Ghi chú của tác giả(1)
Cuốn sách này ra đời khi tôi đói
Số là, mùa xuân năm 1996, cuốn thứ hai của tôi, một tiểu thuyết, ra mắt bạn đọc ở Canada. Nó chẳng đi đến đâu. Đám điểm sách lúng túng, hoặc kết án tử hình nó bằng những lời khen nhạt nhẽo. Độc giả phớt lờ nó. Tôi giở hết các ngôn kịch hề và nhào lộn trong rạp xiếc truyền thông đại chúng, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì. Cuốn sách không nhúc nhích được tí nào. Sách xếp trên kệ trong cửa hàng như bọn trẻ đứng chờ để được chơi bóng chày hoặc bóng đá, và cuốn sách của tôi là thằng nhóc yếu ớt oặt oẹo không ai muốn lấy vào đội của mình. Nó im lìm và nhanh chóng biến mất.
Thất bại ấy cũng không làm tôi nao núng nhiều lắm. Tôi lại bắt tay vào viết một cuốn khác, một tiểu thuyết có khung cảnh Bồ Đào Nha thời 1939. Chỉ có điều, trong bụng cứ bứt rứt không yên. Vả lại vẫn còn ít tiền.
Thế là tôi đi Bombay. Việc đó cũng không phi lý lắm nếu độc giả hiểu được ba điều: thứ nhất là bất cứ sinh linh nào nếu muốn hết bồn chồn thì cứ đến Ấn Độ và làm một việc gì đó trong một thời gian nhất định; thứ hai, ở đó có thể sống dài dài với một món tiền ít ỏi; và thứ ba là một tiểu thuyết có khung cảnh Bồ Đào Nha thời 1939 chưa chắc đã phải dính dáng gì đến Bồ Đào Nha thời 1939.
Trước đó tôi đã từng ở Ấn Độ, miền Bắc, năm tháng trời.
Từ Matheran, tôi nhét hết các giấy tờ bản thảo của cuốn tiểu thuyết không thành ấy vào phong bì. Tôi gửi chúng đến một địa chỉ hư cấu ở Siberia, với một địa chỉ người gửi cũng hư cấu luôn, ở Bolivia. Sau khi thầy ký bưu điện đã cộp dấu và quẳng cái phong bì vào thùng chọn thư, tôi ngồi phịch xuống ngay đó, chán nản hết sức. "Sẽ ra sao đây hở Tolstoy?" ,tôi tự hỏi, "Mày còn có ý tưởng hay ho nào khác cho cuộc đời của mày không?"
Gì thì gì, vẫn còn ít tiền và vẫn cảm thấy bứt rứt không yên, tôi đứng dậy, bước ra khỏi nhà bưu điện và quyết định đi thám hiểm về miền Nam Ấn Độ.
Với những người hỏi tôi làm nghề gì, tôi đã muốn trả lời: "Tôi là đốc-tờ." Trong tâm trí tôi lúc ấy, bác sĩ là những người phân phát pháp thuật và phép lạ. Nhưng tôi lại tin rằng chỉ qua khỏi chỗ quành trước mặt kia là chiếc xe buýt sẽ gặp tai nạn, và rồi giữa tiếng kêu la rên rỉ của nạn nhân và các cặp mắt sẽ dán chặt vào tôi kêu cứu, tôi sẽ lại phải giải thích rằng danh vị đốc-tờ của tôi không phải là bác sĩ y khoa mà là tiến sĩ luật; thế rồi, khi họ xúm vào đề nghị tôi giúp họ kiện chính phủ về vụ tai nạn, tôi sẽ lại phải phân trần rằng bằng cấp của tôi thực sự chỉ là cử nhân triết học mà thôi; tiếp đó, họ sẽ gào thét đòi biết cái tai nạn đẫm máu ấy thực sự có ý nghĩa gì không, và tôi sẽ phải thú nhận rằng chưa hề đọc đến Kierkegaard; vân vân và vân vân. Thế là tôi đành thui thủi với danh phận nhà văn, một sự thật tím bật và tủi hổ.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip