Hồi II: Vở kịch

Mùa hạ, tháng 6, nước dâng cao tràn vào cung Lệ Thiên.

Trần Liễu lúc này là Hiển Hoàng, bị vu cáo cưỡng dâm phi tử nhà Lý. Ông bị xử kín rồi giáng xuống làm Hoài Vương. Đất đai và quyền lực bị thu lại. Danh tiếng của ông trong dân chúng xem như mất sạch.

Điểm kì lạ là dù án liên quan đến hoàng tộc nhưng tra xét vô cùng qua loa và không được xử công khai. Ngoài ra, chính sử có chép: sau khi Thủ Độ bức tử Huệ Tông tại chùa Chân Giáo, tất cả cung nhân và con gái họ Lý đều bị đem đi gả cho tù trưởng người Man. Như vậy, lấy đâu ra phi tử nào ở cung Lệ Thiên nữa.

Án này sớm không đến, muộn không đến, lại xảy ra ngay trước thềm vở kịch cướp vợ. Nhiều ý kiến cho rằng đây là án oan được dàn xếp nhằm hạ bệ uy tín và thu bớt quyền lực của Trần Liễu, tiện cho việc "cướp" vợ và cũng để tránh cho Thuận Thiên mang tiếng bội tình bạc nghĩa khi chung sống hạnh phúc và sinh con cho em chồng.

Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 (năm 1237). Tống Gia Hy năm thứ 1, Lý Chiêu Hoàng (hoàng hậu Chiêu Thánh) 19 tuổi bị phế bỏ vì tội vô sinh, giáng làm công chúa. Chị gái đang mang thai ba tháng của nàng nhập cung, trở thành hoàng hậu Thuận Thiên.

Tối đó, Chiêu Hoàng chạy đến cung Quan Triều tìm Trần Cảnh. Khi vừa đến cửa tẩm điện thì nghe được tiếng nói cười của phụ nữ vọng ra từ bên trong.

Trông thấy nàng, các cung nhân xúm lại chắn trước cửa điện, nhất quyết không cho nàng vào.

Cơn giận bốc lên, Chiêu Hoàng liên tục đập cửa mặc cho cung nhân ra sức ngăn cản.

"Để ta gặp bệ hạ"

"Bệ hạ đang bận. Xin người ngày mai hãy đến"

"Không. Ta muốn gặp Trần Cảnh ngay bây giờ. Trần Cảnh. Trần Cảnh ra đây gặp ta!"

Cung nhân thấy thế cũng mặc kệ nàng.

Một lúc lâu sau, cửa mở, một người phụ nữ xuân ý phơi phới điềm đạm bước ra. Người đó không ai xa lạ mà chính là chị gái nàng, Công chúa Thuận Thiên. Không, từ giờ phải gọi Hoàng hậu Thuận Thiên mới đúng.

"Cảnh ngủ rồi. Có việc gì em cứ bảo chị"

Thấy em gái quấy rầy chuyện vui của mình và Trần Cảnh, Thuận Thiên có chút khó chịu. Trần Cảnh đang nằm bên trong mà em gái cứ nấn ná không chịu đi, Thuận Thiên mất hết kiên nhẫn.

Thuận Thiên đưa tay chỉnh lại y phục, "Có việc thì nói nhanh để chị còn nghỉ ngơi. Bệ hạ sủng hạnh cả đêm, chị cũng mệt rồi".

"Sao chị và mẫu hậu lại làm vậy?!"

Lý Chiêu Hoàng ngàn vạn lần cũng không ngờ tới những người thân thiết nhất lại đối xử với mình như thế này. Nàng nhận ra bản thân chỉ là một kẻ ngáng đường người người muốn loại bỏ, nàng hoàn toàn cô độc, chẳng còn chỗ dựa trên đời, cõi lòng không khỏi quặn thắt.

"Bệ hạ không người nối dõi, em không sinh được con mà cứ mãi chiếm giữ vị trí này, thế là quá bất công với Bệ hạ. Trông thấy Bệ hạ cô đơn quạnh quẽ, chị thật không đành lòng. Thiên Hinh, nếu em giận chị thì cứ giận... nhưng xin em đừng giận mẫu hậu và bệ hạ, họ vô tội... Có trách thì trách em làm Hoàng hậu mà vô sinh, nay chị vì em mà nhận lấy trọng trách, lẽ ra em nên biết ơn mới phải, sao còn trách móc giận hờn"

Cung nhân nghe thấy không khỏi xót xa cho Thuận Thiên. Nàng chỉ nghe theo sắp đặt của bề trên, phượng vị ban cho thì nương theo mà nhận lấy thôi, sao người làm em như Hoàng hậu lại ích kỷ nhỏ nhen quá, còn chẳng biết cảm thông cho chị mình.

"Công chúa Thuận Thiên chắc là đau lòng lắm"

"Ôi, Công chúa thật đáng thương"

Giữa đám đông sụt sùi không ngừng cảm thán, nàng hầu thân cận của Thuận Thiên vẫn bảo trì dáng vẻ trầm mặc, vạt áo đã bị vò đến nhăn nhúm. Chứng kiến mọi chuyện từ đầu đến cuối, nàng từng hoài nghi dao động, cho đến hôm nay, thương xót cùng kính trọng trong nàng gần như biến mất sạch sẽ.

Thuận Thiên tiến tới, ghé sát vào tai em gái thì thầm: "Thiên Hinh, chị vốn là trưởng nữ, không may gả đi sớm mà lỡ mối duyên với Bệ hạ. Bao nhiêu đó năm, chị nhẫn nhục làm tròn đạo hiếu, em không thấy thương chị sao? Chị thiệt thòi đủ đường, còn em cái gì cũng có, muốn gì cũng được. Nay vật hoàn cố chủ, em lại náo loạn không yên. Em không thể ủng hộ chị, không thể trao trả ngôi hoàng hậu cho người xứng đáng hơn sao?"

Lý Chiêu Hoàng sững sờ không biết nói gì. Chị gái khổ sở bao năm, nàng đều biết. Nàng cũng biết phận làm em thì nên nhường, nên bù đắp cho chị. Nhưng đó không chỉ là người đầu ấp tay gối, mà còn là giấc mộng chăm lo muôn dân còn dang dở, hiện tại muốn nàng hai tay dâng cho kẻ khác, cho dù là chị gái đi nữa, nàng sao có thể cam lòng.

"Em gái à, xin hãy yên tâm rời cung đi. Phía Trần Cảnh đã có chị thay em chăm sóc"

Thuận Thiên nghĩ đến lễ thành hôn, lòng khấp khởi mong ngóng. Nàng liếc nhìn Chiêu Hoàng một cái rồi xoay người bỏ vào trong.

Lúc Thuận Thiên quay lại Trần Cảnh đã tỉnh. Nàng e thẹn đến bên, dịu ngoan dụi đầu vào lồng ngực chàng.

"Vừa nãy có ai đến à?"

"Bẩm, là Thiên Hinh ạ"

"Nàng ấy đến làm gì?"

"Thiên Hinh đến tìm Bệ hạ. Thiếp nói Bệ hạ đang ngủ không thể ra gặp mặt, bảo em ấy chờ một chút, em ấy nghe xong không nói lời nào mà bỏ về rồi"

"Ngông cuồng quen thói! Trẫm là vua một nước, không phải con miêu con cẩu nàng ta nuôi dưỡng mà gọi một tiếng liền chạy đến ngay!!"

Thấy Trần Cảnh giận giữ, Thuận Thiên tỏ vẻ hoảng hốt, quỳ sụp xuống mà xin: "Thiên Hinh còn nhỏ dại, cũng chỉ vì nhất thời đau lòng nên mới vậy. Là tại thiếp... tại thiếp không khéo ăn nói mới khiến Thiên Hinh hiểu lầm mà sinh oán hận. Nếu muốn trách muốn trách phạt, xin bệ hạ cứ trách phạt một mình thiếp... đừng trách phạt Thiên Hinh. Nếu bệ hạ trách tội em ấy, thiếp... thiếp sẽ áy náy day dứt lắm"

Thấy ái nhân quỳ trên mặt sàn lạnh lẽo, Trần Cảnh xót xa đỡ dậy rồi ôm vào lòng vỗ về: "Không phải lỗi của nàng. Nàng ta quen được chiều chuộng nên mới vô pháp vô thiên như vậy"

Thuận Thiên trong lòng Trần Cảnh rơi lệ, đôi vai mảnh khảnh run lên như sắp ngã quỵ, "Ngôi vị Hoàng hậu nào phải mong muốn của thiếp, chỉ vì triều thần không ngừng nài nỉ, bệ hạ hết lòng yêu thương, thiếp sao nỡ cô phụ tấm lòng mọi người"

Trần Cảnh hôn lên trán nàng, nhỏ giọng an ủi: "Trẫm biết, Trẫm biết, nàng là người nội tâm sâu sắc, lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho người khác mà quên mất bản thân, thôi đừng khóc nữa, thấy nàng khóc Trẫm đau lòng lắm"
----------------------------------------------------
Chiêu Hoàng bất lực buông tay, chấp nhận trở thành vật hy sinh để thành toàn cho bọn họ nhưng thật ra bà cũng đâu còn sự lựa chọn nào khác. Sau bị phế, Lý Chiêu Hoàng dường như biến mất khỏi sử sách. Có người nói bà sống trong lãnh cung hoặc chuyển tới rừng Báng. Cũng có người nói bà tự sát, bị bức tử trong cung và người được gả cho Lê Phụ Trần là thế thân của bà. Theo Việt Nam đại hồng sử thì sau khi bị phế, Chiêu Hoàng tu tại chùa Trấn Quốc (Hồ Tây). Có thuyết lại nói bà tu tại chùa Vân Tiêu trên sườn núi phía tây Yên Tử, lấy pháp danh là Vô Huyền và ở đó cho đến khi Trần Cảnh tặng bà cho tướng Lê Tần với mong muốn hai bên giám sát và kiềm chế lẫn nhau.

Cùng năm 1237, Trần Liễu lúc này vẫn chưa hay biết gì, thấy vợ con bị em trai "cướp" đi thì giận lắm, liền đem binh ra sông Cái làm loạn.

Trần Cảnh thấy vậy thì khiếp vía, lòng lo lắng không thôi, liền nhân lúc đêm tối mà rời thành, trốn lên núi Yên Tử lánh nạn. Ngay hôm sau, Trần Thủ Độ tức tốc chạy lên núi đưa vua về.

Trần Thủ Độ vừa gặp vua đã liên tục trấn an, "Có thần ở đây, Bệ hạ việc gì phải sợ thằng giặc ấy. Xin Bệ hạ hãy yên tâm theo thần quay về"

Trần Cảnh trong lòng vẫn còn lo sợ, cứ ngần ngừ viện cớ, "Trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng nặng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc"

Trần Thủ Độ lại tiếp tục nài nỉ, "Đất nước một ngày không thể không có vua, xin Bệ hạ tin tưởng thần, lần này cứ quay về trước trước đã. Việc còn lại thần sẽ lo liệu thay, Bệ hạ chỉ cần làm theo, mọi chuyện ắt sẽ êm đẹp như ý muốn"

Trần Thủ Độ thấy Trần Cảnh có vẻ xiêu lòng liền bồi thêm một đòn cuối, hắn hô lớn: "Bệ hạ đã không đồng ý vậy thì.... xa giá ở đâu tức triều đình ở đó!". Sau đó lập tức lệnh cho xây dựng cung điện. Trần Cảnh hoảng hốt, nếu làm ảnh hưởng tăng nhân tu hành chẳng phải tội nghiệt thêm chồng chất hay sao, nghĩ vậy liền đồng ý theo Thủ Độ về cung.

Chuyện vua rời cung rồi trở về diễn ra chớp nhoáng như thế, khả dĩ còn điều khuất tất. Nếu vua một mình trốn đi, Trần Thủ Độ lập tức lên núi tìm, tình huống căng thẳng, gấp gáp như vậy thì thời gian đâu mà ghi nhớ hay mang theo quan văn chép lại. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng lời nói và sự việc diễn ra hôm ấy khả năng cao là lời kể từ một phía của Trần Thủ Độ.

Hai tuần sau, quân Trần Liễu thất thế, binh lính chết càng lúc càng nhiều. Trần Liễu bèn giả làm người đánh cá đến chỗ em trai xin hàng.

Thấy Liễu xuất hiện, Trần Cảnh ngầm trao đổi ánh mắt với Thủ Độ. Khi thời cơ đến, Thủ Độ chuẩn bị động thủ, Trần Cảnh lấy thân mình che cho anh. Thủ Độ thấy Trần Liễu căm hận nhìn mình đăm đăm, bất lực quăng gươm đi: "Ta chỉ là con chó săn thôi. Đâu biết anh em các ngươi thuận nghịch thế nào". Lời buột miệng nói ra nhưng ý tứ rõ ràng. Ta chỉ là một con chó làm theo lệnh, chuyện gia đình các ngươi, ta làm sao biết được. Trần Liễu không phải kẻ ngu ngốc, ông hiểu ẩn ý bên trong câu nói ấy nhưng vẫn không dám tin.

Thủ Độ tha mạng cho Trần Liễu. Không phải vì hắn mà vì họ nghĩ nếu làm vậy, Trần Cảnh sẽ được tiếng rộng lượng nhân từ. Nhỡ mai này Liễu có làm loạn thì cũng mang tiếng lấy oán báo ân, dân chúng chẳng còn ai ủng hộ nữa. Quả thật mọi chuyện diễn ra đúng như dự liệu. Trần Liễu về sau chỉ có thể một mình gặm nhấm nỗi căm hờn chứ chẳng thể làm gì được.

Để vơi bớt cảm giác tội lỗi, vua Trần Cảnh ban cho Trần Liễu đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Bang làm ấp Tam Mộc. Do vậy mà Trần Liễu có hiệu là Yên Sinh Vương. Binh lính theo Liễu làm loạn ở sông Cái đều bị xử tử.

Ngày 1 tháng 4 năm 1237, Thuận Thiên Hoàng Hậu sinh Trần Quốc Khang. Vì bà mang thai khi đang là vợ của Trần Liễu nên sử ghi là con trai của Trần Liễu bị Trần Cảnh mạo nhận. Dù sao thì cả gia đình cũng đã đoàn tụ, có ghi thế nào cũng không quan trọng. Vả lại nếu ghi rõ là con của Trần Cảnh, há chẳng phải càng bị hậu thế chê trách hay sao.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip