Chương 2 - Cá Đuôi Đỏ

Ngoài cửa sổ phòng tôi có một cây hồng, do chủ nhà trước trồng, giờ nó lớn um tùm, cành lá gần như chạm vào cửa sổ.

Anh tôi nói, đợi đến khi hồng chín, đổi sang màu vàng cam nhìn sẽ càng đẹp hơn.

Từ đó, tôi bắt đầu mong tới mùa thu.

Hôm ấy, nửa đêm anh tôi dậy đi vệ sinh, vô tình nhìn thấy một rổ táo xanh trong sân. Anh chỉ cho là tôi với Tề Nhị Cẩu nghịch ngợm, sáng hôm sau khi đánh răng còn lẩm bẩm mắng tôi mấy câu:

"Táo còn xanh lè thế kia, giờ hái về cũng chẳng ăn được. Lần sau nói chuyện cho đàng hoàng với Tề Nhị Cẩu, đừng giận hờn lung tung ."

Nghe anh nói, tôi không phản bác.

Lúc ấy, tôi đã mơ hồ đoán được vì sao Tề Nhị Cẩu cứ chờ mãi không hái. Có lẽ cậu ấy muốn đợi đến khi những quả táo chín đỏ, nhìn ngon mắt, rồi mới mang đi tặng cô bé cậu ấy thích.

Mang thứ xấu xí, non nớt ra tặng người ta, đúng là chẳng ra làm sao.

Nên khi anh tôi nhắc tới chuyện đó, tôi chẳng dám nói thật. Chỗ táo kia, là tôi hái cho anh ấy.

Ban ngày, Tề Nhị Cẩu bị mẹ ép học bài, chẳng có thời gian ra xem cây táo. Ngược lại, mẹ cậu ấy thì có ra ngoài một lát, vừa hay lúc đó anh tôi đang ở trước cửa xây bậc thềm, hai người trò chuyện vài câu.

Giọng thím Trương - mẹ Tề Nhị Cẩu - rất vang, từng câu từng chữ đều lọt vào tai tôi.

"Hôm nay không ra trông tiệm à?"

Anh tôi cười đáp: "Đợi Tiểu Khởi ăn xong rồi qua đó."

Giọng anh khàn khàn, trầm trầm, như thể ngâm trong nước.

Thím Trương cảm thán: " Ôi dào, học giỏi đúng là sướng thật, không phải đi học thêm. Ước gì thằng Nhị Cẩu nhà thím được bằng nửa nhà cháu, thì thím đâu phải bỏ tiền thuê người dạy thêm nữa."

Anh tôi khiêm tốn: "Nó đầu óc cũng bình thường thôi, chẳng qua chịu khó."

Tôi dọn dẹp xong, đi ra ngoài. Thím Trương thấy tôi liền gọi:

"Tiểu Khởi mới thi xong phải không? Chắc kiến thức cấp hai vẫn chưa quên nhỉ? Có thể kèm giúp cho thằng Nhị Cẩu nhà thím được không?"

Tôi không trả lời, chỉ cúi đầu nhìn những đường gân xanh nổi trên mu bàn tay anh tôi. Anh hơi do dự. Dù sao hè này anh còn định lên công trường làm việc, mà nhà thì vẫn phải có người trông tiệm.

Thím Trương lại nói với anh tôi:

"Không để nó dạy không đâu, thím trả tiền cho Tiểu Khởi ."

Tôi đáp: "Cháu phải ở nhà trông tiệm."

Tôi ngồi xổm xuống, cố giữ thăng bằng với anh, trong đầu thầm nghĩ: Nếu để Tề Nhị Cẩu biết tôi hái hết táo, đừng nói kèm học, tôi có quỳ xuống nhận tội thì cậu ấy cũng sẽ giết tôi mất.

Thím Trương vẫn không buông:

"Anh cháu làm công trường cũng đâu phải ngày nào cũng đi. Hôm nào anh ấy đi, cháu trông tiệm, hôm nào ở nhà, cháu kèm cho thằng Nhị Cẩu. Coi như luân phiên, thế nào?"

Bà ấy nói chuyện nhỏ nhẹ, đầy thiện ý.

Tôi nhíu mày nhìn anh, anh cũng quay sang nhìn tôi.

Thím Trương biết ý, cười: "Hai anh em cứ bàn bạc đi, xong thì nói với thím."

Trời oi bức, áo phông của anh tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi cầm quạt phe phẩy cho anh, anh ngẩng đầu nhìn tôi, đúng lúc mồ hôi trên trán nhỏ vào mắt. Tôi muốn đưa tay lau giúp, nhưng bị cánh tay anh giơ lên cản lại. Anh tự lau, rồi hỏi tôi:

"Em nghĩ sao?"

Khóe mắt anh ửng đỏ vì mồ hôi, tôi ngẩn người nhìn mấy giây, rồi cúi đầu:

"Làm vậy, anh sẽ chẳng còn lúc nào được nghỉ ngơi."

Anh cười, nụ cười dịu dàng như một người mẹ:

"Lắp cái ghế nằm trong tiệm, chẳng phải vẫn nghỉ được sao."

Có thể vì không tiện từ chối hàng xóm, cũng có thể anh muốn tôi tranh thủ hè kiếm ít tiền tiêu vặt.

Hoặc cũng có thể là cả hai.

Tôi gật đầu: "Được."

Xây xong bậc thềm, anh đứng dậy, quẹt vết vôi lên quần, rồi dùng một tay còn sạch xoa xoa đầu tôi:

"Đi ngủ trưa đi, lát ra tiệm thay anh."

Phòng tôi có cái quạt máy cũ, loại có thể quay đầu, để trên cái bàn gỗ nứt nẻ, đối diện giường và bàn học. Mỗi lần quạt quay, tiếng kêu lạch cạch vang lên, chậm chạp, giống tiếng ghế tre của mấy ông cụ ngồi hóng mát ngoài đường.

Lúc Tề Nhị Cẩu đến tìm tôi, anh tôi vừa đi khỏi. Cậu ta đứng ngoài sân, đập cửa rầm rầm.

"Tống Khởi, Tống Khởi, đang ngủ trưa à?"

Tôi sợ cậu ta đến hỏi tội chuyện giỏ táo, liền chui tọt vào chăn, trùm kín đầu.

Ai ngờ cậu ta chẳng gõ nữa, mà trực tiếp mở cửa sổ gọi:

"Tống Khởi, dậy đi, tôi có chuyện tìm cậu!"

Tôi thầm nghĩ, tôi biết thừa là cậu có chuyện gì.

Cậu ta đập vào khung cửa:

"Mẹ tôi nói với cậu chuyện dạy thêm rồi phải không?"

Thì ra là chuyện đó.

Tôi lôi chăn khỏi đầu, uể oải đáp:

"Ờ, có nói."

Cậu ta giục:

"Ra mở cửa cho tôi."

Tôi lười ra ngoài:

"Không khóa, tự vào đi."

Cậu ta biến mất khỏi cửa sổ, liền sau đó là tiếng mở cửa. Tôi dậy đóng cửa sổ, cậu ta đã nằm phịch lên giường tôi, miệng than thở:

"Nóng chết mất thôi."

Cậu ta vén áo phông kẻ sọc, để lộ bụng phẳng lì. Tôi im lặng một lúc, quyết định thú tội:

"Tôi hái hết táo rồi."

Tôi hơi lo cậu ấy sẽ hỏi lý do.

Nhưng cậu ta chỉ thở dài, vẻ chán nản:

"Hái thì hái, dù sao giờ tôi cũng chẳng cần nữa."

Tôi bất ngờ:

"Không phải cậu định hái tặng cô gái cậu thích à?"

Cậu ta ngồi dậy, gió làm áo cậu ta phồng lên, vẻ mặt có chút mệt mỏi, uể oải:

"Cô ấy nói... không thích mấy thằng lưu ban."

Tôi gật gù, lý do nghe cũng hợp lý.

"Vậy nên tôi muốn cậu kèm học cho tôi."

Cái cô bé kia chắc làm Tề Nhị Cẩu tổn thương không nhẹ, đến mức cậu ta giờ còn tự giác đòi học.

Tự dưng tôi thấy chúng tôi thật buồn cười. Cả hai cứ quanh quẩn với cây táo ấy, tràn đầy niềm tin.

Kết quả: Một người còn chưa tặng đã bị từ chối, một người thì chẳng dám nói ra.

Tôi cũng chẳng hơn cậu ta là mấy.

Tôi với tay tắt quạt:

"Đợi hai ngày nữa, tôi bắt đầu dạy. Học một ngày nghỉ một ngày, về báo mẹ cậu đi."

Tề Nhị Cẩu thấy tôi ra cửa:

"Đi đâu đấy?"

"Ra trông tiệm."

Cậu ta đứng dậy:

"Tôi đi với."

Lúc tôi khóa cửa, cậu ta còn lải nhải:

"Lần này tôi nhất định thi đậu trường điểm của huyện."

Cậu ta vỗ vai tôi:

"À mà đúng rồi, mẹ tôi nói một tuần trả cậu ba trăm, dạy hai tháng."

Tôi chưa từng tự kiếm được đồng nào, nhưng cũng biết ở cái thị trấn nhỏ này, học thêm ngoài tầm 20 ngày mà được 500-600 đã là cao.

Tính ra, mẹ cậu ta chịu chi thật đấy.

"Tôi phục mẹ cậu thật."

Tề Nhị Cẩu hếch mặt khinh khỉnh:

"Có gì đâu, ba tôi ngoài kia kiếm bộn tiền, số tiền ấy chẳng là gì."

Nói rồi cậu ta nhớ ra điều gì, ghé sát:

"Cậu còn nhớ ông già ngồi ở gần cái giếng đối diện cửa hàng gạo dầu không?"

Tôi nheo mắt, như nhớ như không:

"Sao?"

Cậu ta giơ ngón cái, ra vẻ thần bí:

"Ông ấy nói anh cậu, sau này có số giàu sang phú quý."

Tôi ngạc nhiên, anh tôi đâu giống người tin mấy chuyện mê tín:

"Anh tôi đi xem bói à?"

Tề Nhị Cẩu lắc đầu:

"Không, anh cậu chỉ đi ngang qua thôi. Tôi nói cho cậu biết, ông già ấy xem chuẩn lắm. Năm kia, ông ấy bảo ba tôi đi làm ăn, kết quả ba tôi kiếm được một mớ tiền. Còn nói nhà tôi không được chuyển đi đâu, rễ đã cắm ở đây rồi, nếu muốn dọn đi thì cũng phải đợi tôi trưởng thành."

Bảo sao nhà cậu ấy nhìn không giống dân nghèo trong ngõ.

Tôi tin anh tôi sẽ giàu có, không cần thầy bói nói tôi cũng tin. Có những niềm tin, chẳng cần lý do.

Trên đường đến tiệm không đi ngang qua cửa hàng gạo dầu, leo lên mấy bậc thềm làm tôi thở dốc. Ngẩng đầu nhìn, cái bóng lưng hơi còng của anh tôi lại hiện lên trong đầu.

Anh tôi, lão đầu ngốc nhà tôi.

Tôi bật cười.

Vừa vào tiệm, quả nhiên anh đang ngủ, nằm trên ghế bập bênh, mặt phủ tờ báo mượn từ hàng xóm.

Tề Nhị Cẩu cười hì hì, giật tờ báo trên mặt anh tôi:

"Lập ca, tiệm bị trộm rồi!"

Anh tôi vẫn còn mơ màng, mở mắt ra thấy là Tề Nhị Cẩu, liền đưa tay vỗ mông cậu ta một cái. Mu bàn tay anh nổi rõ những đường gân xanh, chạy dọc lên cánh tay như mấy đường bờ biển trên bản đồ.

Tôi khẽ run hàng mi, tiến lại gần:

"Anh, ngủ thêm lát đi."

Anh nhặt tờ báo nhét vào khe bàn:

"Không sao, nghỉ đủ rồi."

Anh lại giơ tay xoa đầu tôi:

"Sao tới sớm vậy, không ngủ trưa à?"

"Không."

Cách ngoại ô thị trấn hai dặm, đang sửa lại đường lớn. Công nhân đều là người trong thị trấn, trong đó có anh tôi.

Mọi người đi ngang qua nhà tên quản công lần trước, ai cũng cười mỉa:

"Lần này làm cho nhà nước, chắc chẳng còn chuyện quỵt lương đâu nhỉ!"

Nhà họ Trần vốn có tiếng là tay anh chị , còn có quan hệ với đồn công an, đó cũng là lý do lần trước anh tôi đòi tiền không được, còn bị đánh.

Mấy anh thợ qua trước tiệm nhà tôi, gọi to:

"Tiểu Tống!"

Anh tôi cầm chiếc mũ lưỡi trai đội lên, quay đầu nói với tôi:

"Chờ anh về, tối nay sẽ nấu cơm cho em."

Anh tôi, không những trẻ trung lại lanh lợi thông minh, tốt tính, ai cũng muốn làm bạn.

Anh gầy, nhưng đứng đâu cũng không thấy lạc lõng.

Tôi luôn cảm giác, anh như một ông Phật sống, đi đến đâu cũng cười hiền, nhất là với tôi, chưa bao giờ so đo thiệt hơn.

Trong cái thị trấn nhỏ này, ai cũng biết anh thương tôi, chỉ là không ai biết... chúng tôi không phải anh em ruột.

Tôi quay đầu, thấy Tề Nhị Cẩu đang chăm chú nhìn con cá trong bể, là con cá đuôi đỏ mà cửa hàng cá cảnh tặng hôm khai trương.

Anh tôi còn chi tiền mua một cái bể thật đẹp, đằng sau bể là mớ đồ lặt vặt, phía trên đặt một thùng giấy màu xanh.

Từ góc nhìn của chúng tôi, cả bể cá như tràn ngập màu xanh, con cá đuôi đỏ uốn lượn như đang bơi trong biển cả.

Tề Nhị Cẩu lặng lẽ nhìn, tôi cũng cúi xuống theo. Cậu ta hỏi:

"Tống Khởi, cậu từng thấy biển chưa?"

"Tôi thấy trong tranh minh họa rồi."

Cậu ta định nói gì đó châm chọc tôi, nhưng khi quay đầu nhìn, thấy ánh mắt tôi rất nghiêm túc:

"Đẹp không?"

Tôi gật đầu:

"Màu xanh, rất đẹp, còn có sóng."

Cậu ta lại nhìn vào con cá, ánh sáng từ bể chiếu lên mắt, tạo một lớp ánh sáng xanh như nước biển.

Cậu ta thì thầm:

"Tôi từng nói sẽ dẫn Tiểu Lan đi xem biển."

Tôi mím môi, không trả lời, thầm nghĩ: Đúng là cậu bị cái thứ tình yêu vớ vẩn này làm lú lẫn rồi.

Thấy tôi không đáp, cậu ta bất mãn:

"Cậu không hiểu đâu, Tống Khởi. Cậu chưa từng thích ai cả. Ai cũng sẽ có người mình thích, rồi muốn cùng người ấy đi ngắm biển."

Tôi không im lặng nữa, đưa ngón tay chạm lên mặt kính, lần theo bóng cá đang bơi.

"Vậy tôi đi với anh tôi."

Cậu ta trợn trắng mắt, đứng dậy:

"Cái gì cũng anh cậu, thế giới của cậu ngoài anh cậu ra thì còn ai nữa đâu."

Chuẩn, đúng là vậy. Tôi nghĩ bụng.

Bạn đang đọc truyện trên: TruyenTop.Vip