Hồi V: Người ở lại
Hay tin Thuận Thiên mất, Trần Liễu bật lên tiếng cười chua chát. Bao năm chứng kiến Thuận Thiên và Trần Cảnh phu thê ân ái, con đàn cháu đống. Nghĩ lại vở kịch năm xưa, hoá ra chỉ có ông là không biết gì. Từ Phụng Càn (tuân mệnh trời) trở thành An Sinh (yên ổn mà sống). Cả cuộc đời oan khuất, khi giành lại vợ cũng bị gán tội mượn cớ cướp ngôi. Thắng làm vua, thua làm giặc. Nay ông đã thua rồi, đành mặc cho kẻ thắng bày bố, thêu dệt thôi.
Nhớ ngày trước ông từng mấy bận vào cung thăm Quốc Khang. Nhìn thằng bé càng lớn càng giống em trai mình, nhất là phần miệng và xương chân mày. Cộng với thái độ giấu diếm, né tránh của Thuận Thiên khiến ông lờ mờ đoán ra. Sau này ông không vào thăm Quốc Khang nữa.
Đứa con trai ông có với hoàng hậu Thuận Thiên, Trần Doãn, vì sợ hãi chồng mới của mẹ và Thái sư Thủ Độ mà mang cả nhà trốn sang nước Tống, mới chạy được nửa đường thì bị bắt về, sống chết không rõ. Cuộc đời Trần Liễu chỉ còn niềm hy vọng duy nhất là cậu con trai Quốc Tuấn. Thấy Quốc Tuấn tư chất thông minh, Trần Liễu đi khắp nơi tìm thầy dạy, ra sức bồi dưỡng.
Trần Thủ Độ và Trần Cảnh thấy vậy thì quan ngại lắm, bèn tìm cách chia tách hai cha con. Vua giữ Quốc Tuấn lại kinh thành, giao cho Thụy Bà công chúa nuôi dưỡng. Cha mẹ còn sống sờ sờ mà không được kề cạnh, lại nương nhờ người khác. Chẳng phải đã trở thành con tin hay sao.
Năm 1251 có ghi chép: trước lúc lâm chung, Trần Liễu gọi Quốc Tuấn đến mà dặn dò: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt". Sự kiện này có chỗ bất hợp lí vì Trần Liễu không thể ngu ngốc tới mức nói lời phản nghịch trước mặt nhiều người để mà truyền ra ngoài rồi được chép lại. Lời căn dặn có thật hay chỉ là bịa đặt để Trần Liễu mang tai tiếng? Để ông và con cháu trở thành phản loạn trong mắt người dân? Cho triều đình một cái cớ trừ bỏ, từ đó dòng Vạn Kiếp phải sống trong lo sợ mà quy thuận, cống hiến cho triều đình.
Trần Quốc Tuấn về sau đem lòng mến mộ Công chúa, lại nhận giáo dục của triều đình nên ngoan ngoãn thần phục. Di nguyện của Trần Liễu vì vậy mà không thể hoàn thành. Nhưng cũng nhờ vậy mà nhà Trần tồn tại 175 năm, dân chúng không rơi vào cảnh chiến loạn, thù trong giặc ngoài.
Tuy dòng Vạn Kiếp luôn trung thành với nhánh Thăng Long nhưng lòng vua vẫn không yên, nhiều lần dùng tới Đạo pháp của Đạo gia, mượn thuật trấn yểm long mạch để giữ vững cơ đồ. Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử địa dư có ghi, năm Mậu Thân (1248), Thái Tông sai các phong thủy sư đi xem núi sông khắp cả nước, nơi nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, bao gồm đào sông Bà, sông Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa, lấp các khe ở kênh mở đường thì nhiều không kể nổi. Núi Chiêu Bạc được cho là núi Chiếu Sơn, huyện Nga Sơn. Sông Bà ở huyện Đông Sơn. Sông Lễ (sông Mã), chảy từ Lão Qua, hợp lưu với sông Lương, cùng chảy ra biển.
Dù nhiệt tình đào, đục, lấp, nhưng yểm làm sao hết. Ngô Sĩ Liên có lời bình, núi sông tồn tại sánh ngang trời đất, trước cả con người, vận số không ngừng luân chuyển từ Nam chí Bắc sinh ra thánh nhân, hiền tài, âu đều là số cả. Thời vận lúc thịnh lúc suy liên can gì đến núi sông? Nếu nghĩ có thể lấy phép thuật trấn áp núi sông, thì khi khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có phép thuật nào trấn áp được?
Đại Nam quốc sử diễn ca phê phán tư tưởng mê tín này của vua:
Tin lời phong thủy khi tà.
Đào sông đục núi cũng là nhọc thay!
Thuận Thiên qua đời, Trần Cảnh tiếc thương khôn xiết quyết không lập hậu. Ông theo lời thề với Thuận Thiên và mong muốn của Trần Thủ Độ mà tặng Chiêu Hoàng cho tướng Lê Phụ Trần. Dân chúng buông lời chê bai: "Trách người quân tử bạc tình. Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao".
Trần Cảnh tự thấy bản thân sống không hổ thẹn, cần chi để ý miệng lưỡi người đời. Thuận Thiên mới là người sinh cho ông những đứa con tài giỏi, cho ông một gia đình viên mãn, hạnh phúc. Dù duyên phận ngắn ngủi, nhưng ông đã sống trọn vẹn tình yêu với ái thê, chở che cho bà đến khi lìa đời.
Sau khi hoàn thành lời hứa với Thuận Thiên, Trần Cảnh nhường ngôi cho Trần Hoảng rồi bước vào con đường tu tập. Một lòng cầu mong cơ nghiệp nhà Trần vững mạnh trường tồn. Lại nguyện kiếp sau lại được cùng Thuận Thiên nên duyên vợ chồng.
Ngày 4/10/1277 (âm lịch), Trần Cảnh qua đời, hưởng dương 59 tuổi. Ông được chôn cạnh ái thê tại Chiêu Lăng thuộc phủ Long Hưng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay).
Tuy Thuận Thiên được hợp táng với Trần Cảnh, nhưng dân chúng lại muốn bà trọn đạo với người chồng đầu là Trần Liễu nên tự ý lập miếu thờ bà cạnh đền thờ ông tại ấp A Sào (hiện tại là xã An Thái, Quỳnh Phụ, Thái Bình).
Tháng 3 năm 1278, một năm sau cái chết của Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng qua đời. Dân gian kể lại, bà buộc đá vào chân rồi trầm mình xuống sông tự vẫn. Chiêu Hoàng được an táng ở bìa rừng Báng (khu vực phía tây Thọ Lăng Thiên Đức) và được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng).
Hậu thế thường nhắc đến Chiêu Hoàng và Thuận Thiên như một cặp chị em thân thiết nhưng tình chị em sâu cạn ra sao chỉ hai người biết được. Thuận Thiên về nhà chồng từ sớm, đôi lúc chạm mặt nhau nhưng không trò chuyện nhiều do quan điểm bất đồng. Bà xem Trần Thủ Độ và nhà Trần như giặc, còn chị gái bà từ lâu đã xem bản thân là người họ Trần rồi.
Từ sau khi bị phế, Chiêu Hoàng không gặp lại hai người Cảnh Thiên nữa. Dăm bữa nửa tháng lại có nội thị quan vâng mệnh Thuận Thiên đến báo tin. Chủ yếu là về chồng và chị bà lại có thêm con, tình cảm phu thê ân ái ra sao, hơn lúc ăn ở với bà như thế nào.
Ban đầu Chiêu Thánh còn giận, muốn vào cung thì bị lính canh chặn cửa, nhờ truyền lời đến Trần Cảnh thì cung nhân của Thuận Thiên ém nhẹm cả.
Thuận Thiên qua đời, Trần Cảnh cũng không gặp lại Chiêu Hoàng. Dù gì hai người họ vốn là hôn nhân chính trị, nay ngôi báu đã về tay, đại công cáo thành, không cần thiết phải gặp mặt nữa. Huống chi ông đã hứa với Thuận Thiên rồi.
Năm Chiêu Hoàng 40 tuổi, Trần Thái Tông Trần Cảnh ban thưởng bà cho công thần Lê Phụ Trần. Vừa để cố thê Thuận Thiên an lòng, vừa làm đẹp lòng Trần Thủ Độ và giám sát kiềm chế Lê Phụ Trần. Một mũi tên trúng ba đích.
Chiêu Hoàng nhận được chiếu ban hôn cùng bức thư của Trần Cảnh. Từng câu từng chữ khiến bà lạnh lòng. Trong thư, Trần Cảnh thắm thiết nói tất cả vì muốn tốt cho bà, khuyên bà nên vì đại cục mà chấp thuận hôn sự, để hắn có thể an lòng.
"Cảm tạ ân điển của Bệ hạ".
Lệnh vua khó cãi, Chiêu Hoàng chỉ còn biết thuận theo.
Chiêu Hoàng trở thành vợ Lê Phụ Trần. Một lần đổ bệnh, bà được chồng mời thầy đến khám. Nhờ vậy mà biết được nguyên do đứa con đầu Trần Trịnh chết yểu và chứng vô sinh năm nào.
Những kẻ có liên quan đã qua đời gần hết rồi, muốn đối chất gì cũng vô dụng. Thôi thì nợ nghiệp kiếp này, kiếp sau lại trả vậy.
Sau này Chiêu Hoàng sinh cho Lê Phụ Trần hai người con là Lê Tông và Ngọc Khuê. Sự ra đời của hai đứa trẻ như tát thẳng vào mặt những kẻ từng dùng chứng vô sinh làm cái cớ để phế bỏ bà.
Tháng 3 năm 1278, một năm sau cái chết của Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng cũng qua đời. Cuộc sống về sau của bà có thật sự hạnh phúc không, đời sau mãi mãi không biết được.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip