi lớn đến nhường nào.

Việc Hoàng Hậu giành quyền vận chuyển cống phẩm cho Song Bái Lâm, Cảnh Đức đế đã biết. Ngài cho rằng Hoàng Hậu làm thế chỉ là để trả đũa mà thôi. Nhưng bây giờ, nghe Ly Tử Ngọc nói, ngài mới chợt nhận ra: vì sao cứ phải là Song Bái Lâm? Hoàng Hậu vì Song Bái Lâm mà cật lực tranh giành lợi ích như thế là có ý gì?

Kẻ làm Đế vương luôn có tâm đa nghi vô cùng lớn. Lần này, Ly Tử Ngọc đã đạt được ý đồ đánh vào tâm đa nghi của Cảnh Đức đế. Dù ngoài mặt ngài không tỏ thái độ gì, nhưng Ly Tử Ngọc biết rất rõ ràng, chỉ một chốc nữa thôi sẽ có một mật lệnh được phát tới Đông Xưởng, chỉ đích danh Đề đốc Uông Đào đi lật tung từng nhành cây ngọn cỏ để tìm cho ra mối liên hệ giữa thương đoàn Song Bái Lâm và Hoàng Hậu nương nương của chúng ta. Trước khi nói ra câu này, Ly Tử Ngọc đã cân nhắc rất kĩ lưỡng. Hoàng Hậu luôn ở trong Hậu cung bao nhiêu năm nay, mà Hậu cung lại luôn bị Ly Tử Ngọc quản chặt. Không thể có chuyện Song Bái Lâm phái người vào đây giao dịch với Hoàng Hậu, như vậy mọi sự liên hệ tất yếu phải diễn ra bên ngoài – chính xác hơn là ở nhà ngoại của Hoàng Hậu, phủ Tần Quốc công. Dựa vào bản lĩnh bới lông tìm vết của Uông Đào, muốn lật mấy chuyện mờ ám này lên chẳng phải khó khăn gì. Vả lại, tên Uông Đào ấy dạo này rảnh rỗi quá mức, nếu nàng không tìm việc phiền phức cho hắn làm thì thật là không phải.

Ly Tử Ngọc che dấu nụ cười xấu xa trong lòng, cũng giả vờ không nhìn thấy sự nghi hoặc trong mắt Cảnh Đức đế. Thấy nghiên mực trên thư án đã gần cạn khô, nàng bèn tiến đến mài thêm. Nhưng lúc này mài mực là vô ích vì Cảnh Đức đế đã chẳng còn tâm trạng phê duyệt tấu chương nữa. Ngài mệt mỏi vươn vai, nặng nề đứng dậy, vịn thư án bước về hướng cửa sổ. Ly Tử Ngọc vội vàng đỡ tay ngài:

"Hoàng Thượng cẩn thận."

Cảnh Đức đế chán nản lắc đầu, đích đến của ngài thực chất là bức tranh treo bên cạnh cửa sổ. Ngài đột ngột hỏi:

"Tử Ngọc, ngươi có biết đây là chân dung của ai không?"

Bức tranh chân dung treo bên cạnh cửa sổ đã ngả màu vàng, dù có được gìn giữ cẩn thận đến đâu cũng chẳng thể xóa đi được dấu vết của thời gian phủ mờ trên đó. Nữ tử trong tranh tóc đen như mực, da trắng như tuyết, tuy không xinh đẹp rực rỡ nhưng lại có nét dịu dàng, điềm đạm đáng yêu.

Đã làm đến chức phó tổng quản Nội thị giám, trong cung còn chuyện gì Ly Tử Ngọc không biết? Nàng lễ phép trả lời:

"Bẩm Hoàng Thượng, là Tâm Quý phi đời Hiến Tông Hoàng Đế."

Hiến Tông Hoàng Đế chính là nội tổ phụ của Cảnh Đức đế. Tâm Quý phi được cho là phi tần được Hiến Tông Hoàng Đế sủng ái nhất.

Cảnh Đức đế gật đầu:

"Phải... Còn nhớ lúc nhỏ, Quả nhân cũng từng được Tâm Quý phi bế đấy. Bà là người nhân hậu, tốt đẹp nhất cõi đời này. Bây giờ nghĩ lại... Tâm Quý phi đã không còn nữa, mà Quả nhân cũng già mất rồi..."

Ly Tử Ngọc thấy Cảnh Đức đế đột nhiên trở nên thương tâm, nhất thời chưa nghĩ ra nên đối phó thế nào, cho nên chỉ giữ yên lặng. Cảnh Đức đế thở dài ủ rũ:

"Bức tranh này là do Nội tổ phụ tự tay vẽ Tâm Quý phi, từ khi Nội tổ phụ còn tại thế, bức tranh này đã được treo ở đây rồi. Phụ hoàng của trẫm sau khi kế vị đã ra đặt ra quy định rằng bức tranh này vĩnh viễn phải được treo ở đây, bất cứ giá nào cũng không được di chuyển. Ngươi có biết vì sao không?"

Truyền kì về vị Tâm Quý phi này, Ly Tử Ngọc đã nghe qua không ít lần, nhưng nàng hiểu Cảnh Đức đế chỉ là muốn trút tâm sự trong lòng, nên khẽ lắc đầu. Quả nhiên, Cảnh Đức đế liền nói tiếp:

"Ngày Quả nhân được phong làm Thái tử, phụ hoàng đã cầm tay Quả nhân đến trước bức tranh này, người nói rằng:

Tình yêu của Nội tổ phụ và Tâm Quý phi là chân tình.

Tình tỷ muội của Tâm Quý phi và Văn Ninh Hoàng Hậu là chân tình.

Tình mẫu tử của Tâm Quý phi và phụ hoàng cũng là chân tình.

Tâm Quý phi là minh chứng cho việc thâm cung cũng có chân tình. Phụ hoàng muốn con cháu đời sau nhìn vào chân dung của bà mà nhớ lấy: kẻ ngồi trên ngôi cao cửu ngũ, có rất nhiều việc thân bất do kỷ, nhưng không bao giờ được đánh mất chữ "tâm", đánh mất chân tình."

Cảnh Đức đế nói đến đây, tự nhiên thấy lòng nghẹn ngào. Mấy chục năm trước, lúc ngài còn là vị Thái tử trẻ tuổi đứng trước chân dung Tâm Quý phi, ngài đã ngưỡng mộ mối chân tình của bà và Hiến Tông Hoàng Đế biết bao nhiêu. Ngài đã từng nghĩ sau này, bản thân cũng sẽ tìm được một nữ tử có thể đứng cạnh ngài, cùng ngài đi trọn đời người. Nhưng đến bây giờ, ngài đã đi đến đoạn cuối con đường nhân thế mỏi mệt này, mà vẫn chẳng thể tìm thấy một nữ tử như vậy. Hậu cung ba ngàn giai lệ mà ngài chẳng tìm được một bóng hồng nhan tri kỉ. Người duy nhất hiểu ngài đã sớm rời nhân thế. Những nữ nhân còn ở cạnh bên ngài lại chẳng có ai thật lòng yêu thương ngài. Cả Hoàng Hậu, cả Lâm phi đều như thế. Ngài sao không biết? Chỉ là không muốn nói ra mà thôi...

Cảnh Đức đế tưởng như trong thoáng chốc lại già thêm mười tuổi. Ngài chán nản phất tay áo. Ly Tử Ngọc lập tức hiểu được, nhanh chóng đỡ ngài về Noãn các nghỉ ngơi rồi mới trở lại Ngự thư phòng thu dọn đống tấu chương còn giang dở. Nàng liếc nhìn bức tranh chân dung xưa cũ đằng xa, khóe môi cong lên thành một nụ cười giễu cợt.

Nghe nói Hiến Tông Hoàng Đế lấy hiệu là Quang Nhật, cho nên mới treo tranh Tâm Quý phi bên cửa sổ đón ánh dương, ngụ ý để hai người đời đời kiếp kiếp được bên nhau.

Thật là nực cười làm sao!

Hiến Tông Hoàng Đế nổi danh tàn nhẫn, vô tình lại có thể toàn tâm toàn ý yêu thương một nữ tử sao? Nếu ông ta thực lòng yêu thương Tâm Quý phi, vì sao cứ mỗi ba năm lại tuyển tú một lần? Vì sao Hậu cung vẫn đầy người như thế?

Lại nói đến Văn Ninh Hoàng Hậu, bà thân là chính cung nương nương mà lại để một nữ tử khác chiếm hết ân sủng, Hiến Tông Hoàng Đế cùng với bà cả đời chỉ có mấy chữ "tương kính như tân", cả quyền cai quản hậu cung cũng phải chia sẻ cho nử tử kia. Chẳng lẽ bà có thể cùng người đó làm tỷ muội hay sao?

Tiên đế thậm chí còn không phải là con ruột của Tâm Quý phi, lấy đâu ra mẫu tử tình thâm?

Cái gì gọi là "thâm cung cũng có chân tình"? Thật khiến người ta không nhịn được cười.

Nhưng nói thế nào đi nữa, bất luận chứ gọi là "chân tình" kia có thật hay không thì Ly Tử Ngọc cũng thực lòng ngưỡng mộ vị Tâm Quý phi kia. Bà xuất thân chỉ là một công chúa thất sủng, vượt ngàn dặm xa xôi đến Bách Phượng hòa thân. Trong Hậu cung đầy rẫy hiểm nguy, bà chẳng hề có nơi nương tựa. Một nữ tử dung mạo bình thường, không có tài nghệ, lại tứ cố vô thân mà có thể tồn tại bao năm, đi được đến tận chức Quý phi, trở thành phi tử được Hiến Tông Hoàng Đế sủng ái nhất...

Tài trí và bản lĩnh này mới là thứ đáng được người đời ngưỡng mộ, chứ không phải là hai chữ "chân tình" hư ảo nhạt nhẽo kia.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip