Lời nói đầu (MUST READ)
Nếu bạn đang tìm kiếm:
- Trần Cảnh yêu Chiêu Hoàng
- Ngọc Oanh mất vì nhớ thương chồng cũ Trần Liễu và cảm giác tội lỗi với em gái
- Lý Chiêu Hoàng dâm cuồng, tự xin ban hôn
- Lý Chiêu Hoàng bị vô sinh, Thái tử Trần Trịnh, Lê Tông và Lê Thị Ngọc Khuê không phải con bà
- Trần Liễu dùng việc cướp vợ làm cớ để cướp ngôi em trai
- Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung phản diện toàn phần
Tác phẩm này không dành cho bạn, tác giả đã cảnh báo trước.
Dưới đây là luận điểm được tổng hợp từ ý kiến của team tác giả và góp ý của các anh chị, các bạn thành viên. Luận điểm có thể gây tranh cãi, cẩn trọng trước khi xem.
Đầu tiên, truyện không bi kịch Ngọc Oanh hay Trần Cảnh, càng không lãng mạn cuộc hôn nhân chính trị trẻ con giữa Trần Cảnh và Chiêu Hoàng, cũng như của Lý Ngọc Oanh và Trần Liễu. Truyện chỉ đang cố gắng lý giải những điểm bất hợp lý và những sự trùng hợp trong vở kịch cướp vợ.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có đề cập việc Trần Trịnh, con trai của Trần Cảnh và Chiêu Hoàng mất vào Quý Tỵ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 (Tống Thiệu Định năm thứ 6). Sau đó trong 4 năm trời Chiêu Hoàng mãi không sinh được con và bị phế bỏ vào Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 (Tống Gia Hy năm thứ 1). 4 năm là một khoảng thời gian dài, nếu muốn mạo nhận con của Ngọc Oanh thì tại sao không nhân lúc Ngọc Oanh mang thai Doãn mà phải đợi đến khi Ngọc Oanh mang thai Quốc Khang mới đột ngột có ý định cướp vợ đoạt con.
Trong truyện không nạn nhân hoá Trần Cảnh và Lý Ngọc Oanh. Nhìn vào các ghi chép lịch sử sẽ thấy cách Trần Cảnh đối xử với Ngọc Oanh và Chiêu Hoàng hoàn toàn khác biệt. Ngọc Oanh trọn vẹn vinh sủng, tôn kính. Bà là người sinh nhiều con nhất cho Thái Tông, sau khi chết được truy phong Thái hậu. Về phía Chiêu Hoàng, từ Vua thành Hoàng hậu, sau đó giáng làm Công chúa. Bà gần như biến mất sau khi bị phế, đến khi 40 tuổi thì bị ban thưởng cho Lê Phụ Trần. Sự kiện để lại tai tiếng, khiến Chiêu Hoàng bị chỉ trích. Một vị vua không thể không biết đến điều này. Một người chồng có tình có nghĩa sẽ tốn tâm tư, làm mọi thứ để bênh vực, bảo vệ danh tiếng cho người vợ đầu ấp tay gối.
Về phần Lý Ngọc Oanh, người được xem là nạn nhân trong ván bài quyền lực, thường được khắc họa là người an phận, nết na, nhu mì. Nhưng liệu đây có phải là sự suy diễn quá mức, vì an phận, nhu mì vốn không phải ngoan ngoãn tích cực làm theo lời người khác dù việc đó sai trái về mặt đạo đức. Trên thực tế, người an phận tuy hiền lành nhưng vẫn là người tình nghĩa, có lương tâm và lương tri, sẽ không dễ dàng hành động trái với giá trị đạo đức của bản thân. Khi bị buộc phải làm chuyện trái đạo, họ hiếm khi la lối, làm loạn nhưng sẽ phản kháng theo cách ôn hoà nhất, hoặc chí ít là có phản ứng. Tương tự như Lý Chiêu Hoàng, cùng là phận phụ nữ bị chính sử phớt lờ, nhưng phản ứng đau buồn của bà về việc chồng lấy chị ruột vẫn xuất hiện trong ghi chép khác và lưu truyền dân gian. Trong khi người chị Lý Ngọc Oanh lại dửng dưng dị thường, không bối rối, không chần chừ mà rời bỏ chồng con để lấy và sinh con cho em chồng. Nhiều ý kiến cho rằng im lặng dễ dãi là biểu hiện ngầm đồng ý nhưng không tiện nói ra. Có người cho rằng Lý Ngọc Oanh là người giấu kín tâm tư, nhưng ở đời có hai thứ không thể giấu được, một là cơn ho hai là tình cảm. Tình cảm chị em, mẹ con, vợ chồng có giấu cũng không thể giấu cả đời, trừ khi ngay từ đầu đã không có. Trong sự kiện cướp vợ, Lý Ngọc Oanh vẫn bảo trì một thái độ vô cảm, lạnh lùng. Thái độ này không hề xa lạ mà từng xuất hiện ở người mẹ Trần Thị Dung.
Dân chúng đều có mắt, trừ hoàng tộc thì người trong cung cũng là dân, gặp chuyện trái khoáy bất bình chắc chắn sẽ lưu lại đồn đãi. Vậy vì sao khi đó không hề có một lời đồn đãi nào về thái độ kháng cự hay đau buồn của Lý Ngọc Oanh?
Người an phận, nết na, thương chồng thương con thương em trong trường hợp không có sự lựa chọn, họ có thể sẽ làm theo nhưng sẽ giữ khoảng cách nhất định, né tránh chuyện chăn gối và chỉ sinh đủ theo trách nhiệm rồi dừng lại, giữ sự thân thiện ở mức tối thiểu chứ khó mà hăng hái, nhiệt tình đến mức đều đặn ăn nằm và sinh con cho em rể trong bối cảnh ngai vàng đã ổn định, hậu cung thê thiếp thành đàn, chồng con và em gái ruột đang đau lòng khổ sở và bản thân đã hoàn thành nghĩa vụ sinh hạ một người thừa kế và một hoàng tử dự phòng. Lần 1 lần 2 có thể biện hộ là ép buộc, nhưng tới lần thứ 6 còn có thể là ép buộc nữa không?
Liệu rằng sự cam chịu, tủi hổ của Lý Ngọc Oanh và Trần Cảnh được tô vẽ thêm cho hợp quy chuẩn đạo đức. Thiên kiến người hoàng tộc luôn là những người đáng kính, cao quý, đại diện cho đạo đức quốc gia khiến việc đối diện với sự thật trở nên quá mức khó khăn. Chẳng ai muốn một sự thật khó chịu làm thế giới quan về luân lý đạo đức của họ sụp đổ. Vì vậy, lựa chọn né tránh nhìn thẳng vào hành động thực tế khi đó, bác bỏ sự phức tạp của nhân tâm mà tin vào ảo tưởng êm đẹp như một cách tự bảo vệ vì điều đó dễ tiếp nhận và ít gây tổn thương về mặt tinh thần.
Một số tình tiết như Lý Ngọc Oanh mất sớm vì uất ức trầm cảm, bà xin Trần Cảnh gọi mình là chị và xin được chôn cùng Trần Liễu sau khi chết hoàn toàn là tình tiết sáng tạo của một truyện dã sử khác, không phải sự thật. Trên thực tế, dân chúng trọng đạo vợ chồng trước sau nên mới tự ý làm vậy. Vui lòng không tiêu chuẩn kép, lấy dã sử miệt thị dã sử.
Trong truyện này, cái chết của Thuận Thiên Hoàng hậu Lý Ngọc Oanh sẽ được lý giải theo góc nhìn khoa học. Lý Ngọc Oanh đơn giản là qua đời vì lý do sức khoẻ do sinh nhiều và liên tục, lúc này bà đã 32 tuổi, khả năng cao là mắc bệnh hậu sản như băng huyết, nhiễm khuẩn hậu sản, tiền sản giật sau sinh hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, thời gian các con bà ra đời san sát nhau nên nguyên nhân có thể do quan hệ vợ chồng quá sớm, khi cơ thể sau sinh chưa được phục hồi hoàn toàn làm gia tăng chảy máu và nhiễm trùng. Và việc này lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến bệnh trở nặng và qua đời.
(Nguồn: Bệnh viện đa khoa Phương Đông)
Việc đời sau cố bi lụy hóa cuộc đời Hiển Từ Thuận Thiên Thái hậu xuất phát từ hiện tượng tâm lý phổ biến: the halo effect of death hay còn gọi là hiệu ứng hào quang sau khi chết. Đây là một dạng đánh giá chủ quan dành cho người đã khuất, đặc biệt là trường hợp chết trẻ, ít thông tin để lại. Theo đó, con người có xu hướng thể hiện sự thương hại bằng cách chối bỏ cuộc đời thực tế và bi kịch nó lên. Trong trường hợp này là lờ đi những hành động thực tế mà đưa ra giả thuyết tâm bệnh.
(Nguồn: The Halo Effect in Overdrive , Psychology Today, viết bởi Kayla Causey and Aaron Goetz vào 2/7/2009)
Số lượng con, quyền lực, phong vị và mối quan hệ hài hoà với chồng con là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự sủng ái tột cùng của Trần Cảnh dành cho bà. Cũng như chứng minh cơ thể và tâm lý Thuận Thiên hoàn toàn khoẻ mạnh, hạnh phúc trong suốt khoảng thời gian làm vợ Trần Cảnh. Một người u uất, trầm cảm thường sẽ gặp vấn đề với giấc ngủ, ăn uống, mất cân bằng hóoc-môn dẫn đến việc mất hứng thú trong việc chăn gối, khó đậu thai, dễ xảy thai hoặc sinh non, sức khoẻ đứa trẻ gặp vấn đề, mối quan hệ với chồng con xa cách, bất hoà. Những điều này tương ứng với miêu tả về Chiêu Thánh và trái ngược hoàn toàn với miêu tả về Thuận Thiên, một người sinh nở thành công 6 lần liên tiếp trong 11 năm. (Nguồn: How Infertility and Depression May Influence Each viết bởi Rebecca Joy Stanborough, MFA vào 30/03/2022, đã được kiểm chứng y khoa)
Thuận Thiên và Trần Cảnh sinh hoạt đều đặn, sinh nhiều và liên tục, hoàn toàn vượt xa mong muốn của Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Con cái khoẻ mạnh, tài giỏi, mối quan hệ giữa cha mẹ và con, giữa các anh em đều gần gũi, thân thiết. Phải chăng ta nên suy ngẫm lại về một giả định phổ biến: Thuận Thiên nhớ thương Trần Liễu, cảm thấy tội lỗi với em gái nên sống trong uất ức trầm cảm mà chết trẻ.
Đây là truyện ngắn dã sử dựa theo những điều được sử sách ghi chép. Các chi tiết được tham khảo dựa trên các nguồn dưới đây:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sĩ Liên biên tập
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
- Các Công chúa và Phi hậu nhà Trần
- Ngọc phả hệ bảo tích vương triều nhà Trần
- Việt Sử Tiêu Án
- Việt giám thông khảo tổng luận
- Việt Nam đại hồng sử
- Các tác phẩm do Trần Thái Tông biên soạn như Khoá Hư Lục, Thiền Tông Chỉ Nam Ca, v...v...
Ngoài ra có tham khảo từ báo chí và web thông tin chính thống được nhắc đến dưới phần bình luận chương Trời Trao Duyên, ý kiến, ghi chép, nhận định được lưu hành trong dân gian và các tác phẩm do Trần Thái Tông biên soạn để có cái nhìn toàn vẹn.
⚠️ Cảnh báo cuối dành cho độc giả vãng lai, ngoài hội nhóm
Đọc tới đây vẫn lựa chọn đọc tiếp đồng nghĩa với việc độc giả không có ý kiến với điều đã được cảnh báo và có đầy đủ nhận thức bản thân sẽ đọc những gì.
Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip